Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/10/2018

Phong trào trí thức bỏ đảng gia tăng sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật

Tổng hợp

Trí thức, đảng viên kỳ cựu từ bỏ đảng sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật (RFA, 26/10/2018)

Hai trí thức nhiều năm tuổi đảng vừa tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

bodang1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang Courtesy FB Trang Mac Văn

Một trí thức Việt Nam tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào sáng ngày 26/10 tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam sau khi Ủy ban kiểm tra trung ương đảng hôm 25/10 xem xét kỷ luật Giáo Sư Chu Hảo, Giám đốc- Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức và nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng.

Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào ngày 26/10, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho biết nguyên nhân cụ thể của quyết định bỏ đảng như sau :

"Thực ra từ năm 2000, tôi đã thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập- tự do, người dân hạnh phúc ; thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó. Giặc chiếm đảo, biên giới thì không lên tiếng mà nhượng bộ giặc cụ thể là Trung Quốc. Đối với dân thì đàn áp những người đấu tranh đòi quyền sống, đàn áp những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối môi trường bị ô nhiễm … Các trí thức nhiệt tình góp ý kiến, trong đó có tôi, thì không nghe. Nhiều người lên tiếng phản đối thì thậm chí còn bị bắt đi tù".

Giáo sư Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đề nghị kỷ luật với lý do là ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Kết luận của Ủy ban cho rằng nhà xuất bản Tri Thức của Giáo sư Chu Hảo đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lới của đảng và nhà nước, vi phạm luật xuất bản.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhắc lại mong mỏi của những người góp ý với đảng là cần phải thay đổi xã hội ; không thể cứ tiếp tục đường lối học thuyết cộng sản, độc đảng- toàn trị. Phải thay đổi theo hướng đa đảng có cạnh tranh, tam quyền phân lập, xã hội dân sự để cho nhân dân được lên tiếng ; thay đổi đường lối- chủ trương sai lầm để quản lý đất nước, kiểm soát quyền lực.

Phó giáo sư Mạc Văn Trang cho biết còn nhiều đảng viên khác cũng có cùng trăn trở với ông là nên ở lại hay ra khỏi đảng. Dù ở lại hay ra khỏi đảng đều cũng vì lo cho dân, cho dân.

Hành động ra khỏi đảng của ông hiện nay được nói nhằm để hỗ trợ cho Giáo sư Chu Hảo để vị này không thấy bị đơn độc trong công cuộc đấu tranh cho sự phát triển đất nước.

Ngay sau quyết định của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức nổi tiếng khác ở Việt Nam, vào cùng ngày cũng tuyên bố ra khỏi đảng.

"Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay", nhà văn Nguyên Ngọc viết như vậy trên trang facebook cá nhân.

Đánh giá về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc viết : "Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài".

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông đã vào đảng từ năm 1956, đến nay là được 62 năm. Ông viết rằng ông vào đảng vì hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế nhưng "từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước", nhà văn Nguyên Ngọc viết.

Trước đó, ngay vào ngày 25/10, sau khi có tin Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, một trí thức khác là Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với đài Á Châu Tự Do rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một tuyên chiến đối với giới trí thức Việt Nam. Ông cũng cho biết, đã có một số trí thức lên tiếng phản đối với ông ngay sau quyết định này.

*****************

Việt Nam : Nhà văn Nguyên Ngọc từ bỏ Đảng cộng sản (RFI, 26/10/2018)

Hôm 26/10/2018 nhà văn Nguyên Ngọc đã tuyên bố chính thức ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam, sau 62 năm tham gia. Thông tin này đã được nhóm Lão Mà Chưa An công bố trên mạng xã hội.

bodang2

Nhà văn Nguyên Ngọc và Tiến sĩ Chu Hảo (thứ 5 và 6 từ trái sang) trong lễ phát giải văn hóa Phan Châu Trinh ở Saigon ngày 24/03/2018. RFI/Capdevielle

Trong tuyên bố, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đã định ra khỏi đảng từ lâu, nhưng không có ý định gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật Phó giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, ông muốn tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Đảng.

Theo ông, Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo là một trí thức lớn, có công lớn với đất nước và dân tộc, đặc biệt trong công cuộc khai hóa bằng Tủ sách Tinh Hoa của Nhà xuất bản Tri Thức mà ông là Giám đốc. Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, đánh vào những người trí thức yêu nước.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, ông vào Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ năm 1956. Thế hệ ông tự nguyện gia nhập Đảng vì yêu nước, hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã có mặt suốt cả hai cuộc kháng chiến, đều ở chiến trường miền Nam.

Nhưng từ nhiều năm qua, ông nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, "tự diễn biến" thành một tổ chức "chuyên quyền", "phản dân hại nước", và ông không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.

Thụy My

*********************

Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam (RFA, 25/10/2018)

Việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một thông điệp nhắm vào giới trí thức Việt Nam của Đảng Cộng sản.

bodang3

Giáo sư Chủ Hảo Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức - Photo : RFA

Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói như vậy với đài RFA, tối ngày 25/10/2018.

Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường, đảng viên Đảng Cộng sản, vừa bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật với lý do đưa ra là ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Đây là kết luận tại kỳ họp thứ 30 từ ngày 17-19/10 mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố trong ngày 25/10.

Theo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức do Giáo sư Chu Hảo làm Giám đốc đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước, đồng thời vi phạm Luật xuất bản nên đã bị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy.

Những điều đó bị Ban Kiểm Tra Trung Ương cho là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Trong tối ngày 25/10, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người làm việc lâu năm với ông Chu Hảo nói rằng ông không ngạc nhiên về bản án của Đảng Cộng sản dành cho ông Chu Hảo, nhưng ngạc nhiên vì một bộ phận quyền lực trong đảng lại tha hóa đến mức dám kỷ luật một người, đã bỏ nhiều công sức cho việc chấn hưng dân trí Việt Nam, mà theo ông Nguyễn Quang A, chưa ai làm được trong hàng chục năm qua, theo tôn chỉ của Cụ Phan Chu Trinh đề ra từ đầu thế kỷ.

Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận xét rằng trong thông cáo của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra ngày 25/10, tất cả các cán bộ cao cấp bị kỷ luật vì liên quan đến đất đai tiền bạc, trừ ông Chu Hảo, bị kết tội về tư tưởng.

Tiến sĩ Hoàng Dũng còn nhận xét về tội danh chuyển hóa mà Đảng Cộng sản gán cho ông Chu Hảo, ông nói rằng rằng chuyển hóa là điều tất yếu, là điều cần phải có để tiến bộ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc kỷ luật ông Chu Hảo chứng tỏ hệ thống chính trị đang cai trị ở Việt Nam đã hư hỏng đến mức không còn sửa chữa được, và những người ở trong đảng cộng sản hãy còn thái độ chần chừ sẽ quyết định từ bỏ đảng.

Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định rằng ngay trong tối ngày 25/10 đã có một số trí thức đảng viên bày tỏ ý định ra khỏi đảng của họ với ông. Ông Hoàng Dũng nói rằng Đảng Cộng sản không sợ những người trí thức đơn lẻ, nhưng sợ rằng họ tập hợp lại với nhau.

Có hai quyển sách do nhà xuất bản Tri thức xuất bản đã không qua được kéo kiểm duyệt của đảng, đó là quyền Petrus Ký nỗi oan thế kỷ của học giản Nguyễn Đình Đầu, đã bị thu hồi sau khi xuất bản.

Quyển thứ hai bị đình chỉ ngay khâu xuất bản là Tranh luận để đồng thuận, vào năm 2005. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, quyển sách này có thể là một dấu mốc mà những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản không hài lòng về Giáo sư Chu Hảo.

Tuy vậy Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những quyển sách chỉ là cái cớ để người ta loại trừ Giáo sư Chu Hảo. Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng việc kiểm duyệt những quyển sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành là do một bộ phận cán bộ kiểm duyệt muốn lập công với đảng, và điều này lại phù hợp với mục đích của những người lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay.

Cả hai người, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, và Tiến sĩ Hoàng Dũng đều cho rằng việc Đảng Cộng sản kỷ luật Giáo sư Chu Hảo có thể đưa đến kết quả ngoài dự kiến của đảng, là giới trí thức sẽ phản ứng theo chiều hướng đồng quan điểm với Giáo sư Chu Hảo.

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 443 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)