Thư ngỏ của giới trí thức về Giáo sư Chu Hảo nhắm vào 4 triệu đảng viên còn trong đảng (RFA, 28/10/2018)
Ít nhất đã có 9 trí thức, đảng viên và cựu đảng viên kỳ cựu của Đảng cộng sản tham gia ký một bức thư ngỏ hôm 27/10/2018 gửi Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Bộ chính trị phản đối quyết định kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức RFA edit
Hôm 25/10, Ủy ban Kiểm tra trung ương ra quyết định đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo vì lý do "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa ; có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước". Không những thế, kết luận của ủy ban còn cho rằng Nhà xuất bản Tri thức của Giáo sư Chu Hảo đã "xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu huỷ"
Trong thư ngỏ được lan truyền rộng rãi trên mạng, các trí thức cho rằng "quy kết như vậy của Ủy ban Kiểm tra trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước".
Các trí thức đề nghị Ủy ban Kiểm tra trung ương rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo và kêu gọi lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên khuyến khích các nhà xuất bản trong nước làm những việc như nhà xuất bản Tri Thức đang làm, động viên phong trào ham học, ham đọc sách trong nước, giúp khắc phục tình trạng tụt hậu, đưa Việt Nam tiến nhanh theo con đường dân tộc và dân chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sáng lập viên của Vện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể, người đồng ký tên, cho rằng bức thư có mục tiêu chính không phải là nhắm vào Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng : "Tôi nghĩ mục tiêu của những người ký là không phải với ủy ban kiểm tra trung ương đó mà với 4 triệu đảng viên còn lại và với giới trí thức đang làm ở cơ quan nhà nước. Tất nhiên nếu nó có tác động gì tới ủy ban kiểm tra trung ương thì cũng là điều tốt".
Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, đã có một loạt những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố từ bỏ đảng, trong đó có những người có tên tuổi trong xã hội và đã là đảng viên hàng chục năm như nhà văn Nguyên Ngọc, Phó giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang.
Những người quyết định bỏ đảng sau quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo cho biết họ ủng hộ Giáo sư Chu Hảo và nhận thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã đi ngược lại lý tưởng ban đầu mà họ theo đuổi là vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho người dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với Đài Á Châu Tự do về quyết định bỏ đảng hôm 26/10 : "các trí thức nhiệt tình góp ý kiến, trong đó có tôi, thì không nghe. Nhiều người lên tiếng phản đối thì thậm chí còn bị bắt đi tù".
Nhà văn Nguyên Ngọc, người tham gia ký tên bức thư ngỏ, viết trên thư công bố bỏ đảng hôm 26/10 : "Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài".
Trong khi đó, vào ngày 27/10, ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã công bố một bức thư ngỏ khác gửi bạn bè gần xa, phản đối việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo. Ông Nguyễn Trung cũng là một trong những người ký bức thư gửi Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Trung viết trong bức thư của mình rằng án kỷ luật mục đích thật là "qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước - những người ngày đêm mong mỏi góp phần mở mang dân trí nước nhà".
*********************
Giới trí thức, cựu quan chức đồng loạt kêu gọi cộng sản Việt Nam ‘rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo’ (Người Việt, 28/10/2018)
Hôm 28 tháng Mười, một số trí thức, cựu quan chức đồng loạt gửi thư ngỏ về vụ Giáo sư Chu Hảo "bị kỷ luật" sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông này "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa,’ có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng…"
Nhà văn Nguyên Ngọc (bìa phải) vừa tuyên bố bỏ đảng cộng sản Việt Nam để bày tỏ ủng hộ Giáo sư Chu Hảo (bìa trái). (Hình : Zing)
Thư ngỏ đầu tiên có chữ ký của nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Tương Lai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Lê Đăng Doanh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Vũ Kim Hạnh… được ghi là gửi tới Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam.
Lá thư này viết : "Chúng tôi cho rằng sự quy kết như vậy của Ủy ban Kiểm tra trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Không chỉ riêng chúng tôi, mà hầu hết những ai đã từng được đọc những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, từng đọc và nghe những ý kiến phát biểu của ông Chu Hảo về tình hình đất nước, đều trân trọng những điều bổ ích mình thu nhận được, đều đánh giá cao sự phấn đấu không mệt mỏi của ông Chu Hảo noi gương bậc tiền bối Phan Châu Trinh xả thân cho sự nghiệp ‘khai dân trí, chấn dân khí’ – một đòi hỏi vô cùng cấp thiết cho sự bảo vệ và phát triển Việt Nam lúc này".
"Làm sao có thể sớm thực hiện được dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà lại bóp nghẹt những nỗ lực mở mang dân trí ? Chính vì lẽ này, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Kiểm tra trung ương rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo", thư ngỏ viết.
Cùng thời điểm, lá thư ngỏ thứ hai của ông Nguyễn Trung, cựu trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, được công bố trên trang Viet-studies.net.
Lá thư đề "Gửi bạn bè gần xa", có nội dung : "Tôi tự hỏi, trước tình hình của Việt Nam, chẳng lẽ không có việc nào đáng làm hơn là từng ly từng tí chăm lo vun đắp sự quần tụ của dân tộc, khơi dậy ý chí và trí tuệ cả nước, tất cả với nỗ lực hợp quần cao nhất, quyết giành bằng được một vị thế đáng sống cho quốc gia trong thế giới hỗn loạn hôm nay hay sao–nhất là lúc này khu vực Biển Đông đang cận kề miệng hố chiến tranh–mà lại đi làm những việc chia rẽ dân tộc, phân tán nỗ lực đất nước như kết luận quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo hay sao ? Ủy ban Kiểm tra trung ương chẳng lẽ vô cảm hết mức, hay không thấy gì trước những thách thức sống còn đối với vận mệnh đất nước, mà lại đưa ra một quyết định kỷ luật như vậy hay sao ?".
"Tôi mong cả nước cùng nhau suy nghĩ và tìm câu trả lời, để nhân dân cả nước chúng ta nhất trí hành động. Nhất là mong đảng cộng sản Việt Nam với trách nhiệm ràng buộc không thể thoái thác của mình đối với đất nước cũng cùng suy nghĩ như vậy, để cùng với nhân dân cả nước nhất trí hành động", ông Trung viết.
Đến nay, gần như tất cả thư ngỏ của giới trí thức, cựu quan chức đề gửi Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam về các vấn đề thời sự đều không nhận được phản hồi. Ngược lại, hầu hết những người ký vào thư đều có nguy cơ bị chính quyền cho dư luận viên bêu riếu là "phản động" hoặc "dân chủ cuội"… và ghi vào "sổ đen".
Hôm 28 tháng Mười, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng bình luận trên trang cá nhân : "Đúng là lợi bất cập hại. Vụ đảng kỷ luật bác Chu Hảo đã dấy lên một làn sóng ly khai đảng công khai, thuộc nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi. Tuy làn sóng này có thể ko lớn, nhưng nó cho thấy quyền lực của đảng không còn là nỗi khiếp sợ của người dân nữa rồi".
Trong một diễn biến khác, tin nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kỷ luật ông Chu Hảo đã có hiệu ứng ngược khi nhiều cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành, đặc biệt là các tựa sách có chữ "tự do" hoặc "dân chủ" rơi vào cảnh "hết hàng" do được nhiều người đổ xô tìm mua. (T.K.)