Phạm Quý Thọ, RFA, 07/04/2022
Trong vòng chưa đầy một tháng nay một loạt các đại gia "bị tạm giam".
Chưa đầy một tháng một loạt các đại gia bị bắt : Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Hoàng Diệu Mơ và Nguyễn Phương Hằng
Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an, mới nhất, ngày 5/4 ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt cùng với sáu lãnh đạo các công ty thuộc Tập đoàn dưới quyền về cùng tội danh : "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngày 29/3 ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC đã bị "truy cứu trách nhiệm hình sự" về tội Thao túng thị trường chứng khoán và, liên tiếp sau đó là hai người em gái của ông ta, những người có cương vị trong Tập đoàn này cũng bị bắt với cáo buộc giúp sức anh trai thao túng và che giấu thông tin chứng khoán. Ngày 24/3 bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, bị "khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam" về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngày 25/3 bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình bị bắt do liên quan vụ án Nhận hối lộ xảy ra ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)…
Một danh sách với nhiều đại gia ‘đình đám’ được nêu ra trên đây, có lẽ còn chưa đủ và, các quý vị có thể bổ sung. Danh sách này gần như hội tụ những yếu tố kích thích "tò mò" và suy đoán của dư luận. Trước hết, đây là khoảng trống cho giới truyền thông khai thác về chân dung, thương trường và quá trình gia nhập giới đại gia với các sự kiện đình đám chưa từng tiết lộ… Các đại gia nêu trên đều có lý lịch rõ ràng, được đào tạo bài bản. Ông Chủ tịch Tân Hoàng Minh là kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Chủ tịch FLC tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội… Họ đều ‘lăn lộn’ với thương trường sớm, có người "tích lũy vốn" từ việc buôn bán điện thoại cũ, khởi đầu kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như thương mại và dịch vụ, khách sạn, taxi… Nhưng sau đó, "mọi con đường đều dẫn đến thành Rome", họ thường "rẽ ngang" sang lĩnh vực bất động sản, "lấn sâu" vào phân khúc cao cấp của thị trường này, thậm chí bứt lên các lĩnh vực kỳ vọng lợi nhuận cao hơn như hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC…
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - người vừa bị bắt giam hôm 29/3/2022 với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán". Reuters
Khi ‘lưng vốn’ đã ‘hòm hòm’ họ bắt đầu đánh bóng bản thân bằng một vài triết lý về đạo đức kinh doanh hay lẽ sống đồng thời với những nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ. Giới đại gia, không ai bảo ai, nhưng đều hiểu "chìa khóa vàng" của thành công: khi còn làm ăn nhỏ hãy thân thiện với chính quyền cơ sở phường, xã, khi doanh nghiệp hạng trung hãy quan hệ tốt với quận huyện, thị xã, tỉnh thành phố và khi đã vươn tới tầm cao hãy bám lấy đường dây thân hữu với trung ương. Họ thấu hiểu rằng thị trường với nguyên tắc ‘bàn tay vô hình’ là khái niệm trừu tượng, luật pháp là chung chung, xa xôi, còn các phi vụ làm ăn luôn cụ thể, gần gũi với ‘bàn tay hữu hình’ thực thi bởi các quan chức trong hệ quyền lực tập trung, chuyên chế. Mối quan hệ thân hữu đã giúp dễ dàng thành công trong các ‘phi vụ’, chẳng hạn trúng thầu "đất vàng" với giá hời khi các thành viên hội đồng thẩm định gồm các công chức của chính quyền có "sai sót nghiệp vụ". Khi các đại gia ngã ngựa giới truyền thông mới ‘khui’ lại những lần thâu tóm bất động sản đình đám hay, thậm chí, cả phi vụ dùng tiền thao túng một cơ quan truyền thông để bưng bít tin xấu để cứu vớt hình ảnh.
Các đại gia giàu lên từ đất và các quan chức giàu lên nhờ đại gia. Đây là ‘vòng xoáy’ vệ tinh của quỹ đạo chuyển đổi kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường khi vẫn duy trì toàn trị chuyên chế. Chính sách thực dụng "thô thiển" khi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, về lý thuyết vốn là huyền thoại, lý tưởng, lại được tuyên huấn giáo điều, xa thực tế để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản độc quyền. Giới lãnh đạo nỗ lực "mở cửa" hội nhập kinh tế, nhưng cải cách thể chế, vế thứ hai của đường lối đổi mới, đã không theo kịp sự thay đổi này. Quyền lực điều hành của Chính phủ đã lấn át sự lãnh đạo của Đảng. Chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn Nhà nước do nhận thức sai lầm về thị trường và, như đã biết, đã để lại hậu quả nặng nề, kéo dài đối với nền kinh tế và xã hội. Đây thực sự là "một thập kỷ mất mát !".
Phát triển đất nước hiện nay không thể thiếu thị trường, thiếu dân doanh, trong đó giới đại gia đóng vai trò đầu kéo quan trọng. Thị trường tạo ra động lực to lớn để tăng trưởng kinh tế, nhưng cần phải thúc đẩy bằng "hai chân’, các nhà đầu tư ngoại và các doanh nghiệp nội. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm đến 30% GDP và gần 70% xuất khẩu nhưng vẫn tiếp tục được chào mời, nhưng chính sách đối với dân doanh, với các đại gia vẫn là thách đố. Về quan niệm coi họ là "động lực quan trọng" là sự thay đổi, nhưng cụ thể thế nào? Tạp chí Forbes vừa công bố Việt Nam năm 2021 có bảy tỷ phú đô la Mỹ là tin "mừng hay lo", và nghịch lý trong thời gian đại dịch Covid-19 các đại gia giàu lên trong khi nhóm dân số có thu nhập thấp, những người thiếu việc làm và người nghèo cần hỗ trợ tăng lên?
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, "Chính phủ kiến tạo" nhiệm kỳ 2016-2021 vẫn dựa vào bộ máy và thể chế hiện hành để khuyến khích khởi nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh. Công tác chỉnh đốn Đảng khiến nhiều lãnh đạo đã bị thay thế, gần nửa tổng số 200 uỷ viên trung ương là "mới" trong kỳ Đại hội 13 (2021-2026)... Tuy nhiên, các đại gia giàu lên từ đất và các quan chức giàu lên nhờ đại gia vẫn là "lời nguyền" đối với cải cách thể chế và chính sách. Sau một thập kỷ phòng chống tham nhũng các quan chức, được ví như "củi khô, củi tươi" vẫn lần lượt vào lò. Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và nâng tầm "lũng đoạn nhà nước". Nhiều tập thể tỉnh uỷ, thành ủy bị kỷ luật vì vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Vụ "Việt Á" khiến hệ thống rung động bởi quy mô tham nhũng toàn quốc và tính chất nghiêm trọng trong bối cảnh chống dịch. Vụ "nhận hối lộ" ở Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao được Người phát ngôn Bộ Công An thông báo đang điều tra nhiều đối tượng tham gia tạo thành đường dây tinh vi. Vụ "Tân Hoàng Minh" và "FLC" nêu trên lũng đoạn "thị trường chứng khoán và trái phiếu", gây tổn hại lớn đến các nhà đầu tư nói riêng và thị trường tài chính nói chung…
Tất cả các vụ án trên đang diễn biến theo chiều hướng "cộng hưởng" có thể tạo ra chu kỳ bất ổn mới khi nền kinh tế có nhiều thách thức, vừa chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi, trong đó có tác động bởi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Vì vậy Đảng đang phải nỗ lực ngăn chặn khó khăn. Để phục hồi kinh tế Chính phủ dự kiến gói cứu trợ lên đến 350 nghìn tỷ (khoảng 15 tỷ đô la Mỹ) liệu dòng tiền có chảy đúng địa chỉ mong muốn hay không trong điều kiện thể chế vẫn bất ổn, tham nhũng vẫn nặng nề, thị trường méo mó… vẫn là bài toán hóc búa ngay trước mặt. Như đã biết, trong chu kỳ bất ổn 10 năm trước việc ‘bơm’ 141 nghìn tỷ đã dẫn đến "bất ổn kinh tế vĩ mô", lạm phát tăng đến 20% năm 2012…
Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã khuyến cáo về tình hình kinh tế khó khăn ngay từ đầu năm. Ngày 31/3 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, đã thông qua các vụ án nêu ở đầu bài viết để gửi thông điệp đến "giới đại gia" chớ có "thách thức đường lối, chủ trương của Đảng" và, cảnh báo cũng đưa ra đối với các quan chức có liên quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán để một số cá nhân thao túng thị trường và các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (đã được nêu tên cụ thể)… cùng chịu trách nhiệm.
Mối quan hệ thân hữu giữa giới đại gia và giới chính trị, nguồn cơn của quốc nạn tham nhũng, cũng là vấn đề nhức nhối, tiếp tục tác động khó lường đối với chính sách cải cách của Đảng cộng sản. Với nền kinh tế Việt Nam, chưa phải lúc các doanh nghiệp tư nhân lớn đến mức có đủ quyền lực để có thể thao túng chính trị phải chịu trừng phạt, như trường hợp Tập Cận Bình ứng xử với các tập đoàn tư nhân lớn về công nghệ, giáo dục ở "nhà nước tư bản thân hữu" Trung Quốc vừa qua, nhưng động thái nêu trên của Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy rằng bất kỳ sự thách đố nào đối với quyền lực tuyệt đối của đảng đều bị trừng trị. Thông điệp mạnh mẽ như vậy lần đầu tiên sau những năm cải cách chuyển đổi được đưa ra trước thềm Hội nghị Trung ương khóa 13 dấy lên thuyết âm mưu về sự thay đổi khó lường về nhân sự cao cấp của Đảng.
Bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế kéo dài là bài học với giá đắt đối với các đảng và chế độ, vì vậy Đảng không thể để "chu kỳ mất mát" lặp lại, nhưng câu hỏi rằng chế độ độc đảng cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường thế nào nếu vẫn muốn tiếp tục đeo bám cải cách.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 07/04/2022
**********************
Ông chủ tập đoàn Tân Hoàng Minh xộ khám
Hồng Dân, VNTB, 05/04/2022
Sau 5 ngày với nhiều tin đồn bị câu lưu, tạm giữ, Bộ công an chiều 5/4 đã chính thức khởi tố, tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh với các cáo buộc liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền đầu tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt – Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khách sạn Tân Hoàng Minh cũng bị bắt.
Trước đó, ngày 4/4 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy 9 đợt phát hành chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh lý do là "công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ".
Nhiều lãnh đạo cấp cao liên quan đến 3 công ty này cũng xộ khám với ông Đỗ Anh Dũng : ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ; ông Trần Hồng Sơn – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ; ông Nguyễn Khoa Đức – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông; ông Lê Văn Thịnh – Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, và ông Phùng Thế Tính – nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Ông Đỗ Anh Dũng (hàng trên, bìa trái) và 6 bị can - Ảnh Bộ Công an
Ngoài vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm sau đó chấp nhận bỏ cọc của tập đoàn Tân Hoàng Minh hồi cuối tháng 12/2021 vừa qua, Bộ Công an đã đề nghị UBND Hà Nội và các đơn vị chức năng cung cấp tài liệu để xác minh, làm rõ thông tin về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng, kế hoạch giao đất và nghĩa vụ tài chính của 11 dự án tại Hà Nội của tập đoàn này.
Theo đó, các dự án trong diện xác minh gồm : D’. Le Pont d’or Hoàng Cầu, chung cư D’ Palais De Louis Nguyễn Văn Huyên, D’ San Raffles Hàng Bài, D’. Le Roi Soleil Quảng An Tân Hoàng Minh, D’. El Dorado 1 Phú Thượng, D’. El Dorado 2 Phú Thành, D’. Capital Trần Duy Hưng, Summit Building Trần Duy Hưng, D’. Jardin Royal Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt, Tân Hoàng Minh Lò Đúc và Tân Hoàng Minh Hoàng Mai.
Tính đến hiện tại thì ông Đỗ Anh Dũng cùng nhóm đồng phạm chỉ bị cáo buộc phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật. Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu này là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Bên cạnh bản án hình sự thì phần dân sự ở đây là phía Tân Hoàng Minh phải hoàn trả số tiền 10.300 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đã mua trái phiếu của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị này không còn khả năng trả bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp sẽ được sử dụng để thanh toán.
Liệu ông Đỗ Quang Hiển – chủ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có liên quan tới vụ bê bối phát hành trái phiếu ở tập đoàn Tân Hoàng Minh?
Trước mắt, theo thông cáo của SHB, ngân hàng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu SOLCH2123001 của Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, trị giá lô trái phiếu 800 tỷ đồng, và lô trái phiếu NSVCH2125001 của Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, trị giá 800 tỷ đồng.
Việc SHB cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, tại khoản 15 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng quy định : "Cung ứng dịch vụ thanh toán là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng".
Với phạm vi này, nghĩa vụ của SHB chỉ giới hạn trong nghiệp vụ cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản mà không tham gia vào giao dịch giữa các bên.
Hồng Dân
Nguồn : VNTB, 05/04/2022
RFA, 12/01/2022
Một số nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam cho rằng, hành vi bán gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết mà không thông báo trước đẩy nhiều người vào cảnh tán gia bại sản, và không khác gì hành vi giết người.
AFP/ Trading View/ RFA Edited
Thông tin Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FLC bán đi một số lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ mà không công bố thông tin, hay còn gọi là bán chui, đang được dư luận chú ý.
Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn hai nhà đầu tư chứng khoán trong nước, để tìm hiểu tác động từ hành vi của ông Quyết gây ra đối với nhà đầu tư cá nhân là như thế nào.
Một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội cho RFA biết quan điểm của ông :
"Cái việc mà ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu thì gây ảnh hưởng rất nặng nề đối với tâm lý của nhà đầu tư cá nhân, khiến họ thua lỗ. Minh chứng là trong vòng hai, ba ngày qua thì cái cổ phiếu FLC và những cổ phiếu họ FLC của ông Quyết thì đã giảm giá kịch sàn trên sàn chứng khoán, và có hiện tượng trắng bên mua, không có một ai mua cổ phiếu mang họ FLC của ông Quyết cả.
Những nhà đầu tư cá nhân khi này không thể bán được cho ai, và bây giờ họ đang phải gọi là dẫm đạp và chen lấn lên nhau để chỉ có thể thoát hàng của ông Quyết mà thôi.
Tôi nghĩ rằng là những nhà đầu tư cá nhân vào thời điểm này sẽ cắt lỗ bằng mọi giá và sẽ phải chịu khoản thiệt hại rất lớn".
Nhà đầu tư cá nhân này còn cho rằng hành vi của ông chủ Bamboo Airways cho thấy ông là kẻ tham lam, không khác gì kẻ sát nhân vì đã đẩy nhiều người đến cảnh tán gia bại sản.
Ông Trịnh Văn Quyết và Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể trong buổi lễ nhận máy bay của Bamboo Airways hồi năm 2019. Ảnh : AFP
Một người khác ở Thành phố Hồ Chí Minh có kinh nghiệm 10 năm trong việc đầu tư chứng khoán thì cho rằng, chuyện bán chui cổ phiếu ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm, ông nói trong điều kiện giấu tên vì lý do an toàn
"Ở thị trường nào cũng vậy, có đủ thể loại doanh nghiệp tuỳ theo mong muốn của nhà đầu tư, ví dụ có những doanh nghiệp theo kiểu đầu tư lâu dài đàng hoàng, nhưng cũng có những doanh nghiệp ăn xổi ở thì, rồi những cổ phiếu giống như đánh bạc cũng có, nói chung là trong đầu tư chứng khoán có đầy đủ hết, tùy theo khẩu vị của nhà đầu tư.
Riêng cái hành động của ông Trịnh Văn Quyết, với cái cổ phiếu FLC thì trong lịch sử của nó, nói thẳng đó là một cái cổ phiếu dạng lái, lái tức là sao, là ông sẽ gom cổ phiếu rồi đánh lên một mức nào đó và sẽ xả hàng ra, đó là cái cách vận động của cổ phiếu FLC lâu này rồi.
Thực ra mà nói chuyện bán chui cũng thường xảy ra trên thị trường, lý do tại vì theo cái vận động của cổ phiếu đó họ sẽ gom thật nhiều cổ phiếu giá thấp, sau đó họ sẽ đánh lên từ từ, sau đó sẽ xả hàng lại cho những người mà người ta sợ vuột cơ hội, người ta lao vào.
Khi đó thì họ sẽ bán chui thôi, vì theo pháp luật thì họ là cổ đông lớn, trước họ bán họ phải công bố, mà công bố thì người ta sẽ ngại và không mua nữa".
Nguyên nhân của hiện tượng bán chui này, theo cả hai nhà đầu tư mà RFA phỏng vấn, là do chế tài chưa đủ mạnh.
Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, pháp luật hiện hành chỉ cho phép cơ quan chức năng đưa ra mức phạt tối đa là 1,5 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ việc bán chui cổ phiếu lần này có thể lên đến hàng trăm tỷ, do vậy việc nộp phạt sẽ không thấm vào đâu, thế nên người ta sẽ sẵn sàng vi phạm.
Ý kiến chung của các nhà đầu tư là cần phải gia tăng tính răn đe trước hành vi trục lợi trên thị trường chứng khoán.
"Tôi cho rằng trong trường hợp này thì nhà nước cần phải xem xét xử lý hình sự cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, vì ông ấy đã có hành vi nội gián và có thể được coi là lũng đoạn thị trường chứng khoán" - theo nhà đầu tư ở Hà Nội.
Còn nhà đầu tư từ Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng ngoài việc hình sự hoá hành vi trục lợi, thì cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, ông nói :
"Đương nhiên là mọi việc mua bán trên thị trường là tự do ý chí, và việc anh mua bán một cổ phiếu nào thì anh phải có trách nhiệm tìm hiểu về nó, nhưng phải hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý để hạn chế những trường hợp lái cổ phiếu, bơm thổi giá ảo cổ phiếu để sau đó nhiều người đu vào thì lại xả ra, thì cái đó gây ra hậu quả rất lớn, nhà đầu tư sẽ thua lỗ rất lớn ở những cổ phiếu rác thế này. Cần phải có cơ chế hoàn thiện hơn nữa để có thể hạn chế những cái này".
Hôm 10/1/2022, giới đầu tư chứng khoán ở quốc gia Đông Nam Á xôn xao trước thông tin tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu của tập đoàn FLC từ năm ngày trước đó, trong khi trong cùng ngày 10/1 thông báo bán cổ phiếu mới chỉ được công bố trên website của tập đoàn.
Đến ngày 11/1, Bộ Tài chính ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, sàn HOSE).
Sàn HOSE hay còn được biết đến là Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng ngày có thông báo chính thức, về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, do không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch như quy định.
Nguồn : RFA, 12/01/2022
*******************
Hòa bình, Ngọc Vy, VTC News, 11/01/2022
Các cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết sáng 11/1 "nằm sàn", trắng bảng bên mua. (Ảnh : VnExpress)
Ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết vi phạm lỗi trên. Trước đó, vào tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20 - 24/10/2017.
Chiếu theo thị giá cổ phiếu khi đó, ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá thị trường từ đợt bán "chui" cổ phiếu này. Tuy nhiên, số tiền mà ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt khi đó chỉ là 65 triệu đồng.
Trước hành vi sai phạm lại tái diễn của ông Quyết, nhiều nhà đầu tư đã không giữ nổi bình tĩnh và bày tỏ sự bức xúc, phản đối, thậm chí là nghi ngờ về cách kinh doanh của ông chủ doanh nghiệp này.
Độc giả có nickname Phong Vu viết : "Nếu theo thông lệ quốc tế thì cổ đông FLC đã bị thua lỗ, không những bị mua hớ mà toàn bộ cổ đông FLC đã bị thua thiệt thông tin, đã không được biết thông tin đúng lúc theo pháp luật. Người bên ngoài và người tay trong nội bộ công ty phải công bằng thông tin. Nhưng luật chơi này đã bị vi phạm, nên cổ đông được quyền kiện ông Quyết ra tòa để đòi đền bù mức chênh lệch giá trước và sau khi ông Quyết đã bán lượng cổ phiếu cực lớn".
"Nếu làm ăn đàng hoàng, giá trị cổ phiếu là giá trị thật, thì sao phải bán "chui" như vậy", độc giả T.H đặt câu hỏi.
Ngày 12/5, hàng trăm nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long đã tập trung tại trụ sở FLC (Cầu Giấy, Hà Nội) để yêu cầu tập đoàn này thanh toán lợi nhận theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Nhà đầu tư ‘vây’ trụ sở FLC ngày 12/5
Theo phản ánh, trong gần 1 năm qua, hàng trăm nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long vô cùng bức xúc trước việc Tập đoàn FLC chây ì, trì hoãn việc thanh toán lợi nhuận theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Dự án FLC Hạ Long là tổ hợp khách sạn và biệt thự được khởi công xây dựng từ năm 2016 và đưa vào hoạt động cuối năm 2018 ; riêng tòa khách sạn 5 sao với hơn 600 căn hộ do nhà đầu tư góp vốn. Lúc nhận bàn giao nhà cũng là lúc hai bên ký hợp đồng thỏa thận theo hình thức condotel. Theo đó, FLC sẽ thuê lại tất cả các căn hộ của nhà đầu tư góp vốn để kinh doanh.
Theo hợp đồng này, FLC cam kết hàng năm sẽ trả lợi nhuận 12% trên tổng số vốn nhà đầu tư. Tập đoàn này cũng cam kết mỗi năm sẽ trả lợi nhận làm 2 đợt vào đúng ngày 30/6 và 31/12. Cũng theo điều khoản trong hợp đồng này, nếu FLC chậm thanh toán ngày nào thì phải trả mức 150% lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Mặc dù hợp đồng đã ký kết như vậy, nhưng các nhà đầu tư lại cho rằng trên thực tế, việc thanh toán lợi nhuận kì 1 (6 tháng đầu năm 2019) đã bị FLC Hạ Long chây ì, trì hoãn nhiều tháng.
Cụ thể, cho đến hết tháng 8/2019, FLC Ha Long vẫn chưa thanh toán lợi nhuận. Từ giữa tháng 9, FLC Hạ Long có thanh toán nhưng rất "nhỏ giọt". Theo các nhà đầu tư, việc trả lợi nhuận đợt 1 về nguyên tắc phải làm đúng ngày 30/6/2019 nhưng mãi đến hết tháng 12 mới xong và họ phớt lờ thanh toán khoản 150% lãi suất ngân hàng do thanh toán chậm. Đến đợt 2, về nguyên tắc phải trả vào ngày 31/12/2019 song cho đến tận bây giờ, FLC vẫn chưa thưc thực hiện việc thanh toán lợi nhuận.
Đáng nói là đã chậm thực hiện thanh toán lợi nhuận nhưng phía FLC lại không tiến hành xin lỗi, thông báo hay đàm phán với các nhà đầu tư. Cực chẳng đã, hàng trăm nhà đầu tư đã phải tập trung tại trụ sở của FLC, căng băng rôn đòi tập đoàn đàm phán và thanh toán lợi nhuận.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, liên quan đến dự án FLC Hạ Long, vào tháng 02/2020, FLC đã phát đi thông báo về việc tạm dừng chi trả lợi nhuận theo nội dung đã cam kết trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, công ty này quyết định tạm thời dừng chi trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng ở một số dự án nghỉ dưỡng gồm : The Coastal Hill Quy Nhơn, Condotel Quảng Bình, Condotel Hạ Long (năm đầu). Doanh nghiệp này cho biết sẽ thông báo về thời hạn trả lợi nhuận cụ thể ngay sau khi tổ chức y tế thế giới WHO tuyên bố hết dịch, khi các cơ sở kinh doanh FLC trở lại hoạt động.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cho rằng việc FLC lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh để chậm thanh toán lợi nhuận đợt 2 năm 2019 là không thuyết phục, bởi việc kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2019 của tập đoàn này hoàn toàn chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thậm chí còn "làm ăn rất tốt".
"FLC lấy lý do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn thu nên chưa thể thanh toán lợi nhuận cho chúng tôi. Tuy nhiên, tập đoàn này lại có tiền để vừa khởi công tòa tháp cao 72 tầng tại Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 3.472 tỷ đồng là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được", một nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long nói với VietnamFinance.
Được biết, giá bán căn hộ tại FLC Hạ Long từ 52,3 triệu đồng đến 60 triệu đồng/m2 (cao hơn nhiều so với giá nhà chung cư cao cấp ở Hà Nội).
Ảnh chụp điều khoản ‘Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng’ trong hợp đồng mà FLC đã ký với các nhà đầu tư
Đây không phải lần đầu tiên FLC bị vây trong giai đoạn cả nước đang chiến đấu với đại dịch Covid-19. Sáng 18/4, hàng chục khách mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn đã vây khu vực dự án thuộc phường Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định căng băngrôn đòi căn hộ vì cho rằng nhà đầu tư chậm bàn giao nhà hơn 1 năm.
Anh T.H.N. (một khách hàng mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn) cho biết ngày 5/10/2017, anh ký hợp đồng với đại diện bên bán là ông Nguyễn Thiện Phú - phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros - mua 1 căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn có diện tích 45,4m2 với giá 1 tỉ 430 triệu đồng.
Theo anh N., hợp đồng nêu rõ : "Bên bán dự kiến bàn giao căn hộ cho bên mua vào quý 4/2018. Các bên thống nhất thời gian bàn giao căn hộ có thể được gia hạn tối đa 2 lần nhưng mỗi lần không được chậm quá 45 ngày kể từ ngày cuối cùng của thời điểm dự kiến bàn giao".
"Đến hết quý 4-2018, công thêm cả 2 lần gia hạn tối đa 45 ngày, theo hợp đồng ký kết FLC Faros đã chậm hơn 1 năm. Điều khiến chúng tôi "ăn không ngon ngủ không yên" là dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn vẫn còn nhiều hạng mục thi công dang dở" - anh N. bức xúc.
Dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn (khách sạn 5 sao và công trình phức hợp nhà ở dạng căn hộ khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ) được UBND tỉnh Bình Định giao đất, cho thuê đất cho Công ty FLC Faros ngày 17/11/2016. Khu đất có diện tích 17.426,4m2 thuộc khu quy hoạch Trung đoàn vận tải 655, phường Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Quy Nhơn. Thời hạn thuê 50 năm kể từ ngày ký quyết định.
Khách hàng mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn căng băng rôn đòi chủ đầu tư bàn giao căn hộ sáng 18/4
Đại dịch Covid-19 dường như đã đẩy Tập đoàn FLC vào cơn bĩ cực khi mới đây hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC là Bamboo Airways bị truyền thông đưa tin là nợ như ‘Chúa Chổm’.
Ngày 7/5, báo chí phản ánh về việc thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay (VATM), Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Công ty cổ phần mặt đất Hà Nội (HGS)… gửi nhiều văn bản thúc nợ Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) trong tháng 2, tháng 3 và đầu tháng 4.
Các chủ nợ cũng đồng thời gửi báo cáo lên Bộ Giao thông và vận tải về tình hình công nợ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 mà hãng hàng không tư nhân này chưa chịu thanh toán.
Cụ thể, ACV đã có văn bản gửi Bộ Giao thông và vận tải và Cục hàng không Việt Nam về việc Bamboo Airways chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ 205 tỷ đồng.
Theo ACV, việc thực hiện hợp đồng về điều khoản thanh toán, hãng Bamboo Airways thường xuyên không đúng thời hạn thanh toán và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của hợp đồng đã ký kết.
Hãng bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết thường xuyên chậm thanh toán trung bình khoảng 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết. Tính đến hết ngày 18/3, Bamboo Airways đang nợ ACV hơn 205 tỉ đồng .
Trong số đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV.
Số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways. Bên cạnh các khoản trên, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.
Ảnh 4 : Máy bay Airbus A321 Neo của Bamboo Airways tại cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài
Sự việc căng thẳng đến mức khiến Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết phải lên facebook cá nhân để trần tình.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã phản bác thông tin mà báo giới phản ánh, gây xôn xao dư luận trong ngày 7/5.
Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, FLC trong lịch sử hoạt động đã không ít lần bị tấn công bởi các "thông tin bẩn" trên báo chí và mạng xã hội. Mới đây nhất là tin đồn bịa đặt "Bamboo Airways bán 49% cổ phần cho Trung Quốc" lan tràn nhiều nơi trên Facebook.
"Hoặc như bản tin tôi đọc được hôm nay trên báo về việc Bamboo Airways hiện vẫn chây ì, chúa chổm, chưa chịu thanh toán nợ cho ACV", ông Quyết viết trên trang cá nhân.
Về vấn đề này, ông Quyết khẳng định đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã thanh toán toàn bộ công nợ cho hợp đồng năm 2019 (bao gồm cả các khoản phí thu hộ là phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh) với ACV.
Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020, ông Quyết cho biết Bamboo Airways đã đạt được thỏa thuận với ACV, để làm cơ sở cho việc thanh toán công nợ trong giai đoạn đầu năm 2020, bất chấp bối cảnh chung của các hãng hàng không từ đầu năm đến nay vẫn đang rất khó khăn do đại dịch.
Chủ tịch Bamboo Airways cũng cho biết thêm trong báo cáo tài chính quý I/2020 của ACV, thì khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV đối với Bamboo Airways là nhỏ nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Con số nợ ACV của hai hãng lớn còn lại đều gấp gần 3 lần hãng hàng không của ông Quyết.
Bản thân ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) trong vòng chưa đầy một tháng sau khi từ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã liên tiếp 2 lần thoái vốn tại ROS, lần đầu ông bán 53,8 triệu cổ phiếu nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất ; giao dịch được thực hiện ngày 10/4, tức ba ngày sau khi ông rời ghế lãnh đạo nên không phải báo cáo trước với HoSE. Lần thứ hai, ông bán 5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống 40,95% ; giao dịch được thực hiện ngày 06/5 vừa qua. Trong báo cáo mới đây, người thân của ông cũng đã bán toàn bộ 1,8 triệu cổ phiếu này.
Tại phiên họp thường niên đầu tháng 5, nhiều cổ đông chất vấn ban lãnh đạo FLC Faros về quyết định từ chức và thoái vốn của ông Quyết. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng đây là các quyết định cá nhân theo nhu cầu tài chính nên không thể can thiệp. Việc từ chức có thể vì cần tập trung thời gian cho hai công ty khác là Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Sau khi ông Quyết rời công ty, cổ phiếu ROS giảm mạnh từ vùng 4.100 đồng xuống 3.500 đồng.
Ảnh chụp ‘tâm thư’ của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trên trang facebook cá nhân
FLC của ông Trịnh Văn Quyết những năm gần đây dính nhiều bê bối. Phiên tòa vào ngày 30/9/2019 tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) về vụ kiện giữa Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng" đã được đông đảo dư luận quan tâm và hôm nay 15/5 vừa mới diễn ra phiên xử phúc thẩm.
Đáng chú ý là trong báo cáo tài chính 2016 và 2017 của Tập đoàn FLC đã thể hiện rõ nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng. Trong thư xác nhận nợ mà Tập đoàn FLC đề nghị Tập đoàn Hòa Bình xác nhận vào ngày 08/02/2018 cũng ghi rõ số tiền nợ là 213 tỷ đồng, để phục vụ công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật và đó quyết không thể là hành vi gian dối.
Từ năm 2015 đến tháng 8/2018, Tập đoàn Hòa Bình đã 13 lần gửi công văn yêu cầu Tập đoàn FLC thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Đây là những chứng cứ quan trọng xác định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Tập đoàn FLC với Tập đoàn Hòa Bình.
Đại diện của Tập đoàn Hòa Bình nhiều lần khẳng định tại Tòa rằng số nợ được xác lập chứ không đàm phán.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử lại nhận định theo hướng chưa thống nhất giữa hai doanh nghiệp, không đánh giá về các chứng cứ nêu trên, dẫn tới bản án bị sai lệch.
Phiên tòa ngày 30/9 tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy phán quyết buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gỡ bỏ bài viết, xin lỗi công khai và đền bù Tập đoàn FLC.
Phán quyết của Tòa được giới chuyên gia đánh giá là vô căn cứ.
Trong một diễn biến mới nhất, hôm nay, ngày 15/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa vụ kiện giữa Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) ra xét xử phúc thẩm.
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của bị đơn – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tại tòa, Tập đoàn FLC giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giữ nguyên án sơ thẩm. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của tập đoàn FLC đối với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, buộc tạp chí phải đăng các lời cải chính, xin lỗi trên báo chí. Buộc tạp chí phải bồi thường cho tập đoàn FLC số tiền hơn 14 triệu đồng.
Một lần nữa, phiên tòa lại đưa ra phán quyết không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận.
Toàn cảnh phiên tòa Tập đoàn FLC kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
Là một trong những tập đoàn được nhiều người ví lớn mạnh rất nhanh như ‘Thánh Gióng’ của Việt Nam, bên cạnh những nghi vấn về quá trình phát triển ‘thần kỳ’ với những dự án trên những khu vực trọng điểm trên khắp đất nước, FLC cũng liên tiếp gặp phải những lùm xùm xung quanh việc bảo đảm quyền lợi của các khách hàng, nhà đầu tư và đối tác.
Nhưng liên tiếp những vụ việc trong những năm vừa qua của FLC khiến dư luận phải đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp này còn tồn tại được bao lâu hay FLC đã quá lớn để có thể sụp đổ bởi sự đổ vỡ của nó chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy kinh hoàng cho thể chế cộng sản ở Việt Nam?
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 16/05/2020