Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/01/2022

Làm ăn đàng hoàng, tại sao FLC lại bán chui cổ phiếu ?

RFA - Hòa Bình, Ngọc Vy

Nhà đầu tư : Ông Trịnh Văn Quyết không khác gì "kẻ sát nhân" !

RFA, 12/01/2022

Một số nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam cho rằng, hành vi bán gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết mà không thông báo trước đẩy nhiều người vào cảnh tán gia bại sản, và không khác gì hành vi giết người.

flc1

Giá cổ phiếu của FLC 'cắm đầu' sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bán chui 75 triệu cổ phiếu - AFP/ Trading View/ RFA Edited

Thông tin Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FLC bán đi một số lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ mà không công bố thông tin, hay còn gọi là bán chui, đang được dư luận chú ý. 

Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn hai nhà đầu tư chứng khoán trong nước, để tìm hiểu tác động từ hành vi của ông Quyết gây ra đối với nhà đầu tư cá nhân là như thế nào. 

Một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội cho RFA biết quan điểm của ông :

"Cái việc mà ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu thì gây ảnh hưởng rất nặng nề đối với tâm lý của nhà đầu tư cá nhân, khiến họ thua lỗ. Minh chứng là trong vòng hai, ba ngày qua thì cái cổ phiếu FLC và những cổ phiếu họ FLC của ông Quyết thì đã giảm giá kịch sàn trên sàn chứng khoán, và có hiện tượng trắng bên mua, không có một ai mua cổ phiếu mang họ FLC của ông Quyết cả. 

Những nhà đầu tư cá nhân khi này không thể bán được cho ai, và bây giờ họ đang phải gọi là dẫm đạp và chen lấn lên nhau để chỉ có thể thoát hàng của ông Quyết mà thôi.

Tôi nghĩ rằng là những nhà đầu tư cá nhân vào thời điểm này sẽ cắt lỗ bằng mọi giá và sẽ phải chịu khoản thiệt hại rất lớn".

Nhà đầu tư cá nhân này còn cho rằng hành vi của ông chủ Bamboo Airways cho thấy ông là kẻ tham lam, không khác gì kẻ sát nhân vì đã đẩy nhiều người đến cảnh tán gia bại sản. 

flc2

Ông Trịnh Văn Quyết và Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể trong buổi lễ nhận máy bay của Bamboo Airways hồi năm 2019. Ảnh : AFP

Một người khác ở Thành phố Hồ Chí Minh có kinh nghiệm 10 năm trong việc đầu tư chứng khoán thì cho rằng, chuyện bán chui cổ phiếu ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm, ông nói trong điều kiện giấu tên vì lý do an toàn 

"Ở thị trường nào cũng vậy, có đủ thể loại doanh nghiệp tuỳ theo mong muốn của nhà đầu tư, ví dụ có những doanh nghiệp theo kiểu đầu tư lâu dài đàng hoàng, nhưng cũng có những doanh nghiệp ăn xổi ở thì, rồi những cổ phiếu giống như đánh bạc cũng có, nói chung là trong đầu tư chứng khoán có đầy đủ hết, tùy theo khẩu vị của nhà đầu tư.

Riêng cái hành động của ông Trịnh Văn Quyết, với cái cổ phiếu FLC thì trong lịch sử của nó, nói thẳng đó là một cái cổ phiếu dạng lái, lái tức là sao, là ông sẽ gom cổ phiếu rồi đánh lên một mức nào đó và sẽ xả hàng ra, đó là cái cách vận động của cổ phiếu FLC lâu này rồi.

Thực ra mà nói chuyện bán chui cũng thường xảy ra trên thị trường, lý do tại vì theo cái vận động của cổ phiếu đó họ sẽ gom thật nhiều cổ phiếu giá thấp, sau đó họ sẽ đánh lên từ từ, sau đó sẽ xả hàng lại cho những người mà người ta sợ vuột cơ hội, người ta lao vào. 

Khi đó thì họ sẽ bán chui thôi, vì theo pháp luật thì họ là cổ đông lớn, trước họ bán họ phải công bố, mà công bố thì người ta sẽ ngại và không mua nữa".

Nguyên nhân của hiện tượng bán chui này, theo cả hai nhà đầu tư mà RFA phỏng vấn, là do chế tài chưa đủ mạnh. 

Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, pháp luật hiện hành chỉ cho phép cơ quan chức năng đưa ra mức phạt tối đa là 1,5 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ việc bán chui cổ phiếu lần này có thể lên đến hàng trăm tỷ, do vậy việc nộp phạt sẽ không thấm vào đâu, thế nên người ta sẽ sẵn sàng vi phạm.

Ý kiến chung của các nhà đầu tư là cần phải gia tăng tính răn đe trước hành vi trục lợi trên thị trường chứng khoán. 

"Tôi cho rằng trong trường hợp này thì nhà nước cần phải xem xét xử lý hình sự cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, vì ông ấy đã có hành vi nội gián và có thể được coi là lũng đoạn thị trường chứng khoán" - theo nhà đầu tư ở Hà Nội. 

Còn nhà đầu tư từ Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng ngoài việc hình sự hoá hành vi trục lợi, thì cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, ông nói :

"Đương nhiên là mọi việc mua bán trên thị trường là tự do ý chí, và việc anh mua bán một cổ phiếu nào thì anh phải có trách nhiệm tìm hiểu về nó, nhưng phải hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý để hạn chế những trường hợp lái cổ phiếu, bơm thổi giá ảo cổ phiếu để sau đó nhiều người đu vào thì lại xả ra, thì cái đó gây ra hậu quả rất lớn, nhà đầu tư sẽ thua lỗ rất lớn ở những cổ phiếu rác thế này. Cần phải có cơ chế hoàn thiện hơn nữa để có thể hạn chế những cái này".

Hôm 10/1/2022, giới đầu tư chứng khoán ở quốc gia Đông Nam Á xôn xao trước thông tin tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu của tập đoàn FLC từ năm ngày trước đó, trong khi trong cùng ngày 10/1 thông báo bán cổ phiếu mới chỉ được công bố trên website của tập đoàn. 

Đến ngày 11/1, Bộ Tài chính ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, sàn HOSE).

Sàn HOSE hay còn được biết đến là Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng ngày có thông báo chính thức, về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, do không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch như quy định. 

Nguồn : RFA, 12/01/2022

*******************

Nếu làm ăn đàng hoàng, sao cứ phải 'bán chui' cổ phiếu ?

Hòa bình, Ngọc Vy, VTC News, 11/01/2022 

Nhiều lần ông Trịnh Văn Quyết bị nêu tên vì "âm thầm" giao dịch khiến nhiều người đặt câu hỏi : Nếu làm ăn đàng hoàng, sao cứ phải "bán chui" cổ phiếu ?

flc3

Các cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết sáng 11/1 "nằm sàn", trắng bảng bên mua. (Ảnh : VnExpress)

Ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết vi phạm lỗi trên. Trước đó, vào tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20 - 24/10/2017.

Chiếu theo thị giá cổ phiếu khi đó, ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá thị trường từ đợt bán "chui" cổ phiếu này. Tuy nhiên, số tiền mà ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt khi đó chỉ là 65 triệu đồng.

Trước hành vi sai phạm lại tái diễn của ông Quyết, nhiều nhà đầu tư đã không giữ nổi bình tĩnh và bày tỏ sự bức xúc, phản đối, thậm chí là nghi ngờ về cách kinh doanh của ông chủ doanh nghiệp này.

Độc giả có nickname Phong Vu viết : "Nếu theo thông lệ quốc tế thì cổ đông FLC đã bị thua lỗ, không những bị mua hớ mà toàn bộ cổ đông FLC đã bị thua thiệt thông tin, đã không được biết thông tin đúng lúc theo pháp luật. Người bên ngoài và người tay trong nội bộ công ty phải công bằng thông tin. Nhưng luật chơi này đã bị vi phạm, nên cổ đông được quyền kiện ông Quyết ra tòa để đòi đền bù mức chênh lệch giá trước và sau khi ông Quyết đã bán lượng cổ phiếu cực lớn".

"Nếu làm ăn đàng hoàng, giá trị cổ phiếu là giá trị thật, thì sao phải bán "chui" như vậy", độc giả T.H đặt câu hỏi.

Các độc giả khác thì cho rằng, việc ông Quyết bán "chui" cổ phiếu nhiều lần, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng là do chế tài xử phạt không đủ mạnh. Độc giả có nickname Anh lai tau ho Nhac cho hay : "Cần xem xét xử phạt thế nào để các hành vi này không dám tái diễn trong tương lai, còn phạt kiểu vài chục tỷ đồng hay vài tỷ đồng thì không khác nào khuyến khích các cổ đông lớn tiếp tục "trảm trước, tấu sau" vì lợi lộc của hành vi vi phạm quá lớn so với số tiền bị phạt".

Độc giả Phuong Hai còn đề xuất : "Nên có luật những cổ đông lớn nắm giữ cổ phiếu mà bán chui như vậy thì tịch thu số tiền chênh lệch và cộng thêm tiền phạt". Đồng quan điểm, độc giả Đoàn Hòa cũng nhấn mạnh : "Xử lý phải thu hồi toàn bộ số tiền kiếm được qua việc bán "chui", thậm chí "vô hiệu hóa" giá trị cổ phiếu tăng bất thường khi bán chui. Có như vậy mới ngăn ngừa không tái diễn làm vấy bẩn thị trường chứng khoán". Đề xuất mạnh tay hơn, độc giả tên Thuyên còn yêu cầu : "Cần sửa đổi luật theo hướng loại bỏ khỏi sàn chứng khoán nếu lãnh đạo hoặc người nhà lãnh đạo bán chui để làm gương".

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng lên án hành vi "bán chui" cổ phiếu của Chủ tịch FLC. Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường, để thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững, tính minh bạch là điều cần đặc biệt chú trọng. Do đó những vụ việc làm giá, bán chui cổ phiếu cần xử lý nghiêm để làm trong sạch thị trường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

"Thị trường chứng khoán cần sự minh bạch và chuẩn mực. Để xây dựng thị trường chứng khoán chuyên nghiệp, cần có đội ngũ những nhà đầu tư "tử tế" và "đẳng cấp". Nếu làm ăn đàng hoàng, sao cứ phải bán chui cổ phiếu?", ông Cường nhấn mạnh. Vẫn theo ông Cường, vụ "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết cho thấy quy định công bố thông tin trước khi giao dịch cổ phiếu hiện nay chưa chặt chẽ và có kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng hòng trục lợi.

Từ vụ việc này, chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng cơ quan quản lý cần chỉnh sửa, bổ sung các quy định để đảm bảo thị trường được minh bạch, quyền lợi nhà đầu tư được đảm bảo.

"Tôi cho rằng quy định công bố bản đăng ký giao dịch cổ phiếu trước ngày giao dịch là cần thiết giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm được tình hình biến động cổ đông và người nội bộ trước khi sự việc diễn ra, từ đó có các quyết định đầu tư phù hợp. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy quy định này hiện nay chưa chặt chẽ và có kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng", ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng, việc ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong ngày giao dịch 10/1 mà không thông báo khiến các nhà đầu tư "trở tay không kịp". Để ngăn chặn những hành vi tương tự, nhà quản lý cần áp dụng loạt giải pháp như đưa cổ phiếu đó vào dạng cảnh báo, phạt gấp đôi lợi nhuận thu được và thông báo tới toàn bộ thành viên thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc ông Quyết bán "chui" cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch hôm 10/1 khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị thiệt hại nặng nề.

Ông Hải cho rằng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) phải chỉ đạo công ty chứng khoán phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Quyết. Đồng thời buộc ông Quyết phải mua lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông này đã bán trong phiên giao dịch hôm 10/1. Toàn bộ số tiền chênh lệch mà ông Quyết có được sau khi giao dịch số lượng cổ phiếu nói trên sẽ được tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước do đây là số tiền thu lợi bất chính.

Không những thế, theo ông Hải, cần xem xét việc bán chui cổ phiếu của ông Quyết có vi phạm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán không.

Liên quan đến vụ bán "chui" cổ phiếu FLC, sáng 11/1 SSC cho biết: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định".

Hòa Bình – Ngọc Vy

Nguồn : VTC News, 11/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Hòa Bình, Ngọc Vy
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)