GDP 7% và vận nước đang lên ?
A.H., VNTB, 01/01/2020
Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ‘vận nước đang lên’, có thật thế không ?
Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%
Những lần tự hào lịch sử
Đầu tiên, chúng ta là dân tộc phát minh thứ vĩ đại thứ ba của nhân loại, không phải lửa hay kim khí, mà chính là "làm chủ tập thể".
Tiếp đó, chúng ta thực hành nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ duy nhất chỉ tồn tại tại các quốc gia cộng sản hiếm hoi, và hàng năm ngân sách quốc gia vẫn dành cho một Hiệp hội của riêng Đảng cộng sản nghiên cứu và làm rõ.
Kế theo, chúng ta có một mô hình doanh nghiệp chủ đạo nhà nước, nhưng thực hành kinh doanh là lấy lỗ làm nguyên tắc, kế hoạch. Hình thành nền tảng ‘lỗ theo kế hoạch’ và ngân sách quốc gia tiếp tục được chi ra nhằm bù đắp ‘lỗ’ vô hạn này.
Và, sau 70 năm hình thành nhà nước và gần 1 thế kỷ hình thành đảng cầm quyền. Chúng ta vẻ vang đón nhận thông tin, dưới thời kỳ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyền lực ‘vĩ đại’. Chúng ta đã tự hào tuyên bố : lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ.
Trong bài phát biểu của người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam, có thể nhanh tìm thấy cụm từ ‘lịch sử’, ‘lần đầu tiên’, ‘cơ đồ’, ‘vận nước’… Những cụm từ thường được nghĩ đến trạng thái chìm trong men say chiến thắng, của cái thời kỳ ‘chiến thắng hai đế quốc to’.
‘Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay’. Đúng, nhưng chúng ta thấy gì một ý chí ‘mãnh liệt tinh thần Việt’ mức khó tin. Chúng ta thừa tự tôn, thừa tự hào, và thừa vĩ đại.
Thành tựu nhưng có bền vững, phát triển ?
Trong bài phát biểu báo cáo thành tựu, tốc độ tăng trưởng GDP là 7% và lạm phát giữ mức 3%. Tuy nhiên, con số này rất khó để đánh giá được tính chính xác của nó, trong khi, cảm quan vật giá leo thang khiến 3% lạm phát không còn đứng vững.
Tình trạng Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ, kèm việc điều chỉnh xuống tiêu cực triển vọng tín dụng của Việt Nam đã là một nỗi lo cần đánh giá đúng. Bởi ngay những ngày cuối năm, Bloomberg đã cho biết, nếu không cải thiện thứ hạng đánh giá này, thì hoặc sẽ ‘theo Trung Quốc dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ, hoặc giảm quy mô cho vay doanh nghiệp’. Điều này đồng nghĩa, Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ khởi đầu cho những biến cố tệ hơn trong 6 năm tiếp theo (2021-2026).
Đối với ngành sản xuất trong nước, vẫn chưa xuất hiện một ngành công nghiệp chủ lực. Vingroup đang cố gắng bứt tốc ra khỏi đầu tư bất động sản, lấn sân vào các ngành sản xuất và nghiên cứu công nghệ, tuy nhiên, có vẻ tập đoàn này vẫn dừng ở mức ‘gia công’ và tận dụng lợi thế chính sách thuế hơn là tập trung một một mảng ngành thực sự. Câu chuyện gần nhất liên quan đến mảng sản xuất – công nghệ là Vingroup và Viettel sản xuất của thiết bị 5G. Thế nhưng với một tập đoàn mới bắt đầu như Vingroup vẫn cần đặt nghi vấn, bởi đây là tập đoàn mạnh về tiền, bạo về PR nhưng lại thiếu lịch sử trong sản xuất. Trong khi sản xuất thiết bị 5G là phức tạp đến mức chỉ có 5 nước trên thế giới sản xuất được. Lần tuyên bố sản xuất thiết bị 5G này làm gợi nhớ sản phẩm điện thoại mà Vingroup từng tự hào made in Vietnam (Vsmart Live) là phiên bản đổi tên của điện thoại Trung Quốc Meizu 16XS (!?).
Điều quan trọng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đã được đặt ra từ 2 thập niên về trước.
Ngay cả khi con số tăng trưởng 7% là thật, thì đó cũng không thể hiện được rằng, Việt Nam đang phát triển.
Trong một phản hồi trên BBC Tiếng Việt, Facebooker Cafe Ku Búa diễn giải vì sao ngay cả khi tăng trưởng GDP nhưng sẽ không phản ánh được mặt phát triển. Và nếu không có phân biệt rạch ròi, thì dễ dẫn đến ‘bị lạm dụng’, hay ‘đánh đồng là một’.
‘Tăng trưởng là khi đất nước có sự gia tăng về GDP, vốn đầu tư, việc làm hay lương. […] Phát triển là sự gia tăng của tiêu chuẩn đời sống, môi trường sống, sức mua của thu nhập và uy tín quốc gia’.
‘Việt Nam có mức tăng trưởng GDP 7%, thuộc hàng top, nhưng cùng lúc nợ công cũng gia tăng ở mức tương tự hoặc hơn. Một con nợ vay tiền mua nhà, bỗng nhiên có thêm tài sản, thì có được coi là giàu có về giá trị hơn không ?’.
‘Đất nước đang thu hút vốn đầu tư quốc tế và ngày càng nhiều doanh nghiệp vào kinh doanh hoạt động. Nhưng song song là môi trường xuống cấp, giao thông ùn tắc và lao động bị bóc lột.
Người dân thì có việc làm nhưng với đồng lương rẻ mạt. Thu nhập tăng nhưng không đuổi kịp giá nhà và hàng hóa’.
Và theo Facebooker này, chỉ được coi là ‘phát triển’ khi ‘một công nhân đi làm vẫn có thể nuôi gia đình. Một bà mẹ sinh đẻ có thể an tâm về chất lượng y tế và sinh viên ra trường an tâm sẽ có việc làm’.
Điều đó cho thấy rằng, thành tựu Việt Nam đạt được trong năm 2019 là không phủ nhận. Tuy nhiên, đánh giá chưa chính xác và đúng với những gì mà nó phản ánh.
7%
GDP 7% nhưng người dân vẫn đối mặt với cảnh không đủ tiền chạy giá tăng bất động sản hàng ngày. Chiến thắng tại Seagame cũng không thể khiến cho hàng xuất đi Trung Quốc tránh tắt nghẽn. Trừng phạt tham nhũng vẫn chú trọng ‘đoái tiền chuộc tội’ khiến khả năng răn đe trong quốc nạn này bị suy giảm nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí đến mức làm suy kiệt giống nòi ở miền Bắc đang nuôi dưỡng mầm mống xung đột xã hội trong tương lai. Và như thế, không thể gọi tên ‘lịch sử’ hay miêu tả ‘vận nước đang lên’ được. Bởi như thế khác gì tìm cách đội vội vàng trên đầu vòng nguyệt quế để làm đẹp tình hình kinh tế – xã hội trước khi Đại hội Đảng diễn ra, dù rằng tình hình chưa hề đến mức đó.
A. H.
Nguồn : VNTB, 01/01/2020
******************
Kinh tế Việt Nam 2019 qua sắc mặt của người dân lao động
Hiền Vương, VNTB, 01/01/2019
Kinh tế Việt Nam 2019 nhìn qua sắc mặt của người nông dân, vẫn là câu chuyện cũ kỹ : Điệp khúc "được mùa – mất giá", lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Chỉ số lạm phát khoảng 2,79%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng, giúp cho tăng trưởng càng thêm có ý nghĩa. Với chỉ số này, lạm phát năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây, năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%, nằm dưới cả mức dự báo của chính phủ từ đầu năm là CPI tăng từ 3,3- 3,9%.
Đó là những con số thống kê đăng tải trên hầu hết các trang báo ở Việt Nam trong dịp tổng kết năm 2019. Thế nhưng nếu nhìn tình hình kinh tế qua sắc mặt của người dân lao động, không khó để nhận ra là những phát biểu vĩ mô của các quan chức, viên chức chính phủ thường có độ vênh so với mâm cơm của giới bình dân.
Nói lạm phát dưới 3%, nhưng thực tế là dĩa cơm bình dân của công nhân từ 20 ngàn vào đầu năm 2019, thì đến đầu tháng 12 đã lên tới 25-30 ngàn, vì miếng thịt thì teo tóp hơn so hồi hơn chục tháng trước đó. Các hàng quán cuối năm đều điều chỉnh giá tăng từ 15% – 25% so với đầu năm. Không thể không tăng cao trong ngành hàng ăn uống, vì thịt heo ở quý cuối năm 2019 đã tăng gấp đôi so với mức đầu năm, các hoá đơn tiền điện tăng 30 – 50% từ ngày 20/3/2019, có tới 1.900 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá từ 20/8/2019.
Chi li hơn, theo con số tính toán của người nội trợ tại Hà Nội thì thời điểm giữa năm 2019, giá rau xanh, củ, quả tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô tăng giá mạnh, có loại tăng gấp đôi. Rau muống được bán phổ biến là 10.000 đồng/mớ so với mức 6.000 đồng/mớ trước đây ; mướp và đỗ đũa cùng có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng ; giá bắp cải tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg ; khoai tây 13.000 đồng, tăng 5.000 đồng ; cà tím 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng ; cà rốt 15.000 đồng/kg ; giá cà chua tăng gần gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá rau sống tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/kg…
Không rõ những con số tăng giá cả này ngay tại Hà Nội có được những quan chức, viên chức trong chính phủ nhớ đến khi họ nghe đọc báo cáo thống kê năm 2019 về chỉ số lạm phát.
Kinh tế Việt Nam 2019 nhìn qua sắc mặt của người nông dân, vẫn là câu chuyện cũ kỹ : Điệp khúc "được mùa – mất giá", lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào ; đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi. Đến thời điểm hiện tại, ý niệm "thoát Trung" về mặt kinh tế dường như là không mấy hiện thực.
Kinh tế Việt Nam 2019 nếu nhìn qua sắc mặt của giới tài chính, thì nhìn chung vẫn gam màu ảm đạm của ‘mây đen phủ’ hơn là ‘mặt trời vẫn đang tỏa sáng’ như ví von của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam hôm 30/12/2019. Con số thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%.
Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018. Nói một cách khác, niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với chuyện bỏ vốn vào làm ăn ở Việt Nam vẫn còn là chuyện của ‘trời mây vần vũ’…
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 01/01/2020
******************
Việt Nam tỏ dấu hiệu từ bỏ mô hình kinh tế tập trung
VOA tiếng Việt, 01/01/2020
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của Việt Nam, mới đây đã nói rằng họ sẽ không đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế nữa, báo hiệu bước đi mới nhất trong sự chuyển đổi ra khỏi nền kinh tế kế hoạch tập trung ở quốc gia cộng sản này.
Một người bán hàng rong đi ngang một cửa hàng Viettel ở Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý rằng đầu tư nhà nước, thường là dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, đã giảm trong những năm gần đây. Cho đến năm 2020, ông ước đoán đầu tư của nhà nước sẽ chiếm khoảng 16% nền kinh tế của thành phố, chỉ bằng một nửa so với con số 32% hồi năm 2005.
"Trong thời gian sau, trong lĩnh vực đầu tư sản xuất và kinh doanh, khu vực nhà nước về cơ bản sẽ không đầu tư nữa", ông Nhân nói. "Do đó, động cơ tăng trưởng kinh tế nằm ở khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài".
Đảng Cộng sản đã lên nắm quyền ở đất nước này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam hồi năm 1975. Khi đó, họ đã ban hành hạn ngạch sản xuất và kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, nền kinh tế đã chuyển sang hướng khu vực tư nhân nhiều hơn kể từ những năm 1980. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và gần đây nhất là các công ty khởi nghiệp đã và đang đóng vai trò ngày càng tăng trong nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa là chính phủ đã thoái vốn và cho phép cổ phần tư nhân lớn hơn trong các doanh nghiệp nhà nước, một quá trình mà họ gọi là cổ phần hóa.
Vai trò của nhà nước đang thay đổi
Thay vì đầu tư, nhà nước sẽ tập trung vào môi trường đầu tư, theo ông Nhân. Vai trò của Nhà nước là đối thoại với các bên liên quan và giải quyết các vấn đề về thuế, đất đai và các chính sách công khác khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết, ông nói.
"Môi trường kinh doanh rất quan trọng", ông Nhân nói tháng trước trong một phiên cập nhật cho công chúng về tình trạng nền kinh tế. "Chất lượng không khí như thế nào, khi các nhà đầu tư hỏi, chúng ta phải có câu trả lời. Không chỉ là đất đai, mà còn với môi trường sạch sẽ, giao thông tốt và chất lượng không khí tốt thì các nhà đầu tư mới đến".
Ông đề cập đến nông dân như là một ví dụ. Để phù hợp với chính sách kinh tế cộng sản, tất cả đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng người dân có thể cho thuê nó trong nhiều thập kỷ. Có vẻ như một số nông dân, chẳng hạn như những nông dân ở các khu vực ngoại thành xa xôi của Thành phố Hồ Chí Minh, đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang các loại công việc khác. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đó đã tạo ra sự nhầm lẫn về quy hoạch đất đai và người dân có quyền sử dụng như thế nào đối với các loại đất đai khác nhau. Khoảng 2/3 lãnh thổ Việt Nam là nông thôn nhưng quá trình đô thị hóa ngày càng tăng.
Triển vọng kinh tế 'tích cực'
Cổ phần hóa cũng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Nó có mục tiêu cổ phần hóa 403 doanh nghiệp nhà nước cho các nhà đầu tư tư nhân trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, nhưng đến nay chỉ mới đạt được khoảng 1/5 mục tiêu.
Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã thay đổi triển vọng chính thức về kinh tế của Việt Nam từ ‘ổn định’ sang ‘tích cực’ hồi tháng 5 với lý do rằng tiến trình cổ phần hóa đã góp phần giảm mức nợ của chính phủ.
"Mức giảm này cũng được hỗ trợ bởi các khoản thu ổn định từ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng trưởng GDP danh nghĩa cao [tổng sản phẩm quốc nội] và thâm hụt tài khóa thấp hơn", Fitch nhận định. "Tốc độ cổ phần hóa chung đã chậm lại, nhưng quá trình này vẫn tiếp diễn, với 28 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm 2018 so với 69 doanh nghiệp trong năm 2017".
Nguồn : VOA, 01/01/2020
******************
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 qua các chỉ số
Nhật Hạ, The Leaer, 31/12/2019
Năm 2019 được coi là năm đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế tốt nhất trong 10 năm trở lại đây. Hay cùng nhìn lại các chỉ số phản ánh bức tranh kinh tế sáng sủa này.
Theo Tổng cục Thống kê