Gạc Ma : tấm gương vỡ, biểu tượng thất truyền và lòng yêu nước bị lợi dụng
Y Chan, Luật Khoa, 14/03/2022
Chính quyền muốn tạo dựng lại ký ức Gạc Ma, nhưng bài học thì vẫn để ngỏ.
Minh họa : Luật Khoa.
Vào dịp kỷ niệm sự kiện Gạc Ma năm nay, 14/3/2022, hàng loạt thông điệp xúc động xuất hiện trên khắp các tờ báo nhà nước.
Các bài viết đều ca ngợi những chiến sĩ Gạc Ma hy sinh năm xưa, gọi họ là các anh hùng, là những tấm gương sáng, là biểu tượng của lòng yêu nước [1] [2].
Nhiều báo đưa tin chi tiết về các hoạt động tưởng niệm, từ chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ đến việc người dân dâng hương tưởng nhớ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma [3] [4].
Nếu là một người nước ngoài mới chuyển đến sống tại Việt Nam và lần đầu đọc báo chí trong nước, hẳn bạn sẽ nghĩ đây là một dịp tưởng niệm bình thường như nhiều sự kiện lịch sử khác.
Nhưng với người Việt Nam, các bản hùng văn trịnh trọng trên báo chí để lại nhiều dấu chấm hỏi và không ít dấu chấm than.
Không một tờ báo nào giải thích vì sao những tấm gương sáng ngời đó suốt hơn 30 năm qua hầu như vô danh, hoàn toàn xa lạ đối với phần lớn người dân trong nước [5].
Không bài viết nào giải thích vì sao những biểu tượng đó trong suốt một thời gian dài bị vùi dập, khi các bài viết và quyển sách về họ gian nan trầy trật để được tồn tại [6].
Cũng không ai giải thích vì sao trong suốt nhiều năm, mỗi khi có người tổ chức tưởng niệm các anh hùng Gạc Ma thì luôn xuất hiện những thành phần "thanh niên yêu nước" công khai phá rối, cản trở [7].
Phải mất hơn ba thập niên, chế độ cầm quyền tại Việt Nam mới rón rén thả rèm để người dân được nhìn he hé vào những sự thật lịch sử.
Nói là "rón rén" vì ngay đến trong bài viết ca tụng mới nhất, tác giả – một đại tá quân đội – cũng không dám gọi thẳng tên mà phải dùng từ "nước ngoài". Chỉ sau khi bị dư luận phản ứng mạnh, hai chữ "Trung Quốc" mới được thả ra [8].
Ba mươi năm không phải là một cái chớp mắt. Đối với nhiều người, đó là bằng cả cuộc đời. Đối với 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh năm xưa, đó là hơn cả đời người. Năm mươi chín người ngã xuống khi tuổi đời chưa quá 30 [9].
Có thể nói, họ sinh ra và chết đi đến hai lần mà vẫn là những kẻ vô danh.
***
Nhiều người tìm thấy điểm tương đồng trong câu chuyện hy sinh của những người lính tại Gạc Ma với việc những người lính Ukraine chống lại quân xâm lược Nga.
Khi bị quân Nga bao vây, đe dọa thả bom và yêu cầu buông vũ khí đầu hàng, những người lính Ukraine canh giữ đảo Snake Island đã đáp trả ngắn gọn : cút mẹ mày đi (go fuck yourself) [10].
Khí phách của những người lính Ukraine khiến cả thế giới khâm phục, và dễ hiểu vì sao nó khiến người Việt Nam nghĩ đến những người lính Gạc Ma năm xưa, bắt tay nhau tạo thành một vòng tròn quyết tử để bảo vệ hòn đảo trước họng súng của kẻ thù.
Nhưng bất chấp những tương đồng, đây là một sự so sánh khiên cưỡng, nếu không muốn nói là khập khiễng.
Thứ nhất, dù thông tin ban đầu cho biết 13 người lính Ukraine trên đảo đã tử trận, nhưng rất có thể họ vẫn còn sống và đang bị bắt làm tù binh [11].
Thứ hai, không có lãnh đạo nào của Ukraine ra lệnh cho các chiến sĩ của mình không được chống trả, trong khi những người lính Gạc Ma phải nộp mạng cho đối phương khi làm theo lệnh của cấp trên là "không được nổ súng" [12].
Và cuối cùng, trong khi người Ukraine ngay lập tức biến câu chuyện anh hùng của những người lính đảo thành cảm hứng cho cuộc chiến chống quân xâm lược – họ vừa phát hành bộ tem ghi lại khoảnh khắc bất tử đó – thì với rất nhiều người Việt Nam, Gạc Ma vẫn là một chỉ dấu của chứng mất trí nhớ tập thể [13] [14].
***
Sau hơn ba thập niên vùi dập những ký ức về trận chiến Gạc Ma, ngày nay, chính quyền đang nỗ lực tạo dựng lại một ký ức mới – rằng những chiến sĩ hy sinh chưa bao giờ bị lãng quên, rằng họ là biểu tượng bất tử của lòng yêu nước, và rằng họ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.
Đích thực, những người lính Gạc Ma chưa bao giờ bị lãng quên – vẫn luôn có những người kể lại câu chuyện của họ bất kể việc bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cản bấy lâu.
Đích thực, họ xứng đáng là biểu tượng của lòng yêu nước – thứ tình cảm chất phác luôn tồn tại trong những người dân bình thường nhất, nhưng lại rất thiếu thốn ở những người nắm giữ quyền lực.
Và đích thực, họ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau, nhưng không phải để những kẻ nắm quyền lợi dụng đứng sau hô hào người khác phải xả thân hy sinh.
Họ là tấm gương cần được lau chùi sạch sẽ, quét đi những lớp bụi đóng dày và rửa sạch những lớp sơn nham nhở, để các thế hệ tương lai luôn học được những bài học chân thật của lịch sử.
Và không ai cần được soi những tấm gương đó hơn là những người nắm giữ quyền lực của đất nước.
Y Chan
Nguồn : Luật Khoa, 14/03/2022
Chú thích :
1. Hoàng Sơn. (2022, March 13). 34 năm sự kiện Gạc Ma: 64 anh hùng liệt sĩ là gương sáng cho mai sau. Báo Thanh Niên.
2. Phùng Kim Lân. (2022, March 12). Gạc Ma – biểu tượng sáng ngời lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn.
3. Viết Tuân. (2022, March 13). Thủ tướng dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. vnexpress.net.
4. Tâm C. (2022, March 13). Đông đảo người dân xúc động dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma. danviet.vn.
5. VnExpress. (2016). Gạc Ma – Trận hải chiến bị lãng quên – VnExpress. video.vnexpress.net.
6. Hòa Ái. (2020, October 11). "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử": Số phận cuốn sách về đâu ? Radio Free Asia.
7. BBC News Tiếng Việt. (2015, March 14). "Dư luận viên phá lễ tưởng niệm Gạc Ma".
8. Xem [2]
9. Báo Thanh Niên (2019, March 14). Danh sách 64 Liệt Sĩ Gạc Ma. Báo Thanh Niên.
10. Visontay, E. (2022, February 28). Ukraine soldiers told Russian officer ‘go fuck yourself’ before they died on island. The Guardian.
11. Gijs, C. (2022, February 28). The ‘go fuck yourself’ Ukrainian soldiers on Snake Island are alive, navy says. POLITICO.
12. Xem [6]
13. Michael, C. (2022, March 12). Ukraine reveals ‘Russian warship, go fuck yourself !’ postage stamp. The Guardian.
14. Y Chan. (2021, March 14). Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể. Luật Khoa Tạp Chí.
***********************
14 tháng 3 – Gạc Ma, tri ân vẫn như... động tác kỹ thuật !
Trân Văn, VOA, 14/03/2022
Dã tâm của Trung Quốc vẫn thế, chỉ khác ở chỗ hung hăng hơn và mức độ càn rỡ càng lúc càng khiến người Việt thêm căm phẫn.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma khánh thành giai đoạn 1 ngày 15/7/2017.
Ngày 14/3/2022 – tròn 34 năm ngày Trung Quốc thảm sát 64 quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam tại bãi đá Gạc Ma, cưỡng chiếm bãi đá này, rồi bồi đắp Gạc Ma trở thành một hòn đảo nhân tạo để khẳng định... "chủ quyền" tại biển Đông.
Năm nay, lần đầu tiên sau 34 năm xảy ra vụ thảm sát Gạc Ma, một Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thủ tướng, chính thức tham dự tưởng niệm 64 người lính vị quốc vong thân ở biển Đông...
Đó là lý do nhiều người xem việc ông Phạm Minh Chính đến dâng hương, hoa tại "Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma", tọa lạc ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là một... "tín hiệu tích cực".
"Tín hiệu tích cực" vừa kể cùng với hai... "tín hiệu tích cực" khác : Ngày 26/1/2022, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Việt Nam đến dâng hương tại "Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn", tọa lạc ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Và trước đó, ngày 8/12/2021, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Nhà nước đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại "Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên", tọa lạc tại tỉnh Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang – đã trở thành những... "sự kiện đáng chú ý" !
Sở dĩ chuyện thăm viếng, tưởng niệm, dâng hương, hoa như vừa kể trở thành "sự kiện đáng chú ý", khiến rất nhiều người Việt hoan hỉ, thậm chí phấn chấn, vì hơn 30 năm qua, kể từ lúc Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã cố tình lờ đi những anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân khi đối đầu với Trung Quốc cả ở biên giới Việt – Trung suốt từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980, lẫn biển Đông.
Thậm chí, có giai đoạn, hoạt động tưởng niệm do dân chúng tự tổ chức còn bị xem là "thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch", bị ngăn cản, bị đàn áp, bị... hài hóa như tổ chức... khiêu vũ ở tượng đài Lý Thái Tổ - nơi được chọn để tổ chức tưởng niệm !
Dẫu ba "sự kiện đáng chú ý" như vừa kể rõ ràng khác hẳn cách hành xử rất nhất quán của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong hơn 30 năm vừa qua nhưng những "sự kiện đáng chú ý" đó có thật sự là... "tín hiệu tích cực" ?
***
Cho dù việc các Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhận vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo chính phủ liên tục đến thăm viếng, dâng hương, hoa, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân trong những cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới Việt – Trung, ở biển Đông là... "chưa từng có" (*) nhưng yếu tố "chưa từng có" này hoàn toàn chưa đủ để kết luận đó là những "tín hiệu tích cực". Có những yếu tố khác cho thấy, trong chuyện này, hoạt động của Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng giống... "động tác kỹ thuật" nhiều hơn.
Theo Thông tấn xã Việt Nam và báo điện tử Chính phủ, ba lần thăm viếng, dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân trong những cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới Việt – Trung, ở biển Đông, tuy chính thức nhưng đều được mô tả như những hoạt động mang tính... "nhân dịp". Ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Nhà nước đến "Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên" nhân dịp... "dự Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang" (1). Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng đến "Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn" nhân dịp... "làm việc tại tỉnh Quảng Ninh" (2). Mới đây, ông Phạm Minh Chính tiếp tục đến "Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma" cũng là nhân dịp... "công tác tại Khánh Hòa, thăm, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân" (3).
Cả ba lần thăm viếng đều diễn ra trước ba mốc thời gian mà người Việt vẫn thường bảo nhau còn sống thì phải nhớ : 19 tháng 1 (ngày Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa), 17 tháng 2 (ngày Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam), 14 tháng 3 (ngày xảy ra vụ thảm sát ở Gạc Ma và mất Gạc Ma) ! Ai cũng biết, tính chất giữa chủ động thăm viếng, dâng hương, hoa, tri ân vào đúng dịp tưởng niệm khác hoàn toàn với... nhân dịp gì đó. Vì sao ba lần liên tục như vừa chứng kiến đều là...nhân dịp như thế ?
Và không chỉ có thế... Khi loan tin về ba lần thay nhau thăm viếng nghĩa trang, khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của hai Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước và Thủ tướng như đã kể, TTX VN rồi báo điện tử Chính phủ hoàn toàn không đề cập gì đến Trung Quốc. Đó là... "ngẫu nhiên" hay có... chủ trương ? Rồi chuyện viên đại tá tên Phùng Kim Lân thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam viết bài ca ngợi : "Gạc Ma – Biểu tượng sáng ngời lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc" trên tờ Lao Động hôm 12/3/2022, nhưng kể rằng... "nước ngoài đã bất ngờ dùng lực lượng hải quân với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam.."., sau khi bị công chúng chỉ trích kịch liệt mới thay hai từ... "nước ngoài" bằng "Trung Quốc" cũng là... "ngẫu nhiên" (4) ?
Nên hiểu như thế nào khi những yếu tố có vẻ... "ngẫu nhiên" đó lại giống hệt với sự chủ động né tránh đề cập về dã tâm, sự hung hãn của Trung Quốc đã từng thể hiện rõ nét đến mức : Khi công bố "Văn kiện Đảng toàn tập" năm 2009, lúc giới thiệu lại những văn kiện của đảng CSVN trong các năm 1979 và 1980, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia tự tiện đục bỏ hai từ "Trung Quốc", thành ra những cụm từ nguyên thủy trong các văn kiện của giai đoạn đó đề cập đến "Trung Quốc xâm lược" đều trở thành "... xâm lược", cho nên "chống quân Trung Quốc xâm lược", trở thành... "chống quân... xâm lược" (5) ? !
***
Trong vài ngày gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ giới thiệu lại một video clip do báo điện tử VnExpress thực hiện hồi tháng 3/2016, dài 2 phút 40 giây, có tên "Gạc Ma - Trận hải chiến bị lãng quên". Những nhà báo thực hiện video clip này đã hỏi nhiều người, từ già đến trẻ xem họ có biết gì về "Trận chiến Gạc Ma" không ( ?) và đa số trả lời... KHÔNG, chỉ vài người trả lời đã có nghe qua nhưng không biết cụ thể thế nào (6) ! Từ đó đến nay đã sáu năm, liệu có... "tín hiệu tích cực" nào không ?
Đầu tháng 2 năm nay, The Diplomat giới thiệu "Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War ?" của Travis Vincent (7). Khảo sát rất công phu này của Vincent đã được Nhóm thực hiện "Dự án Đại sự ký biển Đông" dịch sang tiếng Việt với tên "Tại sao Việt Nam không dạy lịch sử chiến tranh Trung – Việt" (8). Vincent đã tập hợp nhiều dữ kiện, ý kiến, phỏng vấn rất nhiều người, để giúp độc giả của ông cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam có thể tự lý giải. Trong phạm vi bài viết này, chỉ giới thiệu một ghi nhận của Vincent : Sở dĩ nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ không có ký ức về những cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới Việt – Trung, ở biển Đông vì sách giáo khoa môn Sử chỉ lướt qua.
Bản in năm 2001 của sách giáo khoa môn Sử lớp 12 ở Việt Nam chỉ dành 24 dòng cuối sách kể lại cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới Việt – Trung. Sau nhiều cảnh báo, kiến nghị và hứa hẹn, bản in năm 2018 còn... 11 dòng.
***
Hãy ngẫm thật kỹ về những gì đã thấy, đã biết rồi so sánh những chi tiết mà TTXVN, báo điện tử Chính phủ vừa mới tường thuật về chuyện thăm viếng, dâng hương, hoa cho các anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân trong những cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới Việt – Trung, ở biển Đông, kiểu như... "Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn công lao to lớn của các chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc"... có lẽ mới đoán định chính xác về thật – hư, thiệt – giả !
"Vô tri bất khả mộ" – không biết, không thể yêu. Đã che đậy cả trong giáo dục về lịch sử, về truyền thống, thậm chí dùng cả bạo lực để ngăn cản những hoạt động tưởng nhớ, tri ân có thể gây ra nghi ngại về... "16 chữ vàng", về... "tinh thần bốn tốt" thì làm sao dám tin việc ông Chính – mới thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bảo rằng... "những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam" là... thật tâm ?
Thế thì tại sao gần đây, các Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhận vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo chính phủ như ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính liên tục đến thăm viếng, dâng hương, hoa, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân trong những cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới Việt – Trung, ở biển Đông ? Câu trả lời dường như nằm ở thái độ và cách hành hành xử càng lúc càng khó lường của Trung Quốc...
Hồi 2015, khi nhiều đồng chí, đồng bào nêu thắc mắc, rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ làm gì khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, bất kể "di sản quý báu hàng đầu mà Việt Nam và Trung Quốc cùngcó là sự tương đồng ý thức hệ",khăng khăng thực hiện đủ loại hành vi ngang ngược để độc chiếm biển Đông, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, thản nhiên vặn lại :Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không(9) ?
Dã tâm của Trung Quốc vẫn thế, chỉ khác ở chỗ hung hăng hơn và mức độ càn rỡ càng lúc càng khiến người Việt thêm căm phẫn. Thực tế cho thấy, bất kể nhún nhường thế nào cũng không khiến Trung Quốc... thông cảm. Nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới và dường như chắc chắn là thế, chắc chắn điều đó sẽ khiến trong nước... bất ổn vì những ẩn ức do bất bình về cách hành xử nhún nhường tới mức xóa bỏ ký ức lịch sử của nhiều thế hệ, thản nhiên gạt bỏ sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân trong những cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược, tới lúc đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khó mà... ngồi để... bàn việc tổ chức thêm các... đại hội đảng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/10/2022
Chú thích :
(*) Từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm vừa qua (2021), chỉ có một Ủy viên Bộ Chính trị đang tại chức đến thăm viếng, dâng hương hoa cho các anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân khi chống trả quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới Việt - Trung là ông Trương Tấn Sang trong tư cách Chủ tịch Nhà nước. Đó là lần duy nhất trong ba thập niên (tháng 2/2016). Hai tháng sau (tháng 4/2016), ông Sang nghỉ hưu.
(4) https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/10159630093898965
(6) https://www.youtube.com/watch?v=EfuVA8oyLKk&ab_channel=BáoHànộimới
(7) https://thediplomat.com/2022/02/why-wont-vietnam-teach-about-the-sino-vietnamese-war/
(8) https://dskbd.org/2022/02/16/tai-sao-viet-nam-khong-day-lich-su-chien-tranh-trung-viet/
**************************
Lập Quyền Dân, RFA, 14/03/2022
Tất cả mọi công dân, đảng viên và lãnh đạo chỉ cần tuân thủ các quyền và nghĩa vụ đã được hiến định, ngoài ra không phải tuân theo bất cứ các ràng buộc nào khác.
Reuters
Nhân ngày 14/3 – ngày Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, ngày giỗ chung của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng – tám Tổ chức Xã hội Dân sự vừa ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung lời kêu gọi được công bố chi tiết tại "Tuyên bố từ sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14/3". Trước mắt, "Tuyên bố 14/3" kêu gọi, toàn Đảng từ trung ương đến cơ sở phải học tập và tuân thủ sống và làm việc theo Hiến pháp. Xác định rõ, Hiến pháp là văn bản để thực thi, không phải là văn bản để tuyên truyền và đối phó với nhân dân. Tất cả mọi quyền của công dân được Hiến pháp qui định thì công dân có quyền tuân thủ và thực thi, không cần chờ luật hay thông tư. Trên tinh thần ấy, Nhà nước không được phép tùy tiện sách nhiễu và trấn áp các Tổ chức và những cá nhân thực thi các quyền mà Hiến pháp đã long trọng tuyên bố khi chưa có luật điều chỉnh (1).
*
Cụ thể, đối với mọi công dân tự do, cần được tạo mọi điều kiện để thực hiện ngay các điều :
1) Điều 25 của Hiến pháp 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định.
2) Điều 27, Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
3) Điểm 2 điều 28, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội ; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
4) Nhà nước phải thực hiện các cam kết quốc tế về việc công nhân được thành lập ngay các công đoàn độc lập, hoạt động vì lợi ích của họ.
Đối với Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 84, Điều 88, Điều 90, Điều 91. Theo tiêu chí về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn, có thể phân chia các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước thành hai nhóm lĩnh vực sau : 1) Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến chức năng đại diện, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước. 2) Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc phối hợp với các thiết chế quyền lực nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp của Chủ tịch nước (2).
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có sáu nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó đã được chi tiết hóa :
1) Lãnh đạo công tác của Chính phủ ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật.
2) Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
3) Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4) Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp.
5) Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
6) Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (3).
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, theo đó :
1) Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội ; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
2) Lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội ; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3) Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.
4) Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và một số Uỷ ban khác theo luật định.
5) Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.
6) Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.
7) Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội ; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội ; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực (4).
Để Việt Nam xây dựng thành công đất nước theo các tiêu chí dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để Đảng thực sự ở trong lòng dân, để Việt Nam thực sự là hùng cường, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ngoài hải đảo, các tổ chức XHDS trên toàn cõi Việt Nam kêu gọi tất cả mọi công dân, tất cả các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng toàn thể mọi tổ chức xã hội khác hãy gương mẫu thực hiện các quyền hiện định một cách đầy đủ và nghiêm túc nhất !
*
Theo giới quan sát trong nước, "Tuyên bố 14/3" không chỉ sẽ được sự chấp thuận của đại bộ phận nhân dân, mà có thể còn được sự hưởng ứng tích cực của một bộ phận lớn từ lãnh đạo các cấp. Chủ yếu nhờ ba lý do : Thứ nhất, thời điểm đưa ra Tuyên bố có ý nghĩa quốc tế. Việt Nam chưa bao giờ bị động và khó khăn như lúc này, khi mà cả thế giới tiến bộ đang lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga - Vladimir Putin, trong khi đó, sau những ngày đầu chơi vơi, nay bước sang ngày thứ 16 và 17 của cuộc chiến, Việt Nam vẫn trong tình trạng lưỡng nan. Nếu kéo dài lập trường "đi hàng hai", sẽ rất mất uy tín trước quốc tế và quốc nội. Thứ hai, nếu bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc mà không dám lên án Putin, nay mai nếu Tập Cận Bình làm theo đúng kế sách của Putin, mở các "chiến dịch quân sự đặc biệt" trên Biển Đông, ai sẽ là người đứng ra "sát cánh" cùng nhân dân Việt Nam ? Thứ ba, xã hội Việt Nam đang trưởng thành, phân biệt được đúng sai, phi nghĩa và chính nghĩa trong cuộc chiến tranh hiện nay ở Ukraine. Bộ máy an ninh không được đàn áp các tổ chức XHDS và nhân dân nói chung khi họ "sát cánh cùng Ukraine" (Lời kêu gọi của EU gửi đến chính phủ Việt Nam).
Trong bối cảnh nói trên, "Tuyên bố 14/3" là lời kêu gọi chí lý chí tình, yêu cầu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thấm nhuần và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được ghi Trong Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chắc chắn sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn về đối nội và đối ngoại hiện nay. "Diễn biến tình hình thế giới rất khó lường, an nguy, đất nước đang bị thách thức, nếu nội lực Việt Nam không đủ mạnh, dân tộc Việt Nam không đoàn kết thì chắc chắn, Trung Quốc sẽ xâm lược Việt Nam", Tuyên bố 14/4 khẳng định và kêu gọi tiếp : "Các tổ chức xã hội dân sự chúng tôi chưa yêu cầu điều gì mới, chỉ yêu cầu Nhà nước thành tâm thực thi những điều qui định của Hiến pháp do chính đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng". Cũng như Tuyên bố trước đây đòi huỷ bỏ ba điều của Bộ Luật Hình sự (5), Tuyên bố về vụ đại án Việt Á (6), Bức thư chung gửi Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam (7), "Tuyên bố 14/3" này sẽ có tiếng nói quan trọng đối với cả dân trí lẫn quan trí, góp phần phát triển, củng cố nội lực đất nước "để phát huy sức mạnh của sự nghiệp quần chúng, đưa Việt Nam thành một xã hội dân sự, dân chủ, tự do là con đường tất yếu cho sự phát triển và bảo vệ đất nước".
Lập Quyền Dân
Nguồn : RFA, 14/03/2022
Tham khảo :
1. https://basam.vet/2022/03/13/3184-tuyen-bo-tu-su-kien-dao-gac-ma-14-3-1988-nhung-viec-truoc-mat-can-lam-cua-lanh-dao-viet-nam/
6. https://www.voatiengviet.com/a/tuyen-bo-dai-an-viet-a-xa-hoi-dan-su/6418225.html
**********************
Minh Anh, RFI, 15/03/2022
Hôm 14/03/2022, là đúng 34 năm ngày xảy ra trận hải chiến Gạc Ma giữa quân đội Việt Nam và Trung Quốc. Lần đầu tiên đích thân thủ tướng chính phủ chủ trì lễ tưởng niệm và một bài xã luận về cuộc chiến này đã được đăng trên trang nhất của cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dân hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Khánh Hòa, Việt Nam, ngày 12/03/2022. © RFI/Capture d'image
Ngày 12/03, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến dâng hoa tại Đài Tưởng Niệm trận đánh Gạc Ma (Johnson South Reef), tỉnh Khánh Hòa (Nam Trung Bộ Việt Nam). Theo trang mạng BenarNews, thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam chủ trì lễ tưởng niệm, tôn vinh 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến năm 1988.
Cũng trong tinh thần buổi lễ này, trang nhất báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản, ngày 12/03/2022, đã đăng một bài xã luận có tựa đề "Vinh quang đời đời những người giữ biển" và ba bài viết khác về trận hải chiến Gạc Ma.
Trang mạng BenarNews lưu ý là trong một thời gian dài, trận chiến này đã không được nhắc đến trước công chúng và cho đến nay vẫn chưa được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường. Các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát có xu hướng thay từ "Trung Quốc" bằng cụm từ "lực lượng nước ngoài".
Phải chăng đó là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn tránh làm mất lòng Trung Quốc ? Hay là để công chúng không chăm chú vào những sai lầm trong việc chỉ huy kháng cự có thể dẫn đến thất bại ? Đây là những câu hỏi đang được nhiều cư dân mạng đặt ra trên các diễn đàn, theo như quan sát của BenarNews.
Xin nhắc lại, vào ngày 14/03/1988, vào lúc bộ đội Việt Nam đang vận chuyển vật liệu xây dựng lên bãi đá ngầm và cắm cờ tại bãi đá Gạc Ma, nằm trong cụm Sinh Tồn, thì bị quân Trung Quốc nã súng với cáo buộc rằng phía Việt Nam đã nổ súng trước.
Chỉ trong vài giờ, 64 binh sĩ Việt Nam, phần lớn không có vũ khí đã thiệt mạng, 9 người bị bắt. Đây là tổn thất lớn nhất của quân đội Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Kể từ đó, bãi Gạc Ma nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Một cử chỉ khác đáng chú ý là trên Facebook hôm qua, ông Nguyễn Đình Binh, cựu thứ trưởng Ngoại Giao, còn đề nghị rằng đối với cuộc hải chiến Hoàng Sa, tháng Giêng năm 1974, Nhà nước nên truy phong Liệt sỹ và khen thưởng xứng đáng các sĩ quan, binh lính, viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến này. Theo ông, đó là "những người con đích thực của Dân tộc Việt Nam".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 15/03/2022
*************************
RFA, 14/03/2022
Hình ảnh từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa nơi xảy ra thảm sát 64 binh sĩ Việt Nam năm 1988 đã trở thành căn cứ quân sự vững chắc của Trung Quốc sau nhiều năm cải tạo.
Đá Gạc Ma vào năm 2012 (trên) và 2017 (dưới). Hình : AMTI
Hình ảnh sớm nhất của trung tâm này thu thập là từ 2012, người ta vẫn còn thấy nơi đây là một rặng san hô, nhưng đến 2016, 2017 thì đá này đã hoàn thiện thành một đảo nhân tạo.
Theo CSIS, Trung Quốc đã thay đổi thiết kế của căn cứ phòng thủ tại Đá Gác Ma.
Căn cứ trung tâm chỉ có hai nhánh, trong đó nhánh phía Nam chứa súng phòng không (được che đậy trong ảnh vệ tinh gần đây, nhưng có thể nhìn thấy trong các hình ảnh trước đây) và nhánh phía Bắc rõ ràng có hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS).
Ngoài ra, một bệ súng và nhiều khả năng là CIWS, cùng với ra đa, đã được xây dựng trên một cấu trúc riêng biệt khác, bao gồm ba tòa tháp hình lục giác ở phía Đông của hòn đảo nhân tạo.
Cấu trúc này có vẻ đỡ phức tạp hơn các cấu trúc tiền thân được xây dựng gần đầy tại khu vực Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Nguồn : RFA, 15/03/2022
1. Ngày 24/2/2022 Nga nổ súng xâm lược Ukraine. Cùng với toàn dân Ukraine cầm súng đứng trong chiến hào chống quân Nga xâm lược và chỉ hai ngày sau, ngày 26/2/2022, từ chiến hào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kí đơn khẩn gửi Tòa án Công lý Quốc tế, ICJ ở The Hague, Hà Lan, kiện Nga gây chiến xâm lược phi pháp đất nước Ukraine. Tòa ICJ đã nhận đơn.
Ngày 26/2/2022, từ chiến hào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kí đơn khẩn gửi Tòa án Công lý Quốc tế, ICJ ở The Hague, Hà Lan, kiện Nga gây chiến xâm lược phi pháp đất nước Ukraine.
Chưa có và chưa cần biết phán xử của Tòa, lá đơn kiện của Ukraine đã tố cáo với thế giới tội phạm chiến tranh của Nga, buộc Nga phải đối mặt với luật pháp quốc tế, đối mặt với công lí của loài người, đặt Nga vào vị trí tội phạm gây chiến xâm lược.
Lá đơn kiện mỏng manh của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa nhân dân Ukraine đứng cao trên nền tảng vững chắc của công lí, tạo ra tư thế hiên ngang của chính nghĩa cho đất nước và nhân dân Ukraine.
Người dân Ukraine càng lẫm liệt cầm súng chiến đấu không phải chỉ bảo vệ đất nước Ukraine mà còn bảo vệ cả luật pháp quốc tế, bảo vệ công lí của cả loài người. Cả loài người đứng cùng chiến hào với người dân Ukraine chống quân Nga xâm lược, chống quân Nga chà đạp luật pháp quốc tế.
Những bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bản đồ 55, Đại Nam Nhất thống toàn đồ (đời Minh Mạng 1820 -1841)
2. Việt Nam vẫn luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có lịch sử lâu đời của Việt Nam, là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhưng Việt Nam hoàn toàn câm lặng chấp nhận quân đội Trung Quốc xâm lược làm chủ quần đảo Hoàng Sa, và một phần quần đảo Trường Sa.
Trường Sa, Hoàng Sa là chủ quyền lịch sử, đúng luật pháp quốc tế của Việt Nam. Nhưng Trường Sa, Hoàng Sa cũng là cánh cửa mở ra thế giới đối với Trung Quốc. Từ lâu Hoàng Sa, Trường Sa đã có trong mưu đồ, trong hoạch định bước đi thâu tóm thế giới, thống trị loài người của những hoàng đế đỏ Trung Hoa. Từ năm 1954, những bước đi bành trướng xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa đã được Trung Quốc tuần tự thực hiện.
Buộc Đảng cộng sản Việt Nam phải kí hiệp định chia đôi đất nước Việt Nam. Buộc Đảng cộng sản Việt Nam phải nhận súng đạn Made in China bắn vào một nửa đồng bào ruột thịt của mình, người Việt tự bắn giết người Việt đến người Việt cuối cùng, tàn phá đất nước Việt Nam thành tro bụi, thành hoang mạc không còn sức sống.
Những bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Tờ công vụ của triều đình thời vua Thành Thái (1889) về huy động các tàu thuyền đi biển do tộc họ Lê ở huyện Bình Sơn gìn giữ suốt nhiều năm qua.
Đúng như hoạch định của Trung Quốc. Cuộc nội chiến Nam Bắc được Đảng cộng sản Việt Nam phát động bằng nghị quyết 15/1959 bùng nổ từ cuộc đồng khởi ở Giồng Trôm và Mỏ Cày, Bến Tre ngày 17/1/1960 kéo dài mười lăm năm đến 30/4/1975, gây mất mát đau thương khủng khiếp làm cho nội lực Việt Nam chia rẽ, suy yếu, kiệt cùng. Chỉ đợi có vậy, Trung Quốc liền ra tay.
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong phần lãnh thổ Việt Nam do Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa quản lí.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đánh chiếm các bãi đá san hô Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ trong quần đảo Trường Sa của Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Bia chủ quyền biển đảo Hoàng Sa năm 1938
Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Trường Sa năm 1960
Cột mốc chủ quyền ở Trường Sa bây giờ.
3. Sau 30/4/1975, nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam là chủ thể cả dải đất Việt Nam, là chủ thể Biển Đông, chủ thể Hoàng Sa, Trường Sa.
Đến nay, Trung Quốc đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa đã 48 năm, Trung Quốc đánh chiếm bãi san hô Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ trong quần đảo Trường Sa đã 34 năm nhưng nhà nước Việt Nam, chủ thể đích thực, đúng luật pháp quốc tế của Hoàng Sa, Trường Sa vẫn câm lặng.
Từ những thế kỷ trước ông cha ta đã nỗ lực quản lý, nghiên cứu, khai thác, làm chủ hai quần đảo và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung Quốc kéo hạm đội lớn, hạm đội nhỏ vào biển Việt Nam tập trận bắn đạn thật, đùng đùng nã pháo xuống biển sát Hoàng Sa, Trường Sa. Dịp rất tốt để Việt Nam kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, đe dọa tính mạng và cản trở cuộc sống người dân đánh cá Việt Nam, phá hoại an ninh và hoạt động kinh tế, xã hội Việt Nam.
Nhưng Việt Nam chỉ lặp đi lặp lại lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao cầu xin Trung Quốc không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Lời cầu xin yếu ớt, thảm hại không phải tư thế người làm chủ lãnh thổ.
Công an nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp khi người dân lên tiếng : Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam mang học thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản về tàn phá đất nước Việt Nam, giết hại, chia rẽ, li tán chính giống nòi Việt Nam. Làm cho sức sống Việt Nam tận cùng suy kiệt, đành bất lực để Trung Quốc đánh cướp quần đảo Hoàng Sa, đánh cướp Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ trong quần đảo Trường Sa.
Khiếp nhược trước quyền uy nước lớn cộng sản, nhục nhã nô lệ vào ý thức hệ cộng sản, không dám lên tiếng với luật pháp quốc tế khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, để mất Hoàng Sa, vĩnh viễn mất Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ là trọng tội với nhân dân, với lịch sử Việt Nam. Là phản bội cha ông mở cõi đã để lại hồn thiêng và máu xương ở Hoàng Sa, Trường Sa. Phản bội những người lính đã chiến đấu hi sinh giữ Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Phản bội những người lính đã chiến đấu hi sinh giữ Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Phạm Đình Trọng
(13/03/2022)