Vậy là cuối cùng ông Tương Lai, một trí thức khá nổi tiếng trong nước đã rời bỏ đảng cộng sản, nhưng với một quyết định nửa vời, nghĩa là không dứt khoát, tự cho vẫn còn là đảng viên đảng Lao Động Việt Nam của ông Hồ Chí Minh.
Giáo sư Tuong Lai tại tư gia tại Sài Gòn.
Tôi rất quý trọng ông Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương) một trí thức hiếm hoi đất Thừa thiên - Huế, khá uyên bác, học nhiều, hiểu biết uyên thâm, có tư duy độc lập, gần đây nổi tiếng về các bài viết "Mông mênh thế sự, để gió cuốn đi…" sưu tầm tài liệu khá công phu, đặc sắc, tôi vẫn chờ để đọc kỹ hàng tuần. Gần đây nghe nói ông ốm, nhưng bút lực vẫn sung sức, tỏ ra ông đã khỏe.
Tôi mừng khi biết tin ông bỏ đảng cộng sản hiện nay mà ông gọi là đảng của Nguyễn Phú Trọng, khi đảng đã thoái hóa, biến chất thành những nhóm đặc quyền, đặc lợi tranh giành nhau quyền lực và tài sản.
Tôi biết đây là một quyết định không đơn giản, khá dằn vặt, đau đớn, khi chế độ đã phong ông là Giáo sư, là Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập tạp chí Xã hội học, một thời là cố vấn cho các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Hồi chuẩn bị cho Đại hội XII của đảng cộng sản, ông Tương Lai đã cùng 125 trí thức - phần lớn là đảng viên cộng sản, viết thư yêu cầu đổi tên của đảng cộng sản và đổi tên nước, không gọi là đảng cộng sản và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa. Đây là một đòi hỏi rất chính đáng, phù hợp với ý muốn của đông đảo nhân dân, của lẽ phải, hợp thời đại. Rất tiếc là Bộ chính trị đã khinh thị bỏ qua yêu cầu này.
Tôi rất đồng ý với ông Tương Lai khi ông lên tiếng phê phán ông Trọng một cách nghiêm khắc chính đáng. Tôi chia sẻ sự đánh giá rất ngay thật công bằng của ông vì bản thân tôi cũng đã có lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Trọng hồi 1988 – 1989 khi ông Trọng là ủy viên ban biên tập của Tạp chí Cộng sản, khi tôi là phó Tổng biên tập nhật báo Nhân Dân kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ nhật. Ông đã 2 lần ghé nhà tôi để yêu cầu viết bài cho tạp chí về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1988 sau khi tôi dự họp ở Liên hợp Quốc – New York về. Khi ấy ông đi chiếc xe đạp cũ, ghé qua nhà tôi, hỏi chuyện về Hoa Kỳ và chăm chú nghe tôi kể về Hoa Kỳ, về cuốn sách "the best and the brightest" của David Halberstam tôi đang đọc về những bộ óc tài giỏi xuất sắc nhất của nước Mỹ đã bế tắc ở Việt Nam. Ông tỏ ra rất kém hiểu biết về phương Tây vì mới học ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc và mới biết có nước Nga, khi tiếng Nga ông nói chưa sõi, sai cả danh từ và văn phạm, còn không biết chút gì về tiếng Pháp, tiếng Anh. Tôi rất lo ngại một con người còn thấp kém, thiếu tư duy, hiểu biết như thế mà lại là lãnh tụ số 1 của Đảng và Nhà nước thì nguy hiểm quá ! Một con người cô đặc giáo điều máy móc cực đoan, không thể có ai bảo thủ hơn !
Trái lại tôi rất tiếc là ông Tương Lai còn sùng bái ông Hồ Chí Minh. Ông đã tự mâu thuẫn với mình, không nhất quán với chính mình khi ông tự bảo công bằng, tôn trọng sự thật lịch sử.
Với thời gian, mọi thần tượng giả tạo, bản chất thật của ông Hồ đã lồ lộ rõ ràng. Một trí thức có tư duy độc lập không thể mù quáng lâu.
Ông Tương Lai có biết ai đã mang tên Trần Dân Tiên để viết nên tiểu sử tự tâng bốc mình là "Cha già dân tộc", còn vĩ đại hơn Trần Hưng Đạo, Quang Trung ?
Ai đã quỵ lụy xin phép Staline và vâng lời Mao để tiến hành Cải cách ruộng đất theo chỉ đạo của đoàn Cố vấn Tàu, giết hại 17.000 trung nông – trí thức yêu nước kháng chiến chống Pháp, bị vu cáo là địa chủ - ác ôn, bị bắn chết và chôn sống.
Ai trong thâm tâm không muốn xuất khẩu bạo lực vào miền Nam, ai không muốn coi vũ trang là bảo bối theo phương châm của Mao "chính quyền ở đầu ngọn súng", ai e ngại cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là mạo hiểm, giá sinh mạng qua đắt, mà không dám can ngăn, không dám ra mặt chống lại bộ ba khát máu Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Nguyễn Chí Thanh, là Chủ tịch đảng, là lãnh tụ số 1, là Chủ tịch nước mà ươn hèn, không dám có lập trường vững, để mặc cho bọn gian thần lộng hành mang lại thương vong hàng triệu sinh linh trẻ của 2 miền Nam Bắc, ông Hồ thật sự đáng chê trách, đáng lên án nặng nề nhất.
Hồi ấy tôi rất gần tướng Giáp. Ông rất tiếc là ông Hồ không nghe ông để can ngăn những quyết định "chủ quan, ngông cuồng, nguy hiểm khôn lường của 2 ông họ Lê", khi ông Giáp, cùng tướng Hoàng Văn Thái và tướng Lê Trọng Tấn đều suy nghĩ như nhau, coi Tổng tiến công tổng khởi nghĩa là chủ quan, liều lĩnh. Chỉ có ông Hồ là có quyền ngăn cản cuộc manh động phiêu lưu.
Cái rất đáng trách là ông Hồ chịu để cho bọn hiếu chiến cực đoan coi miền Nam ruột thịt là kẻ tử thù, đuổi ông sang Tàu nghỉ ngơi, đuổi ông Tổng tư lệnh Giáp sang Hungari dưỡng bệnh, để chúng tư do mở ra cuộc chiến Mậu Thân đẫm máu, một cuộc tự sát bi đát, chà đạp lên cam kết quốc tế "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Nam Việt Nam", cam kết "không dùng vũ lực để thôn tính nhau giữa 2 miền" ghi rõ trong Hiệp Định Gieneve 1954.
Thật là buồn cười khi ông Tương Lai muốn trở lại khôi phục đảng Lao Động Việt Nam ! Tôi phải nói thật là ông lẩm cẩm rồi ! Lẽ ra ông phải nhìn về tương lai phía trước – như chính tên ông – thì ông lại ngoái cổ về quá khứ ! Đảng Lao Động ai chả biết ra đời tháng 2/1951 chỉ là cái mặt nạ của đảng cộng sản Đông Dương, giả vờ giải tán ngày 11/11/1945, thật ra là rút lui vào bí mật. Chính dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà đảng cộng sản đã làm cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu người yêu nước, làm cho nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp điêu đứng cho đến ngày nay. Chính dưới danh nghĩa đảng Lao Động mà đảng cộng sản làm hợp tác hóa - cải tạo nông thôn, cải tạo công - thương - nghiệp, rồi tự đề ra phương châm’’ đất đai là thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý’’ để cướp ruộng đất của nhân dân, để tự cho mình quyền thu hồi với đền bù rẻ mạt.
Và cũng dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà quân cộng sản đã lao vào xâm lược miền Nam, một quốc gia có chủ quyền được nhiều nước công nhận hơn miền Bắc, ngang nhiên chà đạp cam kết quốc tế tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng bạo lực, sẽ thống nhất qua Tổng tuyển cử tư do, sẽ có Hội đồng Hòa giải dân tộc có 3 thành phần ở miền Nam.
Và cũng dưới mặt nạ đảng Lao Động Việt Nam, đảng cộng sản đã trả thù, bỏ tù hàng lọat không phân biệt mọi sỹ quan, viên chức, chính đảng thuộc Việt Nam Cộng Hòa qua cái gọi là hàng trăm trại cải tạo cực kỳ tàn bạo bất nhân.
Vậy thì mong anh Tương Lai không nên quyến luyến gì cái quá khứ tàn bạo tội ác ấy, tuy mang chiếc mặt nạ lao động hiền lành nhưng lại là thời kỳ tàn bạo nhất, hung hãn nhất, đẫm máu, tội ác nhất, để đến năm 1976 đảng toàn trị mới lấy lại cái tên cộng sản, khi cao trào cộng sản bắt đầu suy thoái theo tốc độ rơi tự do, dẫn đến bức tường Berlin tưởng là lâu bền sụp đổ trong một đêm cuối năm 1989, và thành trị cộng sản Liên Xô tan vỡ tan bành cuối năm 1991, để cho Đảng cộng sản Việt Nam sớm cảm thấy đơn côi, phải lép về đầu hàng ô nhục đảng cộng sản Trung Quốc những mong được yên thân từ sự kiện đi đêm với mật ước Thành Đô tháng 9/1990.
72 năm là quá đủ cho mọi người có lương tri, có tư duy độc lập, có sự trung thực trí thức - probité intellectuelle – ngay thật với chính mình, bênh vực lẽ phải, thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình, cùng nhân dân tìm ra lối thoát.
Không có lối thoát nào khác là từ bỏ dứt khoát, một lần cho mãi mãi một tổ chức mất gốc dân tộc, vay mượn từ nước ngoài những học thuyết sai lầm, ảo tưởng, cùng nhau dựng lên một tổ chức chính trị mới, trong sạch, hợp lòng dân hợp thời đại, ví như linh mục Nguyễn Văn Lý từng đề xướng là Tập Họp Quốc Dân Việt Nam.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 06/09/2017
Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh
Tôi là Tương Lai, vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6/1/1959, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm nay 2/9/2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh.
Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên.
Cách nay 15 năm, trong một tiểu luận chính trị "Chân lý là cụ thể" (1), đúc kết lại những bài viết của tôi trong vòng 10 năm trước, tôi đã chứng minh là không có cái gọi là "chủ nghĩa Mác Lênin", mà đó chỉ là sản phẩm của Stalin được làm méo mó thêm qua lăng kính Mao-ít để du nhập vào Việt Nam mà xác định đó là "nền tảng tư tưởng", là "kim chỉ nam", để rồi ai có ý định nghiêm túc cần cẩn trọng tìm hiểu từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, từ những thành tựu nghiên cứu của giới khoa học quốc tế có uy tín, thì đều bị bịt miệng và quy cho tội phản động, chống đảng.
Trong tiểu luận ấy, tôi đã nghiêm chỉnh và thẳng thắn đề nghị cần trở lại với tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam, trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng cho lý luận phát triển của Việt Nam. Ở đó, tôi trình bày rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tích hợp và vận dụng nhuần nhuyễn những thành tựu của trí tuệ loài người, trong đó có Phật giáo, Khổng giáo từng hòa quyện với truyền thống dân tộc đã chìm sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội Việt Nam và chủ nghĩa Mác. Với Mác, Hồ Chí Minh đã thực hiện một tiếp biến, loại bỏ những sai lầm về lý thuyết, giữ lấy những giá trị bền vững qua kiểm nghiệm của thời gian, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng đó vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam. Bằng cách đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ lịch sử giữa truyền thống và hiện đại trong thế kỷ XX. Tiểu luận ấy tôi đã gửi đến Hội đồng Lý luận trung ương và nhiều vị lãnh đạo song chỉ có hai người có phản hồi và trao đổi trực tiếp là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Di bút của Đại tướng còn ghi rõ : "Chúc đc Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng" Hànội ngày 27/9/2006. Võ Nguyên Giáp Đã ký".
Kiên trì dấn thân vào cuộc đấu tranh trên bình diện tư tưởng và lý luận một cách công khai, tôi hy vọng bằng sự minh bạch đó, có thể góp phần nhỏ bé của mình cùng với những người khác làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, làm hao mòn sức sống của dân tộc trước một thế giới đang biến động từng ngày. Đấy là lý do để tôi nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng cho dù biết rằng, những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, với sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng thì không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Nhưng cũng lại có một thực tế oái oăm là, hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống "chuyên chính vô sản" được cài cắm đến tận cơ sở.
Cho dù vậy, sự phân hóa trong nội bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, các nhân tố cấp tiến chống lại sự trì trệ bảo thủ giáo điều cũng là một thực tế. Đó là một tất yếu phổ biến của mọi thực thể sống, luôn diễn ra "cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi" mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc. Cái mới sẽ thắng là không gì cản được. Bằng sự đấu tranh của từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ thì những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Thế nhưng thời gian không chờ đợi. Càng không suôn sẻ trong sự chờ đợi những gì mình mong muốn. Cho dù đã biết trước những trở ngại to lớn đang chờ đón, tôi cũng không lường trước những thủ đoạn bẩn thỉu mà người ta đã gây ra tầng tầng lớp lớp cho thiện chí phản biện hết sức trung thực và thẳng thắn một cách ôn hòa, không sa vào quá khích cực đoan mà tôi đã bền bỉ thực hiện trong nhiều năm qua. Từ những tham luận công khai trên diễn đàn của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam mà tôi là ủy viên trung ương suốt hơn 30 năm qua đến những bài viết trên các báo chính thống, những trang mục thường kỳ của một số báo ở trung ương và ở thành phố HCM, tham luận tại nhiểu hội thảo trong đó có Hội thảo "Về Phương pháp luận nghiên cứu chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh" theo lời mời của Hội đồng lý luận trung ương ngày 6/4/2009, v.v. và nhiều hoạt động lý luận, khoa học khác, tôi đều nhất quán với nguyên tắc đó. Khi bị cấm không được xuất hiện trên các báo chính thống của nhà nước cũng trên nguyên tắc đótôi viết bài đưa lên mạng trong mục "Mênh mông thế sự" và "Mênh mông thế sự để gió cuốn đi" nhằm chuyển tải những ý tưởng vừa mang tính phản biện, vừa diễn đạt chính kiến và cảm nhận của tôi về thời cuộc.
Cho đến bài "Ngọn lửa vẫy gọi" tôi viết để tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, nhà văn Trung Quốc, giải Nobel Hòa Bình vừa qua đời, phải chăng đã động đến "thiên triều" nên đã có "chiếu chỉ" ban ra, lập tức sự cố nảy sinh ? Có phải vì thế ma một kịch bản được dàn dựng lộ liễu và bẩn thỉu nhằm bôi nhọ tôi để bằng mọi cách phải "khai trừ" tôi ra khỏi đảng ngay để vừa lòng ai đó theo chỉ thị của cấp trên ? Đây chỉ là giọt nước tràn ly. Trò hề này thật hài hước và nhục nhã, tuy bước đầu thất bại nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện trong thời gian tới như một số trường hợp họ đã làm trước đây.
Vì vậy sẽ là ngu ngốc nếu tôi lại tiếp tục nói nói cười cười với những rôbốt vô hồn vô cảm, vừa mới hôm qua tôi đã xúc động nói những lời cám ơn thật lòng vì đã thông cảm vởi bệnh tật đang hành hạ người đảng viên già có giấy miễn sinh hoạt đảng đã đến nhà để trao đổi nội dung viết kiểm điểm gửi cho chi ủy trình bày trước chi bộ chứ không phải trực tiếp đến, thì hôm sau trước toàn thể chi bộ, ông bí thư tội nghiệp đã lật lọng vu khống là tôi không chịu đến, chi bộ cứ việc biểu quyết.
Tôi sẽ không phải viết ra những bịa tạc vu khống khác từ những "cấp trên" đến "chỉ đạo" hội nghị chi bộ thực hiện kịch bản soạn sẵn từ bên trên đã bị mấy đảng viên phản đối, mà chỉ muốn nói rằng, những nhẫn nại nhằm thực hiện thiện chí của tôi đã trở nên quá vô nghĩa. Kể cả sự tự kiềm chế để vẫn viết "Bản trình bày" về nội dung "kiểm điểm" được cho là của cấp trên đưa ra đã tự vạch trần sự lố bịch và lộ liễu những sai lầm về đường lối đối nội và đối ngoại, và đến sự kiện này thì quá hèn hạ (2). Sẽ phung phí thời gian và sức lực để phải tiếp xúc với vô vàn những "rô bốt" đáng thương chỉ biết cúi đầu tuân phục. Đã đến lúc phải dứt bỏ mọi dính líu với mớ hỗn tạp này.
Tôi phải tìm một phương thức đấu tranh mới. Tôi sẽ chiến đấu trong tư thế, và chỉ bằng tư thế đó của một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam của Hồ Chí Minh suốt mấy chục năm qua kể từ lúc vào Đảng cho đến những thời kỳ tha hóa ngày càng trầm trọng của một bộ phận chóp bu thao túng, làm băng hoại uy tín và tính chất trong sáng của Đảng, đặc biệt là từ đại hội X.
Tôi hiểu rõ tôi không hề đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh làm cho Đảng trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới. Đương nhiên, trong bối cảnh mới ấy, mục tiêu và phương thức đấu tranh phải thích ứng với đòi hỏi mới của cuộc sống đang thay đổi từng giây từng phút để dẫn tới những đột phá.
Khát vọng xây dựng đất nước của lớp người đã ngoài 80 là những người lót đường như tôi "sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên... Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm : họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào" như F. Engels đã tiên đoán. Những con người như thế đang xuất hiện, và ngày càng nhiều. Chính họ sẽ quyết định cần phải xây dựng một Đảng lãnh đạo thế nào để đưa đất nước vượt khỏi vũng lầy hiện nay, khiến cho dân tộc đang phải đắm chìm trong tăm tối bứt lên trong ánh sáng văn minh, ngẩng cao đầu đi tới như ông cha ta đã từng viết nên những trang sử chói lọi trong thời đại của các vị. Lớp trẻ ấy sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, đưa dân tộc bứt lên cùng thế giới.
Với nhận thức đó, tôi tiếp tục dấn bước trong cảm hứng "Hành khúc" của nhà thơ Pháp (3) từng giữ nhịp đập cho trái tim yêu nước trong tôi "Giữa mùa phản phúc. Tối đen tù ngục. Suối đã đục dòng. Chỉ lệ còn trong … Những gì ta yêu phải cứu thoát ra. Tự mình ta, tự mình ta" !
Ngày 2/9/2017
_______
(1) Tham luận gửi đến Hội thảo ngày 4/6/2009 do thư mời của Hội đồng Lý luận trung ương đã in trong "Tương Lai : Cảm nhận & Suy tư"
(2) Xem "Bản trình bày 3 điều theo yêu cầu của chi ủy Chi bộ Khu phố 4 ngày 19/8/2017 đính kèm
(3) "Quand il arriva la saison. Des trahisons et des prisons. Quand les fontaines se troublèrent. Les larmes seules furent claires… Il faut libérer ce qu’on aime. Soi-même soi-même soi-même", Louis Aragon
*****************
Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản (BBC, 02/09/2017)
Nhà trí thức bất đồng hàng đầu của Việt Nam chọn ngày Quốc khánh để từ bỏ Đảng Cộng sản và muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".
Giáo sư Tương Lai : 'Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào'.
Quyết định này được Giáo sư Tương Lai mô tả là "giọt nước tràn ly" khi có động thái khai trừ tư cách đảng viên của ông sau sự kiện ông tổ chức tưởng niệm nhà dân chủ hàng đầu của Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng.
Ông mô tả "người ta định vu khống" và "bằng mọi cách khai trừ nhưng chưa khai trừ được vì đảng viên trong chi bộ chưa đồng ý".
Tuy nhiên nguyên Viện trưởng Xã hội học Việt Nam nhận định rằng đằng nào người ta cũng sẽ có một cuộc họp vào ngày 23/9 để xét khai trừ vì ông đã "động đến Trung Quốc".
Trong tuyên bố được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 02/09, Giáo sư Tương Lai viết :
"Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên".
Giáo sư Tương Lai mô tả trong khi ông "kiên trì dấn thân" vào cuộc đấu tranh làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, và "nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng" thì sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng khiến Đảng này "không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa".
Ông nói hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống "chuyên chính vô sản" được cài cắm đến tận cơ sở".
Tuy nhiên nhà bất đồng này lạc quan rằng sự đấu tranh của "từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ.
"Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian", Giáo sư Tương Lai viết.
******************
Giáo sư Tương Lai tuyên bố từ bỏ đảng nhưng lại đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh (RFA, 01/09/2017)
Nhân ngày quốc khánh 2/9, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt nam đã đột ngột tuyên bố từ bỏ đảng để tiếp tục trung thành với đảng Lao Động Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu nguyên nhân của quyết định từ bỏ đảng của giáo sư Tương Lai và tại sao ông lại đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đài Á Châu Tự do có cuộc phỏng vấn với giáo sư Tương Lai sau đây :
Giáo sư Tương Lai - RFA
RFA : nhân ngày 2/9 giáo sư đưa ra tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng. Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết tại sao giáo sư lại đưa ra tuyên bố này vào thời điểm này ?
Tương Lai : tôi đưa ra tuyên bố này vào thời điểm này thì như tôi đã viết trong lời tuyên bố để nói rằng đây là một cái ý định nghiêm túc và nhất quán từ trước tới nay, chứ không phải là chịu tác động của một nhân tố mới ngẫu nhiên nào. Vì sao ? Vì tôi khi tôi ở lại trong đảng mà tôi biết rằng Nguyễn Phú Trọng thao túng nhưng mà tôi vẫn cố gắng kiên trì ở lại để làm gì ? Vì tôi biết rằng hiện tại chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế đảng cầm quyền hiện nay và kinh nghiệm lịch sử cho thấy chỉ những người cộng sản, những người đảng viên trong nội bộ đó tự chuyển biến để mà giải quyết vấn đề thay đổi thế chế chính trị giống như những nước xã hội chủ nghĩa khác đã làm. Vì thế mà tôi ở lại trong cái đảng của Nguyễn Phú Trọng nhưng mà tôi ở lại trong cái đảng Nguyễn Phú Trọng này với tư cách của một người đảng viên không công nhận đảng cầm quyền này là đảng tiếp nối của truyền thống của đảng của Hồ Chí Minh. Tôi ở lại với tính cách là một đảng viên đảng Lao động Việt Nam như khi tôi vào đảng là đảng của Hồ Chí Minh. Nhưng mà đến bây giờ vì một sự kiện như tôi đã nói trong bản tuyên bố khiến người ta vì một lý lẽ gì đấy để làm vừa lòng ai đó gây sức ép sau khi tôi tổ chức làm kỷ niệm Lưu Hiểu Ba thì người ta quyết liệt phải khai trừ tôi ra khỏi đảng. Đây là một thái độ hèn nhát của đảng cầm quyền này trước những sức ép của bên ngoài. Chính vì thế dù muốn hay không thì tôi không thể nào ẩn nhẫn được nữa. Vì thế tôi quyết định tuyên bố lấy ngày 2/9 này để tôi dứt bỏ mọi liên hệ với đảng cầm quyền do Nguyễn Phú Trọng thao túng.
RFA : Giáo sư có nói lúc đầu là có nhiều nhân tố nhưng trong đó giáo sư có nói là họ quyết định khai trừ giáo sư. Giáo sư có thể nói cụ thể hơn là họ quyết định khai trừ giáo sư vào lúc nào và có phải nó liên quan đến việc giáo sư đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và tưởng niệm Lưu Hiểu Ba và sau đó họ kiểm điểm giáo sư ?
Tương Lai : như tôi nói trong nội dung đó. Đây chỉ là một giọt nước tràn ly mà thôi. Thực ra cả một quá trình suốt mười mấy năm vừa qua vẫn trên tư thế một người trí thức, một người đảng viên, tôi hành động một cách công khai minh bạch, phản đối đường lối chính sách sai lầm của đảng cầm quyền mà trong đó cái sai lầm nhất là cái cúi đầu khuất phục Bắc Kinh, khuất phục chủ nghĩa bành trường đại Hán, thậm chí không dám nói đến cuộc chiến tranh biên giới 1979, không dám nói đến những hành động ăn cướp của Trung Quốc ở biển Đông mà điển hình nhất là vụ bắn chết các chiến sĩ Việt Nam ở đảo Gạc Ma. Đến khi người ta kỷ niệm ngày căm hờn đó, thì theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng, để làm vừa lòng Trung Quốc, họ đã đàn áp rất dã man những thanh niên đi biểu tình về kỷ niệm những chiến sĩ ở Gạc Ma.
RFA : họ quyết định khai trừ giáo sư là vào hôm nào ?
Tương Lai : họ chưa khai trừ đâu, họ định làm như thế và họ gây sức ép với tôi rất quyết liệt. Ví dụ như tôi đã nói vì tôi bận và tôi đã được miễn sinh hoạt vì đó là quy định. Nhưng mà không hiểu vì lý do gì, trước đây họ vẫn để nguyên như vậy, chỉ có sau sự kiện tôi tổ chức tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng của tôi và tôi viết bài ‘Lưu Hiểu Ba, ngọn lửa vẫy gọi’ thì lập tức có hiện tượng là chi bộ nơi tôi sinh hoạt chịu sức ép của bên trên, trên rất cao, chứ không phải chỉ có thành ủy thành phố này đâu. Người ta định vu khống tôi và bằng mọi cách khai trừ nhưng chưa khai trừ được vì đảng viên trong chi bộ người ta chưa đồng ý. Người ta định đến ngày 23/9 sắp tới đây thì người ta mới họp thì người ta xét những chuyện đó. Nhưng mà tôi thấy tôi không còn để mất thời giờ vô ích về cái chuyện họp đi họp lại, lãng phí thời gian và sức lực của tôi, gây căng thẳng cho đầu óc của tôi. Đằng nào họ cũng phải thực hiện chỉ thị của cấp trên như một vài trường hợp trước đây tôi biết mà tôi không tiện nói ra. Những người ở chức vụ to hơn tôi nhiều, cao hơn tôi nhiều. Nhưng mà vì động đến Trung Quốc nên chúng nó gây sức ép và Nguyễn Phú Trọng phải làm vừa lòng họ và phải kỷ luật những người trong nội bộ của mình.
RFA : Trong tuyên bố này giáo sư nói là giáo sư dứt bỏ không có mối liên hệ gì với đảng do ông Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tức là nêu cao tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn còn những mâu thuẫn liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vì có người ủng hộ và có người không ủng hộ. Chúng ta cũng nói đến vấn đề hòa giải dân tộc. Theo giáo sư thì khi giáo sư đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh như vậy thì nó có giúp được gì cho vấn đề hòa giải dân tộc ?
Tương Lai : Ở đây có hai vấn đề. Khi tôi nêu lên vấn đề đảng của Hồ Chí Minh thì ngay hôm nay tôi cũng đã nhận được những phản hồi trên email là người ta phản đối quyết liệt. Người ta cho Hồ Chí Minh là có tội rất nặng, và thậm chí Hồ Chí Minh không phải là Hồ Chí Minh đâu mà là Hồ Tập Cương,… Tôi biết tất cả những thứ đó, nhưng về lịch sử thì cần phải có một nhận thức cho đúng đắn và vào lúc này không thể phủ nhận vai trò của Hồ Chí Minh được và tôi thì kiên định cái quan điểm đó. Cho nên khi đưa chuyện này lên thì đương nhiên sẽ gặp một số ý kiến phản đối nhưng không phải vì phản đối hay vì hòa hợp dân tộc mà chúng ta lại phủ định lịch sử thì những người có hiểu biết, người có trí thức không hành động như vậy. Hòa hợp dân tộc là một nhu cầu của lịch và môt nguyện vọng của nhân dân. Muốn như vậy phải tôn trọng lịch sử và phải nói lên ý nguyện của nhân dân.
RFA : Thưa giáo sư, sau khi dứt bỏ mọi mối liên hệ với đảng thì giáo sư có kế hoạch sắp tới giáo sư sẽ hoạt động thế nào để tiếp tục kiên trì con đường mình đã chọn, mục tiêu lý tưởng mà giáo sư đã đặt ra ?
Tương Lai : như tôi đã nói ngay trong tuyên bố, tôi mượn một câu thơ của một nhà thơ yêu nước Pháp Louis Aragon để kết thúc cho bản tuyên bố của mình. Đó là bài hành khúc của Louis Aragon trong đó có những câu là giữa mùa phản phúc tối đen tù ngục, suối đã đục giòng, chỉ lệ còn trong. Đây là những lời của nhà thơ viết những năm 44 và 45 khi Pháp chìm trong ách của Phát xít Đức. Và Aragon kêu gọi là những gì ta yêu phải cứu thoát ra, tự mình ta, tự mình ta. …. Thế thì để tôi nói lên cái gì ? Tôi không đơn độc mặc dù tôi bây giờ không dính lứu gì vào tổ chức đảng này nữa nhưng tôi lại hành động với tư cách một đảng viên đảng của Hồ Chí Minh và tôi tin tưởng rằng trong khi đảng cầm quyền này, kể cả ở cấp cao nhất, cấp trung ương, và nhiều nơi khác còn nhiều đảng viên khác có cùng trí hướng với tôi. Khi tôi hành động như vậy, nhất định tôi sẽ nhận được những sự hỗ trợ của những người cùng trí hướng với tôi. Bằng những hành động này sẽ thúc đẩy mọi người cùng hành động. Và tôi vẫn làm những điều đó suốt mấy chục năm vừa rồi nhưng trước đây tôi ở trong tổ chức đảng còn giờ tôi không ở trong tổ chức đảng nữa thì tôi dùng từ tiếp tục chiến đấu.
RFA : Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn này