Phần 1
Kỳ vọng và thất vọng !
Có một thời kỳ, tôi và nhiều người khác đã từng kỳ vọng vào ông với những yếu tố nỗi trội về gia thế, tư chất và môi trưởng học tập. Sinh ra trong gia đình trí thức, được học hành trong môi trường chuẩn mực về khoa học và văn hóa sống như Đại học Oregon, Viện Đại học Harvard. Hẳn Nguyễn Thiện Nhân là người học thật và có thực học. Với kiến thức, tâm huyết, tầm nhìn ông sẽ làm nhiều điều hữu ích cho đất nước.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : "Tôi nói giọng Bắc nhưng tôi là người Nam, tôi không lừa dối bà con" - Zing.vn (20/06/2018)
Nhưng rất tiếc, ngược lại với sự kỳ vọng đó, mỗi bước thăng tiến trên con đường quan lộ của ông người ta càng thất vọng nhiều hơn. Bảy năm làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh trôi đi trong nhợt nhạt, không gây ấn tượng nào đáng kể, chỉ như búp bê trong tủ kính điểm tô vẻ trí thức cho triều đình Lê Thanh Hải mọc rễ lợi ích nhóm.
Năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giáo dục với những tuyên bố hùng hồn lại khơi lên hy vọng. Từ điển wikipedia ghi nhận tóm tắt thành tích Bộ trưởng của ông như sau : Ngay từ lúc nhậm chức, ông đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí : "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới".
Mở đầu năm học 2006 - 2007 Nguyễn Thiện Nhân thực hiện cuộc vận động hai không : "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích " bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.
Năm không, kết cuộc vẫn hoàn không !
Ông đưa ra khẩu hiệu cho năm học 2007 - 2008 là "năm không" gồm : "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp" (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội" ; đẩy mạnh công cuộc "xã hội hóa giáo dục" nhằm "Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo".
Tác dụng của chính sách mới xuất hiện ngay cuối năm học, ở kỳ thi tốt nghiệp trung học : chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào) thêm cả lần hai là 80,38% ; hệ trung học bổ túc cả hai đợt là 46,26% so với năm học 2005-2006 ; trung học phổ thông : 92% trung học bổ túc : 74,6%. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008 đã diễn ra thành công với kết quả đỗ cao hơn năm trước : tỷ lệ đỗ khoảng 76%. Dư luận xã hội Việt Nam nhìn chung là chấp nhận điều này và chỉ đặt ra nhiều câu hỏi về thực chất giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có chỉ trích cách làm của ông Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng việc ông cho tổ chức cho ôn tập và thi tốt nghiệp lần 2 là quá tốn kém (khoảng 122 tỷ đồng) và hiệu quả không cao, thậm chí giáo sư Hoàng Tụy còn cho rằng kỳ thi này chỉ mang tính hình thức" (1).
Đến nay, đã có độ lùi trên 10 năm để nhìn lại kết quả cải cách, những cái nói không của Bộ trưởng Nhân thì dễ thấy rằng bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, bằng giả, chất lượng giáo dục kém không hề lùi mà càng lúc càng tăng. Kỳ hạn giáo viên có thể sống bằng lương qua lâu rồi nhưng đó vẫn là ước mơ xa. Vì sao những cái chống, cái nói không những cuộc vận động long trời lở đát của ông bộ trưởng Nhân không đạt kết quả ? Vì thực ra ông chống bệnh thành tích chỉ nhằm tạo thành tích cho bản thân ông. Siết chặt kỳ thi năm 2007 bằng cả đề thi khó lẫn thang điểm chấm chặt, hạ tỉ lệ tốt nghiệp cả nước xuống 63% ông tạo ấn tượng cho dư luận thấy chất lượng phổ thông thấp. Năm 2008 bằng đề thi, thang điểm chấm nới hơn, cộng với kỳ thi thứ hai, đương nhiên sẽ tạo ra con số đẹp tỉ lệ tốt nghiệp trên 76% như một phép màu chất lượng giáo dục nâng lên.
Người duy nhất hưởng ứng nói không với tiêu cực trong thi cử là thầy giáo Đỗ Việt Khoa thì 12 năm qua phải sống lên bờ xuống ruộng hiện đang ôm nợ hơn 1 tỉ đồng và gia đình có nguy cơ dỗ vỡ vì người vợ không chịu nỗi áp lực xã hội.
Thầy Khoa nói với báo chí "Tôi cảm thấy rất buồn. Nếu trước đây, các sai phạm thi cử do các hiệu trưởng, giáo viên trong nhà trường tiếp tay, thì bây giờ, vấn đề có sự tham gia của lãnh đạo Sở ngành. Sự gian dối có quy mô, tổ chức đến mức không thể tưởng tượng được. Tôi đã tố cáo gian lận thi cử ở Trường THPT Phú Xuyên A năm 2006 và trong 12 năm qua, tiêu cực thi cử hàng năm vẫn cứ diễn ra. Sau đó là vụ Đồi Ngô, Bắc Giang ; vụ ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình gây chấn động và bây giờ tiếp tục là Hà Giang, Sơn La…" (2).
Đề án 20.000 tiến sĩ chết non
Khi làm Phó Thủ tướng, ông Nhân lại có một đề án nổi tiếng do chính ông ký tên ban hành nhằm đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 -2020. Người có đôi chút hiểu biết nghe đến con số chỉ tiêu tiến sĩ đào tạo trong 10 năm đã thấy hoang mang. Không chờ đến kết thúc thời hạn của đề án, năm 2016, kiểm toán nhà nước đã kiểm toán đề án này và khẳng định thất bại cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiền thì tiêu mất nhưng ngay cả số lượng những tiến sĩ giấy cũng không đạt chỉ tiêu. Báo chí đã có nhiều bài viết về kinh nghiệm đau xót này.
"Được đầu tư 14.000 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện "Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020" (Đề án 911) tính đến hết năm 2016 được đánh giá là không hiệu quả. Tất cả các chỉ tiêu của đề án này đều không đạt và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển thực nhập học các hệ đào tạo là hơn 4 nghìn nghiên cứu sinh, đạt hơn 31% so với chỉ tiêu giai đoạn và bằng 17,5% của cả đề án. Tuy nhiên, mới chỉ có 787 nghiên cứu sinh tốt nghiệp và được cấp bằng, đạt 6% so với chỉ tiêu tính đến năm 2016 và bằng 3,5% của cả đề án. Vấn đề sử dụng kinh phí triển khai đề án cũng có nhiều hạn chế.
Với kết quả được xem là thất bại "thảm hại" như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của đề án và việc lãng phí nguồn lực, bao gồm cả nhân sự và tài chính… Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, việc đánh giá bằng con số như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố là rất thuyết phục, rõ ràng kết quả đạt được của Đề án 911 rất thấp so với các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo trong quản lý, điều hành, bởi việc đánh giá hiệu quả của đề án không chỉ là việc đếm số lượng tuyển sinh (đầu vào) và tốt nghiệp (đầu ra)" (3).
Thành tích khoa học giả mang tên Filatov
Trong đất nước dân chủ, minh bạch thật sự những thành tích giả tiêu tốn hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách, kích thích căn bệnh sính bằng cấp, hình thức,… phải được xem xét trách nhiệm nghiêm túc như những loại củi Đinh La Thăng hay Vũ Huy Hoàng. Thế nhưng ở đây, Nguyễn Thiện Nhân vẫn cứ thăng tiến lên hết chức vụ này đến chức vụ khác.
Nghiệt ngã hơn, chính ông Nhân đã tôn vinh thành tích giả trong khoa học cho ngay người cha của mình dù biết chắc rằng thành tích khoa học giả ấy có nguy cơ cao với sức khỏe, sinh mạng con người.
Năm 2015, nhiều tờ báo đã thông tin trang trọng, lễ ra mắt cuốn sách : "Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng", với hình ảnh Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đứng trang trọng trên lễ đài.
Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc bệnh viện Thống Nhất phát biểu tại buổi lễ cho biết, những năm 70 của thế kỷ trước, đất nước đang chìm trong chiến tranh, nghèo đói. Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã tiếp cận với những giả thuyết từ phương pháp Filatov của một vị bác sĩ Liên Xô và cho rằng đây là một lý thuyết có căn cứ khoa học. Năm 1951, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã thuyết trình về phương pháp Filatov trước cán bộ quân y và được mọi người đón nhận. Từ đó phương pháp cấy nhau theo học thuyết Filatov ra đời và áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho người dân mang lại kết quả khả quan (4).
Quả thật với trình độ dân trí và điều kiện y tế thiếu kém thời đó, phương pháp cấy nhau (Filatov) của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được người dân khu 8 sùng tín như phép màu và có tác dụng tuyên truyền rất tốt cho Việt Minh. Không biết bổ khỏe tới đâu nhưng chỉ cấy chút nhau thai vào dưới da thì ai củng tăng cân. Người dân vùng Quốc gia đổ xô vào Đồng Tháp Mười để cấy nhau làm áp lực đến mức quân đội Quốc gia phải mở cổng rào cho dân đi như các trạm BOT thất thủ phải xả trạm bây giờ. Sau 30/4/75, Filatov chế biến từ nhau thai vẫn còn là "thánh dược" được các công ty Dược quốc doanh sản xuất phổ biến.
Thế nhưng trước nay, y học thế giới chưa từng chấp nhận phương pháp này. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục Quản lý Dược cho biết Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Cục Quản lý Dược năm 2015 đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy.
Hiện nay các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan thận súc vật... được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng một cách rõ ràng mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn. Chẳng hạn dùng cơ quan tạng phủ từ bò thì bị lây nhiễm bệnh bò điên, những viên thuốc chứa thịt người từ phôi thai, nhau thai mới báo cáo ở Nigeria chứa rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là siêu vi nhiều nhất là siêu vi gây viêm gan B (5).
Những thất bại của Nguyễn Thiện Nhân trong cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn còn di hại đến giờ qua nền giáo dục hình thức dối trá, trục lợi xuống cấp không phanh. Thất vọng nhưng chúng ta vẫn có thể thông cảm chia sẻ với Nguyễn Thiện Nhân là lực bất tòng tâm. Trong cơ chế xã hội này chỉ cố gắng cá nhân thì vô nghĩa.
Chương trình 911 chết không kèn không trống, 20 vạn tiến sĩ không thành lại tạo ra xu thế mua bằng, xã hội sính tiến sĩ bất cần chất lượng, chúng ta vẫn có thể thông cảm cho giấc mơ hoang tưởng của Nguyễn Thiện Nhân và không hê đồng nhất số tiền 14.000 tỉ đi hoang ấy với con số lỗ lã của Đinh La Thăng.
Nhưng sự kiện vinh danh Filatov làm người ta băn khoăn về nhân cách, đạo đức khoa học của một Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân.
Liệu có nên tôn vinh việc ứng dụng phương pháp y học không có bằng chứng khoa học mà lại có nhiều nguy cơ, bị y tế thế giới cấm sử dụng không ? Người thầy thuốc truyền bá phương pháp ấy thực hiện cho hàng vạn người là anh hùng hay tội đồ ? Đương nhiên đứng về phía sức khỏe, tính mạng người dân sẽ thấy đây là tội ác, Đảng và chính quyền với góc độ lợi ích của mình đã phong Nguyễn Thiện Thành là Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân (4).
Tôi tự nhũ, tự gieo cho mình niềm hy vọng mới "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" có thể do môi trường, do thể chế, những yếu tố thiện lương nhân hậu vẫn còn đâu đó trong Nguyễn Thiện Nhân. Có lẽ, nhiều người cũng cùng hy vọng như tôi.
******************
Phần 2
Lộc Hưng - Cơ hôi sám hối
Con người Việt dễ dung thứ và cũng dễ tin chừng như do sự đóng khung của hoàn cảnh, trong thực trạng đời sống bế tắc và quá nhiều bất trắc người ta cần có cái để hy vọng sống sót. Vì vậy, nhiều người dù đã từng hy vọng và thất vọng về ông Nguyễn Thiện Nhân lại một lần nửa thắp lửa lòng tin khi ông quay lại Thành phố làm Bí thư Thành ủy. Với chức vụ ấy với kinh nghiệm từng trải ổ chính trường hy vọng rằng ông Nhân sẽ chuyển đổi phần nào đó cục diện của Thành phố vốn đã quá ảm đạm sau triều đại Lê Thanh Hải xẻ thịt đất đai, công quỷ để làm giàu mà đặc biệt là chà đạp lên lợi ích, những quyền tự do tối thiểu của người dân. Những vấn đề cơ bản cần yếu là chấn chỉnh bộ máy công quyền minh bạch, hiệu quả, giải quyết những tiêu cực tồn đọng, tạo sự thông thoáng trong quản lý và quan trọng nhất là bảo đảm những quyền lợi thiết yếu về vật chất tình thần của người dân. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nhiều lần phát biểu nhắc lại nghĩa tình cưu mang của Thành Phố và hứa hẹn sẽ đem lại những điều tốt đẹp.
Lộc Hưng - Cơ hôi sám hối
Tuy nhiên hơn một năm qua, trong vai trò mới, dấu ấn tích cực của Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân cho Thành phố chừng như còn quá mờ nhạt vẫn chỉ trong lời hứa hẹn. Không bàn đến những chuyện nội bộ sâu xa, hãy nhìn lại cách nói và làm của ông Nguyễn Thiện Nhân trong việc giải quyết 2 sự kiện Thủ Thiêm và Lộc Hưng.
Món nợ Thủ Thiêm vẫn còn nguyên
Người dân Thủ Thiêm có lẽ đã bất ngờ, xúc động và phần nào đó tin tưởng khi nghe ông Bí Thư Thành Ủy thố lộ : "Tôi nói giọng Bắc nhưng tôi là người Nam, tôi không lừa dối bà con". Họ chờ đợi ông ban công lý, công băng cho họ, trả lại đất đai và bồi thường thiệt hại. Họ cũng chờ đợi ông xử lý những kẻ sai phạm, cướp đất cướp tài sản, nguồn sống của người dân. Đây là mong muốn chính đáng bình thường của những người hơn 20 năm oan ức. Điều kiện giải quyết chuyện này không phải khó với ông quan đầu Thành phố như ông. Thế nên người dân kiển nhẫn chờ đợi. Một tháng hai tháng đã qua, rồi cả năm 2018 đi qua, sự chờ đợi ấy vẫn là vô vọng. Ông Nhân đã đến gặp dân, nghe dân, UBND Thành phố cũng tổ chức họp nghe ý kiến và xin lỗi người dân. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó vì vấn đề cơ bản là giải quyết việc cưỡng chế sai lầm trước đây như thế nào, giải quyết những thiệt hại về tài sản, đất đai của người dân ra sau thì khoảng cách giữa người dân và chính quyền vẫn còn rất xa.
Hướng giải quyết của Thành phố là chỉ tóm vấn đề lại theo kết luận của Thanh Tra theo phạm vi 4,3 ha giải tỏa sai. Và với 321 hộ dân trong phạm vi này, chỉ nâng mức đền bù hổ trợ và bố trí tái định cư.
Ngày 10/12/2018, tại buổi trao quyết định cho ông Trần Văn Thuận làm Bí thư quận 2 , đề cập nhiệm vụ quan trọng quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề ở Thủ Thiêm, ông Nhân nói : "Chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, bởi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thành phố phải tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2019, không để khiếu kiện kéo dài. Cần phải biến thách thức thành thời cơ để lấy lại niềm tin của nhân dân".
Theo ông Nhân, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất nước, trách nhiệm chính trị lớn, nên phải tự giải quyết chứ không để Trung ương phải giải quyết thay. Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy đã có 10 cuộc họp, nhận rõ những thiếu sót, vạch ra lộ trình giải quyết cụ thể.
Hiện, khu 4,3 ha (ngoài ranh quy hoạch) đã xác định 321 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 166 hộ đã di dời, nhận nhà đất ở chỗ khác. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để mọi người ổn định. Nói rõ hơn về chính sách giải quyết đối với khu vực này, Bí thư Thành ủy cho biết, phần giao thông phải giữ cho Thủ Thiêm, phần còn lại có một chung cư sẽ chuyển đổi chức năng (có thể vẫn giữ phần kinh doanh nhưng một phần để tái định cư) (6).
Với người dân Thủ Thiêm thì yêu cầu hoàn toàn khác, có hơn 2000 hộ khiếu nại chứ không phải chỉ 321 hộ, không chỉ giải quyết 4,3 ha giải tỏa sai mà còn 160 ha đất bố trí tái định cư. Người dân cũng nói rõ là giải tỏa sai thì phải trả lại đất không thể đền bù tiền (7).
Như vậy, sau một năm nỗ lực với hơn 10 cuộc họp thành ủy và nhiều cuộc họp với dân, ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn chưa nghe, hiểu được thực trạng oan khuất của người dân Thủ Thiêm và kiến nghị của họ là đòi lại hơn 164 ha đất. Và theo cá trang mạng xã hội ngay lúc giáp tết này, người dân Thủ Thiêm đã không ngại gió rét đi ra Hà Nội mong gặp các lãnh đạo trung ương để xin giải quyết.
Lộc Hưng tội ác trời không tha
Có thể thông cảm phần nào với ông Nguyễn Thiện Nhân những rối rắm Thủ Thiêm là do các thế hệ tiền nhiệm để lại, ông chỉ là người giải quyết hậu quả. Nhưng sự kiện giải tỏa Vườn Rau Lộc Hưng một cách nhẫn tâm, tàn bạo, cung cách ứng xử vừa cường quyền vừa ti tiện của chính quyền với người dân của mình thì diễn ra ngay chính trong thời gian tại chức của ông Nhân. Mặc dù về danh nghĩa, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện chỉ là UBND phường 6 và quận Tân Bình nhưng cách thức huy động lực lượng hàng ngàn người, đủ thành phần, cách điều hành báo chí khi đang đập phá nhà dân kêu cứu thì đồng loạt câm như hến, lúc đập phá tan hoang thì bỏ mặc dân đồng ca rặt một giọng úp chụp theo luận điệu chính quyền. Hơn thế nữa ngay trong văn bản thông báo giải tỏa cũng nói rõ là thực hiện chủ trương của TP, ông Nguyễn Thiện Nhân không thể né tránh trách nhiệm về tội ác với hàng trăm hộ dân Lộc Hưng. Vâng với những gì mà chính quyền đã làm ở Lộc Hưng cần phải gọi đúng tên là tội ác.
Thực tế, phát biểu trên báo chí, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng trả lời giọng điệu hết sức phũ phàng và sai sự thật, không có cơ sở pháp lý và đạo lý, ông Nhân cho rằng năm 2017, quận Tân Bình đề nghị cưỡng chế công trình không phép trên đất lấn chiếm nhưng chưa thực hiện được. Đến năm 2018, tình trạng "nhảy dù" xây nhà không phép khá phức tạp nên quận xây dựng kế hoạch giải tỏa theo quy định của pháp luật. Ở lần đầu cưỡng chế, nhiều hộ dân tự giác di chuyển đồ đạc ra khỏi công trình. Hiện còn khoảng chục người ở đây gây rối, khi có hiện tượng là công an mời về làm việc.
"Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động. Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu" (8).
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã có bài viết "Lòng dân hay chính quyền ?" như thư ngỏ gởi Nguyễn Thiện Nhân, khuyên ông Nhân nên dành thời gian đến hiện trường để nghe ý kiến của người dân và có cái nhìn thực tế.
Tiến sĩ Chu phân tích "Khi đồng bào tự nguyện dỡ nhà làm cầu cho xe qua, tự nguyện dỡ nhà
ngụy trang cho tên lửa, thì đó là lòng dân. Còn khi chính quyền ủi nhà của đồng bào, buộc đồng bào lăn xả vào xích xe liều mạng cản ngăn, thì đó là lòng chính quyền.
Các nhóm lợi ích như con bạch tuộc đang len lỏi khắp mọi nơi vào chính quyền, phủ lòng chính quyền che kín hết lòng dân. Làm lãnh đạo không phải chỉ biết đúng sai. Làm lãnh đạo không chỉ biết giải quyết hậu quả. Điều quan trọng nhất của lãnh đạo là nhìn ra nguyên nhân. Chỉ khi nhìn ra nguyên nhân mới giải quyết được gốc rễ vấn đề, ngăn chặn được sự phát sinh trong tương lai. Sẽ còn bao nhiêu Lộc Hưng nữa ? Chừng nào mà sở hữu toàn dân về đất đai còn tồn tại, thì chừng đó sẽ mãi còn nữa những Lộc Hưng" (9).
Không thể ngụy biện, che dấu tội ác
Trở lại với thực trạng Lộc Hưng, nếu đứng trên góc độ lợi ích nhóm của những thế lực đang rắp tâm cướp đoạt đất đai của người dân Lộc Hưng thì các thủ thuật ra thông báo giải tỏa nhà trái phép xây sau 1/1/2018 rồi đánh úp, phá sạch, lấy sạch đến gạch đá xà bần cả hai trăm căn nhà là hành vi hợp pháp thậm chí còn được khen là giải pháp thông minh, quyết liệt.
Cũng đứng trên góc độ ấy, quy chụp bóc lửa bỏ tay người, là tìm thấy tài liệu nguy hiểm, dựng lên 8 hộ xâm canh thành đa số người dân Lộc Hưng đồng tình với chính quyền và tự cho rằng mình đang chinh nghĩa, nhân đạo… Thậm chí có thể tiếp tục trấn áp, khởi tố bắt giam tuyên án một số người dân nghèo. Bằng quyền lực nhà nước toàn trị, không có pháp luật, không có công lý, người ta có thể làm như đã làm từ trước đến nay để tước đoạt tài sản của người dân và phè phỡn với nhau.
Nhưng đừng hy vọng rằng việc dựng lên ngôi trường chuẩn quốc gia để có thể che lấp sự man rợ bạo tàn cướp nhà, chiếm đất mà việc làm ấy chỉ tăng thêm nghiệp chướng. Những thế hệ học trò phải học trong ngôi trường ấy ít nhiều sẽ phải chấn thương tâm lý khi biết mình đã thụ hưởng thành quả sư cướp đoạt tài sản, nước mắt của đồng bào.
Tự đáy lòng tôi không tin ông Nguyễn Thiện Nhân vướng máu ăn phần với các nhóm lợi ích ấy nhưng ông đang đứng ở đâu ? Phục vụ cho ai ? Lời hứa với Thủ Thiêm còn dang dở có thể là dư nợ của người tiền nhiệm, còn vụ cướp Lộc Hưng xảy ra ngay lúc ông đương nhiệm. Tự đáy lòng tôi vẫn còn le lói chút hy vọng vào lương tri của người trí thức. Tôi cũng hy vọng như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu là ông cả tin vào báo cáo không trung thực, một chiều của thuộc cấp.
Tôi vẫn nhớ lời phát biểu khi ông đang làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam : "Ở đâu có đồng bào công giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu, bình an và phát triển" (10).
Hy vọng rằng lời nói trước Chúa của ông là chân thành, tôi xin nhắc cho ông rằng nguồn gốc phần đất này thuộc quyền sở hữu, sử dụng của nhà thờ từ thời Pháp thuộc tới nay, chưa có văn bản hợp pháp nào thay đổi quyền này và nhà thờ đã cho giáo dân sản xuất từ 1955 đến nay chưa có ai tranh chấp. Theo đúng pháp luật thì người dân có hai lần đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ, cấp phép xây nhà. Đúng như ông nói, trong tình thế chính quyền gây khó, giáo dân đã đoàn kết thương yêu nhau xây nhà trên phần đất của họ và chính chính quyền của ông đã phá nát, đã chiếm đoạt sự bình an và cả vùng đất sinh sống của họ.
Hãy thành tâm sám hối, cơ hội không còn nhiều !
Hiện nay đã có hơn 200 người dân Lộc Hưng đang khiếu kiện với chính quyền nhưng khổ thay, chính quyền của ông từ quận đến Thành phố đều trốn dân, không tiếp, không nhận đơn của dân. Một lần nữa chính quyền lại thể hiện thái độ ty tiện, vô pháp. Nhưng thưa ông, họ không cô đơn, hững người dân khốn khổ ấy được 17 luật sư hổ trợ pháp lý miễn phí. Các luật sư này đang chuẩn bị những biện pháp pháp lý cần thiết và thích đáng. Trong thông báo đầu tiên họ cũng rất thiện chí kêu gọi chính quyền củng đối thoại. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng khẳng định "Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu" (8).
Nhưng ông nói như vậy cũng chỉ mới là một vế. Đối thoại là nói qua nói lại giữa hai bên, trong đó chính quyên cần nghe, phải nghe dân noi và giải đáp những nguyện vọng hợp pháp của người dân. Không thể hiếp dâm từ đối thoại theo kiểu chỉ bắt dân nghe một chiều theo sự áp đặt của chính quyền hoặc giả vờ nghe dân rồi hứa ậm ừ cho qua kéo dài nỗi oan ức hết năm này sang năm khác.
Đây là cơ hội cuối cùng để ông Nguyễn Thiện Nhân sám hối. Không phải bằng lởi nói suông mà phải bằng hành động cụ thể, hợp tác, đối thoại lắng nghe kiến giải của các luật sư. Ông cần thực tâm hướng về người dân, với lẽ phải, đề ra những quyết sách hợp lý hợp tình để sửa sai, khắc phục hậu quả tội ác mà chính quyền của ông đã gây ra với người dân Lộc Hưng.
Xin cũng nói thêm với ông, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Trần Hồng Phong… đang đại diện nhân dân Lộc Hưng muốn đối thoại với ông cũng là những "Thái tử Đảng". Cha mẹ của họ từng là lãnh đạo địa phương, tốt nghiệp đại học Lomonoxop là những nhà khoa học đầu đàn của Việt Nam. Nếu vì quyền lợi, địa vị, họ cũng dễ dàng có chỗ đứng tương tự như ông. Nhưng họ đã chọn con đường khác đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ người dân. Con đường đó không nhiều bổng lộc nhưng ngập tràn hạnh phúc chân thực và vinh quang.
Cũng xin nhắc ông rằng, đàng sau 200 hộ dân Lộc Hưng là hàng triệu con người yêu công lý. Thế giới phẳng đang kết nối con người khắp các châu lục bởi những giá trị nhân đạo và trên hết còn có Chúa.
Với tấm lòng quý trọng một nhà trí thức học cao hiểu rộng, hy vọng rằng cuối cùng ít ra trong đời ông cũng có một lần biết sám hối, biết sống lương thiện nhân ái với những người dân cả đời đóng thuế cho ông hưởng lợi.
Cơ hội không còn nhiều, thời gian không còn nhiều.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 23/01/2019 (Gió Bấc's blog)
Ghi chú :
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Thi%E1%BB%87n_Nh%C3%A2n#cit...
2. https://thanhnien.vn/giao-duc/thay-giao-chong-tieu-cuc-do-viet-khoa-duoc...
4. https://dantri.com.vn/suc-khoe/cuoc-doi-nguoi-bao-che-filatov-tu-nhau-th...
5. https://vnexpress.net/suc-khoe/thuoc-filatov-duoc-bao-che-tu-nhau-thai-n...
6. https://vnexpress.net/thoi-su/ong-nguyen-thien-nhan-gio-la-luc-thuan-loi...
7. https://int.search.myway.com/search/video.jhtml?enc=2&n=7848dd1d&p2=%5EC...
8. https://vnexpress.net/thoi-su/tp-hcm-cuong-che-112-nha-xay-tren-dat-cong...
9. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=627244524402818&id=100...
10. http://plo.vn/thoi-su/o-dau-co-cong-giao-o-do-co-doan-ket-va-binh-an-656...
Cưỡng chế Lộc Hưng : Giới luật sư tuyên chiến yêu cầu chính quyền đối thoại
Từ khi cuộc cưỡng chế Lộc Hưng diễn ra, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc liên tục lên tiếng "chúng tôi có đủ chứng cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn đề khẳng định rằng cuộc cưỡng chế phá nhà chiếm đất đã và đang xảy ra ở Vườn rau Lộc Hưng là trái pháp luật". Với thái độ xây dựng thiện chí Luật sư Phúc nhiều lần kêu gọi cảnh báo với nhà cầm quyền là phải ngừng ngay hành vi trái pháp luật để tránh hậu quả không lường được".
Nhưng UBND Tân Bình và hệ thống báo chí nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh vẫn trân tráo cho rằng là chỉ cưỡng chế nhà xây trái phép sau ngày 1/12/2018. Trong khi thực tế đã đập phá trắng 120 ngôi nhà mà đa số đã xây dựng từ lâu trước đó
Không cấp, làm sao có phép
Ngày 12 tháng 1, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đã đưa lên fb một giòng chữ ngắn ngủi : "ĐÂY, TƯ LIỆU GỐC, KHẲNG ĐỊNH SỰ THẬT VỀ VƯỜN RAU LỘC HƯNG". Kèm theo đó là hình ảnh các hồ sơ, chứng từ liên quan đến nguồn gốc đất đai và các chứng từ biên lai đóng thuế từ năm 1976, 1982… diễn biến khiếu nại của người dân hơn 70 năm qua (1). Mọi nghi ngại tan biến. Quả tình là người dân Lộc Hưng có đủ căn cứ pháp lý và thực tế để sử dụng đất.
Vườn rau Lộc Hưng trước ngày bị cưỡng chế và đập phá
Qua các chức cứ được công bố cho thấy sự thât trần trụi đau đớn là người dân Lộc Hưng hoàn toàn đúng, họ đã canh tác hợp pháp hợp lệ, đủ điều kiện để cấp sổ đỏ, đủ điều kiện để chuyển mục đích thành đất thổ cư để xây dựng nhà nhưng họ không có giấy phép là do chính quyền cố ý làm khó không cấp giấy tờ cho họ.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Thiện đã viết trên fb : "Khi bạn chưa có thông tin, bạn phải viết thận trọng. Nhưng khi bạn đã đọc văn bản của Đài phát tuyến Chí Hòa do Hội nghiên cứu dịch thuật Thành phố Hồ Chí Minh dịch từ tiếng Pháp thì bạn phải có thái độ rõ ràng. Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm công dân của chúng ta" (2). Quả đúng như vậy, văn bản này khẳng đinh chủ quyền đất hoàn toàn của nhà thờ, người dân có toàn quyền khai thác sử dụng xây cất chỉ trừ việc đi lại vào ban đêm.
Luật sư Trần Đình Dũng đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định "Chính quyền từng thừa nhận người dân sử dụng đất từ năm 1955 và từng đóng dấu xác nhận sử dụng từ 1976" ------ (trích nguyên văn).
Không phải phân tích từ văn bản của người dân, Luật sư Dũng tham chiếu ngay từ văn bản của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đó là "công văn số 6035/UBND-NCPC ngày 26 tháng 10 năm 2016 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa ký báo cáo lên Thanh tra Chính phủ (V/v báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại của các hộ dân canh tác trên khu đất vườn rau tại phường 6, quận Tân Bình), đã thể hiện việc Chính quyền thừa nhận người dân Vườn rau Lộc Hưng sử dụng đất từ năm 1955 và từng đóng dấu xác nhận cho người dân sử dụng từ 1976".
Phần thể hiện việc người dân sử dụng đất từ năm 1955 như sau : Phần báo cáo "Diễn biến quá trình phát sinh vụ việc" của Công văn số 6035 tại trang 01 từ dòng 06 đến dòng 02 tính từ dưới lên, xác định ---- "Năm 1955, Linh mục Đinh Công Trình đại diện Giáo xứ Lộc Hưng có làm giấy mượn đất và đã được đơn vị đồn trú Pháp đồng ý cho bà con giáo dân ngụ tại khu vực kế cận mượn phần đất trống giữa các cột Ăng-ten để trồng rau"---- (trích nguyên văn).
Phần thể hiện việc đóng dấu xác nhận người dân sử dụng đất từ năm 1976 như sau : Phần báo cáo "Kết quả kiểm tra rà soát" của Công văn số 6035 tại trang 04 từ dòng 05 đến dòng 09 tính từ trên xuống, xác định ------"gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận quá trình canh tác hoa màu trên khu đất vườn rau với nội dung "có quá trình sử dụng đất từ năm 1955 đến nay, không tranh chấp" mặc dù đã được Ủy ban nhân dân Phường 6 xác nhận nội dung đơn cụ thể là "…đã canh tác hoa màu tại khu vực vườn rau bưu điện Chí Hòa Phường 6, quận Tân Bình. Thời gian từ năm 1976 cho đến nay" ------ (trích nguyên văn).
Khoan hãy bàn đến vấn đề pháp lý khác, chỉ riêng đối với phía chính quyền nhà nước đã thừa nhận trong Công văn số 6035/UBND-NCPC về quá trình sử dụng đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng với hai yếu tố : SỬ DỤNG ĐẤT TỪ NĂM 1955 và UBND phường xác nhận ĐÃ CANH TÁC TỪ NĂM 1976 ĐẾN NAY, thì rõ ràng người dân có quyền được nhà nước công nhận đất cho họ, không thể để đội cưỡng chế vào san nhà họ thành bình địa để lấy đất mà không giải quyết giải quyết quyền lợi theo qui định.
Nhưng chính quyền nơi này đã làm, đã san thành bình địa 112 ngôi nhà !
Công văn số 6035/UBND-NCPC hiện còn lưu tại Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND quận Tân Bình, Phòng NCPC và Phòng BTCD, lẽ nào khi cưỡng chế lại quên" (3).
Nhà báo đăng 7 kỳ phóng sự trên Fb
Nhà báo Nguyễn Đức, (cây bút phóng sự điều tra của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng với nhiều phóng sự vạch mặt quan chức bán rừng ăn đất ở Bình Phước, Bình Dương) đã gặp luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và người dân Lộc Hưng ghi nhận ý kiến nhưng không thể đăng bài trên tờ báo mình đang công tác.
Từ ngày 9/1 đến 14/01/2019, Nguyễn Đức đăng liên tục trên fb 7 bài viết về Lộc Hưng và rất nhiều dòng trạng thái thể hiện bức xúc trước ngang trái này. Trái ngược hoàn toàn với các tờ báo quốc doanh chỉ đăng ý kiến quan điểm của chính quyền mà không có bằng chứng, Nguyễn Đức đã đăng ý kiến người dân và nguồn gốc đất và các chứng cứ hợp pháp của dân. Đặc biệt theo phong cách của cây bút điều tra, bài viết của Nguyễn Đức chỉ có những dòng rất ngắn nhưng kèm theo đó là hình ảnh tài liệu, chứng cứ.
Người dân vườn rau Lộc Hưng có đầy đủ giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất
1. Bài đầu tiên Nguyễn Đức đăng phát biểu của anh Cao Hà Trực người dân Lộc Hưng qua một vidéo clip
2. Bài 2, Nguyễn Đức đăng Biên lai thu tiền của toàn bộ tổ rau Lộc Hưng 1983
Người dân Lộc Hưng còn nhiều giấy tờ, mời các báo đến gặp sẽ hiểu rõ bản chất để thông tin đa chiều.
Có tờ báo từng nói luôn phụng sự bạn đọc, có tờ báo luôn khẳng định phản biện để xây dựng nhà nước pháp quyền công bằng phát triển... Thông tin sự thật, phụng sự SỰ THẬT đó là trách nhiệm của người viết báo.
Đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn nhấn mạnh : Vì lợi ích nhân dân vì sự công bằng dân chủ văn minh nghĩa tình đáng sống...
Vì thế những cá nhân làm sai trong vụ Thủ Thiêm cũng đã và đang bị kỷ luật.
Nhưng nhà cũ vườn xưa của hàng ngàn hộ đã mất không thể trở về Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm hai mươi năm qua vì đâu khiếu nại kéo dài ?
Và bây giờ khu vườn rau Lộc Hưng đã mất.
Họ mất vì đất không có sổ đỏ, "giấy phép xây dựng".
Vì sao ? hơn ai hết chính quyền hiểu về nguồn gốc đất và các kêu cứu đề nghị cấp sổ đỏ của bà con vườn rau.
(Sáng nay người dân vườn rau cho biết họ không thể về đất họ, công nhân đang xây hàng rào bao quanh khu đất).
3. Bài 3 là Giấy chứng nhận của Vườn Rau Lộc Hưng 1955
Tóm tắt những dòng chữ bằng tiếng Pháp :
Giám đốc đài Phát Tín tại (Lộc Hưng), Chí Hòa.
Chứng nhận phần đất này giao cho Giáo dân Công giáo (Lộc Hưng) sử dụng, trồng trọt, với quyền sử dụng đất, tại khu vực (trong đó có sơ đồ và biên lai giao nhận) có chứa các cột anten của đài phát tín, với sự quản lý của Linh mục Đinh Công Trình, cha xứ, hội Thừa Sai Sơn Tây.
Cho phổ biến, hoạt động rộng rãi.
Đã ký : Giám đốc đài phát tín (Centre d'émission)
dịch : Mai Trung Chính
(sẽ thông tin tiếp về các giấy thuế sau 1975)
4. Bài 4 : Giấy tờ gốc xác lập nguồn gốc đất vườn rau Lộc Hưng.
Còn nhiều sự thật khác.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc chia sẻ, cung cấp tài liệu.
5. Bài 5- Dân Lộc Hưng xin xác nhận sử dụng đất từ năm 1955
Năm 2006 tập thể dân vườn rau Lộc Hưng có đơn đề nghị xác nhận quá trình sử dụng đất lâu dài từ 1955 (tôi đã thông tin về các giấy tờ gốc trong bài trước). Đơn các hộ dân cũng đề nghị chính quyền cấp sổ đỏ.
Đơn đại diện cho hàng trăm hộ dân vườn rau Lộc Hưng được văn phòng tiếp dân đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết. Lúc này khu đất vườn rau bị quy hoạch thành dự án nhà cao tầng.
Lúc đó ông Nguyễn Hữu Tín- phó chủ tịch Thành phố đã có nhiều chỉ đạo liên quan.
Sau khi người dân phản đối, khu đất này được chính quyền thông báo làm trường học !
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp tục.
6. Bài 6 : 13 NĂM TRƯỚC DÂN LỘC HƯNG TỐ CÁO HAI CTY CHIẾM ĐẤT
Năm 2006, theo tố cáo được Ủy ban mặt trận tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đơn có ghi nhận thông tin các hộ dân khiếu nại cty Sài Thành và cty Dân Xuân liên tục gây nhũng nhiễu trong việc giải tỏa đền bù khu đất của các hộ dân.
Đồng thời tố cáo việc làm sai trái của chủ tịch phường 6, quận Tân Bình khi đó (h1).
89 hộ dân đai diện cho hơn1000 nhân khẩu tại vườn rau Lộc Hưng khi đó đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan trung ương, địa phương (h2).
Vụ việc sau đó được giải quyết thế nào, chúng tôi sẽ thông tin tiếp !
(nguồn : chính chủ)
7. Bài 7 : Vườn rau Lộc Hưng : Từ dự án nhà cao tầng đến lột xác thành trường học
Khi công ty Sài Thành lăm le lấy đất dân vườn rau, đòi cưỡng chế 13 năm trước bị dân phản đối. Công ty này sau đó rút lui vì theo một báo cáo thì công ty này không đủ năng lực tài chính.
Việc đổi đất vườn rau Lộc Hưng sang xây trường học- Quả là bước tiến dài vì sự học. Vì dân.
Thật tài tình (4).
Một dòng trạng thái mới nhất ngày 15/01/2019, Nguyễn Đức viết "Một cựu lãnh đạo Thanh tra chính phủ nói : theo luật, chính quyền phải cấp sổ đỏ cho dân vườn rau Lộc Hưng sử dụng đất trước 15/10/1993"
Một nhà báo bị bit miệng không thể đăng bài trên tờ báo mà quyết liệt đăng trên Fb chắc hẳn anh phải chịu nhiều áp lực. Chúng tôi sẽ theo dỏi số phận của anh.
Luật sư tuyên chiến : Tòa nào sẽ xử, xử theo luật nào ?
Luật sư Nguyễn Duy Bình văn phòng luật sư Duy-Trịnh đã đăng dòng trạng thái tuyên chiến pháp lý với nhà cầm quyền "CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ GIỮ ĐẤT ĐÃ BẮT ĐẦU. CÁC LS CHÚNG TÔI SẼ LÀM THEO PL, BẢO VỆ DÂN TỚI CÙNG.
Cùng đau với nổi đau của đất nước, nhân dân !
Dân Vườn rau Lộc Hưng sáng nay đã về lại đất phản đối việc chính quyền xây trụ rào và dựng bảng quy hoạch xem như đất đã thu hồi. Mong sao mọi việc được giải quyết và ko đổ máu. Như tôi đã phân tích và chính quyền đã nhận định là chưa thu hồi đất, như vậy, dân vẫn có quyền quay về sử dụng đất chờ đến lúc gỉai tỏa, bồi thường, hỗ trợ và ko ai đc ngăn cấm, bắt bớ họ".
Cũng trên fb luật sư Nguyễn Duy Bình đã có bài phân tích pháp lý
Một số cơ sở pháp lý về vụ VƯỜN RAU LỘC HƯNG :
Theo hồ sơ vụ việc tôi nhận thấy :
1. Người dân có quyền và nên yêu cầu chính quyền quận cung cấp các văn bản chứng minh phía chính quyền đã thực hiện thủ tục lập biên bản xây dựng trái phép, quyết định xử phạt và quyết định cưỡng chế đối với từng hộ gia đình. Nếu phía chính quyền không thực hiện một trong các thủ tục đó thì cuộc cưỡng chế có dấu trái pháp luật và người dân có quyền khiếu kiện, tố cáo những người đã ra lệnh và tổ chức cưỡng chế.
2. Theo trả lời của UBND quận và hồ sơ vụ việc cho thấy chính quyền chưa thực hiện thu hồi đất nên ngay sau khi cưỡng chế người dân có quyền quay lại sử dụng đất chờ đến khi nhà nước thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và đó là quyền của người sử dụng đất. Giả sử nếu khi người dân quay lại sử dụng đất mà bị chính quyền ngăn cản, bắt bớ thì hành vi đó là hoàn toàn trái pháp luật và tôi nghĩ chính quyền của dân, vì dân không bao giờ làm như vậy. Theo quy định của pháp luật đất đai trong thời gian này người dân có thể dựng chòi tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ canh tác và làm chổ ở tạm thời và cam kết tháo dỡ khi nhà nước thu hồi đất.
3. Về quyền sử dụng đất, tôi nhận thấy khu đất này trước 1975 là khu đầm lầy, bỏ hoang và dân di cư bắc 54 vào đây khai hoang, trồng trọt (trừ diện tích trạm ăng ten) nên hoàn toàn có quyền được kê khai, đăng ký sử dụng đất và đủ điều kiện được công nhận Quyền sử dụng đất như bao công dân khác, cho dù họ có tiểu sử là nguỵ quân, ngụỵ quyền hay dân di cư bình thường vì họ đều là công dân nước việt xã hội chủ nghĩa, được hưởng chủ trương, chính sách người cày có ruộng của đảng và nhà nước.
Theo tài liệu, tôi cũng nhận thấy từ khi sử dụng đất, người dân có đăng ký và nộp thuế, phí đầy đủ và điều này cho thấy người dân hoàn toàn có cơ sở để được xem là có kê khai, đăng ký sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước nên họ có quyền như những trường hợp khác.
Theo tài liệu, tôi nhận thấy sau năm 1975 phía chính quyền cách mạng có đưa khu đất này giao cho một số tổ chức quản lý theo dạng "đất công" nhưng "quản lý" như vậy là trái pháp luật vì đất đã do dân sử dụng lâu năm. Mặt khác, sau khi nhà nước ra văn bản quản lý, giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng nhưng trên thực tế các tổ chức đó chưa bao giờ sử dụng khu đất này nên người dân vẫn có quyền sử dụng đất. Việc phía chính quyền không cho dân đăng ký kê khai chính thức và vào sổ địa chính là lỗi của phía chính quyền. Chính vì vậy, người dân không thể được hợp thức hóa, chuyển mục đích sử dụng thành đất ở để được xây dựng như những công dân khác là một thiệt thòi rất lớn và nhà nước phải cân đối quyền lợi cho họ.
Cũng theo quy định của pháp luật, trường hợp này nếu nhà nước thu hồi đất phải tổ chức bồi thường, hỗ trợ theo giá thị trường chứ không phải hỗ trợ như tài liệu thể hiện… (5).
Bức xúc, quyết tâm của các luật sư, nhà báo thật đáng quý, nhưng điều băn khoăn là các anh sẽ kiện tụng ở đâu ? Tòa án nào thụ lý ? Vì tại Việt Nam thì đảng lãnh đạo toàn diện mà như thông báo của UBND phường 6 và quận Tân Bình thì đây là chủ trương của Đảng. Ông Bí Thư thành Hồ người Nam nói giọng Bắc cũng đã mở miệng cóc "Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động".
Hiện nay thực tế còn trắng trợn hơn, người dân không thể quay về nhà đât cũ. Bon côn đồ giải tỏa không chỉ phá nhà, chiếm đất mà còn ăn cả xà bần, gạch tôn sắt thép. Chúng đang tiếp tục dùng bạo lực xóa bỏ mọi dấu vết hiện trường.
Hai mươi hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng đã mời luật sư, ít nhất 10 tổ chức hành nghề luật sư đã nhận lời.
Mới đây trên fb Luật sư Trần Vũ Hải đăng thông tin Hai mươi hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng đã mời luật sư, ít nhất 10 tổ chức hành nghề luật sư đã nhận lời. Chiều 15/1/2019, 4 đại diên cho hàng chục hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp những luật sư của nhiều tổ chức hành nghề luật sư. Họ đã trao giấy đề nghị luật sư của 20 hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng, tất cả các luật sư có mặt trong buổi gặp mặt đã đồng ý nhận trợ giúp pháp lý cho các hộ dân này. Theo các đại diện hộ dân này cho biết, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cuộc cưỡng chế phá nhà tại Vườn Rau Lộc Hưng từ ngày 4/1 đến ngày 8/1/2019 (khoảng từ 150 đến 200 hộ) đều muốn nhờ các luật sư hỗ trợ về pháp lý. Đến nay, ngoài 10 tổ chức hành nghề luật sư đã đồng ý nhận trợ giúp các hộ dân này, còn nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khác đã ngỏ ý tham gia vào việc trợ giúp cho các hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng
Luật sư Đặng Trong Dũng cho rằng Với tất cả sự cẩn trọng trong nghề nghiệp luật sư và hoàn cảnh của các người dân bị cưỡng chế nhà cửa của phía chính quyền, là luât sư đứng về phía người dân cô thế ở giáo xứ Lộc Hưng. Các luật sư chúng tôi đã lắng nghe, nghiên cứu hồ sơ pháp lý của người dân và nhận thấy cần thiết phải giúp đỡ họ làm việc với chính quyền, mong muốn đối thoại với họ vì sao lại có việc cưỡng chế nhà cửa của người dân quá sức khủng khiếp trong ngày 08/01/2019 vừa qua. Tệ hại hơn nữa, tài sản của họ bị đập phá - ngay từng viên gạch nhà cửa của người dân cũng phải để người dân nhặt nhạnh lại, đằng này các tài sản bị đập phá, cùng với tư trang của họ cũng bị nhà cầm quyền, đơn vị thực hiện việc cưỡng chế cũng tẩu tán chở đi đâu mất tiêu... Do vậy, một số luật sư trong đó có tôi đã nhận giúp đỡ các cư dân trong việc giúp họ tìm hiểu tại sao có sự cưỡng chế quá sức khủng khiếp vượt mọi tưởng tượng của cư dân thành phố.
Trong những ngày sắp đến người dân sẽ có Đơn kêu cứu gửi các cấp chính quyền và nhóm luật sư chúng tôi cũng sẽ lên tiếng giúp đỡ người dân về pháp lý. Các thông tin v/v cưỡng chế đât đai do các báo đài của chính quyền là KHÔNG ĐÚNG, KHÔNG ĐẨY ĐỦ. Người Dân và các luật sư mong muốn đối thoại với chính quyền Thành phố, Quận... đễ làm sao người dân Lộc Hưng vượt qua nỗi đau trong lúc năm cùng tháng tận đón một cái Tết không nhà , tan nát tài sản như hiện nay (6).
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 15/01/2019 (Gió Bấc's blog)
(1) https://www.facebook.com/profile.php?id=100005679961364&epa=SEARCH_BOX
(2) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao?__tn__=%2CdCH-R-R&eid...
(3) https://www.facebook.com/profile.php?id=100010786387434&__tn__=%2CdlC-R-...
(4) https://www.facebook.com/profile.php?id=100009324176724&sk=wall
(5) https://www.facebook.com/binh.nguyenduy.1023?__tn__=%2CdlC-R-R&eid=ARB9i...
(6) https://www.facebook.com/tranhai.vune?__tn__=%2CdlCH-R-R&eid=ARCOCZbqZLv...
Không rõ do duyên số tình cờ hay vì lý do nào khác, sau khi RFA đăng bài viết "Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng báo chí Việt cấm khẩu", ngày 10/01, báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt đăng tin bài về sự kiện Lộc Hưng. Giống như đàn cừu Dolly, những bài báo đưa thông tin tròn trĩnh, thái độ hoan hỉ hoàn thành việc giải tỏa 112 ngôi nhà xây trái phép. Tất cà các thương hiệu báo chí một thời lừng lẫy Tuổi Trẻ, SGGP, Người Lao Động… đều cùng khai thác nguồn tin duy nhất từ UBND quận Tân Bình như một bản báo cáo thành tích.
Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 - Photo : RFA
Không tờ báo nào ghi nhận ý kiến người dân, không một hình ảnh về thành quả tang tóc của 112 ngôi nhà bị đập phá, 112 gia đình với hàng trăm con người đang sống màn trời chiếu đất ở nơi mới hôm qua còn là tổ ấm của mình.
Cảm giác chung của cộng đồng mạng xã hội, những nạn nhân của cuộc cưỡng chế và nhất là của những nhà báo tâm huyết là thất vọng, chua xót đến phần uất. Nhà báo Bạch Hoàn, một trong những người đầu tiên kêu gọi báo chí lên tiếng về Lộc Hưng đã viết trên Facebook hai giòng ngắn ngủi
"Vài tờ báo đang dõng dạc tuyên bố với độc giả rằng : Chúng tôi là công cụ. Chúng tôi không phụng sự bạn đọc.
Đó là suy nghĩ của tôi khi đọc về vụ Vườn rau Lộc Hưng trên báo sáng nay và đêm qua" (1).
Facebook của nhà báo Bạch Hoàn và đoạn viết về Lộc Hưng Courtesy FB Bạch Hoàn
Nhà báo lão thành Đoàn Khắc Xuyên hết sức ưu tư về tâm thế và phương pháp tác nghiệp của báo chí TP. Anh viết trên Facebook :
"Suốt 1 tuần báo chí trong nước im như tờ về vụ Lộc Hưng, không hề thấy bất kỳ một cố gắng nào tiếp cận người dân tại chỗ để có thông tin từ phía họ. Chỉ có đài nước ngoài như BBC, VOA làm điều này. Đúng sai đến đâu chưa nói. Nhưng việc không tìm cách tiếp cận người dân của báo chí trong nước có thể được hiểu, hoặc họ coi tiếng nói người dân là không đáng tin hoặc họ bị chỉ đạo, bị áp lực từ đâu đó không được đưa tiếng nói của người dân. Cho đến tối 9/1 thì đồng loạt các báo đưa thông tin từ cuộc họp báo của UBND quận Tân Bình. Và chỉ có thông tin từ UB quận. Không có một nỗ lực điều tra riêng nào của các báo.
Một nguyên tắc căn bản của báo chí là công bằng trong đưa tin đã không được thể hiện. Một bên là bộ máy đầy đủ ban bệ, lực lượng của chính quyền ; một bên là phản ứng rời rạc của người dân bị ảnh hưởng. Báo chí đứng ở đâu, ai cũng đã thấy. Bất đối xứng thông tin là đây chứ đâu" (2).
Thật ra các nhà báo đáng thương hơn đáng trách, không phải họ không có khát vọng phụng sự như Bạch Hoàn mong muốn. Không phải họ không biết và không muốn tác nghiệp theo nguyên tắc công bằng trong thông tin. Họ cũng không muốn xa dân hay đối lập với dân nhưng nói như Nam Cao : "Ai cho ta làm người lương thiện ?".
Cái thời báo chí được xem là công cụ mềm, được sự độc lập tương đối trong tác nghiệp, bày tỏ chính kiến, đã qua lâu rồi. Cái thời những tổng biên tập vốn là những nhà báo bản lĩnh như Tô Hòa, Võ Như Lanh, Kim Hạnh, Thế Thanh… dám tranh luận, góp ý cho Thành ủy hay cả Trung ương đã qua rồi.
Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 - Photo : RFA
Nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị đã gởi gắm nỗi niềm đến cấp cao hơn. Bài viết "Lộc Hưng nhìn bằng tinh thần luật tiếp cận thông tin" trên Facebook của anh như là một kiến nghị đầy trách nhiệm với lãnh đạo Thành phố về hướng giải quyết vấn đề Lộc Hưng kết hợp với việc sử dụng hiệu quả công cụ báo chí theo hướng phát triển. Tâm Chánh đã viết :
"Chính trong lúc này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần tỏ rõ bản lĩnh chính trị của Sài Gòn, tạo ra không khí và môi trường dối thoại chân thành, trung thực giải quyết vụ cưỡng chế ở khu Lộc Hưng.
Điều cần phải làm trước tiên loại bỏ lối tư duy quản lý dán nhãn nhạy cảm lên các xung đột phát sinh trong thực tiễn. Lối tư duy này đang tạo điều kiện cho sự áp đặt tuỳ tiện con ngáo ộp "thế lực thù địch" như bóng ma duy trì nỗi sợ hãi trong xã hội. Nó ngăn chận mọi khả năng hợp tác và biến việc giải quyết thực tiễn luôn ở trong thế lựa chọn đối kháng.
Chính quyền cần chủ động thực hành quyền tiếp cận thông tin đáp ứng nhu cầu này của mọi người dân, không chỉ là cư dân Thành phố. Cần đưa thông tin đến tận hiện trường xung đột kịp thời, rõ ràng và mình bạch. Những thông tin về tình trạng sử dụng đất, qui hoạch và hiện trang xây cất, sử dụng đất lấn chiếm, trái phép... được trình này rõ ràng, được phổ biến tỉ mỉ, khách quan đã là một cách tước khí giới của "thế lực thù địch". Nhà nước không nên tham gia chợ đen tin đồn mà phải cũng cấp những thông tin xác tín, kiểm chứng được. Những kiểu nghi hoặc có bàn tay Việt Tân, thế lực thù địch… mà không cũng cấp được bằng chứng cần được loại bỏ khỏi phong cách chính trị trong nền chính trị độc đảng như nước ta, ít nhất trong cư xử của công chức, viên chức nhà nước.
Trong quá trình làm cho dân biết, thông tin được trao đổi sẽ hình thành thông tin mới. Ứng xử kịp thời với những thông tin đó bằng một thái độ tôn trọng, cầu thị và khoa học phải là một đòi hỏi về đạo đức và năng lực cơ bản của mọi công chức, viên chức các cấp. Đó chính là xây dựng trách nhiệm giải trình của giới quản lý xã hội.
Cũng cần xóa bỏ lối phân biệt thông tin chính thống, thông tin mạng hay báo chí. Thông tin là thông tin, xuất hiện trong môi trường đại chúng đều cần được tôn trọng và xử lý kịp thời. Chứ nếu vẫn coi nhẹ, coi thường, coi rẻ thông tin mạng, thì vụ Lộc Hưng há chẳng phải chính mạng xã hội, từ những trang thông tin cá nhân tin cậy, đưa ra sớm những thông tin còn bị khuất lấp của "vườn rau" này. Còn báo chí thì không biết ăn của ai, nhận lệnh nào mà im phăng phắc toàn diện, triệt để ở Thành phố định thông mình này ?
Làm như vậy, quá trình trao đổi thông tin sẽ tạo môi trường tự do thông tin, xóa bỏ nghi kị, thực hiện công khai, mình bạch. Mọi điều không có hại mà chỉ có lợi". (3).
Trở lại thông tin của báo chí chính thống, ngay từ 5 giờ sáng, Nhà báo Lợi Mai Phan, quản trị viên của diễn đàn Góc nhìn Báo chí và Công dân đã treo link bài viết "Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng báo chí Việt cấm khẩu" trên diễn dàn với lời thách thức nóng hổi "Đề nghị chỉ đạo cho SGGP, TTO, PLO... phản bác lại từng luận điểm, luận cứ của bài viết này. Ai lại để bị bôi nhọ thế ? !" (4).
Tôi rất vui mừng vì đây là sáng kiến nghiệp vụ mới lạ, thú vị các bên sẽ cùng đào bới thông tin sâu sắc hơn, cùng tiếp cận đến sự thật tốt hơn. Thế nhưng rất tiếc, tất cả đều thể hiện việc đập phá 112 nhà dân là hợp pháp, đây chỉ là cưỡng chế tháo dỡ nhà xây trái phép chứ không phải để thu hồi đất một chiều mà không có cơ sở chứng minh. Nhưng khi cố công vẽ trái ấu hình tròn, họ đã tự mâu thuẫn với chính mình cả về logic thực tế, nội dung pháp lý và đạo lý.
Theo Tuổi Trẻ, "lãnh đạo UBND Quận Tân Bình cho biết khu vực vườn rau hiện có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp (qua 3 đợt kê khai vào năm 1991, 1995 và 2005). Hai đợt cưỡng chế ngày 4 và 8-1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được Thành phố chấp thuận.
Theo vị lãnh đạo này, đây là việc cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất" (5).
Một số báo khác cũng đồng ca theo luận điểm tương tự là chỉ cưỡng chế xây dựng không phép chứ không thu hồi đất nhưng rồi mục đích thu hồi sử dụng đất cũng lọt báo Công An Thành phố. Trong một chuổi liệt kê các cuộc họp của lãnh đạo Thành phố và quận, báo Công An nêu :
"Ngày 8/10/2018, HĐND Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-HĐND, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn, trong đó có 3 dự án trường học và 1 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu đất trên".
Không chỉ vậy, báo Công An còn đăng hình minh họa bản vẽ các công trình hoành tráng và thuyết minh rõ là "Khu vực này sẽ được sử dụng để xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia" (6).
Luật sư Trương Thị Minh Thơ, nguyên là Thẩm phán Tòa cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ ra mâu thuẫn pháp lý trong lập luận giải tỏa mà không lấy đất.
"Theo lãnh đạo quận Tân Bình, từ ngày 4/1 đến 9/1, UBND quận Tân Bình đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ tổng cộng 112 công trình xây dựng không phép tại vườn rau Lộc Hưng. Lãnh đạo quận này khẳng định quận chỉ thực hiện cưỡng chế nhà xây dựng không phép. "Không có chuyện cưỡng chế thu hồi đất như một số dư luận đã thông tin" - lãnh đạo quận Tân Bình cho hay.... !".
- Như vậy là không cưỡng chế thu hồi đất !
- Như vậy là đất vẫn của dân ?
- Như vậy là dân phải tự dọn Đống đổ nát để cho mảnh đất trở về nguyên thủy "Trồng rau" ?
Tôi thấy trả lời của UBND quận Tân Bình không ổn. Còn không ổn thế nào cần có đủ chứng cứ sẽ phân tích thêm vì đây mới chỉ là bài báo được đăng chính thống nên tôi chỉ dựa vào bài báo góp một ý nhỏ của mình" (7).
Hình chụp Facebook của Luật sư Trương Thị Minh Thơ Courtesy FB Minh Thơ Trương
Riêng việc giải tỏa có đúng pháp luật hay không, không cần đến luật sư, Linh mục Lê Ngọc Thanh có bài viết trên Facebook "Nhà nước Phường 6, Tân Bình ?".
Trích dẫn thông tin về tiến trình giải tỏa trên báo TTO, Linh mục đã phân tích "Một tiến trình cưỡng chế bình thường ở nước Việt Nam do cộng sản điều hành hiện nay tối thiểu phải qua các bước (theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) :
- Lập biên bản sai phạm (lưu ý phải lập biên bản từng công trình và với từng chủ thể chịu trách nhiệm).
- Cấp thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chánh và trao đến từng chủ thể sẽ bị điều chỉnh bởi quyết định phạt hành chánh (nếu không thi hành, sẽ làm bước kế tiếp).
- Thông báo cưỡng chế trước 5 ngày đến từng chủ thể sẽ bị điều chỉnh bởi quyết định cưỡng chế (nếu không tự nguyện tháo dỡ, sẽ làm bước tiếp theo).
- Cưỡng chế.
Tại vườn rau Lộc Hưng, phương 6, quận Tân Bình việc cưỡng chế ngày 4 và 8 tháng Một năm 2019 đã không hề diễn ra theo đúng thủ tục này.
Phải chăng UBND phường 6, quận Tân Bình muốn tạo ra bộ luật riêng như thể một nhà nước mới phát sinh ?
Theo mô tả của TTO sáng ngày 10/01/2019, việc cưỡng chế không qua đúng tiến trình kỹ thuật như Nghị định 166/2013/NĐ-CP, nhất là không tống đạt đến từng chủ thể bị điều chỉnh bởi quyết định cưỡng chế :
Rõ ràng phường 6, Tân Bình đang hình thành một luật riêng mang dáng dấp của một nhà nước mới !" (8).
Những viện dẫn đã nêu cho thấy chiến dịch đánh úp bất thình lình đập phá 112 ngôi nhà ở Lộc Hưng đã thành công mỹ mãn. Tất cả nhà cửa đã thành gạch và sắt vụn, nhưng để an dân thì bộ máy công an, xe xúc, xe cẩu khó có thể thành công. Dàn đồng ca báo chí Tân Bình càng khó có thể thu phục lòng người.
"Từ hôm Tân Bình cưỡng chế, đập phá nhà cửa của dân tại "vườn rau Lộc Hưng", tôi hỏi nhiều nhà báo vì sao báo chí im lặng. Có bạn nói là "đang làm" nhưng cho đến nay vẫn không có một dòng trên báo. Tại sao thế. Ngay cả khi người dân sai thì báo chí cũng cần lên tiếng.
Nếu quả thực, "Bà con đã đóng thuế 20 - 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý... ; Đất vườn rau sử dụng đất 1954..." thì theo Luật Đất Đai 1993, phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Trong trường hợp nhà nước lấy đất đó để xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy.
Đất đai là tài nguyên, có trước bất cứ thứ nhà nước và luật pháp nào. Từ ngàn đời nay, người dân thủ đắc đất đai một cách tự nhiên, bằng khai hoang, phục hóa hoặc sang nhượng. Nước Việt ta hẳn không kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau nếu không có những người dân mang cuốc xẻng đi mở cõi.
Theo pháp luật hiện nay thì "hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993" thì ngay cả khi không phù hợp quy hoạch mà nếu quy hoạch đó được phê duyệt sau khi người dân sử dụng đất thì chính quyền vẫn phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Giấy tờ không phải là căn cứ duy nhất để xác lập quyền của người dân với tài sản của mình. Bộ Luật Dân Sự quy định thời hiệu "ngay tình thủ đắc" với bất động sản là 30 năm. Ông cha ta từng quy định thời hiệu này ngắn hơn, từ thời Lý, Trần, "Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này, sẽ phải phạt 80 trượng".
Đừng lấy lý do chưa có giấy tờ mà lấy đất của dân. Không có dân, không an dân thì đất đai chỉ là nghĩa địa" (9).
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 11/01/2019
(1) https://www.facebook.com/bachhoanvtv24
(2) https://www.facebook.com/doan.xuyen
(3) https://www.facebook.com/chanh.tam.33
(4) https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/
(5) https://tuoitre.vn/cuong-che-112-can-nha-xay-trai-phep-o-khu-vuon-rau-20...
(6) http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/cuong-che-110-ho-dan-tai-vuon-r...
(7) https://www.facebook.com/tho.minh.505
(8) https://www.facebook.com/thanhcssr
(9) https://www.facebook.com/Osinhuyduc
* mục (8) dẫn đến facebook cũ của Linh mục Lê Ngọc Thanh, nhưng rất tiếc Facebook cũ đã bị bỏ và xóa nội dung
Từ ngày 4/1 đến nay, cuộc chiến giữ đất của 200 hộ dân Lộc Hưng với lực lượng cưỡng chế của chính quyền gồm hàng trăm công an, dân phòng, với đủ loại thiết bị cơ giới xe ủi, máy xúc đập phá nhà đã kéo dài một tuần. Hàng chục ngôi nhà đã bị đập tan hoang vỡ vụn, mái tôn, tường gạch đổ nát. Người dân ở đây, chủ yếu là giáo dân đã cố gắng kềm chế nên không xảy ra đổ máu như ở Hải Phòng, Dak Nong nhưng tinh thần "tử chiến" cũng quyết liệt không kém. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy có người dân lấy thân mình nằm chắn trước bánh xích của xe ủi đất của chính quyền. Máu chưa đổ nhưng hàng chục người đã bị bắt.
Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018 - Photo : RFA
Vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh gần sát cư xá Bắc Hải, thuộc trung tâm của Sài Gòn là nơi cư ngụ và trồng rau của hàng trăm hộ giáo dân công giáo di cư từ năm 1954 đến nay, đa số các hộ đã trải qua ba bốn thế hệ.
Thời điểm cưỡng chế diễn ra ngay sau tết dương lịch và dự kiến kéo dài đến 90 ngày có nghĩa là trải qua cả kỳ tết nguyên đán nên hết sức bất nhẫn với người bị cưỡng chế. Về cách thức cưỡng chế cũng hết sức vô pháp, bao lực và tàn nhẫn. Hoàn toàn không phù hợp với cung cánh hành xử của một nhà nước cai trị với người dân bản xứ mà giống như cách cưỡng chiếm của đạo quân nước ngoài với người dân đất nước bị chiếm đóng. Trước đó, chính quyền dùng loa thông báo lệnh giải toản rồi cho lưc lượng rào chắn, phong tỏa xung quanh khu vực giải tỏa. Đêm 4/1, các phương tiện cơ giới máy xúc, máy ủi tràn vào đập phá nhà cửa, tài sản người dân trong khu vực cũng bị chiếm đoạt. Hàng chục người chống đối đã bị bắt giữ, và chỉ được thả ra sau khi cuộc đập phá nhà cửa đã hoàn thành.
Ngày 8/1, một đợt cưỡng chế đập phá mới lại được thực hiện với mức độ tàn khốc tương tự. Hình ảnh từ video clip của báo Người Việt cho thấy hiện trường nhà cửa bị đập phá không thua kém gì những khu phố Arap bị Taliban hay IS tấn công khủng bố (1).
Trả lời VOA tiếng Việt về khía cạnh pháp lý trong việc cưỡng chế tháo dỡ hàng trăm ngôi nhà ở khu Vườn rau Lộc Hưng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích :
"Tôi cho rằng việc lực lượng cưỡng chế của chính quyền kết hợp với doanh nghiệp tiến hành cưỡng chế là không đúng trình tự pháp luật theo quy định về Thu hồi đất, hoặc Cưỡng chế tháo dỡ.
Nếu chính quyền muốn thu hồi đất thì trước đó phải có quyết định thu hồi, giải quyết việc bồi thường cho người dân và bố trí tái định cư cho họ trong trường hợp họ không có chỗ ở".
"Khi tháo dỡ công trình xây dựng được gọi là trái phép thì cũng phải theo trình tự. Phải có biên bản vi phạm hành chính, phải có quyết định xử phạt hành chính yêu cầu tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì có quyết định cưỡng chế. Tất cả phải theo trình tự và tống đạt cho người vi phạm", LS. Trịnh Vĩnh Phúc nói.
"Cưỡng chế rầm rộ, bất kể sự ổn định, quyền sống, chỗ cư trú, tính mạng, tài sản của bao nhiêu người cho thấy hành động đó quyết liệt đến mức thô bạo. Theo tôi, việc đó rõ ràng không phù hợp cả về góc độ pháp lý lẫn đạo lý" (2).
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh bình luận với BBC :
"...theo chính sách pháp luật về đất đai của Việt Nam, nếu người dân sử dụng đất ổn định từ trước 15/10/1993 (ngày luật Đất đai 1993 có hiệu lực pháp luật), Nhà nước có trách nhiệm phải công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân mà không truy nguyên nguồn gốc".
"Sở dĩ có chính sách này là xuất phát từ bất cập của luật Đất đai năm 1987. Theo luật Đất đai năm 1987, người dân không được tặng cho, mua bán, thế chấp, cầm cố, để lại thừa kế đối với quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chính sách này đi ngược lại với quy luật khách quan, trên thực tế người dân vẫn mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, cầm cố, thế chấp… mà nhà nước không thể kiểm soát được".
"Do đó, buộc chính quyền phải sửa đổi luật Đất đai năm 1987 bằng luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/1993). Theo Luật mới, người dân được quyền chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp, để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Để giải quyết hậu quả của các giao dịch trái pháp luật đã diễn ra trước 15/10/1993, nhà nước yêu cầu người dân kê khai việc sử dụng đất. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, bằng quyền lực nhà nước, nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công nhận theo hiện trạng sử dụng đất của người dân trên cơ sở kê khai sử dụng đất của người dân".
"Đất nước này là của chung nên nhà nước không thể buộc những người có đất bị thu hồi phải hy sinh cho lợi ích quốc gia bằng cách buộc họ nhận tiền đền bù với giá thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần trong khi những người khác thì không" (3).
Dư luận cộng đồng mạng xã hội như bùng vỡ những thông tin cầu cứu, phê phán, thương xót… bằng đủ mọi thể loại hình ảnh, bài viết, video, khẩu hiệu. Ngày 9/1 với từ khóa "Cưỡng chế vườn rau lộc Hưng" Goole đã cho thấy 72.900 kết quả tìm kiếm. Các báo đài của kiều bào Việt ở nước ngoài như Người Việt, các đài BBC, VOA tiếng Việt cũng liên tục đưa thông tin bình luận.
Thế nhưng đặc biệt ở Việt Nam, trước một sự việc khủng bố bất nhẫn, thương tâm, chà đạp lên đời sống, số phận của hàng trăm gia đình một cách kinh hoàng đã và sẽ diễn ra trong thời gian dài sắp tới nhưng tất tần tật hơn 700 tờ báo, cơ quan ngôn luận của xứ sở thiên đàng này lại hoàn toàn cấm khẩu. Một tuần qua, trên 700 cơ quan ngôn luận quốc doanh hoàn toàn không có một câu chữ nào về cuộc cưỡng chế long trời lở đất này. Thật là hiện tượng kỳ lạ
Công an đến cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018- Photo : RFA
Xin thưa, tiểu tựa "Báo hèn, nhà báo hèn !"nặng nề trên đây chúng tôi "mượn" chép nguyên văn từ tựa bài viết trên Fb của Luật sư Trần Vũ Hải, một luật sư khá đình đám và có quan hệ thân thiết, cởi mở với nhiều nhà báo và các cơ quan báo chí. Hẳn khi gõ phím dòng chữ ngắn ngủi này anh phải đau lòng và phẫn uất đến cùng cực nên không ngại đến mất lòng những quan hệ riêng tư. Luật sư Trần Vũ Hải đã viết :
"…Nhiều hộ dân sinh sống từ lâu ở đây cho biết, đây là khu đất người Bắc di cư từ năm 1954. Tuy không có giấy tờ, nhưng họ cũng đề nghị chính quyền địa phương cho kê khai sử dụng đất theo chính sách và pháp luật đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam, nhưng địa phương vẫn bỏ lơ. Nay lấy cớ phục vụ cho dự án xây dựng một trường công, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã thúc ép địa phương cưỡng chế hàng trăm hộ dân ở đây, không có quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, bồi thường theo quy định của pháp luật, gây ra thảm cảnh đau thương cho những người dân lành tại đây.
Điều rất ngạc nhiên, chưa thấy báo chí nào, nhà báo nào của Việt nam, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng, điều tra, tìm hiểu về sự việc này. Nếu người dân ở đây sai, hãy chỉ ra họ sai gì và tại sao sai, nếu chính quyền sai, hãy viết rõ như vậy. Hay ít nhất nêu sự việc và ý kiến của người dân và chính quyền. Nhưng các báo lẫn nhà báo (trên mạng) im lặng tuyệt đối. Đối với họ, phải chăng tới gần nghìn người dân ở đây không phải là đồng bào của họ ? Đất ở vườn rau Lộc Hưng là đất ở "nước lạ" ?
Còn đối với tôi, đó là báo hèn, nhà báo hèn ! Xin lỗi, nhiều bạn của tôi, làm trong làng báo chí Việt, nếu tôi quá nặng lời ! Nhưng sự thật là như vậy.
Nếu bạn nào đồng ý với tôi, xin hãy chia sẻ !" (4).
Cùng tâm trạng bi phẫn ấy, ngày 9/1, nữ nhà báo Bạch Hoàn, từng có nhiều bài viết gây sóng gió trên Tuổi Trẻ, VTV cũng viết trên fb.
Suốt từ 4g sáng đến giờ, tôi đã có lần 5 lần vào trang Báo Mới tìm kiếm từ khóa "Vườn rau Lộc Hưng", nhưng kết quả đều không có lấy một dòng tin.
Vụ cưỡng chế đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng (Q.Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), báo chí đã không còn biết xấu hổ với Nhân dân, với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của người cầm bút.
Người ta nói, có 200 căn nhà bỗng chốc thành đống đổ nát. Khi chính quyền đối diện với Nhân dân bằng máy xúc, máy ủi thì tất cả những gì còn lại chỉ là những vỡ vụn của số phận con người. Vậy mà, báo chí không có lấy một dòng tin xác thực.
200 căn nhà bị phá, đồng nghĩa bao nhiêu cuộc đời phải chịu ngậm đắng nuốt cay ? Thật xấu hổ cho cả nền báo chí vì chẳng thể tìm ra con số ấy. Dẫu biết rằng, con số nào cũng vậy, một người hay một ngàn người... đều đau đớn như nhau.
Không một chính quyền tử tế nào lại đẩy người dân từ trong mái ấm của họ ra đường, biến họ từ những người có nơi có chốn trở thành người vô gia cư, nhằm giành lấy khu đất để dâng lên cho dự án này, dự án kia mà báo chí không có lấy một dòng minh bạch.
Thay vì thảo luận với dân, đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của dân, giải quyết vướng mắc cho dân, sắp xếp cho dân có nơi chốn đàng hoàng, thì họ bất chấp, hất dân ra đường.
Vụ Vườn rau Lộc Hưng, như thế mà báo chí không có lấy một dòng tin" (5).
Chiều 28/12,tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 trước 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí toàn quốc và các bộ ngành, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã kết luận rằng, mạng xã hội đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, báo chí là thông tin đi sau mạng xã hội, dù nhiều trường hợp báo chí biết trước thông tin. Thực tế, kênh thông tin của báo chí rất đa dạng, đội ngũ thông tin báo chí rất đông, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng sự chậm trễ của báo chí đã trao lợi thế cho mạng xã hội trong việc thông tin.
"Đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo. Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp, cũng như cơ chế quản lý nhà nước", ông Thưởng đánh giá.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nếu đội ngũ người làm báo chủ động, nhạy bén, các cơ quan báo chí tỉnh táo, thực hiện chặt chẽ quy trình phê phán các xu hướng tiêu cực, cực đoan, độ chính xác thấp của mạng xã hội ; các cơ quan nắm thông tin kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí… thì "chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin". Qua đó, sẽ lấy lại niềm tin của công chúng với báo chí, làm được điều đó báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt định hướng dư luận (6).
Phát biểu của ông Trưởng Ban vẫn còn nóng hổi nhưng báo chí cách mạng lần này lại tệ hơn, không đi sau (có đi đâu mà trước hay sau). Họ đồng loạt cấm khẩu không nói một tiếng à ừ dù người dân rất mong được nghe họ nói. Người đọc rất muốn nghe những lời phản biện với các luật sư Trần Vũ Hải, Phùng Thanh Sơn về các căn cứ pháp lý để thu hồi đất, chứng minh rằng chuyện chính quyền đập phá nhà dân không đền bù là đúng đắn. Nhưng rất tiếc, tất thảy đều im lặng, chừng như bị ai đó có quyền năng cấm đoán.
Chúng tôi mong rằng, với tư cách là Tổng Biên Tập chung cho 700 tờ báo, ông Thưởng hãy chỉ đạo cho họ mở miệng để phản biện, tranh luận với mạng xã hội để định hướng thông tin kẻo người dân hoang mang quá vào tính chính danh của chính quyền cách mạng hiện nay.
Đặc biệt trong vụ cưỡng chế đất Lộc Hưng, duy nhất một nhà báo dũng cảm mở miệng nhưng chỉ trên fb của mình. Nguyễn Phương Nam là cây bút đình đám của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thủa nhỏ sống ngay tại khu vực này đã viết trung thực về nguồn gốc khu đất bị giải tỏa từng gắn với mối tình đầu lãng mạn của mình.
Trong khi chính quyền lu loa cho rằng đây là đất chính quyền Pháp giao cho ngành Bưu Điện để xác định đây là dất công, nhà báo Phương Nam khẳng định đây là đất tư, trước 1975 người dân gọi là ao rau muống của bà Cả do bà có nhiều ao rau muống ở đây cùng nhiều người Bắc di cư khác. Theo mô tả của Phương Nam, đất khu rau muốn và các khu vực công cộng khác đều có ranh giới rõ ràng.
"Khu vực ao rau muống này rộng lắm, mưa xuống là ếch nhái kêu uềnh oang, nơi đây cũng là vùng đệm giữa Đài phát tín Chí Hòa (Gia Định) hay còn gọi là Nhà giây thép gió Chí Hòa và Cư xá sĩ quan Chí Hòa (Sài Gòn, nay là cư xá Bắc Hải)….Má tui kể đất của Đài phát tín Chí Hòa rộng lắm và phía sau ao rau muống bà Cả cũng rất rộng" (7).
Hãy cho báo chí mở miệng, hãy công khai những chứng cứ đây là đất công, người dân chiếm giữ bất hợp pháp, hãy công khai bản đồ quy hoạch các công trình công ích sẽ xây dựng và đàm phán với người dân về giải pháp khả thi, đó là giải pháp cần thiết của chính quyền liêm chính và minh bạch. Việc báo chí bị cấm khẩu đã dẫn đến những đồn đoán bất minh. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đã phân tích "Thu hồi đất không có quyết định, cưỡng chế không có quyết định là vì họ muốn tránh bị người dân khiếu kiện. Họ triệt tiêu quyền khiếu kiện đã được pháp luật quy định của người dân. Như vậy, người dân sẽ gặp khó khăn như dựa vào đâu, khiếu nại về hành động gì, khi mà họ ập tới làm và không để lại biên bản, quyết định, thông báo, giấy tờ gì hết. Tất cả hành động đều bất ngờ, cấp thời, không để lại bất cứ giấy mực, tài liệu ghi nhận sự việc, thì việc khiếu kiện của người dân cũng rất khó".
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 09/01/2019
1. https://www.youtube.com/watch?v=4a2Z5TB47AY&feature=share&fbclid=IwAR134...
2. https://www.voatiengviet.com/a/cuong-che-vuon-rau-loc-hung-bat-hop-phap-...
3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46778850
4. https://www.facebook.com/tranhai.vune?tn=%2CdKH-R-R&eid=ARAajw5_dp4k...
5. https://www.facebook.com/bachhoanvtv24
6. https://dantri.com.vn/su-kien/ong-vo-van-thuong-su-cham-tre-cua-bao-chi-...
7. https://www.facebook.com/phuongnamnb/posts/2318015754877189
Sau nhiều năm im lặng, ngày 4/1 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giời Tây Nam với hình thức đơn giản có phần rụt rè so với các lễ kỷ niệm Kháng chiến chống Mỹ hay Cách Mạng tháng 8. Các cuộc mít tinh tổ chức cấp Trung ương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành, đều tổ chức trong hội trường, không có duyệt binh hay diễu hành của quần chúng. Một số hoạt động triển lảm hình ảnh một số bài viết theo kiểu hồi ức theo chủ đề ca ngợi thành tích quân đội và tình hữu nghị Việt - Nam CamPuChia.
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu của báo Quân đội nhân dân.
Sự rụt rè ấy bộc lộ qua mâu thuẫn trong nội dung đưa tin của các cơ quan truyền thông cấp cao của Đảng. Cùng lễ mít tinh kỷ niệm cấp trung ương nhưng Tạp chí Công sản và báo Nhân Dân đưa tin vai trò tổ chức lễ hoàn toàn khác nhau.
Tạp chí Cộng sản bản điện tử đưa tin :
"Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot" với nội dung "sáng 04/01, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2019).
Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Các Ủy viên Bộ Chính trị : Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng…" (1).
Cùng với hình ảnh buổi lễ ấy và thành phần tham dự ấy, nhưng báo Nhân Dân thông tin với tiêu đề dài hơn là "Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019)". Nội dung tin viết là :
"Sáng 4/1, tại Hà Nội,Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7/1/1979 - 7/1/2019)…" (2).
Với hai thông tin trên thì tầm mức của buổi lễ sẽ theo hai thang bậc khác nhau. Theo Tạp Chí cộng sản thì đây là nghi lễ cấp quốc gia do các tổ chức Trung ương Đảng, Chính Phủ và Quốc Hộitổ chức, còn theo báo Nhân Dân thì đây chỉ là nghi lễ của các tổ chức quần chúng cấp trung ương và chính quyền Hà Nội. Các vị tam tứ trụ chỉ là khách mời. Phải chăng vì sợ mích lòng ai đó mà báo Nhân Dân phải hạ cấp cuộc mít tinh xuống như vậy ?
Ảnh chụp màn hình tạp chí cộng sản với bài viết về lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Khmer Đỏ Courtesy Tạp chí cộng sản
Không chỉ báo Nhân Dân mà báo Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thái độ tương tự. Cùng ngày, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức mít tinh nhưng báo này không đưa thành thông tin độc lập mà gộp vào tin nghi lễ của Hà Nội như là một thông tin phụ. Bài báo này cũng khẳng định :
"Ngày 4/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng" (3).
Trong khi đó thì báo Tiền Phong lại thông tin Hà Nội có cuộc mít tinh khác với những đối tượng, thành phần tham dự khác.
"Sáng 6/1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)" (4).
Việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này đã được chuẩn bị từ lâu. Từ tháng 12/2018 trang thông tin của Ban Tuyên Giáo trung ương đã đăng tải"Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc". Ai cũng biết rằng, Pol Pot là lực lượng xung kích của Trung Quốc, cuộc chiến tranh Biên Giới Tây Nam gắn liền với cuộc chiến Biên Giới Phía Bắc thế nhưng trong đề cương của Ban Tuyên Giáo và tất cả các bài viết trong đợt kỷ niệm này không hề có chữ Trung Quốc nào. Trung Quốc như là từ kỵ húy đối với bài thi của các thí sinh trong thời phong kiến đã được Ban Tuyên Giáo thay bằng khái niệm "các thế lực phản động, thù địch nước ngoài.
Hình chụp Pol Pot AP
Giải thích về nguyên nhân cuộc chiến, Đề cương đã viết rằng :
"Từ lâu, nhân dân Việt Nam – Campuchia đã xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết cùng chống kẻ thù chung, đặc biệt đã kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, lợi dụng, từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1970 -1975), quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ tiến công, bắt cóc giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia, đồng thời gây chia rẽ nội bộ những người cộng sản Campuchia".
Đã có thời kỳ trong Điều lệ Đảng và Hiến Pháp năm 1980 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ "Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất". Bây giờ khép lại quá khứ đâu phải là xóa bỏ thực tế lịch sử ấy. Ngay hiện nay, đã bình thường hóa quan hệ và thiết lập cấp độ quan hệ hợp tác toàn diện với nước Mỹ, Ban Tuyên giáo vẫn dùng từ "đế quốc Mỹ xâm lược" ngon lành kia mà ? Kỷ niệm một chiến thắng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà không dám nêu đích danh kẻ thù trong chiến thắng ấy thì kỷ niệm làm gì (5) ?
Cũng qua thông tin báo chí trong nước liên quan đến kỷ niệm cuộc chiến tranh này, chiều 28/12, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức "Hội thảo khoa học cấp quốc gia 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019)".
Hội thảo đã thu hút gần 90 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học quân sự, những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là dịp chúng ta tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Bộ Quốc phòng khẳng định, với tinh thần khách quan, khoa học, hội thảo tập trung đánh giá tầm vóc, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tinh thần liên minh đoàn kết chiến đấu của quân đội, nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Qua hội thảo sẽ đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của 2 nước Việt Nam – Campuchia trong thời kỳ mới… (6).
Tuy nhiên chỉ riêng cái tên của Hội thảo và việc cắm mốc lịch sử ngày 7/1/1979 đã cho thấy đây chỉ là cuộc họp để tô vẽ thành tích, thậm chí khỏa lấp và làm lệch lạc lịch sử. Thực chất ngày 7/1/1979 chỉ mới là ngày chiếm Phnompenh. Cuộc chiến còn kéo dài thêm 10 năm nữa, đẫm máu không kém với giai đoạn cầm cự dọc theo biên giới hay trong chiến dịch tiến vào Phnompenh. 40 năm qua, nhà nước Việt Nam vẫn chưa công bố con số thương vong chính xác trong cuộc chiến này, bao nhiêu tử sĩ đã được quy tập hài cốt và còn bao nhiêu xác thân vẫn đang vùi lấp trên đất khách quê người ?
Theo VOA, một bài báo của tờ The Washington Post đưa tin Trung tướng Lê Khả Phiêu, người khi đó là Phó tư lệnh lực lượng Việt Nam tại Campuchia và sau này là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, nói trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 6 năm 1988 ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng 55.000 bộ đội Việt Nam tử trận kể từ năm 1977, và số người bị thương ở mức tương đương (7).
Các cựu chiến binh Việt Nam từng tham chiến ở Campuchia trong lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Khmer Đỏ ở Hà Nội hôm 4/1/2019 Reuters
Trên mạng xã hội hiện đang lưu hành phim tài liệu rất chân thực và xúc động "Tìm lại vết thương" của ba cựu binh trên chiến trường Tây Nam và đất K họ cùng quay lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của đồng đội và tìm lại ký ức chiến tranh của mình. Cả ba đều không hối tiếc sự hy sinh tuổi trẻ của mình. Vừa tốt nghiệp phổ thông đã khoác áo lính và đi vào một thế giới hết sức khắc nghiệt. Một trong ba người là Trung sĩ Xuân Tùng, tác giả hồi kýChuyện lính Tây Nam chân thật, xúc động đến từng con chữ. Cả ba đều vào Phompenh trong ngày 7/1 và cũng đều ngỡ rằng cuộc chiến đã kết thúc nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó họ đã nhận ra là cuộc chiến mới lại bắt đầu. Họ không tìm được hài cốt đồng đội đành rước linh hồn bạn về. Điều ray rứt của họ là làm thế nào để nhận rõ cuộc chiến và tránh được cuộc chiến tranh với cái giá quá đắt của nó. Khát vọng đó không chỉ là vết thương riêng của ba người lính ấy mà là u uất chung của mọi người lính đã đi qua cuộc chiến (8).
Có những câu hỏi nhức nhối cần được trả lời : Có phải đây là cuộc chiến bắt buộc không thể tránh ? Có phải bắt buộc tiếp tục đóng quân ở Campuchia đến gần 10 năm ? Kỷ niệm một cuộc chiến tranh, cho dù là chiến thắng một cách thực chất và có trách nhiệm là phải giải đáp được những điều ấy.
Với cuộc chiến tranh Tây Nam đã e dè như vậy còn cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ làm sao ? Mấy mươi năm qua, bình thường quan hệ với Trung Quốc theo kiểu thần phục, Việt Nam đã sửa Hiến Pháp, đục bia tưởng niệm những di tích của trận chiến, đàn áp những người phản đối và rộng cửa đón nhận những công nghệ rác rưởi độc hại của Trung Quốc, liệu có tổ chức kỷ niệm 40 Chiến thắng bảo vệ biên giới phía Bắc ?
Ngày 14/12, tại Hội nghị công tác văn học năm 2018 diễn ra ở Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cho biết Trung ương đã có quyết định rất quan trọng và có ý nghĩa lớn lao là kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (1979 - 2019). Trong năm 2019 Hội Nhà văn Việt Nam đã có kế hoạch triển khai tổ chức kỷ niệm này một cách sâu sắc, tri ân bằng con đường văn học, bằng các tác phẩmvới lương tâm của các nhà văn trước những hy sinh vô cùng to lớn của đồng đội, đồng bào 40 năm trước. Trước mắt, trong thời gian sớm nhất, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc hội thảo văn học, một trại sáng tác và mời các nhà văn viết về chiến tranh biên giới phía bắc, nhất là các nhà văn ở 6 tỉnh biên giới phía bắc từng tham gia cuộc chiến này về dự hội thảo để có những sáng tác sâu sắc (9). Hãy chờ xem Mẫu Sơn, Vị Xuyên, những trận đánh đẫm máu năm 1984, 1988 có được tôn vinh thành tác phẩm văn học hay không ?
Nhưng ngày 29/12, đúng nửa tháng sau hội nghị của Hội Nhà Văn thì Cục Xuất bản đã cấm lưu hành tiểu thuyết Lưng Rồng của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu. Huy Đức đã viết trên fb rằng :
"Điều tôi đang tự hỏi, là bây giờ Cục Xuất Bản cấm Lưng Rồng, liệu vài tuần nữa, Tuyên Giáo có cấm nói về cuộc chiến tranh Biên giới. Chỉ còn 8 tuần nữa là tới ngày 17/02, ngày quân Trung Quốc gây chiến tranh 1979. Cuộc chiến tranh chưa xa, hàng nghìn liệt sĩ ở Vị Xuyên vẫn chưa tìm thấy xác. Cuộc chiến tranh cũng không còn quá gần để ta phải sợ nó tấy lên, mưng mủ" (10).
Kiêu hãnh, hiếu chiến với một cường quốc láng giềng như thời điểm 1975 là sai lầm phải trả giá đắt, nhưng khiếp nhược trước kẻ xâm lược để mất dần từ chủ quyền, lãnh thổ thì sẽ là tội đồ của dân tộc.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 07/01/2019
(1) http://tapchicongsan.org.vn/Home/Thoi_su/2019/53717/Le-ky-niem-40-nam-Ng...
(3) http://www.sggp.org.vn/thang-loi-chung-cua-nhan-dan-viet-nam-campuchia-c...
(4) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-gap-mat-ky-niem-40-nam-chien-tran...
(6) http://daidoanket.vn/chinh-tri/hoi-thao-khoa-hoc-40-nam-chien-thang-chie...
(7) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-ki-niem-40-nam-giai-phong-campuc...
(8) https://int.search.myway.com/search/video.jhtml?enc=0&n=7848dd1d&p2=%5EC...
(9) https://thanhnien.vn/van-hoa/ky-niem-40-nam-chien-tranh-bien-gioi-bang-tac-pham-van-hoc-1033521.html
(10) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1915841591784346
Viết về tiêu cực trong dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, báo Tiền Phong có bài "Ðường hầm tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh : Sai sót, vi phạm rất nghiêm trọng", nêu "sai phạm" của ông Minh Quang là gây mất đoàn kết, làm ông Hoàng Như Cương, Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị phải làm đơn xin nghỉ việc ba lần vì "không hạp" với trưởng ban (1). Cách thông tin này dễ làm người đọc hiểu rằng ông Cương đi nước ngoài do mâu thuẫn với ông Quang.
Thi công hệ thống ngầm metro số 1 - Ảnh : ĐỘC LẬP
Nhưng thực tế, ông Cương đã là Phó Ban MAUR nhiều năm trước khi ông Quang được bổ nhiệm và còn là Bí thư đảng ủy của MAUR. Ông Quang chỉ mới tiếp nhận dự án từ tháng 7/2016 và chỉ vướng trách nhiệm sai thủ tục khi : "bào mòn" tường vây từ 2m xuống còn 1,5m, tiết kiệm cho dự án 4 triệu USD và rút ngắn 5 tháng thi công. Những con số khủng về đội vốn và sai phạm tài chính của dự án đã xảy ra trước khi ông Quang được bổ nhiệm và có phần trách nhiệm của ông Cương, Phó ban kiêm Bí thư đảng ủy.
Củi chạy thoát lò : ông Phó ban, Bí thư đảng ủy !
Khác với dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông đội vốn do phát sinh trong quá trình thi công, Metro Bến Thành Suối Tiên đội vốn lên gấp 2 lần chủ yếu là do thay đổi thiết kế, yêu cầu sử dụng.
Đầu tiên, dự án có tổng mức đầu tư là 17.000 tỉ đồng, do UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Theo luật, với quy mô này, dự án xếp vào nhóm A, do Thủ Tướng phê duyệt và thực tế đã được phê duyệt.
Đến năm 2011 dự án điều chỉnh một số hạng mục như qui mô nhà ga Bến Thành từ 2 tầng (diện tích sàn 12.720m2 với chức năng nhà ga trung tâm) tăng lên 4 tầng (diện tích sàn 30.000m2 với chức năng ga trung tâm tích hợp Trung tâm thương mại ngầm). Điều chỉnh này làm tăng vốn 3.224 tỉ đồng.
Điều chỉnh 310m kết cấu hầm với kết cấu vòm sang kết cấu hộp tường vây, kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U, thay đổi kích thước nhịp từ 33m xuống 30m, phát sinh thêm 54 trụ cầu (từ 467 trụ lên 519 trụ) khiến giá trị công trình tăng thêm 1.420 tỉ đồng.
Dự án được phê duyệt điều chỉnh bằng Quyết định số 178/QĐ-BQLĐSĐT do Phó trưởng ban Hoàng Như Cương ký, tổng mức đầu tư tương đương 54.006 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo của chủ đầu tư trong quyết định 4480/QĐ-UBND vẫn là 47.325 tỉ đồng. Ở đây, cả ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND Thành phố và ông Cương đều đã ký lạm quyền, vì theo quy định, những dự án có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỉ đồng đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia phải do Quốc hội phê duyệt. Những lùng nhùng bế tắc của dự án bắt đầu từ sự lạm quyền ký và triển khai dự án vượt quá thẩm quyền (2).
Ngoài sai sót thể thủ tục, thẩm quyền, về quản lý tài chính trong phê duyệt và thực hiện dự án, điều chỉnh thực tế cũng xảy ra nhiều sai phạm khủng.
Báo cáo kiểm toán xác định tổng mức đầu tư tăng do nguyên nhân trượt giá và thay đổi hợp lý trong thiết kế tương đương 29.211 tỉ đồng, chênh lệch so với QĐ 4480 là 18.114 tỉ, so với QĐ 178 là 24.795 tỉ. Trong đó, tổng mức đầu tư tính toán chưa hợp lý (hàng trăm mục) khiến tăng 9.668 tỉ đồng. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 2.898 tỉ đồng, bao gồm thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỉ đồng ; nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng ; giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96,5 tỉ đồng ; xử lý khác là 2.648. Tất cả các khoản này phát sinh ở thời điểm trước khi Lê Nguyễn Minh Quang tham gia dự án nhưng báo chí Việt Nam cứ nêu con số mà không đề cập đến trách nhiệm của ai.
Như vậy, về trách nhiệm cá nhân ông Hoàng Như Cương phải chịu trách nhiệm về việc lạm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng và phải chịu một phần trách nhiệm trong số tiền sai phạm tài chính hơn 2.898 tỉ đồng cần phải xử lý. Phải chăng đây là lý do ông đi nước ngoài khi chưa được phép giống như Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Nhôm trước đây ? Vì sao báo chí không mấy mặn mà với ông Bí thư đảng ủy bỏ trốn này mà tập trung vào người đổ vỏ vĩ đại Lê Nguyễn Minh Quang ? Đây là câu hỏi khó trả lời trực tiếp mà chỉ có thể suy đoán ai là người hưởng lợi nếu dự án thất bại ?
Không quyết, cũng không trình Quốc hội
Việc tuyến metro bị đội vốn từ 17.400 tỉ đồng lên hơn 47.300 tỉ đồng nhưng chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, nên dự án gặp khó khăn trong việc bố trí vốn.
Dù UBND Thành phố nhiều lần kêu cứu với các Bộ và Thủ tướng, tiền thì không thiếu, phía Nhật chấp nhận cho vay ODA theo tỉ lệ 90% tổng mức đầu tư của dự án, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng tự lực chi đối ứng, nhưng do các nguyên tắc, các Bộ vẫn chỉ bố trí vốn theo phương án 17.000 tỉ ban đầu. Cụ thể, năm 2017, vốn ODA được giao chỉ là 2.119 tỉ đồng, trong khi nhu cầu là 5.422 tỉ đồng (đáp ứng được 39%), giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn là 20.930 tỉ đồng thì tuyến metro 1 mới được giao 7.500 tỉ đồng (đáp ứng 36%).
Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm ứng ngân sách 3 lần với số tiền gần 2.300 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, mới đây căn cứ vào quy định, Thành phố cũng không được tạm ứng vốn mà phải chờ Quốc hội phê duyệt.
Sáng 25/06, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã kiểm tra thực tế dự án và đã nghe UBND Thành phố báo cáo kiến nghị, ông Nguyễn Đức Kiên cũng trả lời theo kiểu nước đôi, đoàn sẽ cùng với Bộ Giao thông và vận tải và Bộ Kế hoạch và đầu tư, tìm hiểu xem việc đội vốn các dự án thay đổi gì về thiết kế, hướng tuyến, kết cấu, chiều dài tuyến và công năng sử dụng của các nhà ga, dẫn đến tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh.
Về việc Thành phố Hồ Chí Minh có kiến nghị muốn "tự quyết" việc phê duyệt dự án đầu tư đường sắt đô thị, ông Nguyễn Đức Kiên cảnh báo là "Luật Đường sắt năm 2005 và Luật Đường sắt mới 2017 đều quy định các tuyến đường sắt đô thị do UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quyết định đầu tư, nhưng phải theo quy định thống nhất của Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công", nhưng ông cũng ỡm ờ gợi ý là "Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở pháp lý để tạo điều kiện về cơ chế chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh năng động và thực hiện vai trò đầu tàu phát triển kinh tế đất nước" (3).
Cũng với thái độ nước đôi hứa sẽ xem xét báo cáo nhưng không cho giải ngân vốn ODA, cũng không cho tạm ứng, Trung ương đã làm dự án cạn hết nguồn vốn, không tiền trả lương nhân viên và nợ các nhà thầu thi công nhiều tháng liền ở những hạn mục họ đã thi công hoàn thành.
Thật kỳ lạ là trong khi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội có dư thời giờ để xem bóng đá và làm chuyện đáng xấu hổ là giành nhau với cầu thủ Quang Hải tấm biển giải thưởng danh hiệu vô địch AFF cúp trước hàng vạn khán giả và ống kính truyền hình quốc gia, quốc tế, thì lại không có thì giờ xem xét giải quyết dự án trọng điểm quốc gia. Hệ quả của sự tắc trách này không chỉ gây lãng phí vốn liếng, ảnh hưởng kinh tế xã hội mà còn gây sứt mẻ uy tín trong quan hệ đối ngoại.
Muốn Nhật buông tay để Trung Quốc thao túng ?
Vào giữa tháng 11, Đại sứ Nhật tại Việt Nam đã có công văn gởi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo việc chậm trả nợ sẽ gây khó khăn cho nhà thầu Nhật, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư rất điềm tĩnh trả lời báo chí nước ngoài là việc này chờ Quốc hội thông qua và Bộ này không được giao nhiệm vụ báo cáo Quốc hội (4). Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ thì dũng cảm cho rằng số nợ 100 triệu là rất nhỏ !!!
Ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii cho biết ông đã có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể trước đó vào buổi sáng cùng ngày về số tiền nợ của dự án Metro. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ rằng phía Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đang bắt đầu các thủ tục để thanh toán những chi phí còn lại (5).
Những thông tin này không chỉ được báo chí trong nước quan tâm mà là chủ đề nóng nhiều báo đài quốc tế như Spunhik của Nga, BBC, VOA quan tâm đăng tải.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên - Courtesy www.hcmcpv.org.vn
Đặc biệt là những năm gần đây, nguồn vốn ODA của các quốc gia và định chế quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng thắt chặt đến mức cạn kiệt, Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi nếu không nói là duy nhất còn ưu ái tiếp tục tài trợ ODA. Thế nhưng sau bê bối tham nhũng Xa lộ Đông Tây, tuyến đường sắt phía Bắc, lần này lại xảy ra chây ì trả nợ, vì sao các Bộ, Chính Phủ không chút e ngại trước cảnh báo của nguồn cung ứng ODA hiếm hoi còn lại này ? Tại sao báo chí lại khủng bố người đổ vỏ Lê Nguyễn Minh Quang mà lãng quên kẻ ăn ốc Bí thư đảng ủy đã trốn ra nước ngoài ?
Xu thế mở rộng cửa đón nhà đầu tư Trung Quốc của Đảng và chính quyền Việt Nam ngày càng rõ, càng sâu đậm. Trung Quốc được ưu đãi mọi lĩnh vực, được mời đón ở mọi miền đất nước. Đặc biêt lượng người Trung Quốc mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh năm qua tăng vọt. Người Trung Quốc cũng công khai ý muốn giành lấy dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.
Đây không phải suy đoán của người Việt mà chính trang mạng Jaipo, cổng thông tin Nhật Bản đã đưa tin "Ngày 16/10, báo Sichuan Daily của Trung Quốc thông tin : Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc, đơn vị nhà thầu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông kế hoạch thôn tính dự án Metro Thành phố Hồ Chí Minh từ tay nhà thầu Nhật Bản. Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc có cuộc họp tổng kết quý III năm 2017, đồng thời đưa ra các dự án đầu tư mới năm 2018…
Tập đoàn cục 6 Trung Quốc đã lên kế hoạch cụ thể, giúp phía Việt Nam thanh lý toàn bộ hợp đồng với nhà thầu Sumitomo Nhật. Sau đó sẽ thay thế nhà thầu Sumitomo hoàn thành ự án theo đúng bản thiết kế cũ với chi phí thấp hơn và đảm bảo sử dụng công nghệ tốt nhất của Trung Quốc.
Ngoài ra, Tập đoàn cục 6 Trung Quốc cũng có phương án dự phòng trong trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý sự xuất hiện của nhà thầu Trung Quốc. Đó là Tập đoàn sẽ thành lập liên doanh với nhà thầu Sumitomo Nhật Bản. Trong đó phía Trung Quốc sẽ đảm bảo hoàn toàn vấn đề tài chính để dự án được thực hiện một cách nhanh nhất. Trong khi vẫn đảm bảo giữ nguyên toàn bộ thiết kế và công nghệ từ phía Nhật Bản" (6).
Yêu nước là cái gai cần loại bỏ !
Về tính cách và thực tế hành động, Lê Nguyễn Minh Quang không chỉ nghiêm khắc minh bạch trong chọn thầu, đã từng va chạm và làm nản lòng, vô hiệu hóa các thủ thuật mua chuộc của nhà thầu Trung Quốc, mà còn dũng cảm thể hiện lòng yêu nước, tự hào, chống ngoại xâm một cách công khai. Fb có nick Huong Quynh của nhà báo Tuổi Trẻ đã viết rằng thời làm Tổng Giám đốc , ông Quang đã đặt tên các phòng làm việc, phòng họp trong công ty theo tên của các danh nhân lịch sử, địa danh chiến thắng quân Tàu như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng và khi về Ban Quản lý Dự án Đường sắt ông cũng thực hiện tương tự như vậy.
Fb Pham Minh Hoang, một bạn học cùng thầy ở Pháp với ông Quang, hiện là giảng viên Đại Học cũng có bài viết ca ngợi tâm huyết, lòng yêu nước của Quang. Chính giáo sư hướng dẫn luận văn Tiến sĩ của Quang đã viết thư cho chính phủ Việt Nam bày tỏ sự hài lòng về Quang và đề nghị tiếp tục gởi cho ông những sinh viên nhiệt huyết như vậy.
Còn ngồi ghế Trưởng ban, chắc hẳn ông Quang sẽ là cái gai, là viên đá cản đường doanh nghiệp Trung Quốc.
Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng ở Biển Đông, vị trí địa chính trị của Việt Nam hết sức quan trọng với người Nhật. Các quan chức Việt Nam ý thức điều đó nên hồn nhiên đu dây trong thế ngư ông đắc lợi. Sự minh bạch của người Nhật không đáp ứng quyền lợi riêng, họ cứ rộng tay chào đón người Trung Quốc vì biết rằng người Nhật không thể vì kinh tế mà mất chính trị. Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Nhật đã phải xuống giọng kêu gọi "Trong thời gian tới đây, Nhật Bản mong muốn sẽ sử dụng hiệu quả và áp dụng những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến của Nhật để giúp Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo an trên biển như hoạt động phòng chống hải tặc, Bộ trưởng Keiichi Ishii nói máy bay của các cơ quan bảo an trên biển Nhật Bản đã sang Việt Nam từ ngày 25 đến 28/12. Hoạt động phái cử lần này nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan bảo an trên biển của cả hai nước, đồng thời tăng cường trật tự trên vùng biển mở và tự do, trên tinh thần thượng tôn pháp luật của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" (5).
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 31/12/2018
(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/%C3%B0uong-ham-tuyen-metro-so-1-tphcm-sa...
(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/hang-loat-sai-pham-tai-metro-ben-thanh-suoi...
(3) https://laodong.vn/xa-hoi/quoc-hoi-vao-cuoc-giai-cuu-tuyen-metro-ben-tha...
(4) https://vn.sputniknews.com/vietnam/201811276632398-vi-sao-no-tien-lam-me...
(5) https://vn.sputniknews.com/business/201812266820722-nhat-ban-mong-viet-n...
(6) https://japo.vn/contents/tin-tuc/44613.html
(7) https://www.facebook.com/profile.php?id=100026988406827&__tn__=%2CdCH-R-...
Ngay trước Hội Nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, dư luận bỗng nổi lên cơn bão chung quanh dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án đầu tiên trong 8 dự án đường sắt đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh mà trung tâm cơn bão là ông Lê Nguyễn Minh Quang Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR)- một người ngoài đảng hiếm hoi giữ chức vụ tương đương giám đốc sở.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang tại công trình - Courtesy FB Le Nguyen Minh-Quang and Huong Quynh
Ngày 21/12, một tờ báo ngành Giao Thông đưa tin "Tạm đình chỉ chức vụ ông Lê Nguyễn Minh Quang Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR)", sau đó nhiều báo dẫn lại. Ngay trong ngày, báo Tuổi Trẻ đưa tin đính chính là ông Lê Nguyễn Minh Quang vẫn đang làm việc bình thường. Nhưng các thông tin gây sốc, giật gân về nhân vật này vẫn dồn dập. Riêng Báo Thanh Niên (một tờ báo cấp tiến đã tự chuyển mình thành báo đảng, loại 13 Trưởng phó Ban không phải đảng viên) từ 21 đến 27/12 đã liên tục đăng 15 tin bài thông tin sốc liên quan đến TS Lê Nguyễn Minh Quang : 'Tôi chỉ là que diêm nhỏ trong ngọn lửa thổi bùng', Ông Lê Nguyễn Minh Quang 'không bị đình chỉ công tác', Thành phố Hồ Chí Minh 'chưa có quyết định chính thức' đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang’, ‘Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết đơn xin nghỉ việc của ông Lê Nguyễn Minh Quang’, ‘Ông Lê Nguyễn Minh Quang 'vẫn chưa bị đình chỉ công tác'… {1}.
Tương tự, báo Tiền Phong và các báo khác cũng có lượng tin bài dồn dập về ông giám đốc ngoài đảng này và các "bất thường" của dự án Metro Bến Thành Suối Tiên.
Cơn bão dư luận về ông Lê Nguyễn Minh Quang còn dữ dội hơn, lấn át sự kiện Tất Thành Cang bị kỷ luật, tưởng chừng như ông Trưởng Ban ngoài đảng này là thanh củi lớn hay đống củi to cần vào lò, vả lại Ban của ông quản lý có số vốn đầu tư quá lớn.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang Courtesy - FB Le Nguyen Minh-Quang and Huong Quynh
Lê Nguyễn Minh Quang là ai ? Tại sao lại được quan tâm nhưvậy ? Ông Quang từng được trao giải thưởng Vì ngày mai phát triển của Báo Tuổi Trẻ. Ông Quang tốt nghiệp khoa xây dựng Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành xây dựng tại Pháp. Năm 2011 ông học cao học quản lý công tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore và Trường Chính phủ Kennedy - Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông đã trải qua các chức vụ giám đốc dựán Bachy Soletanche Group (Pháp), tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Khi đã thành đạt ông rất thiện chí tham gia nhiều hoạt động xã hội giúp giới trẻ phát triển. Năm 2000, ông đã viết lá thư lên Thủ tướng nêu ý kiến về chính sách sử dụng nhân tài, thu hút du học sinh về nước làm việc, đề nghị thay đổi quan điểm chỉ đề cử, bổ nhiệm những người đã có sẵn trong bộ máy nhà nước, đã là đảng viên.
Năm 2016, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã tự ứng cử và trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Từ Tổng Giám đốc doanh nghiệp nước ngoài, mức lương cao ngất, ông chuyển sang làm viên chức nhà nước Trưởng ban MAUR hàm giám đốc sở, lương thấp nhưng quản lý 8 dựán đồ sộ vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nhiều người cho rằng ông tâm huyết nhưng có người cũng hoài nghi về khả năng .
Nhưng điểm lại tất cả các cáo buộc bung xung thì trách nhiệm của ông rất cỏn con, mơ hồgiữa công và tội. Các bài báo chỉ đưa ra việc ông này có đơn xin nghỉ, Phó Ban nhưng là Bí thư Đảng ủy của ông (đã bỏ trốn đi nước ngoài) tố cáo nội bộ MAUR mất đoàn kết, gần 1/5 số nhân viên nghỉ việc. Quan trọng nhất là từ thông tin kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, Kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm báo chí buộc tội ông Minh Quang đã "rút ruột", "bào mòn" một đoạn tường vây của công trình từ 2m chỉ còn 1,5 m….
Đặc biệt, cùng một thông tin cùng một con số, nhưng từ báo chí đến mạng xã hội có cách nhìn, thái độ đánh giá ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Một số báo như Tuổi Trẻ, Lao Động, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, VNexpress lại có cách nhìn khác hơn với báo Thanh Niên, Tiền Phong...
Theo báo Tiền Phong, MAUR có 4 phòng và 4 ban với tổng số viên chức, người lao động là 229 người, có vẻ như đã có cuộc tháo chạy tán loạn, hiện MAUR còn khoảng 170 viên chức, người lao động ; đã có hơn 40 người nghỉ việc hoặc xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau, trong đó có ông Dương Hữu Hòa, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (thuộc MAUR), cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc {2}.
Ông Quang thừa nhận và giải thích nguyên nhân cán bộ nhân viên nghỉ việc, do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro kéo dài. Vốn liếng không có, thi công chậm trễ nên anh em mất nhiệt huyết. Tiền để quản lý dự án ban đầu tính có 5 năm, giờ dự án kéo dài 10 năm, nên hết tiền. Phí quản lý dự án không còn 4 - 5 năm nay phải tạm ứng từ ngân sách thành phố. Vừa rồi có Thông tư 73 của Bộ Tài chính về việc các cơ quan, ban quản lý dự án phải tự chủ về tài chính, nên việc tạm ứng ngân sách thành phố khó khăn, dẫn đến chậm lương, tâm lý bất an" .
Bản thân ông Lê Nguyễn Minh Quang cũng đã 2 lần nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 7 và tháng 9/2018 vì sức khỏe và gia đình {3}.
Một dòng trạng thái trên Facebook của ông Lê Nguyễn Minh Quang giải thích về độ dày tường vây ở dự án Metro Bến Thành Suối Tiên - Courtesy FB Le Nguyen Minh-Quang
Báo Dân Trí đưa tin "Tuyến metro số 1 bị "rút ruột" ?" Theo Dân Trí, tường vây đường hầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị điều chỉnh thiết kế, giảm độ dày từ 2m xuống còn 1,5m. Việc này gây mất an toàn công trình lân cận. Cơquan chức năng phải mời tưvấn độc lập để tính toán, đưa ra phương án điều chỉnh. Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kết luận về việc thực hiện gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Ban Quản lý đường sắt đô thịThành phố Hồ Chí Minh đã có những sai sót và vi phạm rất nghiêm trọng trong quá trình thực hiện gói thầu trên như điều chỉnh thiết kế kỹthuật mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tường vây đường hầm tuyến metro số 1 bị điều chỉnh độ dày từ 2m xuống còn 1,5m.
Từ kết luận Thanh tra, Sở Giao thông vận tải TP đã có báo cáo với UBND Thành phố. Sau đó, chính quyền thành phố đã có chỉ đạo xử lý sự việc này. Sở Giao thông vận tải TP phối hợp với chủđầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị thuê tư vấn độc lập tính toán lại.
Theo kết quả tư vấn, để đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận, giải pháp được đưa ra là tăng cường khung chống tường vây" {4}. Báo Tiền Phong, Thanh Niên cũng đặt vấn đề tương tự.
Trái ngược với cách nhìn của báo Tiền Phong, Dân Trí... về việc bào mòn hay rút ruột công trình, Kết quả kiểm toán nhà nước về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án này ghi nhận việc thay đổi độ dày của tường vây giảm từ 2m thành 1,5m đã tiết kiệm được 93 tỉ đồng và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng.
Ngày 26/12, trả lời báo chí về lý do việc bị xem là "rút ruột công trình" này ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết toàn bộ tường vây đoạn ngầm của tuyến Metro số 1 có độ dày tối đa 1,5m, ngay cả khu gần các công trình xây dựng lớn như nhà hát Thành phố, khách sạn REX. Chỉriêng đoạn tường từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại có độ dày 2m, dù không nằm gần các công trình lân cận.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị nhận thấy độ dày tường vây 2m là không cần thiết nên đã đề xuất tư vấn tính toán lại. Kết quả tính toán lại của tư vấn thì độ dày của đoạn tường vây trên giảm còn 1,5m, số lượng thanh thép chống đỡ tường vây cũng giảm đi nhưng chiều cao của các thanh thép cũng như mác thép cũng được tăng lên nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của toàn bộ tường vây.
Việc thay đổi thiết kế này được ba đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra gồm : Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Sao Việt và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải Hà Nội (Tedi Hà Nội) thẩm tra và có ý kiến thống nhất kết quả điều chỉnh trên.
Kiểm toán nhà nước cho rằng việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2m xuống 1,5m là chưa phù hợp về mặt trình tự thủ tục {5}. Trả lời báo chí ông Minh Quang cũng thừa nhận là hiểu sai quy định của cấp trên, lẽ ra ông chỉ tổ chức thẩm định, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Thành phố rồi mới điều chỉnh thiết kế nhưng ở đây ông đã thẩm định và thay đổi thiết kết rồi báo cáo sau.
Đề cập đến việc điều chỉnh độ dày tường vây, ông Trần Vĩnh Tuyến Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay mọi vấn đề tài chính, tiền bạc đều được công khai, minh bạch. Theo báo cáo của MAUR, việc hạ độ dày tường vây ngầm giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, thiếu sót là việc điều chỉnh này chưa đúng trình tự thủ tục.
Hoạt động điều hành, quản lý dự án thì MAUR được UBND Thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền rồi, nhưng khi có điều chỉnh gì so với phương án được duyệt ban đầu phải chờ ý kiến ủy ban. Về hướng xửlý "việc "hạ độ dày tường vây ngầm", UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thuê tư vấn đánh giá toàn diện lại vấn đề này, xem có đủ đảm bảo an toàn như thiết kế ban đầu hay không. Khi có kết quả, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thông tin rõ {5}.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng có nhận xét trên Fb "Như vậy việc thiết kế đoạn tường vây từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ khởi nghĩa có bề dày thay vì 2,0m xuống 1,5m là một đề xuất hợp lý (có tính toán độc lập của nhiều chuyên gia Nhật và Việt Nam) của Ts. Lê Nguyễn Minh-Quang, mang lại tiết kiệm cho công trình gần 4 triệu USD ! Đây không phải là rút ruột công trình mà là ngược lại !".
Như vậy, chuyện của ông Lê Nguyễn Minh Quang nếu có sai thì chỉ nhỏ như con kiến nhưng tại sao cơn bão dư luận đổ dồn về ông ? Thật sự là tuyến Metro Bến Thành Suối Tiên có nhiều sai phạm lớn rất nghiêm trọng đặc biệt là thay đổi thiết kế nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 40.000 tỉ đồng nhưng đó là chuyện của người tiền nhiệm, của người Phó Ban kiêm Bí Thư Đảng ủy đã bỏ đi nước ngoài. Cái tội của ông Lê Nguyễn Minh Quang nếu có là không tư túi, không cúi đầu, không thoả hiệp mở đường cho các nhà thầu Trung Quốc. Một con én không thể làm được mùa xuân, một cá thể dù có tài năng, nhân cách đến mấy nhưng rơi vào một bộ máy, thể chế không minh bạch, quan lêu, tham nhũng tất sẽ bị guồng máy ấy nghiền nát.
Gió Bắc
Nguồn : RFA, 30/12/2018
1. https://thanhnien.vn/tin-tuc/le-nguyen-minh-quang.html
3. https://laodong.vn/xa-hoi/vi-sao-nhieu-can-bo-bql-duong-sat-do-thi-tphcm-nghi-viec-648788.ldo
4. https://dantri.com.vn/xa-hoi/tuyen-metro-so-1-bi-rut-ruot-20181225112253197.htm
Trong lúc đang chìm ngập trong rối rắm của những sai phạm ở dự án Thủ Thiêm, dự án thoát nước 10.000 tỉ, giao 320.000 m2 đất trường bắn quận 9 cho Hàn Quốc,... thì đầu tháng 12/2018 lại nổ ra sự kiện BOT An Lạc - An Sương, chốt chặn trên Quốc Lộ 1A, con đường độc đạo nối liền các tỉnh Miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Miền Đông. Đi sâu về nguồn gốc vụ việc lại cho thấy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sai phạm trong đầu tư và chỉ đạo thực hiện dự án này.
111111111111111
Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc (Thành phố Hồ Chí Minh) - Courtesy of Báo Giao Thông
Chiều 3/12, nhiều tài xế chạy trên quốc lộ 1, đoạn qua trạm thu phí An Sương - An Lạc (Q. Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra một văn bản có nội dung hợp đồng giữa Bộ Giao thông vận tải với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4/2004. Thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng. Vì lý do này, các tài xế yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ thu phí xe qua lại trạm. Hàng trăm xe cộ đã không chịu mua vé thu phí của trạm BOT này kéo dài nhiều giờ liền, giao thông ách tắc nên đơn vị quản lý phải xả trạm. Nói theo báo chí trong nước là BOT An Lạc - An Sương bị thất thủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hồng Ninh - Giám đốc IDICO - cho biết trước đây trạm thu phí An Sương - An Lạc có thời hạn thu phí đến năm 2017. Tuy nhiên, trước khi kết thúc việc thu phí này, đơn vị tiếp tục đầu tư các hạng mục như cầu vượt tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Vì vậy thời gian thu phí dự án cũng được điều chỉnh tới năm 2033.
Tất cả các quy trình đầu tư, thủ tục thu phí... đều được thực hiện theo các quy trình, quy định, được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Ninh cũng cho rằng viện dẫn của các tài xế cho rằng dự án trên thu phí quá hạn là chưa chuẩn xác. Tuy nhiên do nhiều tài xế phản ứng, dừng đậu, tập trung đông có thể gây ách tắc giao thông nên tạm thời công ty cho "xả trạm" (1 ).
Những ngày sau đó, mặc dù cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp đưa công an, cảnh sát giữ trật tự, tiếp tục bán vé thu phí nhưng vẫn còn nhiều tài xế nhiều xe cộ qua lại vẫn không chấp nhận mua vé đóng phí qua trạm bảo lưu quan điểm cho rằng đã hết thời gian thu phí nên đến chiều ngày 4/12 đến rạng sáng ngày 5/12, trạm thu phí lai vỡ trận phải cho xả trạm.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 4 cầu vượt bổ sung này nằm trong phạm vi mặt bằng của dự án Cải tạo QL1A đoạn An Sương - An Lạc theo hình thức BOT ; được quản lý, khai thác, bảo trì đồng bộ trên phạm vi toàn dự án từ An Sương đến An Lạc.
Một số tài xế cho rằng nếu đây là thu phí giá trị các cầu vượt thì vị trí đặt Trạm thu phí như hiện nay (chốt ở hai đầu đoạn đường) là không hợp lý. Nhiều phương tiện dù không lưu thông trên các cầu vượt thuộc hạng mục đầu tư bổ sung của IDICO, nhưng vẫn phải đóng phí tại Trạm thu phí An Sương - An Lạc (2 ). Bất hợp lý hơn nữa là trên cung đường hơn 13 km này có nhiều lối rẽ, nhiều xe chỉ đi qua một đoạn ngắn trên đường đã hoàn phí rồi rẻ vào đường khác, không qua cầu vượt vẫn phải đóng phí 100%… Đó là những thực tế bức xúc có thật của các tài xế mà các nhà quản lý chưa thể giải đáp.
Về giá trị pháp lý, việc tuân thủ pháp luật của bốn cây cầu vượt bổ sung trong dự án này thì còn rất nhiều điều để bàn cãi. UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyền ký thêm những hạng mục mới trong dự án cũ của Bộ Giao thông và vận tải đối với quốc lộ hay không là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Giải thích thắc mắc này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đoạn đường từ An Sương đến An Lạc mặc dù có tên là Quốc lộ 1, nhưng thực chất là là đường đô thị, nên Bộ Giao thông và vận tải đã bàn giao hợp đồng BOT An Sương – An Lạc cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nhận bàn giao hợp đồng, vì thành phố muốn hoàn chỉnh các công trình trên đoạn đường này nên đã ký thêm các hạng mục với IDICO tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Vì IDICO đầu tư thêm 2.000 tỉ, nên thời gian thu phí tại trạm An Sương - An Lạc được kéo dài đến năm 2033 theo hợp đồng ký với UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo Nhà báo và Công luận đã phản biện lại ý kiến ông Cường như sau : Việc Bộ Giao thông và vận tải hay UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông và vận tải ký hợp đồng, các phụ lục hợp đồng BOT với IDICO đúng hay sai, cần rà soát các kết luận của Thanh tra chính phủ. Riêng nhận định "đoạn từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị" của ông Bùi Xuân Cường chưa thực sự cẩn trọng.
Bởi Điều 39 Luật GTĐB ghi rõ : Quốc lộ là "đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh ; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên ;… đường có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực" ; Đường đô thị là "đường trong phạm vi ranh giới địa chính nội thành, nội thị".
Cần phải khẳng định rằng, quốc lộ 1A đoạn qua An Sương - An Lạc là quốc lộ, có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội tầm quốc gia (3).
22222222222222
Người dân và giới tài xế phản đối tại trạm thu phí BOT Tân Đệ. Courtesy : Citizen photo
Với lập luận sắc sảo này thì chừng như việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký thêm các hợp đồng xây bốn cầu vượt là chuyện áo mặc đã quá khỏi đầu, vượt lên trên thẩm quyền của mình. Hơn thế nữa, cả bốn cây cầu vượt giá trị trên 2000 tỉ đồng này đều được chủ đầu tư chỉ định thầu, không kêu gọi đấu thầu hoàn toàn sai với quy định hiện hành và dễ rơi vào tình trạng sân trước sân sau lợi ích nhóm. Rất tiếc là đến nay, cấp có tránh nhiệm quản lý là Bộ Giao thông và vận tải vẫn chưa có ý kiến gì về việc này mặc dù từ tháng 6-2017, Kết luận của Thanh tra chính phủ đã kiến nghị nhắc nhở.
Đó là nói về luật, còn về phương pháp quản lý việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư thêm bốn công trình mới trên dự án cũ của Bộ Giao thông và vận tải liệu có phù hợp hay không ? Tiến sĩ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, khi nhận bàn giao hợp đồng với Bộ Giao thông và vận tải, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nên thực hiện đúng hợp đồng đã bàn giao. Sau đó, nếu thấy cần phải đầu tư thêm các hạng mục khác, chính quyền thành phố có thể làm một hợp đồng mới với thời hạn thu phí mới.
"Trạm thu phí mới nên đặt tại các hạng mục được đầu tư thêm theo nguyên tắc đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Không nhất thiết phải để nguyên trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc cũ để thu phí các hạng mục mới"- ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích, dự án BOT An Sương - An Lạc nên tách ra làm 2 dự án khách nhau. Dự án BOT An Sương - An Lạc do Bộ Giao thông và vận tải quyết định đầu tư và dự án đầu tư thêm các hạng mục khác do UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định. "Khi làm một dự án mới thì thủ tục đấu thầu, quy trình đầu tư cũng hoàn toàn mới, không phụ thuộc vào dự án cũ. Chủ đầu tư dự án này có thể là một công ty khác trúng thầu, không nhất thiết phải là công ty IDICO đầu tư đoạn An Sương - An Lạc trước đây" - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, BOT An Sương – An Lạc khi hết thời hạn thu phí, sau đó đầu tư thêm dự án để kéo dài thời hạn thu phí là một tiền lệ không tốt và không nên nhân rộng mô hình này (4).
Diễn biến tại trạm thu phí An Lạc mấy ngày qua hết sức phức tạp. Trên mạng Facebook nhiều tài xế trong nhóm Bạn Hữu đường xa đã phản ánh tình trạng hàng trăm giang hồ xăm trổ đầy mình đã bao vậy, đàn áp, hăm dọa. Một thanh niên tên Hùng trong nhóm này đã bị bắt cóc một ngày đêm và được thả ra trong tình trạng nội thương rất nặng phải nhập viện cấp cứu. Trên mạng xã hội cũng lưu truyền nhiều vidéo clip cho thấy lực lượng măc đồng phục dân phòng bao vây trấn áp các tài xế không mua vé thu phí với lời lẻ tục tằn (5).
333333333333333333
Cảnh sát cơ động được huy động trong ngày 30/11/2017 tại trạm BOT Cai Lậy. Courtesy FB Bạn hữu đường xa
Ngành giao thông lại vội vàng đến mức cắm các biển báo cấm dừng đậu xe ở khu vực trạm nhằm xử phạt các tài xế không mua vé thu phí mà màu sắc các bản cấm sai biệt hoàn toàn so với mẫu biển cấm theo quy định.
Mới đây nhất, trong khi chưa có lý lẽ giải đáp thỏa đáng những thắc mắc về tính pháp lý, sự hợp lý của việc thu phí, chưa có câu trả lời của cấp nhà nước cao hơn về thắc mắc của người dân và các kiến nghị của Thanh tra chính phủ thù ngày 11-12, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị công an xử lý an ninh trật tự tại trạm BOT An Sương - An Lạc trong bối cảnh có nhiều tài xế không đồng ý mua vé qua trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc. Dùng sức mạnh của công an để giải quyết thắc mắc của người dân trong lĩnh vực dân sinh vẫn là cách làm quen thuộc của chính quyền cộng sản (6).
Một diễn biến khác khá gay gắt là trận chiến trên Internet. Các nhà báo chuyên mảng giao thông công chánh có bài viết trên trang Facebook của mình liên tục bị chặn, đóng trang do báo cáo của dư luận viên hoặc bị tin tặc tấn công. Đặc biệt có những trang mạng loan truyền thông tin quy chụp Việt Tân phá hoại trạm BOT An Sương - An Lạc và nêu đích danh tên tuổi hình ảnh nhà báo Trương Châu Hữu Danh báo Làng Mới và anh Thái Văn Đường với lời lẽ quy chụp nặng nề là phản động (7).
Nhưng điều quái lạ là vài ngày sau đó, chính những trang mạng này lại quay ngược 180 độ, tấn công vào BOT An Lạc - An Sương với lời tố cáo chết người về hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm.
Bài viết "Đề nghị điều tra nhóm lợi ích tham nhũng ở B.O.T An Sương" đã cho rằng Chủ thầu BOT An Sương CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO đã chi tiền cho nhóm lợi ích ở sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7,2 tỉ mỗi tha'ng, công thêm khoảng 10% tiền thu phí trong con số 2/3 tức (600 triệu ngày X 30), tương đương 1,8 tỉ mỗi tháng chia cho 5 người với 11 phần như sau :
Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) nhận tiền phong bì lần đầu 1,96 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 490 triệu.
Và các Phó Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh :
Trần Thế Kỷ tiền lần đầu 1,3 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 320 triệu.
Lê Hoàng Minh tiền lần đầu1,3 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 320 triệu.
Nguyễn Văn Tám tiền lần đầu 1,3 tỉ và mỗi tháng nhận 320 thêm triệu.
Trần Quang Lâm tiền lần đầu 1,3 tỉ và mỗi tháng nhận thêm 320 triệu.
Bài viết này cũng cho rằng Bùi Xuân Cường là đệ tử của Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín – Ngày 25/8/2014, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã điều động và bổ nhiệm ông Cường đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng ban MAUR với thời gian 5 năm, tuy nhiên chỉ 1 năm sau, ngày 25/8/2015, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hữu Tín giao cho Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố (MAUR), giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (8).
Không có cơ sở để kiểm chứng những thông tin tố cáo này nhưng sự quay ngoắc của các trang được xem là dư luận viên này và những diễn biến gần đây cho thấy có những thế lực ngầm đang cản trở công cuộc đốt lò của ngày Tổng Chủ tịch. Việc bắt Tất Thành Cang hay xa hơn là Lê Thanh Hải không dễ như lấy món đồ trong túi. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này trong bài viết tiếp theo.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 12/12/2018
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/tai-xe-phan-doi-thu-phi-qua-han-bot-an-suong-an-lac-xa-tram-20181203201701498.htm
(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/bot-an-suong-an-lac-vi-tri-dat-tram-thu-phi...
(4) https://laodong.vn/kinh-te/bot-an-suong-an-lac-keo-dai-thoi-han-thu-phi-...
(5) https://int.search.myway.com/search/video.jhtml?enc=0&n=7848dd1d&p2=%5EC...