Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/01/2019

Lộc Hưng : báo chí Thành phố ca theo chính quyền

Gió Bấc

Cưỡng chế Lộc Hưng : Báo Thành phố Hồ Chí Minh hát đồng ca theo UBND Tân Bình

Không rõ do duyên số tình cờ hay vì lý do nào khác, sau khi RFA đăng bài viết "Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng báo chí Việt cấm khẩu", ngày 10/01, báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt đăng tin bài về sự kiện Lộc Hưng. Giống như đàn cừu Dolly, những bài báo đưa thông tin tròn trĩnh, thái độ hoan hỉ hoàn thành việc giải tỏa 112 ngôi nhà xây trái phép. Tất cà các thương hiệu báo chí một thời lừng lẫy Tuổi Trẻ, SGGP, Người Lao Động… đều cùng khai thác nguồn tin duy nhất từ UBND quận Tân Bình như một bản báo cáo thành tích.

dongca1

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 - Photo : RFA

Báo là công cụ của chính quyền Tân Bình

Không tờ báo nào ghi nhận ý kiến người dân, không một hình ảnh về thành quả tang tóc của 112 ngôi nhà bị đập phá, 112 gia đình với hàng trăm con người đang sống màn trời chiếu đất ở nơi mới hôm qua còn là tổ ấm của mình.

Cảm giác chung của cộng đồng mạng xã hội, những nạn nhân của cuộc cưỡng chế và nhất là của những nhà báo tâm huyết là thất vọng, chua xót đến phần uất. Nhà báo Bạch Hoàn, một trong những người đầu tiên kêu gọi báo chí lên tiếng về Lộc Hưng đã viết trên Facebook hai giòng ngắn ngủi

"Vài tờ báo đang dõng dạc tuyên bố với độc giả rằng : Chúng tôi là công cụ. Chúng tôi không phụng sự bạn đọc.

Đó là suy nghĩ của tôi khi đọc về vụ Vườn rau Lộc Hưng trên báo sáng nay và đêm qua" (1).

dongca2

Facebook của nhà báo Bạch Hoàn và đoạn viết về Lộc Hưng Courtesy FB Bạch Hoàn

Nhà báo lão thành Đoàn Khắc Xuyên hết sức ưu tư về tâm thế và phương pháp tác nghiệp của báo chí TP. Anh viết trên Facebook :

"Suốt 1 tuần báo chí trong nước im như tờ về vụ Lộc Hưng, không hề thấy bất kỳ một cố gắng nào tiếp cận người dân tại chỗ để có thông tin từ phía họ. Chỉ có đài nước ngoài như BBC, VOA làm điều này. Đúng sai đến đâu chưa nói. Nhưng việc không tìm cách tiếp cận người dân của báo chí trong nước có thể được hiểu, hoặc họ coi tiếng nói người dân là không đáng tin hoặc họ bị chỉ đạo, bị áp lực từ đâu đó không được đưa tiếng nói của người dân. Cho đến tối 9/1 thì đồng loạt các báo đưa thông tin từ cuộc họp báo của UBND quận Tân Bình. Và chỉ có thông tin từ UB quận. Không có một nỗ lực điều tra riêng nào của các báo.

Một nguyên tắc căn bản của báo chí là công bằng trong đưa tin đã không được thể hiện. Một bên là bộ máy đầy đủ ban bệ, lực lượng của chính quyền ; một bên là phản ứng rời rạc của người dân bị ảnh hưởng. Báo chí đứng ở đâu, ai cũng đã thấy. Bất đối xứng thông tin là đây chứ đâu" (2).

Thật ra các nhà báo đáng thương hơn đáng trách, không phải họ không có khát vọng phụng sự như Bạch Hoàn mong muốn. Không phải họ không biết và không muốn tác nghiệp theo nguyên tắc công bằng trong thông tin. Họ cũng không muốn xa dân hay đối lập với dân nhưng nói như Nam Cao : "Ai cho ta làm người lương thiện ?".

Cái thời báo chí được xem là công cụ mềm, được sự độc lập tương đối trong tác nghiệp, bày tỏ chính kiến, đã qua lâu rồi. Cái thời những tổng biên tập vốn là những nhà báo bản lĩnh như Tô Hòa, Võ Như Lanh, Kim Hạnh, Thế Thanh… dám tranh luận, góp ý cho Thành ủy hay cả Trung ương đã qua rồi.

Cần nói dân nghe và nghe dân nói

dongca3

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 - Photo : RFA

Nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị đã gởi gắm nỗi niềm đến cấp cao hơn. Bài viết "Lộc Hưng nhìn bằng tinh thần luật tiếp cận thông tin" trên Facebook của anh như là một kiến nghị đầy trách nhiệm với lãnh đạo Thành phố về hướng giải quyết vấn đề Lộc Hưng kết hợp với việc sử dụng hiệu quả công cụ báo chí theo hướng phát triển. Tâm Chánh đã viết :

"Chính trong lúc này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần tỏ rõ bản lĩnh chính trị của Sài Gòn, tạo ra không khí và môi trường dối thoại chân thành, trung thực giải quyết vụ cưỡng chế ở khu Lộc Hưng.

Điều cần phải làm trước tiên loại bỏ lối tư duy quản lý dán nhãn nhạy cảm lên các xung đột phát sinh trong thực tiễn. Lối tư duy này đang tạo điều kiện cho sự áp đặt tuỳ tiện con ngáo ộp "thế lực thù địch" như bóng ma duy trì nỗi sợ hãi trong xã hội. Nó ngăn chận mọi khả năng hợp tác và biến việc giải quyết thực tiễn luôn ở trong thế lựa chọn đối kháng.

Chính quyền cần chủ động thực hành quyền tiếp cận thông tin đáp ứng nhu cầu này của mọi người dân, không chỉ là cư dân Thành phố. Cần đưa thông tin đến tận hiện trường xung đột kịp thời, rõ ràng và mình bạch. Những thông tin về tình trạng sử dụng đất, qui hoạch và hiện trang xây cất, sử dụng đất lấn chiếm, trái phép... được trình này rõ ràng, được phổ biến tỉ mỉ, khách quan đã là một cách tước khí giới của "thế lực thù địch". Nhà nước không nên tham gia chợ đen tin đồn mà phải cũng cấp những thông tin xác tín, kiểm chứng được. Những kiểu nghi hoặc có bàn tay Việt Tân, thế lực thù địch… mà không cũng cấp được bằng chứng cần được loại bỏ khỏi phong cách chính trị trong nền chính trị độc đảng như nước ta, ít nhất trong cư xử của công chức, viên chức nhà nước.

Trong quá trình làm cho dân biết, thông tin được trao đổi sẽ hình thành thông tin mới. Ứng xử kịp thời với những thông tin đó bằng một thái độ tôn trọng, cầu thị và khoa học phải là một đòi hỏi về đạo đức và năng lực cơ bản của mọi công chức, viên chức các cấp. Đó chính là xây dựng trách nhiệm giải trình của giới quản lý xã hội.

Cũng cần xóa bỏ lối phân biệt thông tin chính thống, thông tin mạng hay báo chí. Thông tin là thông tin, xuất hiện trong môi trường đại chúng đều cần được tôn trọng và xử lý kịp thời. Chứ nếu vẫn coi nhẹ, coi thường, coi rẻ thông tin mạng, thì vụ Lộc Hưng há chẳng phải chính mạng xã hội, từ những trang thông tin cá nhân tin cậy, đưa ra sớm những thông tin còn bị khuất lấp của "vườn rau" này. Còn báo chí thì không biết ăn của ai, nhận lệnh nào mà im phăng phắc toàn diện, triệt để ở Thành phố định thông mình này ?

Làm như vậy, quá trình trao đổi thông tin sẽ tạo môi trường tự do thông tin, xóa bỏ nghi kị, thực hiện công khai, mình bạch. Mọi điều không có hại mà chỉ có lợi". (3).

Giải tỏa mà không lấy đất. Ai tin ?

Trở lại thông tin của báo chí chính thống, ngay từ 5 giờ sáng, Nhà báo Lợi Mai Phan, quản trị viên của diễn đàn Góc nhìn Báo chí và Công dân đã treo link bài viết "Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng báo chí Việt cấm khẩu" trên diễn dàn với lời thách thức nóng hổi "Đề nghị chỉ đạo cho SGGP, TTO, PLO... phản bác lại từng luận điểm, luận cứ của bài viết này. Ai lại để bị bôi nhọ thế ? !" (4).

Tôi rất vui mừng vì đây là sáng kiến nghiệp vụ mới lạ, thú vị các bên sẽ cùng đào bới thông tin sâu sắc hơn, cùng tiếp cận đến sự thật tốt hơn. Thế nhưng rất tiếc, tất cả đều thể hiện việc đập phá 112 nhà dân là hợp pháp, đây chỉ là cưỡng chế tháo dỡ nhà xây trái phép chứ không phải để thu hồi đất một chiều mà không có cơ sở chứng minh. Nhưng khi cố công vẽ trái ấu hình tròn, họ đã tự mâu thuẫn với chính mình cả về logic thực tế, nội dung pháp lý và đạo lý.

Theo Tuổi Trẻ, "lãnh đạo UBND Quận Tân Bình cho biết khu vực vườn rau hiện có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp (qua 3 đợt kê khai vào năm 1991, 1995 và 2005). Hai đợt cưỡng chế ngày 4 và 8-1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được Thành phố chấp thuận.

Theo vị lãnh đạo này, đây là việc cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất" (5).

Một số báo khác cũng đồng ca theo luận điểm tương tự là chỉ cưỡng chế xây dựng không phép chứ không thu hồi đất nhưng rồi mục đích thu hồi sử dụng đất cũng lọt báo Công An Thành phố. Trong một chuổi liệt kê các cuộc họp của lãnh đạo Thành phố và quận, báo Công An nêu :

"Ngày 8/10/2018, HĐND Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-HĐND, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn, trong đó có 3 dự án trường học và 1 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu đất trên".

Làm đúng theo luật riêng của Tân Bình !

Không chỉ vậy, báo Công An còn đăng hình minh họa bản vẽ các công trình hoành tráng và thuyết minh rõ là "Khu vực này sẽ được sử dụng để xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia" (6).

Luật sư Trương Thị Minh Thơ, nguyên là Thẩm phán Tòa cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ ra mâu thuẫn pháp lý trong lập luận giải tỏa mà không lấy đất.

"Theo lãnh đạo quận Tân Bình, từ ngày 4/1 đến 9/1, UBND quận Tân Bình đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ tổng cộng 112 công trình xây dựng không phép tại vườn rau Lộc Hưng. Lãnh đạo quận này khẳng định quận chỉ thực hiện cưỡng chế nhà xây dựng không phép. "Không có chuyện cưỡng chế thu hồi đất như một số dư luận đã thông tin" - lãnh đạo quận Tân Bình cho hay.... !".

- Như vậy là không cưỡng chế thu hồi đất !

- Như vậy là đất vẫn của dân ?

- Như vậy là dân phải tự dọn Đống đổ nát để cho mảnh đất trở về nguyên thủy "Trồng rau" ?

Tôi thấy trả lời của UBND quận Tân Bình không ổn. Còn không ổn thế nào cần có đủ chứng cứ sẽ phân tích thêm vì đây mới chỉ là bài báo được đăng chính thống nên tôi chỉ dựa vào bài báo góp một ý nhỏ của mình" (7).

dongca4

Hình chụp Facebook của Luật sư Trương Thị Minh Thơ Courtesy FB Minh Thơ Trương

Riêng việc giải tỏa có đúng pháp luật hay không, không cần đến luật sư, Linh mục Lê Ngọc Thanh có bài viết trên Facebook "Nhà nước Phường 6, Tân Bình ?".

Trích dẫn thông tin về tiến trình giải tỏa trên báo TTO, Linh mục đã phân tích "Một tiến trình cưỡng chế bình thường ở nước Việt Nam do cộng sản điều hành hiện nay tối thiểu phải qua các bước (theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) :

- Lập biên bản sai phạm (lưu ý phải lập biên bản từng công trình và với từng chủ thể chịu trách nhiệm).

- Cấp thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chánh và trao đến từng chủ thể sẽ bị điều chỉnh bởi quyết định phạt hành chánh (nếu không thi hành, sẽ làm bước kế tiếp).

- Thông báo cưỡng chế trước 5 ngày đến từng chủ thể sẽ bị điều chỉnh bởi quyết định cưỡng chế (nếu không tự nguyện tháo dỡ, sẽ làm bước tiếp theo).

- Cưỡng chế.

Tại vườn rau Lộc Hưng, phương 6, quận Tân Bình việc cưỡng chế ngày 4 và 8 tháng Một năm 2019 đã không hề diễn ra theo đúng thủ tục này.

Phải chăng UBND phường 6, quận Tân Bình muốn tạo ra bộ luật riêng như thể một nhà nước mới phát sinh ?

Theo mô tả của TTO sáng ngày 10/01/2019, việc cưỡng chế không qua đúng tiến trình kỹ thuật như Nghị định 166/2013/NĐ-CP, nhất là không tống đạt đến từng chủ thể bị điều chỉnh bởi quyết định cưỡng chế :

Rõ ràng phường 6, Tân Bình đang hình thành một luật riêng mang dáng dấp của một nhà nước mới !" (8).

Đất đai có trước hay giấy chứng nhận có trước

Những viện dẫn đã nêu cho thấy chiến dịch đánh úp bất thình lình đập phá 112 ngôi nhà ở Lộc Hưng đã thành công mỹ mãn. Tất cả nhà cửa đã thành gạch và sắt vụn, nhưng để an dân thì bộ máy công an, xe xúc, xe cẩu khó có thể thành công. Dàn đồng ca báo chí Tân Bình càng khó có thể thu phục lòng người.

Ngày 9/1, nhà báo Huy Đức có bài viết trên Facebook : "Đất đai có trước hay giấy chứng nhận có trước" như một giải pháp khả dĩ :

"Từ hôm Tân Bình cưỡng chế, đập phá nhà cửa của dân tại "vườn rau Lộc Hưng", tôi hỏi nhiều nhà báo vì sao báo chí im lặng. Có bạn nói là "đang làm" nhưng cho đến nay vẫn không có một dòng trên báo. Tại sao thế. Ngay cả khi người dân sai thì báo chí cũng cần lên tiếng.

Nếu quả thực, "Bà con đã đóng thuế 20 - 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý... ; Đất vườn rau sử dụng đất 1954..." thì theo Luật Đất Đai 1993, phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Trong trường hợp nhà nước lấy đất đó để xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy.

Đất đai là tài nguyên, có trước bất cứ thứ nhà nước và luật pháp nào. Từ ngàn đời nay, người dân thủ đắc đất đai một cách tự nhiên, bằng khai hoang, phục hóa hoặc sang nhượng. Nước Việt ta hẳn không kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau nếu không có những người dân mang cuốc xẻng đi mở cõi.

Theo pháp luật hiện nay thì "hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993" thì ngay cả khi không phù hợp quy hoạch mà nếu quy hoạch đó được phê duyệt sau khi người dân sử dụng đất thì chính quyền vẫn phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.

Giấy tờ không phải là căn cứ duy nhất để xác lập quyền của người dân với tài sản của mình. Bộ Luật Dân Sự quy định thời hiệu "ngay tình thủ đắc" với bất động sản là 30 năm. Ông cha ta từng quy định thời hiệu này ngắn hơn, từ thời Lý, Trần, "Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này, sẽ phải phạt 80 trượng".

Đừng lấy lý do chưa có giấy tờ mà lấy đất của dân. Không có dân, không an dân thì đất đai chỉ là nghĩa địa" (9).

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 11/01/2019

(1) https://www.facebook.com/bachhoanvtv24

(2) https://www.facebook.com/doan.xuyen

(3) https://www.facebook.com/chanh.tam.33

(4) https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/

(5) https://tuoitre.vn/cuong-che-112-can-nha-xay-trai-phep-o-khu-vuon-rau-20...

(6) http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/cuong-che-110-ho-dan-tai-vuon-r...

(7) https://www.facebook.com/tho.minh.505

(8) https://www.facebook.com/thanhcssr

(9) https://www.facebook.com/Osinhuyduc

* mục (8) dẫn đến facebook cũ của Linh mục Lê Ngọc Thanh, nhưng rất tiếc Facebook cũ đã bị bỏ và xóa nội dung

Quay lại trang chủ
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)