Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/01/2019

Vụ án Hồ Duy Hải : biểu tượng của công lý bị hiến tế

Tuấn Khanh

Vụ án của Hồ Duy Hải đủ sức là một trong những hồ sơ về nhân quyền lớn nhất của Việt Nam, thông qua câu chuyện anh thanh niên bị vu cho tội giết người. Dù các chứng cứ dàn dựng ngu ngốc đều bị lật tẩy, các lời khai không khớp và quy trình tố tụng sai phạm toàn phần, nhưng Hải vẫn bị kêu án tử, rồi sống lay lất hoãn thi hành án trong nhà giam 11 năm nay, sau khi áp lực của công luận áp đảo.

Có quá nhiều tin tức được viết xuống, nói với nhau trong dân chúng, là Hải phải chết thay cho con cháu của một quan chức cấp cao, kẻ phạm án vẫn được sống ung dung, trong khi gia đình thì tán gia bại sản kêu oan, không ai còn có được cuộc sống bình thường. Và Hải thì luôn thức dậy mỗi sáng với bàn chân luôn phải đứng giữa lằn ranh sống và chết.

Hồ sơ về nhân quyền tại Việt Nam và quyền được sống với công lý của loài người, cũng cần có một chương về Hồ Duy Hải, để gửi lên Liên Hợp Quốc và tất cả những quốc gia trên thế giới, những nơi khinh bỉ và ghê tởm chuyện công lý bị chà đạp hay sự thật bị bóp méo.

Trong câu chuyện đầu năm với Hồ Thị Thu Thủy (1991), em gái của Hồ Duy Hải, nghe kể mới thấy rợn người vì sự đốn mạt của ngành công an tỉnh Long An. Suốt trong nhiều năm, công an ở đó không ngừng đến gia đình để khuyên nhủ Thủy và mẹ của cô đừng kêu oan cho Hải nữa, đừng nghe lời xúi giục mà đau thương cho người thân của mình. Thủy tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, hành nghề kế toán, sau đó làm việc ở bệnh viện Thủ Thừa, Long An. Rồi cùng mẹ vác đơn đi kêu oan cho Hải nên bị công an là áp lực với chỗ làm khiến cô phải thôi việc vào đầu năm 2015.

hai1

Từ trái qua : luật sư Trần Hồng Phong, bà Loan mẹ của Hải và cô Thu Thủy

Tuấn Khanh : Suốt trong năm vừa rồi, gia đình Thủy đã làm thêm được những gì cho Hải ?

Hồ Thị Thu Thủy : Dạ, gia đình em chỉ nghe ngóng tin tức xem ở Hà Nội có hội họp hay đợt xét nào đó là chạy ra ngoài đó để nộp đơn, xin cứu xét trường hợp anh Hải. Mẹ em ngồi ở nhà cũng không yên vì không biết là đơn từ của mình gửi có đến tay người ta hay không nên gom được chút tiền nào là đi giờ đó liền.

Tuấn Khanh : Lần thăm gặp gần đây nhất thì gia đình thấy Hải ra sao ? Việc thăm gặp có dễ dàng không ?

Hồ Thị Thu Thủy : Lần thăm gặp gần đây nhất là 14 tháng 12 năm 2018. Mỗi lần đi theo mẹ vào thăm anh Hải thì em phải đều phải làm đơn, rồi làm bản cam kết. Em phải ghi là chấp nhận không được đưa thông tin gì bên ngoài cho anh Hải. Chỉ được hỏi về sức khỏe và chuyện trong nhà thôi. Thông tin bên ngoài là tiến triển vụ án ra sao, luật sư đang làm gì hay mẹ ra ngoài Hà Nội nộp đơn, kêu oan như thế nào thì không được kể cho anh Hải biết.

Tuấn Khanh : Tại sao ? Đó là quyền và việc của Hải thì tại sao Hải lại không được biết ?

Hồ Thị Thu Thủy : Dạ, họ o ép gia đình, và họ cũng muốn bưng bít thông tin bên ngoài để anh Hải không được biết gì hết. Nhưng thỉnh thoảng có lúc cần quá thì ở nhà cũng tìm cách nói. Dĩ nhiên mỗi lần nhắc vậy thì đều bị cán bộ đứng gác nhắc nhở và hăm là nếu nói nữa thì chuyến sau sẽ không được gặp mặt Hải nữa. Còn nếu không, gia đình đã nói ra rồi thì khi trở vào trại, anh Hải sẽ bị làm khó làm dễ.

Tuấn Khanh : Nhưng tinh thần của Hải thì sao ?

Hồ Thị Thu Thủy : Anh Hải sức khỏe thì có nhưng tiều tụy. Nhìn mặt thì biết là tinh thần luôn bị áp lực. Anh Hải thì không dám nói ra nhưng mình nhìn thì mình biết. Khi gia đình hỏi thăm thì anh Hải gật, nói có hết nhưng nhìn vẻ mặt thì mình biết là không phải vậy. Có cán bộ ở đó thì ảnh không dám nói gì hết. Hiện mỗi tháng được gửi đồ thăm nuôi 1 lần và một lần mang đồ thăm nuôi vào gặp mặt.

Tuấn Khanh : Hiện luật sư đang lo vụ án của Hồ Duy Hải là ai ?

Hồ Thị Thu Thủy : Luật sư Trần Hồng Phong là người lo mọi thứ về pháp lý. Nhưng ông không nhận tiền thù lao. Khi ký hợp đồng ban đầu xong thì ông coi gia đình như người thân và giúp mọi thứ. Ông có nói thấy gia đình khó khăn quá nên quyết định hỗ trợ miễn phí cho gia đình. Ông nhiệt tình lắm, nhờ đủ các nơi thăm hỏi tình hình của anh Hải và tự mình viết bài. Cứ có chút gì là ông gọi báo cho gia đình biết để mình đừng tuyệt vọng.

Tuấn Khanh : Từ lúc khi báo chí cũng như giới luật sư đã phản bác quy trình tố tụng và bản án, dẫn đến việc quốc hội phải lên tiếng khiến Hải được hoãn thi hành án tới nay, thì mọi thứ đã có biến chuyển gì mới không ?

Hồ Thị Thu Thủy : Dạ, phía công an vẫn im lặng anh à. Gần nhất chỉ có một chuyện bất thường – mà em cũng gọi cho luật sư để nói cho ông biết – là có một phái đoàn thi hành án từ Hà Nội vào (29/3/2108) và yêu cầu đóng án phí và kiểm tra xem Hồ Huy Hải có tài sản gì không. Gia đình em ngạc nhiên và hỏi đi tìm điều này để làm gì nhưng họ không giải thích và nói là chỉ thi hành lệnh của cấp trên mà thôi.

Gia đình bàn bạc với nhau, và cảm thấy chuyện này không bình thường. Dì Rưỡi của em nói nếu đóng án phí, tức chấp nhận bản án tử hình đã kêu của Hải, nên gia đình bác bỏ chuyện này dù mức đóng án phí chỉ hơn triệu đồng. Nhưng không hiểu sao họ đi từ ngoài Hà Nội vào để nài nỉ mình đóng mức án phí nhỏ như vậy, rồi còn nói rằng gia đình đừng lo, nếu mai mốt không có tội thì sẽ được trả tiền án phí lại.

Mọi người trong gia đình ai cũng thấy chuyện này có gì mờ ám, và chất vấn họ ngược lại. Nhưng xông xáo khuyên gia đình đóng tiền án phí như thế nào thì họ cũng lãng tránh và đổ mọi thứ về phía trung ương nhanh không khác gì. Rõ ràng họ muốn mớm gia đình làm những điều họ muốn, cho một mục đích nào đó, hơn là quan tâm đến vấn đề công bằng, công lý của anh Hải.

Tuấn Khanh : Phía công an địa phương còn làm khó dễ gia đình như lúc trước không ?

Hồ Thị Thu Thủy : Dạ, vào thời điểm cấm thăm gặp (2015) thì công an họ làm ghê lắm. Nhưng sau này, nhờ có công luận nên họ bớt lại. Phần lớn là họ tìm gặp gia đình khuyên răn là đừng nghe lời xúi giục mà đi kêu oan, đừng phản đối… giờ thì không đến thường xuyên như trước nữa. Nhưng phía hàng xóm láng giềng, người quen biết thì họ hiểu và thương gia đình, thương anh Hải nhưng cũng rất ngại công an đến làm phiền. Còn những nhân chứng quan trọng, có lợi cho anh Hải, thì công an đến cấm không được nói chuyện vụ án với ai, không được cung cấp thông tin, không được trả lời báo chí, kể cả luật sư của anh Hải. Ngay lúc này anh có gọi điện thoại cho họ, thì họ cũng sẽ không dám nói gì và sẽ nói thẳng là công an cấm không cho nói gì hết.

Tuấn Khanh : Vậy thì trường hợp anh Hải, chỉ có thể là gửi đơn kêu oan, chờ đợi chứ không thể làm gì khác ?

Hồ Thị Thu Thủy : Dạ, công việc bao năm qua chỉ chủ yếu là gửi đơn. Mỗi tháng gia đình đều gửi, có tin gì thì gửi thêm. Mẹ ra Hà Nội thì cầm đơn ra gửi tận nơi thêm vô nữa. Không một lần nào gia đình bỏ lỡ, kể cả được phép thăm anh Hải thì khó khăn thế nào gia đình cũng đi, không bao giờ em và mẹ hết hy vọng về việc kêu oan cho anh Hải.

Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn : RFA, 11/01/2019 (tuankhanh's blog)

Tham khảo :

Nhật ký thăm nuôi tử tù Hồ Duy Hải

Hồ Thị Thu Thủy

1. Nội quy thăm gặp

Trước khi kể lại chi tiết, tôi xin nói sơ qua Nội quy thăm gặp của Trại tạm giam Tỉnh Long An. Một tháng thân nhân được gửi quà 2 lần vào ngày 15 và 30. Gặp mặt 1 lần vào ngày 15. Tôi nói vậy để mọi người dễ hiểu, nếu trùng vào ngày thứ 7 và Chủ nhật thì dời lại vào ngày thứ 6 (Nội quy chung). Còn riêng đối với tử tù, ngày gặp mặt thì lại dời trước 1 ngày thăm nuôi (tức là vào ngày 14). Tùy gia đình mỗi người sắp xếp đi thăm gặp vào buổi sáng hoặc buổi chiều.

Tôi thắc mắc hỏi và được giải thích như sau : "Chia ra như vậy cho đỡ đông người và gia đình không phải chờ lâu". (Sau ngày hoãn thi hành án đến nay) Đối với gia đình tôi thì đúng 8g sáng sẽ có mặt tại Trại tạm giam để vào làm thủ tục thăm gặp. Vào cổng phải trình chứng minh nhân dân, tiếp đến vào Phòng tiếp dân duyệt giấy tờ thăm gặp gồm : 1. Đơn xin thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam ; 2. Phiếu gửi quà ; 3. Bảng cam kết (Chỉ riêng gia đình Hồ Duy Hải mới làm giấy này).

2. Bảng cam kết

Bảng cam kết là do gia đình viết theo yêu cầu từ phía Trại giam. Nội dung : "Tôi sẽ thực hiện đúng Nội quy Trại tạm giam quy định", tức là hai bên chỉ được hỏi thăm sức khỏe của nhau và gia đình. Ngoài ra, không được nói gì liên quan đến vụ án và những việc xảy ra bên ngoài. Nếu vi phạm sẽ không được thăm gặp nữa !

3. Chi tiết cuộc gặp mặt

Bây giờ, tôi xin được kể chi tiết vụ việc từ khoảng thời gian 2 năm trở lại đây.

Thời gian và địa điểm tôi đã nêu ở phần trên. Sau khi, Giám thị trại giam kiểm tra giấy tờ đầy đủ và đúng quy định thân nhân sẽ được vào gặp.

Ở đây tôi xin nói rõ luôn là tôi : Hồ Thị Thu Thủy và mẹ của tôi là bà Nguyễn Thị Loan (tức em gái ruột và mẹ ruột của Hồ Duy Hải). Tất cả các thiết bị như : điện thoại, máy quay phim, máy ghi âm,... đều phải bỏ vào tủ gửi đồ bên ngoài, rồi mới được đi vào Khu thăm gặp tử tù (Khu vực hỏi cung). Phòng thăm gặp chia ra làm hai : từ cửa bước vào là bàn dài và ghế cho thân nhân ngồi. Còn phía sau là ghế hàn bằng sắt cho tử tù ngồi. Được ngăn ra bởi 1 song sắt chỉ được nhìn nhau và nói chuyện. Họ sắp xếp chỗ ngồi cho tôi và mẹ tôi ổn định sau đó mới dẫn Hồ Duy Hải ra.

Chúng tôi có được hơn 30’ để nói chuyện với nhau. Từ xa tiến đến phòng thăm gặp, anh Hải nhìn thấy tôi và mẹ thì rất vui. Những lần mẹ tôi đi Hà Nội kêu oan thì lại khác, anh Hải rất buồn vì không được gặp mẹ. (Thông thường những lúc vắng mẹ tôi là bên ngoài gặp những tin xấu nhất, mẹ tôi phải gấp rút phản bác lại). Hai chân của anh bị cùm lại nhìn rất xót xa nhưng tôi và mẹ phải cố giấu đi cảm xúc vì sợ anh Hải buồn. (Xin nói thêm những năm đầu bị giam giữ, họ cồng luôn hai tay của anh Hải). Về sức khỏe của anh Hải thì tôi tạm cho là khỏe, người anh gầy gò và xanh xao.

Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với sự giám sát của 4-5 người. Phía sau tôi và mẹ 3 người, phía sau anh Hải 2 người. Họ chăm chú lắng nghe rất kỹ nếu có nói gì đến việc "Kêu oan" thì họ nhắc nhở ngay. Nếu nói thêm nữa có thể cuộc trò chuyện sẽ bị chấm dứt ngay và bị đuổi ra ngoài. Chúng tôi cố gắng đưa thông tin vào cho anh Hải vững tin vì trong đó họ bưng bít mọi thông tin. Anh Hải muốn nói gì cũng phải nhìn sắc mặt của cán bộ trại giam rồi mới dám nói. Những phút đầu chúng tôi hỏi thăm về sức khỏe, công việc của nhau. Anh Hải thì hỏi thăm và gửi lời thăm từng người trong gia đình và họ hàng.

Đặc biệt, những ngày Tết thì anh Hải gửi lời Chúc Tết đến quý luật sư đã luôn giúp đỡ anh về mặt pháp lý. Tiếp đến, tôi và mẹ động viên anh Hải cố gắng giữ gìn sức khỏe và ăn uống đừng lo nghĩ gì nhiều vì bên ngoài đã có tôi và mẹ lo cho anh : "Vụ việc của con giờ không chỉ trong nước mà lan rộng ra đến Quốc tế đều biết" vì muốn anh Hải lạc quan và yên tâm hơn tránh bị tác động tâm lý xấu !

Việc quan trọng nhất mà mẹ tôi luôn đề cập đến là việc "kêu oan" cho anh Hải. Lần nào vào mẹ tôi cũng nói mặc dù đã bị họ nhắc nhở lớn tiếng. Anh Hải nói "Mẹ ráng kêu oan cho con nhanh nhanh nha Mẹ để con còn về nhà nữa. Sau lâu quá vậy ?". Mẹ tôi chỉ đáp lại một câu : "Ráng nha con. Chủ tịch nước bận nhiều việc, từ từ họ sẽ giải quyết cho Con mau về !". Anh Hải nói tiếp : "Sao không đến nhà riêng của ông cho nhanh !" (Chúng tôi chỉ biết lặng im trong lúc này... không lẽ nói thẳng ra là họ VÔ CẢM. Hàng ngàn lá đơn, thư và sự kêu gào đến thảm khóc của mẹ tôi mà họ có thèm đoái hoài gì đến đâu).

hai2

Phiếu xác nhận chuyển phát bảo đảm đơn kêu oan của Hồ Duy Hải trong năm 2018

Quay lại một chút những lúc tôi một mình vào thăm gặp anh. Tôi nói Mẹ ra Hà Nội kêu oan cho anh rồi. Trong này họ có bắt anh ký giấy tờ gì không ? Rồi có ai vào gặp anh nữa không ? Có ăn gì nhớ ngửi trước nếu có mùi lạ thì đừng ăn sợ bị đầu độc ? Có gì không biết thì anh phải nói gia đình hỏi ý kiến luật sư nha, đừng để bị họ gạt ?

Cứ thế thời gian trôi qua hết giờ thăm gặp, tôi và mẹ tôi bịn rịn xin được ôm anh họ không cho. Chỉ cho nắm và hôn lén lên bàn tay anh. Chúng tôi ra về còn anh ở lại, tôi luôn mong ước anh được về cùng tôi và mẹ. Bước ra và ngoái đầu lại, anh tôi cũng khóc vì sợ tôi và mẹ buồn. Anh cũng cố che đi những cảm xúc của mình !

(Thu Thủy ghi)

Quay lại trang chủ
Read 545 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)