Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/01/2019

Sao phải kêu gọi đảng viên nêu gương ?

Trung Khang

Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại có kêu gọi các thành viên phải nêu gương cho người dân vào khi công luận ồn ào vụ việc xe công vụ bảng số xanh đón vợ Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tận chân cầu thang máy bay. Vì sao phải nhắc nhở đảng viên làm gương trong cuộc sống ?

lam1

Sao phải kêu gọi đảng viên nêu gương ? - Ảnh minh họa. Courtesy chinhphu.vn

Quy định nhưng không thực hiện ?

Vào ngày 9 tháng 1 năm 2019, trên trang web của Ban Tuyên giáo Trung ương xuất hiện bài viết kêu gọi đẩy mạnh tuyên truyền về quy định nêu gương. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định về nghị quyết này :

"Đây là nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương đảng. Ông Phạm Minh Chính báo cáo nghị quyết và được thông qua là Nghị quyết nêu gương, tập trung vào các vị có chức vụ cao của đảng và đất nước này, cụ thể là ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên ban chấp hành trung ương… phải sống gương mẫu trong đời sống bình thường, làm gì cũng phải gương mẫu, nhất là trong đời sống tiền bạc. Vấn đề ông Phạm Minh Chính nói trong nghị quyết chỉ là nói những người trong đảng, nhưng ở Việt Nam những người cầm quyền đều là đảng viên cả".

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, chỉ thị của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu các đảng viên hiện đang nắm các chức vụ lãnh đạo phải gương mẫu, là một chỉ thị tốt. Tuy nhiên ông lo ngại quy định là một chuyện mà thực hiện lại là chuyện khác.

Trong khi đó, Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho rằng :

"Nêu gương chỉ là một việc làm luẩn quẩn thôi, cái quan trọng nhất của một quốc gia là pháp luật. Anh cứ làm theo pháp luật thì không cần nêu gương gì cả và cán bộ nhà nước thì lại càng phải làm theo pháp luật. Chứ còn nêu gương chỉ là vấn đề đạo đức của một cá nhân thôi. Họ làm như vậy là do bế tắc, trong tình hình sa sút hiện nay của đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, chứ không giải quyết cái gì cả".

Đây là một sơ suất ! ?

Cũng trong ngày 9/1, tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ, các nhà báo đã đặt câu hỏi về trách nhiệm nêu gương của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh qua vụ việc dùng xe công đón người nhà.

lam2

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Courtesy moit.gov.vn

Thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương có trả lời cụ thể, đã nhận trách nhiệm và có thư xin lỗi.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh lại khẳng định, cán bộ, công chức phải thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi hoạt động công vụ của mình. Dù vậy, ông lại cho rằng đây là một sơ suất, có thể do trách nhiệm của những người tham mưu chưa thực sự suy nghĩ chín chắn !?

Nhân việc này, nhà báo Võ Văn Tạo đưa nhận định về lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng như nhắc lại quá khứ không mấy gương mẫu của ông này :

"Ai đọc cái văn bản đó xong thì thấy nổi lên mấy điểm, thứ nhất là không có tính văn hóa, thứ hai là lời xin lỗi đó không chân thành. Có một số người trên báo chí phát biểu có thiện chí nhưng tôi thấy không chính xác, họ cho đấy làm một biểu hiện văn minh. Nhưng tôi thì tôi không cho là như thế. Nếu ai đã theo dõi lịch sử của cậu Trần Tuấn Anh này thì nào là cậu xuất thân từ gia đình như thế nào ? Ông bố Trần Đức Lương thì cũng khét tiếng tham nhũng… Rồi đến thời cậu đi học ở Paris thì xài tiền như đốt pháo, rồi thời kỳ làm lãnh sự ở San Francisco thì bày ra cái trò thu mỗi cái visa 200 USD. Cái vụ này khi đó người ta loan tin rất lớn. Một người tư cách như thế thì đâu có tốt lành gì đâu ?".

Luật sư Trần Quốc Thuận giải thích về thực trạng nhiều đảng viên đang nắm các chức vụ quan trọng thiếu gương mẫu :

"Cái này người ta thường nói là "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Đất nước này nó hư đốn do có nhiều nguyên nhân. Nếu những người đứng đầu đất nước này mà làm gương không tham nhũng, không làm sai thì tự nhiên trật tự nó ổn định trở lại. Cho nên một trong những nguyên nhân sai trái là người lãnh đạo không gương mẫu, trong đời sống riêng tư, trong sinh hoạt, và nhất là thâm lạm tiền của nhân dân đất nước".

Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, chuyện Bộ trưởng Bộ Công thương xử lý như thế thì hoàn toàn cũng không theo pháp luật gì cả. Việc sử dụng xe công có quy định rồi, nếu làm sai thì cứ chiếu theo pháp luật mà làm. Ông cho rằng, thư xin lỗi chỉ là chuyện lấp liếm, cho qua chuyện, chứ xử lý thì phải xử lý bằng pháp luật.

Đây không phải là lần đầu tiên lời kêu gọi về đạo đức lối sống được đảng cộng sản Việt Nam nêu lên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát từ ‘gốc’, chứ không phải từ ‘ngọn’.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại lâu nay từng xảy ra nhiều vụ dùng tiền nhà nước, dùng xe công bảng số xanh đi chùa, đền thờ… Báo chí cũng đưa tin, lãnh đạo cũng hò hét… nhưng xử lý không nghiêm. Theo ông, muốn xử lý thì nhà nước phải làm cái gì đó cho dứt khoát và mạnh mẽ, cho dù là ‘con ông, cháu cha’. Chứ không phải cứ nếu là dân thường thì công an còng tay, còn cán bộ thì chỉ xin lỗi. Ông cho rằng, chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần làm đến nơi đến chốn vụ việc liên quan Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 10/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)