Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa loan báo đã "cảnh cáo" ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài chính.
Nữ ca sĩ Đinh Hiền Anh và người chồng mới cưới là ông Huỳnh Quan Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Theo đó, ông Hải bị "cảnh cáo" vì : "Chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Tài chính" (1).
Thông báo "cảnh cáo" ông Hải chỉ có thế và cũng vì thế, thiên hạ thi nhau "đoán già, đoán non" về nguyên nhân ông Hải bị đảng của ông kỷ luật.
Ông Hải đột nhiên nổi như cồn sau khi lấy bà Đinh Hiền Anh làm vợ. Còn bà Anh nổi như cồn không phải vì là ca sĩ từng biểu diễn tại một số phòng trà, từng đoạt danh hiệu "Hoa hậu doanh nhân quý bà thế giới" và "Nữ hoàng kim cương" trong vài cuộc thi nhan sắc gần đây (2017). Thiên hạ chỉ biết đến bà sau khi bà trở thành vợ ông Hải (2).
Cứ như thiên hạ dè bỉu thì sẽ chẳng có ai bận tâm tìm hiểu xem thanh sắc "ca sĩ" Đinh Hiền Anh thế nào và có bao nhiêu người biết về các cuộc thi nhan sắc mà bà giành được những thứ hạng cao, những danh hiệu như "Hoa hậu", "Nữ hoàng" (3)… nếu chồng bà không phải là một trong những "đại quan" đương triều.
Rất khó phân định ông Hải giúp bà Anh "nổi" hay ngược lại vì trên thực tế, dường như cả hai cùng dựa vào nhau để nổi lềnh bềnh. Thiên hạ cười ồ khi nghe bà Anh tâm tình, ông Hải tìm đến bà với hai bàn tay trắng. Lắc đầu ngán ngẩm khi thấy bà khoe trên facebook một cách hồn nhiên về chuyện dư vé mời xem những trận bóng trong khuôn khổ AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình, không phải quay quắt tìm vé như thiên hạ (4)…
Tuy nhiên không thể dựa vào đó để bảo rằng, ông Hải bị "cảnh cáo" vì không dạy được vợ, để vợ hoặc cùng vợ làm nhiều chuyện tào lao !
Thêm một lần nữa, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ỡm ờ khi phát hành thông báo kỷ luật các đảng viên cao cấp như ông Hải. Ừ thì những "cán bộ lãnh đạo chủ chốt" như ông Hải phải "nêu gương" nhưng chẳng lẽ đảng có "qui định" cho phép các tổ chức của mình được khinh đồng chí, đồng bào tới mức không thèm cho biết chi tiết vì không có quyền được biết ?
Thực hiện quy định "nêu gương" như thế thì nhìn vào gương, người ta còn có thể nhìn thấy gì khác hơn sự trịch thượng cả về tâm thế lẫn tư thế của đảng cầm quyền ?
***
Cuối năm ngoái, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Quy định 08/QĐ-TW, buộc đảng viên mà trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam phải "nêu gương" bằng cách "đi đầu" trong học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Sống mẫu mực. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn. Chống lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực, thời gian làm việc...
Cho đến giờ, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã dựa vào Quy định 08/QĐ-TW, kỷ luật một số đảng viên, kể cả thành viên trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương bị cho là đã không "nêu gương" để… "nêu gương". Tuy nhiên cả quy định về "nêu gương" lẫn việc thực hiện quy định này rõ ràng không có tác dụng tái lập "trật tự, kỷ cương" như Đảng cộng sản Việt Nam cam kết.
Nếu qui định về "nêu gương" thật sự hữu dụng thì làm gì có chuyện ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) dám ra lệnh cho toàn bộ hệ thống, tham gia cầm giữ một chuyến bay (VN31) từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Frankfurt hôm 28 tháng 5, chỉ để chờ ông Đỗ Trường Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt bay từ Hà Nội vào trễ nhưng không muốn lỡ chuyến bay sang Đức (5) ?
Một máy bay của Vietnam Airlines đón khách tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Chuyến bay VN31 của hãng hàng không quốc gia từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Frankfurt, Đức, hôm 28/5 bị trì hoãn để chờ 1 hành khách gây bức xúc trong dư luận.
Nếu "nêu gương" thật sự là chuẩn mực, làm gì có chuyện VNA – doanh nghiệp nhà nước có đảng bộ "trong sạch, vững mạnh" – vẫn khăng khăng chống chế, VN31 cất cánh chậm khoảng một tiếng là vì tối hôm ấy, khu vực phi trường Tân Sơn Nhất có mưa dông, khiến báo giới phải thẩm tra, chứng minh VNA tiếp tục bịa đặt trắng trợn chỉ nhằm bảo vệ cho bằng được một đồng chí vi phạm chuyện "nêu gương" (6) ?
Cho đến giờ, trong quá trình chứng tỏ nỗ lực "nêu gương" của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra chỉ mới chứng tỏ được hai chuyện : Thứ nhất, đảng vẫn coi dân ngang rơm rác nên ngay cả việc áp dụng "nêu gương" để xử lý đảng viên, thích thì mới bảo tại sao, còn không thì… thôi, không ai có quyền thắc mắc. Được biết là một thứ "quyền rơm", đòi biết coi chừng nhận "vạ đá".
Thứ hai, đảng viên, đặc biệt các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam rất tâm đắc với "nêu gương", luôn sẵn sàng "nêu gương" như ông Hà, ông Minh. "Nêu gương" bằng khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ những chức vụ từng mang và sau đó, do đã bị đảng kỷ luật nên không bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự nữa thì chẳng phải cha, anh mà em, cháu cũng khát khao "nêu gương" cho ngày nay, ngày mai và… muôn đời sau
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/06/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/canh-cao-thu-truong-bo-tai-chinh-huynh-quang-hai-20190603162609418.htm
(5) https://viettimes.vn/delay-chuyen-bay-hon-200-hanh-khach-de-cho-mot-hanh-khach-355323.html
(6) https://viettimes.vn/vietnam-airlines-co-tu-tuong-tuong-ra-mua-dong-tai-tan-son-nhat-355673.html
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại có kêu gọi các thành viên phải nêu gương cho người dân vào khi công luận ồn ào vụ việc xe công vụ bảng số xanh đón vợ Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tận chân cầu thang máy bay. Vì sao phải nhắc nhở đảng viên làm gương trong cuộc sống ?
Vào ngày 9 tháng 1 năm 2019, trên trang web của Ban Tuyên giáo Trung ương xuất hiện bài viết kêu gọi đẩy mạnh tuyên truyền về quy định nêu gương. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.
Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định về nghị quyết này :
"Đây là nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương đảng. Ông Phạm Minh Chính báo cáo nghị quyết và được thông qua là Nghị quyết nêu gương, tập trung vào các vị có chức vụ cao của đảng và đất nước này, cụ thể là ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên ban chấp hành trung ương… phải sống gương mẫu trong đời sống bình thường, làm gì cũng phải gương mẫu, nhất là trong đời sống tiền bạc. Vấn đề ông Phạm Minh Chính nói trong nghị quyết chỉ là nói những người trong đảng, nhưng ở Việt Nam những người cầm quyền đều là đảng viên cả".
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, chỉ thị của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu các đảng viên hiện đang nắm các chức vụ lãnh đạo phải gương mẫu, là một chỉ thị tốt. Tuy nhiên ông lo ngại quy định là một chuyện mà thực hiện lại là chuyện khác.
Trong khi đó, Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho rằng :
"Nêu gương chỉ là một việc làm luẩn quẩn thôi, cái quan trọng nhất của một quốc gia là pháp luật. Anh cứ làm theo pháp luật thì không cần nêu gương gì cả và cán bộ nhà nước thì lại càng phải làm theo pháp luật. Chứ còn nêu gương chỉ là vấn đề đạo đức của một cá nhân thôi. Họ làm như vậy là do bế tắc, trong tình hình sa sút hiện nay của đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, chứ không giải quyết cái gì cả".
Cũng trong ngày 9/1, tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ, các nhà báo đã đặt câu hỏi về trách nhiệm nêu gương của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh qua vụ việc dùng xe công đón người nhà.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Courtesy moit.gov.vn
Thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương có trả lời cụ thể, đã nhận trách nhiệm và có thư xin lỗi.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh lại khẳng định, cán bộ, công chức phải thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi hoạt động công vụ của mình. Dù vậy, ông lại cho rằng đây là một sơ suất, có thể do trách nhiệm của những người tham mưu chưa thực sự suy nghĩ chín chắn !?
Nhân việc này, nhà báo Võ Văn Tạo đưa nhận định về lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng như nhắc lại quá khứ không mấy gương mẫu của ông này :
"Ai đọc cái văn bản đó xong thì thấy nổi lên mấy điểm, thứ nhất là không có tính văn hóa, thứ hai là lời xin lỗi đó không chân thành. Có một số người trên báo chí phát biểu có thiện chí nhưng tôi thấy không chính xác, họ cho đấy làm một biểu hiện văn minh. Nhưng tôi thì tôi không cho là như thế. Nếu ai đã theo dõi lịch sử của cậu Trần Tuấn Anh này thì nào là cậu xuất thân từ gia đình như thế nào ? Ông bố Trần Đức Lương thì cũng khét tiếng tham nhũng… Rồi đến thời cậu đi học ở Paris thì xài tiền như đốt pháo, rồi thời kỳ làm lãnh sự ở San Francisco thì bày ra cái trò thu mỗi cái visa 200 USD. Cái vụ này khi đó người ta loan tin rất lớn. Một người tư cách như thế thì đâu có tốt lành gì đâu ?".
Luật sư Trần Quốc Thuận giải thích về thực trạng nhiều đảng viên đang nắm các chức vụ quan trọng thiếu gương mẫu :
"Cái này người ta thường nói là "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Đất nước này nó hư đốn do có nhiều nguyên nhân. Nếu những người đứng đầu đất nước này mà làm gương không tham nhũng, không làm sai thì tự nhiên trật tự nó ổn định trở lại. Cho nên một trong những nguyên nhân sai trái là người lãnh đạo không gương mẫu, trong đời sống riêng tư, trong sinh hoạt, và nhất là thâm lạm tiền của nhân dân đất nước".
Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, chuyện Bộ trưởng Bộ Công thương xử lý như thế thì hoàn toàn cũng không theo pháp luật gì cả. Việc sử dụng xe công có quy định rồi, nếu làm sai thì cứ chiếu theo pháp luật mà làm. Ông cho rằng, thư xin lỗi chỉ là chuyện lấp liếm, cho qua chuyện, chứ xử lý thì phải xử lý bằng pháp luật.
Đây không phải là lần đầu tiên lời kêu gọi về đạo đức lối sống được đảng cộng sản Việt Nam nêu lên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát từ ‘gốc’, chứ không phải từ ‘ngọn’.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại lâu nay từng xảy ra nhiều vụ dùng tiền nhà nước, dùng xe công bảng số xanh đi chùa, đền thờ… Báo chí cũng đưa tin, lãnh đạo cũng hò hét… nhưng xử lý không nghiêm. Theo ông, muốn xử lý thì nhà nước phải làm cái gì đó cho dứt khoát và mạnh mẽ, cho dù là ‘con ông, cháu cha’. Chứ không phải cứ nếu là dân thường thì công an còng tay, còn cán bộ thì chỉ xin lỗi. Ông cho rằng, chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần làm đến nơi đến chốn vụ việc liên quan Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 10/01/2019