Giới trẻ Trung Quốc mất niềm tin, giấc mộng Trung Hoa trở thành vô nghĩa
The Economist khẳng định "Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc", và kỳ họp Quốc hội chỉ là dịp biểu dương uy quyền của ông Tập. Trả lời L’Express, chuyên gia Hạng Tiêu (Xiang Biao) nhận thấy thanh niên Trung Quốc hiện nay bi quan hơn các thế hệ trước rất nhiều, "giấc mộng Trung Hoa" không nghĩa lý gì đối với họ.
Một cảnh nhìn trộm qua màn che tại Đại sảnh đường Nhân Dân, nơi Chính Hiệp (Quốc hội) Trung Quốc họp ngày 07/03/2024. Reuters - Florence Lo
Pháp chủ động hay bị cuốn vào cuộc chiến Đông Dương ?
Le Figaro cuối tuần khi đề cập đến việc gởi quân sang Ukraine, có bài viết phân tích "Đôi khi Pháp tham chiến mà không thực sự muốn như thế nào". Tờ báo lược lại lịch sử từ Đệ nhất tới Đệ nhị Thế chiến, và chiến tranh Đông Dương, Algérie. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến phần liên quan tới Việt Nam.
Le Figaro đặt câu hỏi : Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) nổ ra là do Paris chủ động hay chỉ thụ động ? Không dễ trả lời, vì tình hình năm 1945-1946 phức tạp và nhập nhằng. Từ khi Đức xâm chiếm Pháp tháng 5-6/1940, Đông Dương đang có 40.000 người Pháp sống rải rác ở Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam), Bắc Kỳ (Tonkin), Cam Bốt và Lào hoàn toàn bị cắt đứt khỏi mẫu quốc, không thể chống chọi với Nhật. Toàn quyền Decoux trung thành với chính phủ Vichy - hợp tác với phe Trục - chấp nhận cho quân Nhật sử dụng các cảng cho chiến tranh.
Nhưng ngày 09/03/1945, sau khi Mỹ tái chiếm Manila, Nhật bất ngờ tấn công lính Pháp, sát hại tù nhân và thường dân, cầm tù nhiều người Pháp. Việt Minh nhân cơ hội đó giành chính quyền ở Hà Nội ngày 20/08 – năm ngày sau khi Nhật hoàng Hiro-Hito tuyên bố đầu hàng. Khi đó Việt Minh có sự ủng hộ của Mỹ, vì tổng thống Roosevelt không ưa chính sách thuộc địa và coi Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo dân tộc. Theo hiệp ước Potsdam mà Pháp không được tham gia, quân Trung Hoa tiến vào Bắc Kỳ giải giới quân Nhật và cướp phá, còn quân Anh đến Nam Kỳ.
Cơ hội một Việt Nam độc lập không cộng sản bị bỏ lỡ ?
Tháng 9/1945, Pháp và Anh kiểm soát được Sài Gòn nhưng khoảng 300 người Pháp và chừng ấy người Việt thân Pháp bị Việt Minh giết hại. Tướng Leclerc thương lượng được việc quân Trung Hoa rút khỏi Bắc Kỳ, khiến Hồ Chí Minh thích chí vì từ nhiều thế kỷ qua Trung Hoa vẫn coi Việt Nam là chư hầu. Các thỏa ước tạm thời với Việt Minh được thông qua ngày 06/03/1946, trong khi chính trường ở Paris đã thay đổi. Hồ Chí Minh đến Fontainebleau để đàm phán với chính phủ Georges Bidault (Dân chủ Cơ đốc) và bộ trưởng Marius Moutet (đảng Xã hội) nhưng thất bại.
Ông Hồ đòi thống nhất ba kỳ dưới quyền lãnh đạo của mình, còn Paris muốn trao quyền tự trị một phần nhưng vẫn thuộc Pháp. Từ đầu cuộc chiến, các chính phủ Pháp hy vọng vào thương lượng để rút đi một cách danh dự, nhưng vẫn bác bỏ quyết định duy nhất có thể làm hài lòng Hồ Chí Minh. Sau chiến thắng của Mao năm 1949 và khởi đầu chiến tranh Triều Tiên, tướng De Lattre, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông bênh vực chủ trương một nước Việt Nam độc lập và tự do, đối mặt với chủ nghĩa toàn trị. Nhưng Paris chưa bao giờ có cái nhìn rõ ràng về tương quan lực lượng và tình hình ở Đông Dương. Ngày 19/12/1946 Hồ Chí Minh ra lệnh tổng khởi nghĩa.
Các chính phủ Pháp trong năm 1946, lần lượt được điều hành bởi các chính khách đảng Xã hội Félix Gouin, Georges Bidault và Léon Blum, có biết rằng họ đang dấn vào một cuộc chiến tranh thay vì chiến dịch "duy trì trật tự" như chữ dùng thời đó ? Họ có biết Việt Minh không đơn giản là một phong trào dân tộc chủ nghĩa, mà là một tổ chức chính trị quân sự muốn thành lập một Nhà nước cộng sản, tiêu diệt tất cả lực lượng đối lập hay không ?
Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm hại kinh tế Trung Quốc
Cũng tại Châu Á, The Economist nhận định "Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc", và kỳ họp Quốc hội chỉ nhằm nhấn mạnh đến quyền uy của ông Tập. Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) đọc báo cáo một cách lạnh lùng, với giọng điệu biện hộ, khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông không hứa hẹn gì với nhiều triệu người đã trả tiền mua nhà nhưng không được giao, không an ủi các công ty bị thiệt hại vì ba năm phong tỏa, nhưng dành thì giờ để ca ngợi sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Đảng dành nguồn lực khổng lồ để giám sát dư luận, và các thủ tướng thường được một ít tự do để trưng ra bộ mặt nhân văn của quan chức cao cấp. Ông Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) và trước đó là Ôn Gia Bảo (Wen Jia Bao) từng đến thăm những nơi bị thiên tai, và đôi khi tỏ ý tiếc khi chính sách của chính phủ bị thất bại. Dù "Ôn gia gia" có khi hứa mà không thực hiện, công chúng vẫn có cảm tình với họ. Trung Quốc đang bị khủng hoảng lòng tin, nhưng giới chóp bu không muốn nhìn nhận.
Tuần báo nhận thấy chính trị Trung Quốc đang mịt mờ hơn bao giờ hết, nhưng thông điệp thực sự thì không thể nhầm lẫn : kinh tế đang suy yếu, quyền lực tập trung vào tay Tập Cận Bình và ông ta đang nhất quyết lao vào cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ. Nhiều người dân bình thường lo rằng con tàu đang chệch hướng, nhưng trong bão tố ai dám tranh cãi với người cầm lái vĩ đại ?
Giới trẻ Hoa lục bi quan hơn các thế hệ trước
Cũng về Trung Quốc, trả lời L’Express, ông Hạng Tiêu (Xiang Biao), giám đốc Viện Max-Planck ở Hà Lan nhận xét "Thanh niên Trung Quốc bây giờ bi quan hơn trước rất nhiều". Tình trạng kinh tế chậm lại ảnh hưởng đến giới trẻ nặng nề hơn so với những lớp trước. Những người này đã được hưởng lợi từ 40 năm tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, sở hữu nhà cửa, có tiền tiết kiệm.
Lớp trẻ có học hiện nay lớn lên với những kỳ vọng lớn lao về tương lai, khoảng cách với thực tế khiến họ khó thể chịu đựng. Có ít việc làm hơn, ít cơ hội thăng tiến, và với những ai tìm được việc, điều kiện khó khăn hơn rất nhiều vì phải cạnh tranh dữ dội. Những ai sống trong các thành phố lớn, thích đi du lịch và hưởng lương cao ở Bắc Kinh, Thượng Hải phải từ bỏ giấc mơ ; nhưng nhờ cha mẹ giúp đỡ nên có thể từ chối những công việc như giao hàng ; người nghèo thì làm mọi cách để kiếm sống. Nhưng bối cảnh kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý mọi tầng lớp xã hội. Thế nên dẫn đến số đám cưới giảm sút, số trẻ em sinh ra, lượng mua nhà đều giảm.
Đại dịch Covid là yếu tố quan trọng. Giới trẻ nhận ra họ hoàn toàn không có tự do, đôi khi cư dân cả một tòa nhà bị bắt đi cách ly chỉ vì một ca tiếp xúc. Cuộc khủng hoảng địa ốc cũng tạo tác động lớn : xưa kia người ta làm việc cật lực để mua được nhà, lập gia đình và sinh con. Nhưng nay sở hữu nhà trở thành vô nghĩa vì sụt giá, người trẻ chọn ở chung với cha mẹ, giải thoát khỏi áp lực trả nợ, một số chọn "thảng bình" - nằm dài không làm gì cả. Thái độ này rất xa với "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình trở thành đại cường quân sự, kinh tế đối với họ chẳng nghĩa lý gì.
Ukraine chuyển sang phòng ngự, hỏa lực là yếu tố quyết định
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, L’Express phân tích "Chiến lược của Kiev để tìm được sức sống lần thứ hai". Sau thất bại của cuộc phản công, quân đội Ukraine chuyển sang phòng thủ, và chiến lược này chỉ có thể thành công với viện trợ của phương Tây. Ở giai đoạn này, chừng như không thể có được những cuộc tấn công quy mô.
Trong khi quân Nga ồ ạt đổ vào Avdiivka, Ukraine lo tăng cường các tuyến phòng thủ nơi các mặt trận khác, cố gắng bê-tông hóa chiến hào để rút ngắn chênh lệch với Nga và giảm thiểu thiệt hại về người. Chiến lược phòng thủ chiều sâu này là cách tốt nhất để tìm lại một sức bật mới. Theo chuyên gia Thibault Fouillet, năm 2024 là năm dưỡng sức và tăng cường lực lượng trước khi dấn lên trong năm 2025. Thách thức đầu tiên là nhân lực, khi đã có 450.000 quân Nga trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.
Chuyên gia Michel Goya, cựu đại tá thủy quân lục chiến cho biết, trong hai năm qua, lục quân Ukraine đã tăng gấp đôi quân số, từ khoảng 30 lữ đoàn nay là 65 lữ đoàn. Military Balance 2024 ước tính quân đội Ukraine có khoảng 500.000 đến 800.000 quân nhân. Nhu cầu lính mới cần đi kèm với huấn luyện. Ông Goya nhấn mạnh, nghề nghiệp lính chiến đòi hỏi nhiều tháng học hỏi để làm việc được trong nhóm tác chiến, thích ứng với thực địa, kể cả phương diện tâm lý.
Hòa đàm không thể có trước 2026
Tướng Richoux nhận thấy trong năm 2022, người Ukraine đã có sự linh hoạt chiến thuật rất ấn tượng, giúp khai thác điểm yếu của địch và nắm bắt cơ hội. Cụ thể là chiến dịch tái chiếm Kharkiv và Kherson đã thành công rực rỡ. Để giành lại 20% lãnh thổ đang bị quân Nga chiếm đóng, quân đội Ukraine chưa bao giờ cần đến hỏa lực như thế. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định Ukraine cần 75.000 đến 90.000 quả đạn một tháng để phòng ngự, và số lượng gấp đôi – 200.000 đến 250.000 quả nếu tấn công.
Trong khi chờ đợi, Kiev cần tiếp tục tấn công sâu vào phía Nga. Với các hỏa tiễn tầm xa và drone hải chiến, trong bốn tháng qua Ukraine đã phá hủy được 20% Hạm đội Hắc Hải, khiến hải quân Nga phải dời các tàu ra xa căn cứ Sevastopol ở Crimea. Cuộc chiến tranh tiêu hao chưa hẳn có lợi cho Moskva. Một báo cáo của Royal United Services Institute đánh giá, đến một lúc nào đó Kiev có thể khiến quân đội Nga chịu mức độ tổn thương cao hơn khả năng gầy dựng lại về người và vũ khí. Khi năng lực chiến đấu giảm mạnh, Nga sẽ phải thương lượng thực sự với các điều kiện thuận lợi cho Ukraine. Nhưng không thể trước năm 2026.
Ba nhân vật Cộng hòa Czech đứng sau thương vụ đạn pháo cho Kiev
Courrier International thông báo một tin vui : Cộng hòa Czech đã gom được đủ tiền để mua lô đầu tiên 300.000 quả đạn pháo cho Kiev. Trang web Aktualne.cz được Courrier International trích dịch nhận định việc cung cấp đạn pháo cho Ukraine là "điều tốt đẹp nhất" mà đất nước này đã làm được từ 20 năm qua. Vào lúc sắp đến kỷ niệm 20 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ngày 01/05, đây là "thành công ngoại giao rực rỡ nhất" kể từ khi là thành viên của NATO và EU.
Giữa tháng 2, tổng thống Petr Pavel đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người ở hội nghị Munich khi loan báo Praha đã tìm được nguồn cung 800.000 quả đạn pháo ở nhiều nơi trên thế giới có thể được giao trong "vài tuần lễ". Chưa đầy ba tuần sau đã có tiến triển tốt đẹp : 18 quốc gia hứa đóng góp đủ số tiền cần thiết trong đó có Pháp dù lâu nay tổng thống Macron không muốn mua vũ khí ngoài Châu Âu.
Tuần báo Respekt tiết lộ ba nhân vật của Cộng hòa Czech đã bí mật tìm kiếm đạn dược cho Kiev, là ủy viên chính phủ về tái thiết Ukraine, giám đốc cơ quan hợp tác quốc phòng, cố vấn thủ tướng về an ninh quốc gia. Họ được sự hỗ trợ của nhiều công ty vũ khí tư nhân trong nước. Vốn có truyền thống xuất khẩu từ thời Tiệp Khắc, các công ty tư này có quan hệ tốt đẹp với nhiều nhà sản xuất trên thế giới.
Transnistria : Kịch bản với Moldova cũng giống Ukraine ?
Nhắc đến hợp tác an ninh Pháp-Moldova, L’Obs đặt vấn đề "Chết cho Chisinau chăng ?". Gót giày đinh của quân Nga đang tiến gần Châu Âu : chính quyền Transnistria, vùng ly khai thân Nga của Moldova có 469.000 dân hầu hết nói tiếng Nga, vừa yêu cầu Moskva "bảo vệ". "Tổng thống" tự phong Vadim Krasnosselski nói rằng đang chịu đựng "chính sách diệt chủng", sau khi Moldova áp thuế hải quan lên hàng nhập khẩu ; và ngoại giao Nga vội vàng khẳng định ưu tiên "hỗ trợ" cư dân Transnistria. Giống y như kịch bản đã sử dụng năm 2014 rồi 2022 để xâm lăng Ukraine !
Transnistria, lãnh thổ không được quốc tế nhìn nhận, là một bảo tàng xô-viết với hình ảnh búa liềm khắp nơi, những bức tượng Lênin và dùng chữ Nga. Tất nhiên Nga khó thể chiếm Transnistria vì không có biên giới chung, quân Nga dừng chân ở Kherson cách đó 200 kilomet. Nhưng Duma có thể công nhận Transnistria độc lập để làm săng-ta với Moldova vào thời điểm bầu cử tháng 11, khi nữ tổng thống Maia Sandu tranh cử nhiệm kỳ hai với mong muốn đất nước được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Cũng như hồi 2008, lúc đó Medvedev công nhận độc lập hai vùng ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia.
Nhà độc tài ở điện Kremlin đã mất bình tĩnh
Xã luận của Le Point chơi chữ "Putin, sự bất lực nguyên tử" - chữ "puissance", để chỉ "cường quốc" bị thay bằng "impuissant" tức "bất lực". Việc Vladimir Putin lại dùng nguyên tử để dọa nạt là dấu hiệu không thể lầm lẫn : nhà độc tài ở điện Kremlin đã mất bình tĩnh !
Bắt đầu là việc sát hại nhà đối lập số một, dù Alexei Navalny đã bị nhốt kỹ trong nhà tù Bắc Cực. Putin cũng cấm Boris Nadezhdin, một người ít ai biết đến ra tranh cử. Vào lúc khởi đầu năm thứ ba của cuộc chiến mà ông ta khởi động ở Ukraine, đó không phải là hành động của một nhà lãnh đạo tự tin. Vladimir Putin hiểu rằng mặc dù chiếm được một vài điểm - với tốc độ tính theo milimét – không thể thắng nổi nếu không quân sự hóa xã hội, và công dân Nga phải hy sinh nhiều hơn nữa. Thế nhưng hôm 01/03 nhiều ngàn người Nga đã đến tiễn biệt Navalny, bất chấp những rủi ro phải gánh chịu.
Putin đổ một số tiền kỷ lục vào quân đội, hiện chiếm một phần ba ngân sách liên bang. Le Point nhắc lại, lần cuối cùng Kremlin chi quốc phòng nhiều như vậy là hồi năm 1990, tức một năm trước khi Liên Xô sụp đổ. Việc động viên thêm quân được dời lại sau kỳ bầu cử tổng thống. Dù đã tại vị gần 25 năm, Putin vẫn cần tự tạo cho mình tính chính danh. Năm 2018, tỉ lệ chính thức là 76,7% số phiếu với 67,5% cử tri đi bầu. Cần phải lấp đầy một số lớn thùng phiếu trong năm nay để tạo ấn tượng là người dân ủng hộ mạnh mẽ.
Châu Âu và năng lực răn đe nguyên tử
Việc tổng thống Nga hôm 29/02 không ngần ngại đe dọa dùng bóng ma nguyên tử "hủy diệt nền văn minh", đòi hỏi phương Tây phải tỏ ra "máu lạnh" và kiên quyết ủng hộ Ukraine. Thế nhưng viện trợ vẫn đang bị Quốc hội Hoa Kỳ chặn lại, các nước Châu Âu lo sợ không còn chiếc dù Mỹ che chở, bất đồng giữa Pháp và Đức giúp Nga tha hồ tuyên truyền là phương Tây yếu kém và chia rẽ.
Thay vì tranh cãi, cần nghĩ đến việc mang lại tầm vóc Châu Âu năng lực răn đe nguyên tử của Pháp. Tại Đức, tranh luận về tự chủ hạt nhân đang mạnh mẽ nhất kể từ những năm 50, còn tại Ba Lan, tân ngoại trưởng Radoslaw Sikorski thậm chí còn muốn nhiều nước Châu Âu sở hữu vũ khí nguyên tử. Theo Le Point, trước một Putin đang hy vọng vào sự chán nản của đồng minh để nuốt trọn Ukraine, cần noi gương những người biểu tình can đảm ở Nga đã bỏ qua lệnh cấm của Kremlin, đi dự tang lễ Navalny. Không có cách nào khác để hạ gục chủ nghĩa đế quốc Putin, cho dù là bằng nguyên tử.
Người đàn ông Hà Lan có cả ngàn "hậu duệ"
Trang bìa các tuần báo kỳ này được dành cho những chủ đề khác nhau. Le Point tập trung cho thủ lãnh trẻ tuổi của đảng cực hữu Pháp Jordan Bardella, L’Express tiết lộ "Bí mật của những địa điểm quyền lực" nước Pháp, L’Obs nói về địa ốc đang trong khủng hoảng. Courrier International nhìn sang Trung Đông với "Những lá thư từ Palestine", còn The Economist tự hỏi "Ai có thể làm đảo lộn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ?"
Trên lãnh vực xã hội, đặc phái viên Le Point phỏng vấn Jonathan Meijer, người đàn ông Hà Lan có ít nhất 550 đứa con nhờ hiến tinh dịch. Bị Hà Lan cho vào danh sách đen, anh ta lại tiếp tục đi hiến tinh nơi những nước khác như Đan Mạch, Ukraine, Bỉ, Pháp… Ngày 28/04/2023 Meijer bị tòa án La Haye cấm đăng bài trên các trang web chuyên về hiến tinh. Luật sư Mark de Hek nói rằng vụ này tạo ra án lệ để có thể truy tố những "kẻ hiến tinh hàng loạt".
Xì-căng-đan này gây rúng động vì Hà Lan là một nước chỉ có 12 triệu dân, nguy cơ đồng huyết rất lớn : với 200 trẻ cho mỗi người hiến, tỉ lệ này là 0,2%. Một số chuyên gia ước tính, sau 14 năm hiến tinh như Meijer, số trẻ sinh ra từ 800 đến 1.000. Những trẻ em này khi trưởng thành sẽ phải sống với "lưỡi gươm Damoclès" trên đầu. Một nữ giáo viên khi tham dự một cuộc gặp gỡ giữa các gia đình cùng hoàn cảnh, cho biết cảm giác kinh hoàng khi thấy khoảng 60 đứa trẻ giống hệt nhau, cứ như trong một bộ phim khoa học giả tưởng.
Thụy My
Sau khi Hồng Kông và Macao được trao trả, Đài Loan là mảnh đất cuối cùng được Bắc Kinh coi là còn "đánh mất". Dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu, 19 thỏa thuận được ký kết với Bắc Kinh, con đường "thống nhất hòa bình" chừng như đang trở thành xa lộ thênh thang. Nhưng "giấc mơ Trung Hoa" chợt tắt vào năm 2014.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) nói chuyện với các phi công ở Giai Đông (Jiadong) thuộc Bình Đông (Pingtung), ngày 15/09/2021. Bốn phi cơ do họ điều khiển sẽ tham gia cuộc tập trận Hán Quang (Han Guang) chống Trung Quốc đổ bộ. AP
Hồ sơ Courrier Internationaltuần này được dành cho chủ đề "Trung Quốc - Hoa Kỳ : Sự leo thang". L’Express đăng ảnh một chiếc tàu ngầm mang cờ Pháp trên mặt biển xanh mênh mông, chạy tựa "Mỹ chơi xỏ và Trung Quốc nghi ngờ chúng ta : Nước Pháp nhẹ ký". The Economistphân tích "Thực tế mới của Trung Quốc". Le Point chạy tựa "Sự thật về nước Pháp", từ việc làm, nhà ở, tiêu dùng cho đến chính trị, đức tin… L’Obs nói về đối thoại giữa hai nhân vật có quan điểm trái ngược là cây bút tiểu luận Alain Finkielkraut và nhà đấu tranh nữ quyền Alice Coffin.
Về Châu Á, Le Monde Diplomatique có bài "Đài Loan, mảng còn thiếu của giấc mơ Trung Hoa".
Tuần báo The Economist hồi tháng Năm đã chạy tựa "Nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất", với hình bìa là Đài Loan trong tâm ngắm radar. Tháng 3/2021, cơ quan tư vấn Council on Foreign Relation nhận định Đài Loan "đang trở thành điểm nóng nhất thế giới, có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và có thể các cường quốc khác". Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, nhận xét một cuộc chiến tại eo biển Đài Loan có thể xảy ra "trong thập niên này".
Áp lực quân sự Trung Quốc ngày càng tăng đối với các nước láng giềng và đặc biệt với Đài Loan. Bắc Kinh cắt mọi kênh liên lạc với chính quyền của bà Thái Anh Văn, và riêng trong năm 2020 đã cho chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan 380 lần. Theo Le Monde Diplomatique, căng thẳng mới đây có hai nguyên nhân : vấn đề lịch sử và vai trò của Đài Loan trong xung đột Mỹ - Trung.
Sau khi Hồng Kông và Macao được trao trả, Đài Loan là mảnh đất cuối cùng còn "đánh mất". Dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu, 19 thỏa thuận được ký kết với Bắc Kinh, đặt nền móng cho "thị trường chung giữa hai bờ eo biển". Trung Quốc chiếm 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan, con đường do Bắc Kinh vạch ra trước đó 30 năm để thống nhất một cách hòa bình chừng như đang trở thành xa lộ. Nhưng "giấc mơ Trung Hoa" chợt tắt vào năm 2014.
Chính quyền Quốc dân đảng lúc đó vận động để Quốc hội thông qua luật cho phép Bắc Kinh đầu tư vào xuất bản, truyền thông, văn hóa, và mở cửa cả thị trường lao động cho người Trung Quốc, khiến người dân hết sức lo ngại. Việc chiếm đóng Quốc hội và những con đường xung quanh trong hơn ba tuần lễ với "Phong trào hoa hướng dương", đánh dấu một bước ngoặt. Lớp người dưới 40 tuổi vốn chỉ biết có chế độ dân chủ đã thức tỉnh : 90% người Đài Loan bác bỏ công thức "nhất quốc lưỡng chế". Còn đối với các thanh niên tuổi dưới 30, "giấc mơ Trung Hoa" đã hoàn toàn kết thúc. Hơn 4/5 trong số họ tự coi là "người Đài Loan", 2/3 muốn quốc hiệu phải là "Đài Loan" thay vì "Trung Hoa Dân Quốc", và cũng 2/3 ủng hộ độc lập.
Thấy không thể dẫn dụ được bằng mối lợi kinh tế, Bắc Kinh gia tăng đe dọa quân sự với chính phủ Thái Anh Văn, nhưng bị vấp phải sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Trung. Dưới mắt Hoa Kỳ, Đài Loan là một con cờ mà giá trị đã tăng lên trong những năm gần đây. Về địa chính trị, Đài Loan là một mắt xích chính trong chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Nhật Bản đến Indonesia, chận ngõ vào Tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc. Về kinh tế, Đài Loan thống trị về sản xuất chip bán dẫn thế hệ mới nhất, và Hoa Kỳ muốn ưu thế này ở luôn ở phía liên minh "công nghệ-dân chủ".
Về quan hệ Mỹ - Trung, hồ sơ của Courrier International nhận định AUKUS là một cơn sấm động về địa chính trị. Với sự hình thành liên minh Mỹ - Anh - Úc, thế giới từ nay phải tổ chức lại trước thế đối địch Washington - Bắc Kinh, và các nước trong khu vực buộc lòng phải chọn phe.
Tuần báo Pháp dịch bài viết của Financial Times: "Chúng ta bước vào một cuộc chiến tranh lạnh 2.0". Viễn cảnh một kỷ nguyên hợp tác giữa hai cường quốc ngày càng xa vời. Đầu tháng Chín, Vương Nghị chỉ chịu trao đổi với đặc phái viên về khí hậu Mỹ qua video, dù ông John Kerry đã chịu khó đến tận Thiên Tân gần Bắc Kinh. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, vấn đề khí hậu "không thể tách rời" với tổng thể.
Có nghĩa là Bắc Kinh ngưng hợp tác cho đến khi Joe Biden không còn chỉ trích về nhân quyền, bỏ rơi Đài Loan, bỏ tuần tra trên Biển Đông, bỏ cấm vận Hoa Vi… ? Tập Cận Bình mới đây còn bác đề nghị của Biden về một cuộc họp thượng đỉnh song phương. AUKUS cùng với Quad (Bộ Tứ) chứng tỏ trọng tâm xung đột nay là Ấn Độ - Thái Bình Dương chứ không còn là Địa Trung Hải. Một thăm dò của Gallup hồi tháng 3/2021 cho thấy 45% người Mỹ coi Trung Quốc là "kẻ thù lớn nhất", tăng gấp đôi so với năm 2020.
Tờ Asia Times ở Hồng Kông ghi nhận các đồng minh của Mỹ cũng phải lâm trận, trước các hành động hiếu chiến của Bắc Kinh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sau loạt đại pháo kinh tế trong cuộc thương chiến thời Donald Trump, nay cuộc đối đầu ngả sang quân sự trong thời Biden. Các tàu ngầm nguyên tử bán cho Úc sẽ thay đổi tương quan chiến lược ở khu vực, khiến Trung Quốc có thể phải tập trung cho khu vực xung quanh mình hơn là những vùng xa biển hơn theo như tham vọng.
Bắc Kinh vừa xây xong một cầu cảng dài 330 mét tại căn cứ Djibouti, có thể tiếp nhận hàng không mẫu hạm. Đây là căn cứ duy nhất của Trung Quốc ở nước ngoài, nằm ngay ngõ vào Biển Đỏ. Từ đó hải quân Trung Quốc dễ dàng quan sát việc lưu thông cả hai chiều trên kênh đào Suez, thu thập tin tình báo toàn vùng. Có ít nhất 2.000 lính thủy Trung Quốc đóng tại căn cứ chiến lược này.
Trước đó hôm 30/07, Hoa Kỳ và Ấn Độ ký một hợp đồng mới cùng triển khai các thiết bị không người lái phóng đi từ máy bay. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành tập trận quy mô nhất kể từ 1993, đồng thời Đài Loan tổ chức tập trận Hán Quang chống Trung Quốc đổ bộ. Về phía đồng minh Anh đã biểu dương sức mạnh chưa từng thấy kể từ nhiều thập niên qua. Hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông khiến Hoàn cầu Thời báo tức tối nói rằng "Anh quốc vẫn còn sống trong thời thực dân".
Rõ ràng Hoa Kỳ đã có thay đổi chiến lược, từ đấu tranh chống khủng bố sang đối đầu với Trung Quốc. Phó tổng thống Kamala Harris trong chuyến thăm Singapore và Việt Nam cuối tháng Tám đã nhấn mạnh về "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đả kích việc "Bắc Kinh tiếp tục cưỡng bức, đe dọa, yêu sách" chủ quyền phần lớn Biển Đông.
Hồ sơ của L’Expressdành cho vụ Pháp bị cướp mất hợp đồng tàu ngầm, phân tích "cái tát" Úc có thể làm Paris ngộ ra những gì, và trọng lượng của Pháp tại Ấn Độ - Thái Bình Dương ra sao. Foreign Policy ghi nhận sự giận dữ của Paris, thậm chí còn hủy bỏ cả gala mừng 240 năm hữu nghị Pháp - Mỹ, và lưu ý rằng khi người Pháp quyết định hủy một lễ hội, có nghĩa là sự việc đã hết sức trầm trọng !
Từ vài tuần qua, ai nấy đều hiểu rằng tiếng nói của Pháp đã "nhẹ ký" hơn. Chiến lược của Pháp dựa vào Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Úc ở Nam Thái Bình Dương, nay còn lại gì ? Paris vốn chủ trương một "giải pháp thứ ba", liệu khả năng có tương xứng với tham vọng ? Pháp chỉ có 12 chiến hạm thường trực trong khu vực, trong khi đội tàu chiến Trung Quốc có đến 350 chiếc, nhiều hơn cả Hải quân Mỹ (293). Tương lai Paris tại Ấn Độ - Thái Bình Dương tùy thuộc vào sự ủng hộ của các đối tác Châu Âu, và thái độ của các nước trong khu vực - như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam - cũng muốn tránh bị lôi vào cuộc xung đột Mỹ - Trung.
Ấn Độ đã mua 36 chiến đấu cơ Rafale Pháp, liệu có quan tâm đến những chiếc tàu ngầm ban đầu định bán cho Úc ? New Delhi có thể tiếp tục chính sách không liên kết, như vậy có lợi cho Pháp, nhưng cũng có khả năng đứng về phe Mỹ - một giả thiết khó thể thành hiện thực nhưng cũng không nên loại bỏ.
Một vấn đề khác : tại Thái Bình Dương, Paris phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, đang ra sức ve vãn các tiểu quốc như Vanuatu hay Fidji. Chưa kể Bắc Kinh đang xúi giục phong trào đòi độc lập Kanak. Trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 12 tới, nếu Tân Calédonie tách khỏi Pháp sẽ trở thành chìa khóa cho chiến lược chống bao vây của Trung Quốc đồng thời cô lập Úc, và như vậy sẽ là một thất bại mới của ý tưởng Pháp tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Châu Âu đứng ở đâu trong cuộc xung đột Mỹ - Trung ? Đó là câu hỏi cùng được Courrier International và L’Obs đặt ra. Courrier Internationalcho rằng "Châu Âu phải biết mình muốn gì", còn tác giả Pierre Haski trên L’Obs phân tích về "Cuộc chiến tranh lạnh thứ hai".
Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm 21/09, Joe Biden nhấn mạnh Hoa Kỳ không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên từ ba năm qua hơi hướm xung đột đã thấy rõ trong quan hệ Mỹ - Trung. Khác với Liên Xô cũ, thế giới toàn cầu hóa ngày nay tương tác lẫn nhau về kinh tế. Và Trung Quốc không xuất khẩu ý thức hệ mà chỉ hàng hóa và tư bản, theo mô hình toàn trị được tự cho là hiệu quả hơn dân chủ, không cần đến Đệ ngũ hay Đệ lục quốc tế.
Nhưng toàn cảnh chiến lược thế giới ngày càng giống chiến tranh lạnh mới. Liên minh AUKUS vừa thành lập cộng với việc kích hoạt lại Bộ Tứ, làm nhớ lại các liên minh quân sự thời trước như CenTO, SEATO, ANZUS do Hoa Kỳ lập ra để ngăn chặn cộng sản Liên Xô. Về phía Bắc Kinh vừa kết nạp Iran vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) gồm Trung Quốc, Nga và bốn nước Trung Á. Một lãnh vực đối đầu khác là cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung với các đòn cấm vận, gây ảnh hưởng.
Vấn đề là Châu Âu đứng ở đâu trong cuộc chiến tranh lạnh này, liệu có chỗ cho "giải pháp thứ ba" mà Pháp và một số nước Châu Âu mong muốn, trước sự thúc giục phải chọn phe ? Và nếu phải chọn giữa "thiện" và "ác", thì phải chăng tình trạng thảm hại về nhân quyền ở Trung Quốc khiến không thể nào giữ thái độ trung lập ? Thế giới sẽ lưỡng cực hay đa cực, và như vậy liệu Châu Âu có khả năng là một cực riêng ? Bao nhiêu là câu hỏi quan trọng, nhưng lạ thay lại hoàn toàn vắng bóng trong tranh cử tại Đức, và mờ nhạt tại Pháp.
Về vụ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi vừa được thả về Trung Quốc, Wall Street JournalđượcCourrier International dịch lại, cho rằng đây là một chiến thắng của "ngoại giao con tin" do Bắc Kinh tiến hành.
Những người phương Tây làm việc tại Hoa lục cần nhớ rõ, họ có thể bị bắt vì những cáo buộc hoàn toàn được dàn dựng, và trở thành con tin, nhân danh bảo vệ lợi ích của Đảng cộng sản Trung Quốc. Việc Bắc Kinh phóng thích lập tức doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig chứng tỏ hai công dân Canada này chỉ là con tin nhằm gây áp lực lên Canada và Mỹ.
Tờ báo cho rằng khó thể tin được các công tố viên trong vụ này hài lòng với kết quả, ảnh hưởng đến sự nghiêm cẩn của luật pháp và phương hại đến nỗ lực áp dụng việc trừng phạt Iran. Dù mừng cho "hai Michael", nhưng Trung Quốc và thế giới nhận ra thông điệp : ngoại giao cưỡng bức qua việc bắt con tin đã mang lại kết quả. Tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi đối với Bắc Kinh, vì các nhà đầu tư sẽ càng e ngại.
Liên quan đến nội tình Trung Quốc, The Economist nhận định Alibaba, Didi… và nay đến lượt Evergrande (Hằng Đại) đang phải trả giá cho việc Tập Cận Bình siết chặt chính sách. Thực tế mới tại Hoa lục đầy dẫy nguy hiểm, và chiến dịch của Tập Cận Bình là mối đe dọa cho nền kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc sau 40 năm cất cánh, nay phải đối phó với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sinh lợi thấp, thiếu lao động do dân số lão hóa. Về chính trị, Tập Cận Bình xúc tiến sùng bái lãnh tụ, người dân ngày càng ít được tự do về tư tưởng và ngôn luận. Quan chức, lo sợ trước các vụ thanh trừng, ít có sáng kiến. Một trong những lý do của nạn cúp điện tại hơn một nửa nước gần đây là do các viên chức địa phương sợ không đạt được chỉ tiêu giảm khí thải carbone do ông Tập đặt ra trước đại hội đảng 2022. Hiểm nguy cuối cùng từ chính bản thân Tập Cận Bình : bám chặt lấy quyền lực, ông ta phải ra sức đàn áp.
Cứ cho rằng Tập tiếp tục là người lãnh đạo tối cao Trung Quốc ít nhất đến 2027 hoặc hơn nữa, kiểm soát sẽ là khẩu hiệu hàng đầu của ông ta. "Đông, Tây, Nam, Bắc, đảng lãnh đạo tất cả" - Tập Cận Bình nhấn mạnh. Nếu không duy trì kỷ luật về ý thức hệ, đế quốc của ông sẽ suy yếu đi một cách nguy hiểm. Nhưng đó là "tư tưởng Tập Cận Bình" chứ không phải Mao hay Marx, Tập tùy nghi diễn đạt theo kiểu của ông ta.
Thụy My
Vừa Hán hóa vừa thực dân, ‘giấc mộng Trung Hoa’ sẽ chỉ là giấc mộng ?
Nhà báo François Bougon phân tích, Hán tộc được coi là chủng tộc ưu việt, và Đảng cộng sản có nhiệm vụ đưa một Trung Quốc của người Hán vào vị trí trung tâm thế giới. Thế nên phải thực hiện mưu đồ đế quốc mà Bắc Kinh gọi là "Giấc mộng Trung Hoa" : vừa Hán hóa các sắc tộc trong nước, vừa thực dân hóa thế giới bên ngoài qua "Con đường tơ lụa mới".
Một lính Trung Quốc trước pa-nô có hình Tập Cận Bình ở căn cứ hải quân trên đảo Ngang Thuyền Châu (Stonecutter), Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 30/06/2019. © Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Đại dịch corona là trọng tâm chính của các tuần san kỳ này, bên cạnh đó là mối đe dọa từ Trung Quốc. L’Express dành 30 trang báo cho việc "Tìm lại chỗ đứng", nói về cuộc chiến gay go trên lãnh vực kinh tế sau khi bị con virus từ Vũ Hán phá hoại. Trong đó nước Pháp có nhiều ưu thế, với điều kiện có chọn lựa đúng đắn, có lòng can đảm và phải tiến hành ngay lúc này. Le Point giải thích về mặt khoa học virus corona di chuyển trong không khí như thế nào, với hàng tựa "Những gì chúng ta đang hít thở thực sự". Courrier International đặt vấn đề "Nếu chúng ta thay đổi cuộc sống" sau thời kỳ phong tỏa.
Bức màn sắt đã phủ xuống Hồng Kông
Riêng tuần báo L’Obs có ảnh bìa đỏ chói với một con rồng màu đen đang cuộn mình, ẩn trong đó những khuôn mặt Donald Trump, cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, Tập Cận Bình và những con virus corona…với hàng tựa lớn : "Trung Quốc, siêu cường tự do tung hoành".
Ở trang trong, hồ sơ 12 trang của tờ báo bắt đầu bằng tấm ảnh nổi tiếng : một thanh niên Hồng Kông biểu tình bị trói quặt nằm dưới đất. Tờ báo tóm lược : cưỡng bức Hồng Kông, đàn áp dã man người Duy Ngô Nhĩ, ngoại giao hung hăng, khiêu khích quân sự…Trung Quốc của Tập Cận Bình mỗi ngày lại tỏ rõ chủ nghĩa dân tộc toàn trị với chiến lược đế quốc.
Bài viết chính mở đầu bằng nhận xét, một thành phố quốc tế vừa chết đi trước mắt chúng ta : Hồng Kông, đô thị quyến rũ, phương Tây và phương Đông hòa quyện. Lưỡi gươm Damoclès đầy đe dọa từ lúc Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013 cuối cùng đã rơi xuống.
Những tội danh với định nghĩa mù mờ trong luật an ninh quốc gia có thể ập xuống đầu bất kỳ ai. Một lời tố cáo nặc danh có thể làm một giáo viên bị điều tra và sa thải. "Khủng bố trắng" cũng diễn ra tại các doanh nghiệp, nơi mỗi người phải cẩn trọng lời nói và dè chừng kẻ chỉ điểm. Năm mươi năm sau khi bức tường ô nhục mọc lên ở Đông Berlin, người Hồng Kông bừng con mắt dậy bỗng thấy một bức màn sắt phủ xuống.
Vì sao Trung Quốc tả xung hữu đột, gây hấn khắp nơi ?
Bắc Kinh muốn thanh toán dứt điểm các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng phải chăng "phương án nguyên tử" này là chọn lựa duy nhất ? Tại sao lại hủy hoại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á, nơi 60% vốn đầu tư ra vào Hoa lục ? Và tại sao vài ngày sau đó, Bắc Kinh kết thúc nhiều thập niên tương đối hòa bình với Ấn Độ qua cuộc đụng độ dữ dội ở biên giới Ladakh, với những quả chùy đinh làm đổ những giọt máu đầu tiên từ 40 năm qua ?
Vì sao Trung Quốc lại "phóng hỏa" lần thứ hai ở phía bên kia rặng Himalaya, khi yêu sách một phần lãnh thổ quốc gia tí hon Bhutan, đồng minh của Ấn Độ ? Vì sao hôm 30/03, cả một đoàn tàu "dân quân biển" lại lao vào một khu trục hạm Nhật trong hải phận Nhật ? Tại sao một trong vô số tàu hải cảnh Trung Quốc lại đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam hôm 02/04 ? Tại sao tàu Trung Quốc thản nhiên đi vào vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines ? Sao Bắc Kinh lại điều tàu sân bay đến bờ biển Đài Loan hai lần trong tháng trước ?
Không chỉ gây hấn tứ tung với các nước về quân sự, Trung Quốc còn tấn công tin học vào Úc và các bệnh viện, phòng thí nghiệm Châu Âu đang nghiên cứu vaccin chống virus corona. Một chiến dịch ngoại giao hung hăng nhắm vào Úc, Hà Lan, Anh, Pháp và nhiều nước khác, chưa nói đến những trận khẩu chiến dữ dội với Mỹ.
Ở Hoa lục, hai công dân Canada bị tù tội từ cuối 2018 để trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ. Đảng trấn áp các luật sư, nhà báo phản biện, phá hủy mấy chục nơi thờ tự, và tiếp tục quy trình diệt chủng tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp người Tây Tạng.
Con virus làm bộc lộ bộ mặt thật đầy thủ đoạn
Tất cả các chuyên gia về Trung Quốc đều sững sờ, kinh ngạc. Cả thế giới cũng vậy, từ giới tinh hoa cho đến dư luận quần chúng. Họ bất ngờ khám phá bộ mặt thật của một siêu cường đầy đe dọa, thủ đoạn, ngạo mạn, khác hẳn với hình ảnh một đất nước cần cù, ít phô trương. Con virus corona đã làm người ta mở mắt, xóa đi mọi ảo tưởng.
Khi xảy ra tai nạn Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào điều tra và hoàn toàn nhận trách nhiệm về thảm họa. Còn Trung Quốc nhất quyết từ chối cho điều tra về virus corona, vào phút cuối dưới áp lực của khoảng 100 nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới miễn cưỡng đồng ý, nhưng đòi phải do ông tổng giám đốc vốn ngoan ngoãn với Bắc Kinh phụ trách.
Rồi đến chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" nhằm biến Trung Quốc thành ân nhân của nhân loại, chiến dịch bóp méo thông tin tởm lợm, quy trách nhiệm cho…Hoa Kỳ đã gây ra đại dịch, thậm chí cả Ý trong lúc nước này đang khốn đốn vì Covid-19. Một loạt những thủ đoạn thay vì đánh bóng lại làm hình ảnh Trung Quốc thêm xấu xí.
Vừa Hán hóa vừa thực dân
Theo chuyên gia Valérie Niquet, việc phô trương cơ bắp này có thể gây phản tác dụng. Chẳng hạn tất cả các chính khách Ấn Độ hiện rất bức xúc, đòi hỏi thủ tướng Modi phải cứng rắn hơn. L’Express tiết lộ, ông Modi đã đặt mua 33 chiến đấu cơ của Nga cùng với hỏa tiễn và đạn dược trị giá 4,7 tỉ euro. New Delhi đã chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó TikTok bị mất đi 1/3 thị trường.
Nhà sử học François Godement nhận định, chế độ Bắc Kinh đang chuyển sang hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, thậm chí phát-xít. Theo nhà nghiên cứu chính trị François Heisbourg, sở dĩ Trung Quốc hung hăng khiêu khích một loạt các nước vì cho rằng thời cơ của mình đã đến. Một đế quốc coi các nước khác kể cả Châu Âu là những chư hầu, như trong thời nhà Minh trước đây, như nước Đức trước Đệ nhất Thế chiến và nước Nhật trước Đệ nhị Thế chiến.
Nhà báo François Bougon phân tích, Hán tộc được coi là chủng tộc ưu việt, và Đảng cộng sản có nhiệm vụ đưa một Trung Quốc của người Hán vào vị trí trung tâm thế giới. Thế nên phải thực hiện mưu đồ đế quốc mà Bắc Kinh gọi là "Giấc mộng Trung Hoa" : vừa Hán hóa các sắc tộc trong nước, vừa thực dân hóa thế giới bên ngoài qua "Con đường tơ lụa mới".
Giấc mộng Trung Hoa sẽ chỉ là giấc mộng
Nhưng liệu giấc mơ có thành sự thực ? Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) ở California cho rằng Trung Quốc đang lặp lại sai lầm của Liên Xô cũ – bám vào những quan điểm lỗi thời, tập trung quyền hành vào tay cá nhân. Một chế độ trước đây vươn lên được nhờ thực dụng, nay ý thức hệ cứng nhắc và biến tướng sang toàn trị. Cách đây một thập niên, Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều luồng tư tưởng khác nhau và quyết định theo tập thể, nay là một bộ máy chỉ phục vụ cho Tập Cận Bình.
Theo L’Obs, giấc mộng Trung Hoa có thể chỉ là một giấc mộng. Nhiều quốc gia đang đưa sản xuất trở về nước hoặc đa dạng hóa nguồn cung, dịch chuyển sang các nước gần hơn hoặc đáng tin cậy hơn. Phân nửa các con nợ của chương trình "Con đường tơ lụa mới" 1.000 tỉ đô la có nguy cơ không trả nổi, nhất là Kyrgyzstan và Sri Lanka.
GDP Trung Quốc năm nay có thể chỉ tăng 1%, nợ công cùng với các món nợ của địa phương và công ty quốc doanh đã lên đến 300% GDP, 80 triệu người thất nghiệp trong đó có 9 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Bất bình đẳng xã hội tiếp tục : chính thủ tướng Lý Khắc Cường thú nhận hiện có 600 triệu người Trung Quốc thu nhập dưới 125 euro một tháng.
Đài Loan, nạn nhân sắp tới ?
Kinh tế suy sụp, giới trung lưu thất vọng, người nghèo phẫn nộ…có thể thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và phiêu lưu quân sự của Bắc Kinh. Đài Loan có thể là mục tiêu sắp tới.
"Một khi thanh toán xong Hồng Kông, chúng tôi sẽ giải quyết Đài Loan. Việc thống nhất bằng giải pháp quân sự là không thể tránh khỏi". Nội dung từ một tài khoản Twitter của chính quyền Trung Quốc tháng 9/2019 lập tức khiến Đài Bắc và Washington chú ý. Mười tháng sau, lời đe dọa thứ nhất đã trở thành sự thực, còn lại Đài Loan trong tầm ngắm.
Theo các nhà phân tích của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc với ngân sách gấp 15 lần Đài Loan, đã có tất cả những phương tiện cần thiết cho việc đổ bộ. Và theo lời đồn đãi thì cuộc xâm lăng sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng. Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông đã được hạ thủy cuối 2019, có thể chặn phía Thái Bình Dương để ngăn tăng viện của Mỹ.
Hồng Kông : Một đất nước, hai quốc tịch
Về Hồng Kông, trong bài "Một đất nước, hai quốc tịch", The Economist cho biết những người dân muốn ra đi có nhiều lựa chọn. Canada là nước có nhiều người Hồng Kông sinh sống nhất, có thể cấp giấy phép thường trú nếu đầu tư 112.000 đô la, một món tiền không cao so với giá nhà đắt đỏ ở đặc khu. Úc đề nghị gia hạn 5 năm cho những người Hồng Kông hiện đang cư trú, còn visa theo đầu tư tốn đến 1,1 triệu đô la.
Đài Loan với tương đồng văn hóa và ngôn ngữ, là hướng đến ưa thích của 50% người Hồng Kông muốn đi tị nạn. Đặc biệt Anh sẵn sàng tạo điều kiện cho 2,9 triệu dân cựu thuộc địa cư trú, với khả năng nhập tịch sau này. Các công ty tư vấn di trú như Andrew Lo trước đây nhận 10 yêu cầu một ngày, nay lên đến 200 hồ sơ/ngày, đơn xin cấp tư pháp lý lịch vốn cần thiết để xin visa tăng 40%.
Cảnh giác với những vi phân tử mang mầm bệnh Covid trong không khí
Chuyển sang lãnh vực y tế, Le Point dành trọn hồ sơ cho virus corona chủng mới. Lá thư ngỏ của 239 nhà nghiên cứu trên tạp chí Clinical Infectious Diseases được New York Times đăng lại ngày 04/07 cảnh báo : con virus lan tràn trong không khí bằng những hạt nhỏ li ti ở khoảng cách xa hơn hai mét. Họ khuyến cáo nên mang khẩu trang, và nếu có thể thì nên hạn chế hô hấp. Lá thư hướng đến Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi tổ chức này không ngừng lặp lại là con virus lan đi qua những giọt bắn lớn.
Một con virus đường hô hấp lây lan trong không khí thật ra không có gì đáng ngạc nhiên, như virus SARS (2002), cúm H1N1 (năm 2009), MERS (2012). Và đầu năm nay, đã có những vụ một người nhiễm Covid ở cuối xe hắt hơi, tài xế xe buýt bị lây như tại Trung Quốc, trong hành trình một tiếng rưỡi 23/67 hành khách đã bị nhiễm. Cũng tại Trung Quốc, 10 thực khách ngồi cách nhau 1 mét và không tiếp xúc với nhau bị lây vì máy lạnh, phân nửa 30 người tham gia một khóa đào tạo trong phòng máy lạnh khoảng 4 tiếng đồng hồ trở thành nạn nhân của virus corona…
Các phân tử lớn hơn 20 micromét (micromét = 1 phần triệu mét) không đi vào sâu, trong khi những phân tử nhỏ hơn vào tận phổi và lập tức gây nhiễm trùng thể nặng. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào môi trường xung quanh : một người bệnh hắt hơi trong một lò sát sinh khép kín gây tai họa nhiều hơn ở một vùng đất vắng người. Giáo sư Arnaud Fontanet cảnh báo, lượng virus corona chủng mới trong không khí đậm đặc hơn virus SARS có thể đến 1.000 lần, và theo bác sĩ Bruno Grandbastien, virus corona lơ lửng trên không suốt 24 tiếng đồng hồ. Thế nên khuyến cáo chung là : hãy đeo khẩu trang, chú trọng việc thông gió.
Virus corona làm người nghèo khốn khó, tỉ phú thêm giàu
Về mặt kinh tế, tác giả Pierre-Antoine Delhommais trong bài "Covid-19, cuộc sống và chứng khoán" nói lên một nghịch lý, con virus corona gieo rắc đau thương ở những nơi nó đi qua, nhưng trên thị trường tài chính, có nhiều người nhờ đó lại làm giàu.
Chẳng hạn cổ phiếu của nhà sản xuất găng tay latex Top Glove của Malaysia đã tăng 403%, phòng thí nghiệm Mỹ Moderna Therapeutics có cổ phiếu tăng giá 325%. Thật kỳ lạ khi kinh tế Mỹ bị suy thoái nặng nhất kể từ một thế kỷ, chỉ số S&P 500 của Wall Street lại tăng 1,4%. Cần nhớ rằng thị trường chứng khoán New York đã lao dốc 33% trong khủng hoảng tài chính 1929, và đến 30 năm sau mới hồi phục được. Đặc biệt chỉ số Nasdaq các cổ phiếu công nghệ vượt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Một phần đáng kể trong số hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô la, euro, yen, nhân dân tệ từ các Nhà nước và ngân hàng trung ương nhằm đối phó với đại dịch và khủng hoảng kinh tế, thay vì vun xới cho nền kinh tế thực, cho tiêu dùng và đầu tư, sẽ rơi vào Wall Street và các thị trường chứng khoán khác. Không ít người Mỹ dùng tấm séc 1.200 đô la nhận được chính phủ để mua cổ phiếu thay vì mua sắm hàng hóa, còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp lợi dụng lãi suất 0% để đặt cược vào chứng khoán.
Từ đầu năm nay, tài sản của Jeff Bezos, ông chủ Amazon đã tăng thêm 69 tỉ đô la, Elon Musk, chủ Tesla giàu thêm 47 tỉ đô la. Ngược lại theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 100 triệu người trên thế giới sẽ lâm vào cảnh đói nghèo với thu nhập dưới 1,9 đô la một ngày. Con virus corona rõ ràng không ưa người nghèo – tỉ lệ tử vong nơi người Mỹ da đen cao gấp 3,8 lần so với người da trắng. Sự cất cánh của cổ phiếu Amazon và Tesla chứng tỏ Covid rất thích người giàu.
Thụy My
Huawei là thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc và cũng là nguồn gốc của sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington D.C và Bắc Kinh.
Suốt nhiều năm qua, công ty này luôn bác bỏ các cáo buộc họ là vỏ bọc gián điệp của Trung Quốc và là mối đe dọa cho nền an ninh các quốc gia.
Huawei muốn trở thành nhà cung cấp công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5, được gọi là 5G, đứng đầu thế giới. Ảnh abc.net.au
Các chuyên gia an ninh Úc đã dẫn ra câu "Mọi tổ chức hay công dân phải hỗ trợ và hợp tác với quốc gia trong công việc điều tra" viết trong Luật Tình Báo Quốc Gia của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, sau lần sửa đổi luật pháp vào năm 2017. Như vậy, mối liên hệ chặt chẽ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề an ninh, cũng như đa số các viên chức trong công ty là đảng viên cao cấp của đảng cộng sản chẳng còn là điều bí mật.
Hoa Kỳ đã cấm không cho Huawei xây dựng mạng di động và bán điện thoại của họ thông qua các nhà cung cấp mạng. Úc, Nhật Bản, New Zealand cũng đã cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trong mạng 5G sắp tới của các nước này. Pháp, Đức, Na Uy, Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Canada đang thắt chặt kiểm soát hay xem xét các biện pháp để loại Huawei ra khỏi sự phát triển của mạng di động thế hệ tiếp theo.
Ngày 01/12/2018, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, bà Mạnh Vũ Châu (Weng Wanzhou), phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của người sáng lập công ty, bị bắt khi quá cảnh ở Canada, trên đường từ Hongkong đến Mexico. Hoa Kỳ đòi dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Tập đoàn khổng lồ Trung Quốc này bị buộc tội lừa đảo và trộm cắp bí mật kinh doanh.
Huawei bác bỏ cáo trạng của Hoa Kỳ.
Huawei là gì ?
Công ty công nghệ Huawei Ldt (Huawei Technologies Co. Ldt) là nhà cung cấp thiết bị và linh kiện lớn nhất thế giới mà các công ty viễn thông và mạng sử dụng để điều hành và kiểm soát lưu lượng dữ liệu.
Công ty thành lập vào năm 1987 bởi cựu kỹ sư quân đội Ren Zhengfei. Huawei trở thành người tiên phong trong nỗ lực biến Trung Quốc từ nhà máy lương thấp của thế giới thành trung tâm công nghệ cao.
Năm 2017 công ty đã vượt qua Ericsson, trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới. 45 trong số 50 công ty viễn thông lớn nhất thế giới là khách hàng.
Năm 2010 công ty đã cho ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên của mình và năm 2018 đã vượt mặt Apple, đoạt vị tríthứ 2, và đã bán ra 200 triệu chiếc điện thoại. Chỉ Samsung bán được nhiều hơn.
Trụ sở chính đặt tại Thâm Quyến, ngay cạnh Hongkong, và ngân sách dành cho việc nghiên cứu cao hơn Apple 10%.
Tranh chấp về vấn đề gì ?
Từ năm 2012, chính quyền Mỹ và Úc đã cảnh báo việc hợp tác với Huawei. Dịch vụ an ninh mạng Nhật đã cấm các viên chức nhà nước sử dụng công nghệ Huawei từ ngày 1 tháng Tư.
Sự nghi ngờ này có 2 lý do :
- Lo ngại gián điệp ;
- Vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Câu chuyện trở nên ầm ĩ sau khi bà Mạnh Vũ Châu bị bắt.
Hoa Kỳ nghi ngờ bà Mạnh và Huawei, trong quan hệ thương mại với Iran, đã lừa dối các ngân hàng và đã đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Quyền bộ trưởng Bộ Tư pháp Matthew Whitaker và một số viên chức cao cấp trong chính phủ Mỹ đã công bố một loạt cáo buộc nghiêm trọng đối với Huawei.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vũ Châu đã gây ra sóng gió ngoại giao. Chuyện Trung Quốc bắt giữ 13 công dân Canada và tuyên án tử hình một công dan nước này vì tội buôn ma túy được hiểu như đòn trả đũa trong vụ tranh chấp.
Andrus Ansip, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu (EU), là một trong những người công khai lo lắng về hoạt động gián điệp. Ông khuyến cáo các quốc gia thành viên nên thận trọng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, điển hình là Huawei Technologies. Ông nói rằng sự rủi ro sẽ gia tăng khi Châu Âu cộng tác với các doanh nghiêp Trung Quốc vì luật pháp Trung Quốc buộc các tổ chức và công dân phải hỗ trợ và hợp tác với tình báo quốc gia trong các cuộc điều tra và lưu trữ thông tin liên quan đến các cuộc điều tra đó. Và cũng theo ông, việc này sẽ dẫn đến việc sử dụng loại công nghệ cài đặt "cửa sau" dùng để thu thập dữ liệu, nghe lén thông tin và hệ thống điện thoại.
"Khi đã thành luật thì chúng ta phải hiểu rằng mức độ rủi ro sẽ lớn hơn. Chúng ta không thể tiếp tục ngây thơ nữa". Ông Andrus Ansip cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc "đang bịnghi ngờ" vìluật này. Ông muốn nói đến tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc chứ không riêng Huawei.
Huawei đã góp phần chấm dứt ảo tưởng quốc gia - Ảnh minh họa (Financial Times)
Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng mọi cáo buộc đều vô căn cứ và cho rằng các quốc gia khác chỉtìm cách bảo vệ các công ty của họ trước sự cạnh tranh.
Huawei nói gì ?
Huawei phủ nhận tất cả các cáo buộc gián điệp, bác bỏ chuyện công ty bị Đảng cộng sản Trung Quốc thao túng kiểm soát.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với báo chíphương Tây, Ren Zhengfei, người sáng lập Huawei, nói rằng ông sẽ từ chối bất cứ cuộc điều tra nào của chính phủ đòi ông phải tiết lộ bí mật.
Nhưng cái ông không đề cập đến là : theo luật định, tất cả các công ty Trung Quốc bắt buộc phải cung cấp thông tin nếu cơ quan tình báo yêu cầu.
Ngoài ra, Huawei cũng mời các ký giả phương Tây vào tham quan các trung tâm nghiên cứu của công ty. Tập đoàn này đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở Đức, Canada và Anh. Chính quyền các nước sở tại có thể thử nghiệm mức độ an toàn của các sản phẩm.
Huawei có vai trò trong việc phát triển 5G ?
Cùng với Nokia (Phần Lan), Ericsson (Thụy Điển), Huawei là một trong những nhà phát triển hàng đầu của nền công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5, được gọi là 5G.
Sự phát triển các mạng di động với băng thông lớn (broadband) đã cách mạng hóa truyền thông. Phần lớn sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, cả lúc làm việc hay thời gian rảnh rỗi, được liên kết do kết nối với mạng ổn định. Sự phát triển mạng 4G cho phép dữ liệu lưu trữ với số lượng lớn được gửi không dây.
Mạng 5G là bước nhảy vọt mới của công nghệ và rất có thể sẽ là mạng truyền thông quan trọng nhất vì nó không chỉ dùng để liên lạc giữa mọi người mà còn để kết nối những cài đặt (installations) và cảm biến (sensors) với nhau. Mạng 5G sẽ giúp tốc độ, trữ lượng và sự ổn định mạng tăng lên vượt trội. Do đó nó sẽ được sử dụng ví dụ như trong lãnh vực giao thông (xe tự hành), năng lượng và y tế.
Mạng di động là cơ sở hạ tầng quan trọng về mặt xã hội. Đồng thời nó cũng rất nhạy cảm về mặt chính trị nhất là khi vấn đề an ninh được đặt ra.
Huawei đã đánh mất sự tín nhiệm của các quốc gia khác khi bước chân ra biển lớn. Trung Quốc không phải là trung tâm vũ trụ. Cái Thiên hạ quan Trung Hoa nên tống táng ở bờ sông Dương Tử và Hoàng Hà.
Huawei đã (góp phần) chấm dứt ảo tưởng quốc gia (1). Giấc mộng Trung Hoa chỉ là ảo tưởng.
Hoàng Thủy Ngữ
(31/01/2019)
(1) "Huawei has ended a national illusion", Richard McGregor, Financial Times, Lowy Institute, 22/06/2018.
Ra mắt cuốn "China Dream/Giấc mộng Trung Hoa", phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), tiểu thuyết trào phúng tố cáo chính sách "tẩy não" của chế độ Tập Cận Bình. Bắc Kinh khơi lại dự án đập thủy điện bị đình chỉ cách nay 7 năm tại Miến Điện. Chính quyền Moskva im lặng trước các cáo buộc tra tấn, hành quyết người đồng tính tại nước cộng hòa tự trị Tchetchenia thuộc Nga. Một nhóm khoa học gia công bố "thực đơn lý tưởng", giúp con người vừa sống khỏe hơn, vừa bảo vệ được Trái đất. Trên đây là các chủ đề Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Nhà văn Mã Kiến tại Hồng Kông, tháng 11/2018. Ảnh : Wikipedia
Trong mùa sách văn học đầu năm 2019 tại Pháp, có một cuốn rất được chú ý : Tiểu thuyết "China Dream / Giấc mộng Trung Hoa", phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), ra mắt hồi tuần trước. Nhà văn Trung Quốc đề tặng cuốn sách này cho George Orwell, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển về xã hội toàn trị, mang tựa đề "1984". Theo Mã Kiến, George Orwell đã "dự báo hết" về xã hội Trung Quốc đương đại.
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trào phúng của Mã Kiến là Mã Đạo Đức (Ma Daode) một viên chức của đảng thuộc bộ phận được gọi là "Ủy Ban Quản Lý Giấc Mộng Trung Hoa". Nhiệm vụ của cơ quan đặc biệt này là tìm cách xóa khỏi đầu óc mọi công dân Trung Quốc "những giấc mơ và những kỷ niệm xấu về quá khứ". Điều trớ trêu ở chỗ là chính cán bộ đảng này cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi các ác mộng thời Cách mạng Văn Hóa. Bởi, trước khi làm được nhiệm vụ tẩy não những người khác, ông ta phải tự tẩy chính não mình.
Nhà văn Mã Kiến, nhân vật trong câu chuyện Giấc mộng Trung Hoa của ông và Tập Cận Bình có một điểm chung, họ đều lớn lên trong Cách mạng Văn hóa. 50 năm sau, Mã Đạo Đức đảm nhận sứ mạng tuyên truyền cho một Giấc mộng Trung Hoa vĩ đại. Cùng lúc đó, ông ta phải đối mặt với những bóng ma của quá khứ, với cha mẹ quá cố mà ông ta đã phản bội, với việc tôn sùng Mao, kẻ gây ra bao tội ác. Mã Đạo Đức đứng trước ngã ba đường : chôn vùi quá khứ hay tái tục các sai lầm của quá khứ đều dẫn đến thảm họa.
Theo nhà văn Mã Kiến, sống lưu vong tại Anh từ cuối những năm 1990, lịch sử của Trung Quốc sau năm 1949 đã bị Đảng cộng sản viết lại hoàn toàn. Đó chính là công cụ giúp cho chế độ "tẩy não" toàn dân, và thế vào phần não trống là một lịch sử được viết theo lập trường của đảng, là những tuyên truyền về một "Giấc mộng Trung Hoa" mới.
Giống như các tiểu thuyết trước đây (Hồng Trần, Bắc Kinh Coma hay Dark Road), cuốn "Giấc mộng Trung Hoa" của Mã Kiến bị cấm tại Trung Quốc (1). Tác phẩm của nhà văn lưu vong cho thấy đằng sau khẩu hiệu Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình là bao nhiêu cuộc thảm sát, đàn áp khốc liệt, từ Cách mạng Văn Hóa cho đến Thiên An Môn...
Cuốn "Giấc mộng Trung Hoa" của Mã Kiến bị cấm tại Trung Quốc
Chuyến đi giới thiệu tiểu thuyết mới của ông tại Hồng Kông hồi tháng 11/2018 suýt lỡ dở, do trung tâm nghệ thuật Tai Kwun, nơi tổ chức Liên hoan sách quốc tế, từ chối tiếp. Nhiều người đoán chắc có bàn tay của Bắc Kinh.
Miến Điện : Bắc Kinh khơi lại một dự án thủy điện bị dân lên án
Vào những ngày cuối năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách khơi dậy dự án đập thủy điện Myitsone, tại miền bắc Miến Điện, vốn bị đình chỉ từ 7 năm nay. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện đã đến tận khu vực này để tiếp xúc với các giới chức địa phương. Tuy nhiên, tường thuật sau đó của đại sứ Trung Quốc đã bị phản bác. Thông tín viên Eliza Hunt từ Rangoun cho biết :
"Theo đại sứ Trung Quốc, dân cư tại bang Kachin hoàn toàn không phản đối việc xây đập thủy điện. Đại diện ngoại giao Trung Quốc nói đã có được thông tin về việc này từ một số giới chức chính trị địa phương. Trong khi đó, những người này hồi đầu tuần cho biết họ đã nói với đại sứ Trung Quốc điều hoàn toàn ngược lại.
Đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi dữ dội tại Miến Điện : 85% dân chúng phản đối, theo một thăm dò dư luận năm 2017. Đập bị lên án do các hậu quả môi trường. Một khi vận hành, đập sẽ làm ngập một khu vực rộng tương đương Singapore, khiến dân cư phải sơ tán hàng loạt, và hủy hoại nhiều hệ sinh thái. Tiếp theo đó, người dân Miến Điện khó mà biết được là con đập sẽ mang lại lợi ích gì cho họ. 90% lượng điện do đập sản xuất sẽ được đưa trực tiếp sang Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình của người Miến Điện chống dự án Trung Quốc xây đập Myitsone trên dòng Irrawaddy, năm 2011. Reuters/Bazuki Muhammad
Vào lúc chưa lên nắm quyền, nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã phản đối việc xây đập. Nhưng cho đến nay, bà Aung San Suu Kyi không giải quyết việc này. Vào lúc bà mới lên nắm quyền, chính phủ đã lập ra một ủy ban về đập thủy điện, nhưng các báo cáo chưa bao giờ được công bố.
Hiện tại, đối với chính quyền Miến Điện, khó mà đưa ra một quyết định về vấn đề phức tạp này. Một mặt, có sự phản đối mạnh ở địa phương vào thời điểm một năm trước bầu cử. Mặt khác, nếu từ bỏ dự án, Miến Điện phải bồi thường gần 800 triệu đô la".
Trung Quốc "đòi nợ" Aung San Suu Kyi ?
Về vai trò mờ ám của Trung Quốc trong dự án đập này, thông tín viên Eliza Hunt cho biết thêm :
"Miến Điện bị cô lập trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Rohingya, cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, bị quân đội Miến Điện "thanh lọc sắc tộc". Việc Bắc Kinh giành quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để ngăn chặn các quyết định trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Miến Điện quả là rất quý giá cho chính quyền nước này. Theo một số nhà quan sát, xung đột trong vấn đề ngôi đập thủy điện Myitsone có thể là một phương tiện gây áp lực của Trung Quốc nhằm có thêm sức nặng trong đàm phán, buộc Miến Điện phải có nhiều nhân nhượng hơn đối với nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác của Trung Quốc tại nước này".
Tình hình xung quanh dự án đập Myitsone hết sức phức tạp. Theo nhận định của báo Irrawaddy - một trang mạng độc lập Miến Điện có uy tín, thì chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đang bị kẹt giữa một bên là tập đoàn quân sự Miến Điện (nắm giữ các bộ chủ chốt Quốc Phòng, Nội Vụ, Biên Phòng và chiếm 25% ghế nghị sĩ Quốc hội, sẵn sàng bác mọi cải tổ Hiến pháp theo hướng dân chủ hóa) và bên kia là chính quyền Trung Quốc nắm giữ nhiều nguồn lực tại Miến Điện và đang muốn thao túng quốc gia này hơn nữa. Đặc biệt thông qua dự án "Một vành đai, một con đường", cũng như qua vai trò môi giới cho các đàm phán giữa chính quyền Miến Điện và các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số, mà một số có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Vẫn theo Irrawaddy, trong những tháng qua, bà Aung San Suu Kyi đã cố gắng dùng áp lực của Trung Quốc để buộc tập đoàn quân sự hùng mạnh phải có những nhân nhượng, nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với các sắc tộc, ổn định tình hình trong nước. Trước mắt, việc giới quân sự chấp nhận ngừng bắn 4 tháng với các lực lượng vũ trang sắc tộc, để đàm phán, kể từ cuối tháng 12/2018, có thể coi là thành công bước đầu với Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, đúng vào lúc thỏa thuận ngừng bắn 4 tháng nói trên được đưa ra, Trung Quốc lại tìm cách khơi dậy vấn đề đập Myitsone, như để đòi "một món nợ". Lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện sẽ phải trả giá nào, khi mời đến Bắc Kinh can thiệp ?
Nhiều người đồng tính tại Tchetchenia (thuộc Nga) bị tra tấn, hành quyết
Người đồng tính tiếp tục bị đàn áp khốc liệt tại Tchetchenia, một nước cộng hòa tự trị thuộc Liên Bang Nga. Hôm thứ Hai, 14/01/2019, một hiệp hội bảo vệ người đồng tính Nga một lần nữa lên tiếng. Thông báo của Hiệp hội LGBT Nga dựa trên một báo cáo của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), do 16 quốc gia thảo ra, được công bố cuối tháng trước. OSCE tố cáo Nga bao che chính quyền tự trị Tchetchenia.
Tường trình của thông tín viên Daniel Vallot từ Moskva :
"Cuối tháng 12 một làn sóng bắt bớ mới có thể đã bắt đầu, theo các thông tin từ mạng lưới LGBT Nga. Hiệp hội bảo vệ quyền của những người đồng tính tại Nga ước tính đã có hàng chục người bị bắt, do định hướng tính dục.
Ông Igor Kotchekov, chủ tịch hiệp hội, cho biết : "Người bị bắt bao gồm nam và nữ, trong đó có ít nhất hai thiếu nữ. Họ bị tra tấn tàn bạo hơn cả năm 2017. Trước đây, chỉ là chích điện, đánh đập bằng gậy, bây giờ còn tàn bạo hơn. Những vụ bắt bớ này phù hợp với đường lối chính trị của lãnh đạo Tchetchenie Ramzan Kadyrov. Người từng tuyên bố công khai là cần phải gột rửa dòng máu Tchetchenia khỏi những kẻ đồng tính nam, nữ".
Về phần mình, chính quyền Tchetchenia chính thức phản đối những cáo buộc của tổ chức phi chính phủ bảo vệ người đồng tính. Theo một người phát ngôn của ông Ramzan Kadyrov. Hồi tháng 12 năm ngoái, một báo cáo của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu từng khẳng định là có tồn tại một kế hoạch đàn áp người đồng tính tại Tchetchenia. Tổ chức OSCE đặc biệt chú ý đến nhiều trường hợp tra tấn, bắt bớ vô cớ và hành quyết".
Tại Nga, quan hệ đồng tính bị coi là tội phạm cho đến năm 1993, và như một bệnh tâm thần, cho đến năm 1999. Năm 2013, chính quyền Nga ra luật trừng phạt mọi hành động "tuyên truyền" với người vị thành niên về quan hệ đồng giới. Các cuộc tuần hành của người đồng tính (Gay Pride) nói chung bị cấm, hoặc là mục tiêu của bạo lực.
"Ăn uống đúng cách" vừa thoát bệnh, vừa cứu Trái đất
Ăn uống sai cách có hại cho sức khỏe là điều đông đảo mọi người ngày càng hiểu rõ. Tuy nhiên, còn ít người gắn liền việc ăn uống đúng cách, có lợi cho sức khỏe cá nhân, với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, hay nói cách khác đối với "sức khỏe" của hành tinh.
"Thực đơn lý tưởng" theo nhóm nghiên cứu của Gs Tim Lang. Capture d'ecran
Hôm thứ Tư vừa qua, trên The Lancet, tạp chí y học nổi tiếng Anh Quốc, 37 nhà khoa học (từ 16 quốc gia) công bố "Thực đơn lý tưởng" có tên gọi "Sức khỏe Hành Tinh / Planetary Health". Nếu nhân loại thực hiện được thực đơn này, ít nhất sẽ có 11 triệu người thoát chết hàng năm, và đồng thời lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm mạnh và đa dạng sinh học được bảo vệ.
Bí quyết của thực đơn này là gì ? Theo nghiên cứu được công bố trên The Lancet, Thực đơn lý tưởng hàng ngày gồm trung bình 300 gram rau, 200 gram quả, 200 gram hạt toàn phần các loại (gạo, ngô…), 250 gram sữa hoặc thực phẩm tương đương, nhưng chỉ có 14 gram thịt đỏ. Để bù vào lượng protein thiếu hụt, có thể thay thịt đỏ bằng thịt gia cầm (29 g), cá (28 g), trứng (13 g) hay các loại hạt có chứa nhiều protein, như hồ đào, óc chó… (50 g).
Tiêu thụ thịt ở quy mô lớn tại các nước giàu, các nhóm xã hội khá giả ở những nước đang phát triển không những gây tổn hại cho sức khỏe của chính người sử dụng mà cho cả môi trường, và là một nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính quan trọng. Thay đổi lớn cần có trong chế độ ăn với cư dân các nước phát triển là tăng gấp bội lượng rau quả và các loại hạt, đồng thời giảm ít nhất là một nửa lượng thịt và đường, trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cụ thể là với người Mỹ, trung bình cần giảm 20 lần so với hiện nay (đang ở mức 280 gram/ngày), với người Pháp, khoảng 3 lần (46 gram/ngày).
"Thay đổi triệt để chế độ ăn" là có thể
Giáo sư Tim Lang, Đại học Luân Đôn, người lãnh đạo cuộc nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh là trong vấn đề ăn uống, nhân loại đang phạm phải "những sai lầm nghiêm trọng".
Tại các nước phát triển hay đang tăng trưởng mạnh, hàng loạt căn bệnh mãn tính, như béo phì, tiểu đường, huyết áp, hoặc một số loại bệnh ung thư là do chế độ ăn uống không đúng cách. Theo nghiên cứu nói trên, ăn uống thừa chất và không đúng cách là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Người chết do nguyên nhân này còn cao hơn cả tổng số người thiệt mạng do tiêu thụ rượu, thuốc lá, ma túy, quan hệ tình dục không được bảo vệ. Ước tính khoảng 2,4 tỉ dân cư thế giới đang sử dụng quá nhiều thực phẩm so với mức cần thiết.
Ngược lại với tình trạng ở các nước phát triển, tại phần còn lại của thế giới, hơn 800 triệu người hoặc thiếu ăn, hoặc phải sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Đây là nguồn gốc của nhiều bệnh tật và tử vong sớm.
Theo giáo sư Tim Lang, việc "thay đổi triệt để chế độ ăn" trong thế kỷ 21 là điều tuy khó, nhưng không phải là không thể được, bởi kinh nghiệm cho thấy chế độ ăn uống của con người đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ 20. Những ai có dịp sống qua nhiều thời kỳ, nhiều xã hội, nhiều điều kiện khác nhau, thì ngay trong thời gian một đời người cũng có thể ghi nhận điều này.
Các nhà nghiên cứu không hy vọng toàn nhân loại áp dụng nhất loạt "Thực đơn lý tưởng" này. Chỉ cần áp dụng một phần tình trạng sức khỏe cá nhân và sức khỏe của hành tinh cũng có đã có những cải thiện trông thấy.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 19/01/2019
Ghi chú :
(1) Mã Kiến bắt đầu đến với công chúng ở phương Tây vào năm 1993, với tập truyện ngắn "Người ăn xin ở Shigatze", dựa trên những trải nghiệm của ông ở Tây Tạng. Chính tập truyện khiến ông bị bắt vào năm 1983, và buộc phải tha hương. Tại Việt Nam, tác phẩm của Mã Kiến gần như không được biết đến. Một số truyện ngắn của Mã Kiến như "Kẻ ruồng bỏ" hay "Lễ quán đỉnh" được dịch và đăng trên trang mạng văn học hải ngoại Tiền Vệ.
Kể từ khi báo The Washington Post cho đăng bài phân tích khá chi tiết "Hiểm họa toàn cầu từ nền chuyên chế kỹ thuật số của Trung Quốc" (The Global Threat of China’s Digital Authoritarianism) (1) của hai đồng tác giả Michael Abramowitz và Michael Chertoff ngày 1/11/2018, chúng ta buộc phải giật mình nhìn lại tất cả những hoạt động gián điệp từ các công ty bình phong lớn của Tàu trên đất nước Việt Nam, không chỉ là Huawei, ZTE mà còn là Tencent, Alibaba. Khuôn khổ bài viết nhấn mạnh tới tập đoàn Alibaba thông qua hình ảnh cựu chủ tịch Jack Ma.
Từ lâu, những người Việt biết ưu tư cho tiền đồ đất nước trước tên láng giềng Tàu nham hiểm đều nhìn ra mối nguy hại của Trung Hoa Mộng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo và an ninh quốc gia. Ai cũng nhìn thấy Tàu xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta ngoài biển Đông, thấy chúng âm thầm mua đất lập chốt ở những địa điểm quan yếu khắp nước và tiến hành thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp Việt, thấy chúng ép chính quyền Việt Nam thông qua Luật Đặc Khu thuê đất đến 99 năm, cho chúng tự lái xe chạy thẳng 180km vào nội địa ta và bắt ta cho lưu hành Nhân Dân Tệ ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, không nhiều người nhìn ra Huawei và ZTE đã cài cắm bao nhiêu mạng ma (botnet) nghe lén lấy cắp thông tin, và bao nhiêu camera ghi hình trộm thông qua hàng triệu bộ định tuyến mạng không dây (router) và điện thoại thông minh (smartphone) do 2 đại công ty này sản xuất, đang được sử dụng lan tràn ở Việt Nam, vì firmware của chúng cũng là spyware (phần mềm gián điệp). Do vậy mà tính cho đến nay, đã có 4 nước là Mỹ, Nhật, Úc, Ấn chính thức cấm cửa thiết bị viễn thông của 2 công ty này ở nước họ (2), chưa kể sắp tới sẽ là Anh, Nga. Lý do chính là những lo ngại về an ninh và bảo mật thông tin, cùng bóng dáng chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn sau chúng.
Càng khó nhìn rõ hơn nữa là sự cộng tác tích cực của 2 công ty Tencent và Alibaba cho Giấc mộng Trung Hoa này. Hai ông chủ của 2 tập đoàn trên làm thành cặp "song mã" : Mã Hóa Đằng (Pony Ma) và Mã Vân (Jack Ma) nhằm kéo cỗ xe "Giấc Mộng China" cùng người cầm lái vĩ đại Tập Cận Bình lao về mốc thời gian 2025 đầy mộng tưởng "Made in China 2025" và đặc biệt là mốc 2050 vô cùng huyễn hoặc "Vượt mặt Hoa Kỳ". Hiện thì chiếc mã xa này cùng tên xà ích đang bị Donald J. Trump chặn đứng, đánh cho đảo đầu xe tuột dốc với khẩu hiệu "Make America Great Again".
Tencent xâm nhập Việt Nam bằng cửa hậu khi mua cổ phần, có thể tới 31% của VNG, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghệ internet Việt Nam (3). Bộ công cụ thu thập thông tin của Tencent gồm Wechat, Zalo (dùng nền tảng Wechat), Shopee, Wechat Pay... Cùng một cách thức, nhưng quy mô và trực tiếp hơn, Alibaba đã mua lại Lazada, ký kết với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị trung gian duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam để mở đường cho Alipay tiến vào thị trường thanh toán online Việt Nam (4). Bộ công cụ đánh cắp thông tin khách hàng của Alibaba là sàn thương mại điện tử Taobao, dịch vụ tìm kiếm eTao, Lazada, và Alipay...
Việc gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ các công cụ của Tencent như Wechat, Zalo, Shopee, Wechat pay và của Alibaba như Taobao, eTao, Lazada, Alipay cùng phát huy tác dụng đánh cắp thông tin người dùng Việt Nam cho chính phủ Trung Quốc, với sự trợ giúp đắc lực của 2 "sát thủ vô hình" đã nằm vùng Huawei và ZTE ? Nguy cơ vô cùng khủng khiếp. Chắc chắn 4 đại công ty này đang hàng giây hàng phút thu thập thông tin về Việt Nam và người dân Việt Nam mà gửi về đại bản doanh Trung Quốc theo đúng cách thức họ đã làm với Châu Phi và các nước khác (5). Tiến thêm một nấc nữa, hiện nay cả Alibaba và Tencent không còn giấu giếm tham vọng thâu tóm các hoạt động tài chính Việt Nam, "xương sống của đất nước". Tương lai Việt Nam sẽ ra sao đây ?
Hãy chọn tập đoàn Alibaba tiêu biểu mà tìm hiểu sự nham hiểm của Tàu thông qua hình ảnh Jack Ma. Có nhiều cơ sở để nhận định những phát biểu của Jack Ma trùng với các quan điểm về giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình, nên rất có thể Jack Ma chính là 1 trong những sứ giả ngầm được Tập tuyển chọn, cử đi "chém gió" tô vẽ hình ảnh Trung Quốc hùng mạnh tươi đẹp để phủ tầm ảnh hưởng văn hóa lên các nước khác, bên cạnh chính sách nhất quán của tập đoàn này là thu thập, đánh cắp dữ liệu người dùng như đích thân Jack Ma đã nói : "Thế giới sẽ là dữ liệu. Tôi nghĩ đây mới chỉ là khởi đầu cho thời đại dữ liệu".
Còn nhớ, khoảng thời gian này năm ngoái (4/11/2018 - 8/11/2018), Jack Ma đã đình đám đến Việt Nam nhân sự kiện Tuần lễ Cao cấp APEC 2017 tại Đà Nẵng. Là nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn Alibaba thuộc loại lớn nhất Trung Quốc, lại mang trên mình sự hào nhoáng của khối tài sản 47,6 tỉ USD (thời điểm đó), nên không hề ngạc nhiên khi công chúng Việt Nam chú ý đặc biệt tới ông, cá biệt còn có bạn trẻ phát cuồng đến nỗi khóc lóc quỳ lạy ông ta. Bao nhân vật đến Việt Nam còn tài năng xuất chúng hơn Jack Ma nhiều nhưng tuyệt nhiên chưa ai được quỳ lạy như thế bao giờ.
Hành trang ông mang theo đến Việt Nam ngoài các phát ngôn vô thưởng vô phạt liên quan tới quan điểm sống và những bí quyết làm giàu kiểu chung chung, dễ không như : "đừng bao giờ phàn nàn", "những người nhỏ bé rồi sẽ trở thành khổng lồ", "ngày nay kiếm tiền rất đơn giản"..., chúng còn là các lời ru ngủ mang hàm lượng mị dân rất cao như : "Alibaba sang Việt Nam mục tiêu đầu tiên không phải để làm ăn mà để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nhân phát triển kinh tế, làm ăn tốt ở nội địa rồi vươn ra cạnh tranh với thế giới". Thiệt là quá xá tốt mà !
Tuy nhiên, liên quan đến Trung Hoa Mộng thì nhận định sau đây của Jack Ma mới là thấm thía : "Hàng giả từ các nhà máy của Trung Quốc còn tốt hơn hàng thật". Điều này cũng minh định chính sách xuất khẩu hàng giả, hàng nhái của các công ty Trung Quốc được chính phủ phía sau hỗ trợ. Do đó, Alibaba với những Taobao, eBao, Alipay, Lazada chính là kẻ đi mở đường cho hàng vạn công ty Trung Quốc vào Việt Nam hợp pháp nhằm "tàn sát" nền sản xuất non yếu của nước ta bằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Mỹ và phương Tây đã cáo buộc Alibaba là ổ bán hàng giả nhưng được bảo vệ chặt chẽ bởi chính quyền. Chính quyền Mỹ xếp Alibaba vào danh sách đen các nơi kinh doanh hàng giả, với lượng hàng giả ước tính tới 1.700 tỷ USD vào năm 2015. Giả sử các công ty cứ chực chờ ăn cắp các phát minh, sáng chế của các công ty khác, rồi chế tác ra hàng nhái để đỡ công và chi phí nghiên cứu, thì sự sáng tạo sẽ sớm thui chột, không còn ai muốn sáng tạo nữa vì không lợi bằng làm giả hàng của người khác. Rốt cuộc, thế giới vắng bóng hàng thật, nghĩa là cũng chẳng còn hàng hóa nào nữa. Alibaba và nhiều công ty Trung Quốc đã và đang làm giàu bằng cách thức "đỉa hút máu" khốn nạn này.
Cứ thử đặt câu hỏi tại sao Jack Ma cùng các đồng sáng lập chọn "Alibaba" mà đặt tên cho công ty thuở sơ khai ? Có phải hoàn toàn ngẫu nhiên không ? Ai mà không biết câu chuyện "Alibaba Và 40 tên cướp" nổi tiếng trong "Nghìn lẻ một dêm" (Truyện cổ Ba-Tư). Alibaba làm giàu bằng cách nào ? Bằng cách ăn cắp lại kho báu của bọn cướp với câu thần chú : "Vừng ơi ! Hãy mở ra !". Thì ra là đi "ăn cắp" để giàu có chứ không phải lao động sáng tạo cực nhọc gì cả. Ẩn ý của Jack Ma là vậy : Ăn cắp sáng chế, sở hữu trí tuệ người khác (như Alibaba) để sản xuất hàng nhái làm giàu. Như thế mới dám nói "làm giàu không khó" chứ ! Cho tới tận bây giờ, Ali Baba hay Alibaba vẫn còn được quân đội Mỹ và quân đội Iraq sử dụng làm từ lóng chỉ bọn ăn cắp hoặc cướp bóc.
Có thể nói khái quát thế này, Alibaba đã khởi xướng tinh thần doanh nhân tập thể khi đưa hàng triệu các người bán hàng Trung Quốc lên sàn thương mại điện tử, nơi họ bỗng chốc biến thành doanh nhân có thể mở cửa hàng để bán sản phẩm của mình trên mạng. Bằng cách đó, Alibaba đã trở thành trung gian kết nối thu phí giữa người mua người bán để rồi có một kho dữ liệu khổng lồ theo thời gian. Từ đó Alibaba cũng trở nên giàu có. Tuy nhiên, mô hình của Alibaba không tính phí niêm yết và không có nhà kho để giữ hàng hóa, khiến cho nó dễ trở thành chỗ kết tập hàng nhái, dễ hơn nhiều so với mô hình của Amazon. Từ đó, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng từ cửa ngõ, hang ổ Alibaba mà tuôn đi khắp thế giới.
Người mua người bán lên sàn thương mại điện tử Taobao tha hồ mở shop, trao đổi tìm kiếm hàng hóa bằng eTao (Alibaba chặn Google và Baidu), thanh toán tiền cho nhau qua Alipay. Nếu là các quốc gia ở Đông Nam Á thì đã có cánh tay nối dài Lazada, sau khi Alibaba đã mua lại công ty này. Thế là hàng triệu shop hàng giả trên Taobao và Lazada, phối hợp nhịp nhàng với Shopee của Tencent sẽ tuồn hàng giả vô Việt Nam. Sẽ không có công ty sản xuất chân chính nào của Việt Nam tồn tại nỗi trước cơn lũ hàng nhái này. Sẽ có hàng loạt công ty trong nước phá sản. Chưa hết, giống như Wechat Pay của Tencent, công cụ thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba với quy mô lớn hơn nhiều sẽ bóp chết nền tài chính Việt một khi nó kết nối trơn tru với NAPAS (6).
Như vậy, Alibaba cũng là một vũ khí lợi hại của Trung Quốc theo chân "Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường" (BRI). Vừa dùng tiền cho vay gài bẫy nhượng địa, vừa dùng vũ lực lấn chiếm biển đảo các nước Đông Nam Á, vừa tiến hành nghe lén đánh cắp thông tin, vừa tuồn hàng giả thông qua các sàn thương mại điện tử và các trang mua bán trực tuyến, nay lại đem 2 ví tiền điện tử Alipay và Wechat Pay vào o ép các ngân hàng Việt Nam, sau khi đã bắt chính quyền cho lưu hành Nguyên Tệ ở 7 tỉnh biên giới, thử hỏi Việt Nam ta kháng cự sao đây ? Cũng nên nhớ rằng, Trung Quốc là nước in tiền cho rất nhiều nước khác, chủ yếu là các nước nằm trong lộ giới BRI (7). Có gì bảo đảm chúng không in tiền giả mà tuồn vô các nước ? Còn nếu hạn chế tiền giấy chuyển sang thanh toán điện tử thì sẽ gặp ngay cặp "song sát" Alipay và Wechat Pay.
Rất rõ ràng, Jack Ma của Alibaba đã cộng tác chặt chẽ với chính quyền Tập Cận Bình để bành trướng Trung Hoa Mộng. Trước đây, lúc chưa từ chức, Jack Ma liên tục đi đây đi đó giới thiệu mô hình thành công của Alibaba cùng quan điểm sống, kinh doanh của mình. Thời gian rảnh ở đâu mà ông có nhiều đến vậy ? Tỉ phú Mỹ lúc về hưu mới có thời gian làm việc khác. Ấy vậy mà sau khi từ chức ngày 10/9/2018 lại không thấy ông cất bước đi đâu diễn thuyết hết ? Quá kỳ lạ. Trả lời thuyết phục cho nghi vấn này thì không thể nào không cám ơn nước Mỹ, cách riêng cám ơn tổng thống Donald J. Trump, bất chấp bao lời dị nghị của các Anti-Trump về tính cách thất thường của ông.
Còn nhớ lúc Tập Cận Bình huênh hoang tuyên bố sẽ vượt mặt Mỹ vào năm 2050, trước hết bằng chương trình "Made in China 2025", thì Jack Ma cũng to miệng phụ họa không kém khi tuyên bố một câu xanh rờn : "Năm 2036, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản" (8). Ông còn hứa với Donald F. Trump là sẽ tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ. Nếu như Jack Ma không dựa vào kế hoạch "Sáng kiến Vành Đai-Con Đường" của chính phủ Trung Quốc để mở rộng Alibaba và thiết lập nền tảng thương mại toàn cầu, thì liệu rằng ông có dám mở miệng như thế ? Chắc chắn là không.
Sau khi Donald J. Trump phát động cuộc thương chiến ngày 6/7/2018 rồi cho nó leo thang bằng số tiền áp thuế ngày một tăng từ 50 tỉ USD lên 200 tỉ USD thì thầy trò Tập Bình-Mã Vân bắt đầu giảm giọng. Tập thì không dám cho báo chí phê phán ông Trump sợ Trump phật lòng, còn Mã thì lúc đầu cố vớt vát hú hoạ : "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài 20 năm" (9), sau đó Mã "xù" luôn lời hứa tạo 1 triệu công ăn việc làm cho Mỹ. Rồi khi "Nhất nhân trị" Tập Cận Bình run rẩy bắn tin muốn đàm phán với Trump thì Mã từ chức luôn (10). Cuối cùng, đầu tháng 11/2018 khi Tập kêu gọi các công ty Trung Quốc phải tự lực và "Không ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ" (11), thì Mã tắt tiếng luôn.
Trung Quốc của Tập nói chung, và Alibaba của Mã nói riêng, làm giàu bằng cách "ăn cắp" mẫu mã, nhãn mác của thiên hạ mà làm hàng giả bán khắp thế giới, nay buộc phải công khai xin lỗi Mỹ là không dám "ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ" nữa thì sau này biết làm ra tiền bằng cách gì ? Không có tiền thì Trung Hoa Mộng, Sáng kiến Vành Đai-Con Đường" làm sao mà "sống" ? Lời phát biểu trên của ông Tập chính là hành động xuống nước kéo cờ trắng xin hàng trước Trump. Jack Ma nhạy bén sớm hiểu kết cục cuộc chiến nên đã khôn ngoan từ chức. Đưa ra nhận định 20 năm nhưng cuộc chiến chỉ có thể kéo dài tối đa 2 năm vì Trung Quốc phải sụp đổ thì không từ chức sao được. "Trảm phong" ai nghe nữa đây. Hơn nữa, bên cạnh lịch sử ăn thịt người man rợ, Trung Quốc còn không có quốc tộc chỉ có truyền thống gia tộc, tông tộc. Không hạ cánh cuốn gói thì mai sau kẻ lật đổ Tập sẽ tìm Mã mà thanh lý sao ?
Tóm lại, tháng 11/2018 là một cột mốc quan trọng đánh dấu "Trung Hoa Mộng" đã chính thức vỡ mộng. Kẻ hoài nghi sẽ nghĩ Tập trá hàng. Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu cho thấy đây là Tập đầu hàng thiệt để mong giữ ngôi vương của mình. Trá hàng thì càng chết sớm với Trump, vì lãnh đạo nào trên thế giới bây giờ "trá" bằng Trump. Có gọi là "Trump Sát-na" cũng chính xác vì thay đổi của Trump nhanh cỡ Sát-na. Cứ nhìn Jack Ma và Alibaba mà theo dõi nhiệt độ "Trung Hoa Mộng". Kẻ cắp đã gặp bà già ! Dù Trump đánh Tập là đánh cho Mỹ và chỉ vì Mỹ, nhưng vô hình chung Việt Nam ta được lợi. Nếu không có Trump thì Biển Đông đã thành ao nhà của Tập ! Nhiêu đó thôi cũng đủ cám ơn ông ta thật nhiều và thật lòng rồi.
Nguyễn Hoàng Dũng
Nguồn : VNTB, 16/11/2018
Chú thích :
(1). https://thoibao.de/hiem-hoa-toan-cau-tu-nen-chuyen-che-ky-t…
(2). https://m.baomoi.com/diem-danh-nhung-quoc-gi…/c/27541022.epi
(3). http://m.plo.vn/…/co-dong-ngoai-cua-vng-lan-dau-tien-lo-die…
https://www.google.com.vn/…/duong-vao-vng-cua-tencent-trung…
(4). https://m.nguoiduatin.vn/tap-doan-alibaba-cua-ty-phu-jack-m…
(5). https://www.google.com.vn/…/trung-quoc-bac-cao-buoc-danh-ca…
https://m.baomoi.com/huawei-bi-to-an-cap-du-…/c/26935732.epi
(6).https://m.trithucvn.net/…/lo-hong-thanh-toan-tai-viet-nam-t…
(7). https://m.dantri.com.vn/…/trung-quoc-mo-rong-anh-huong-bang…
(8). http://m.cafef.vn/jack-ma-nam-2036-alibaba-se-tro-thanh-nen…
(9). https://news.zing.vn/jack-ma-chien-tranh-thuong-mai-my-trun…
(10). https://news.zing.vn/jack-ma-cong-bo-nguoi-ke-nhiem-va-ke-h…
(11). http://motgiadinh.net/tap-can-binh-keu-goi-dat-nuoc-tu-luc-…
Nước Ý cuốn theo "giấc mộng Trung Hoa"
Trong số cuối của loạt bài nói về Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, Le Monde (15/08/2017) nói đến "Tham vọng của Trung Quốc và giấc mơ của Ý".
Tập Cận Bình : Con đường tơ lụa và Giấc mơ Trung Hoa
Từ một thành phố trung bình của Ý, nằm cách Milan khoảng 1 giờ tầu hỏa, Mortara trở nên sôi động từ vài tháng gần đây vì nhà ga thành phố, một trạm vận tải có quy mô lớn của Ý, sẽ được mở rộng thêm, vì Mortara được tập đoàn Changjiu Group chọn là ga cuối của những chuyến tầu đến từ Trung Quốc. Theo phát biểu ngày 05/06 của đại diện nhà ga, "đây là món quà từ trên trời rơi xuống với thành phố".
Ngay mùa Thu 2017, mỗi tuần sẽ có hai chuyến tầu từ Thành Đô (Chengdu), thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vượt qua 10.800 km trong vòng 18 ngày để đến Mortara, thuộc vùng Lombardia. Năm 2018 sẽ có 3 chuyến mỗi tuần và sau đó sẽ nâng lên khoảng 10 chuyến. Từ hàng xa xỉ đến danh lam thắng cảnh, từ rượu vang đến ẩm thực, Ý có đủ điều điện để thu hút giới nhà giầu Trung Quốc. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp Ý thoát khỏi hai thập niên khủng hoảng và trì trệ.
Ngoài một kỷ niệm buồn vào năm 2014 khi một nhà đầu tư Thượng Hải, mua lại câu lạc bộ bóng đá Pavie của Mortara hai năm trước đó, "ra đi" với gần 1 triệu euro nợ thuế, nước Ý nói chung và vùng Milan nói riêng thu hút lượng đầu tư đáng kể của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nguyên nhân được Andrea Goldstein, kinh tế gia người Ý, nêu lên là quốc gia Nam Âu này "là cánh cửa lý tưởng để đặt chân vào Liên Hiệp Châu Âu".
Le Monde nhắc lại một vài thương vụ lớn, như công ty sản xuất lốp Pirelli được chuyển nhượng năm 2015 cho tập đoàn ChemChina của nhà nước Trung Quốc. Trên quy mô nhỏ hơn, phải kể đến vụ sáp nhập năm 2008 của Cifa, nhà sản xuất máy trộn bê tông hay Krizia trong lĩnh vực thời trang vào năm 2014. Kín đáo hơn, Trung Quốc còn có cổ phần trong nhiều cơ quan hạ tầng năng lượng (Snam và Terna) hay các doanh nghiệp điều hành đường cao tốc.
Trong lĩnh vực thể thao, vụ hai câu lạc bộ bóng đá lớn Inter Milan (thuộc gia đình Moratti) và Milan AC (thuộc nhà tỉ phú-cựu thủ tướng Ý Berlusconi) được chuyển nhượng cho Trung Quốc vẫn còn gây sốc.
Ngoài ra, thành phố Milan chọn một doanh nghiệp Thượng Hải để cung cấp hệ thống dịch vụ dùng chung xe đạp. Hệ thống hiện đại này hoạt động kết nối thông qua điện thoại di động mà không cần trạm giữ cố định với khoảng 12.000 xe được đưa vào phục vụ ngày tháng 10/2017.
Từ khi nhậm chức năm 2016, thị trưởng Milan liên tục đến Trung Quốc để thắt chặt quan hệ với các nhà đầu tư quan trọng của nước này. Có thể nói, Ý tìm mọi cách để không bị loại khỏi "Con Đường Tơ Lụa Mới" đang được hình thành.
Ngoài thành phố Milan và cảng đường sắt khổng lồ Mortara nằm trong vị trí lý tưởng, thủ đô Roma cũng muốn trở thành cửa ngõ chính dẫn vào Châu Âu bằng đường hàng hải. Ngoài ra, phải kể đến Trieste, nằm ở cửa ngõ Trung Âu, và Venice, thành phố của nhà thám hiểm Marco Polo. Tham vọng của Venice là đón những tầu biển khổng lồ từ Trung Quốc tại cảng Porto Marghera. Thậm chí, thị trưởng Luigi Brugnaro còn muốn biến Venice thành "Dubai của Châu Âu trong vòng 20 năm tới".
Để ca ngợi tình hữu nghị Ý-Trung, Bắc Kinh đã mở Viện Khổng Tử tại quê hương Macerata của nhà truyền giáo nổi tiếng Matteo Ricci hồi thế kỷ XVII.
Tây Tạng : vết thương của những mỏ khai thác lithium
Tỉnh Tứ Xuyên, nơi xuất phát của đoàn tầu sang Châu Âu, cũng bị cuốn theo vào quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Jiajika, nằm trên cao nguyên Garze ở Tây Tạng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, là mỏ quặng spodumene lớn nhất Châu Á, từ khoáng chất này có thể chiết xuất được chất lithium để sản xuất pin tái sử dụng.
Hiện hai tập đoàn Rongda và Tianqi đã có mặt tại Jiajika. Nếu như mỏ Tianqi vẫn đang trong quá trình xây dựng, thì chỉ riêng mỏ Rongda, bắt đầu khai thác, đã gây ra hai đợt ô nhiễm nghiêm trọng vào năm 2013 và 2016. Theo một thanh niên Tây Tạng trả lời phóng viên của Le Monde, "dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối và rất nhiều bò Tây Tạng lăn ra chết vì uống nước sông, hay chỉ giẫm chân vào nước. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cá bị chết".
Vấn đề ô nhiễm mỏ khiến người dân Tây Tạng bức xúc, cũng như chương trình phát triển ồ ạt mà Bắc Kinh cho triển khai ở các vùng chống lại ảnh hưởng của chính quyền trung ương. Khi sự cố xảy ra, người dân đổ cá chết ra đường để phản đối. Chính quyền điều đình, rồi triển khai cảnh sát bán quân sự. Chính quyền địa phương hứa sẽ ra văn bản đình chỉ hoạt động của mỏ Rongda "vì gây nhiễm độc", nhưng đến giờ, vẫn không ai giải thích được chất gì đã gây ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, các nhà quản lý tập đoàn Rongdan vẫn khẳng định "đó là hành động ác ý" không phải do Rongda gây ra và "một cuộc điều tra đang được tiến hành".
Cũng trong năm 2016, học sinh của một trường tiểu học bị ngộ độc vì nước, nhưng các bậc phụ huynh bị bịt miệng về vụ việc này.
Với trữ lượng khoảng 1,88 triệu tấn lithium, mỏ Jiajika chắc chắn còn tương lai trước mắt. Thậm chí, đầu năm 2017, chính quyền Garze còn tuyên bố thủ phủ Lhagang sẽ trở thành "thủ đô lithium của Trung Quốc".
Dù khoảng 1,2 triệu dân địa phương (trong đó 70% là người Tây Tạng) được hưởng lợi một phần từ sự phát triển kinh tế, nhưng chính quyền trung ương có vẻ ít quan tâm đến việc giảm bớt hay hiểu rõ hơn về những xáo trộn của những thay đổi đến con người và môi trường tại Tây Tạng.
Venezuela : "Phong trào kháng chiến" giữa thất vọng và cực đoan
Từ ngày 04/08/2017, không có thêm bất kỳ cuộc tuần hành nào phản đối chính quyền Nicolas Maduro và phe đối lập đang tìm chiến lược mới. Chính điều này lại khiến những thanh niên "kháng chiến" Venezuela có cảm giác bị phe đối lập phản bội.
Với rất nhiều thanh niên tham gia "Resistencia", họ "không còn đường quay lại và sẽ không bao giờ từ bỏ đấu tranh. Và khi cần, sẽ có cả vũ khí". Nhiều người trong số họ phải ngủ ngoài đường, bới đồ ăn thừa trong thùng rác các nhà hàng. Thậm chí, gia đình của một thanh niên "kháng chiến" chết đói trong một khu ổ chuột ở phía tây thành phố. Cảm giác tổn thương vì bị bỏ rơi, họ nói không còn gì để mất.
Tuy nhiên, hành động bạo lực của nhưng thanh niên này lại bị đánh giá là bôi nhọ hình ảnh phong trào đối lập. Thêm vào đó, các cuộc trấn áp của chính phủ cũng khiến một bộ phận thanh niên "kháng chiến" ôn hòa nhất rơi vào tình trạng thất vọng, còn một bộ phận khác bị đẩy theo con đường cực đoan.
Chính vì vậy, một nhà đấu tranh đối lập cho rằng nhiệm vụ khó khăn nhất lúc này là "thuyết phục được" những thanh niên đang bị nhiệt huyết chi phối, đang bị phe đối lập làm thất vọng cũng như bị chính phủ bóp nghẹt.
Ngân hàng Châu Âu : Bản đồ mới thời hậu Brexit
Theo chương trình, Anh Quốc sẽ chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào cuối tháng 03/2019. Dù các cuộc thương lượng giữa Luân Đôn và Bruxelles đã được bắt đầu, thì vẫn không ai biết liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận chung về lĩnh vực tài chính hay không.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng bắt đầu tìm cách xin giấy hành nghề tại một nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Le Monde nhận định "Bản đồ địa lý ngân hàng hậu Brexit đang được hình thành". Frankfurt, Dublin và Amsterdam đang chiếm ưu thế để tiếp nhận một phần khu tài chính Luân Đôn.
Frankfurt là lựa chọn của các ngân hàng Morgan Stanley, Citigroup, Standard Chartered, Nomura, Goldman Sachs, Daiwa, Sumitomo Mitsui… Dublin thu hút Barclays, ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch. Amsterdam sẽ là trụ sở của Mitsubishi UFJ và Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland). Bruxelles sẽ là trụ sở Châu Âu của Lloyd’s cùng khoảng 100 nhân viên.
Trong khi đó, Paris mới chỉ nhận được duy nhất thông báo của HSBC với khoảng 1.000 việc làm. Vẫn theo Le Monde, "Paris đang huy động sức lực trong cuộc chiến quyến rũ City". Cụ thể, quốc vụ khanh Benjamin Griveaux thuộc bộ Kinh Tế và Tài Chính đã liên tiếp sang Luân Đôn và đến Nhật Bản để vận động các ngân hàng quốc tế đặt trụ sở tại Pháp.
Theo thẩm định của chủ tịch Paris Europlace, Pháp có thể tạo được 10.000 việc làm trực tiếp nhờ Brexit. Ong Griveaux nhấn mạnh : "Thu hút các ngân hàng quốc tế đến Pháp là điểm tốt cho nền kinh tế Pháp, cho ngân sách nhà nước, đồng thời gửi tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ… Không chỉ tận dụng cơ hội Brexit, biến nước Pháp trở nên thu hút hơn còn là chiến lược lâu dài của chính phủ".
Người dân Tây Ban Nha ngán tình trạng du lịch đại trà
Từ vùng Catalunya đến đảo Balears, phải chăng người Tây Ban Nha ngày càng ghét du lịch ? Trong khi lĩnh vực này chiếm đến 11,2% GDP của đất nước và vừa đạt được kỷ lục mới về số du khách, với hơn 36 triệu người, tăng 11,6% so với năm 2016.
Le Monde nêu trường hợp gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng 7/2017, bốn người bịt mặt thuộc hội Arran, một phong trào thanh niên cực tả, bỗng chặn một xe khách du lịch ở Barcelona. Họ rạch lốp xe rồi viết lên tấm kính che gió "Du lịch giết các khu phố". Thành viên của phong trào này phản đối "một mô hình du lịch mang lại lợi nhuận cho ít người, nhưng lại làm trầm trọng điều kiện sống của phần đông dân cư".
Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, Tây Ban Nha được đánh giá là đất nước cạnh tranh nhất thế giới trong lĩnh vực du lịch nhờ thu hút lượng khách du lịch của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia vì an ninh bất ổn.
Ngành du lịch sử dụng đến 13% người ở độ tuổi lao động tại Tây Ban Nha, thậm chí là 20% ở vùng Catalunya, nhưng người lao động lại bị trả lương thấp và phải làm thời vụ, gây cảm giác "một đất nước bồi bàn" như báo chí từng cảnh báo.
Thế nhưng, ngành khách sạn lại cho rằng không nên giết con gà đẻ trứng vàng vì đã giúp Tây Ban Nha thoát khỏi khủng hoảng. Theo đánh giá của giám đốc TUI, hàng lữ hành số 1 thế giới, trong tương lai gần, Tây Ban Nha sẽ phải cạnh tranh với một số điểm du lịch mới nổi như Cap-Vert và Bulgari.
Trang nhất nhật báo
Ngày 15/08 là lễ Đức Mẹ lên trời, các nhật báo Pháp không phát hành, trừ báo Le Monde ra từ chiều hôm trước. Trang nhất của Le Monde đặt câu hỏi lớn : "Thế Vận Hội 2024, Paris muốn thổi ngọn đuốc Olympic như thế nào ?" cùng với một hồ sơ riêng nói về những thách thức mà thủ đô của Pháp phải đối mặt để chuẩn bị cho sự kiện thể thao quan trọng này.
Thời sự quốc tế nổi bật vẫn là Venezuela nhưng được Le Monde đề cập dưới khía cạnh "nỗi tuyệt vọng của giới trẻ" và vụ tấn công ở Charlottesvilles. Theo Le Monde, tổng thống "Trump bị lên án chiều lòng phe cực hữu".
Thu Hằng
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đi hàng nghìn dặm để tới gặp tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Miami thay vì đón tiếp ông Trump tại một thành phố của Trung Quốc cho thấy ở một mức độ nào đó Trung Quốc đang chấp nhận thế yếu của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Những thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ cho tới khi Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thì triển vọng Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới mới trở nên khả tín đối với nhiều nhà phân tích. Cuộc gặp thượng đỉnh ông Trump – ông Tập tuần này có thể càng củng cố thêm nhận thức đó theo nhiều cách khác nhau.
Cuộc gặp được cho chỉ là một dịp để hai nhà lãnh đạo làm quen với nhau nhưng ông Trump chắc chắn sẽ nêu lên ít nhất ba vấn đề lớn khi gặp ông Tập, đó là vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và tranh chấp Biển Đông. Dễ hiểu là cả hai vị lãnh đạo đều muốn giành được các nhượng bộ từ đối tác của mình và thể hiện hình ảnh "chiến thắng" sau hội nghị.
Xử lí ảnh : Mạnh Quân/Soha
Trong khi ông Trump muốn có một kết quả khả quan để bù đắp cho một loạt những thất bại chính trị gần đây vốn làm hao tổn uy tín chính trị trong nước của ông, thì ông Tập cũng muốn giành được một chiến thắng ngoại giao để củng cố hơn nữa vị thế chính trị của mình trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu tới.
Về vấn đề thâm hụt thương mại, ông Trump muốn hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ bằng cách áp đặt các hàng rào thuế quan cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc và thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ cũng như quốc tế chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc tới Hoa Kỳ. Nhưng tại cuộc họp, ông Trump ít có khả năng sẽ đạt được mục đích của mình.
Việc đơn phương áp đặt các hàng rào thuế quan không phù hợp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gây nên các tranh chấp thương mại và các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Đồng thời, biện pháp đó cũng có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ vốn đang tạo ra sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ cũng như mang lại cho người tiêu dùng Mỹ các hàng hóa hợp túi tiền bằng cách xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc.
Một lựa chọn khả dĩ hơn cho ông Trump có lẽ là thuyết phục Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ. Nhưng biện pháp này không thể được áp đặt tên các công ty, những chủ thể kinh tế vốn đưa ra các lựa chọn của mình dựa trên các điều kiện thị trường hơn là các quyết định chính trị.
Trong khi đó ông Trump đã ngỏ ý rằng ông sẽ gắn vấn đề thương mại song phương với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hàm ý rằng ông có thể có một lập trường mềm mỏng hơn về vấn đề thương mại nếu ông Tập có thể giúp kiềm chế một cách hiệu quả tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhận thức được vị thế tay trên của mình trong vấn đề thương mại, ông Tập ít có khả năng sẽ cúi mình trước áp lực của Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông thậm chí có thể đề nghị ông Trump ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc, điều ông Trump có thể sẽ bác bỏ.
Hơn nữa, ông Trump có thể đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, như việc hạn chế nhập khẩu than từ Triều Tiên, cho thấy Trung Quốc hầu như không có khả năng kiểm soát những gì xảy ra bên trong quốc gia láng giềng. Vì vậy, ông Trump cũng khó có thể giành được những thắng lợi chiến lược trong cuộc gặp với ông Tập liên quan tới vấn đề gai góc này.
Tương tự, cũng rất khó để ông Trump có thể giành được nhượng bộ từ phía ông Tập về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của mình, hàm ý họ sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích đó khi bị đe dọa. Nhiều nhà phân tích chỉ trích chính quyền Obama đã nhẹ tay với Trung Quốc khi cho phép Bắc Kinh bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông suốt 8 năm qua, nhưng chính quyền Obama có thể làm gì hơn để ngăn cản Trung Quốc nếu không muốn xảy ra một cuộc xung đột vũ trang lớn giữa hai cường quốc?
Ông Trump có thể muốn đảo ngược các bước tiến chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các lựa chọn của ông để đạt được mục tiêu đó đơn giản là rất hạn chế. Cuộc gặp thượng đỉnh song phương sắp tới có thể càng góp phần chứng minh cho điều đó.
Như vậy, nhiều khả năng ông Trump không thể biến cuộc gặp thượng đỉnh thành một chiến thắng ngoại giao cho Hoa Kỳ cũng như cho chính bản thân mình, và ông Tập nhiều khả năng sẽ giữ vững được lập trường của mình, thậm chí còn tỏ ra là bên giành chiến thắng. Một kết quả như vậy sẽ càng củng cố nhận thức rằng Hoa Kỳ đang "dịu giọng" với Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chấm dứt chính sách "xoay trục" của chính quyền Obama.
Quan trọng hơn, do lập trường biệt lập và chống tự do của mình cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Hoa Kỳ, ông Trump có thể không có đủ nguồn vốn và quyết tâm chính trị để trì hoãn chứ chưa nói tới đảo ngược xu thế này. Sự chuyển giao quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì vậy sẽ tăng tốc trong cũng như sau nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump nếu như Hoa Kỳ không có những thay đổi lớn và kịp thời để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu của mình.
Triển vọng đó sẽ tạo ra những tác động to lớn lên các quốc gia Châu Á, những người sẽ phải học cách chung sống với thực tế mới. Nhiều quốc gia trong khu vực đã đưa ra lựa chọn của mình. Còn Hoa Kỳ thì sao?
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : VietnamNet, 06/04/2017
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore.