Vừa Hán hóa vừa thực dân, ‘giấc mộng Trung Hoa’ sẽ chỉ là giấc mộng ?
Nhà báo François Bougon phân tích, Hán tộc được coi là chủng tộc ưu việt, và Đảng cộng sản có nhiệm vụ đưa một Trung Quốc của người Hán vào vị trí trung tâm thế giới. Thế nên phải thực hiện mưu đồ đế quốc mà Bắc Kinh gọi là "Giấc mộng Trung Hoa" : vừa Hán hóa các sắc tộc trong nước, vừa thực dân hóa thế giới bên ngoài qua "Con đường tơ lụa mới".
Một lính Trung Quốc trước pa-nô có hình Tập Cận Bình ở căn cứ hải quân trên đảo Ngang Thuyền Châu (Stonecutter), Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 30/06/2019. © Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Đại dịch corona là trọng tâm chính của các tuần san kỳ này, bên cạnh đó là mối đe dọa từ Trung Quốc. L’Express dành 30 trang báo cho việc "Tìm lại chỗ đứng", nói về cuộc chiến gay go trên lãnh vực kinh tế sau khi bị con virus từ Vũ Hán phá hoại. Trong đó nước Pháp có nhiều ưu thế, với điều kiện có chọn lựa đúng đắn, có lòng can đảm và phải tiến hành ngay lúc này. Le Point giải thích về mặt khoa học virus corona di chuyển trong không khí như thế nào, với hàng tựa "Những gì chúng ta đang hít thở thực sự". Courrier International đặt vấn đề "Nếu chúng ta thay đổi cuộc sống" sau thời kỳ phong tỏa.
Bức màn sắt đã phủ xuống Hồng Kông
Riêng tuần báo L’Obs có ảnh bìa đỏ chói với một con rồng màu đen đang cuộn mình, ẩn trong đó những khuôn mặt Donald Trump, cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, Tập Cận Bình và những con virus corona…với hàng tựa lớn : "Trung Quốc, siêu cường tự do tung hoành".
Ở trang trong, hồ sơ 12 trang của tờ báo bắt đầu bằng tấm ảnh nổi tiếng : một thanh niên Hồng Kông biểu tình bị trói quặt nằm dưới đất. Tờ báo tóm lược : cưỡng bức Hồng Kông, đàn áp dã man người Duy Ngô Nhĩ, ngoại giao hung hăng, khiêu khích quân sự…Trung Quốc của Tập Cận Bình mỗi ngày lại tỏ rõ chủ nghĩa dân tộc toàn trị với chiến lược đế quốc.
Bài viết chính mở đầu bằng nhận xét, một thành phố quốc tế vừa chết đi trước mắt chúng ta : Hồng Kông, đô thị quyến rũ, phương Tây và phương Đông hòa quyện. Lưỡi gươm Damoclès đầy đe dọa từ lúc Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013 cuối cùng đã rơi xuống.
Những tội danh với định nghĩa mù mờ trong luật an ninh quốc gia có thể ập xuống đầu bất kỳ ai. Một lời tố cáo nặc danh có thể làm một giáo viên bị điều tra và sa thải. "Khủng bố trắng" cũng diễn ra tại các doanh nghiệp, nơi mỗi người phải cẩn trọng lời nói và dè chừng kẻ chỉ điểm. Năm mươi năm sau khi bức tường ô nhục mọc lên ở Đông Berlin, người Hồng Kông bừng con mắt dậy bỗng thấy một bức màn sắt phủ xuống.
Vì sao Trung Quốc tả xung hữu đột, gây hấn khắp nơi ?
Bắc Kinh muốn thanh toán dứt điểm các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng phải chăng "phương án nguyên tử" này là chọn lựa duy nhất ? Tại sao lại hủy hoại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á, nơi 60% vốn đầu tư ra vào Hoa lục ? Và tại sao vài ngày sau đó, Bắc Kinh kết thúc nhiều thập niên tương đối hòa bình với Ấn Độ qua cuộc đụng độ dữ dội ở biên giới Ladakh, với những quả chùy đinh làm đổ những giọt máu đầu tiên từ 40 năm qua ?
Vì sao Trung Quốc lại "phóng hỏa" lần thứ hai ở phía bên kia rặng Himalaya, khi yêu sách một phần lãnh thổ quốc gia tí hon Bhutan, đồng minh của Ấn Độ ? Vì sao hôm 30/03, cả một đoàn tàu "dân quân biển" lại lao vào một khu trục hạm Nhật trong hải phận Nhật ? Tại sao một trong vô số tàu hải cảnh Trung Quốc lại đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam hôm 02/04 ? Tại sao tàu Trung Quốc thản nhiên đi vào vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines ? Sao Bắc Kinh lại điều tàu sân bay đến bờ biển Đài Loan hai lần trong tháng trước ?
Không chỉ gây hấn tứ tung với các nước về quân sự, Trung Quốc còn tấn công tin học vào Úc và các bệnh viện, phòng thí nghiệm Châu Âu đang nghiên cứu vaccin chống virus corona. Một chiến dịch ngoại giao hung hăng nhắm vào Úc, Hà Lan, Anh, Pháp và nhiều nước khác, chưa nói đến những trận khẩu chiến dữ dội với Mỹ.
Ở Hoa lục, hai công dân Canada bị tù tội từ cuối 2018 để trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ. Đảng trấn áp các luật sư, nhà báo phản biện, phá hủy mấy chục nơi thờ tự, và tiếp tục quy trình diệt chủng tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp người Tây Tạng.
Con virus làm bộc lộ bộ mặt thật đầy thủ đoạn
Tất cả các chuyên gia về Trung Quốc đều sững sờ, kinh ngạc. Cả thế giới cũng vậy, từ giới tinh hoa cho đến dư luận quần chúng. Họ bất ngờ khám phá bộ mặt thật của một siêu cường đầy đe dọa, thủ đoạn, ngạo mạn, khác hẳn với hình ảnh một đất nước cần cù, ít phô trương. Con virus corona đã làm người ta mở mắt, xóa đi mọi ảo tưởng.
Khi xảy ra tai nạn Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào điều tra và hoàn toàn nhận trách nhiệm về thảm họa. Còn Trung Quốc nhất quyết từ chối cho điều tra về virus corona, vào phút cuối dưới áp lực của khoảng 100 nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới miễn cưỡng đồng ý, nhưng đòi phải do ông tổng giám đốc vốn ngoan ngoãn với Bắc Kinh phụ trách.
Rồi đến chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" nhằm biến Trung Quốc thành ân nhân của nhân loại, chiến dịch bóp méo thông tin tởm lợm, quy trách nhiệm cho…Hoa Kỳ đã gây ra đại dịch, thậm chí cả Ý trong lúc nước này đang khốn đốn vì Covid-19. Một loạt những thủ đoạn thay vì đánh bóng lại làm hình ảnh Trung Quốc thêm xấu xí.
Vừa Hán hóa vừa thực dân
Theo chuyên gia Valérie Niquet, việc phô trương cơ bắp này có thể gây phản tác dụng. Chẳng hạn tất cả các chính khách Ấn Độ hiện rất bức xúc, đòi hỏi thủ tướng Modi phải cứng rắn hơn. L’Express tiết lộ, ông Modi đã đặt mua 33 chiến đấu cơ của Nga cùng với hỏa tiễn và đạn dược trị giá 4,7 tỉ euro. New Delhi đã chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó TikTok bị mất đi 1/3 thị trường.
Nhà sử học François Godement nhận định, chế độ Bắc Kinh đang chuyển sang hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, thậm chí phát-xít. Theo nhà nghiên cứu chính trị François Heisbourg, sở dĩ Trung Quốc hung hăng khiêu khích một loạt các nước vì cho rằng thời cơ của mình đã đến. Một đế quốc coi các nước khác kể cả Châu Âu là những chư hầu, như trong thời nhà Minh trước đây, như nước Đức trước Đệ nhất Thế chiến và nước Nhật trước Đệ nhị Thế chiến.
Nhà báo François Bougon phân tích, Hán tộc được coi là chủng tộc ưu việt, và Đảng cộng sản có nhiệm vụ đưa một Trung Quốc của người Hán vào vị trí trung tâm thế giới. Thế nên phải thực hiện mưu đồ đế quốc mà Bắc Kinh gọi là "Giấc mộng Trung Hoa" : vừa Hán hóa các sắc tộc trong nước, vừa thực dân hóa thế giới bên ngoài qua "Con đường tơ lụa mới".
Giấc mộng Trung Hoa sẽ chỉ là giấc mộng
Nhưng liệu giấc mơ có thành sự thực ? Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) ở California cho rằng Trung Quốc đang lặp lại sai lầm của Liên Xô cũ – bám vào những quan điểm lỗi thời, tập trung quyền hành vào tay cá nhân. Một chế độ trước đây vươn lên được nhờ thực dụng, nay ý thức hệ cứng nhắc và biến tướng sang toàn trị. Cách đây một thập niên, Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều luồng tư tưởng khác nhau và quyết định theo tập thể, nay là một bộ máy chỉ phục vụ cho Tập Cận Bình.
Theo L’Obs, giấc mộng Trung Hoa có thể chỉ là một giấc mộng. Nhiều quốc gia đang đưa sản xuất trở về nước hoặc đa dạng hóa nguồn cung, dịch chuyển sang các nước gần hơn hoặc đáng tin cậy hơn. Phân nửa các con nợ của chương trình "Con đường tơ lụa mới" 1.000 tỉ đô la có nguy cơ không trả nổi, nhất là Kyrgyzstan và Sri Lanka.
GDP Trung Quốc năm nay có thể chỉ tăng 1%, nợ công cùng với các món nợ của địa phương và công ty quốc doanh đã lên đến 300% GDP, 80 triệu người thất nghiệp trong đó có 9 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Bất bình đẳng xã hội tiếp tục : chính thủ tướng Lý Khắc Cường thú nhận hiện có 600 triệu người Trung Quốc thu nhập dưới 125 euro một tháng.
Đài Loan, nạn nhân sắp tới ?
Kinh tế suy sụp, giới trung lưu thất vọng, người nghèo phẫn nộ…có thể thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và phiêu lưu quân sự của Bắc Kinh. Đài Loan có thể là mục tiêu sắp tới.
"Một khi thanh toán xong Hồng Kông, chúng tôi sẽ giải quyết Đài Loan. Việc thống nhất bằng giải pháp quân sự là không thể tránh khỏi". Nội dung từ một tài khoản Twitter của chính quyền Trung Quốc tháng 9/2019 lập tức khiến Đài Bắc và Washington chú ý. Mười tháng sau, lời đe dọa thứ nhất đã trở thành sự thực, còn lại Đài Loan trong tầm ngắm.
Theo các nhà phân tích của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc với ngân sách gấp 15 lần Đài Loan, đã có tất cả những phương tiện cần thiết cho việc đổ bộ. Và theo lời đồn đãi thì cuộc xâm lăng sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng. Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông đã được hạ thủy cuối 2019, có thể chặn phía Thái Bình Dương để ngăn tăng viện của Mỹ.
Hồng Kông : Một đất nước, hai quốc tịch
Về Hồng Kông, trong bài "Một đất nước, hai quốc tịch", The Economist cho biết những người dân muốn ra đi có nhiều lựa chọn. Canada là nước có nhiều người Hồng Kông sinh sống nhất, có thể cấp giấy phép thường trú nếu đầu tư 112.000 đô la, một món tiền không cao so với giá nhà đắt đỏ ở đặc khu. Úc đề nghị gia hạn 5 năm cho những người Hồng Kông hiện đang cư trú, còn visa theo đầu tư tốn đến 1,1 triệu đô la.
Đài Loan với tương đồng văn hóa và ngôn ngữ, là hướng đến ưa thích của 50% người Hồng Kông muốn đi tị nạn. Đặc biệt Anh sẵn sàng tạo điều kiện cho 2,9 triệu dân cựu thuộc địa cư trú, với khả năng nhập tịch sau này. Các công ty tư vấn di trú như Andrew Lo trước đây nhận 10 yêu cầu một ngày, nay lên đến 200 hồ sơ/ngày, đơn xin cấp tư pháp lý lịch vốn cần thiết để xin visa tăng 40%.
Cảnh giác với những vi phân tử mang mầm bệnh Covid trong không khí
Chuyển sang lãnh vực y tế, Le Point dành trọn hồ sơ cho virus corona chủng mới. Lá thư ngỏ của 239 nhà nghiên cứu trên tạp chí Clinical Infectious Diseases được New York Times đăng lại ngày 04/07 cảnh báo : con virus lan tràn trong không khí bằng những hạt nhỏ li ti ở khoảng cách xa hơn hai mét. Họ khuyến cáo nên mang khẩu trang, và nếu có thể thì nên hạn chế hô hấp. Lá thư hướng đến Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi tổ chức này không ngừng lặp lại là con virus lan đi qua những giọt bắn lớn.
Một con virus đường hô hấp lây lan trong không khí thật ra không có gì đáng ngạc nhiên, như virus SARS (2002), cúm H1N1 (năm 2009), MERS (2012). Và đầu năm nay, đã có những vụ một người nhiễm Covid ở cuối xe hắt hơi, tài xế xe buýt bị lây như tại Trung Quốc, trong hành trình một tiếng rưỡi 23/67 hành khách đã bị nhiễm. Cũng tại Trung Quốc, 10 thực khách ngồi cách nhau 1 mét và không tiếp xúc với nhau bị lây vì máy lạnh, phân nửa 30 người tham gia một khóa đào tạo trong phòng máy lạnh khoảng 4 tiếng đồng hồ trở thành nạn nhân của virus corona…
Các phân tử lớn hơn 20 micromét (micromét = 1 phần triệu mét) không đi vào sâu, trong khi những phân tử nhỏ hơn vào tận phổi và lập tức gây nhiễm trùng thể nặng. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào môi trường xung quanh : một người bệnh hắt hơi trong một lò sát sinh khép kín gây tai họa nhiều hơn ở một vùng đất vắng người. Giáo sư Arnaud Fontanet cảnh báo, lượng virus corona chủng mới trong không khí đậm đặc hơn virus SARS có thể đến 1.000 lần, và theo bác sĩ Bruno Grandbastien, virus corona lơ lửng trên không suốt 24 tiếng đồng hồ. Thế nên khuyến cáo chung là : hãy đeo khẩu trang, chú trọng việc thông gió.
Virus corona làm người nghèo khốn khó, tỉ phú thêm giàu
Về mặt kinh tế, tác giả Pierre-Antoine Delhommais trong bài "Covid-19, cuộc sống và chứng khoán" nói lên một nghịch lý, con virus corona gieo rắc đau thương ở những nơi nó đi qua, nhưng trên thị trường tài chính, có nhiều người nhờ đó lại làm giàu.
Chẳng hạn cổ phiếu của nhà sản xuất găng tay latex Top Glove của Malaysia đã tăng 403%, phòng thí nghiệm Mỹ Moderna Therapeutics có cổ phiếu tăng giá 325%. Thật kỳ lạ khi kinh tế Mỹ bị suy thoái nặng nhất kể từ một thế kỷ, chỉ số S&P 500 của Wall Street lại tăng 1,4%. Cần nhớ rằng thị trường chứng khoán New York đã lao dốc 33% trong khủng hoảng tài chính 1929, và đến 30 năm sau mới hồi phục được. Đặc biệt chỉ số Nasdaq các cổ phiếu công nghệ vượt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Một phần đáng kể trong số hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô la, euro, yen, nhân dân tệ từ các Nhà nước và ngân hàng trung ương nhằm đối phó với đại dịch và khủng hoảng kinh tế, thay vì vun xới cho nền kinh tế thực, cho tiêu dùng và đầu tư, sẽ rơi vào Wall Street và các thị trường chứng khoán khác. Không ít người Mỹ dùng tấm séc 1.200 đô la nhận được chính phủ để mua cổ phiếu thay vì mua sắm hàng hóa, còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp lợi dụng lãi suất 0% để đặt cược vào chứng khoán.
Từ đầu năm nay, tài sản của Jeff Bezos, ông chủ Amazon đã tăng thêm 69 tỉ đô la, Elon Musk, chủ Tesla giàu thêm 47 tỉ đô la. Ngược lại theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 100 triệu người trên thế giới sẽ lâm vào cảnh đói nghèo với thu nhập dưới 1,9 đô la một ngày. Con virus corona rõ ràng không ưa người nghèo – tỉ lệ tử vong nơi người Mỹ da đen cao gấp 3,8 lần so với người da trắng. Sự cất cánh của cổ phiếu Amazon và Tesla chứng tỏ Covid rất thích người giàu.
Thụy My