Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/08/2020

Người dân Hồng Kông bắt đầu nếm mùi độc tài cộng sản

RFI tổng hợp

Hồng Kông ra lệnh truy nã quốc tế nhắm vào nhiều nhà ly khai (RFI, 01/08/2020)

Chính quyền Hồng Kông tiếp tục đẩy mạnh trấn áp đối kháng bằng công cụ luật an ninh quốc gia. Theo báo chí Trung Quốc vào hôm 31/07/2020, một loạt lệnh truy nã quốc tế vừa được chính quyền thân Bắc Kinh ban bố để bắt giữ những nhà hoạt động dân chủ, kể cả họ có quốc tịch nước ngoài hay đang ty nạn.

hongkong1

Cờ Hồng Kông được phất lên nhân một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông trước đại sứ quán Trung Quốc ở Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 31/07/2020.  Reuters - JOHN SIBLEY

Truyền thông chính thức Trung Quốc đưa tin cảnh sát Hồng Kông đã ra lệnh bắt giữ 6 nhà hoạt động dân chủ hiện đang sống lưu vong vì bị tình nghi vi phạm luật an ninh quốc gia.

Trong số những người bị cảnh sát Hồng Kông truy nã ở nước ngoài, có các nhà hoạt động La Quán Thông (Nathan Law) và Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), hiện đang tị nạn tại Anh Quốc.

Một nhà hoạt động dân chủ khác, Samuel Chu, có quốc tịch Mỹ, hiện lãnh đạo Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, cũng xác nhận ông bị truy nã vì tội danh "xúi giục lật đổ và thông đồng với các thế lực nước ngoài".

Hồng Kông : Phe dân chủ phản đối chính quyền quyết định hoãn bầu cử

Lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm qua thông báo lùi lại 1 năm cuộc bầu cử lập pháp tại đặc khu hành chính, dự trù vào tháng 9 tới với lý do tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp. Ngay lập tức quyết định này đã bị phe đối lập ủng hộ dân chủ phản đối, coi đó chỉ là cái cớ để tranh thất bại cho phe thân Bắc Kinh.

Thông tín viên RFI trong khu vực, Stéphane Lagarde ghi nhận phản ứng của phe dân chủ tại Hồng Kông :

Cuộc bầu cử bị hoãn lại vì có những người bị cách ly không thể đi bỏ phiếu hay do các phòng bỏ phiếu quá chật hẹp khiến virus dễ lây lan… Những lập luận như vậy của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không thuyết phục được phe dân chủ Hồng Kông. Theo Andrew Shum, đại diện công đoàn giáo viên thì đó chỉ là cái cớ.

Ông nói : "Đa số người dân Hồng Kông đã có kinh nghiệm với virus rồi. Chúng tôi e rằng đại dịch chỉ là cái cớ để chính quyền hoãn bầu cử vì họ lo sẽ thất bại".

Sau khi một số ứng viên của phe dân chủ bị truất quyền ra ứng cử, đây là một đòn mới đánh vào đối lập. Làm gì khi mà người ta không còn được bày tỏ chính kiến qua lá phiếu cũng như trên đường phố ? Hãy kháng cự như những người bảo vệ các quyền tự do ở Hoa Lục, Bonni Leung, một nhà đấu tranh dân chủ khẳng định. Cô cho biết :

"Vì Hồng Kông sẽ rất nhanh chóng trở thành như Trung Quốc, chúng tôi phải noi theo hành động của những anh hùng bảo vệ nhân quyền như ở Trung Quốc. Vì giờ chúng tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự, nếu chúng tôi yêu thành phố của mình, chúng tôi phải chiến đấu giống như họ".

Chiến đấu và lên án vi phạm Hiến pháp. Về phần mình, bà lãnh đạo chính quyền Hồng Kông khẳng định đã có quyết định khó khăn nhất cuộc đời mình.

Anh Vũ

*********************

Hồng Kông : Bị loại khỏi bầu cử, phe dân chủ thề tiếp tục đấu tranh (RFI, 31/07/2020)

Hôm 31/08/2020, Hoàng Chi Phong, gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, đã hứa sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh, mặc dù nhiều ứng cử viên Hội đồng Lập pháp, trong đó có bản thân anh, bị loại khỏi cuộc bầu cử.

hongkong2

Hoàng Chi Phong, gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông, bị loại khỏi cuộc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp.  Reuters - Joshua Roberts

Hôm 30/072020 chính quyền Hồng Kông đã thông báo 12 ứng cử viên của phe dân chủ là họ không được quyền ra tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 9 để bầu lại Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện của thành phố. Trong thông cáo, chính quyền đặc khu nêu lên các lý do của việc loại các ứng cử viên đó, chẳng hạn như một số ứng cử viên đã chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông, hoặc không chịu công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Một số ứng cử viên thậm chí còn bị loại với lý do là họ muốn … giành đa số ở Hội đồng Lập pháp !

Đúng là phe dân chủ đang hy vọng là, sau phong trào biểu tình rầm rộ năm 2019 và sau thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tháng 11 năm ngoái, họ sẽ có thể giành được đa số ở Hội đồng Lập pháp, mà cho tới nay vẫn do phe thân Bắc Kinh nắm giữ.

Đối với phe dân chủ, việc loại các ứng cử viên của họ là một vụ "gian lận bầu cử" chưa từng có trong lịch sử Hồng Kông. Trong cuộc họp báo hôm nay, Hoàng Chi Phong tuyên bố : "Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cự và chúng tôi hy vọng là thế giới sẽ đứng về phía chúng tôi trong những cuộc chiến đấu sắp tới".

Theo nhận định của hãng tin AFP, việc loại các ứng cử viên phe dân chủ khỏi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp là một bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh siết chặt thêm sự kiểm soát đối với Hồng Kông, mặc dù cựu thuộc địa Anh Quốc phải được hưởng một quyền tự trị rộng rãi cho đến năm 2047, theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

Hồng Kông hoãn bầu cử Hội đồng Lập pháp

Ngày 31/07/2020, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chính thức thông báo hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng Chín, do dịch Covid-19 tái bùng phát. Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đây là "quyết định khó khăn nhất trong 9 tháng vừa qua". Cuộc bỏ phiếu bị dời lại đúng một năm, và dự trù được tổ chức vào ngày 05/09/2021. Chắc chắn phe đối lập sẽ phản đối mạnh mẽ quyết định nói trên.

Thanh Phương

***********************

Hồng Kông : 4 sinh viên bị bắt theo luật an ninh quốc gia (RFI, 30/07/2020)

Bốn sinh viên Hồng Kông thuộc một nhóm đòi độc lập (nay đã giải tán), hôm 29/07/2020, đã bị cảnh sát bắt giữ trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia. Đây là các vụ bắt bớ đầu tiên nhắm vào những khuôn mặt hoạt động chính trị, kể từ khi Trung Quốc áp đặt đạo luật này lên Hồng Kông ngày 30/06.

hongkong3

Hồng Kông ngày 29/07/2020 đã có vụ bắt giữ đầu tiên chiếu theo luật an ninh quốc gia nhắm vào những người hoạt động chính trị.  AFP - ANTHONY WALLACE

Ba nam và một nữ sinh viên, tuổi từ 16 đến 21, bị cáo buộc "tổ chức và xúi giục ly khai". Một sĩ quan thuộc đơn vị an ninh quốc gia mới được thành lập của cảnh sát Hồng Kông nói với báo chí là nhóm này gần đây loan báo trên mạng xã hội việc thành lập một tổ chức đòi độc lập cho Hồng Kông. Cảnh sát cũng tịch thu máy tính, điện thoại và một số tài liệu.

Trong một thông cáo, Student Localism (Học Sinh Động Nguyên), một nhóm đã tự giải tán vào tháng Sáu, cho biết cựu lãnh đạo của nhóm là Chung Hàn Lâm (Tony Chung), 19 tuổi đã bị bắt giữ vào lúc 20 giờ 50 tối qua. Các hình ảnh trên mạng cho thấy sinh viên Chung Hàn Lâm bị còng tay dẫn đi tại Nguyên Lãng (Yuen Long). Hai cựu thành viên khác của nhóm cũng được báo chí nhận ra.

Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Chi Phong tố cáo cảnh sát đã theo dõi Chung Hàn Lâm từ nhiều ngày qua và đã ra tay sau một bài đăng trên Facebook về dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc.

Cũng trong hôm qua, Trung Quốc lên án việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) hạn chế xuất khẩu các thiết bị có thể dùng để giám sát và đàn áp dân Hồng Kông, nhằm phản ứng lại việc áp đặt luật an ninh quốc gia lên đặc khu. EU cũng tạo điều kiện cho cư dân Hồng Kông đến Châu Âu dễ dàng hơn qua việc cấp visa, học bổng và trao đổi giữa các trường đại học. Bắc Kinh tố cáo EU "can thiệp vào chuyện nội bộ", và các biện pháp trên "vi phạm các tiêu chí căn bản của luật quốc tế".

Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh quyền biểu tình ôn hòa

Trong khi đó Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm qua 29/07 tái khẳng định quyền biểu tình ôn hòa, cảnh cáo không nên lấy cớ an ninh hay dịch tễ để cản trở quyền căn bản này. Ủy ban công bố chỉ thị cụ thể về tập hợp ôn hòa và nghĩa vụ của các chính quyền, theo điều 21 Hiệp ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Ông Christof Heyns, tác giả bản báo cáo, tuyên bố biểu tình ôn hòa là quyền căn bản của con người, là cơ sở của một xã hội dân chủ. Tất cả mọi người đều có quyền biểu tình tại những nơi công cộng, hoặc riêng tư và trên mạng. Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhắc nhở các chính phủ cho phép xuống đường ôn hòa và bảo vệ người biểu tình, không được viện những cớ chung chung, như trật tự an ninh công cộng, để cấm đoán.

Người biểu tình có quyền che mặt để giấu danh tính, chính phủ không được thu thập dữ liệu cá nhân để đe dọa, hoặc phong tỏa Internet. Các nhà báo và nhà quan sát nhân quyền có quyền đưa tin và thu thập tài liệu về các cuộc biểu tình, kể cả những cuộc bị cấm đoán và mang tính bạo lực.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)