Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tôi nên làm gì với số báo Apple Daily đó ?"

Một người Hong Kong mà tôi vừa trò chuyện qua điện thoại dạo gần đây đã đột nhiên hạ giọng khi hỏi câu này, nhắc tới tờ báo ủng hộ dân chủ mà chính phủ Trung Quốc buộc đóng cửa vào năm 2021.

"Tôi nên ném chúng đi hay gửi chúng cho bà ?"

Những cuộc trò chuyện của tôi với những người bạn Hong Kong giờ đây tràn ngập những lời thì thầm như vậy. Tuần trước, thành phố này đã ban hành một luật an ninh hà khắc – cuộc tấn công qua kênh lập pháp thứ hai đối với các quyền tự do của Hong Kong kể từ năm 2020. Được gọi là Điều 23 (Article 23), đạo luật mới mở rộng Luật An ninh Quốc gia và hình sự hóa những hành vi mơ hồ như sở hữu thông tin "có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho thế lực bên ngoài."

hongkong1

Người dân Hồng Kông bất động chờ bị rắn nuốt - Ảnh minh họa

Hong Kong từng là một nơi mà người dân không phải sống trong sợ hãi. Thành phố có nền pháp trị, giới báo chí sôi động, và một cơ quan lập pháp bán dân chủ để đối trọng với chính quyền. Kết quả là một thành phố với năng lượng tự do chưa từng có ở Trung Quốc. Bất cứ ai lớn lên ở Trung Quốc trong thập niên 1980 và 1990 đều có thể hát những bản Cantopop của các ngôi sao Hong Kong như Mai Diễm Phương, và đó chính là vấn đề đối với Bắc Kinh : tự do là thứ quyến rũ, đáng khao khát.

Khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, người dân thành phố này đã thiện chí chấp nhận lời hứa của Bắc Kinh rằng hệ thống tư bản và lối sống của họ sẽ không thay đổi trong suốt 50 năm, và thành phố sẽ tiến tới phổ thông đầu phiếu trong việc bầu cử lãnh đạo.

Nhưng lời hứa đã không trở thành hiện thực. Giờ đây, người dân Hong Kong đang âm thầm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ sách vở, áo phông, đoạn phim, tập tin máy tính và các tài liệu khác từ thời kỳ hoàng kim, khi trung tâm tài chính quốc tế này vẫn được biết đến nhờ khát vọng tự do cuồng nhiệt của người dân.

Tôi thường nói đùa rằng mình chẳng bao giờ phải xem những loạt phim viễn tưởng như Chuyện Người tuỳ nữ và Đấu trường Sinh tử. Là một người đã sống và làm việc nhiều năm ở Hong Kong và Trung Quốc, tôi biết rõ cảm giác chìm dần vào sự đàn áp và nhớ về cuộc sống tự do của ngày xưa là như thế nào.

Vì Bắc Kinh liên tục thất hứa suốt nhiều năm, người dân Hong Kong đã xuống đường để bảo vệ quyền tự do của mình gần như vào mỗi mùa hè oi ả. Năm 2003, các cuộc biểu tình của nửa triệu người đã buộc chính phủ Hong Kong phải từ bỏ nỗ lực trước đó nhằm áp dụng Điều 23. Năm 2014, hàng trăm nghìn người đã chiếm đóng một cách hòa bình các khu vực của thành phố trong 79 ngày, để phản đối các động thái của Bắc Kinh nhằm đảm bảo rằng chỉ những ứng viên mà Đảng cộng sản Trung Quốc chấp thuận mới có thể tranh cử làm lãnh đạo cao nhất của Hong Kong.

Nhưng người Hong Kong đã không chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chủ tịch Tập Cận Bình, kiến trúc sư của một cuộc đàn áp đáng sợ khác ở xa đại lục.

Năm 2017, tôi bắt đầu nhận được báo cáo rằng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác đang bị đưa vào các trại "giáo dục chính trị" ở vùng tây bắc Tân Cương. Những người may mắn trốn thoát được kể với tôi rằng biên giới Tân Cương đột nhiên bị đóng cửa, việc rời đi trở nên bất khả thi, và những lời nói hoặc hành vi từng được chấp nhận – chẳng hạn như việc cầu nguyện ở nhà hàng xóm – có thể khiến bạn bị bỏ tù. Các quan chức sẽ vào nhà để kiểm tra kệ sách và đồ trang trí. Người Duy Ngô Nhĩ đã phải vứt bỏ các bản sao Kinh Quran hoặc sách viết bằng tiếng Ả Rập, vì sợ chúng sẽ khiến họ "bị biến mất" hoặc bị bỏ tù vì không đủ lòng trung thành với Đảng cộng sản Trung Quốc. Một người đàn ông nói với tôi rằng anh đã đốt một chiếc áo phông có bản đồ Kazakhstan trên đó – nhiều cư dân Tân Cương là người tộc Kazakh, có thành viên gia đình đang sống ở bên kia biên giới – bởi vì bất kỳ mối liên hệ nào với nước ngoài đều tiềm ẩn rủi ro.

Khi những câu chuyện về sự đàn áp và nỗi sợ hãi xuất hiện từ Tân Cương, chúng ngay lập tức được nhận ra ở Hong Kong. Năm 2019, chính quyền thành phố đề xuất một dự luật cho phép dẫn độ sang đại lục. Nỗi sợ hãi và giận dữ – và cảm giác rằng người Hong Kong cần phải chiến đấu đến cùng khi còn có thể – đã bùng nổ thành những tháng ngày biểu tình.

Một trong những khẩu hiệu biểu tình của năm 2019 – "Tân Cương hôm nay là Hong Kong ngày mai" – đối với tôi vào thời điểm đó nghe có vẻ hơi cường điệu. Năm năm sau ngày ấy, nó lại trở nên như một lời tiên tri. Ngày nay, chính người Hong Kong đang vứt bỏ những cuốn sách và áo phông "nguy hiểm." Một số người tôi biết đã âm thầm rời khỏi một nhóm trò chuyện trực tuyến có các tổ chức và cá nhân nước ngoài, bởi điều đó có thể khiến các thành viên Hong Kong của nhóm gặp nguy hiểm. Những người khác đang dần từ bỏ mạng xã hội, và hàng chục ngàn người thậm chí đã rời khỏi Hong Kong.

Sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong vào năm 2020, họ đã sử dụng luật này để tiêu diệt phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố bằng cách bỏ tù các nhà lãnh đạo phong trào. Hơn 1.000 người trong số này vẫn ở trong tù. Lo sợ bị bắt giữ, các liên đoàn lao động độc lập và các cơ quan truyền thông đã giải tán. Các thư viện đã thu hồi hàng trăm cuốn sách khỏi kệ. Phim ảnh và kịch đều bị kiểm duyệt. Công chức không còn có thể giữ thái độ trung lập và buộc phải cam kết trung thành với chính phủ.

Cả Luật An ninh Quốc gia và Điều 23, được thông qua vào tuần trước, đều là những công cụ có phạm vi rộng, mơ hồ và thô bạo, nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến các quyền tự do dân sự và biến các thể chế bảo vệ quyền tự do của người dân thành công cụ đàn áp. Theo Điều 23, bất kỳ ai bị kết tội tham gia cuộc họp của một "tổ chức bị cấm," hoặc tiết lộ "bí mật nhà nước" được định nghĩa mơ hồ một cách "bất hợp pháp" đều có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.

Bắc Kinh đã mô tả sự đàn áp này bằng những thuật ngữ như "pháp quyền," và những người khách đến thăm Hong Kong thường không thể nhận ra những biến đổi đang diễn ra bên dưới vẻ hào nhoáng của thành phố. Điều đó khiến phần còn lại của thế giới bị tách rời khỏi thực tế ở Hong Kong – không thể thông cảm với các nạn nhân của Bắc Kinh, không thể nhận ra họ đang thoi thóp dưới sức nặng ngày một lớn này.

Một người quen ở Hong Kong nói với tôi rằng những người mà anh ấy biết đã trở nên thờ ơ với việc đột ngột bị mất tự do, và chỉ lạnh lùng đứng nhìn thành phố và những giá trị của nó bị hủy hoại. Tuy nhiên, những người khác, dù đã trải qua nhiều năm bị đàn áp, vẫn bày tỏ hy vọng và thái độ thách thức. Sự đoàn kết được rèn giũa qua gần hai thập kỷ hoạt động dân chủ sâu rộng sẽ không dễ dàng chết đi. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong tháng này cho thấy hơn 80% người Hong Kong vẫn muốn có dân chủ, bất kể khả năng đó có vẻ xa vời đến đâu ở thời điểm hiện tại.

Chính phủ Trung Quốc muốn thế giới quên đi Hong Kong, quên đi thành phố này đã từng như thế nào, quên đi những lần thất hứa của Bắc Kinh. Nhưng người dân Hong Kong sẽ không bao giờ quên. Đừng nhìn đi chỗ khác.

Maya Wang

Nguyên tác : "Hong Kongers Are Purging the Evidence of Their Lost Freedom," New York Times, 26/03/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/04/2024

Maya Wang là quyền giám đốc chi nhánh Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Published in Diễn đàn

Bị buộc phải rời khỏi thành phố sau những cuộc đàn áp của Trung Quốc, cộng đồng người Hong Kong hải ngoại đang chiến đấu để cứu nền văn hóa ở quê nhà.

hk1

Một phần tư thế kỷ sau khi Hồng Kông được trao cho quyền cai trị của Trung Quốc, các nghệ sĩ, nhà giáo dục và nhà hoạt động của thành phố đang phải rời đi, bị kìm hãm bởi một cuộc đàn áp về quyền tự do dân sự và thể hiện văn hóa. © Tranh minh họa bởi Tania Vicedo

Có một cảm giác hoài cổ phảng phất trong hội chợ Hong Kong khai mạc ở Vancouver, khi khoảng 3.000 người tham dự đi từ gian hàng này sang gian hàng khác, trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông và chia sẻ những kỷ niệm về thành phố quê hương của họ.

Trong số những món đồ được bày bán có những cây nến hình dim sum, trang sức hình chiếc ô, và tranh vẽ đường chân trời rực sáng ở Cảng Victoria.

Tại quầy hàng của mình, Adrianna, một người mới vừa di cư từ Hong Kong sang, bày một loạt các món ăn đường phố Hong Kong thường thấy – cá viên, bánh quế trứng, và bánh bao xíu mại truyền thống – trong khi bật những bản nhạc pop Quảng Đông.

Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện là sự đồng nhất văn hóa của Hong Kong với Trung Quốc đại lục, một quá trình đang được đẩy mạnh kể từ khi Bắc Kinh áp đặt đạo luật an ninh quốc gia hà khắc vào năm 2020. "Người ta lo ngại về sự xâm nhập văn hóa [từ đại lục]", nữ tình nguyện viên 27 tuổi của nhóm Các Nhà hoạt động Vancouver vì Hong Kong giải thích. "Hong Kong bây giờ không phải là Hong Kong mà tôi từng biết".

Giống như hàng trăm nghìn người khác trước cô, Adrianna miễn cưỡng rời Hong Kong vào năm ngoái sau khi chứng kiến cuộc đàn áp không ngừng đối với các quyền tự do dân sự, và sự xói mòn liên tục của nền văn hóa đặc trưng của Hong Kong.

hk2

Sau khi biểu tình bị cấm ở Hong Kong theo luật an ninh quốc gia, những người di cư gốc Hong Kong ở Vancouver đã xuống đường vào đầu tháng 6 để kỷ niệm ba năm kể từ cuộc biểu tình năm 2019. © Các Nhà hoạt động Vancouver vì Hong Kong

"Triển vọng cho bất kỳ quyền dân chủ nào cũng ngày càng mong manh, đó là lý do tại sao tôi biết rằng không còn hy vọng cho Hong Kong", Adrianna nói với Nikkei Asia.

25 năm trước, khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc sau 156 năm dưới quyền cai trị của Anh, người Hong Kong được Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đảm bảo rằng lối sống độc đáo của thành phố sẽ không bị thay đổi.

Quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và pháp quyền phải được bảo vệ theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Điều này cho phép Hong Kong nuôi dưỡng một bản sắc và một tập hợp các giá trị khác biệt với Trung Quốc đại lục. Đó là một nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố chung Trung-Anh, một hiệp ước quốc tế được đăng ký với Liên Hiệp Quốc.

Khi được bầu vào năm 2017, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đặc khu trưởng sắp mãn nhiệm của thành phố, cũng giống như các nhà lãnh đạo trước bà, nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc độc lập của Hong Kong. "Với tư cách là đặc khu trưởng", bà thề, "tôi sẽ làm hết sức mình để duy trì ‘một quốc gia, hai chế độ’ và bảo vệ các giá trị cốt lõi của chúng ta".

"Hong Kong là một xã hội đa dạng, nơi những quan điểm khác nhau cùng tồn tại. … Các giá trị như tính bao trùm, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, sự tôn trọng nhân quyền và các hệ thống mà nhiều thế hệ đã dày công thiết lập, chẳng hạn như tư pháp độc lập, pháp quyền, và chính phủ trong sạch, là những vấn đề mà người Hong Kong chúng ta cho là quý giá và đáng tự hào", Lâm nói trong bài phát biểu chiến thắng của mình.

hk3

Carrie Lam phát biểu nhân kỷ niệm 22 năm Hong Kong được bàn giao từ Anh cho Trung Quốc, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của thành phố vào ngày 01/07/2019. (Ảnh của Rie Ishii)

Thay vào đó, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, Lâm – và chính phủ Trung Quốc – đã phá bỏ hệ thống làm nền tảng cho thành phố, bịt miệng những người bất đồng chính kiến, và bóp chết các quyền tự do đáng được trân trọng. Luật an ninh quốc gia, được ban hành vào tháng 06/2020, cấm bất cứ hành động nào mà chính phủ cho là mang tính lật đổ, ly khai, cấu kết với nước ngòai, và khủng bố – bao phủ thành phố với cái mà nhiều người mô tả là "khủng bố trắng". Lo lắng về những lằn ranh đỏ bị thay đổi, người Hong Kong giờ đây giờ tự kiểm duyệt chính mình, hoặc chỉ lặp lại những quan điểm của chính phủ để tránh bị bỏ tù. Trong khi đó, một số người khác lên đường chạy trốn, bởi nỗi lo rằng Hong Kong không còn là quê hương mà họ từng biết.

Những lời hứa không thành

Dưới sự cai trị của người Anh, Hong Kong không phải là một nền dân chủ nhưng cư dân thành phố vẫn được hưởng các quyền tự do dân sự như quyền biểu tình và tự do báo chí. Những quyền tự do này tiếp tục tồn tại sau khi lãnh thổ trở về dưới quyền cai trị của Trung Quốc, được bảo vệ theo Luật Cơ bản, tức Hiến pháp Hong Kong.

Người Hong Kong có quyền tự do lên tiếng hoặc tự do im lặng, biểu tình trên đường phố hoặc ở yên trong nhà, chỉ trích hoặc ủng hộ chính quyền trung ương. Một môi trường như vậy tạo điều kiện cho một xã hội đầy màu sắc và khoan dung, nền tảng cho sự thành công của Hong Kong như là một trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế.

hk4

Các mẩu báo về lễ bàn giao Hong Kong năm 1997 được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử Hong Kong vào ngày 17/06. © AP

Nhưng theo thời gian, bàn tay của Bắc Kinh ngày càng siết chặt lấy thành phố. Năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã tạm ngưng phê chuẩn một đạo luật an ninh gây tranh cãi sau khi nửa triệu người xuống đường phản đối.

Cuốn sách trắng xuất bản vào tháng 06/2014 đã định hướng lại tương lai của Hong Kong và báo hiệu một quan điểm cứng rắn hơn từ chính phủ Trung Quốc. Các nhà lập pháp đã bị loại khỏi Hội đồng Lập pháp vì dám sửa đổi lời tuyên thệ của mình, một đảng chính trị ủng hộ nền độc lập của Hong Kong đã trở thành tổ chức bất hợp pháp, những người bán sách bị bắt cóc và đem ra xét xử ở Trung Quốc đại lục, trong khi một tỷ phú Trung Quốc sống ở Hong Kong đã biến mất một cách bí ẩn.

Cùng năm đó, thành phố rơi vào bế tắc suốt 79 ngày bởi Phong trào Ô dù (cuối cùng không thành công), khi hàng nghìn người Hong Kong xuống đường đòi cải cách dân chủ. Các nhà chức trách đã tìm mọi cách để cắt bớt các quyền tự chủ chính trị của thành phố kể từ đó.

Tình hình trở nên nghiêm trọng vào năm 2019, khi một dự luật dẫn độ gây tranh cãi làm dấy lên làn sóng biểu tình suốt nhiều tháng. Để đáp trả, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh một năm sau đó, đẩy nhanh đáng kể sự đồng hóa Hong Kong vào đại lục, và trên thực tế, loại bỏ luôn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

Luật an ninh đã được nhà chức trách vũ khí hóa và mở đường cho một cuộc đàn áp chính trị. Hơn 200 chính trị gia, nhà báo, luật sư, và nhạc sĩ – bất kỳ ai bị cho là dám chỉ trích chính phủ – đã bị bắt, trong khi hơn 10.000 người khác bị bắt vì các cáo buộc liên quan đến biểu tình.

hk5

Công viên Victoria của Hong Kong đóng cửa vào ngày 04/06. Trong nhiều thập niên, nó đã là địa điểm tổ chức những buổi cầu nguyện dưới ánh nến đánh dấu ngày kỷ niệm cuộc đàn áp năm 1989, chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. © Reuters

Những diễn tiến này đã khiến cư dân địa phương và các nhà quan sát phải ngạc nhiên. Chính phủ cho thay đổi hoàn toàn chương trình giáo dục, vốn nhấn mạnh giá trị của tư duy phản biện và quyền tự do ngôn luận, đồng thời bịt miệng các đối thủ của mình. Ngày kỷ niệm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 với nghi lễ thắp nến được tổ chức hàng năm tại Hong Kong suốt 30 năm qua – một sự kiện chính trị gây khó chịu cho chính phủ Trung Quốc – đã trở thành hoạt động bất hợp pháp chỉ sau một đêm.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong dần tan biến khi các nhóm xã hội dân sự vì lo sợ cách thức thực thi luật mới nên đã lần lượt tan rã. Những tờ báo đăng tải nhiều ý kiến trái chiều đã ngưng xuất bản. Xã hội đa nguyên, khoan dung của Hong Kong nay hóa thành một căn phòng vang vọng toàn những thông điệp của chính phủ.

Các học giả từ các viện chính sách và quan chức được nhà nước hậu thuẫn ca ngợi điều họ cho là việc khôi phục hòa bình và ổn định, trong khi các nhà phê bình nói rằng cuộc đàn áp đã làm tiêu tan mọi hy vọng về dân chủ tại trung tâm tài chính này.

hk6

Đánh giá mức độ tự do ở Hong Kong (theo thang điểm 100) – Nguồn Freedom House

Cả chính phủ Trung Quốc và Hong Kong đều cam kết "giải quyết các vấn đề gốc rễ" đối với nền kinh tế và sinh kế của người dân, đồng thời xóa bỏ khủng hoảng nhà ở kéo dài mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến biểu tình. Chính phủ, vốn tự hào về "sự ủng hộ mạnh mẽ từ đất mẹ", đã nhấn mạnh việc hội nhập chặt chẽ hơn với Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area, gồm Quảng Đông, Hong Kong, Macao) và đang thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng để biến vùng đất nông thôn gần biên giới thành "Đô thị phía Bắc".

Làn sóng di cư từ Hong Kong

Việc Bắc Kinh đàn áp các quyền tự do đã kích động làn sóng di cư của người Hong Kong thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

Adrianna, từng là sinh viên khoa học xã hội và có quan tâm đến chính trị, cho biết thành phố đã có một bước thụt lùi rất lớn về mặt chính trị và xã hội. "Dường như không còn hy vọng nào cho Hong Kong", cô nói với Nikkei.

hk7

Tình hình dân số Hong Kong suy giảm, đặc biệt là sau khi đạo luật an ninh được thông qua

"Hong Kong đã mất đi chính những đứa con của mình, khi nhận ra rằng nơi này không còn giống như xưa, không còn là nơi chúng tôi đã lớn lên, và khi tất cả những gì chúng tôi có thể nhìn thấy là tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, khi đó, chẳng còn chỗ để chúng tôi ở lại nữa".

Thông điệp này nhận được sự đồng cảm của hàng chục nghìn người Hong Kong vỡ mộng đã lên đường ra đi, mang theo những phần văn hóa của riêng họ, mang theo các giá trị và bản sắc của vùng lãnh thổ mà họ lo sợ sẽ bị diệt vong, khi bức tường lửa ngăn cách thành phố với Trung Quốc đại lục mờ dần.

Hơn 60.000 công dân Hong Kong đã nộp đơn xin hộ chiếu công dân Anh ở hải ngoại (British National Overseas) kể từ khi Anh mở ra con đường nhập tịch vào đầu năm 2021, sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua. Một số quốc gia khác, bao gồm Canada và Australia, cũng đã tạo điều kiện cho người Hong Kong di cư dễ dàng hơn, dẫn đến việc hơn 270.000 cư dân nhanh chóng rời đi kể từ khi đạo luật được ban hành.

hk8

Vương quốc Anh bắt đầu cấp cho người Hong Kong quyền công dân Anh theo hộ chiếu công dân Anh ở hải ngoại kể từ ngày 31/01/2021, sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua vào năm 2020. © Reuters

Các mạng lưới hỗ trợ đã mọc lên trên khắp thế giới, hợp nhất cộng đồng người Hong Kong xa xứ trong lúc nhóm người này dần hòa nhập với cuộc sống mới của họ. Không còn gì là an toàn trong thành phố, các thay đổi bất lợi đã thúc đẩy những người di cư bảo vệ và bảo tồn văn hóa của quê hương họ ở nước ngòai.

Các tổ chức như nhóm của Adrianna – giới thiệu văn hóa và lịch sử Hong Kong bằng cách tổ chức các hoạt động và triển lãm cho cộng đồng người Hong Kong – đang làm việc từ xa để giữ cho văn hóa của thành phố tiếp tục tồn tại.

Bảo tồn văn hóa Hong Kong

Động lực này đã giúp các nhóm bảo tồn văn hóa mọc lên như nấm, ngay cả ở những nơi như Cộng hòa Séc. Tại đây, Loretta Lau đã thành lập một nhóm nghệ thuật và văn hóa có tên là NGO DEI, có nghĩa là "chúng tôi" trong tiếng Quảng Đông. Nhóm này mở một không gian ở Praha chuyên phục vụ trà sữa, mì bò sa tế, bánh trứng và bánh cuốn – những món ăn đặc sản của Hong Kong. Họ cũng tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật.

Lau, người đã chuyển đến sống tại Praha vào năm 2018 để theo đuổi nghiệp nghệ sĩ biểu diễn, đã thành lập NGO DEI vào năm ngoái nhằm chia sẻ văn hóa của mình và kết nối với những người Hong Kong không có kế hoạch trở về quê nhà, giống như cô. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Lau đã liên hệ cuộc đấu tranh của Hong Kong với Mùa xuân Praha bị Liên Xô đàn áp vào năm 1968, và Cách mạng Nhung, phong trào biểu tình tháng 11/1989 đã dẫn đến sự kết thúc của chế độ độc đảng.

hk9

Người Hong Kong đã chuyển quỹ tiền lương hưu của mình đến nơi khác.

Lau nói, "Những người còn đang sống ở Hong Kong đã mất đi quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, đó là lý do tại sao cộng đồng Hong Kong ở nước ngoài phải có trách nhiệm lên tiếng và cảnh báo cộng đồng quốc tế về các vấn đề của thành phố".

Khi ngày kỷ niệm 33 năm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn và kỷ niệm ba năm các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019 đến gần, vào đầu tháng 06, Lau quyết định tổ chức các sự kiện kỷ niệm trên toàn thành phố Praha, "vì người Hong Kong ở quê nhà không thể làm thế".

Khắp Praha, các bức ảnh về cuộc biểu tình quần chúng lịch sử đã được trưng bày, cùng với bản sao của đài tưởng niệm nghệ thuật Thiên An Môn vốn đã bị di dời khỏi Hong Kong vào năm ngoái. Các cuộc thảo luận nhóm với đông đảo khán giả đã được các nhà hoạt động lưu vong nổi tiếng của Hong Kong tổ chức, tranh luận về tương lai của phong trào dân chủ tại thành phố, và chia sẻ những kỷ niệm về ngôi nhà cũ của họ.

Bên trong một nhà máy sản xuất huy hiệu mà nay là trụ sở của NGO DEI, một bộ sưu tập các tác phẩm của các nghệ sĩ Hong Kong, bao gồm cả nghệ sĩ chính trị nổi tiếng Kacey Wong, đã được trưng bày. Tại một cuộc triển lãm có tiêu đề "Hé lộ Sự thật", các bức tranh mô tả phong trào biểu tình được treo kín các bức tường, các đoạn video trích từ các bản tin được chiếu trên màn hình TV, và một bức tượng bằng kích thước thật của tượng Nữ thần Tự do Hong Kong, hiện thân của những người biểu tình năm 2019, được dựng lên giữa phòng.

hk10

Các tác phẩm của các nghệ sĩ Hong Kong đã rời thành phố, bao gồm Kacey Wong, được trưng bày tại một triễn lãm mang tên "Hé lộ Sự thật", được tổ chức ở Praha bởi nhóm NGO DEI. © NGO DEI

"Chúng ta đang sống trong một vũ trụ bình thường hóa song song khác", Lau nói, đề cập đến giai đoạn 20 năm kiểm duyệt và áp bức của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau Mùa xuân Praha năm 1968.

Trên khắp thế giới, hàng chục nghìn người Hong Kong di cư như Lau đã tổ chức các sự kiện kỷ niệm ba năm vụ biểu tình chống chính phủ. Tại Vancouver, nhóm tổ chức sự kiện tái hiện các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình trước Phòng Trưng bày Nghệ thuật Vancouver, trong khi hàng trăm người mặc đồ đen cầm trên tay tờ giấy trắng, tượng trưng cho việc mất đi tự do ngôn luận.

Biểu tình cũng đã được tổ chức ở nhiều nơi khác, nhưng các nhóm tổ chức nói với Nikkei rằng họ thường bị những người ủng hộ Bắc Kinh quấy rối.

Trong khi đó, ở Hong Kong, các nhóm cảnh sát tuần tra trên đường phố sẵn sàng dập tắt bất kỳ dấu hiệu biểu tình nào. Ở đó, "bạn không còn có thể tổ chức các sự kiện phản kháng hoặc các hình thức biểu tình", Adrianna nói với Nikkei, "vì thế những người Hong Kong may mắn được hưởng quyền tự do ngôn luận ở nước ngoài nên sử dụng tiếng nói của mình để tiếp tục phản kháng và biểu tình theo cách riêng của họ".

Giáo dục đang bị đe dọa

Điều đặc biệt khiến người dân Hong Kong vô cùng phẫn nộ là việc ‘đại tu’ hệ thống giáo dục. Sau khi thất bại trong việc thông qua chương trình giáo dục quốc gia nhằm nâng cao bản sắc dân tộc Trung Hoa vào năm 2012, các nhà chức trách hiện đã bắt đầu thay đổi hệ thống giáo dục bằng cách đưa phiên bản lịch sử của chính họ vào sách giáo khoa, và giảng dạy học sinh về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Những cuốn sách giáo khoa đã được giới thiệu trong một môn học mới ở cấp trung học cơ sở, tập trung vào lý tưởng công dân và lòng yêu nước. Chúng nói rằng Hong Kong chưa bao giờ là thuộc địa của Anh. Môn học này thay thế cho một môn học khai phóng, vốn dạy cho học sinh tư duy phản biện và ý tưởng về nghĩa vụ công dân (civic engagement). Đối với nhiều người, động thái mới nhất này đã khẳng định mối lo ngại của các học giả và giáo viên rằng trường học sẽ trở thành nơi "tẩy não" trẻ em.

"Ngành giáo dục Hong Kong đang phải đối mặt với áp bức rất lớn", Chung Kim-wah, một học giả và nhà khoa học xã hội nổi tiếng vừa bỏ ra nước ngoài cho biết. Các nhà chức trách Trung Quốc "đang sử dụng nhiều cách khác nhau để tiếp tục chương trình giảng dạy tẩy não của họ".

Chung là một trong số rất nhiều học giả phải rời thành phố, lo sợ về những lằn ranh đỏ đang thay đổi và không gian cho tư duy phản biện ngày càng bị thu hẹp. Theo số liệu từ Cục Giáo dục, hơn 6.400 giáo viên đã rời khỏi các trường công lập của thành phố kể từ năm 2020, cùng với gần 600 giáo sư và nhân viên trường đại học rời khỏi lực lượng lao động.

Ngoài ra, hàng trăm cuốn sách đề cập đến đợt biểu tình năm 2019 và cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 đã bị lấy đi khỏi các thư viện.

hk11

Những người biểu tình chống chính phủ bảo vệ mình khỏi hơi cay bằng ô dù trong cuộc biểu tình gần Khu liên hợp Chính phủ Trung ương ở Hong Kong vào ngày 15/09/2019. © Reuters

Những thay đổi này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến trẻ em khi lớn lên. Vì lý do này, Chung, cùng với hai học giả Hong Kong lưu vong khác, đã khởi động dự án Trung tâm Học tập Công dân của Thời đại Chúng ta, một nền tảng trực tuyến chuyên cung cấp cho phụ huynh, giáo viên, và học sinh "tài liệu học tập thay thế phản ánh sự thật lịch sử và chống lại những câu chuyện xuyên tạc".

Mất khoảng sáu tháng gây quỹ để nền tảng có thể hoạt động, và nó hiện được điều hành bởi các cựu giáo viên và học giả Hong Kong. Các bài báo và video đề cập đến các chủ đề như dân chủ và xã hội dân sự được chia sẻ trực tuyến, cùng nhiều truyện ngụ ngôn dành cho trẻ em, và tài liệu giảng dạy cho các bậc cha mẹ Hong Kong ở nước ngòai.

Benson Wong, một trong những học giả sáng lập nền tảng cho biết, "Đây là nhu cầu của người Hong Kong. Chúng tôi vẫn đang khám phá mọi thứ, nhưng tài liệu mà chúng tôi tổng hợp sẽ có liên quan đến những gì đã mất và tình trạng hiện tại của Hong Kong. Chúng tôi nên dạy cho trẻ em cách tư duy phản biện và khái niệm về tư duy tự do".

Nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo

Tại Vương quốc Anh, Đại học St. Andrews ở Scotland đã khởi động một chương trình độc đáo về văn hóa Quảng Đông, nhằm mục đích bảo tồn những gì đang nhanh chóng biến mất sau cuộc đàn áp sâu rộng.

Giáo sư Gregory Lee, một học giả đã dành nhiều năm ở Hong Kong, đã xây dựng một kho lưu trữ các tài liệu được quyên góp, bao gồm các bản sao của tờ Apple Daily mà nay đã bị đóng cửa, các cuốn sách của các tác giả Hong Kong ghi lại các phong trào dân sự và các cuộc biểu tình trong quá khứ, cũng như phim tài liệu và các tệp âm thanh từ đài truyền hình công cộng RTHK, hầu hết trong số đó có thể bị coi là bất hợp pháp ở Hong Kong.

hk12

Người Hong Kong ồ ạt xin thị thực nhập cư vào Vương quốc Anh

"Khi tự do của Hong Kong bị thu hẹp, di sản văn hóa của nó cũng sẽ thu hẹp theo", Lee, người tập trung nghiên cứu văn hóa Trung Quốc và cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại, nói. "Tôi nghĩ rằng vẫn có một không gian cho nền văn hóa độc đáo đó trên thế giới".

Trong khi trọng tâm của chương trình là dạy văn hóa và lịch sử Hong Kong, học sinh cũng được yêu cầu học tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Phúc Kiến, một phương ngữ được sử dụng ở phía đông nam của Trung Quốc. Chữ phồn thể và tiếng Quảng Đông là một phần thiết yếu của bản sắc Hong Kong, Lee nói, và trước sự xâm lấn của tiếng Quan thoại – cũng như việc các quan chức cố gắng nuôi dưỡng bản sắc dân tộc Trung Hoa – lại càng cần phải bảo tồn tiếng Quảng Đông.

Bảo vệ và truyền thụ kiến thức và văn hóa Quảng Đông là hoàn toàn trái ngược với các hoạt động của các Viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc tài trợ, vốn đã mọc lên khắp toàn cầu và được nhiều trường đại học phương Tây giám sát kỹ lưỡng trong việc quảng bá tiếng Quan thoại cùng với văn hóa và lịch sử được nhà nước Trung Quốc công nhận.

Cuộc đua tập thể nhằm bảo vệ bản sắc của đặc khu – bản sắc dân tộc của "người Hong Kong", khác với người Trung Hoa hoặc người lai, liên tục chiếm vị trí cao nhất trong cuộc thăm dò công khai hai năm một lần kể từ năm 2008 – đã được đẩy nhanh do lo ngại về những nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xóa bỏ văn hóa địa phương ở các khu vực khác như Tân Cương và Tây Tạng.

Lee nói rằng cộng đồng người Hong Kong hải ngoại ngày càng quyết tâm tìm cơ hội để quảng bá và bảo vệ ngôn ngữ cũng như bản sắc của quê hương họ.

Làn sóng di cư và đàn áp ở Hong Kong đã thúc đẩy các trường đại học khác, từ Đại học California đến Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, giới thiệu các chương trình tập trung vào thành phố. Giới học thuật cũng đang tận dụng nó để cố gắng cứu lấy các hiện vật văn hóa.

Chảy máu chất xám trong lĩnh vực nghệ thuật

Ở Australia, các rạp chiếu phim đang chiếu những bộ phim không thể xuất hiện trong các rạp chiếu phim Hong Kong. Hiệp hội người Hong Kong ở Victoria đã tổ chức Liên hoan phim Hong Kong tại Melbourne vào tháng 6, chiếu những bộ phim về phong trào biểu tình, vốn là thứ không được chiếu ở Hong Kong.

Liên hoan này, do Jane Poon của nhóm Liên hệ Australia-Hong Kong khởi xướng, là một cách để bảo tồn một khía cạnh của văn hóa Hong Kong vốn phải đối mặt với sự tự kiểm duyệt trong thập niên vừa qua.

Luật kiểm duyệt phim được thông qua vào năm ngoái đã củng cố sự giám sát của chính phủ đối với các sản phẩm sáng tạo, làm dấy lên làn sóng di cư của các nhà làm phim, bao gồm Ngan Chi-sing (còn được gọi là Twinkle), đạo diễn của Love in the Time of Revolution, một bộ phim ca ngợi các cuộc biểu tình năm 2019. Ngan đã buộc phải chuyển đến Vương quốc Anh vào mùa thu năm ngoái.

"Việc bảo vệ sự thật và văn hóa địa phương ở Hong Kong ngày càng trở nên khó khăn hơn", Poon, người đã chuyển đến Australia cách đây 5 năm, cho biết. "Văn hóa và bản sắc của chúng tôi phát triển một cách tự nhiên, và tôi chắc chắn rằng chúng tôi có thể bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai".

hk13

Cờ Trung Quốc và Hong Kong được treo vào ngày 17/06 để kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao thành phố. © AP

Trở lại Hong Kong, nằm rải rác khắp thành phố là những tấm biển lớn màu đỏ gợi nhớ đến những biểu ngữ tuyên truyền của Trung Quốc đại lục. Chúng được trang trí bằng các ký tự màu vàng có nội dung "Chào mừng sự trở về với Trung Quốc, mở ra một chương mới". Bên trong trung tâm triển lãm của thành phố ít người thăm viếng, vào ngày 01/07, các quan chức Trung Quốc và Hong Kong đã cùng nâng ly chúc mừng "Một Kỷ nguyên Mới" – chủ đề năm nay của lễ kỷ niệm bàn giao – khi thuộc địa cũ của Anh hội nhập sâu hơn vào đại lục.

Ở nước ngòai, cộng đồng người Hong Kong chỉ có thể nhìn từ xa, trong sự buồn bã và đau lòng : Nỗi sợ hãi của họ từ 25 năm trước, rằng các quyền tự do trong nhiều lĩnh vực sẽ biến mất, nay đã thành hiện thực.

"Làm thế nào", Adrianna tự hỏi, "mà chúng tôi, những người yêu mến Hong Kong, lại buộc phải rời đi và trở thành người tị nạn ?"

Pak Yiu

Nguyên tác : "Hong Kong’s identity in crisis after 25 years of Beijing rule", Nikkei Asia, 29/06/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/08/2022

Published in Diễn đàn

Ngày 08/05/2022, Hồng Kông chính thức có nhà lãnh đạo mới. Ông Lý Gia Siêu (John Lee) thay bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) giữ chức trưởng đặc khu hành chính với nhiệm kỳ 5 năm. Cựu nhân vật số 2 của cơ quan hành pháp Hồng Kông được 1.416 thành viên trong Hội đồng bầu cử ủng hộ, 8 phiếu chống.

hongkong0

Lý Gia Siêu/John Lee, cựu lãnh đạo An Ninh Hồng Kông được "bầu" vào chức vụ trưởng đặc khu hành hình với gần 100 % số phiếu. © Kin Cheung/AP

Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :

"Thống kê về ‘cuộc bỏ phiếu’ này có lẽ không có gì đơn giản hơn : một vòng phiếu duy nhất, một phòng phiếu duy nhất và cũng chỉ có một ứng viên duy nhất là ông Lý Gia Siêu (John Lee). Là một cảnh sát chuyên nghiệp, cựu lãnh đạo an ninh, chính thức được đề cử ra tranh chức lãnh đạo Hồng Kông cách đây chưa đầy một tháng.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra nhanh chóng sáng Chủ Nhật 08/05. Kết quả có lẽ khiến Bắc Kinh hài lòng : 98% thành viên của Ủy ban bầu cử đã tham dự và có đến 99,4% số phiếu dành cho ông Lý Gia Siêu.

Tuy nhiên, đối với người dân Hồng Kông, như bà Joanne Lam, một nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ, kết quả cuộc bỏ phiếu cứ như ở Quốc hội Trung Quốc này thật nực cười. Bà nói : 'Tôi nghĩ là người ta chế giễu kết quả. Việc đó chẳng có nghĩa gì. Đó là cuộc bầu cử chỉ có một ứng viên và không có bất kỳ chương trình tranh cử nào. Nhưng ông Lý Gia Siêu lại đắc cử với tỷ lệ gần 100%. Thật sự là rất nực cười và người ta sẽ còn có thể cười rất lâu về cuộc bỏ phiếu này !'

Trong buổi họp báo được tổ chức sau khi giành chiến thắng, tân lãnh đạo Hồng Kông đã gửi lời 'Chúc Giáng sinh vui vẻ' đến tất cả các bà mẹ nhân Ngày của Mẹ, sau đó mới nhận ra là bị nhầm. Việc ông thiếu khả năng diễn thuyết nằm trong số những chỉ trích mà những đối thủ của ông coi Lý Gia Siêu chỉ là con rối của Bắc Kinh".

Tân trưởng đặc khu Hồng Kông tuyên bố nhiệm vụ của ông mở ra một trang sử mới cho Hồng Kông và hứa nỗ lực để trung tâm tài chính thế giới này luôn rộng mở, có sức cạnh tranh cao hơn và tiếp tục là nhịp cầu giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài.

Về mặt an ninh, Lý Gia Siêu khẳng định ưu tiên vẫn là "bảo vệ chủ quyền đất nước, an ninh quốc gia, bảo vệ Hồng Kông khỏi các mối đe dọa bên trong và bên ngoài và bảo đảm ổn định".

Hãng tin Anh Reuters cho biết là một nhóm biểu tình đã bị cảnh sát Hồng Kông ngăn chặn đến gần nơi họp báo để phản đối "cuộc bầu cử, đúng kiểu Trung Quốc, với một ứng cử viên duy nhất".

Thu Hằng

Published in Châu Á

Luật An ninh Quốc gia mới : Không khí "tố giác" tràn ngập Hồng Kông

Tình hình Hồng Kông với Luật An ninh Quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt vẫn thu hút sự quan tâm theo dõi của báo Le Figaro. Trong bài phóng sự "Sự đồng hóa khắc nghiệt của Trung Quốc nhắm vào Hồng Kông", Le Figaro nhận định một năm sau khi Luật An ninh Quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực, phe đối lập bị ngăn chặn và các quyền tự do đang giảm sút.

luat1

Cờ Trung Quốc giăng mắc trên các đường phố Hồng Kông nhân kỷ niệm 24 năm đặc khu được Anh trao trả cho Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 27/06/2021. AP - Vincent Yu

Đúng vào ngày 01/07/2021, kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc và 24 năm Hồng Kông được trao trả lại cho Bắc Kinh, một người đàn ông 50 tuổi đã đâm dao vào lưng một cảnh sát ngay tại trung tâm thành phố rồi tự sát ngay sau đó. Đối với tờ báo Pháp, hành động bạo lực đó là minh chứng cho thấy sự căng thẳng đang ngự trị tại thành phố kể từ khi Luật An ninh Quốc gia mới hình sự hóa các hành vi lật đổ và ly khai.

Một lãnh đạo của đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội khẳng định chính phủ đã hứa rằng Luật An ninh Quốc gia mới chỉ áp dụng cho một nhóm nhỏ những người cực đoan nhưng trên thực tế, tất cả mọi người đều có liên quan : chính trị gia, nhà báo, nghệ sĩ, giáo viên… Từ đó đến nay, gần 120 người đã bị bắt và có nguy cơ bị tù chung thân.

Le Figaro liệt kê lại hàng loạt sự kiện : 15 dân biểu đối lập từ chức hồi tháng 11/2020 sau khi 4 dân biểu đối lập khác bị loại. Vào tháng 01/2021, 53 chính trị gia bị cảnh sát bắt vì tham gia tổ chức kỳ bầu cử sơ bộ của phe đối lập vào tháng 07/2020 và bị cáo buộc tìm cách lật đổ chính phủ. Đến tháng 03/2021, chính phủ Trung Quốc cải cách hệ thống bầu cử nhằm bảo đảm chỉ những "người yêu nước" mới có cơ hội nắm giữ quyền hành. Đơn giản chỉ cần hô "Giải phóng Hồng Kông" cũng bị xem là kêu gọi độc lập, điều hiện giờ bị coi là bất hợp pháp.

"Xảo quyệt" hơn, Luật An ninh Quốc gia mới còn làm bao trùm lên khắp thành phố một bầu không khí "tố giác". Chính phủ đã tạo một đường dây nóng để khuyến khích người dân tố cáo các hành vi lật đổ và ly khai, hiện đã nhận được hơn 100.000 cuộc gọi.

Giới văn hóa cũng bị kiểm duyệt. Bảo tàng nghệ thuật đương đại M+ phải cam kết không trưng bày một số tác phẩm. Một cuộc triển lãm dành riêng cho các cuộc biểu tình năm 2019 và một viện bảo tàng về sự kiện Thiên An Môn 04/06/1989 đã phải đóng cửa sau một cuộc bố ráp của cảnh sát. Một quy định mới được ban hành, cho phép nhà chức trách cấm các bộ phim bị xem là "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia".

Các phương tiện truyền thông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Apple Daily, tờ báo bình dân day nhất ủng hộ dân chủ, đã phải ngừng xuất bản vào ngày 24/06. Chủ báo, ông Lê Trí Anh, và một số nhà báo của Apple Daily bị giam trong tù. Trong khi đó, đài phát thanh và truyền hình nhà nước RTHK có một giám đốc mới thiếu kinh nghiệm, người đã hủy bỏ một số chương trình và sa thải các phóng viên chỉ trích chính phủ.

Thế nhưng, nơi mà nhà chức trách muốn tấn công mạnh nhất lại là ở các trường học vì họ tin rằng "các cuộc biểu tình làm rung chuyển Hồng Kông hồi năm 2019 là kết quả của một hệ thống giáo dục tự do quá mức, vốn dĩ không khơi dậy được lòng yêu nước trong giới trẻ", theo phó chủ tịch một nghiệp đoàn giáo viên chính ở Hồng Kông. Để khắc phục tình hình, chính quyền đã cho sửa đổi chương trình giảng dạy một số môn học, chẳng hạn như môn giáo dục công dân.

Nhiều nội dung, chẳng hạn về phân quyền hoặc vụ thảm sát Thiên An Môn bị cắt hoàn toàn khỏi sách giáo khoa. Các thư viện cũng đã loại bỏ nhiều cuốn sách kể cả các tác phẩm về Nelson Mandela và Martin Luther King. Việc kiểm duyệt cũng trở nên phổ biến trong giới giáo viên. Nhiều thầy cô tránh nói về các vấn đề thời sự khi giảng bài, sống trong nỗi lo sợ bị khiếu nại hoặc bị tước giấy phép giảng dạy.

Trong bầu không khí đó, nhiều người Hồng Kông đã chọn ra đi dù không dễ dàng. Anh Quốc dự báo ​​đến năm 2025 s tiếp đón 322.000 người Hng Kông. Số đơn xin thị thực nhập cảnh của người dân Hồng Kông vào Canada, Úc và Đài Loan cũng tăng bùng nổ.

Tập đoàn điện lực Pháp EDF : "Giấc mộng Trung Hoa" biến thành ác mộng

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trở lại với sự số nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, trong bài viết "Giấc mộng Trung Hoa của EDF (tập đoàn điện lực Pháp) biến thành ác mộng", thông tín viên Frédéric Lemaitre của Le Monde khẳng định chỉ trong vòng vài giờ, một sự cố kỹ thuật nhỏ tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đã trở thành một cuộc "khủng hoảng hoàn hảo" cho tập đoàn điện lực Pháp.

Nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, Trung Quốc, là "hợp đồng thương mại lớn nhất" của ngành công nghiệp hạt nhân Pháp, thậm chí là trong lịch sử điện hạt nhân dân dụng, và Trung Quốc là một trong những thị trường hứa hẹn nhất trên thế giới, theo giải thích của EDF. Được đưa vào hoạt động hồi năm 2018, Đài Sơn là đầu tàu trong quan hệ hợp tác Pháp - Trung. Lò phản ứng hạt nhân EPR thế hệ thứ 3 ở Đài Sơn là lò phản ứng EPR thế hệ 3 đầu tiên được lắp đặt.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sự cố có thể nằm ở khâu sản xuất ở Pháp thanh nhiên liệu, cách vận chuyển, cách lắp đặt thanh nhiên liệu, thậm chí là một sai sót thiết kế lò phản ứng hạt nhân EPR. Đương nhiên, nếu vấn đề là do phía Pháp thì Trung Quốc sẽ không hài lòng và rất có thể Pháp sẽ phải "trả giá đắt" vì đã "làm mất mặt" Trung Quốc khi thông báo vụ việc cho Nhà Trắng.

Theo Le Monde, câu chuyện khá phức tạp bởi hãng Pháp Framatome, một doanh nghiệp được EDF giao xây dựng nhà máy Đài Sơn, lại giao cho một công ty con ở Mỹ quản lý dữ liệu về mọi sự cố liên quan đến tập đoàn. Vì cổ đông chính của nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn là CGN - công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc, hiện đang nằm trong danh sách đen của Washington, nên muốn xử lý hồ sơ sự cố thì công ty Mỹ phải được sự cho phép của Nhà Trắng. Đây là sự sỉ nhục đối với Bắc Kinh. 

Không chắc là EDF có nhiều khả năng còn được hoạt động lâu dài ở Trung Quốc, bởi cũng như trong mọi lĩnh vực khác, Bắc Kinh ngày càng cần ít chuyên gia nước ngoài hơn. Vào ngày 30/01, công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc thông báo đã đưa vào vận hành lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 đầu tiên, hoàn toàn do Trung Quốc xây dựng trong vòng 5 năm mà không có bất kỳ đối tác nước ngoài nào. Trong khi đó, ở Flamanville, lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba đầu tiên tại Pháp được khởi công từ năm 2007 cho đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Liệu có phải "học sinh Trung Quốc" đang "vượt mặt" người "thầy Pháp" đang trở nên già nua hay không ? Nhà báo Frédéric Lemaitre của Le Monde kết luận dẫu sao thì "giấc mộng Trung Hoa" của tập đoàn điện lực Pháp EDF dường như cũng đã chấm dứt.

Pháp : Niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường có thể bị biến thể Delta nhấn chìm

Covid-19 vẫn là một trong những chủ đề được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nước Pháp mới thoát khỏi phong tỏa chưa lâu lại phải đối mặt với nguy cơ một làn sóng dịch mới bùng phát ngay trong mùa hè này do sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta.

Le Monde trích dẫn phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal, theo đó hiện giờ tại Pháp khoảng 1/3 số ca nhiễm mới thường nhật liên quan đến biến thể Delta và con số này cứ sau mỗi tuần lại tăng gấp đôi. Còn bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran gọi đó là "mối đe dọa có thực, có thể phá hỏng kỳ nghỉ hè và cả mùa hè" của người dân Pháp, "nhấn chìm niềm hy vọng về sự trở lại lâu dài của một cuộc sống bình thường". Nhà nước đặc biệt lo ngại vì cho đến nay mới có 30% dân số Pháp được tiêm ngừa đầy đủ số liều, tỉ lệ này vẫn còn quá thấp để đạt miễn dịch cộng đồng.

Sức ép đang gia tăng vì tỉ lệ nhân viên y tế ở bệnh viện và trung tâm dưỡng lão đã tiêm phòng đầy đủ chỉ đạt lần lượt 64% và 57%, so với tỉ lệ 98% ở Ý, nên thượng tầng Nhà nước Pháp ngả về khả năng bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng. Chính phủ đang đẩy nhanh việc tham vấn với người đứng đầu các đảng phái ở Nghị Viện, đại điện các hiệp hội dân biểu… với hy vọng đạt đồng thuận về một dự luật bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng rồi đệ trình lên Quốc hội vào cuối tháng Bảy.

Không ủng hộ giải pháp bắt buộc toàn bộ dân chúng tiêm phòng như quy định bắt buộc tiêm chủng 11 bệnh đối với trẻ nhỏ, nhưng chính phủ Pháp cũng đang hướng tới biện pháp mạnh : bắt người nhất quyết không chịu đi tiêm phải tự trả phí xét nghiệm chẳng hạn nếu muốn đi sàn nhảy hay du lịch. Một giải pháp khác là mở rộng phạm vi những nơi yêu cầu có chứng nhận Covid-19, chứ không phải là chỉ khi tham gia các hoạt động tập hợp đông người, đi hộp đêm, du lịch nước ngoài như hiện nay. Tất cả đều nhằm thúc đẩy dân Pháp đi tiêm nhiều hơn.

Sự ngờ vực dai dẳng

Báo La Croix nói đến thái độ "ngờ vực dai dẳng" của giới nhân viên y tế về việc tiêm phòng. Chính vì sự ngờ vực dai dẳng mà chính phủ phải cân nhắc biện pháp bắt buộc. Nhiều nhân viên chăm sóc y tế coi đó là đòn tấn công nhắm vào tự do của họ.  

Thế nhưng, trong bài xã luận có tiêu đề "Tinh thần/Đạo đức", tờ báo công giáo nhấn mạnh tự do cá nhân luôn phải được đặt lên bàn cân với lợi ích chung, ngoài ra cần phải lưu ý là nhân viên y tế thường tiếp xúc với người bệnh và người cao tuổi, những người dễ bị nhiễm virus corona nhất. Vì thế, việc tiêm chủng cho nhân viên chăm sóc y tế là một nghĩa vụ đạo đức.

Liệu có thể dùng luật trong trường hợp này không ? La Croix nhìn sang Ý và cho biết nước láng giềng của Pháp đã làm được với những kết quả ngoạn mục. 98% nhân viên chăm sóc y tế tại Ý đã tiêm chủng. Ngay trong giới chính trị Pháp cũng có một sự đồng thuận khá rộng. Vì thế, theo La Croix, nếu thấy cần thiết, chính quyền Pháp sẽ không gặp khó khăn gì để luật được thông qua.

Thế nhưng, tốt hơn hết là không làm điều đó, bởi vì, nếu đạo đức là quan trọng, thì tinh thần của các đội cũng quan trọng không kém. Lực lượng trên tuyến đầu mà trước đây từng được hoan nghênh và nay đang bị chỉ trích chắc chắn sẽ không thoải mái với việc bị bắt buộc tiêm ngừa. La Croix kết luận sự ép buộc chỉ có ý nghĩa nếu việc giải thích và động viên khích lệ không thành công.

Cá cược trực tuyến : Nạn dịch ít được nói tới

Libération hôm nay dành sự chú ý cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu Avignon, Liên hoan phim quốc tế Cannes với gương mặt nổi bật là chủ tịch ban giám khảo, đạo diễn người Mỹ Spike Lee. Một gương mặt khác được Libération trân trọng nhắc tới là nhà khoa học Pháp Axel Kahn, nhà nghiên cứu về gien và bệnh ung thư, cựu chủ tịch Liên đoàn quốc gia phòng chống ung thư. Điều trớ trêu là giáo sư Axel Kahn đã qua đời vì chính căn bệnh ung thư vào ngày hôm qua 06/07/2021. Không chỉ là một khoa học gia, với các quan điểm đạo đức và triết học, Axel Kahn còn là một tiếng nói có giá trị đối với giới chính trị Pháp.

Nhìn ra nước ngoài, Libération đưa độc giả đến với quốc gia Trung Đông Lebanon, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc hơn 55% dân số sống dưới mức nghèo, đồng tiền mất giá hơn 85%, giá lương thực thực phẩm tăng gấp 4 lần. Đối đầu với cuộc khủng hoảng, tất cả các đảng phái chính trị, đặc biệt là lực lượng Hezbollah, đã bắt đầu phân phối hàng cứu trợ, thay thế vai trò Nhà nước đồng thời cũng nhằm thắt chặt quan hệ với người ủng hộ.

Trở lại nước Pháp, trong lĩnh vực xã hội, Libération lưu ý về một nạn dịch ít được nói tới : cá cược trực tuyến. Việc công ty xổ số đánh cược của nhà nước, Française des Jeux, lên sàn chứng khoán, đợt tư nhân hóa đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống Pháp Macron, khi đó được cho là nhằm ủng hộ tầng lớp bình dân nhưng trên thực tế lại làm họ bị tổn thương nhanh hơn : 70% số này dưới 25 tuổi. Việc mở cửa phương thức cá cược trực tuyến đã cho phép những công ty làm ăn "thiếu đàng hoàng" nhấn chìm hơn nữa nhóm dân cư vốn đang không thấy bất cứ lối thoát nào để ra khỏi khó khăn. Họ chỉ còn biết "nợ nần trong vô vọng".

Theo nhiều nghiên cứu, 71% người đặt cược nói rằng nếu thắng, họ sẽ dùng số tiền đó để trả nợ. Các cơ quan có trọng trách bảo vệ những người trong cảnh bấp bênh khỏi những "kẻ săn mồi" này, chẳng hạn Cơ quan quản lý Xổ số Quốc gia (ANJ), đã thừa nhận sự bất lực trước những phương thức hoạt động đáng ngờ của các nhà cái cá cược, tức là họ không có khả năng bảo vệ các nạn nhân.

Libération kết luận đó là một kiểu "dịch bệnh" do Nhà nước làm lây lan, đẩy người chơi đến chỗ lệ thuộc. Trong tương lai gần, sẽ không có chiến dịch tiêm chủng nào để phòng ngừa dịch bệnh mang tên cá cược trực tuyến nhưng công luận có thể chờ đợi vào việc chính phủ ngừng tiếp tay cho sự lây lan của loại virus này.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Hồng Kông mờ mịt tương lai, một năm sau luật an ninh

Không gian hành động của đối lập Hồng Kông còn rất ít. Chính quyền đang chuẩn bị vô hiệu hóa các nghiệp đoàn - kênh đấu tranh mới xuất hiện từ 2019. Sau đó có thể đến lượt các tổ chức phi chính phủ, chỉ còn lại những chống đối cá nhân. Internet, xuất bản sách hiện vẫn còn tương đối tự do, nhiều người dân từ chối tiêm chủng chống Covid hay cài ứng dụng truy vết để bày tỏ bất đồng.

hongkong1

Cờ Trung Quốc giăng mắc trên các đường phố Hồng Kông nhân kỷ niệm 24 năm đặc khu được Anh trao trả cho Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 27/06/2021.  AP - Vincent Yu

31 nhà khoa học quốc tế đòi điều tra nguồn gốc con virus ở Vũ Hán

Trang web Le Figaro hôm nay đăng độc quyền lá thư ngỏ của 31 nhà khoa học quốc tế đòi hỏi mở "một cuộc điều tra toàn diện về xuất xứ của virus SARS-CoV-2".

Lá thư nhấn mạnh : "Tất cả các dân tộc và quốc gia, kể cả Trung Quốc, đều có lợi ích trực tiếp khi nguyên nhân của đại dịch được xác định, và sự tổn thương lớn nhất của chúng ta được xử lý". Tập thể các nhà khoa học kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới chọn lựa hai phương án để bảo đảm cho cuộc điều tra về xuất xứ đại dịch được hoàn chỉnh nhất.

Phương án thứ nhất : mời Trung Quốc hợp tác toàn diện trong một cuộc điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập. Cuộc điều tra phải độc lập, dựa trên các dữ liệu, đáp ứng các điều kiện chính của một tiến trình khả tín. Đó là phải điều tra đầy đủ về mọi giả thiết, tiến hành bởi một ê-kíp chuyên gia quốc tế nhiều lãnh vực, tránh mọi xung đột lợi ích, có được các phương tiện cần thiết, chia sẻ các dữ liệu thô.

Phương án thứ hai : một cuộc điều tra dựa trên khoa học, nếu Bắc Kinh không chấp nhận phương án thứ nhất, trong khuôn khổ các nhóm quốc gia được một tổ chức hoặc các cơ chế khác điều phối. Các định chế tham gia có thể gồm cả OCDE, G7, Bộ Tứ (Quad). Các nhà khoa học cho rằng một số lượng lớn thông tin hữu ích có thể thu thập được mà không cần đến chính quyền Trung Quốc. Đặc biệt không thể cho Bắc Kinh được quyền phủ quyết về việc thế giới có thể tiến hành hay không cuộc điều tra này.

Lá thư kết luận, dù Trung Quốc có hợp tác hay không, cơ hội thành công vẫn có và điều tra phải được tiếp tục vì lợi ích chung của nhân loại.

Chỉ sau 1 năm, tình hình Hồng Kông u ám hơn bao giờ hết

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về khía cạnh dân chủ, nhân quyền, bài phóng sự "Luật an ninh : Một năm sau, Hồng Kông thu mình lại" củaLibération bắt đầu bằng việc mô tả bốn nhà đấu tranh dân chủ tại góc đường E Point Road ở đảo Hồng Kông. Tấm bảng của họ ghi dòng chữ "Nói ra những gì mình nghĩ có phải là tội phạm ?", lạc loài trong một biển những bảng hiệu quảng cáo của những cao ốc ở Đồng La Loan (Causeway Bay). Những tờ truyền đơn ít có ai trong dòng người bận rộn đi qua cầm lấy. Một camera của cảnh sát nhắm vào các nhà đối lập và những ai đến gần. "Không ai hình dung ra được Hồng Kông trở nên u ám nhanh đến thế, chúng tôi không được chuẩn bị" - một khách bộ hành kín đáo thổ lộ.

Một ủy viên hội đồng khu phố kể lại, khi luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực từ đêm 30/06/2020, người dân vẫn chưa lường được mức độ nguy hiểm của nó. Nhưng chỉ vài giờ sau, cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên chạy xe gắn máy với tấm băng-rôn "Giải phóng Hồng Kông". Người ta vẫn còn hy vọng việc tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ ngày 12/07 không bị coi là tội phạm, nhưng đến tháng Giêng, 53 nhà hoạt động liên quan đã bị bắt.

Chỉ trong một năm, 113 người đã bị bắt giữ (trong đó 61 bị khởi tố) vì cáo buộc khủng bố, nổi dậy và các tội danh khác. Những khuôn mặt là cột trụ của phong trào bị rơi vào mắt lưới ngày càng chặt của cộng sản, do phản biện ôn hòa. Có thể kể lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), giảng viên Đái Diệu Đình (Benny Tai), tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) chủ báo Apple Daily…

Một trong bốn nhà đấu tranh ở Đồng La Loan trên đây cho biết, chỉ cần một bài đăng trên mạng xã hội hay trao đổi trên WhatsApp bị gán nhãn ly khai là đủ để vào tù. Đảng cộng sản Trung Quốc siết lại ảnh hưởng của xã hội dân sự và phe đối lập trên mọi lãnh vực, riêng những lời kêu gọi độc lập hay đòi hỏi chấm dứt độc đảng thì đã bị bóp nghẹt từ lâu.

Bị đàn áp bằng luật an ninh, hàng ngàn người muốn rời Hồng Kông

Lấy cớ đại dịch, các cuộc biểu tình bị cấm và với luật an ninh, tự do báo chí bị tấn công : Apple Daily bị bức tử. Cũng với luật an ninh, các chương trình giảng dạy bị viết lại và ngành điện ảnh Hồng Kông vốn nổi tiếng xưa nay bị trói tay. Cảnh sát gia tăng kiểm soát, khám xét trên các đường phố, một đơn vị cảnh sát mới được thành lập chuyên khám nhà không cần trát tòa. Tặng một quyển sách về các cuộc biểu tình năm 2019 có thể bị buộc tội nổi dậy, nên một số người phải giấu kỹ, đề phòng trường hợp cảnh sát ập vào bất ngờ.

Chính quyền hồi tháng 11/2020 còn mở một đường dây điện thoại để tiếp nhận các tố cáo, đến nay đã nhận được 100.000 cuộc, mà theo một ủy viên hội đồng địa phương, có thể không phải do dân tộc chủ nghĩa mà để "thủ thế". Người này chỉ dám trao đổi tại Câu lạc bộ thông tín viên ngoại quốc, cho biết mọi bình luận chính trị dù mang tính xây dựng cũng có thể bị coi là vi phạm luật an ninh. "Trở thành cảm tử quân và có 100 người tử đạo cũng vô dụng, một Hoàng Chi Phong đã đủ". Anh nghĩ đến việc ra đi.

Hàng ngàn người khác cũng thế. Một số muốn đi vì kinh tế suy sụp, số khác từ chối để con cái sống trong bầu không khí này. Số người xin cấp tư pháp lý lịch, cần thiết để xin một số visa, kể từ tháng Ba đã vượt quá 3.000/tháng. Đối với những người ở lại, vụ ông Lê Trí Anh là một lời cảnh báo. Một chủ doanh nghiệp ngành tài chính nói : "Để tóm tắt Hồng Kông đã thay đổi như thế nào, chỉ cần một ví dụ : Tôi không còn trả lời báo chí bằng tên thật nữa vì quá nguy hiểm".

Nhiều người cho rằng Hồng Kông đã thua trong cuộc chiến giành quyền tự quyết. Số khác tiếp tục kháng cự, trước hết là về chính trị, nhưng không gian hành động của đối lập còn rất ít. Bắc Kinh từ tháng Ba đã giảm số dân biểu được bầu trực tiếp, các ứng cử viên phải được chính quyền thông qua. Những đảng còn được tham dự chỉ mang tính trang trí, để lừa cộng đồng quốc tế.

Nghiệp đoàn và những nỗ lực cá nhân chống độc tài

Các nghiệp đoàn, kênh kháng cự mới từ 2019, nay đứng ở tuyến đầu. Trên 4.000 nghiệp đoàn đã được thành lập, đa số do phe cổ trắng để tiếp tục đấu tranh dân chủ trong doanh nghiệp. Họ vẫn xuất hiện trên đường phố để phản đối các chính sách, chẳng hạn giải thích với người qua đường là vac-xin Sinovac Trung Quốc không hiệu quả bằng BioNTech của Đức. Nhưng chính quyền cũng đang chuẩn bị một "cải cách" mới để vô hiệu hóa các nghiệp đoàn này.

Một nhà hoạt động cho rằng sau đó sẽ đến lượt các tổ chức phi chính phủ (NGO) bị giám sát, chỉ còn lại những chống đối cá nhân. Trừ một vài trang web bị đóng, internet hiện vẫn còn tự do với nhiều bài chỉ trích chế độ. Sách vẫn chưa bị kiểm duyệt ngoại trừ khoảng 30 cuốn bị rút khỏi các thư viện, nên những cuốn tiểu thuyết của Orwell chẳng hạn bán chạy như tôm tươi ở những nhà sách hiếm hoi còn độc lập.

Người ta còn sử dụng quyền tự do qua việc từ chối tiêm chủng chống Covid hay cài ứng dụng truy vết. Ủy viên hội đồng nói trên cho biết, Thiên An Môn đã thức tỉnh người Hồng Kông về bộ mặt thật của chế độ Trung Quốc, là khởi đầu của phong trào dân chủ, sự gắn bó làm nên bản sắc tập thể Hồng Kông. Dù bị cấm tưởng niệm, những cây nến vẫn được thắp trên các đường phố, con số 6-4 (ngày 4 tháng Sáu) được vẽ trên các hộp thư. "Những cố gắng nho nhỏ làm nên lịch sử. Bức tường Berlin không sụp đổ chỉ trong ngày một ngày hai".

Mỹ rút quân : Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa ám ảnh người Afghanistan

Tại một quốc gia Châu Á khác là Afghanistan, nền dân chủ non trẻ đang bị đe dọa với việc Mỹ rút quân ngày 11/09 tới. Sau buổi tiếp đón phái đoàn do tổng thống Ashraf Ghani dẫn đầu tại Nhà Trắng, không có buổi họp báo chung nào. Trong lúc áp lực của phe nổi dậy Taliban ngày càng tăng, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho Afghanistan và ủng hộ về chính trị.

Dù bị đảng Cộng hòa phản đối, chính quyền Biden vẫn giữ nguyên quyết định. Tại chỗ, phân nửa quân số đã được rút đi, Washington chỉ giữ lại 650 quân nhân để bảo vệ ngoại giao đoàn và phi trường Kabul, với sự hỗ trợ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Biden nói : "Người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của chính mình".

Một công thức nghe quen quen : sự sụp đổ của Sài Gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa luôn ám ảnh. Áp lực đè nặng lên số phận 18.000 người Afghanistan làm việc cho quân đội Mỹ. Hôm 07/06, Taliban kêu gọi họ bày tỏ sự "hối hận", đồng thời bảo đảm sẽ không bị nguy hiểm, nhưng tuyên bố này không xóa được nỗi lo sẽ bị trừ khử hay trả thù. Dân biểu Dân chủ Seth Moulton ở Massachusetts cuối tuần trước tiết lộ một kế hoạch hỗ trợ các cựu chiến binh như ông, đề nghị đưa họ sang đảo Guam trong khi chờ đợi xét cấp visa, hòn đảo từng đón nhận người tị nạn Việt Nam năm 1975.

Bầu cử cấp vùng Pháp : Tương quan lực lượng không thay đổi

Kết quả vòng hai của cuộc bầu cử cấp vùng chiếm lĩnh nhiều trang báo Pháp hôm nay 28/06/2021. La Croixchạy tựa "Cánh hữu và cánh tả quay lại với cuộc chơi", trong khi đóLe Figarochú ý đến tổng thống Pháp và chủ tịch đảng cực hữu "Macron, Le Pen, hai lần trừng phạt". Nhật báo thiên tảLibérationnhấn mạnh đến phe cực hữu "Tập hợp Cộng hòa thất bại". Le Mondera từ hôm trước dành tựa chính cho "Vũ khí : Cuộc chiến mới của những thiết bị bay không người lái", còn nhật báo kinh tế Les Echosnói về "Bình điện, thương mại, y tế, những dự án mới cho nước Pháp".

Các báo đều nhận xét : tỉ lệ cử tri vắng mặt tiếp tục cao, số người đi bầu chỉ nhỉnh hơn vòng đầu một chút, khiến các chủ tịch vùng mãn nhiệm giữ được lợi thế. Các đảng truyền thống giành lại được vị trí : cánh hữu thắng lợi ở 7 vùng và cánh tả 5 vùng. Đảng cực hữu ngỡ rằng sẽ chiếm được nhiều vùng, rốt cuộc nơi tràn đầy hy vọng nhất là vùng PACA cũng bị đánh bại. Đảng LREM của tổng thống Macron do chưa tạo lập được chân rết vững chắc ở các địa phương, không thắng được vùng nào. Riêng vùng Île de France tức Paris và vùng phụ cận, ứng cử viên LREM với liên danh có đến năm bộ trưởng cũng không đọ sức được với chủ tịch vùng mãn nhiệm cánh hữu.

Trong bài xã luận "Và sau đó thì sao ?", Libération cho rằng việc cử tri không đi bầu là thảm họa dân chủ đối với tất cả các đảng. Theo bà Céline Braconnier, giám đốc Science Po Saint-Germain-en-Laye, nước Pháp đã chuyển sang một nền "dân chủ vắng mặt", khó thể huy động được cử tri ngoài cuộc bầu cử tổng thống, riêng giới trẻ đến 80% không đi bầu.

Le Figaronhận định, "Mọi việc đều có thể". Bức tranh chính trị các vùng nước Pháp từ cuộc bầu cử trước cho đến lần này không thể thay đổi, tất cả các chủ tịch vùng đều tái đắc cử. Một cuộc bầu cử chẳng để làm gì chăng ? Trên thực tế, tại một nước Pháp bị xé nhỏ (có vùng đến bốn, năm đảng vào vòng hai), giờ đây đương kim tổng thống Emmanuel Macron, chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen, và một ứng cử viên cánh hữu đều có cơ hội chạy đua vào điện Elysée. Còn một năm nữa đến bầu cử tổng thống, cánh cửa chưa bao giờ rộng mở đến thế. Riêng đối với bà Le Pen, những người ủng hộ bắt đầu thất vọng, đỉnh cao quyền lực có lẽ sẽ chẳng bao giờ đạt được.

Tương tự đối với La Croix, tương quan quyền lực giữa các đảng ôn hòa tả-hữu đều như cũ, phe sinh thái có tăng chút ít nhưng không giành được một chức chủ tịch nào. Đặc biệt cực hữu không có cơ hội lãnh đạo dù chỉ một vùng. Theo tờ báo công giáo, đây là điều đáng mừng vì cử tri chọn lựa những khuôn mặt ôn hòa và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên đáng lo là tỉ lệ vắng mặt cao nơi giới bình dân và lớp trẻ, cứ như là mối quan hệ xã hội và liên hệ giữa các thế hệ đã bị đứt gãy. Thế nên theo bài xã luận "Liên tục và rạn vỡ", những người chiến thắng nên có thái độ khiêm tốn cần thiết.

Thụy My

Published in Châu Á

Hồng Kông : Ấn bản cuối cùng của tờ báo độc lập Apple Daily

Thanh Hà, RFI, 24/06/2021

Dân chúng Hồng Kông đua nhau mua bằng được ấn bản tiếng Anh cuối cùng của tờ báo độc lập Apple Daily. Sau 26 năm hoạt động, ấn bản cuối cùng được phát hành hôm nay 24/06/2021. Theo hãng tin Mỹ AP, mới 8 giờ 30 sáng, toàn bộ 1 triệu tờ báo đã bán hết.

baochi1

Người dân xếp hàng mua số báo Apple Daily cuối cùng, Hồng Kông, ngày 24/06/2021. AP - Vincent Yu

Gần một năm sau ngày luật an ninh quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt được ban hành, người dân Hồng Kông xếp hàng dài trước các sạp báo với hy vọng mua được số Apple Daily cuối cùng. Trang nhất số báo đặc biệt này dành đăng bức ảnh khổ lớn một nhà báo từ văn phòng của ban biên tập vẫy tay chào hàng trăm người tập hợp trước trụ sở của tòa soạn.

Hãng tin Pháp AFP lưu ý việc một tờ báo độc lập Hồng Kông đột ngột bị khai tử là đòn tấn công mới nhất nhắm vào các quyền tự do mà người dân Hồng Kông tới nay vẫn được hưởng và việc khai tử Apple Daily của nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) có thể báo trước, trong tương lai, nhiều hãng truyền thông quốc tế có văn phòng tại Hồng Kông sẽ phải dời cơ sở đi nơi khác.

Cũng AFP nhắc lại từ nhiều thập niên qua, nhiều tờ báo quốc tế đã chọn Hồng Kông là địa bàn hoạt động trong khu vực, nhờ đặc khu hành chính này bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho các cơ quan truyền thông nước ngoài. Thế nhưng Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính này, mặc nhiên khai tử mô hình một quốc gia hai chế độ, Hồng Kông tuột dốc trong bảng xếp hạng về quyền tự do báo chí. Trong bảng xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới năm 2020, Hồng Kông đang từ hạng 18 trên thế giới hồi năm 2002 rơi xuống hạng thứ 80.

Thanh Hà

********************

Hồng Kông : Phiên tòa đầu tiên không bồi thẩm đoàn, Apple Daily đình bản

Thụy My, RFI, 23/06/2021

Hôm 23/06/2021, phiên tòa đầu tiên theo luật an ninh mới không có bồi thẩm đoàn mở ra tại Hồng Kông - một bước ngoặt mới cho hệ thống tư pháp của trung tâm tài chính quốc tế này. Cũng trong hôm nay, ban quản trị tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily xác nhận sẽ đình bản chậm nhất vào ngày 26/06, tức chưa đầy một tuần sau khi tài sản bị phong tỏa và 5 nhà lãnh đạo bị bắt.

hongkong1

Nhà tranh đấu Đường Anh Kiệt (Tong Ying-Kit) bị áp giải tới một tòa án ở Hồng Kông, ngày 06/07/2020. AP - Vincent Yu

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

"Tất cả mọi người ở Hồng Kông đều nhớ lại hình ảnh đã được lan truyền rộng rãi hôm 01/07/2020, trong lúc đặc khu gặp cú sốc khi luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ khuya hôm trước. Đường Anh Kiệt (Tong Ying Kit) đã dùng xe gắn máy lao về phía một nhóm cảnh sát, phía sau phấp phới một băng-rôn lớn màu đen với câu khẩu hiệu của cuộc nổi dậy mùa hè năm 2019 : "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại".

Đường Anh Kiệt nằm trong số những công dân Hồng Kông đầu tiên bị bắt và khởi tố theo luật an ninh mới, và hôm nay bị cáo bị buộc các tội khủng bố, xúi giục ly khai, gây thương tích nặng do điều khiển xe một cách nguy hiểm. Anh bị tạm giam từ một năm qua, mặc dù các luật sư đã có được lệnh Habeas corpus (lệnh bảo hộ nhân thân). 

Đường Anh Kiệt bị đưa ra xét xử mà không có bồi thẩm đoàn, theo quyết định của Bộ Tư pháp và kháng cáo của các luật sư bị bác. Nhưng một phiên tòa sơ thẩm không bồi thẩm đoàn bị coi là đi ngược lại với thủ tục tố tụng Hồng Kông. Ba thẩm phán quen thuộc với luật an ninh mới được trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga bổ nhiệm sẽ tuyên án sau phiên tòa kéo dài ít nhất ba tuần lễ".

AFP cho biết trước tòa bị cáo 24 tuổi không nhận tội.

Trong suốt lịch sử 176 năm qua tại Hồng Kông, sự hiện diện của bồi thẩm đoàn là bắt buộc tại các phiên tòa xử những tội nặng như trên. Ngay trên trang web, Tư pháp Hồng Kông cũng coi yêu cầu này là "một trong những phương diện quan trọng nhất" của hệ thống tư pháp đặc khu. Tuy nhiên luật an ninh mới, do Bắc Kinh áp đặt, quy định một số hồ sơ có thể chỉ cần ba thẩm phán xét xử. Đạo luật mơ hồ giúp đàn áp mọi tiếng nói phản biện đã đẩy đa số khuôn mặt nổi bật của phong trào dân chủ Hồng Kông vào tù.

Apple Daily sắp đình bản, thêm một bình luận viên bị bắt

Cũng với luật an ninh mới, tự do báo chí tiếp tục bị bóp nghẹt. Ban quản trị Next Digital, công ty mẹ của tờ báo ủng hộ dân chủ Hồng Kông Apple Daily, hôm nay xác nhận với AFP số báo cuối cùng sẽ ra mắt chậm nhất vào ngày thứ Bảy 26/06. Theo Reuters, cây bút bình luận chính của Apple Daily bị bắt hôm nay, cảnh sát chỉ cho biết "một người đàn ông 55 tuổi bị bắt giam theo luật an ninh quốc gia".

Bắc Kinh chưa bao giờ giấu giếm ý định dập tắt tiếng nói của tờ báo luôn hỗ trợ phong trào đấu tranh và thẳng thừng chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hôm 17/06, khoảng 500 cảnh sát đã bố ráp tòa soạn, câu lưu 5 nhà lãnh đạo, chính quyền phong tỏa tài sản của tờ báo do tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) thành lập từ năm 1995, khiến Apple Daily không thể trả lương cho nhân viên và thanh toán cho các nhà cung cấp. Tổng biên tập La Vĩ Quang (Ryan Law) và tổng giám đốc Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim Hung) hôm 18/06 đã bị khởi tố và tạm giam.

Thụy My

********************

Lãnh đạo Hồng Kông cảnh cáo báo chí không được "lật đổ" chính quyền

Thanh Phương, RFI, 22/06/2021

Hôm 22/06/2021, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh cáo là báo chí không được có những hành động nhằm lật đổ chính quyền. Tuyên bố này nhằm đáp lại phản ứng gần đây của Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền đặc khu "ngưng đánh vào giới truyền thông".

hongkong2

Trụ sở chính của nhật báo Apple Daily tại Hồng Kông thuộc tập đoàn truyền thông của tỉ phú Lê Trí Anh, ngày 17/06/2021. AP - Kin Cheung

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hàng tuần, khi được hỏi về vụ khám xét tòa soạn nhật báo ủng hộ dân chủ và về tự do báo chí ở Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời : "Chỉ trích chính quyền thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có ý định tổ chức những hành động nhằm lật đổ chính quyền, thì dĩ nhiên đó là chuyện khác".

Vào tuần trước, cảnh sát Hồng Kông đã khám xét tòa soạn và bắt giữ 5 lãnh đạo của Apple Daily, đồng thời nhà chức trách phong tỏa tài sản của nhật báo này. Như vậy, rất có thể là tờ báo ủng hộ dân chủ này sẽ phải đình bản trong nay mai.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

"Hôm 21/06/2021, Apple Daily đã cho phát bản tin truyền hình trực tuyến cuối cùng của mình. Người dẫn chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của nền báo chí độc lập, đồng thời gửi lời cám ơn tới khán giả. 

Kể từ khi cảnh sát mở chiến dịch bố ráp vào tuần trước, giám đốc và tổng biên tập của tòa báo này đã bị cáo buộc âm mưu "thông đồng với thế lực ngoại quốc", một tội danh được xác định trong luật mới về an ninh quốc gia rất hà khắc. Họ hiện bị tạm giam để tiếp tục điều tra.

Nhưng trên hết, việc phong tỏa các tài khoản mới thực sự đe dọa sự tồn vong của tờ báo, theo lời giải thích của Mark Simon, cố vấn riêng của sáng lập viên tờ báo, Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người đã bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái :

"Thực sự có rất ít cơ may để tờ báo tồn tại. Nếu quan chức đặc trách An Ninh không cho phép sử dụng số tiền được đặt trong các tài khoản mà ông ta đã phong tỏa, Apple Daily không thể làm gì được. Không có tiền, chúng tôi phải đóng cửa !".

Mặt khác, ông Mark Simon tin rằng Bắc Kinh sẽ yêu cầu giới chức Hồng Kong đóng cửa Apple Daily nhân kỷ niệm một năm Luật An ninh Quốc gia, do Bắc Kinh áp đặt và do chính quyền Hồng Kông ban hành ngày 30/06 vừa qua".

Thanh Phương

********************

Hồng Kông : Báo Apple Daily bị chính quyền dồn đến chỗ chết

Anh Vũ, RFI, 22/06/2021

Những ngày gần đây, Apple Daily, tờ báo bình dân nổi tếng là mục tiêu của một cuộc tấn công rộng lớn của chính quyền Hồng Kông nhân danh luật an ninh quốc gia rất gây bất bình. Nhật báo trở thành một trong những tiếng nói chủ yếu của phe dân chủ trong 25 năm qua đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi môi trường báo chí ở Hồng Kông

hongkong3

Tại nhà in của nhật báo Hồng Kông Apple Daily ngày 18/06/2021. AP - Kin Cheung

Chủ nhật, 20/06 vừa rồi là ngày kỷ niệm 26 năm Apple Daily ra đời. Nhưng nhật báo bình dân của Hồng Kông này có lẽ không còn trụ được lâu nữa. Ê-kíp của báo hôm thứ Hai đã phải họp nhau để tìm cách sống sót được qua tuần này. "Chúng tôi nghĩ có thể trụ được ít nhất đến cuối tháng nhưng thực tế sự sống còn của tờ báo giờ được tính từng ngày", Mark Simon, một cố vấn của ông chủ báo Lê Trí Anh (Jimmy Lai - hiện đang phải ngồi tù), nói với Reuters.

"Không tiền, không tin tức"

Những ngày qua, Apple Daily đã phải hứng chịu một cuộc tấn công chưa từng có từ chính quyền thân Bắc Kinh hiện nay ở Hồng Kông. Nhiều nhà báo, trong đó có tổng biên tập Ryan Law, đã bị bắt hôm thứ Năm và bị buộc tội thông đồng với thế lực nước ngoài. Lực lượng an ninh đã lục soát thu giữ các tài liệu, máy tính của ban biên tập. Chiến dịch của cảnh sát đã khiến các nhóm làm báo của Apple Daily phải nối bàn phím vào điện thoại di động để viết bài, hoàn tất lên trang báo. Toàn bộ sự việc diễn ra dưới sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông địa phương đến ghi hình và truyền trực tiếp lên internet hành trình xuống địa ngục của một nhật báo có số lượng độc giả lớn thứ 2 Hồng Kông.

Tài khoản ngân hàng của tập đoàn đã bị phong tỏa và gần ba triệu đô la cổ phiếu cũng đã bị giữ, vận dụng theo luật an ninh quốc gia, vừa được thông qua hồi tháng 6/2020. "Quyết định phong tỏa tất cả các tài khoản của tập đoàn tác động đến chúng tôi nhiều nhất. Không có tiền, chúng tôi không thể làm tin được", ông Mark Simon lấy làm tiếc khi được báo The Guardian hỏi.

Ông ước tính tiền dự trữ của tờ báo chỉ cho phép chi phí sinh hoạt trong vài tuần, nhưng không thể trả tiền các nhà báo hay chi cho các phóng sự. Những nỗ lực của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhằm bịt miệng Apple Daily là hành động mới nhất trong cuộc chiến dai dẳng giữa chính quyền địa phương và tờ báo, ra đời năm 1995 và là cái gai truyền thông trong mắt Bắc Kinh.

Một tờ báo bình dân dấn thân vào chính trị

Tuy nhiên, thời kỳ đầu, Apple Daily không lấy chỉ trích chính quyền là mục tiêu chính để bán được báo. Nhật báo trước tiên chủ trương chạy các tin vặt trong xã hội, chuyện ồn ào của các ngôi sao cùng với những tít giật gân.

Sự xuất hiện của tờ báo bình dân này đã làm thay đổi môi trường báo chí ở Hồng Kông, nhất là sau khi thành phố được trả về Trung Quốc 1997, nhà chính trị học Hồng Kông Ma Ngok trong một nghiên cứu về truyền thông Hồng Kông trong bước ngoặt thế kỷ 21, xuất bản năm 2007, ghi nhận.

Apple Daily đã gây ồn ào khi là tờ báo đầu tiên bán với giá 2 đô la, trong khi tập đoàn báo chí Hồng Kông đã lên biểu giá cho nhật báo là 5 đô la. Chủ trương này của tờ báo đã dẫn đến việc "chấm dứt cạnh tranh của 8 tờ báo địa phương trong 6 tháng", trang mạng The Diplomat nhắc lại trong một phóng sự điều tra dài nói về tác động của Apple Daily tại Hồng Kông, đăng hồi tháng 12/2020.

Người sáng lập ra tờ báo, tỷ phú Lê Trí Anh, đã sớm tạo được giọng điệu chính trị cho Apple Daily. Doanh nhân này đã quyết định nhảy vào lĩnh vực truyền thông thông tin "sau cuộc đàn áp sinh viên biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989", BBC nhấn mạnh.

Ngay từ năm 2003, nhật báo đã kiên định đứng về phía phong trào ủng hộ dân chủ trong các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh dự tính để cho Nghị Viện Hồng Kông thông qua. Ngày tranh luận về dự luật tại Nghị Viện, tờ báo của Lê Trí Anh chạy tựa "Các bạn hãy xuống đường".

Tương tự năm 2012, khi có cuộc tranh luận xung quanh cải cách giáo dục khi đó bị phe dân chủ đánh giá đó là mưu đồ "tẩy não" do Bắc Kinh giật dây. Apple Daily đã kêu gọi : "Chúng ta hãy bảo vệ phẩm giá của Hồng Kông trên đường phố".

Vào thời kỳ diễn ra phong trào Dù Vàng năm 2014, sau đó là trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Apple Daily thường xuyên được coi như là tiếng nói đối lập. Ông Lê Trí Anh thậm chí còn xuất hiện hậu cảnh trong bức ảnh trên trang bìa tờ báo số đặc biệt dành cho các cuộc biểu tình năm 2014.

Mưu sát nhằm vào ông chủ của Apple Daily

Những hành vi như vậy đã khiến cho ông Lê Trí Anh và tờ báo của ông chịu nhiều khốn khổ. Trước khi bị bắt giam hồi tháng 8/2020, nhà sáng lập của nhật báo này đã là mục tiêu của một vụ mưu sát năm 2009 và nhà riêng của ông tại Hồng Kông cũng nhiều lần bị phá hoại.

Nhật báo New York Times cũng lưu ý là năm 2015, một trái nổ đã được tìm thấy cách không xa trụ sở chính của Apple Daily. Nhật báo của Lê Trí Anh luôn luôn gặp khó khăn tìm kiếm quảng cáo và nhiều phóng viên của báo không được tham dự phần lớn các sự kiện quan trọng do Trung Quốc tổ chức, thí dụ như Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008.

Nhật báo đã trở thành đối thủ mà chính quyền Hồng Kông muốn đánh gục. Nhưng lần này, cuộc tấn công vào Apple Daily dường như nằm trong ý đồ rộng hơn là đưa vào khuôn phép toàn bộ hệ thống truyền thông ở Hồng Kông.

Kể từ các cuộc biểu tình dân chủ hồi năm 2019, chính quyền đã siết chặt gọng kìm đối với báo chí Hồng Kông. Trong vòng 2 năm, đặc khu bán tự trị này đã bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đánh tụt hạng về tự do báo chí từ thứ 18 xuống thứ 80.

Đầu tháng 6 vừa rồi, kênh truyền hình RTHK ở Hồng Kông, nổi tiếng với những chương trình bị cho là "xấc xược" với chính quyền Trung Quốc, lần đầu tiên đã quyết định không "làm chính trị" xung quanh kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn. Đây là một quyết định sốc đối với một bộ phận ban biên tập, vốn rất tâm huyết với tính độc lập của báo chí. Một số người đã cảnh báo là mục tiêu sắp tới của chính quyền sẽ là Apple Daily, "có thể là vào tháng 9 trước cuộc bầu cử Nghị Viện vào tháng 12". Cuối cùng chính quyền đã đã không đợi lâu đến như thế.

(Theo France 24)

Anh Vũ

Published in Châu Á

Hồng Kông : Một thiếu niên bị kết tội nổi dậy

Thu Hằng, RFI, 03/03/2021

Phiên tòa xét xử hàng chục nhà đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông tiếp tục trong ngày 03/03/2021. Một số bị cáo trong tổng số 47 người bị đưa ra xét xử hy vọng được trả tự do có điều kiện. Trong khi đó, lần đầu tiên, một thiếu niên bị kết tội "nổi dậy" liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 và sẽ bị giam trong một thời gian tại một trại dành cho trẻ vị thành niên.

hongkong1

Biểu tình bên ngoài tòa án phản đối phiên xử các nhà hoạt động trong phong trào biểu tình năm 2019, tại Hồng Kông ngày 01/03/2021.  Reuters – Lam Yik

Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :

"Nam thiếu niên hiện 16 tuổi, tên được giữ bí mật, mới 14 tuổi vào lúc xảy ra sự việc, bị cáo buộc đã tham gia vào một cuộc nổi dậy và âm mưu phóng hỏa. Thiếu niên này đã ném một chai xăng về phía một nhân viên cảnh sát dù không làm người này bị thương ở khu phố Vượng Giác (Mong Kok) sầm uất, vào tháng 11/2019. Cùng thời điểm đó, có hàng nghìn sinh viên chiếm trường đại học Bách Khoa cách đó không xa, được coi là một trong những thời điểm bạo lực nhất trong giai đoạn chống chính phủ đầy hỗn loạn.

Thẩm phán cho rằng thiếu niên này đã có thể bị ảnh hưởng từ một số sinh viên hoặc chính trị gia, có nghĩa là gián tiếp đẩy trách nhiệm cho những người nhiều tuổi hơn tham gia phong trào. Vì thế, thiếu niên này bị phạt giam trong "một thời gian ngắn", không ấn định, trong một trung tâm giam giữ thiếu niên, đi kèm với việc theo dõi tâm lý.

Ở Hồng Kông, thời hạn lưu trú cụ thể do giám đốc trại giam quyết định. Và khi hết hạn, thanh thiếu niên có thể phải tuân thủ nhiều điều kiện khác theo kiểu như bị giới nghiêm.

Đây là lần đầu tiên một công dân bị kết tội nổi dậy liên quan đến các sư kiện năm 2019 và thoát án tù giam".

Thu Hằng

**********************

Gần 50 nhà dân chủ Hồng Kông bị buộc tội "lật đổ" chế độ

Thanh Hà, RFI, 28/02/2021

Tám tháng sau khi luật an ninh quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực, ngày 28/02/2021, 47 nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông có liên quan đến cuộc bầu cử địa phương hồi mùa hè 2020 bị khép vào tội có âm mưu "lật đổ chế độ"

hongkong2

Giáo sư luật Đới Diêu Đình, một trong những gương mặt đấu tranh của phong trào Dù vàng 2014, đến sở cảnh sát Hồng Kông ngày 28/02/2021.  AP

Cảnh sát Hồng Kông thông báo 47 người nói trên bị truy tố với tội danh "đồng lõa nhắm tới các hành vi lật đổ chế độ" Đây là một trong những tội danh được quy định trong đạo luật an ninh quốc gia mà Hoa Lục đã áp đặt với đặc khu hành chính Hồng Kông. Văn bản này có hiệu lực từ cuối tháng 6/2020. Đạo luật nói trên được cho ra đời nhằm ngăn chận mọi cuộc xuống đường đòi dân chủ như hồi năm 2019.

Hãng tin Pháp AFP lưu ý 47 bị cáo nói trên nhằm trong danh sách 55 người thuộc phe đối lập Hồng Kông. Trong số này có rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã bị bắt giữ hồi đầu tháng Giêng 2021, như cựu dân biểu Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo), giáo sư Đới Diệu Đình (Benny Tai) nhiều luật gia và kể cả những nhà đấu tranh trẻ tuổi như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).

Hoàng Chi Phong, gương mặt nổi bật nhất của phong trào dân chủ Hồng Kông đã bị bắt và bị tống giam vì tội "tổ chức biểu tình bất hợp pháp" Cảnh sát Hồng Kông cho biết 47 người nói trên gồm 39 nam, 8 nữ, trong độ tuổi từ 23 đến 64.

Thanh Hà

Published in Châu Á

Hồng Kông : Trưởng đặc khu ủng hộ sửa đổi luật bầu cử nhằm loại đối lập

Thu Hằng, RFI, 24/02/2021

Hai ngày sau khi Bắc Kinh tỏ ý muốn "lấp lỗ hổng pháp lý" trong hệ thống bầu cử ở Hồng Kông, ngày 23/02/2021, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ủng hộ cải cách bầu cử. Biện pháp này sẽ loại bớt tiếng nói đối lập và gia tăng sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với đặc khu hành chính.

hongkong1

Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga Carrie Lam trả lời họp báo ngày 26/01/ 2021.  Reuters – Tyrone Siu

Theo Reuters, dự thảo luật sẽ được đệ trình lên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào tháng 03/2021 và có khả năng sẽ được thông qua vì rất nhiều nghị sĩ đối lập bị bãi chức do ý kiến của họ bị cho là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ngày 23/02, được AP trích dẫn, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định các cuộc xung đột chính trị và bất ổn ở Hồng Kông trong những năm 2014 và 2019 cho thấy luôn có những cá nhân "thù nghịch" với chính quyền trung ương. Điều này khiến Bắc Kinh "quan ngại và không muốn tình hình xuống cấp đến mức quy chế "một quốc gia, hai chế độ" không thể thực hiện được".

Cũng trong ngày 23/02, chính quyền Hồng Kông thông báo yêu cầu các ủy viên cấp quận, trong đó có rất nhiều người được bầu trực tiếp và có khuynh hướng độc lập về chính trị, phải tuyên thệ trung thành với Hồng Kông với tư cách là một đặc khu của Trung Quốc. Hiện tại, chỉ có trưởng đặc khu, các công chức cấp cao và thành viên của hội đồng hành pháp và nghị sĩ mới phải tuyên thệ trung thành.

Thu Hằng

***********************

Bắc Kinh : Chỉ "những người yêu nước" mới được trúng cử ở Hồng Kông

Thùy Dương, RFI, 22/02/2021

Trung Quốc muốn bảo đảm rằng chỉ những người được Bắc Kinh coi là "những người yêu nước" mới có thể được bầu vào cơ quan lập pháp Hồng Kông hoặc trong kỳ bầu cử cấp quận. Một quan chức cấp cao của chính phủ trung ương Trung Quốc cho biết như trên vào hôm 22/02/2021.

hongkong2

Một cảnh phòng họp Nghị Viện Hồng Kông - Legco. Ảnh ngày 25/11/2020.  Reuters – Lam Yik

AFP cho biết chưa đầy hai tuần trước khi khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, ông Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Macao, hôm 22/02/2021, kêu gọi "lấp lỗ hổng pháp lý" trong hệ thống bầu cử Hồng Kông, hàm ý nói đến công cuộc cải cách bầu cử ở đặc khu hành chính, đặc biệt là để tránh sự hiện diện của các ứng cử viên "bài Trung Quốc" tại Legco - Nghị Viện Hồng Kông - hoặc chính quyền cấp quận.

Theo ông Hạ Bảo Long : "Điều cần thiết nhất và cấp bách nhất là cải thiện hệ thống, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống bầu cử".

Nhưng thế nào là người yêu nước ? Trong phiên bản viết bài phát biểu của ông Hạ Bảo Long, được Văn phòng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Macao công bố thì "yêu nước có nghĩa là yêu Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa".

Kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc khai mạc ngày 05/03/2021. Người dân Hồng Kông đang theo dõi sát sao mọi thay đổi có thể xảy ra trong khóa họp thường niên lần này, bởi vì rất có thể Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua các biện pháp mới để tăng cường sự kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính Hồng Kông.

AFP nhắc lại là sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ủng hộ dân chủ và chống Bắc Kinh hồi năm 2019 và chiến thắng vang dội của các ứng cử viên đối lập trong cuộc bầu cử cấp quận, Bắc Kinh đã kiên quyết đáp trả.

Vào tháng 05/2020, tại khóa họp thường niên, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một đạo luật an ninh quốc gia mới để vô hiệu hóa các nhà đối lập ở Hồng Kông. Bắc Kinh chính thức áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông từ 23 giờ ngày 30/06/2020, ngay trước hôm kỷ niệm 23 năm Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc (ngày 01/07/1997).

Thùy Dương

Published in Châu Á

Theo hãng tin AFP, chính quyền Hồng Kông đã đề nghị sửa đổi luật hiện hành để có thể cấm bất cứ ai rời khỏi đặc khu hành chính. Hôm qua, 12/02/2021, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông đã bày tỏ lo ngại về điểm sửa đổi luật này.

hongkong1

Hộ chiếu Hồng Kông và hộ chiếu Anh Quốc cấp mà nhiều người Hồng Kông có thể sử dụng. AP - Kin Cheung

Vào cuối tháng 1, chính quyền Hồng Kông đã đề nghị một điểm sửa đổi cho một luật hiện hành, để giám đốc cơ quan di trú có quyền cấm bất cứ ai rời khỏi đặc khu, mà không cần có quyết định trước đó của tư pháp.

Trong một văn bản gởi Hội đồng Lập pháp, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông cho rằng chỉ có tòa án, chứ không phải giám đốc cơ quan di trú, mới có quyền quyết định cấm công dân xuất cảnh. Các luật sư Hồng Kông nhấn mạnh rằng hiện đã có rất nhiều luật để cấm các cá nhân rời khỏi đặc khu này, trong đó có luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông vào tháng 6/2020. Luật này có dự trù biện pháp tịch thu hộ chiếu đối với một số trường hợp.

Kể từ khi luật an ninh quốc gia được ban hành ở Hồng Kông, ngày càng có nhiều nhà hoạt động, cựu nghị viên ủng hộ dân chủ phải trốn khỏi đặc khu hành chính này để sống lưu vong. Nói chung, ngày càng có nhiều người dân Hồng Kông di tản ra nước ngoài, tranh thủ những điều kiện nhập cư dễ dàng của các nước Anh Quốc, Canada và Đài Loan.

Vào cuối tháng 8, khoảng một chục nhà hoạt động vượt biên bằng tàu sang Đài Loan đã bị hải cảnh Trung Quốc bắt giữ. Đa số những người trên tàu đã từng bị truy tố ở Hồng Kông vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Anh cấp visa dài hạn cho người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại

Thụy My, RFI, 29/01/2021

Anh Quốc hôm 29/01/2021 khẳng định muốn bảo vệ "quyền tự do và tự trị" của Hồng Kông thông qua loại visa mới có giá trị dài hạn cho các cư dân cựu thuộc địa, do Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới.

anh1

Người biểu tình giơ hộ chiếu Anh hải ngoại và cờ Hồng Kông thời thuộc địa tại một trung tâm thương mại, để phản đối luật an ninh Trung Quốc áp đặt tại Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 29/05/2020.  AP - Kin Cheung

Những người dân Hồng Kông sở hữu hộ chiếu Anh hải ngoại (BNO) kể từ Chủ nhật 31/01 có thể xin cấp loại visa này, để sống và làm việc tại Anh trong 5 năm và sau đó có thể xin nhập quốc tịch. Từ trước đến nay, họ chỉ có quyền đến Anh 6 tháng và không được làm việc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố việc mở rộng này giúp chứng minh "mối quan hệ lịch sử và hữu nghị sâu sắc với người dân Hồng Kông". Ông khẳng định muốn "bảo vệ tự do và quyền tự trị, là những giá trị mà Anh và Hồng Kông vẫn gắn bó".

Sự thay đổi này khiến Bắc Kinh giận dữ. Chính phủ Anh đã hứa hẹn như trên từ tháng 7/2020, để phản ứng việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới một cách độc đoán tại Hồng Kông, đàn áp dữ dội phong trào phản kháng. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm nay tái khẳng định luật này "vi phạm hiển nhiên và trầm trọng bản tuyên bố chung Anh-Trung Quốc" ký kết năm 1984.

Phí visa loại mới là 250 bảng Anh (280 euro), nhưng nếu muốn được hưởng dịch vụ y tế công, phải đóng nhiều hơn (3/120 bảng Anh cho người lớn, tương đương 3.500 euro).

Hiện nay có khoảng 350.000 người có hộ chiếu Anh hải ngoại, tăng gần gấp đôi kể từ khi nổ ra phong trào đòi dân chủ cách đây một năm rưỡi. Còn 2,9 triệu người Hồng Kông khác, sinh trước năm 1997, đều có thể xin cấp hộ chiếu này. Đã có 7.000 người Hồng Kông sở hữu BNO sang Anh sinh sống từ tháng 7/2020 đến giữa tháng 1/2021. Luân Đôn ước tính hệ thống mới sẽ thu hút đến 322.400 người trong 5 năm.

Bắc Kinh hôm nay loan báo sẽ từ bỏ việc công nhận loại hộ chiếu đặc biệt của Anh dành cho người Hồng Kông.

Thụy My

***********************

Anh cấp visa đặc biệt cho người Hong Kong, Bắc Kinh nói giấy tờ vô giá trị

BBC, 29/01/2021

Bắc Kinh tuyên bố không công nhận giá trị pháp lý của những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO).

anh2

Một phụ nữ Hong Kong cầm cuốn hộ chiếu hải ngoại Anh

Bước đi nhằm trả đũa việc chính phủ Anh nói sẽ có loại visa mới này, có hiệu lực từ Chủ Nhật 31/1.

Khoảng 300.000 người dự tính sẽ rời Hong Kong sang Anh sống theo một loại visa mới có hiệu lực từ Chủ Nhật 31/1.

Những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO) và thân nhân phụ thuộc của họ sẽ có thể nộp đơn xin visa mới qua ứng dụng điện thoại smartphone.

Hơn 7000 người Hong Kong đã được phép định cư ở Anh từ tháng 7/2020, Bộ Nội vụ Anh cho hay.

Nhưng chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố họ không công nhận vì Hong Kong đã trả về cho Trung Quốc.Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói từ 31/1, nước này sẽ không công nhận hộ chiếu BNO như một giấy tờ thông hành.

Hộ chiếu này cũng không được chấp nhận như một chứng từ căn cước, Trung Quốc tuyên bố, và họ sẽ "giữ quyền thực hiện thêm các biện pháp khác".

Loại visa này được công bố hồi tháng Bảy sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới ở Hong Kong.

Bắc Kinh đã cảnh báo Anh không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói động thái này là tôn trọng "mối quan hệ lịch sử sâu sắc và tình hữu nghị" của Anh với thuộc địa cũ của nước này.

Những người xin visa thành công có thể xin định cư sau 5 năm và sau đó xin làm công dân Anh từ năm thứ 6.

Mặc dù có 2,9 triệu công dân Hong Kong đủ tiêu chuẩn để chuyển sang Anh, với chừng 2,3 triệu người thân nhân phụ thuộc, chính phủ Anh ước tính sẽ có khoảng 300.000 người tận dụng chương trình này trong 5 năm đầu.

Thủ tướng Johnson nói : "Tôi hết sức tự hào chúng ta đã mang lại một con đường mới cho người Hong Kong có hộ chiếu BNO được sống, làm việc và xây dựng tổ ấm trên đất nước chúng ta.

"Qua việc này, chúng ta đã tôn trọng mối quan hệ lịch sử sâu sắc và tình hữu nghị với người dân Hong Kong, và chúng ta đã đấu tranh cho tự do và quyền tự trị - những giá trị mà cả Anh Quốc và Hong Kong đều coi trọng."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi chương trình này là sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và can thiệp mạnh vào công việc nội bộ của Hong Kong và Trung Quốc, trang web The Paper của Trung Quốc đưa tin.

"Phía Anh đã không tôn trọng thực tế là Hong Kong đã trở lại với Trung Quốc 24 năm trước," ông Triệu nói.

Phân tích của James Landale, Phóng viên Ngoại giao

Hệ thống visa mới giúp người Anh hải ngoại thoát khỏi Hong Kong có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về cam kết là một ảnh hưởng tốt trên thế giới của chính phủ Anh.

Lên án sự đàn áp là một chuyện, có hành động lại là chuyện khác.

Và lần này, Anh Quốc thực hiện lời hứa cách đây hơn hai thập kỷ với những người mà Anh Quốc có trách nhiệm bảo vệ.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra.

Những người từ Hong Kong sang sẽ được hỗ trợ như thế nào ?

Về lâu dài, họ có thể góp phần cho kinh tế và văn hóa Anh, nhưng trước mắt, họ sẽ cần được hỗ trợ.

Họ sẽ sống ở đâu ? Họ sẽ tìm việc làm ở đâu ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hơn 300.000 người như dự tính sẽ sang Anh trong 5 năm đầu ? Người dân Anh sẽ phản ứng ra sao ?

Và trên hết, Trung Quốc sẽ trả đũa như họ hứa ra sao? Liệu Bắc Kinh có cấm những người có hộ chiếu BNO không được làm trong hệ thống công quyền, hay đi bầu cử, hay thậm chí không được rời Hong Kong? Và khi đó Anh Quốc sẽ làm gì ?

Lệ phí visa để ở Anh 5 năm sẽ là 250 bảng Anh/người- hay 180 bảng để ở 30 tháng - và sẽ có phí y tế nhập cư lên tới 624 bảng Anh/năm.

Nathan Law, nhà vận động ủng hộ dân chủ, người chạy khỏi Hong Kong và hiện đang sống lưu vong ở Anh, chào mừng tin này

"Đây là cam kết cho thỏa thuận lịch sử với Hong Kong và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta đưa ra một lối thoát an toàn cho những người đang chịu đàn áp chính trị ở Hong Kong," ông nói với BBC.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói chương trình này nằm cho những người xin visa có độ an toàn cao hơn trong lúc có lo ngại họ sẽ bị nhà chức trách Hong Kong phát hiện và nhắm vào.

Hộ chiếu BNO được cấp trước khi Anh quốc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997.

Trước khi Hong Kong bị trao trả, Anh và Trung Quốc có thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", có nghĩa, ngoài những điều khác, những quyền như tự do tụ tập, tự do ngôn luận và tự do báo chí sẽ được bảo vệ.

Thỏa thuận được ký năm 1984 và sẽ có hiệu lực cho tới 2047.

Nhưng Anh Quốc nói thỏa thuận này đang bị đe dọa vì chính quyền thông qua một điều luật hồi tháng 6/2020 cho phép Trung Quốc có quyền kiểm soát rộng lên người Hong Kong.

Trung Quốc nói luật này là cần thiết để ngăn các cuộc biểu tình xảy ra ở Hong Kong trong suốt năm 2019. Tuy nhiên, luật này gây lo ngại cả ở Hong Kong và nước ngoài, với những người phản đối nói nó hủy hoại quyền tự trị của Hong Kong.

Published in Quốc tế
Trang 1 đến 14