Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Rút luật dẫn độ : "Bàn tay hòa giải rụt rè" của lãnh đạo Hồng Kông

Chính trị trong nước là chủ đề lớn của nhiều nhật báo Pháp, với hồ sơ cải cách hưu trí đầy gai góc được mở lại hôm nay 05/09/2019, và thông tin gây xôn xao về một chính trị gia đảng cầm quyền quyết định ra tranh cử chức đô trưởng Paris vòng một, không cần được ban lãnh đạo đảng chấp thuận.

rut1

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) họp báo ngày 05/09/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Về Châu Á, hồ sơ nổi bật nhất là lãnh đạo đặc khu Hồng Kông rút hẳn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, một trong các đòi hỏi chính của phong trào phản kháng tại Hồng Kông từ ba tháng nay.

Nhật báo Le Figaro dùng hàng tựa "Tại Hồng Kông : Bàn tay hòa giải rụt rè của bà Carrie Lam" để lột tả tính chất cơ bản của diễn biến quan trọng vừa diễn ra. Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hôm qua thông báo chính thức chôn vùi dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, đầu mối gây nên phong trào phản kháng dữ dội, kéo dài từ ba tháng nay với các cuộc xuống đường của hàng triệu người, chống lại chính quyền bị họ cáo buộc là thần phục Bắc Kinh.

Lãnh đạo Hồng Kông muốn lấy lại chủ động trong cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại Hồng Kông, bằng quyết định rút này, với hy vọng thiết lập lại niềm tin của công chúng, đồng thời hứa hẹn tiến hành "một nghiên cứu độc lập", để xác định "các nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng".

Theo các chuyên gia, quyết định rút dự luật dẫn độ chắc chắn phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Reuters cách nay ít hôm ghi nhận chính Bắc Kinh đã ngăn cản giải pháp rút hẳn dự luật, theo đề nghị - trong hậu trường - của bà Carrie Lam với các lãnh đạo trung ương. Không có sự bật đèn xanh của Bắc Kinh, chính quyền đặc khu sẽ chỉ dám dừng ở giải pháp đình hoãn dự luật (hôm 15/06). Đây là một nguyên nhân trực tiếp khiến phong trào phản kháng tiếp tục.

Tuy nhiên, với Le Figaro, cử chỉ nhân nhượng này của lãnh đạo đặc khu là không đủ. Trước hết là vì bà Carrie Lam chỉ thỏa mãn một trong năm yêu sách chính của những người đòi dân chủ. Bốn đòi hỏi quan trọng khác không được đáp ứng là : thiết lập một ủy ban điều tra về bạo lực của cảnh sát, ân xá cho những người phản kháng bị bắt, không sử dụng cụm từ "bạo động" để nói về những người biểu tình và đặc biệt là yêu sách cử tri trực tiếp bầu người lãnh đạo đặc khu. Lãnh đạo Hồng Kông nhấn mạnh là "ân xá" là một điều "không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, về phía phong trào phản kháng, nhiều tiếng nói chủ chốt khẳng định quyết định rút dự luật là "tích cực", nhưng các đáp ứng của chính quyền là quá ít và quá trễ. Theo nhận định của Adam Ni, nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie, Sydney, nếu bà Carrie Lam đưa ra quyết định sớm hơn, bà đã có thể tác động được đến công luận, nhưng đưa ra vào thời điểm này, ảnh hưởng sẽ rất ít, bà ấy sẽ phải có thêm những cử chỉ khác.

Theo nhật báo Pháp, thì diễn biến những ngày tới sẽ trả lời là "cuộc phản công" của Carrie Lam có đạt được mục tiêu khiến căng thẳng xuống thang, từ đây cho đến trước ngày 01/10, một dịp được coi là cực kỳ nhạy cảm, bởi đó là lúc mà chính quyền Bắc Kinh sẽ rầm rộ kỉ niệm 70 năm ngày ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Khả năng hành động hạn chế của Carrie Lam

Le Figaro cũng lưu ý là khả năng hành động của lãnh đạo Hồng Kông hiện nay rất hạn chế, cho dù được chính quyền trung ương tuyên bố "hậu thuẫn mạnh mẽ" đối với lãnh đạo đặc khu. Trong một cuộc họp kín với giới doanh nhân hồi tuần trước, một số nguồn tin cho rằng, bà Carrie Lam đã từng thổ lộ muốn từ chức.

Cùng nhận định với Le Figaro, Les Echos có bài "Hồng Kông : Sự lui bước của chính quyền Bắc Kinh không thuyết phục". Les Echos dẫn lời nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại Hồng Kông, theo ông, "đã có sự phân hóa trong nội bộ giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc". Thành phần được gọi là "ôn hòa" muốn có một số nhân nhượng nhỏ, và việc rút dự luật là một nhân nhượng nhỏ theo hướng này.

Vẫn theo nhà Hán học Pháp, với quyết định này, ắt hẳn là lãnh đạo Hồng Kông muốn làm hài lòng "những người ôn hòa nhất" trong hàng ngũ phong trào phản kháng, nhằm chia rẽ phong trào. Tuy nhiên, theo Les Echos, nhìn chung, việc lãnh đạo Hồng Kông không đếm xỉa đến các yêu sách còn lại của phong trào đòi dân chủ khiến hành động nhân nhượng nói trên không thuyết phục được đông đảo người biểu tình.

Chính quyền chuẩn bị đàn áp quy mô

Nhật báo La Croix, trong bài "Carrie Lam chấp nhận hy sinh để cứu vãn tình thế", dẫn lời của lãnh đạo trẻ phong trào dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cảnh báo là chính quyền Trung Quốc đã "không nhân nhượng gì, và đang chuẩn bị một cuộc đàn áp quy mô lớn". Theo nghị sĩ Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai), lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập, nếu như mọi người không chấp nhận nhân nhượng nói trên của lãnh đạo đặc khu, coi đây là điều "giả dối", bởi bà Carrie Lam có thể sử dụng điều này như một cái cớ, để sau đó rảnh tay đàn áp.

Cũng La Croix có bài xã luận : "Về sự lùi bước trong chính trị", so sánh hành động rút lại dự luật của chính quyền Hồng Kông với những nhân nhượng của chính phủ Pháp trước phong trào Áo Vàng. La Croix ghi nhận một hiện tượng tương tự là : các nhân nhượng được đưa ra quá chậm trễ đã không giúp làm dịu tình hình. Nhật báo công giáo cũng cùng chung dự đoán là phong trào phản kháng sẽ tiếp tục, đặc biệt với yêu sách bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu, bất chấp nguy cơ chính quyền Bắc Kinh can thiệp quân sự.

Riêng phản ứng từ phía giới doanh nhân, sau nhân nhượng của lãnh đạo Hồng Kông, là theo hướng tích cực. Trong bối cảnh nền kinh tế đặc khu đứng trước nguy cơ suy thoái, chứng khoán Hồng Kông mất giá hơn 10% kể từ khi khủng hoảng bùng phát, bắt đầu lên giá ngay sau thông báo của bà Carrie Lam.

Cải cách hưu trí : Chỉ một phần ba cử tri tin tưởng chính phủ

Cải cách hưu trí là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. Theo La Croix, thương thuyết về cải cách hưu trí bắt đầu khởi sự lại ngày hôm nay và ngày mai tại phủ tổng thống. Lãnh đạo giới chủ và các nghiệp đoàn người làm công sẽ đối thoại với thủ tướng Edouard Philippe, bộ trưởng y tế Agnès Buzyn và người phụ trách cải cách hưu trí Jean-Paul Delavoye.

La Croix, dẫn thăm dò dư luận của IFOP, theo đó, 34% tin tưởng vào chính phủ. Tin tưởng nhiều nhất là giới viên chức cấp cao, và những người hành nghề tự do (49%), thấp nhất là trong giới công nhân (82%). 41% cho rằng không cần phải cải cách. Về phía những người ủng hộ cải cách, có nhiều lý do khác nhau. 36% ủng hộ việc kéo dài thời gian đóng góp tiền vào quỹ hưu trí, 16% ủng hộ tăng số lượng đóng góp, chỉ có 7% đồng ý ủng hộ việc giảm tiền hưu.

Bài xã luận Le Figaro thừa nhận cải cách hưu trí là một hồ sơ cực kỳ phức tạp. Le Figaro than thở là sau 18 tháng đàm phán ròng rã được ví với "cuộc chạy marathon đầu tiên", rốt cuộc giờ đây mở ra một cuộc marathon mới, cũng dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng.

Vấn đề là, giờ đây khó ai hiểu được là cải cách hưu trí đang đi về đâu. Đủ các phương án được bày ra, từ tuổi về hưu cơ bản (64 tuổi), rồi tuổi được hưởng tiền hưu trọn vẹn, rồi lại có thêm phương án kéo dài thời gian đóng góp cho quỹ hưu trí… Nhưng Le Figaro cũng thừa nhận "tính chất nguy hiểm về chính trị" của cuộc cải cách này, và tỏ ra đồng cảm với chính phủ : Nếu chính phủ đạt được mục tiêu như đã cam kết, mọi người cũng sẽ "tha thứ cho tiến trình cải cách chậm như sên này".

Tranh cử đô trưởng Paris : Hai ứng cử viên đảng cầm quyền đọ sức

Việc nghị sĩ Cédric Villani, thuộc đảng cầm quyền LREM, Cộng Hòa Tiến Bước, quyết định ra tranh cử thị trưởng Paris gây xôn xao (nghị sĩ Villani là nhà toán học, từng đoạt giải thưởng toán học quốc tế Fields, được coi là tương đương với giải Nobel, cùng đợt với nhà toán học hai quốc tịch Việt - Pháp Ngô Bảo Châu).

Libération chạy tựa lớn trang nhất : Villani, "một vật thể lạ" trong chính trị, tranh cử thị trưởng Paris, đối đầu với ứng cử viên chính thức đảng cầm quyền, Benjamin Griveaux. "Một cuộc chiến huynh đệ tương tàn" là lời lẽ Libération dùng để mô tả về biến cố này.

Le Monde có bài xã luận "Đảng của tổng thống trước thử thách Paris". Theo Le Monde, việc nghị sĩ Villani quyết định vận động tranh cử, vào lúc đảng cầm quyền đã cử ứng viên chính thức từ tháng 7, đúng là một "cú sét đánh" đối với tổng thống Macron. Điều đáng nói là, đảng LREM không đưa ra quyết định chính thức nào, không coi hành động của nghị sĩ Villani là ứng xử của một người ly khai, chống đảng.

Lý do mà nghị sĩ Villani đưa ra là, để biện minh cho quyết định ra tranh cử, là việc chọn lựa các ứng cử viên trong nội bộ đảng đã diễn ra không minh bạch. Rút cục theo Le Monde, với sự kiện này, dần dần hiện ra "hai cách làm chính trị". Cách thứ nhất hướng về bộ máy đảng, các dân biểu, còn cách làm thứ hai là hướng về xã hội dân sự.

Cho đến nay, đảng của tổng thống chưa thực hiện được việc tổng hợp quan điểm của các xu hướng khác nhau trong đảng. Trách nhiệm của tổng thống Pháp trong vấn đề này là rất lớn, bởi lập trường của tổng thống Macron cho đến nay là để cho các thành viên trong đảng tự do khẳng định mình thông qua các cạnh tranh.

Làm chính trị ngoài bộ máy đảng phái ?

Về chủ đề này, nhật báo Les Echos nhìn từ góc độ rộng hơn với bài "Chính trị với bộ máy hay không". Nhà bình luận Cécile Cornudet của Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng từ giờ các hoạt động chính trị sẽ diễn ra ngoài bộ máy đảng ? Les Echos chỉ rõ cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ chính trị của LREM là cuộc đối đầu giữa hai cách làm chính trị, giữa Benjamin Griveaux, "người đồng sáng lập phong trào Tiến Bước" với Cédric Villani, "người không bao giờ thuộc về bộ máy". Benjamin Griveaux đề cao tính chuyên nghiệp trong lúc Cédric Villani khẳng định tận tâm vì dân Paris, bởi hành động hoàn toàn vô tư.

Trên thực tế, theo Les Echos, viễn cảnh làm chính trị không dựa vào một đảng phái nào có trước đã được mở ra với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2017, của Emmanuel Macron, một người không do đảng phái nào chỉ định làm ứng cử viên.

Không khí, vệ sinh và "hòa hợp xã hội": ba điểm yếu của chính quyền

Cũng về chủ đề tranh cử Paris, Libération dành nhiều bài viết, trong đó có bài "Các vấn đề lớn của Paris năm 2020". Theo Libération, có ba hồ sơ lớn mà các ứng cử viên phải khẳng định các đóng góp khác biệt với đương kim thị trưởng Anne Hidalgo. Đó là chất lượng không khí, mức độ vệ sinh và việc tạo điều kiện cho việc "hòa hợp xã hội", bằng cách phát triển các khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực trung tâm. Libération chỉ rõ đây chính là ba hồ sơ yếu kém hàng đầu của chính quyền thủ đô Paris hiện nay.

Ý : Người thúc đẩy trong hậu trường cho một liên minh chính phủ mới

Về thời sự Châu Âu, các báo đặc biệt chú ý đến việc nước Ý lập được chính phủ liên minh, tạm thời qua cơn khủng hoảng, sau khi lãnh đạo cực hữu rút khỏi chính phủ. Le Figaro có bài "Người đã làm lãnh đạo cực hữu Salvini bị rớt đài", nói về chính trị gia Davide Casaleggio, con trai của người đồng sáng lập phong trào 5 Sao, người đã âm thầm đàm phán trong hậu trường để tạo lập chính phủ liên minh giữa phong trào 5 Sao và đảng Dân Chủ, giúp cho chính trường nước Ý tránh rơi vào hỗn loạn, sau quyết định ra đi của lãnh đạo đảng Liên Đoàn cực hữu hùng mạnh. Báo Libération tỏ ra hoài nghi, đặt câu hỏi là liên minh chính phủ "Conte bis" sẽ kéo dài được bao lâu.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Hồng Kông : Bắc Kinh siết chặt gọng kềm với doanh nghiệp

siet1

Những người đấu tranh dân chủ Hồng Kông biểu tình ủng hộ các nhân viên của hãng hàng không Cathay Pacific, ngày 28/08/2019. Philip FONG / AFP

Tình hình Hồng Kông vẫn chưa thấy lối ra, cuộc đối đầu giữa thủ tướng Boris Johnson và Nghị Viện Anh, cực hữu thắng thế tại khu vực Đông Đức cũ, nạn bạo hành gia đình ở Pháp, bão Dorian hoành hành ở Bahamas, đó là những chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay.

Đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ nhau như thời Cách mạng văn hóa

Mùa nhập trường khởi đầu với các cuộc bãi khóa, đình công : những hỗn loạn trong mùa hè vừa qua lại tiếp diễn. Trong bối cảnh căng thẳng này, và từ khi hãng hàng không Cathay Pacific bị Bắc Kinh cưỡng ép, nhiều công ty lớn ở Hồng Kông lo sợ rằng những sơ suất có thể làm cho báo chí nhà nước, blogger Hoa lục tức giận, thậm chí trực tiếp từ chính quyền trung ương, như trường hợp Cathay.

Trong bài viết "Tại Hồng Kông, gọng kềm của Bắc Kinh siết lại đối với các doanh nghiệp", thông tín viênLe Monde cho biết Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) tuy không phải là chủ quản chính thức của hãng Cathay Pacific, vẫn ra hàng loạt lệnh cấm. Các nhân viên của hãng tham gia hoặc ủng hộ phong trào phản kháng ở Hồng Kông không được phục vụ trong những chuyến bay đến Hoa lục, thậm chí không cho bay ngang không phận Trung Quốc. CAAC còn đòi hỏi các thông tin cá nhân của phi hành đoàn trên các chuyến bay đến Hoa lục, một điều chưa có tiền lệ.

Hôm thứ Tư 28/8, vài trăm nhân viên Cathay đã dám tham gia cuộc biểu tình bày tỏ sự tương thân tuơng ái với các đồng nghiệp đã bị sa thải, mà theo các nghiệp đoàn là ít nhất 20 người. Một nữ tiếp viên bịt kín mặt cho biết, ban giám đốc ra thông cáo yêu cầu phải "chịu trách nhiệm" về những gì viết ra kể cả với tư cách cá nhân, trên Facebook, Instagram. "Tệ hại nhất là đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ nhau, vì có những người đã bị tố cáo. Không khí cứ như thời Cách mạng văn hóa". Nhiều người đã từ chức. Bất cứ ai có quan điểm trái với đảng sẽ bị trừng phạt hoặc sa thải, và theo một dân biểu của đảng Dân chủ Xã hội, thì đây là thông điệp nguy hiểm không chỉ cho Cathay mà cả với bất kỳ công ty nào có quyền lợi tại thị trường Hoa lục.

Bắc Kinh dằn mặt giới doanh nghiệp qua vụ Cathay Pacific

Chủ nhân một công ty quốc tế lớn tại Hồng Kông từ 50 năm qua xác nhận, hiện nay giới chủ phải vô cùng thận trọng. Một nhận định, thậm chí một câu nói đùa nhiều nghĩa cũng đủ để trở thành mục tiêu bị Bắc Kinh tấn công – một điều chưa từng thấy, trong khi từ nhiều thập niên qua Hồng Kông nổi tiếng là thị trường thuộc loại tự do nhất thế giới.

Cathay Pacific là hãng hàng không đứng đầu thế giới về vận tải hàng hóa, thứ 10 về vận chuyển hành khách. Được thành lập năm 1946, đây là ngọn cờ đầu trong lãnh vực hàng không và là biểu tượng của Hồng Kông. Cổ đông chính là Swire Pacific (45%) do gia tộc Anh cùng tên thành lập và lãnh đạo, nhưng công ty nhà nước Trung Quốc Air China chiếm 29,9% vì Bắc Kinh áp đặt lúc trao trả.

Dù phần vốn ít hơn, rõ ràng Air China đang muốn nuổt chửng Swire Pacific. Ngay cả tổng giám đốc Rupert Hogg và cánh tay mặt của ông là Paul Loo vừa rồi cũng trở thành vật hy sinh. Biện pháp này bị coi là quá đáng vì họ không có bất cứ sai phạm nào. Quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, quyền đình công được bảo đảm bởi Basic Law, tức Hiến pháp Hồng Kông.

Chấm điểm tín nhiệm công ty ngoại quốc

Bên cạnh đó, cũng theo Le Monde, Trung Quốc còn lập ra cơ chế để kiểm soát các công ty ngoại quốc chặt chẽ hơn.

Không chỉ chấm "điểm tín nhiệm" cho công dân, Trung Quốc chuẩn bị lập ra một cơ chế đánh giá "tín nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp" kể từ năm 2020, coi như nắm quyền sinh sát với mỗi công ty. Một tập đoàn đa quốc gia sẽ được xem xét trong khoảng 30 lãnh vực, theo 300 tiêu chí khác nhau.

Một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã bị phá sản hay có hành động gian đối đã bị cấm bay trong nội địa hay một số tuyến tàu cao tốc. Theo ông Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu, như vậy các công ty Châu Âu sẽ phải kiểm soát thái độ của nhân viên, trong khi đây là điều cấm kỵ. Ngay cả những công ty không có trụ sở tại Hoa lục cũng bị ảnh hưởng, mà việc Bắc Kinh đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ tham gia chương trình chiến đấu cơ F-16 bán cho Đài Loan, là một ví dụ.

Chính quyền cần chấp nhận thương lượng với người biểu tình

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhận định "Bắc Kinh và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cần phải chấp nhận thương lượng thực sự với những người phản kháng".

Bắc Kinh tăng cường áp lực tâm lý qua việc dàn quân ở Thâm Quyến, phía bắc Hồng Kông. Theo giáo sư Cabestan, sẽ không có việc quân đội Trung Quốc can thiệp, trừ phi tình hình trở nên không quản lý nổi. Cảnh sát đặc khu có đầy đủ các phương tiện để lập lại trật tự, hơn nữa đã bắt trên 900 người biểu tình kể từ tháng Sáu. Bà Lâm còn nêu ra khả năng áp đặt tình trạng khẩn cấp và ra lệnh kiểm duyệt.

Sau một weekend náo loạn vừa rồi, khó thể đoán được tình hình sẽ diễn biến ra sao. Tất cả còn tùy thuộc vào khả năng của bà Lâm, và phía sau là Bắc Kinh, chấp nhận một cuộc thương lượng thực sự giữa chính quyền đặc khu và phong trào phản kháng, và mỗi bên phải nhượng bộ một chút. Việc chấp nhận hai yêu sách đầu tiên, là rút lại dự luật dẫn độ và điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát sẽ giúp giải tỏa được tình hình. Nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hầu như không thể làm được gì, vì Tập Cận Bình phản đối mọi nhượng bộ đối với người biểu tình.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp : Không đối thoại với "nổi dậy"

Quả vậy, trên trang Ý kiến cũng của Le Figaro, tân đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) khẳng định "Trung Quốc không đối thoại với phe nổi dậy".

Cho rằng những người phản kháng đều dùng bạo lực, ông đại sứ than phiền rằng báo chí Pháp hầu như không đưa tin về cuộc biểu tình của những người thân Bắc Kinh, trong khi các cuộc xuống đường của những người đòi dân chủ được truyền trực tiếp. Ông cũng coi việc Twitter, Facebook và YouTube khóa một số tài khoản dư luận viên là "không có tự do ngôn luận". Lô Sa Dã cho rằng Bắc Kinh "luôn tôn trọng" nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế", còn nếu chỉ đòi "lưỡng chế" mà bác bỏ "nhất quốc" là vi phạm chủ quyền Trung Quốc.

Donald Trump : Trung Quốc sẽ phải quy hàng

Về thương chiến Mỹ-Trung,Les Echoscho biết ông "Donald Trump tự tin vào việc sẽ làm Bắc Kinh phải quy hàng".

Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz mới đây, tổng thống Mỹ cho rằng cuộc chiến tranh thương mại trước sau gì cũng phải xảy ra, và hôm Chủ nhật ông tái khẳng định "chúng tôi sẽ chiến thắng". Theo ông, chính Quỹ dự trữ liên bang mới là nguyên nhân của việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chứ không phải do thương chiến với Trung Quốc.

Về phía Bắc Kinh, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đều sụt giảm, nên chính quyền đang tính đến các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế như tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường vốn, và một loạt biện pháp kích cầu khác.

Doanh nghiệp thích ứng với "hậu toàn cầu hóa"

Trong bài xã luận "Hậu toàn cầu hóa", Les Echos nhận định, không còn ai nghi ngờ rằng cuộc chiến tranh thương mại sẽ còn kéo dài, và lối thoát vẫn bất định.

Thế giới đã đổi thay, tự do mậu dịch trở thành cấm kỵ, ngay cả phe Dân chủ cũng không còn bảo vệ. Cử tri Mỹ không còn muốn nhìn thấy các nhà máy ở miền trung tây phải đóng cửa để giúp làm nổi lên giai cấp trung lưu ở Hoa lục.

Giới kinh doanh Mỹ bắt đầu ý thức được sự thay đổi này. Thấy rằng quá bị lệ thuộc vào Trung Quốc, một số ông chủ cân nhắc nhiều hướng. Chẳng hạn kéo dài thời gian làm việc trong các nhà máy Mỹ để giảm bớt sản lượng tại Trung Quốc, hoặc dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, sang Mexico.

Trước mắt thì tương đối dễ, nhưng về lâu về dài liệu có phải di chuyển nhà máy, thay đổi nhà cung cấp, tổ chức lại dây chuyền sản xuất và chi phí người tiêu dùng phải gánh ? Bây giờ là lúc để doanh nghiệp phải thích ứng với môi trường mới. Họ sẽ tăng trưởng chậm hơn, có lợi nhuận ít hơn, nhưng sẽ phải hòa nhập, và các nhà đầu tư cũng vậy. Họ không có chọn lựa : cần phải biết sáng tạo trong thời kỳ hậu toàn cầu hóa.

Trung Quốc hay Châu Âu ? Nga cần chọn lựa

Liên quan đến Châu Âu, trên trang Ý kiến của Le Figarotác giả Renaud Girard nhận xét "Giữa Trung Quốc và Châu Âu, Nga phải chọn lựa". Khi tiếp ông Vladimir Putin tại Brégançon hôm 19/8 và thúc đẩy tái thương lượng về Ukraine, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần đối thoại thay vì cô lập Nga. Nhưng liệu điện Kremlin có sẵn sàng nắm lấy bàn tay đang chìa ra của Pháp hay không ?

Theo tác giả, không nên ảo tưởng. Nga sẽ không bao giờ trả lại Crimea, bán đảo đã bị sáp nhập tháng 3/2014. Đa số dân tại đây cảm thấy gần với Nga hơn là Ukraine, còn đối với người dân Nga, họ luôn coi Sebastopol là một cảng của Nga. Moskva cũng đã xây dựng một cây cầu khổng lồ vượt qua eo biển Kertch để nối liền với Crimea.

Nhưng việc ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraine và chiếm đa số trong Quốc hội đã mở ra một cơ hội để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass đã làm hơn 10.000 người chết. Đưa việc thương thảo với Nga lên hàng đầu, ông Zelensky có đủ quyền lực để nhượng bộ. Putin có thể đòi Kiev ra luật ân xá cho quân ly khai – do Nga xúi giục, trang bị vũ khí - và cho sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính ở vùng này, nhưng tổng thống Ukraine có lẽ sẽ không bao giờ cho phép Donbass tự trị. Liệu tổng thống Nga có để cho các tàu Ukraine được tự do đi qua eo biển Kertch để đến cảng Marioupol ?

Đây là những nhượng bộ không đáng kể, nhưng sẽ giúp cải thiện quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu. Putin biết rằng Trung Quốc rất riết róng trong việc làm ăn, đã bắt chẹt Moskva phải hạ giá dầu đến 20% với cái cớ "tình hữu nghị". Ông cảm nhận được Bắc Kinh đang dòm ngó vùng Siberia. Nga chưa bao giờ thoải mái trong quan hệ với Trung Quốc, trong khi nếu hội nhập vào Châu Âu thì đây chính là giấc mơ của tầng lớp tinh hoa trẻ tuổi Moskva.

Ông Putin sẽ phải chọn lựa, hoặc hướng về một mô hình toàn trị theo kiểu Trung Quốc, hoặc xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Ông sẽ tìm kiếm bạn bè ở Bắc Kinh, hay Paris, Berlin ? Lãnh đạo là chọn lựa, và đây là lúc mà tổng thống Nga phải biết lựa chọn.

Không thể để mọc lên một bức tường Berlin mới

Tại Đức, trong bài xã luận mang tựa đề "Tránh một bức tường mới", Le Mondenhận định thắng lợi của đảng cực hữu AfD tại hai bang Brandenburg (Brandebourg) và Sachsen (Saxe) thuộc Đông Đức cũ, là rất đáng ngại trong lúc nước Đức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.

Ở các bang Đông Đức cũ, cư dân già đi nhanh hơn Tây Đức, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, thu nhập bình quân trên đầu người thấp hơn, và chỉ có 37/500 công ty lớn nhất nước đặt trụ sở chính tại đây. Một ví dụ nữa là trong số 17 bộ trưởng của chính phủ liên bang, chỉ có một mình bà Angela Merkel có đơn vị bầu cử ở Đông Đức.

Theo Le Monde, ba thập niên sau khi thống nhất đất nước, Đức không thể để mọc lên một bức tường mới, không thể để mặc cho một sự rạn vỡ về dân chủ.

Nhà nghiên cứu về tội ác Stalin ra tòa

Còn tại Nga, thông tín viên La Croixnói về "Phiên tòa đáng ngại dành cho nhà sử học Nga Iouri Dimitriev", người đã dành 30 năm để nghiên cứu các vụ đàn áp đại quy mô của Stalin.

Nhà nghiên cứu này đã lập được danh sách 40.000 người bị hành quyết hoặc lưu đày trong thời kỳ Stalin. Ông còn phát hiện ra ngôi mộ tập thể ở Sandarmokh giữa một khu rừng lạnh giá, nhận dạng được 6.214 nạn nhân. Dimitriev bị cáo buộc ấu dâm trong một vụ án được cho là hoàn toàn dàn dựng, và mặc dù năm ngoái đã được trắng án, ông lại bị bắt vào tù với cái cớ có những "bằng chứng" mới.

Thụy My

Published in Châu Á

Hồng Kông : Châu chấu đá xe ?

Bạo lực leo thang tại Hồng Kông : Liệu có Bắc Kinh nhượng bộ giới trẻ khao khát tự do lên tuyến đầu chống độc tài Trung Quốc ? Nước Ý hy vọng thoát khủng hoảng chính trị ? Một năm học mới và cải cách mới tại Pháp sẽ êm xuôi ? Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm 02/09/2019.

demo1

Biểu tình đòi dân chủ tiếp diễn tại Hồng Kông với một khẩu hiệu của phong trào phản kháng : "Chúng tôi muốn có dân chủ". Ảnh chụp ngày 02/09/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Tuổi trẻ Hồng Kông trước chiếc bẫy bạo lực

Đối đầu với Bắc Kinh và đàn áp, giới trẻ Hồng Kông kiên định đến cùng. La Croix giới thiệu một số gương mặt sinh viên thanh niên trong phong trào dân chủ đang bị chính quyền dọa nạt. Với tấm ảnh hàng rào cảnh sát và lửa khói trên đường phố, Le Figaro khẳng định "phong trào chống Bắc Kinh quyết liệt hơn với thành phần trẻ khao khát tự do và bất khuất trên tuyến đầu".

Trước hết, nhật báo công giáo La Croix trở lại hai ngày biểu tình cuối tuần dẫn đến xung đột dữ dội với cảnh sát : rào cản bốc lửa, bom xăng, lựu đạn cay… trung tâm Hồng Kông rối loạn đến nửa đêm thứ bảy 31/08. Đó cũng là ngày mà cách nay 5 năm, Bắc Kinh từ chối tổ chức bầu cử tự do theo lối phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông sau hơn hai tháng đương đầu với phong trào Dù Vàng.

Tình hình căng thẳng hiện nay cũng là chuyện nhân quả. Bởi vì Hoàng Chi Phong, gương mặt sinh viên dấn thân hiện nay, lúc đó là lĩnh tụ học sinh 15 tuổi. "Bề dầy" 5 năm tranh đấu, với mấy lần ra tòa và bản án hai tháng tù cho phép anh, cùng với nhiều bạn trẻ cùng lứa, trong đó có Agnes Chow (sinh năm 1996) và Nathan Law, thành lập đảng "Dân chủ và Kháng chiến". Với tổ chức này, Nathan Law đắc cử dân biểu vào năm 23 tuổi, đại biểu trẻ nhất trong viện lập pháp.

Tối thứ sáu, sau khi được thả sau nhiều giờ bị câu lưu cùng với Agnes Chow, Hoàng Chi Phong kêu gọi "Toàn dân Hồng Kông cùng tranh đấu, chúng ta không bao giờ lui bước".

Nếu Hoàng Chi Phong và đảng "Dân chủ và Kháng chiến" chỉ chủ trương "Hồng Kông tự trị", thì một khuôn mặt tranh đấu khác là Andy Chan, rút bài học "Dù vàng" 2014, cho là phong trào của "đàn anh" thiếu kiên định. Andy Chan lập đảng Dân Tộc với mục tiêu "đòi độc lập" hẳn hoi.

Cũng như đồng nghiệp La Croix, nhưng súc tích hơn với bốn bài tường thuật, nhật báo thiên hữu Le Figaro cho biết phong trào dân chủ Hồng Kông, tuy được đa số dân cư hưởng ứng nhưng phong trào này gây phân hóa xã hội, gây căng thẳng trong một số gia đình : trẻ muốn dân chủ, già thì sợ hậu quả bất lợi cho kinh tế. Có người còn cho là "bọn trẻ bị Mỹ xúi dại". Trong xã hội, thiểu số giàu có thân giới chính trị cầm quyền và thân Bắc Kinh trong khi đa số thuộc thành phần trung lưu, ủng hộ dân chủ, ghét Bắc Kinh và rất chống cộng sản.

Chiến thuật xe cán đá của Tập Cận Bình

Tình hình này sẽ đi về đâu ? Bài xã luận của Le Figaro với tựa "bánh xe hủ lô" phân tích thế kẹt của Tập Cận Bình nếu chấp nhận nhượng bộ tại Hồng Kông.

Trừ phi có một "hạt cát" nào đó có thể làm chiếc hủ lô của Tập Cận Bình đổi hướng, thì khó có thể Bắc Kinh nhượng bộ Hồng Kông. Từ ba tháng nay, 7 triệu dân Hồng Không thách thức "hoàng đế đỏ", kẻ tự cho là cai trị 1,4 tỷ dân Hoa Lục với bàn tay sắt, và trong đó có 7 triệu người Hồng Kông mỗi cuối tuần xuống đường bảo vệ "chế độ" tự do của mình, đang bị Bắc Kinh gặm nhắm.

Bất chấp lời hứa tôn trọng quy chế "một quốc gia, hai chế độ" cho đến 2047, Tập Cận Bình nhất định không tha thứ một hành động chống lại "chủ quyền" của Bắc Kinh ở Hồng Kông hay Đài Loan. Ông ta rút bài học Liên Xô tan rã, bất cứ một dấu hiệu "mềm yếu" nào cũng có thể đưa đến sự sụp đổ của một đế chế. Do vậy, nền kinh tế tư bản phải do chế độ độc tài mang dấu ấn Mao kiểm soát. Trung Quốc dựng lên một chế độ hoàn toàn trái ngược với mô hình phát triển của các đại cường dân chủ trên thế giới mà Bắc Kinh cho là đang "suy đồi" để dễ dàng áp đặt một chế độ độc tài lên đầu dân Hoa Lục.

Do vậy, "chế độ thứ hai" tại Hồng Kông có thể làm rạn nứt "tính chính đáng" của chế độ độc tài tại Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh muốn áp đặt luật Trung Quốc tại Hồng Kông thì người dân đặc khu đứng lên bảo vệ "hệ thống tư pháp, báo chí và các quyền tự do cá nhân". Nếu Tập Cận Bình chấp nhận các đòi hỏi này thì ông ta sẽ giải thích ra sao với người dân Hoa Lục ?

Vì thế mà Tập Cận Bình chọn giải pháp để cho tình hình tự rữa nát dần : đối lập Hồng Kông bị tống vào nhà tù hoặc bị côn đồ các tổ chức xã hội đen thân Bắc Kinh đánh đập làm cho người biểu tình uất ức lên và trở thành cực đoan hơn. Thâm ý của Bắc kinh là tạo điều kiện để một ngày nào đó có lý do "can thiệp" mạnh.

Khủng hoảng Ý : Đủ rồi nhé ! (Beppe Grillo, cha đẻ đảng 5 Sao)

Về thời sự quốc tế, Les Echos đánh cược nước Ý sẽ thoát được khủng hoảng chính trị. Đâu là những yếu tố cho phép nhật báo kinh tế tương đối lạc quan ?

Theo Les Echos, Ý sắp ra khỏi bế tắc. Trước hết, tổng thống Ý đã tỏ ra không thể tiếp tục nhẫn nại nhìn lãnh đạo đảng 5 Sao Luigi Di Maio mặc cả ghế phó thủ tướng với đảng Dân Chủ. Ông kỳ hẹn cuối tuần này phải có chính phủ mới theo một lịch trình mà tổng thống đã ủy nhiệm cho thủ tướng Giuseppe Conte. Tham vọng cá nhân của lãnh đạo 5 Sao là chướng ngại sau cùng.

Thế mà, trong đảng, uy tín của ông đã giảm rất nhiều. Ngay người sáng lập đảng 5 Sao và cũng là người bảo trợ cho Luigi Di Maio cũng bất bình. Chủ tịch đảng dân túy cho đến 2017, nghệ sĩ hài Beppe Grillo công khai tuyên bố : Đủ rồi Luigi. Đừng có đòi hỏi về số ghế bộ trưởng nữa, cũng như bao nhiêu điểm trong cương lĩnh thỏa hiệp. Chúng ta có một cơ hội ngàn năm một thuở để tập hợp các sáng kiến và ước mơ một chân trời mới trong 10 năm".

Lời khuyến cáo này rất đúng bởi vì nếu bầu lại nghị viện là rơi vào kế của phe cực hữu, đang ở thế mạnh, chực chờ cơ hội để nắm hết chính quyền.

Đổi cách ăn uống để cứu Amazon ?

Trong bối cảnh rừng Amazon tiếp tục cháy, cơn bão dữ Dorian với cơn gió mạnh 350 km/giờ đe dọa Bahamas và Florida, La Croix đưa ra một sáng kiến mới "hành động vì Amazon" còn Le Monde bắt đầu loạt bài "làm sao nuôi sống 10 tỷ dân địa cầu" ?

Đối với nhật báo La Croix, không nên quan tâm đến xung khắc Pháp-Brazil vì các giải pháp ngoại giao đều bế tắc. Trong khi chờ đợi một ngày nào đó Liên Hiệp Quốc có quyền can thiệp vào nội tình một thành viên để bảo vệ môi trường, hiện thời, vũ khí hiệu quả nhất để cảnh cáo Brazil là thương mại. Một nhóm dân biểu Pháp và nhiều tổ chức Phi Chính Phủ kêu gọi trừng phạt chống nhập khẩu thịt bò và đậu nành của Brazil. Nhưng công luận mới là áp lực mạnh nhất. Nếu người dân Châu Âu không ăn thịt bò và đòi phải được thông báo đậu nành nuôi gà đến từ nước nào thì giới chính trị và doanh nghiệp không thể thụ động ngồi yên.

Le Monde đưa độc giả sang Hà Lan, chặng thứ nhất, nơi mà công nghiệp chăn nuôi đại quy mô đã trở thành gương mẫu : để bảo đảm cho 10 tỷ người không thiếu lương thực phải thay đổi tận gốc cách sản suất và cách tiêu dùng.

Thời sự Pháp nổi bật hôm nay là ngày tựu trường. Les Echos nhấn mạnh đến lòng mong đợi chính phủ thực hiện lời hứa tăng lương thêm 300 euro cho mỗi giáo chức. Libération nhấn mạnh đến "5 công trình" phải thực hiện : tăng lương, đào tạo chuyên môn, chương trình giáo dục ưu tiên ở những khu vực khó khăn, giảm phân nửa sỉ số học sinh mỗi lớp hai năm đầu và nhất là chương trình trung học cấp 3 cải cách, chuẩn bị cho lối thi Tú tài mới 2021.

Steve Bannon và móng vuốt Tập Cận Bình

Trở lại cuộc thương chiến Mỹ-Trung, Le Monde giới thiệu cuốn phim "Móng vuốt rồng đỏ" (Claws of the Red Dragon) của Steve Bannon, nguyên là cố vấn chiến lược của Donald Trump. Nhân vật chống Trung Quốc ra mặt dùng màn ảnh nhỏ để đánh tập đoàn Hoa Vi.

Xung khắc Mỹ-Trung và Hoa Vi, phim dài nhiều tập sẽ là đề tài của một cuốn phim dành cho truyền hình mà người sản xuất là Steve Bannon. Tựa phim Móng vuốt rồng đỏ cũng đủ nói lên thông điệp của "cuốn phim truyện hư cấu" về chính sách bá quyền của Trung Quốc, với các tài tử hạng B của truyền hình Mỹ.

Cuốn phim bắt đầu với sự kiện có thật là Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018. Phần còn lại, với những tình tiết gay cấn từ thủ đoạn ngoại giao, hù dọa nhà báo, những cái chết mờ ám… được giới thiệu là dựa trên "các tư liệu".

Giá trị của "25 tập tài liệu" không rõ hư thực ra sao, nhưng một số tài liệu này trích từ nguồn Trump@War tán dương tổng thống Donald Trump là một người có bản lĩnh cho dù "ông cố vấn" bị chủ nhân Nhà Trắng đã cho thôi việc ngay trong tháng đầu sau khi tuyên thệ.

Đối với Steve Bannon, "Đảng cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm lớn nhất mà phương Tây chưa bao giờ gặp. Hoa Vi là cánh tay vũ trang trong lãnh vực công nghệ cao và viễn thông".

Cuốn phim này sẽ được chiếu đầu tiên tại Canada vào giữa tháng 9 trên đài NTD, Tân Đường Triều, thuộc phong trào Pháp Luân Công.

Tin rằng cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung sẽ là chủ đề chính trong kỳ bầu cử Mỹ sắp đến, Steve Bannon hy vọng cuốn phim "Móng vuốt Rồng đỏ" sẽ được chiếu trên nhiều đài khác để "thuyết phục khán giả" trong đó có một người đặc biệt : Donald Trump.

Tú Anh

Published in Châu Á
lundi, 02 septembre 2019 14:51

"I have a dream" sau hơn nửa thế kỷ

Hơn 50 năm trước, vào những ngày này, nước Mỹ và thế giới sục sôi vì bài diễn văn của Martin Luther King với tiêu đề "Tôi có một giấc mơ" (1).

luther1

Martin Luther King diễn thuyết trước 200.000 người da đen về "Tôi có một giấc mơ"

Bài diễn văn được đọc trước hơn 200.000 con người, đại diện cho một xã hội người da đen đang khát khao quyền bình đẳng và tình thương, đại diện cho một xã hội đang chực chờ bùng nổ thành cơn giận dữ và một cuộc đại hỗn loạn. Nhưng bằng sự bao dung và vĩ đại, Martin Luther King đã biến mọi thứ thành bàn tay chìa ra, hóa giải sự thấp hèn, định kiến và ca ngợi tự do, biến mọi thứ thành khát vọng của một quốc gia.

Bài diễn văn có đoạn "Hôm nay, chúng ta tập hợp ở nơi đây để đòi một món nợ... chúng ta từ chối tin rằng ngân hàng công lý đã phá sản. Chúng ta từ chối tin rằng không đủ ngân quỹ bên trong những kho tàng cơ hội của đất nước. Vì vậy chúng ta đã tới để rút khoản nợ này – khoản nợ sẽ trao cho chúng ta sự giàu có của tự do và sự an toàn của công lý, như chúng ta mong đợi...".

Hơn 50 năm sau, hơn 2 triệu người Hồng Kông cũng tập hợp xuống đường để đòi một món nợ như vậy, họ kêu gọi sự đổi thay, kêu gọi lột bỏ những âm mưu và giới thiệu khát vọng dân chủ của một thế hệ Trung Hoa mới : rất no đủ nhưng khát khao tự do hơn bao giờ hết.

luther2

Năm 2019 hơn 2 triệu người Hồng Kông cũng tập hợp xuống đường để đòi một món nợ tự do dân chủ

Hơn bao giờ hết, thế hệ mới người Trung Hoa muốn đòi món nợ lớn mà chế độ cộng sản đã vay, đã giật từ tay đất nước vĩ đại này : tự do và dân chủ.

Đổi lại, nhà cầm quyền Cộng sản phát xít đã dùng bạo lực, biến ôn hòa thành khói đạn, máu và sự căm giận của nhân dân. Biến yêu thương thành thù ghét.

Martin Luther King đã cùng thế hệ người Mỹ da đen hy sinh một cuộc nội chiến tiềm ẩn, và tạo cơ hội cho Hoa Kỳ trở thành một quốc gia của nhiều giấc mơ, thậm chí là giấc mơ của cả thế giới, nhiều hơn những gì mà Martin Luther King đã mơ.

Hôm nay, người Hồng Kông cũng đã hy sinh cả cuộc sống bình an và ổn định thịnh vượng của mình để đánh thức cả thế giới, để khơi dậy lương tâm của nhân loại đang bị che lấp bởi quyền lợi và toan tính.

Người Hồng Kông nhắc rằng, chỉ nửa thế kỷ thôi. Nhân ái bị xô ngã, sự cao đẹp bị vùi giập. Loài người chỉ là một đám đông bị lừa gạt và lợi dụng bởi các lề lối trí xảo ngoại giao, của những âm mưu thỏa hiệp tầm thế giới.

Chỉ nửa thế kỷ thôi, chủ nghĩa cộng sản trong cơn giãy chết của mình, đã kịp lai sinh thành loài quái vật ghê sợ nhất của nhân loại : Cộng sản phát xít - Communazi.

Câu chuyện Hồng Kông hôm nay, đã vạch bức màn tương lai cho chúng ta thấy - rằng phần nhân loại vẫn luôn cả tin vào những điều cao đẹp sẽ đến - không còn cơ hội để chờ và nuôi một giấc mơ như của Martin Luther King nữa.

Thế giới đã biến dạng, và con người đang bị buộc phải chấp nhận loại giấc mơ nô lệ an toàn.

Bài học lớn từ Hồng Kông là hoặc hôm nay, chúng ta chọn lên đường, và cần thì đánh đổi cả mạng sống để đòi hiện thực, và thực hiện từ giấc mơ cho chúng ta, cho thế hệ mai sau của chúng ta. Chứ không chỉ là yên lặng nuôi một giấc mơ.

Mọi thứ đã thay đổi trong thế giới này, và vì vậy chính chúng ta cũng phải thay đổi.

Cám ơn những người bạn Hồng Kông đã thức tỉnh phần ngủ mê của nhân loại. Thức tỉnh tôi.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 01/09/2019 (tuankhanh's blog)

----
(1) Bài diễn văn I Have A Dream diễn ra tại đài tưởng niệm TT A. Lincoln, thủ đô Hoa Kỳ, ngày 28/08/1963.

Published in Diễn đàn

Biểu tình ở Hong Kong hỗn loạn giữa hơi cay và bom xăng (VOA, 31/08/2019)

Cảnh sát Hong Kong bắn đạn hơi cay và xịt vòi rồng khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ ném bom xăng trong một loạt những vụ đụng độ mới nhất xảy ra vào ngày thứ Bảy.

hong1

Một rào chắn bị người biểu tình châm lửa đốt trong khu Wan Chai ở Hong Kong, ngày 31 tháng 8, 2019.

Cảnh sát liên tục bắn đạn hơi cay và người biểu tình nấp đằng sau những cây dù giữa trụ sở địa phương của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và chính phủ. Người biểu tình cũng ném gạch đào lên từ các lối đi nhắm vào cảnh sát, theo tường trình của Reuters.

Vòi rồng xịt nước nhuộm màu xanh lam, thường được sử dụng ở những nơi khác trên thế giới để giúp cảnh sát dễ dàng xác định người biểu tình sau đó.

Cảnh sát chống bạo động sau đó đi bộ về phía khu Admiralty kế cận, theo sau là 20 xe cảnh sát, nơi những người biểu tình trước đó ném bom xăng từ cầu vượt, một số rơi xuống gần cảnh sát. Những người khác chiếu tia laser màu xanh dương và màu xanh lá cây vào các hàng cảnh sát.

Trong khu Wanchai với các quán bar và nhà hàng, cảnh sát dụng độ với người biểu tình, đánh họ bằng dùi cui. Một số vụ bắt giữ xảy ra.

Ngoài ra có những vụ đối đầu ở North Point và Fortress Hill, phía đông Vịnh Causeway, và đạn hơi cay bắn vào những người biểu tình trên bến cảng ở Tsim Sha Tsui.

Các cuộc biểu tình, có lúc làm nghẽn ba con đường chính, diễn ra vào dịp năm năm Trung Quốc đưa ra quyết định ngăn chặn các cải cách dân chủ và bác bỏ quyền bầu cử phổ thông ở Hong Kong, một cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Quân đội Giải phóng Nhân dân hôm thứ Năm đã luân chuyển binh sĩ của mình tại Hong Kong trong điều mà họ nói là một hoạt động thường lệ. Trụ sở Hong Kong của họ là một căn cứ cũ của quân đội Anh đồn trú ở đây.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra suốt ba tháng qua, đôi khi trở nên bạo lực, và đã nhắm mục tiêu vào sân bay, cơ quan lập pháp và Văn phòng Liên lạc, biểu tượng của sự cai trị của Trung Quốc.

*********************

Hồng Kông : Hàng nghìn người tuần hành đòi dân chủ, bất chấp lệnh cấm (RFI, 31/08/2019)

Cách nay 5 năm, Bắc Kinh bác bỏ khả năng cử tri Hồng Kông trực tiếp bầu lãnh đạo đặc khu, phong trào Dù Vàng bùng lên khiến Hồng Kông tê liệt gần ba tháng. Hôm nay, thứ Bảy 31/08/2019, hàng nghìn người Hồng Kông tiếp tục xuống đường đòi dân chủ, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.

hong2

Người dân Hồng Kông cầm dù xuống đường biểu tình đòi dân chủ, tự do bầu cử bất chấp lệnh cấm ngày 31/08/2019. Reuters/Tyrone Siu

Đây là lần đầu tiên cảnh sát Hồng Kông ra lệnh cấm biểu tình kể từ đầu phong trào chống dự luật dẫn độ, đầu tháng 6/2019, với lý do nguy cơ bạo lực. Để lách lệnh cấm, hàng loạt sáng kiến được đưa ra. Nhiều người kêu gọi tổ chức các cuộc tuần hành mang tính tôn giáo, vốn không cần được chính quyền chấp thuận, hay các nhóm bạn tập hợp cùng nhau đi mua sắm. Đầu buổi chiều, hàng nghìn người đổ dồn về một sân vận động ở khu phố Wanchai, trung tâm Hồng Kông.

Để đề phòng bạo động, cảnh sát bố trí thêm nhiều hàng rào mới xung quanh Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc, nơi tập trung nhiều cơ sở đại diện của chính quyền Bắc Kinh tại Hồng Kông. Một lãnh đạo cảnh sát Hồng Kông thông báo lực lượng an ninh đặc khu được huy động sẵn sàng đối phó với các thành phần quyết liệt nhất của phong trào.

Căng thẳng tăng thêm một nấc với việc chính quyền bất ngờ bắt giữ ba dân biểu đối lập hôm qua, trong đó hai người bị bắt giữ vào cuối ngày. Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền bắt các nghị sĩ đối lập kể từ đầu phong trào chống luật dẫn độ. Các nghị sĩ bị bắt là Trịnh Tùng Thái (Cheng Chung-tai), Khu Nặc Hiên (Au Nok-hin) và Đàm Văn Hào (Jeremy Tam). Trước đó, hai lãnh đạo phong trào phản kháng Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Trần Hạo Thiên (Andy Chan) bị câu lưu, nhưng ngay sau đó được phép nộp bảo lãnh tại ngoại.

Thông tín viên RFI Florence de Changy có mặt tại chỗ cho biết không khí căng thẳng ở Hồng Kông trước cuộc tuần hành hôm nay :

"Lệnh cấm tuần hành như dự kiến vào ngày thứ Bảy này có thể dẫn đến hệ quả ngược lại với mục tiêu trông đợi. Bởi vì, nếu như cảnh sát Hồng Kông không cho phép biểu tình, với lý do bạo lực vượt tầm kiểm soát, đặc biệt tại khu vực xung quanh trụ sở của Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, thì việc cuộc tuần hành bị cấm sẽ càng khiến những người biểu tình kiên quyết nhất thêm giận dữ.

Trên một số mạng xã hội, một số người nói đến ‘‘trận chiến cuối cùng’’ và thậm chí cho biết họ sẵn sàng chết.

Một yếu tố khiến tình hình nghiêm trọng hơn là lệnh cấm hôm qua rơi đúng vào ngày diễn ra một loạt vụ bắt bớ nhắm vào nhiều gương mặt biểu tượng của phong trào phản kháng, cho dù cảnh sát Hồng Kông khẳng định là đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Bên cạnh đó, theo một thông tin của Reuters, lãnh đạo đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hồi đầu tháng 8 có thể đã đề xuất với chính quyền trung ương nhiều giải pháp để tháo ngòi khủng hoảng, tuy nhiên Bắc Kinh đã không chấp nhận bất cứ nhân nhượng nào với người biểu tình, dù là nhỏ nhất.

Nếu chính quyền Hồng Kông không được phép nhân nhượng bất cứ điều gì và người biểu tình sẵn sàng chết để cứu Hồng Kông, như một số khẳng định trên các mạng xã hội, khó mà hình dung được một lối thoát khả quan cho cuộc khủng hoảng hiện nay".

Trọng Thành

*********************

Trump : Hồng Kông không bị Bắc Kinh trấn áp nhờ Mỹ gây áp lực thương mại (RFI, 31/08/2019)

Bị chỉ trích "khoan dung" với chính quyền Bắc Kinh, ngày 30/08/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc cư xử "nhân đạo", nhất là sau vụ một số nhà đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông bị bắt giữ.

hong3

Người biểu tình dưới khói mù đạn hơi cay của cảnh sát Hồng Kông ngày 31/08/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Khi trả lời báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ còn cho rằng "không có những cuộc đàm phán thương mại, Hồng Kông có lẽ còn gặp khó khăn hơn thế. Hành động của tôi trong hồ sơ thương mại giúp hạ nhiệt thực sự" ở Hồng Kông.

Theo AFP, mối liên hệ giữa các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông từng được chủ nhân Nhà Trắng nêu lên vào giữa tháng Tám. Nguyên thủ Mỹ cho rằng chính sự cứng rắn của Washington trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đã giúp giảm bớt căng thẳng giữa chính quyền Trung Quốc và đặc khu hành chính.

Thái độ cứng rắn của Mỹ tiếp tục được thể hiện trong loạt thuế mới, tăng thêm 15% nhắm vào một phần trên tổng số 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và sẽ có hiệu lực từ Chủ Nhật 01/09/2019. Dù các cuộc đàm phán dường như rơi vào bế tắc, Donald Trump khẳng định "vẫn có các cuộc trao đổi với Trung Quốc. Nhiều cuộc họp đã được lên kế hoạch".

Còn tại Hồng Kông, tình hình bán lẻ bị tác động nặng nề nhất kể từ tháng 02/2016 do các cuộc biểu tình diễn ra từ đầu tháng Sáu năm 2019. Theo dữ liệu ngày 30/08 của chính quyền đặc khu, được Reuters trích dẫn, khối lượng bán lẻ đã giảm 11,4% trong tháng 07/2019 so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 34,4 tỉ đô la Hồng Kông (tương đương với 3,99 tỉ euro). Hồng Kông chuẩn bị bước sang giai đoạn suy thoái đầu tiên kể từ 10 năm qua.

Thu Hằng

*****************

Hồng Kông : Hoàng Chi Phong được tự do sau khi bị câu lưu (RFI, 30/08/2019)

Trước ngày biểu tình lớn như dự kiến của phong trào đòi dân chủ Hồng Kông, hai lãnh đạo phong trào, trong có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), bị cảnh sát bất ngờ câu lưu sáng 30/08/2019. Tuy nhiên, Hoàng Chi Phong, cũng như lãnh đạo trẻ Trần Hạo Thiên, đã được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại.

hong4

Hai nhà đấu tranh trẻ vì dân chủ Chu Đình (Agnes Chow) và Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) trong buổi họp báo ngày 30/08/2019.AFP Photos/Lillian SUWANRUMPHA

Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :

"Theo chủ tịch đảng Demosisto La Quán Thông (Nathan Law), Hoàng Chi Phong đã bị đẩy lên một chiếc xe thùng vào sáng hôm nay, khoảng 7 giờ 30, trong lúc anh đang đi bộ tại khu vực gần nhà và trạm metro South Horizon, trạm metro gần nhà ông trên đảo Ap Lei Chau, một đảo nhỏ với nhiều khu nhà ở xã hội, nối liền với đảo trung tâm của Hồng Kông qua một chiếc cầu. Hoàng Chi Phong đã bị đưa đến trụ sở cảnh sát trung tâm Wan Chai. Cảnh sát đã xác nhận vụ bắt giữ, nhưng không nêu lý do.

Hoàng Chi Phong ra tù ngày 17/06, sau khi hết mãn án. Nhà tranh đấu trẻ bị phạt tù vài tháng, với tội danh phá rối trật tự công cộng, có liên hệ với phong trào phản kháng Dù Vàng cách nay 5 năm.

Một lãnh đạo sinh viên khác, ông Trần Hạo Thiên (Andy Chan), người sáng lập một đảng đòi độc lập cho Hồng Kông hiện tại bị cấm hoạt động, cũng bị bắt giữ tại sân bay, khi trên đường đi Nhật.

Hồng Kông chuẩn bị cho dịp kỉ niệm 5 năm, ngày 31/08, ngày Bắc Kinh thông báo cải cách bầu cử để cử tri Hồng Kông trực tiếp bầu chọn lãnh đạo đặc khu. Cách nay 5 năm, yêu cầu của Bắc Kinh đã bị phe đòi dân chủ kiên quyết bác bỏ. Phong trào Dù Vàng bùng phát.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình dự kiến ngày mai, thứ Bảy 31/07, đã bị cảnh sát cấm, với lý do có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ thêm các vụ bạo động mới, vượt tầm kiểm soát. Thêm vào đó, cuộc tuần hành dự kiến sẽ hướng đến Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, nơi nhiều đụng độ đã từng xảy ra trong các tuần hành trước".

Hãng tin Nhật NHK cho hay, trong bối cảnh nguy cơ bạo động dâng cao, một số người tổ chức cuộc tuần hành ngày 31/08 tuyên bố hoãn cuộc biểu tình như dự kiến.

Ngày 30/08, lãnh đạo Ngoại giao châu Âu Federica Mogherini, trong cuộc họp với các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, nhận định : tình hình tại Hồng Kông "rất đáng lo ngại".

Trọng Thành

Published in Châu Á

Hồng Kông : G7 kêu gọi bình tĩnh, Bắc Kinh nổi giận

g71

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trưng bản Tuyên bố chung G7 ra trước công chúng, Biarritz, 26/08/2019. Reuters/Philippe Wojazer

Nhật báo Pháp Libération đã nêu bật ở trang quốc tế phản ứng tức tối của Trung Quốc trước việc 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới đã kêu gọi các bên Hồng Kông giữ bình tĩnh.

Trong bài "Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ sau lời kêu gọi giữ bình tĩnh của nhóm G7", Libération nhắc lại rằng trong bản tuyên bố chung Biarritz ngày 26/08, nhóm G7 đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông và "tái khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của bản Tuyên Bố Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông, và kêu gọi tránh để bạo lực bùng lên".

G7 "xen vào nội tình Trung Quốc"

Libération đã nêu bật nội dung chính của bản Tuyên Bố Chung về Hồng Kông, theo đó Trung Quốc cam kết sẽ cho đặc khu này được hưởng trong vòng 50 năm kể từ năm 1997, một quy chế tự trị, theo nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ".

Thế nhưng, chỉ một hôm sau tuyên bố của G7, Bắc Kinh đã gay gắt phản ứng : Cảnh Sảng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết là nước này "cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối" tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7.

Chính quyền Trung Quốc lại lên giọng cảnh cáo phương Tây, khẳng định rằng : "Không một nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào Hồng Kông". Theo ông Cảnh Sảng thì nhóm G7 nên "chấm dứt việc xía mũi vào công việc của người khác và bí mật chuẩn bị các hoạt động bất hợp pháp".

Đối với ông Marc Julienne, chuyên gia Pháp về chính sách an ninh và quốc phòng Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên. Trả lời Libération, nhà phân tích này xác định : "Làm cho mọi người tin rằng bất kỳ hoạt động đối lập chính trị nội bộ nào đều là do các thế lực thù địch nước ngoài thao túng là một lập luận truyền thống của Đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Tố cáo nước ngoài kích động các phần tử “gần như khủng bố”

Luận điệu này đã từng được đưa ra trong các vụ Thiên An Môn, Pháp Luân Công, và gần đây là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đối với ông Julienne, lập luận tuyên truyền đó là một trong hai trụ cột trong chiến lược Bắc Kinh đang dùng để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Mục tiêu là tìm kiểm sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc. Một ví dụ rõ nét là lời tố cáo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo số ra ngày 26/08, khẳng định rằng "Washington coi tình hình hiện tại ở Hồng Kông là cơ hội để phương Tây tái chiếm thành phố".

Theo nhà nghiên cứu Pháp, trụ cột thứ hai là kích động tâm lý sợ hãi khi "cố gắng mô tả những người biểu tình như những kẻ bạo loạn dữ tợn, gần như là quân khủng bố". Theo ông Julienne, khi chụp mũ phong trào biểu tình theo kiểu đó, Trung Quốc có thể biện minh cho một chiến dịch đàn áp mạnh mẽ hơn, do chính quyền Hồng Kông, thậm chí do chính Bắc Kinh thực hiện.

Nhật báo Pháp ghi nhận là trong những tuần lễ gần đây, bóng ma của sự can thiệp của quân đội Trung Quốc vào Hồng Kông đang lơ lửng trên thành phố. Vào ngày 15 tháng 8 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc đã đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" nếu tình hình tiếp tục "xấu đi".

Khủng bố trắng tại Hồng Kông: Giới doanh nghiệp thần phục Bắc Kinh

Nhìn vào diễn biến cuộc khủng hoảng Hồng Kông, Libération ghi nhận thái độ thần phục Bắc Kinh của giới kinh doanh, bắt đầu tiếp tay cho chính quyền trong việc trấn áp phong trào phản kháng.

Xuất phát từ hiện tượng gia tăng của các vụ sa thải, hù dọa, những lời kêu gọi ngừng biểu tình, tờ báo Pháp cho rằng sau một thời gian dài giữ im lặng, giới lãnh đạo rất có uy lực của các công ty lớn ở Hồng Kông có vẻ đã nghiêng hẳn về phía chế độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chủ yếu là vì lo sợ trước nguy cơ kinh tế Hồng Kông bị suy yếu, và nhất là vì sức ép của Bắc Kinh.

Theo Libération, những gì xẩy ra tại Cathay Pacific là một ví dụ: đối với các công ty có nhân viên có biểu hiện chống lại chế độ, người ta liền cắt cánh ngay. Các phi công của hãng hàng không Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ đã bị sa thải, tổng giám đốc Rupert Hogg, bị bãi nhiệm, lãnh đạo công đoàn một chi nhánh công ty cũng bị cách chức…

Tờ báo Pháp tiết lộ : Trong những ngày cuối tuần bắt đầu từ hôm 10/08, các quan chức Trung Quốc tập trung tại Thâm Quyến, giáp giới Hồng Kông, đã yêu cầu hàng trăm doanh nhân và chính khách có ảnh hưởng tại Hồng Kông là phải bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền, vốn không dập tắt nổi phong trào phản kháng.

Thế là cùng với vài trăm người biểu tình mang theo cờ Trung Quốc, một bộ xậu bao gồm các giám đốc doanh nghiệp, các nghị sĩ trung thành với Bắc Kinh và các ông trùm kinh doanh tại Hồng Kông đã xuất hiện để tố cáo bạo lực. Sự kiện đó diễn ra hôm 17 tháng 8.

Trước đó, theo Libération, không thấy ai trong số này thể hiện hậu thuẫn cho bà trưởng đặc khu, hoặc là nếu có thì cũng chỉ là một cách chiếu lệ. Giờ đây, họ đã ra mặt lên tiếng ủng hộ chính quyền, đồng thời gây sức ép trên các nhân viên của họ.

Theo tờ báo Pháp, các thành phần này đã hành động, không phải vì lòng trung thành với Bắc Kinh, mà là vì họ thực dụng, cảm thấy cần phải bảo vệ một trật tự không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh.

Nghiệp đoàn Chủ nhân Pháp Medef sai lầm khi im lặng về Hồng Kông

Cũng về vụ trấn áp tại hãng Cathay Pacific Hồng Kông, nhật báo Le Monde cho rằng số phận của hãng hàng không này có lẽ là dấu hiệu cho thấy những gì mà Bắc Kinh dành cho các công ty nước ngoài thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hồng Kông. Thế mà Nghiệp Đoàn giới chủ Pháp Medef lại không nói gì về cuộc khủng hoảng Hồng Kông nhân cuộc hội thảo chuẩn bị cho năm làm việc mới sau kỳ nghỉ hè.

Theo tờ báo Pháp, vào ngày mai 29/08, nhân cuộc Gặp Gỡ của Doanh Nhân Pháp, tên mới của cuộc hội thảo thường niên của giới chủ Pháp, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), tân đại sứ Trung Quốc sẽ có bài phát biểu. Thể nào ông cũng sẽ nói về cái lợi của chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc tự nhận mình là biểu tượng, và sẽ đả kích chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Le Monde tiếc là đại sứ Trung Quốc không đến dự buổi họp toàn thể hôm nay, có chủ đề "Chủ nghĩa tư bản và tự do. Khi tự do chính trị không còn là điều kiện của tự do kinh tế", bởi vì những gì đang xảy ra ở Hồng Kông minh họa cho hiện tượng ngược lại. Để buộc đặc khu tự trị này khép mình vào khuôn khổ và ngừng đòi áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu, Bắc Kinh đang thực hiện một vụ bắt bí chưa từng có đối với các công ty đang ở Hồng Kông.

Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói

Một đề tài khác nổi bật tại Thượng Đỉnh G7 được báo Pháp tiếp tục chú ý là vụ cháy rừng Amazon ở Brazil và cách hành xử của tổng thống nước này là ông Bolsonaro. Trong bài phân tích mang tựa đề : "Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói", nhật báo Libération ghi nhận hiện tượng tụt giảm uy tín nặng nề của vị tổng thống cực hữu.

Nhận xét của tờ báo Pháp rất rõ rang : Vốn đã không được xem trọng trên chính trường quốc tế, uy tín của nguyên thủ Brazil đang mờ nhạt trong nước do cách ông "chữa cháy rừng Amazon". Vị cựu quân nhân này chỉ còn được cánh cử tri cực đoan nhất của ông ủng hộ, và ngày càng làm đồng hương của ông bất bình, kể cả trong một bộ phận của giới xuất khẩu nông sản.

Chỉ trong vài tháng, ông đã biến cho Brazil thành một quốc gia bất hảo của cộng đồng quốc tế. Do thái độ co cụm trên vấn đề nạn cháy rừng đang tàn phá vùng Amazon, tổng thống cực hữu đã làm kéo Brazil vào một tình thế cô lập khác thường, trong khi mà mới đây thôi, nước này là một tác nhân không thể thiếu vắng trong các cuộc thảo luận đa phương trên hồ sơ khí hậu.

Ngay cả thời độc tài, hình ảnh Brazil vẫn không tệ hại như hiện nay

Trả lời báo Anh The Guardian, nhà cựu ngoại giao Brazil Rubens Ricupero cho răng ông Bolsonaro là "nguyên thủ quốc gia bị khinh ghét nhất thế giới. Chưa bao giờ, ngay cả vào thời chế độ độc tài, đất nước Brazil lại bị khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh như thế".

Uy tín của Brazil dựa trên quyết tâm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, mà 60% diện tích nằm ở Brazil. Thế nhưng ông Bolsonaro, thay vì bảo vệ thì lại chơi với lửa, và theo cáo buộc của các nhà sinh thái, ông đã để mặc cho những người làm rẫy đốt phá rừng.

Với chủ trương không cho ai khác đụng đến rừng của Brazil, ông đã vô tình quốc tế hóa cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon, được đem ra bàn thảo ở thượng đỉnh G7…

Theo Le Figaro, ông Bolsonaro đã sai lầm khi cho rằng người dân, vì kiệt quệ trước tình trạng suy thoái kinh tế, sẽ ủng hộ chủ trương tháo gỡ các quy định về giám sát môi trường mà ông đã hứa với các nhóm áp lực, trong đó có giới nông nghiệp, đã đưa ông lên cầm quyền. Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò dư luận gần đây, 96% người được hỏi, kể cả cử tri đã bầu cho ông, đều muốn siết chặt kiểm soát trên việc khai phá bất hợp pháp.

Hệ quả là chỉ sau 8 tháng cầm quyền, điểm được lòng dân đã tuột dốc. Người đánh giá xấu phương thức hành động của ông ngày càng đông, và lần đầu tiên chiếm đa số (54% vào tháng 8 so với tháng 2 chỉ có 28%), trong lúc người hài lòng về ông, thì từ 57,5% tuột xuống 41%.

Renato Janine Ribeiro, cựu bộ trưởng giáo dục, cho là "càng ngày càng có nhiều người Brazil xấu hổ vì tổng thống của họ. Trong những người đã bầu cho ông, nhiều người đã lấy làm tiếc đã bỏ phiếu cho ông", mà trước tiên hết là giới xuất khẩu nông sản đã trong nhiều năm qua, cố xóa bỏ hình ảnh xấu là những người phá hủy vùng Amazon.

Lo ngại của họ giờ đây là hiệp định tự do mậu dịch Châu Âu - Mercosur gặp trở ngại, như tổng thống Pháp đã lên tiếng đe dọa viện lẽ Brazil không làm gì để bảo vệ rừng. Giới này cũng đang gây sức ép lên tổng thống Bolsonaro.

Giới chủ muốn Macron giữ nguyên hướng đi

Nhân dịp hiệp hội các chủ nhân Pháp Medef tập họp đội ngũ trong hai ngày ở Paris để thảo luận về các vấn đề kinh tế lớn, và kêu gọi tổng thống tiếp tục chính sách hỗ trợ xí nghiệp ưu tiên cho chính trị Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đã giành hồ sơ lớn cho sự kiện này, và chạy trên trang nhất hàng tít đập mắt "Giới chủ yêu cầu Macron giữ nguyên hướng đi".

Trong hai ngày của cuộc hội thảo hè truyền thống, được cải tên thành Cuộc Gặp Gỡ của các Doanh Nhân Pháp (LaREF), hiệp hội Medef xem xét lại tương lai của chế độ tư bản với các vấn đề kinh tế nóng bỏng của thời sự.

Nếu giới chủ doanh nghiêp có vẻ hài lòng về giai đoạn đầu nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Macron, thì họ thúc giục ông tiếp tục cải tổ và nhất là không lùi bước, xuôi tay trước sự chống đối hay các khó khăn.

Nhưng họ đã tỏ ra thất vọng trước thái độ thụ động của ông về mặt chi tiêu nhà nước. Ví dụ điển hình theo họ, là trong mùa hè, ông đã bỏ lời hứa trong cuộc vận động tranh cử là giảm đi 120.000 công chức trong 5 năm.

Bất bình đẳng, thách thức to lớn

Cũng khai thác sự kiện cuộc họp của giới chủ nhân Pháp, nhật báo công giáo La Croix đã nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội, với tựa lớn trên trang nhất "Bất bình đẳng, thách thức to lớn"

Nhân cuộc họp tại Paris của khoảng 7 500 chủ doanh nghiệp Pháp, La Croix ghi nhận mối ưu tư của giới chủ nhân là "Giảm bất bình đẳng như thế nào ?", tựa bài báo trang trong.

Đối với La Croix, ngay cả giới chủ nhân Pháp cũng ngày càng quan ngại trước tình trạng các bất công đang ngày càng sâu rộng, tác hại đến nền kinh tế. Trong tình hình đó, theo tờ báo, chắc chắn các giải pháp nhằm giảm bất bình đẳng sẽ được thảo luận sôi nổi trong hai ngày họp hôm nay và ngày mai.

Nhân dịp này, La Croix đã điểm lại tình hình bất bình đẳng ở Pháp hiện nay, và không chỉ bó hẹp ở bất bình đẳng về lương hướng và thu nhập, mà mở rộng sang các lãnh vực như giới tính, xuất thân, lãnh thổ, những vấn đề ngày càng quan trọng trong giới lao động.

Được cơ quan thống kê Drees của bộ Y Tế và Liên Đới Xã Hội, hỏi từ hơn 15 năm qua, để xem chuyển biến tình hình trong 5 năm gần đây, vẫn có rất đông người Pháp, hơn 60% (90% - năm 2011) trả lời là bất bình đẳng đã tăng.

Theo người được hỏi, thấy rõ trước tiên là trên phương diện thu nhập. Kế đến là bất bình đẳng trong công ăn việc làm, thường gắn đến xuất xứ dân tộc, tiếp theo là bất bình đẳng về nhà ở, về vấn đề được chăm sóc sức khỏe, về học vấn và cuối cùng là về di sản, thừa kế trong gia đình.

Thực ra, theo La Croix, bất bình đẳng đã giảm rõ rệt trong giai đoạn 1970-1990, trước khi có một giai đoạn ổn định để rồi tăng lên từ 1998-2011, và sau đó giảm đi đến cho đến 2015, sau khi thuế tăng với thành phần giàu có nhất. Nhìn chung Pháp vẫn là một trong những nước ít bất bình đẳng nhất.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Phong trào phản kháng Hồng Kông vẫn biểu tình bất chấp bạo lực tái phát

hongkong1

Một người biểu tình đối mặt với cảnh sát chống bạo động tại Hồng Kông ngày 25/08/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, có ít nhất hai cuộc biểu tình. Trước hết là tại sân vận động Kwai Chung và thứ hai là cuộc tuần hành trên đường phố với sự tham gia của nhiều người có thân nhân trong ngành cảnh sát.

Bị Trung Quốc "khủng bố trắng" phối hợp tuyên truyền cáo buộc "tiếp tay cho biểu tình gây rối trị an" và đe dọa trừng phạt kinh tế, công ty xe điện ngầm MTR của Hồng Kông phải đóng cửa một trạm ga gần sân vận động. Biện pháp này không ngăn được dân chúng kéo nhau đến điểm hẹn và sau đó tuần hành về khu phố Tsuen Wan.

Cũng theo AFP, một cuộc tuần hành thứ hai huy động được vài trăm người, trong đó có thân nhân của cảnh sát, lực lượng đang bị công luận lên án làm công cụ cho Trung Quốc.

Một phụ nữ, tự giới thiệu là vợ một sĩ quan cảnh sát, cho biết là hai vợ chồng bà rất khổ tâm : "Hai tháng qua, cảnh sát Hồng Kông bị rất nhiều nhục nhã".

Bà kêu gọi cảnh sát : "Tôi muốn các ông biết tại sao bị cả thế giới khạc nhổ. Là thân nhân, tôi không làm như thế, nhưng người cảnh sát phải biết rằng nhiệm vụ của mình là bảo vệ dân Hồng Kông chứ không phải làm kẻ thù của Hồng Kông".

Bạo lực dữ dội sau một tuần tạm lắng

Bạo lực lại nổ ra trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ngày hôm qua 24/08 tại Hồng Kông sau một tuần tạm lắng. Người biểu tình cực đoan đã ném gạch đá và bom xăng vào nhân viên công lực, còn cảnh sát thì sử dụng hơi cay và đạn cao su.

Đụng độ ban đầu xảy ra tại khu Kwun Tong, phía đông Hồng Kông, rồi sau đó lan ra nhiều điểm khác trong thành phố. Khoảng 30 người đã bị câu lưu.

Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Aabla Jounaïdi gửi về bài phóng sự :

Mọi việc bắt nguồn từ một cuộc tuần hành được nhà chức trách cho phép diễn ra tại quận bình dân Kwun Tong. Ít nhất 1.000 người tiến về phía bắc, những người đi đầu dựng lên các chướng ngại vật với cọc tre và các rào chắn bằng kim loại.

Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, trong khi đám đông giải tán, những thanh niên đội mũ, đeo kính và trang bị mặt nạ chống hơi cay đẩy những chướng ngại vật mà họ đã dựng lên về phía cảnh sát, đồng thời ném đá và chai lọ về phía lực lượng an ninh.

Cảnh sát chống bạo động cảnh cáo người biểu tình, giương pano xanh, đỏ, rồi đen. Và cảnh sát bắt đầu phản công!

Nhiều lần bị cảnh sát xịt hơi cay và bắn đạn cao su, một số người biểu tình tháo chạy vào một trung tâm thương mại bên cạnh để ẩn náu. Tại đó, khi bị truy đuổi, họ đáp trả với 2 bom xăng. Larry là một trong số những người nói trên. Anh nói : "Cảnh sát vào tận bên trong trung tâm thương mại để cố bắt giữ người biểu tình. Nhiều người đã chạy khỏi đó. Phần đông cảnh sát không biết tự kềm chế".

Sau đó, một mặt trận khác lại được mở ra nhắm vào một đồn cảnh sát không xa đó, và trong 2 khu phố khác. Kết quả là nhiều người bị thương, một người bị trúng đạn cao su vào mắt.

Tú Anh, Thùy Dương

Published in Châu Á

Hồng Kông : Nỗi sợ bị Bắc Kinh bắt cóc gia tăng sau vụ Simon Cheng

Báo chí Pháp ra ngày 23/08/2019 dĩ nhiên đã quan tâm nhiều đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở ra tại Biarritz, thành phố miền tây nam nước Pháp kể từ ngày 24/08. Về Châu Á, chỉ có tình hình Hồng Kông tiếp tục được chú ý.

hong1

Người biểu tình Hồng Kông lập "dây chuyền người" để đòi cải cách chính trị trên Đại lộ Những ngôi sao ở Hồng Kông, ngày 23/08/2019. Reuters/Thomas Peter

Trong một bài viết, Le Monde nói về nỗi lo ngại gia tăng của cư dân Hồng Kông trước cách hành xử độc đoán của Trung Quốc trong vụ nhân viên của lãnh sự quán Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng).

Theo Le Monde, việc Trung Quốc hôm 21/08 xác nhận đã bắt giữ ông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), nhân viên của lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, mất tích từ hôm 08/08 khi đi qua Thẩm Quyến, đã làm cho người Hồng Kông thêm lo ngại. Họ đã thấy thêm bằng chứng về việc Trung Quốc ngày càng khống chế Hồng Kông của họ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đây là chuyện nội bộ Trung Quốc, ông Trịnh không có quốc tịch Anh. Ông được sinh ra ở Hồng Kông, là công dân của vùng bán tự trị, nhưng có hộ chiếu "lãnh thổ hải ngoại Anh", cấp cho những người ở thuộc địa cũ khi có yêu cầu, lúc Hồng Kông - "Hương Cảng" - được trao trả lại cho Bắc Kinh năm 1997.

Tài liệu đó không cho phép cư trú tại Anh nhưng có quyền tự do đi lại, đến Anh và được sự bảo vệ của lãnh sự Anh ở nước ngoài. Trung Quốc không công nhận quốc tịch đôi, do đó khi qua biên giới, ông Trịnh dùng giấy thông hành Trung Quốc.

Người biểu tình ở Hồng Kông càng lo ngại về cách hành xử độc đoán của Trung Quốc khi nhớ lại rằng năm 2015, năm người của một hiệu sách chuyên xuất bản những tác phẩm công kích chính quyền Bắc Kinh, đã bị bắt đi mất tích trước khi xuất hiện trên đài truyền hình Nhà nước, tự kiểm điểm, ăn năn hối lỗi. Sau đó đến vụ hai người Canada, một doanh nhân và một cựu nhà ngoại giao, sau khi giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt giữ ở Vancouver.

Bối cảnh này khiến người ta lo ngại đến Hoa Lục, doanh nhân hay nhà nghiên cứu, sợ bị bắt làm con tin trong tình hình chính trị căng thẳng. Nhiều nhà nghiên cứu Châu Âu về Trung Quốc hiện đang ở Hồng Kông đã thú nhận với Le Monde rằng họ rất thận trọng và tránh đi qua bên kia biên giới trong lúc này.

Macron đi dây tại Thượng đỉnh G7

Về Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 mở ra tại Biarritz, nhật báo Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất cho sự kiện này, và nhận thấy tổng thống Pháp "Macron trong vai trò người đi dây tại Thượng đỉnh G7 ở Biarritz".

Les Echos ghi nhận : Tổng thống Pháp vào cuối tuần này sẽ đón lãnh đạo 7 cường quốc thế giới, những nước "công nghiệp hóa nhất". Với các nội dung như thuế quan quốc tế, kinh tế chậm lại, khí hậu, đối tác với Châu Phi… nằm trong chương trình thảo luận, hội nghị được dự báo là rất gay go.

Theo tờ báo Pháp, ông Macron là một lãnh đạo thực tiễn và thực tế. Ông biết là sẽ không có đồng thuận, cho nên đã quyết định là sẽ không có thông cáo chung nào được công bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh. Trước báo giới hôm 21/08, ông Macron giải thích không muốn những bất đồng bị nêu bật.

Trong tình hình này, Les Echos dự đoán có lẽ sẽ chỉ có những thông cáo cục bộ, tùy theo những điểm đồng thuận. Hội nghị G7 lần này do đó sẽ trở lại với những cuộc thảo luận không chính thức, những trao đổi song phương về những chủ đề quốc tế lớn và cố san bằng bất đồng quan điểm.

Và G7 cũng không tránh việc mời lãnh đạo khác tham gia. Donald Trump chủ trì G7 năm 2020 đã gợi ý mời Nga trở lại. Tại Biarritz, nhiều lãnh đạo Châu Phi cũng như Úc và Chile, Tây Ban Nha, Ấn Độ được mời tham gia vào các buổi làm việc.

G7 và các mục tiêu của Macron

Le Monde cũng đề cập đến Thượng đỉnh G7 ở trang nhất, nhưng lồng sự kiện này vào trong những mục tiêu hành động sắp tới của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tựa lớn trang nhất tờ báo Pháp nêu bật : "G7, Brexit, hưu bổng : Các mục tiêu của Macron".

Le Monde ghi nhận là hôm 21/08, tổng thống Pháp đã phát triển kỹ lưỡng quan điểm của ông về các thách thức lớn trên thế giới, điều sẽ được ông nêu lên nhân ba ngày thượng đỉnh G7 tại Biarritz từ 24-26/08.

Về hồ sơ nóng bỏng là Brexit, tổng thống Pháp cho hiểu là ông sẽ cứng rắn hơn nhiều với tân thủ tướng Anh, trái với thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong vai trò chủ nhà, tổng thống Pháp cũng sẽ phải dấn thân vào các vấn đề như căng thẳng Iran-Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và tính chất cấp bách của việc chống biến đổi khí hậu. Đối với Le Monde, đó là những chủ đề lớn sẽ chi phối Thượng đỉnh G7 ở Pháp, trong bối cảnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Le Monde cũng đề cập đến hoạt động của giới chống toàn cầu hóa, tức là chống G-7. Tờ báo ghi nhận một "Phản Thượng đỉnh G7" đã được tổ chức gần nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh chính thống, và những người tổ chức hội nghị này muốn liên kết phong trào đấu tranh xã hội với những người bảo vệ môi trường và sinh thái.

Hai chi tiết được Le Monde nêu bật : Lực lượng cảnh sát dày đặc được triển khai để bảo đảm an ninh cho hội nghị, và một cuộc biểu tình của phe chống G7 được dự trù vào thứ Bẩy 24/08.

Internet thành mỏ vàng mới của dân lừa đảo

Rời xa địa hạt chính trị quốc tế, các tờ báo lớn còn lại ở Pháp chú ý đến các đề tài xã hội. Nhật báo công giáo La Croix chẳng hạn, đã chú ý đến hiện tượng lừa đảo tràn lan trên mạng internet với hàng tựa lớn trang nhất đầy mỉa mai : "Mỏ vàng mới của giới lừa đảo trên Internet", nói về hiện tượng "tấn công giả mạo", tiếng Anh gọi là phishing, được đánh giá là một nguy cơ lớn, và biết cải tiến.

Phishing là một trong những mối đe dọa tin tặc lớn nhất trên internet. Loại lừa đảo này, ban đầu được nhận diện qua các mail, ngày càng trở nên tinh tế. Việc phòng ngừa trở thành phương tiện chính để chống lại chúng.

"Bưu điện hiện nay đang là nạn nhân của các hoạt động lừa đảo, mời gọi khách hàng trả tiền để nhận một gói hàng, hoặc tham gia các trò chơi có thưởng". Từ vài ngày qua, lời cảnh báo này được bưu điện đưa lên trang web của mình. Khi nhấp chuột vào để tìm hiểu thêm, khách hàng bị dính trò lừa phishing.

Bưu điện không phải là một trường hợp đơn lẻ. Không ngày nào mà không có những cá nhân, cơ quan hành chính hay doanh nghiệp trở thành nạn nhân. Hôm thứ Ba 20/8, cơ quan thuế vụ nhìn nhận tin tặc vào cuối tháng Sáu đã xâm nhập vào khoảng 2.000 tài khoản để sửa đổi lại nội dung khai báo của người chịu thuế. Hồi đầu năm, nhiều công viên giải trí, trong đó có Le Puy du Fou và Futuroscope, đã phải đối đầu với một chiến dịch phishing dưới dạng một thông báo giả mạo được đưa lên mạng xã hội, hứa hẹn vé vào cửa miễn phí.

Theo dữ liệu năm 2018 của trang web cybermalveillance.gouv.fr, đây là mối đe dọa tin tặc phổ biến nhất ở các cá nhân (25%), tập thể (20%), còn với các công ty thì đứng thứ nhì (14%).

Đình công lan rộng trong giới cấp cứu

Le Figaro cũng dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho một đề tài xã hội : "Tại các bệnh viện, cuộc khủng hoảng trong giới cấp cứu bắt đầu bám rễ".

Tờ báo ghi nhận là khởi sự từ đầu tháng 3 tại các khoa cấp cứu thuộc các bệnh viện ở vùng Paris. Cuộc đình công của các nhân viên hoạt động trong ngành cấp cứu hiện đã lan ra 217 bệnh viện trên khắp nước Pháp. Phong trào đình công có nguy cơ lan rộng hơn nữa.

Đối với Le Figaro, căn bệnh mà các khoa cấp cứu mắc phải đã được chẩn đoán : Dịch vụ bị ùn tắc, nhân viên làm việc quá sức, tệ nạn bạo lực nhắm vào giới y tá…, thế nhưng thuốc chữa, vì chưa tìm ra, nên chưa được phân phát. Điều này khiến cho giới làm việc trong ngành cấp cứu nổi giận.

Le Figaro đã nêu bật đà lan rộng của làn sóng bất bình : Khởi sự vào đầu tháng 3 tại khoa cấp cứu bệnh viện Saint-Antoine ở Paris, phong trào đã lan ra 65 bệnh viện trong tháng Năm, và hiện tại, con số cơ sở bị ảnh hưởng đã lên đến hơn 200.

Thông báo vào tháng 7 của Bộ trưởng Bộ Y Tế về giải ngân 70 triệu euro tiền phụ cấp đã không xoa dịu được tình hình.

Lý do, theo Le Figaro, đó là vì những vấn đề mà các khoa cấp cứu gặp phải quá nghiêm trọng để có thể được giải quyết chỉ bằng một tấm ngân phiếu. Ngoài ra còn có tình trạng thiếu bác sĩ đa khoa để làm việc tại các khoa cấp cứu, cộng thêm với việc nghề này không có sức hấp dẫn. Hiện hàng trăm chỗ làm trong ngành này vẫn không có người nhận.

Đà vươn lên của giới triệt để bảo vệ loài vật

Sau cùng, nhật báo Libération cũng khai thác một vấn đề xã hội đang nhức nhối : cuộc đối đầu "khốc liệt" giữa phe bảo vệ loài vật một cách triệt để và những người bảo vệ thói quen ăn thịt, giới làm xiếc cần dùng đến thú vật, hay giới thợ săn.

Libération cho biết ngày mai, thứ Bảy 24/08 là Ngày Thế Giới vì sự chấm dứt phân biệt đối xử theo loài, trong bối cảnh những tháng gần đây, phản ứng lại một số hoạt động đấu tranh thô bạo, giới chuyên môn trong ngành và chính quyền đã trở nên cứng rắn hơn.

Lò sát sinh, trại chăn nuôi, cửa hàng thịt, rạp xiếc hay các khu vực săn bắn đã trở thành "chiến trường" của những người ủng hộ và phản đối.

Ngày 24/08, từ Nam Mỹ, Canada, Hoa Kỳ cho đến Ấn Độ, Đức và nhiều địa phương tại Pháp, sẽ có những cuộc tập họp và các hoạt động nhằm tố cáo mọi sự phân biệt đối xử đối với các loài, đòi hỏi phải quan tâm đến lợi ích của loài vật.

Những người đấu tranh phản đối mọi trật tự cao thấp giữa các giống loài, trong đó loài người ở hàng cao nhất. "Tầm nhìn" này phổ biến trong số những người bảo vệ súc vật hoặc chủ nghĩa thuần chay.

Nhưng giới nông gia, các nhân tố trong chuỗi sản xuất thịt, liên đoàn những người săn bắn, các tổ chức ủng hộ đấu bò… cũng đã tổ chức lại để đối phó. "Để cứu một nông dân, hãy xơi một người thuần chay" - khẩu hiệu này trên trang web của Cơ quan điều phối nông thôn như một lời tuyên chiến.

Sở dĩ nghiệp đoàn nông dân nổi giận là vì Aymeric Caron, nhân vật hàng đầu của phong trào đấu tranh chống phân biệt đối xử theo loài, được mời dự hội nghị mùa hè của đảng Sinh thái - xanh Châu Âu (EE-LV) tại Toulouse. Tệ hơn nữa là Brigitte Gothière, đồng sáng lập hiệp hội L214, "kẻ thù" của các nhà chăn nuôi, cũng được mời dự.

Nghiệp đoàn nông dân cho biết cũng sẽ có mặt để bảo vệ "các giá trị" của mình, còn người phụ trách ngành thịt cảnh báo : "Sẽ có một kết thúc tệ hại". Ông cho biết : "Ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi của những người chăn nuôi bực tức vì lại có những video mới của phe chống ‘đẳng cấp loài’, hoặc những vụ xâm nhập vào trại chăn nuôi. Quan hệ đang căng thẳng".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Hong Kong và by điu v chế đ cng sn

Nguyễn Hùng, VOA, 22/08/2019

Mười tun biu tình Hong Kong đã cho thy người dân đây đã chán ngy vi kiu treo đu dê mt nước hai chế đ nhưng bán món tht chó đc tài toàn tr ca Bc Kinh.

hongkong1

Mt sinh viên giương tm bng vinh danh thiếu n b bn vào mt trong mt cuc biu tình Hong Kong.

Đ hiu được mc đ phn n ca người dân Hong Kong, hãy th tưởng tượng gn mt phn tư dân Vit Nam xung đường như người Hong Kong đã làm khi có lúc 1,7 triu người tham gia biu tình. Con s tương t vi phn trăm dân s Vit Nam s tương đương vi gn 25 triu người.

Các cuc biu tình kéo dài sut t ngày 9/6 ti nay đ phn đi d lut dn đ người Hong Kong v Trung Quc được đưa ra hi đu tháng Tư đã cho thy nhiu điu v chế đ toàn tr cng sn mà người Hong Kong, nht là gii tr, ngày càng t thái đ không th chp nhn.

1. Người Hong Kong mun t do bng cái mâm nhưng Trung Quc ch cho h cái chén.

Câu này tôi mượn ý ca mt linh mc mô t tình trng Vit Nam nhưng nó cũng hoàn toàn hp vi hoàn cnh hin nay ca người Hong Kong. Khi nhn li Hong Kong t Anh hi năm 1997, các nhà lãnh đo Trung Quc ha s gi nguyên cách vn hành Hong Kong trong vòng 50 năm nhưng h luôn tìm cách tước đi quyn t do ca người dân nơi đây. T chiếm quyn s hu báo chí ti bt cóc nhng người xut bn sách, t do ngôn lun Hong Kong b đe do nghiêm trng. V tư pháp, Bc Kinh đã nêu cao tiêu chí các quan tòa phi yêu nước thay vì đm bo vic thc thi công lý. V cách qun tr, Trung Quc t chi cho người dân được bu trc tiếp người lãnh đo Hong Kong, điu đã dn ticuc biu tình kéo dài 79 ngày hi năm 2014.

2. Lãnh đo Trung Quc luôn mun hon bng được các quyn t do ca người dân, nht là các quyn chính tr.

Tho thun ngm gia chính quyn Trung Quc và người dân là dân có th làm kinh tế nhưng không bao gi được làm chính tr, dù đó là lp hi, biu tình hay xut bn. Trước các triu đình Trung Quc có hon quan, gi c t người Trung Quc thành hon dân và người Hong Kong cũng đang trong tm ngm.

3. Tự do ở Trung Quốc chỉ là sự đánh tráo khái niệm.

Nhng cuc xung đường Hong Kong cho thy điu mà vài triu người dân đây vn có mà hơn mt t người đi lc li không. Người Hong Kong có th yêu cu chính quyn cho h biu tình và nhiu người gi cũng chng còn cn s cho phép ca cnh sát na. Hong Kong cũng là nơi mà người ta có th thoi mái lướt Facebook, Twitter và các mng xã hi khác thay vì phi trèo tường mi vào được như Trung Quc. Ngay trước khi din ra cuc biu tình đu tiên hôm 9/6, đông đo người Hong Kong cũng t hp đ ghi nh 30 năm biến c Thiên An Môn,điu không th xy ra bt c đâu khác ti Trung Quc.

4. Các quan chc cng sn Trung Quc luôn có cách hành x nước đôi.

Trong khi h không cho người dân trong nước biu tình nhưng li sn sàng xúi nhng người Trung Quc nước ngoài như Anh, Australia hay Hoa K xung đường đ chm trán vi nhng người biu tình ng h Hong Kong các nơi này. Và mt mt h cm Facebook và Twitter Trung Quc nhưng mt khác li tích cc dùng các mng xã hi này đ bôi xu người biu tình khiếnhai mng xã hi phi ra tay.

5. Lãnh đo Bc Kinh chuyên ngh đ li.

Cái gc ca nhng cuc biu tình trong mười tun qua là chuyn Trung Quc mun dn đ người Hong Kong v đi lc đ xét x. Có l bt cóc mãi thy cũng phin nên gii lãnh đo Trung Quc mun chính thc hóa vic này. Đây là ngun cơn ca s phn n được th hin trên đường ph Hong Kong t đu tháng Sáu. Chng ai mun b bit giam và b tra tn v tinh thn và th xác khi mà người ta mi ch là đi tượng b điu tra ch chưa h b kết án. Và cũng không ai mun b mt bn án theo ch th ming t các quan chc cng sn ngay c khi h có ti.

6. Người thiu s Trung Quc chng có nghĩa lý gì.

Dân s Hong Kong chưa ti tám triu so vi con s hơn 1,4 t dân trên toàn Trung Quc. Người thiu s Tây Tng, Tân Cương và c Hong Kong đu không được làm người nếu h dám thách thc s cai tr ca đa s người Hán Bc Kinh.

7. Lãnh đo Trung Quc cai tr bng cách reo rc ni s.

Trong nhng ngày din ra biu tình ti Hong Kong, Trung Quc hết tp trn gn biên gii vi Hong Kong li đe do h s "không ngi yên" nhìn nhng bt n Hong Kong. Dù lên án bo lc t phía người biu tình nhưng h im lng trước bo lc ca cnh sát Hong Kong, nhng người đã dùng hơi cay và đn cao su ngay t nhng ngày đu ca các cuc biu tình. Khi nhng người thân chính quyn đánh đp người biu tình, Bc Kinh cũng nhm mt làm ngơ. Nhưng người Hong Kong đã cho Bc Kinh thy h mun làm người ch không mun làm nhng con cu đy s hãi. Nhiu người trong s h thm chí cũng không coi mình là người Trung Quc mà ch đơn gin là người Hong Kong. H tht dũng cm và thc thi khi không đi cái mâm t do mà h đòi ly nhng chén cơm hm ca Bc Kinh.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VOA, 22/08/2019

*******************

‘Hong Kong is not China’

Mặc Lâm, VOA, 22/08/2019

Đó là câu khng đnh ca người Hong Kong mà c thế gii thy xut hin trong nhng cuc biu tình hin nay. Nó nm trên nhng tm biu ng, trên nhng t giy cm tay, trên hàng vn tiếng hô đng thanh, trên nhng bc tường, nhng phát biu ca người tr tui : "Hong Kong is not China".

hongkong2

"Hong Kong is not China" là sự khng đnh ca người Hong Kong mà c thế gii thy xut hin trong nhng cuc biu tình hin nay.

Thế gii git mình nhn ra mt thc tế mà t rt lâu h không đ ý ti. Vi đi đa s người nước ngoài khi tiếp cn vi mt người hay mt nhóm nói tiếng Trung, có l ngay lp tc h nghĩ rng nhng người này đến t đi lc, t mt quc gia rng ln cng sn, quc gia mà không ít thì nhiu h tng nghe qua. Không ít thì nhiu h cũng tng có thành kiến vi cách ng x thiếu văn hóa đang tràn lan trên mi ngõ ngách ca các thành ph khp thế gii khi h du lch hay hc tp, công tác. Thành kiến y bi đp thêm câu chuyn "Người Trung Hoa xu xí" ca Bá Dương tng gây chn đng thế gii người Hoa k c ti đi lc. Thành kiến y cng vi chính sách bá đo ca nhà nước Trung Quc góp phn giúp thế gii thy rõ hơn mt Trung Quc va giàu có li va thiếu văn hóa, va mnh m li va tham vng, và quan trng nht là s tàn nhn ca chính quyn không gii hn.

Người dân Đài Loan và Hong Kong rt ging nhau đim cùng sng trong môi trường dân ch, cùng b đe da bi bóng ma đi lc nhưng cái khác nhau ln nht là chính ph Đài Loan không ph thuc vào Bc Kinh như Hong Kong. Đây là lý c đ xy ra nhng cuc biu tình tp trung hàng triu người, mt hình nh làm chn đng thế gii trong vài tháng nay. Hong Kong lo s s b Bc Kinh trói tay qua Lut Dn đ và t đó cơn hng thy tràn xung đường kéo theo các yêu sách khác.

"Hong Kong is not China" có l là câu slogan khiến Bc Kinh lo ngi nht. Nó dn dt Hong Kong tránh xa đi lc và vì vy không th là "Mt quc gia hai chế đ" được na. Tht ra câu nói này không phi ch mi xut hin khi các cuc biu tình hin ti xy ra mà nó đã có t năm 2015 sau khi phong trào dù vàng n ra ti Hong Kong. Trên websiteQuazt  đăng mt b sưu tp mang tên "Hong Kong is not China" gm 24 hình minh ha mô t s khác bit gia Trung Quc đi lc và Hng Kông, bao gm các ch đ : thói quen văn hóa, k lut, ngôn ng và các vn đ chính tr - xã hi như cu trúc tư pháp, an toàn thc phm k c s kim duyt.

Nhng khác bit v chính th, t do thông tin và truyn thông có l mi người đu biết nhưng yếu t văn hóa khác bit đã làm cho người Hong Kong khác rt xa người Trung Quc đi lc. Trong bng minh ha tác gi đã v mt cp hình nh đi chi nhau v cách ng x nơi công cng ca hai cng đng. Hình nh th nht mô t mt chiếc ghế dài dành riêng cho người tàn tt và người già, trong khi bc nh th nht mt người Trung Quc tháo giày nm ng trên đó thì bc nh th hai mt người Hong Kong đng cnh chiếc ghế mc dù không có ai ngi. Bc nh kế là mt mt bn cu công cng, cái có ghi ch Trung Quc thì có du chân đp trên ming bn cu còn cái ghi ca Hong Kong thì sch trơn.

Mt điu thú v na mà ha sĩ nhn mnh, trong tt c các yếu t gia Trung Quc và Hong Kong ch duy nht mt th ging nhau đó là công an Trung Quc và cnh sát Hong Kong. Mc dù công an thì được minh ha rt "phn cm" đng nghiêm theo hình ch "S" trong khi cnh sát Hong Kong rt thng thm trong tư thế chào kính. Hai ch "ging nhau" miêu t c hai được ch huy t đi lc và vì vy anh cnh sát Hong Kong có nghiêm chnh thế nào thì cũng là tay chân ca Bc Kinh mà thôi.

Người Hong Kong không nhng tuyên b ý nguyn ca mình bng li nói mà h còn hành đng. Nhng cuc biu tình t năm 2014 ca phong trào dù vàng được báo chí c thế gii n phc vì s nghiêm túc ca người dân trước tài sn chung ca Hong Kong. Ý thc gi v sinh chung và trt t khi xung đường đã khiến h khác hn vi hình nh xô b, chp git ca du khách Trung Quc khi ra nước ngoài trong tư thế du lch.

Hình nh gn đây nht ca hàng trăm ngàn người t đng giãn ra khi mt chiếc xe cu thương cn m đường khiến c thế gii Tây phương sng s. Nhng cái cúi đu ca người biu tình trước hành khách trong phi trường quc tế Hong Kong xin li vì đã gây ra phin toái cho hành khách, nhng toán sinh viên thc sut đêm dn rác sau khi đoàn người biu tình v nhà đã làm thành kiến ca thế gii v "Người Trung Hoa xu xí" tan biến.

Trong khi đó cùng mt hành đng biu tình đ chng li người dân Hong Kong thì Trung Quc li t ra vn tiếp tc xu xí như hàng chc năm qua. Nhng du hc sinh Trung Quc ti Úc tràn xung đường biu tình vi hành vi thô l khiến cư dân ca Úc lc đu chán nn. Hai tp th cùng nói tiếng Hoa nhưng khác nhau mt tri mt vc, nhưng cũng nh vy thế gii biết thêm v người Hong Kong, mt cng đng bé nh nhưng có quá nhiu con người tài năng ln phm hnh đã đng lên đòi li căn cước ca mình đã b chính quyn Trung Quc làm cho ô uế.

Dĩ nhiên Hong Kong cũng có nhng người than phin ni cơm ca mình b người biu tình phá v như "thy giáo" Vũ Khc Ngc ti Vit Nam, nhưng xem ra nhng than vãn y nhanh chóng được người Hong Kong v v và an i bng nhng hành đng thuyết phc qua s hy sinh dn thân ca nhng người tr và các thy cô giáo ca h.

Người Hong Kong tht s vĩ đi nói theo cách mà người Cng sn thường dùng. Cái vĩ đi y phát sinh không phi vì mt ch thuyết hay mt vĩ nhân nào mà nó vĩ đi bi s s hãi chế đ cng sn đã tr thành ám nh.

Mặc Lâm

Nguồn : VOA, 22/08/2018

*******************

Hong Kong : Ti sao h không s hãi ?

Mặc Lâm, VOA, 21/08/2019

Gn ba tháng trôi qua trên vùng đt đang thm đm không ngng nhng câu chuyn va đáng ngc nhiên ln thán phc v s minh mn, sáng to ln kiên trì và không h s hãi ca người Hong Kong đang làm cho c thế gii tròn mt thán phc. Hong Kong đang trc din vi sc mnh ln gp ngàn ln t đi lc, nơi hoàng đế cng sn Tp Cn Bình đang tr vì vi ch trương không bao gi nhượng b trước bt c th thách nào xâm hi quyn li ca chế đ.

hongkong3

Người Hong Kong đang làm cho c thế gii tròn mt thán phc.

Hong Kong bé nh nhưng không tm thường, bi mi ln xung đường nó tp trung được hu như toàn th người dân trên phn đt nh bé này. H ln lượt thay nhau lên tiếng cho mơ ước chung : thoát ra khi quy chế mt quc gia hai chế đ, th lý thuyết ch có trên giy t và thc tế tuy chưa ti 50 năm nhưng đi lc đã thc bàn tay thô bo vào vùng đt này, vn tha hưởng th t do tht s ch không phi t bùa chú mà Đng Cng sn Trung Quc ban phát cho nhân dân trong nhiu chc năm qua.

Xung đường biu tình là sinh hot ch xy ra trong các nước có mt nn dân ch thc s. Hong Kong tuy b tr li cho Trung Quc nhưng vn được sinh hot dân ch như khi chưa trao tr. Nó được quyn duy trì h thng kinh tế - chính tr ca ch nghĩa tư bn trong khi phn còn li là Trung Quc đi lc nm dưới chế đ xã hi ch nghĩa. Theo đ ngh này ca Đng Tiu Bình, Hong Kong có th tiếp tc h thng chính tr riêng, các vn đ pháp lý, kinh tế và tài chính, bao gm c các hip đnh thương mi và văn hóa vi nước ngoài.

Cuc xung đường chng li Lut Dn đ là mi la châm vào s s hãi s b đi x như con dân ca mt nước cng sn khiến người Hong Kong quên hết nhng ni s khác nm ngay trong thc ti. H có th b đàn áp khc lit, b đánh đp, giam cm thm chí mt mng trong đám đông mà h là mt thành viên tuy nhiên tt c nhng ni s y nếu so vi phi b sng dưới chế đ cng sn thì cái s th hai đáng suy nghĩ hơn. Hong Kong tha hưởng văn minh, tin nghi và tư duy ca thế gii dân ch. Người dân được m mt hàng ngày và s so sánh gia hai chế đ cng sn và dân ch không còn gì nghi ng đi vi h na.

Nhng chàng trai, cô gái va bước vào đi hc được nhng người rt tr đi trước dn dt vào cuc chiến trường k này vi nim tin st đá vào kết qu cui cùng. Có xem nhng video clip t các cuc hp báo ca sinh viên Hong Kong mi thy hết tm c tht s ca h. Vng vàng, hiu biết rng rãi v quyn hn ca người dân, không khoan nhượng trước nhng áp lc t phía chính quyn đc khu hay t đi lc. H không có c ch, li nói đao to búa ln không h lên ging ch có ta là chân lý nhưng qua bin gii ca h người ta thy toát lên hng hc lòng tin vào sc mnh ca nhân dân, th duy nht có th chng li cường quyn dù đó là cường quyn cng sn.

Nhưng nếu ch mt mình h thì câu chuyn s không th tiếp din như ngày đu tiên, khi ít nht 1 triu người cùng nhau k vai hô vang mt tiếng nói chung. Bên cnh h là c xã hi Hong Kong, ngoi tr cnh sát và chính quyn đang nhn ch th t đi lc.

Ngày 14 tháng 6 khong 6.000 bà m đã tham gia cuc biu tình ngi trong ba gi ti Vườn Chater Trung tâm. Các bà m kêu gi Lâm Trnh Nguyt Nga t chc và chính ph phi rút li d lut Dn đ. H giương cao nhng tm bng lên án s tàn bo ca cnh sát, như "đng bn nhng đa tr ca chúng tôi".

Ba tun sau ngày 15 tháng 7 hơn 8.000 người cao tui li tp trung ti ch cũ làm cuc tun hành ln th hai nhm ng h con cháu ca h tiếp tc xung đường chng li d lut Dn đ vi nhng biu ng có ni dung "Hãy ng h nhng người tr tui. Hãy bo v Hng Kong".

Ngày 26 tháng 7 hàng trăm người t chc biu tình ngi ti phi trường quc tế Hong Kong trong đó đa s là nhân viên ca các hãng hàng không và Hip hi tiếp viên hàng không Cathay Pacific. Cng v hàng không đã loi b mt s ghế đ cung cp thêm không gian cho người biu tình.

Vào đêm 1 tháng 8, hàng trăm nhân viên t 80 t chc tài chính khác nhau đã tham gia vào mt cuc biu tình ti Chater Garden Kim Chung v các v vic được cho là cnh sát thông đng vi các băng đng xã hi đen và yêu cu tôn trng lut pháp. Ít nht 700 công nhân ngành tài chính đã đăng ti hình nh th nhân viên đ ng h cuc tng đình công toàn thành ph.

Ngày 2 tháng 8, khong 1.000 chuyên gia y tế đã t chc mt cuc mít tinh ti Edinburgh Place, Trung Hoàn. Ch tch Hip hi Bác sĩ Hong Kong ch trích các v bt gi đng thi lên tiếng v vic cnh sát s dng quá nhiu hơi cay đi vi các nhà hot đng dân ch. Trong cùng ngày, hàng ngàn công chc Hong Kong tp hp đ ng h nhng người biu tình.

Ngày 7 tháng 8, các lut sư Hong Kong t chc mt cuc tun hành trong im lng đ ng h nhng người biu tình phn đi chính quyn.

Ti ngày 8 tháng 8, khong 1.200 người công giáo đã t chc mt cuc diu hành dưới ánh nến qua Trung Hoàn trước khi kết thúc bên ngoài Tòa án phúc thm. Cuc tun hành do bn t chc Kitô giáo t chc,

Ngày 12 tháng 8, khong 100 chuyên gia y tế ti Bnh vin Đông Pamela Youde Nethersole Chai Wan biu tình chng li s lm quyn ca cnh sát khi mt người ph n b bn vào mt và b thương nng. Nhân viên y tế giơ biu ng có dòng ch "Cnh sát Hong Kong đang c giết người dân Hong Kong"

Ngày 16 tháng 8, cuc biu tình được đt tên "ng h Hng Kông, quyn lc cho nhân dân" do nhóm đi din sinh viên t 12 trường đi hc t chc din ra ti công viên Chater Garden khu vc trung tâm Hong Kong

Ngày 17 tháng 8, hàng ngàn giáo viên, nhân viên ngành giáo dc xung đường bày t quan ngi v s an toàn ca hc sinh. Theo hãng tin Aljazeera, h tràn xung cao tc, vào trung tâm Hong Kong, va đi va hô vang : "Hãy bo v thế h hc sinh tiếp theo ca Hong Kong" !

Tt c nhng cng hưởng y làm cho Hong Kong sinh đng và rc sáng. Thế gii ca 7 triu con người y lan ta khp nơi và làm cho người tr Hong Kong thêm nim tin vào s tranh đu ca h. Hong Kong là mt ngoi l hiếm hoi khi biu tình không phi là nhng đám đông hn lon và thiếu kim soát, mc dù đi lc c gng mang nhng thành phn bt ho vào phá ri nhưng tai mt ca người biu tình đã nhanh chóng phát hin và cô lp chúng.

Theo South China Morning Post cho biết ngày 18 tháng 8 cuc tun hành ca 1 triu 700 ngàn người dưới nhng chiếc dù đy mà sc ca người dân Hong Kong đã làm cho thế gii thy rng chí có s kinh hoàng khi nghĩ ti phi sng trong thế gii cng sn mi đ kh năng làm cho người dân Hong Kong s hãi ti mc phi chp nhn hy sinh nhng gì h hin có. Dĩ nhiên cái giá phi tr cho mt nn t do dân ch tht s không h nh nhưng hin tượng Hong Kong không nhng đánh đng người cng sn phi xem xét li chính mình mà nó còn là tiếng chuông cnh tnh thế gii Tây phương v s nguy him vô hình ca Cng sn ch phát hin ra nó khi phi sng cùng ch không phi nhìn t xa như các tòa đi s tng làm.

Mặc Lâm

Nguồn : VOA, 21/08/2019

Published in Diễn đàn

Kịch bản Thiên An Môn : Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng quân sự ở Hongkong ?

Peter Harris, VNTB, 21/08/2019

Nếu thực sự cần thiết, Bắc Kinh buộc phải sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề Hongkong nhằm bảo vệ chế độ toàn trị.

danap1

Tranh chấp giữa người biểu tình Hongkong và Chính phủ Hongkong sẽ khó giải quyết thông qua đối thoại.

Liệu Tập Cận Bình sẽ triển khai Quân đội Giải phóng Nhân dân để đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa hiện nay ở Hongkong, hay Bắc Kinh sẽ chọn cách tiếp cận ôn hòa hơn để làm dịu tình trạng bất ổn đã làm rung chuyển thành phố trong nhiều tháng qua ? Cho đến nay, Trung Quốc đã kiềm chế theo đuổi kịch bản Thiên An Môn ở Hongkong, thay vào đó dựa vào cảnh sát địa phương và băng đảng tội phạm để đối phó với phong trào phi bạo lực của những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Nhưng nếu phong trào đòi cải cách chính trị ở Hongkong tiếp tục tập hợp thêm sức mạnh, hoặc nếu nó có dấu hiệu lan sang đại lục thì có lẽ khó có điều gì khiến ban lãnh đạo Trung Quốc từ chối việc sử dụng vũ lực để đàn áp phong trào.

Tranh chấp giữa người biểu tình Hongkong và Chính phủ Hongkong sẽ khó giải quyết thông qua đối thoại. Năm nay, tình trạng bất ổn bắt đầu như một phản ứng chống lại đề xuất của Trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam về một đạo luật dẫn độ giữa Hongkong và đại lục, một luật cho phép chính quyền Hongkong có thể đưa người bị buộc tội ra tòa xét xử tại tòa án Trung Quốc. Nếu được ban hành, một đạo luật như vậy sẽ làm suy yếu sự độc lập tư pháp của Hongkong và sẽ trở thành công cụ hữu ích để đàn áp tự do ngôn luận, với việc các nhà hoạt động ở Hongkong luôn bị đe dọa dẫn độ về đại lục với các cáo buộc có động cơ chính trị.

Tuy nhiên, nhu cầu của người biểu tình hiện đang mở rộng hơn nhiều so với việc đòi rút dự luật dẫn độ. Trong số những thứ khác, họ đang kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát, phóng thích tù nhân chính trị và thực hành bầu cử dân chủ hoàn toàn ở Hongkong.

Lam và các nhà lãnh đạo Hongkong khác từ chối những yêu cầu này. Và ngay cả khi họ có khuynh hướng xoa dịu những người biểu tình, thì việc dân chủ hóa hoàn toàn Hongkong rõ ràng là việc không thể chấp nhận được đối với chế độ cộng sản Trung Quốc đóng đô ở Bắc Kinh, nơi trở nên ít khoan dung hơn đối với đa nguyên chính trị dưới sự lãnh đạo độc đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình. Kết quả của cuộc biểu tình hiện nay có thể là Hongkong được phép đi theo con đường dân chủ hóa hoàn toàn, thoát khỏi ảnh hưởng chính trị của đại lục cộng sản, hoặc người dân ở đây phải chấp nhận số phận cuối cùng của họ là trở thành một thành phố khác của Trung Quốc.

Có thể tránh được một cuộc đàn áp bạo lực ? Câu trả lời, rất may, là có. Rõ ràng nhất, cuộc biểu tình có thể tự thoái trào. Rốt cuộc, thật khó để duy trì một phong trào quần chúng trên quy mô hàng triệu người như hiện đang được chứng kiến ở Hongkong, đặc biệt là đối mặt với một chính thể đầy sức mạnh. Có thể đến một thời điểm nào đó, quyết tâm biểu tình ở một số người sẽ suy giảm và buộc những người cầm đầu lựa chọn giải pháp ít rủi ro hơn trong việc đòi cải cách chính trị lâu dài. Đây là điều Bắc Kinh đang hy vọng.

Ngoài ra, Chính phủ Hongkong có thể bị áp lực phải nhượng bộ. Chẳng hạn, không hẳn là chuyện không tưởng Tập sẽ yêu cầu Lam (hoặc người kế nhiệm, nếu bà ta bị cách chức) để rút vĩnh viễn dự luật dẫn độ như một cách để mua chuộc những người chống đối quan trọng. Một điều tương tự đã xảy ra vào năm 2003, khi các cuộc biểu tình công khai buộc Hội đồng Lập pháp Hongkong rút một dự luật gây tranh cãi có mục tiêu giúp việc trừng phạt người Hongkong dễ dàng hơn vì tội phản quốc, ly khai, dụ dỗ, lật đổ chính quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu không bên nào lùi bước, thì một giải pháp theo kiểu Thiên An Môn để giải quyết bế tắc sẽ ngày càng có khả năng. Việc sử dụng quân đội sẽ tàn phá Hongkong, với thương tích hàng loạt, tử vong và bắt giữ. Một cuộc đàn áp bạo lực cũng sẽ là kết quả tồi tệ cho chế độ của Tập. Nó sẽ phá hủy nền kinh tế Hongkong và phá huỷ cơ cấu dân số ở đây, và mất nhiều thập kỷ để Bắc Kinh tái thiết và hòa giải chính trị, chưa nói đến việc bạo lực sẽ hủy hoại hình ảnh quốc tế của Tập Cận Bình.

Nhưng điều quan trọng hơn đối với ban lãnh đạo Trung Quốc là giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì quyền lực chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc và tránh tình trạng bất ổn lan rộng ở Trung Quốc đại lục. Đó là những cân nhắc mà Tập chú trọng hơn số phận của Hongkong. Do vậy, nếu cần thiết thì việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề vẫn là một lựa chọn để bảo vệ chế độ.

Đừng nên quên rằng thảm sát Thiên An Môn là một thành công chính trị lâu dài của Đảng cộng sản Trung Quốc. Vào mùa hè năm 1989, ban lãnh đạo Trung Quốc đã bị chia rẽ về việc có nên sử dụng bạo lực để giải tán cuộc biểu tình của các nhà vận động cải cách ở quảng trường Thiên An Môn. Nhưng một khi lựa chọn sử dụng bạo lực của quân đội đã được ban ra, ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã nhanh chóng thống nhất. Cuộc biểu tình đã bị nghiền nát trong vài ngày, với việc khoảng mười nghìn người bị giết, nhưng nó giúp cho đảng không gặp thách thức từ đó tới nay.

Mặc dù có đổ máu (hoặc có lẽ vì thế), chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã vượt qua thách thức năm 1989. Điều tương tự không thể nói về chế độ cộng sản ở Trung và Đông Âu, nơi ban lãnh đạo cộng sản đã chọn giải pháp ôn hoà để đối phó với các phong trào dân chủ trong những tháng cuối năm đó. Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nói rõ rằng Moskva sẽ chấp nhận (và thậm chí khuyến khích) cải cách chính trị để đáp ứng yêu cầu thay đổi của nhân dân, một chính sách được ca ngợi ở phương Tây. Tuy nhiên, ba mươi năm sau, Trung Quốc vẫn là một quốc gia cộng sản và đã vươn lên trở thành một cường quốc. Ngược lại, Liên Xô không còn tồn tại và hầu hết Đông Âu là một phần của NATO.

Từ quan điểm này, Thiên An Môn đã mang lợi cho Bắc Kinh. Và hơn thế nữa, chế độ Đảng cộng sản Trung Quốc đã thực hiện cuộc đàn áp Thiên An Môn mà không phải chịu nhiều hậu quả chính trị lâu dài. Ở trong nước, Bắc Kinh đã không ngừng đàn áp việc thảo luận về vụ thảm sát Thiên An Môn trong hơn ba mươi năm, ngăn chặn hiệu quả việc nhắc đến những người đã thiệt mạng. Ở nước ngoài, cuộc khủng hoảng Thiên An Môn đã thu hút nhiều chỉ trích từ nhiều chính phủ nước ngoài, các tổ chức truyền thông và các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Tuy nhiên, việc chỉ trích này tương đối ngắn ngủi và Trung Quốc đã trở thành một thành viên ngày càng quan trọng và tích cực của cộng đồng quốc tế trong suốt những năm 1990.

Nếu Tập ra lệnh đàn áp ở Hồng Kông, thì ông ta sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Ông ta sẽ bị ghét vì điều đó. Nhưng không có lý do gì để tin rằng Trung Quốc không thể vượt qua cơn bão một lần nữa. Và truyền thông xã hội sẽ làm Bắc Kinh gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc che giấu thông tin về việc tàn sát thường dân vô tội so với năm 1989. Nhưng cũng cần nhắc lại là giờ đây Đảng cộng sản Trung Quốc đã trở nên tinh vi hơn trong cách kiểm soát truyền thông ở đại lục, nơi nhiều người không thích và không tin tưởng Hongkong.

Tất nhiên, khi đó không thể tránh khỏi việc Bắc Kinh sẽ sử dụng xe tăng để đàn áp người biểu tình ở Hongkong. Nhưng cốt lõi nhất, những người ra quyết định của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải đặt sự an toàn của chế độ và sự sống còn chính trị của họ lên trên tất cả. Nếu tình hình ở Hongkong đe dọa những mối quan tâm cốt lõi này của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, thì giải pháp Thiên An Môn sẽ xảy ra chắc chắn. Tệ hơn nữa, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không loại trừ việc áp dụng giải pháp này.

Peter Harris

Ngun tácWould China Use Military Force in Hong Kong ?, The National Interests, 19/08/2019

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 21/08/2019

Tác giả Peter Harris là trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang Colorado. Quý vị có thể kết nối với ông trên Twitter : @ipeterharris

*******************

Khó có Thiên An Môn thứ hai

Mặc Lâm, VOA, 20/08/2019

Trong khi diễn biến các cuc biu tình rm r ti Hong Kong tiếp tc xy ra nhiu người đt câu hi rng liu có mt Thiên An Môn thứ hai s din ra hay không vì nhng cuc biu tình này đang đe da mt cách nghiêm trng chính sách đi ni ca Trung Quc, luôn mun người dân phi vâng phc tt c mi ch trương ca Đng và mi biến đng chính tr đu không được phép xy ra.

danap2

Thắp nến cu nguyn cho dân ch ti Victoria Park, Hong Kong, 4/6/2019.

Hôm 13/6, tờIndependent của Anh dn ngun ca hãng tin AFP cho biết, hàng trăm xe quân s ca Trung Quc đã được phát hin ti Thâm Quyến, theo báo cáo đ chun b cho mt cuc xâm lược có th xy ra ca quân đi Trung Quc vào Hong Kong. Nhóm xe quân s Trung Quc đã được hin th trong mt video tuyên truyn ca chính ph Trung Quc.

Trước đó ngày 11/6 đài Á Châu Tự Do cho biết đã có b đi chng bo đng và xe bc thép tp trung gn khu vc cu Hong Kong-Chu Hi-Macau, đng thi cũng có người trong ni b xác nhn, có b đi cnh sát vũ trang ti ngũ mc thường phc đến Hong Kong.

Ngày 16/8 một đon video dài một phút do tài khon mng xã hi WeChat ca báo Global Times công b cho thy cnh hàng trăm cnh sát cơ đng và có vũ trang tp hp ti mt đa đim không xác đnh thành ph Thâm Quyến, tnh Qung Đông, phía nam Trung Quc. Tt c mi ch du này làm người ta d dàng đt câu hi v mt cuc tàn sát s xy ra nếu Trung Quc không có cơ hi nào khác làm du tình hình cháy bng ti đây.

Tuy nhiên 30 năm sau biến c Thiên An Môn là c mt chui thi gian đăng đng đã giúp cho người dân Hong Kong hiu rõ hơn bản cht ca Bc Kinh và chc chn khi đng lot xung đường biu tính h đã chun b sn sàng kch bn ti t nht k c Thiên An Môn th hai. Nhưng liu Tp Cn Bình có đ liu lĩnh đ thc hin điu mà 30 năm trước các tay "lão thành cách mng" ca Trung Quốc đã nhúng vào máu ca hàng ngàn sinh viên Bc Kinh ?

Không ai hiểu rõ Thiên An Môn bng người Hong Kong. Hu như hng năm vào đúng ngày 4/6 là mt cuc tp trung tưởng nh ngày đm máu này. H cùng nói tiếng Hoa, cùng văn hóa, cùng huyết thng nên s cm xúc nhiu ln hơn nhng dân tc khác. Bui tưởng niệm nào cũng gây ra ký c ăn sâu vào người Hong Kong, mi năm mi khác nhưng năm nào h cũng nhn ra mt chân lý rng người cng sn không bao gi t b s tàn nhn đ đi ti mc đích. Chân lý này ăn sâu vào tim thc người Hong Kong và nhc nh rng h sẽ mãi mãi tr thành con dân ca đế chế cng sn sau 50 năm t ngày Anh trao tr Hong Kong cho Trung Quc.

Sau 30 năm tưởng nh, Thiên An Môn không đáng s đi vi người Hong Kong, nó ch đáng lên án và đáng b loài người nguyn ra.

Một tâm lý như vy thật không dễ dàng cho Tp Cn Bình mang Thiên An Môn ra áp dng cho Hong Kong trong khi còn khá nhiu lc cn khác khiến s nông ni nếu có ca tp đoàn lãnh đo Bc Kinh cũng không d vượt qua nhm tiến ti đng thun cho gii pháp đường cùng này.

Cuộc chiến thương mi vi M đang làm kinh tế Trung Quc chao đo nếu tăng thêm đàn áp ti Hong Kong s khiến cho đc khu hành chánh này tr thành nn nhân ca bo lc. Vi tư cách là mt trung tâm tài chính an toàn và đáng tin cy đi vi c thế gii Hong Kong vn là cửa ngõ tài chính dn đu tư ca nước ngoài vào đi lc. Nếu s c đm máu xy ra các nước phương Tây s cm ca các công ty tài chánh ca h giao dch ti Hong Kong và hình nh sp đ ca Hong Kong không khó tiên đoán.

Yếu t th hai đến t M, mc dù trước nay tng thng Donald Trump chưa có đng thái nào tích cc đi vi các v biu tình ca người dân Hong Kong nhưng hôm 18/8 ông cnh báo Trung Quc rng nếu mt Thiên An Môn na xy ra ti Hong Kong thì vn đ đàm phán thương mi coi như không hiện hu. Hơn na ông khó ngi yên trước nhng yêu cu bc thiết ca lp pháp M nếu Tp Cn Bình theo vết xe cũ tm máu người dân Hong Kong.

Năm 1992, Quốc hi Hoa Kỳ đã thông qua Đo lut Chính sách Hoa Kỳ-Hong Kong nhm tiếp tc coi thành ph này là mt thực th riêng bit vi Trung Quc đi lc. Đo lut này cung cp cho Hng Kông các đc quyn kinh tế và thương mi, như tiếp tc được tiếp cn các công ngh nhy cm và t do trao đi đng đô la M vi đng đô la Hong Kong.

Tuy nhiên đạo lut này cũng trao quyền cho tng thng Hoa Kỳ ban hành mt sc lnh hành pháp đình ch mt s hoc tt c các đc quyn ca Hng Kông nếu h xác đnh rng "Hong Kong không đ t ch đ xng đáng vi mt s đi x đc bit theo mt đo lut c th ca Hoa Kỳ".

Mang quân vào Hong Kong Bắc Kinh s mt trng Đài Loan nơi hơn mt na dân s mun đc lp và Trung Quc vn luôn lôi kéo người dân x này tin vào s rng m ca chính quyn đi lc. Đài Loan s là chn dung thân cho người Hong Kong nếu xy ra mt v tm máu và hình nh này tht khó coi đi vi b mt nước ln như Trung Quc.

Thiên An Môn bị thế gii b rơi nhưng Hong Kong thì không. Vi cách mà nhng người tr Hong Kong t chc biu tình hin nay thì bt c mt manh đng nào ca Trung Quc đi vi h đu được lan ta khắp thế gii. Nếu Thiên An Môn ch có mt người đng trước xe tăng ca Trung Quc thì Hong Kong s có hàng ngàn người tr tui sn sàng làm công vic đó. Biến lon càng ln thì thế gii càng phi thay đi thái đ vì máu chy s lay đng con tim nhân loi, nhất là ti Anh Quc nơi trách nhim trc tiếp vì đã ký kết văn bn "Mt quc gia hai chế đ".

Sự thông minh và ngoan cường ca người dân Hong Kong đ sc làm cho h tin rng Bc Kinh không bao gi dám lp li vết xe mà 30 năm trước đã v vết máu vĩnh cữu trên quảng trường Thiên An Môn đ đi đi con cháu người Trung Hoa nguyn ra. Cơ hi thành công ca người dân Hong Kong đã nh mà nim hy vng dp tt cơ hi này bng mt cuc tm máu li càng nh hơn.

Tuy nhiên lịch s vn được lp li. Nếu người dân Hong Kong lần này có b hy sinh thì chc h cũng toi nguyn vì trong tim h luôn vng tin rng nếu không tranh đu thì h s vĩnh vin tr thành người Trung Quc đi lc, vĩnh vin cúi đu lau dn vết máu mà nhân dân đ xung và cũng vĩnh vin chia tay vi hai chữ t do mà h tng sng c trăm năm qua.

Và Tập Cn Bình s vĩnh vin là ti đ ca dân tc Trung Hoa cho dù khoác dưới danh nghĩa nào bi máu tht người Hoa không cho phép h Tp mang ra làm thí đim cho tư duy mông mui ca mt hoàng đế cng sn.

Mặc Lâm

Nguồn : VOA, 20/08/2019

Published in Diễn đàn