Hong Kong và bảy điều về chế độ cộng sản
Nguyễn Hùng, VOA, 22/08/2019
Mười tuần biểu tình ở Hong Kong đã cho thấy người dân ở đây đã chán ngấy với kiểu treo đầu dê ‘một nước hai chế độ’ nhưng bán món thịt chó độc tài toàn trị của Bắc Kinh.
Một sinh viên giương tấm bảng vinh danh thiếu nữ bị bắn vào mắt trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Để hiểu được mức độ phẫn nộ của người dân Hong Kong, hãy thử tưởng tượng gần một phần tư dân Việt Nam xuống đường như người Hong Kong đã làm khi có lúc 1,7 triệu người tham gia biểu tình. Con số tương tự với phần trăm dân số ở Việt Nam sẽ tương đương với gần 25 triệu người.
Các cuộc biểu tình kéo dài suốt từ ngày 9/6 tới nay để phản đối dự luật dẫn độ người Hong Kong về Trung Quốc được đưa ra hồi đầu tháng Tư đã cho thấy nhiều điều về chế độ toàn trị cộng sản mà người Hong Kong, nhất là giới trẻ, ngày càng tỏ thái độ không thể chấp nhận.
1. Người Hong Kong muốn tự do bằng cái mâm nhưng Trung Quốc chỉ cho họ cái chén.
Câu này tôi mượn ý của một linh mục mô tả tình trạng ở Việt Nam nhưng nó cũng hoàn toàn hợp với hoàn cảnh hiện nay của người Hong Kong. Khi nhận lại Hong Kong từ Anh hồi năm 1997, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa sẽ giữ nguyên cách vận hành ở Hong Kong trong vòng 50 năm nhưng họ luôn tìm cách tước đi quyền tự do của người dân nơi đây. Từ chiếm quyền sở hữu báo chí tới bắt cóc những người xuất bản sách, tự do ngôn luận ở Hong Kong bị đe doạ nghiêm trọng. Về tư pháp, Bắc Kinh đã nêu cao tiêu chí các quan tòa phải yêu nước thay vì đảm bảo việc thực thi công lý. Về cách quản trị, Trung Quốc từ chối cho người dân được bầu trực tiếp người lãnh đạo Hong Kong, điều đã dẫn tớicuộc biểu tình kéo dài 79 ngày hồi năm 2014.
2. Lãnh đạo Trung Quốc luôn muốn hoạn bằng được các quyền tự do của người dân, nhất là các quyền chính trị.
Thoả thuận ngầm giữa chính quyền Trung Quốc và người dân là dân có thể làm kinh tế nhưng không bao giờ được làm chính trị, dù đó là lập hội, biểu tình hay xuất bản. Trước các triều đình Trung Quốc có hoạn quan, giờ cả tỷ người Trung Quốc thành hoạn dân và người Hong Kong cũng đang trong tầm ngắm.
3. Tự do ở Trung Quốc chỉ là sự đánh tráo khái niệm.
Những cuộc xuống đường ở Hong Kong cho thấy điều mà vài triệu người dân ở đây vẫn có mà hơn một tỷ người ở đại lục lại không. Người Hong Kong có thể yêu cầu chính quyền cho họ biểu tình và nhiều người giờ cũng chẳng còn cần sự cho phép của cảnh sát nữa. Hong Kong cũng là nơi mà người ta có thể thoải mái lướt Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác thay vì phải trèo tường mới vào được như ở Trung Quốc. Ngay trước khi diễn ra cuộc biểu tình đầu tiên hôm 9/6, đông đảo người Hong Kong cũng tụ họp để ghi nhớ 30 năm biến cố Thiên An Môn,điều không thể xảy ra ở bất cứ đâu khác tại Trung Quốc.
4. Các quan chức cộng sản Trung Quốc luôn có cách hành xử nước đôi.
Trong khi họ không cho người dân trong nước biểu tình nhưng lại sẵn sàng xúi những người Trung Quốc ở nước ngoài như ở Anh, Australia hay Hoa Kỳ xuống đường để chạm trán với những người biểu tình ủng hộ Hong Kong ở các nơi này. Và một mặt họ cấm Facebook và Twitter ở Trung Quốc nhưng mặt khác lại tích cực dùng các mạng xã hội này để bôi xấu người biểu tình khiếnhai mạng xã hội phải ra tay.
5. Lãnh đạo Bắc Kinh chuyên nghề đổ lỗi.
Cái gốc của những cuộc biểu tình trong mười tuần qua là chuyện Trung Quốc muốn dẫn độ người Hong Kong về đại lục để xét xử. Có lẽ bắt cóc mãi thấy cũng phiền nên giới lãnh đạo Trung Quốc muốn chính thức hóa việc này. Đây là nguồn cơn của sự phẫn nộ được thể hiện trên đường phố Hong Kong từ đầu tháng Sáu. Chẳng ai muốn bị biệt giam và bị tra tấn về tinh thần và thể xác khi mà người ta mới chỉ là đối tượng bị điều tra chứ chưa hề bị kết án. Và cũng không ai muốn bị một bản án theo chỉ thị miệng từ các quan chức cộng sản ngay cả khi họ có tội.
6. Người thiểu số ở Trung Quốc chẳng có nghĩa lý gì.
Dân số ở Hong Kong chưa tới tám triệu so với con số hơn 1,4 tỷ dân trên toàn Trung Quốc. Người thiểu số ở Tây Tạng, Tân Cương và cả Hong Kong đều không được làm người nếu họ dám thách thức sự cai trị của đa số người Hán ở Bắc Kinh.
7. Lãnh đạo Trung Quốc cai trị bằng cách reo rắc nỗi sợ.
Trong những ngày diễn ra biểu tình tại Hong Kong, Trung Quốc hết tập trận gần biên giới với Hong Kong lại đe doạ họ sẽ "không ngồi yên" nhìn những bất ổn ở Hong Kong. Dù lên án bạo lực từ phía người biểu tình nhưng họ im lặng trước bạo lực của cảnh sát Hong Kong, những người đã dùng hơi cay và đạn cao su ngay từ những ngày đầu của các cuộc biểu tình. Khi những người thân chính quyền đánh đập người biểu tình, Bắc Kinh cũng nhắm mắt làm ngơ. Nhưng người Hong Kong đã cho Bắc Kinh thấy họ muốn làm người chứ không muốn làm những con cừu đầy sợ hãi. Nhiều người trong số họ thậm chí cũng không coi mình là người Trung Quốc mà chỉ đơn giản là người Hong Kong. Họ thật dũng cảm và thức thời khi không đổi cái mâm tự do mà họ đòi lấy những chén cơm hẩm của Bắc Kinh.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VOA, 22/08/2019
*******************
‘Hong Kong is not China’
Mặc Lâm, VOA, 22/08/2019
Đó là câu khẳng định của người Hong Kong mà cả thế giới thấy xuất hiện trong những cuộc biểu tình hiện nay. Nó nằm trên những tấm biểu ngữ, trên những tờ giấy cầm tay, trên hàng vạn tiếng hô đồng thanh, trên những bức tường, những phát biểu của người trẻ tuổi : "Hong Kong is not China".
"Hong Kong is not China" là sự khẳng định của người Hong Kong mà cả thế giới thấy xuất hiện trong những cuộc biểu tình hiện nay.
Thế giới giật mình nhận ra một thực tế mà từ rất lâu họ không để ý tới. Với đại đa số người nước ngoài khi tiếp cận với một người hay một nhóm nói tiếng Trung, có lẽ ngay lập tức họ nghĩ rằng những người này đến từ đại lục, từ một quốc gia rộng lớn cộng sản, quốc gia mà không ít thì nhiều họ từng nghe qua. Không ít thì nhiều họ cũng từng có thành kiến với cách ứng xử thiếu văn hóa đang tràn lan trên mọi ngõ ngách của các thành phố khắp thế giới khi họ du lịch hay học tập, công tác. Thành kiến ấy bồi đắp thêm câu chuyện "Người Trung Hoa xấu xí" của Bá Dương từng gây chấn động thế giới người Hoa kể cả tại đại lục. Thành kiến ấy cộng với chính sách bá đạo của nhà nước Trung Quốc góp phần giúp thế giới thấy rõ hơn một Trung Quốc vừa giàu có lại vừa thiếu văn hóa, vừa mạnh mẽ lại vừa tham vọng, và quan trọng nhất là sự tàn nhẫn của chính quyền không giới hạn.
Người dân Đài Loan và Hong Kong rất giống nhau ở điểm cùng sống trong môi trường dân chủ, cùng bị đe dọa bởi bóng ma đại lục nhưng cái khác nhau lớn nhất là chính phủ Đài Loan không phụ thuộc vào Bắc Kinh như Hong Kong. Đây là lý cớ để xảy ra những cuộc biểu tình tập trung hàng triệu người, một hình ảnh làm chấn động thế giới trong vài tháng nay. Hong Kong lo sợ sẽ bị Bắc Kinh trói tay qua Luật Dẫn độ và từ đó cơn hồng thủy tràn xuống đường kéo theo các yêu sách khác.
"Hong Kong is not China" có lẽ là câu slogan khiến Bắc Kinh lo ngại nhất. Nó dẫn dắt Hong Kong tránh xa đại lục và vì vậy không thể là "Một quốc gia hai chế độ" được nữa. Thật ra câu nói này không phải chỉ mới xuất hiện khi các cuộc biểu tình hiện tại xảy ra mà nó đã có từ năm 2015 sau khi phong trào dù vàng nổ ra tại Hong Kong. Trên websiteQuazt đăng một bộ sưu tập mang tên "Hong Kong is not China" gồm 24 hình minh họa mô tả sự khác biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, bao gồm các chủ đề : thói quen văn hóa, kỷ luật, ngôn ngữ và các vấn đề chính trị - xã hội như cấu trúc tư pháp, an toàn thực phẩm kể cả sự kiểm duyệt.
Những khác biệt về chính thể, tự do thông tin và truyền thông có lẽ mọi người đều biết nhưng yếu tố văn hóa khác biệt đã làm cho người Hong Kong khác rất xa người Trung Quốc đại lục. Trong bảng minh họa tác giả đã vẽ một cặp hình ảnh đối chọi nhau về cách ứng xử nơi công cộng của hai cộng đồng. Hình ảnh thứ nhất mô tả một chiếc ghế dài dành riêng cho người tàn tật và người già, trong khi bức ảnh thứ nhất một người Trung Quốc tháo giày nằm ngủ trên đó thì bức ảnh thứ hai một người Hong Kong đứng cạnh chiếc ghế mặc dù không có ai ngồi. Bức ảnh kế là một một bồn cầu công cộng, cái có ghi chữ Trung Quốc thì có dấu chân đạp trên miệng bồn cầu còn cái ghi của Hong Kong thì sạch trơn.
Một điều thú vị nữa mà họa sĩ nhấn mạnh, trong tất cả các yếu tố giữa Trung Quốc và Hong Kong chỉ duy nhất một thứ giống nhau đó là công an Trung Quốc và cảnh sát Hong Kong. Mặc dù công an thì được minh họa rất "phản cảm" đứng nghiêm theo hình chữ "S" trong khi cảnh sát Hong Kong rất thẳng thớm trong tư thế chào kính. Hai chữ "giống nhau" miêu tả cả hai được chỉ huy từ đại lục và vì vậy anh cảnh sát Hong Kong có nghiêm chỉnh thế nào thì cũng là tay chân của Bắc Kinh mà thôi.
Người Hong Kong không những tuyên bố ý nguyện của mình bằng lời nói mà họ còn hành động. Những cuộc biểu tình từ năm 2014 của phong trào dù vàng được báo chí cả thế giới nể phục vì sự nghiêm túc của người dân trước tài sản chung của Hong Kong. Ý thức giữ vệ sinh chung và trật tự khi xuống đường đã khiến họ khác hẳn với hình ảnh xô bồ, chụp giật của du khách Trung Quốc khi ra nước ngoài trong tư thế du lịch.
Hình ảnh gần đây nhất của hàng trăm ngàn người tự động giãn ra khi một chiếc xe cứu thương cần mở đường khiến cả thế giới Tây phương sững sờ. Những cái cúi đầu của người biểu tình trước hành khách trong phi trường quốc tế Hong Kong xin lỗi vì đã gây ra phiền toái cho hành khách, những toán sinh viên thức suốt đêm dọn rác sau khi đoàn người biểu tình về nhà đã làm thành kiến của thế giới về "Người Trung Hoa xấu xí" tan biến.
Trong khi đó cùng một hành động biểu tình để chống lại người dân Hong Kong thì Trung Quốc lại tỏ ra vẫn tiếp tục xấu xí như hàng chục năm qua. Những du học sinh Trung Quốc tại Úc tràn xuống đường biểu tình với hành vi thô lỗ khiến cư dân của Úc lắc đầu chán nản. Hai tập thể cùng nói tiếng Hoa nhưng khác nhau một trời một vực, nhưng cũng nhờ vậy thế giới biết thêm về người Hong Kong, một cộng đồng bé nhỏ nhưng có quá nhiều con người tài năng lẫn phẩm hạnh đã đứng lên đòi lại căn cước của mình đã bị chính quyền Trung Quốc làm cho ô uế.
Dĩ nhiên Hong Kong cũng có những người than phiền nồi cơm của mình bị người biểu tình phá vỡ như "thầy giáo" Vũ Khắc Ngọc tại Việt Nam, nhưng xem ra những than vãn ấy nhanh chóng được người Hong Kong vỗ về và an ủi bằng những hành động thuyết phục qua sự hy sinh dấn thân của những người trẻ và các thầy cô giáo của họ.
Người Hong Kong thật sự vĩ đại nói theo cách mà người Cộng sản thường dùng. Cái vĩ đại ấy phát sinh không phải vì một chủ thuyết hay một vĩ nhân nào mà nó vĩ đại bởi sự sợ hãi chế độ cộng sản đã trở thành ám ảnh.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 22/08/2018
*******************
Hong Kong : Tại sao họ không sợ hãi ?
Mặc Lâm, VOA, 21/08/2019
Gần ba tháng trôi qua trên vùng đất đang thấm đẫm không ngừng những câu chuyện vừa đáng ngạc nhiên lẫn thán phục về sự minh mẫn, sáng tạo lẫn kiên trì và không hề sợ hãi của người Hong Kong đang làm cho cả thế giới tròn mắt thán phục. Hong Kong đang trực diện với sức mạnh lớn gấp ngàn lần từ đại lục, nơi hoàng đế cộng sản Tập Cận Bình đang trị vì với chủ trương không bao giờ nhượng bộ trước bất cứ thử thách nào xâm hại quyền lợi của chế độ.
Người Hong Kong đang làm cho cả thế giới tròn mắt thán phục.
Hong Kong bé nhỏ nhưng không tầm thường, bởi mỗi lần xuống đường nó tập trung được hầu như toàn thể người dân trên phần đất nhỏ bé này. Họ lần lượt thay nhau lên tiếng cho mơ ước chung : thoát ra khỏi quy chế một quốc gia hai chế độ, thứ lý thuyết chỉ có trên giấy tờ và thực tế tuy chưa tới 50 năm nhưng đại lục đã thọc bàn tay thô bạo vào vùng đất này, vốn thừa hưởng thứ tự do thật sự chứ không phải từ bùa chú mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ban phát cho nhân dân trong nhiều chục năm qua.
Xuống đường biểu tình là sinh hoạt chỉ xảy ra trong các nước có một nền dân chủ thực sự. Hong Kong tuy bị trả lại cho Trung Quốc nhưng vẫn được sinh hoạt dân chủ như khi chưa trao trả. Nó được quyền duy trì hệ thống kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản trong khi phần còn lại là Trung Quốc đại lục nằm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo đề nghị này của Đặng Tiểu Bình, Hong Kong có thể tiếp tục hệ thống chính trị riêng, các vấn đề pháp lý, kinh tế và tài chính, bao gồm cả các hiệp định thương mại và văn hóa với nước ngoài.
Cuộc xuống đường chống lại Luật Dẫn độ là mồi lửa châm vào sự sợ hãi sẽ bị đối xử như con dân của một nước cộng sản khiến người Hong Kong quên hết những nỗi sợ khác nằm ngay trong thực tại. Họ có thể bị đàn áp khốc liệt, bị đánh đập, giam cầm thậm chí mất mạng trong đám đông mà họ là một thành viên… tuy nhiên tất cả những nỗi sợ ấy nếu so với phải bị sống dưới chế độ cộng sản thì cái sợ thứ hai đáng suy nghĩ hơn. Hong Kong thừa hưởng văn minh, tiện nghi và tư duy của thế giới dân chủ. Người dân được mở mắt hàng ngày và sự so sánh giữa hai chế độ cộng sản và dân chủ không còn gì nghi ngờ đối với họ nữa.
Những chàng trai, cô gái vừa bước vào đại học được những người rất trẻ đi trước dẫn dắt vào cuộc chiến trường kỳ này với niềm tin sắt đá vào kết quả cuối cùng. Có xem những video clip từ các cuộc họp báo của sinh viên Hong Kong mới thấy hết tầm cỡ thật sự của họ. Vững vàng, hiểu biết rộng rãi về quyền hạn của người dân, không khoan nhượng trước những áp lực từ phía chính quyền đặc khu hay từ đại lục. Họ không có cử chỉ, lời nói đao to búa lớn không hề lên giọng chỉ có ta là chân lý nhưng qua biện giải của họ người ta thấy toát lên hửng hực lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, thứ duy nhất có thề chống lại cường quyền dù đó là cường quyền cộng sản.
Nhưng nếu chỉ một mình họ thì câu chuyện sẽ không thể tiếp diễn như ngày đầu tiên, khi ít nhất 1 triệu người cùng nhau kề vai hô vang một tiếng nói chung. Bên cạnh họ là cả xã hội Hong Kong, ngoại trừ cảnh sát và chính quyền đang nhận chỉ thị từ đại lục.
Ngày 14 tháng 6 khoảng 6.000 bà mẹ đã tham gia cuộc biểu tình ngồi trong ba giờ tại Vườn Chater ở Trung tâm. Các bà mẹ kêu gọi Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức và chính phủ phải rút lại dự luật Dẫn độ. Họ giương cao những tấm bảng lên án sự tàn bạo của cảnh sát, như "đừng bắn những đứa trẻ của chúng tôi".
Ba tuần sau ngày 15 tháng 7 hơn 8.000 người cao tuổi lại tập trung tại chỗ cũ làm cuộc tuần hành lần thứ hai nhằm ủng hộ con cháu của họ tiếp tục xuống đường chống lại dự luật Dẫn độ với những biểu ngữ có nội dung "Hãy ủng hộ những người trẻ tuổi. Hãy bảo vệ Hồng Kong".
Ngày 26 tháng 7 hàng trăm người tổ chức biểu tình ngồi tại phi trường quốc tế Hong Kong trong đó đa số là nhân viên của các hãng hàng không và Hiệp hội tiếp viên hàng không Cathay Pacific. Cảng vụ hàng không đã loại bỏ một số ghế để cung cấp thêm không gian cho người biểu tình.
Vào đêm 1 tháng 8, hàng trăm nhân viên từ 80 tổ chức tài chính khác nhau đã tham gia vào một cuộc biểu tình tại Chater Garden ở Kim Chung về các vụ việc được cho là cảnh sát thông đồng với các băng đảng xã hội đen và yêu cầu tôn trọng luật pháp. Ít nhất 700 công nhân ngành tài chính đã đăng tải hình ảnh thẻ nhân viên để ủng hộ cuộc tổng đình công toàn thành phố.
Ngày 2 tháng 8, khoảng 1.000 chuyên gia y tế đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Edinburgh Place, Trung Hoàn. Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Hong Kong chỉ trích các vụ bắt giữ đồng thời lên tiếng về việc cảnh sát sử dụng quá nhiều hơi cay đối với các nhà hoạt động dân chủ. Trong cùng ngày, hàng ngàn công chức Hong Kong tập hợp để ủng hộ những người biểu tình.
Ngày 7 tháng 8, các luật sư Hong Kong tổ chức một cuộc tuần hành trong im lặng để ủng hộ những người biểu tình phản đối chính quyền.
Tối ngày 8 tháng 8, khoảng 1.200 người công giáo đã tổ chức một cuộc diễu hành dưới ánh nến qua Trung Hoàn trước khi kết thúc bên ngoài Tòa án phúc thẩm. Cuộc tuần hành do bốn tổ chức Kitô giáo tổ chức,
Ngày 12 tháng 8, khoảng 100 chuyên gia y tế tại Bệnh viện Đông Pamela Youde Nethersole ở Chai Wan biểu tình chống lại sự lạm quyền của cảnh sát khi một người phụ nữ bị bắn vào mắt và bị thương nặng. Nhân viên y tế giơ biểu ngữ có dòng chữ "Cảnh sát Hong Kong đang cố giết người dân Hong Kong"
Ngày 16 tháng 8, cuộc biểu tình được đặt tên "Ủng hộ Hồng Kông, quyền lực cho nhân dân" do nhóm đại diện sinh viên từ 12 trường đại học tổ chức diễn ra tại công viên Chater Garden ở khu vực trung tâm Hong Kong
Ngày 17 tháng 8, hàng ngàn giáo viên, nhân viên ngành giáo dục xuống đường bày tỏ quan ngại về sự an toàn của học sinh. Theo hãng tin Aljazeera, họ tràn xuống cao tốc, vào trung tâm Hong Kong, vừa đi vừa hô vang : "Hãy bảo vệ thế hệ học sinh tiếp theo của Hong Kong" !
Tất cả những cộng hưởng ấy làm cho Hong Kong sinh động và rực sáng. Thế giới của 7 triệu con người ấy lan tỏa khắp nơi và làm cho người trẻ Hong Kong thêm niềm tin vào sự tranh đấu của họ. Hong Kong là một ngoại lệ hiếm hoi khi biểu tình không phải là những đám đông hỗn loạn và thiếu kiểm soát, mặc dù đại lục cố gắng mang những thành phần bất hảo vào phá rối nhưng tai mắt của người biểu tình đã nhanh chóng phát hiện và cô lập chúng.
Theo South China Morning Post cho biết ngày 18 tháng 8 cuộc tuần hành của 1 triệu 700 ngàn người dưới những chiếc dù đầy mà sắc của người dân Hong Kong đã làm cho thế giới thấy rằng chí có sự kinh hoàng khi nghĩ tới phải sống trong thế giới cộng sản mới đủ khả năng làm cho người dân Hong Kong sợ hãi tới mức phải chấp nhận hy sinh những gì họ hiện có. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho một nền tự do dân chủ thật sự không hề nhỏ nhưng hiện tượng Hong Kong không những đánh động người cộng sản phải xem xét lại chính mình mà nó còn là tiếng chuông cảnh tỉnh thế giới Tây phương về sự nguy hiểm vô hình của Cộng sản chỉ phát hiện ra nó khi phải sống cùng chứ không phải nhìn từ xa như các tòa đại sứ từng làm.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 21/08/2019