Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

31/08/2019

Người Hồng Kông tranh đấu cho tự do dân chủ đến cùng

Tổng hợp

Biểu tình ở Hong Kong hỗn loạn giữa hơi cay và bom xăng (VOA, 31/08/2019)

Cảnh sát Hong Kong bắn đạn hơi cay và xịt vòi rồng khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ ném bom xăng trong một loạt những vụ đụng độ mới nhất xảy ra vào ngày thứ Bảy.

hong1

Một rào chắn bị người biểu tình châm lửa đốt trong khu Wan Chai ở Hong Kong, ngày 31 tháng 8, 2019.

Cảnh sát liên tục bắn đạn hơi cay và người biểu tình nấp đằng sau những cây dù giữa trụ sở địa phương của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và chính phủ. Người biểu tình cũng ném gạch đào lên từ các lối đi nhắm vào cảnh sát, theo tường trình của Reuters.

Vòi rồng xịt nước nhuộm màu xanh lam, thường được sử dụng ở những nơi khác trên thế giới để giúp cảnh sát dễ dàng xác định người biểu tình sau đó.

Cảnh sát chống bạo động sau đó đi bộ về phía khu Admiralty kế cận, theo sau là 20 xe cảnh sát, nơi những người biểu tình trước đó ném bom xăng từ cầu vượt, một số rơi xuống gần cảnh sát. Những người khác chiếu tia laser màu xanh dương và màu xanh lá cây vào các hàng cảnh sát.

Trong khu Wanchai với các quán bar và nhà hàng, cảnh sát dụng độ với người biểu tình, đánh họ bằng dùi cui. Một số vụ bắt giữ xảy ra.

Ngoài ra có những vụ đối đầu ở North Point và Fortress Hill, phía đông Vịnh Causeway, và đạn hơi cay bắn vào những người biểu tình trên bến cảng ở Tsim Sha Tsui.

Các cuộc biểu tình, có lúc làm nghẽn ba con đường chính, diễn ra vào dịp năm năm Trung Quốc đưa ra quyết định ngăn chặn các cải cách dân chủ và bác bỏ quyền bầu cử phổ thông ở Hong Kong, một cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Quân đội Giải phóng Nhân dân hôm thứ Năm đã luân chuyển binh sĩ của mình tại Hong Kong trong điều mà họ nói là một hoạt động thường lệ. Trụ sở Hong Kong của họ là một căn cứ cũ của quân đội Anh đồn trú ở đây.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra suốt ba tháng qua, đôi khi trở nên bạo lực, và đã nhắm mục tiêu vào sân bay, cơ quan lập pháp và Văn phòng Liên lạc, biểu tượng của sự cai trị của Trung Quốc.

*********************

Hồng Kông : Hàng nghìn người tuần hành đòi dân chủ, bất chấp lệnh cấm (RFI, 31/08/2019)

Cách nay 5 năm, Bắc Kinh bác bỏ khả năng cử tri Hồng Kông trực tiếp bầu lãnh đạo đặc khu, phong trào Dù Vàng bùng lên khiến Hồng Kông tê liệt gần ba tháng. Hôm nay, thứ Bảy 31/08/2019, hàng nghìn người Hồng Kông tiếp tục xuống đường đòi dân chủ, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.

hong2

Người dân Hồng Kông cầm dù xuống đường biểu tình đòi dân chủ, tự do bầu cử bất chấp lệnh cấm ngày 31/08/2019. Reuters/Tyrone Siu

Đây là lần đầu tiên cảnh sát Hồng Kông ra lệnh cấm biểu tình kể từ đầu phong trào chống dự luật dẫn độ, đầu tháng 6/2019, với lý do nguy cơ bạo lực. Để lách lệnh cấm, hàng loạt sáng kiến được đưa ra. Nhiều người kêu gọi tổ chức các cuộc tuần hành mang tính tôn giáo, vốn không cần được chính quyền chấp thuận, hay các nhóm bạn tập hợp cùng nhau đi mua sắm. Đầu buổi chiều, hàng nghìn người đổ dồn về một sân vận động ở khu phố Wanchai, trung tâm Hồng Kông.

Để đề phòng bạo động, cảnh sát bố trí thêm nhiều hàng rào mới xung quanh Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc, nơi tập trung nhiều cơ sở đại diện của chính quyền Bắc Kinh tại Hồng Kông. Một lãnh đạo cảnh sát Hồng Kông thông báo lực lượng an ninh đặc khu được huy động sẵn sàng đối phó với các thành phần quyết liệt nhất của phong trào.

Căng thẳng tăng thêm một nấc với việc chính quyền bất ngờ bắt giữ ba dân biểu đối lập hôm qua, trong đó hai người bị bắt giữ vào cuối ngày. Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền bắt các nghị sĩ đối lập kể từ đầu phong trào chống luật dẫn độ. Các nghị sĩ bị bắt là Trịnh Tùng Thái (Cheng Chung-tai), Khu Nặc Hiên (Au Nok-hin) và Đàm Văn Hào (Jeremy Tam). Trước đó, hai lãnh đạo phong trào phản kháng Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Trần Hạo Thiên (Andy Chan) bị câu lưu, nhưng ngay sau đó được phép nộp bảo lãnh tại ngoại.

Thông tín viên RFI Florence de Changy có mặt tại chỗ cho biết không khí căng thẳng ở Hồng Kông trước cuộc tuần hành hôm nay :

"Lệnh cấm tuần hành như dự kiến vào ngày thứ Bảy này có thể dẫn đến hệ quả ngược lại với mục tiêu trông đợi. Bởi vì, nếu như cảnh sát Hồng Kông không cho phép biểu tình, với lý do bạo lực vượt tầm kiểm soát, đặc biệt tại khu vực xung quanh trụ sở của Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, thì việc cuộc tuần hành bị cấm sẽ càng khiến những người biểu tình kiên quyết nhất thêm giận dữ.

Trên một số mạng xã hội, một số người nói đến ‘‘trận chiến cuối cùng’’ và thậm chí cho biết họ sẵn sàng chết.

Một yếu tố khiến tình hình nghiêm trọng hơn là lệnh cấm hôm qua rơi đúng vào ngày diễn ra một loạt vụ bắt bớ nhắm vào nhiều gương mặt biểu tượng của phong trào phản kháng, cho dù cảnh sát Hồng Kông khẳng định là đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Bên cạnh đó, theo một thông tin của Reuters, lãnh đạo đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hồi đầu tháng 8 có thể đã đề xuất với chính quyền trung ương nhiều giải pháp để tháo ngòi khủng hoảng, tuy nhiên Bắc Kinh đã không chấp nhận bất cứ nhân nhượng nào với người biểu tình, dù là nhỏ nhất.

Nếu chính quyền Hồng Kông không được phép nhân nhượng bất cứ điều gì và người biểu tình sẵn sàng chết để cứu Hồng Kông, như một số khẳng định trên các mạng xã hội, khó mà hình dung được một lối thoát khả quan cho cuộc khủng hoảng hiện nay".

Trọng Thành

*********************

Trump : Hồng Kông không bị Bắc Kinh trấn áp nhờ Mỹ gây áp lực thương mại (RFI, 31/08/2019)

Bị chỉ trích "khoan dung" với chính quyền Bắc Kinh, ngày 30/08/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc cư xử "nhân đạo", nhất là sau vụ một số nhà đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông bị bắt giữ.

hong3

Người biểu tình dưới khói mù đạn hơi cay của cảnh sát Hồng Kông ngày 31/08/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Khi trả lời báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ còn cho rằng "không có những cuộc đàm phán thương mại, Hồng Kông có lẽ còn gặp khó khăn hơn thế. Hành động của tôi trong hồ sơ thương mại giúp hạ nhiệt thực sự" ở Hồng Kông.

Theo AFP, mối liên hệ giữa các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông từng được chủ nhân Nhà Trắng nêu lên vào giữa tháng Tám. Nguyên thủ Mỹ cho rằng chính sự cứng rắn của Washington trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đã giúp giảm bớt căng thẳng giữa chính quyền Trung Quốc và đặc khu hành chính.

Thái độ cứng rắn của Mỹ tiếp tục được thể hiện trong loạt thuế mới, tăng thêm 15% nhắm vào một phần trên tổng số 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và sẽ có hiệu lực từ Chủ Nhật 01/09/2019. Dù các cuộc đàm phán dường như rơi vào bế tắc, Donald Trump khẳng định "vẫn có các cuộc trao đổi với Trung Quốc. Nhiều cuộc họp đã được lên kế hoạch".

Còn tại Hồng Kông, tình hình bán lẻ bị tác động nặng nề nhất kể từ tháng 02/2016 do các cuộc biểu tình diễn ra từ đầu tháng Sáu năm 2019. Theo dữ liệu ngày 30/08 của chính quyền đặc khu, được Reuters trích dẫn, khối lượng bán lẻ đã giảm 11,4% trong tháng 07/2019 so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 34,4 tỉ đô la Hồng Kông (tương đương với 3,99 tỉ euro). Hồng Kông chuẩn bị bước sang giai đoạn suy thoái đầu tiên kể từ 10 năm qua.

Thu Hằng

*****************

Hồng Kông : Hoàng Chi Phong được tự do sau khi bị câu lưu (RFI, 30/08/2019)

Trước ngày biểu tình lớn như dự kiến của phong trào đòi dân chủ Hồng Kông, hai lãnh đạo phong trào, trong có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), bị cảnh sát bất ngờ câu lưu sáng 30/08/2019. Tuy nhiên, Hoàng Chi Phong, cũng như lãnh đạo trẻ Trần Hạo Thiên, đã được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại.

hong4

Hai nhà đấu tranh trẻ vì dân chủ Chu Đình (Agnes Chow) và Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) trong buổi họp báo ngày 30/08/2019.AFP Photos/Lillian SUWANRUMPHA

Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :

"Theo chủ tịch đảng Demosisto La Quán Thông (Nathan Law), Hoàng Chi Phong đã bị đẩy lên một chiếc xe thùng vào sáng hôm nay, khoảng 7 giờ 30, trong lúc anh đang đi bộ tại khu vực gần nhà và trạm metro South Horizon, trạm metro gần nhà ông trên đảo Ap Lei Chau, một đảo nhỏ với nhiều khu nhà ở xã hội, nối liền với đảo trung tâm của Hồng Kông qua một chiếc cầu. Hoàng Chi Phong đã bị đưa đến trụ sở cảnh sát trung tâm Wan Chai. Cảnh sát đã xác nhận vụ bắt giữ, nhưng không nêu lý do.

Hoàng Chi Phong ra tù ngày 17/06, sau khi hết mãn án. Nhà tranh đấu trẻ bị phạt tù vài tháng, với tội danh phá rối trật tự công cộng, có liên hệ với phong trào phản kháng Dù Vàng cách nay 5 năm.

Một lãnh đạo sinh viên khác, ông Trần Hạo Thiên (Andy Chan), người sáng lập một đảng đòi độc lập cho Hồng Kông hiện tại bị cấm hoạt động, cũng bị bắt giữ tại sân bay, khi trên đường đi Nhật.

Hồng Kông chuẩn bị cho dịp kỉ niệm 5 năm, ngày 31/08, ngày Bắc Kinh thông báo cải cách bầu cử để cử tri Hồng Kông trực tiếp bầu chọn lãnh đạo đặc khu. Cách nay 5 năm, yêu cầu của Bắc Kinh đã bị phe đòi dân chủ kiên quyết bác bỏ. Phong trào Dù Vàng bùng phát.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình dự kiến ngày mai, thứ Bảy 31/07, đã bị cảnh sát cấm, với lý do có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ thêm các vụ bạo động mới, vượt tầm kiểm soát. Thêm vào đó, cuộc tuần hành dự kiến sẽ hướng đến Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, nơi nhiều đụng độ đã từng xảy ra trong các tuần hành trước".

Hãng tin Nhật NHK cho hay, trong bối cảnh nguy cơ bạo động dâng cao, một số người tổ chức cuộc tuần hành ngày 31/08 tuyên bố hoãn cuộc biểu tình như dự kiến.

Ngày 30/08, lãnh đạo Ngoại giao châu Âu Federica Mogherini, trong cuộc họp với các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, nhận định : tình hình tại Hồng Kông "rất đáng lo ngại".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 529 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)