Hoạt động công xưởng của Trung Quốc sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp (VOA, 31/08/2019)
Hoạt động của các công xưởng ở Trung Quốc sụt giảm trong tháng 8, tháng thứ tư liên tiếp, trong khi Mỹ tăng áp lực thương mại và nhu cầu nội địa vẫn ì ạch. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục giảm tốc.
Một công nhân hàn các bộ phận xe hơi tại một xưởng sản xuất phụ tùng xe hơi ở Hồ Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 28 tháng 6, 2019.
Chỉ số Quản lí Sức mua (PMI) giảm xuống mức 49,5 trong tháng 8, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết vào ngày thứ Bảy, so với mức 49,7 trong tháng 7, dưới mốc 50 điểm phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm trên cơ sở hàng tháng.
Chỉ số hoạt động công xưởng cho thấy những xích mích về thương mại ngày càng tăng với Mỹ và nhu cầu toàn cầu đang giảm đi tiếp tục tổn hại cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc.
Các đơn đặt hàng xuất khẩu đã giảm tháng thứ 15 liên tiếp trong tháng 8, dù với tốc độ chậm hơn, với chỉ số phụ tăng lên mức 47,2 từ mức 46,9 vào tháng 7.
Tổng số đơn đặt hàng mới - từ trong và ngoài nước - cũng tiếp tục giảm, cho thấy nhu cầu trong nước vẫn yếu, dù có một loạt các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong năm qua.
Số liệu cho thấy hoạt động tại các công ty vừa và nhỏ đã thu hẹp, ngay cả khi các nhà sản xuất lớn, nhiều công ty được chính phủ hỗ trợ, đã xoay sở mở rộng hoạt động vào tháng 8.
Các công xưởng tiếp tục giảm việc làm trong tháng 8 trong bối cảnh viễn cảnh kinh doanh không chắc chắn. Chỉ số phụ về tuyển dụng giảm xuống mức 46,9 so với 47,1 trong tháng 7.
Tháng 8 chứng kiến căng thẳng thương mại tăng mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ, với việc Tổng thống Donald Trump loan báo ông sẽ áp đặt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng 9, và Trung Quốc để đồng tiền nhân dân tệ suy yếu mạnh những ngày sau đó.
Sau khi Bắc Kinh áp đặt thuế quan trả đũa, ông Trump nói rằng các mức thuế hiện tại cũng sẽ được tăng lên trong những tháng tới, bao gồm tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Ông Trump phát biểu vào cuối ngày thứ Sáu rằng đội ngũ đàm phán thương mại từ cả hai nước vẫn tiếp tục thương thuyết và sẽ gặp nhau vào tháng 9, nhưng việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vốn có hiệu lực vào Chủ nhật sẽ không bị trì hoãn.
********************
Trung Quốc "khoe" vũ khí hiện đại trong lễ duyệt binh mừng quốc khánh (RFA, 30/08/2019)
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 29/8 cho biết Bắc Kinh sẽ lần đầu tiên giới thiệu những vũ khí hiện đại của mình trong lễ diễu binh mừng 70 năm quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 tới.
222222222222222
Hình minh họa. Diễu binh ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015 nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc thế chiến thứ hai. AP
Tướng Cai Zhijun, người phụ trách lễ diễu binh, cho báo chí biết tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng cuộc diễu binh sẽ bao gồm một số những vụ khí hiện đại nhất chưa từng được ra mắt trước đó. Tuy nhiên ông không xác nhận tên lửa Đông Phan 41 có tầm bắn xa nhất thế giới có được trình diễn lần này hay không.
Trong cuộc họp báo, tướng Cai cũng khẳng định những vũ khí hiện đại này sẽ không nhằm đến bất cứ quốc gia hay khu vực nào hay có mục tiêu hướng đến bất cứ một tình huống cụ thể nào.
"Quân đội Trung Quốc luôn là một lực lượng vững chắc trong việc bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định khu vực" tướng Cai nói, đồng thời khẳng định thêm "chúng tôi có quyết tâm và khả năng để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, và các lợi ích an ninh phát triển (của Trung Quốc)"
Theo The Straits Times, diễu binh lần này của Trung Quốc sẽ bao gồm hơn 12.000 quân diễu hành qua quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cùng với hơn 200 máy bay và 500 xe bọc thép.
The Straits Times trích lời chuyên gia về quân sự Collin Koh thộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định việc Bắc Kinh trình diễn những vũ khí hiện đại lần này là nhằm gửi một thông điệp cho không chỉ Hoa Kỳ mà còn cả những nước lân cận.
Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về chủ quyền với nhiều nước láng giềng bao gồm Nhật Bản ở biển Hoa Đông và một số nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam ở Biển Đông.
Chiến lược Quốc phòng của Mỹ công bố hồi năm ngoái xác định Trung Quốc là một trong những đối thủ chính của Mỹ cần phải đối phó.
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ công bố hồi tháng 6 vừa qua đã chỉ trích Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực Biển Đông, bao gồm việc triển khai các tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không tầm xa ra quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhằm mục đích tăng cường khả năng hoạt động xa hơn bên ngoài biên giới Trung Quốc.