Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/09/2019

Điểm báo Pháp - Hồng Kông : Rút luật dẫn độ

RFI tiếng Việt

Rút luật dẫn độ : "Bàn tay hòa giải rụt rè" của lãnh đạo Hồng Kông

Chính trị trong nước là chủ đề lớn của nhiều nhật báo Pháp, với hồ sơ cải cách hưu trí đầy gai góc được mở lại hôm nay 05/09/2019, và thông tin gây xôn xao về một chính trị gia đảng cầm quyền quyết định ra tranh cử chức đô trưởng Paris vòng một, không cần được ban lãnh đạo đảng chấp thuận.

rut1

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) họp báo ngày 05/09/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Về Châu Á, hồ sơ nổi bật nhất là lãnh đạo đặc khu Hồng Kông rút hẳn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, một trong các đòi hỏi chính của phong trào phản kháng tại Hồng Kông từ ba tháng nay.

Nhật báo Le Figaro dùng hàng tựa "Tại Hồng Kông : Bàn tay hòa giải rụt rè của bà Carrie Lam" để lột tả tính chất cơ bản của diễn biến quan trọng vừa diễn ra. Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hôm qua thông báo chính thức chôn vùi dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, đầu mối gây nên phong trào phản kháng dữ dội, kéo dài từ ba tháng nay với các cuộc xuống đường của hàng triệu người, chống lại chính quyền bị họ cáo buộc là thần phục Bắc Kinh.

Lãnh đạo Hồng Kông muốn lấy lại chủ động trong cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại Hồng Kông, bằng quyết định rút này, với hy vọng thiết lập lại niềm tin của công chúng, đồng thời hứa hẹn tiến hành "một nghiên cứu độc lập", để xác định "các nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng".

Theo các chuyên gia, quyết định rút dự luật dẫn độ chắc chắn phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Reuters cách nay ít hôm ghi nhận chính Bắc Kinh đã ngăn cản giải pháp rút hẳn dự luật, theo đề nghị - trong hậu trường - của bà Carrie Lam với các lãnh đạo trung ương. Không có sự bật đèn xanh của Bắc Kinh, chính quyền đặc khu sẽ chỉ dám dừng ở giải pháp đình hoãn dự luật (hôm 15/06). Đây là một nguyên nhân trực tiếp khiến phong trào phản kháng tiếp tục.

Tuy nhiên, với Le Figaro, cử chỉ nhân nhượng này của lãnh đạo đặc khu là không đủ. Trước hết là vì bà Carrie Lam chỉ thỏa mãn một trong năm yêu sách chính của những người đòi dân chủ. Bốn đòi hỏi quan trọng khác không được đáp ứng là : thiết lập một ủy ban điều tra về bạo lực của cảnh sát, ân xá cho những người phản kháng bị bắt, không sử dụng cụm từ "bạo động" để nói về những người biểu tình và đặc biệt là yêu sách cử tri trực tiếp bầu người lãnh đạo đặc khu. Lãnh đạo Hồng Kông nhấn mạnh là "ân xá" là một điều "không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, về phía phong trào phản kháng, nhiều tiếng nói chủ chốt khẳng định quyết định rút dự luật là "tích cực", nhưng các đáp ứng của chính quyền là quá ít và quá trễ. Theo nhận định của Adam Ni, nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie, Sydney, nếu bà Carrie Lam đưa ra quyết định sớm hơn, bà đã có thể tác động được đến công luận, nhưng đưa ra vào thời điểm này, ảnh hưởng sẽ rất ít, bà ấy sẽ phải có thêm những cử chỉ khác.

Theo nhật báo Pháp, thì diễn biến những ngày tới sẽ trả lời là "cuộc phản công" của Carrie Lam có đạt được mục tiêu khiến căng thẳng xuống thang, từ đây cho đến trước ngày 01/10, một dịp được coi là cực kỳ nhạy cảm, bởi đó là lúc mà chính quyền Bắc Kinh sẽ rầm rộ kỉ niệm 70 năm ngày ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Khả năng hành động hạn chế của Carrie Lam

Le Figaro cũng lưu ý là khả năng hành động của lãnh đạo Hồng Kông hiện nay rất hạn chế, cho dù được chính quyền trung ương tuyên bố "hậu thuẫn mạnh mẽ" đối với lãnh đạo đặc khu. Trong một cuộc họp kín với giới doanh nhân hồi tuần trước, một số nguồn tin cho rằng, bà Carrie Lam đã từng thổ lộ muốn từ chức.

Cùng nhận định với Le Figaro, Les Echos có bài "Hồng Kông : Sự lui bước của chính quyền Bắc Kinh không thuyết phục". Les Echos dẫn lời nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại Hồng Kông, theo ông, "đã có sự phân hóa trong nội bộ giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc". Thành phần được gọi là "ôn hòa" muốn có một số nhân nhượng nhỏ, và việc rút dự luật là một nhân nhượng nhỏ theo hướng này.

Vẫn theo nhà Hán học Pháp, với quyết định này, ắt hẳn là lãnh đạo Hồng Kông muốn làm hài lòng "những người ôn hòa nhất" trong hàng ngũ phong trào phản kháng, nhằm chia rẽ phong trào. Tuy nhiên, theo Les Echos, nhìn chung, việc lãnh đạo Hồng Kông không đếm xỉa đến các yêu sách còn lại của phong trào đòi dân chủ khiến hành động nhân nhượng nói trên không thuyết phục được đông đảo người biểu tình.

Chính quyền chuẩn bị đàn áp quy mô

Nhật báo La Croix, trong bài "Carrie Lam chấp nhận hy sinh để cứu vãn tình thế", dẫn lời của lãnh đạo trẻ phong trào dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cảnh báo là chính quyền Trung Quốc đã "không nhân nhượng gì, và đang chuẩn bị một cuộc đàn áp quy mô lớn". Theo nghị sĩ Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai), lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập, nếu như mọi người không chấp nhận nhân nhượng nói trên của lãnh đạo đặc khu, coi đây là điều "giả dối", bởi bà Carrie Lam có thể sử dụng điều này như một cái cớ, để sau đó rảnh tay đàn áp.

Cũng La Croix có bài xã luận : "Về sự lùi bước trong chính trị", so sánh hành động rút lại dự luật của chính quyền Hồng Kông với những nhân nhượng của chính phủ Pháp trước phong trào Áo Vàng. La Croix ghi nhận một hiện tượng tương tự là : các nhân nhượng được đưa ra quá chậm trễ đã không giúp làm dịu tình hình. Nhật báo công giáo cũng cùng chung dự đoán là phong trào phản kháng sẽ tiếp tục, đặc biệt với yêu sách bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu, bất chấp nguy cơ chính quyền Bắc Kinh can thiệp quân sự.

Riêng phản ứng từ phía giới doanh nhân, sau nhân nhượng của lãnh đạo Hồng Kông, là theo hướng tích cực. Trong bối cảnh nền kinh tế đặc khu đứng trước nguy cơ suy thoái, chứng khoán Hồng Kông mất giá hơn 10% kể từ khi khủng hoảng bùng phát, bắt đầu lên giá ngay sau thông báo của bà Carrie Lam.

Cải cách hưu trí : Chỉ một phần ba cử tri tin tưởng chính phủ

Cải cách hưu trí là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. Theo La Croix, thương thuyết về cải cách hưu trí bắt đầu khởi sự lại ngày hôm nay và ngày mai tại phủ tổng thống. Lãnh đạo giới chủ và các nghiệp đoàn người làm công sẽ đối thoại với thủ tướng Edouard Philippe, bộ trưởng y tế Agnès Buzyn và người phụ trách cải cách hưu trí Jean-Paul Delavoye.

La Croix, dẫn thăm dò dư luận của IFOP, theo đó, 34% tin tưởng vào chính phủ. Tin tưởng nhiều nhất là giới viên chức cấp cao, và những người hành nghề tự do (49%), thấp nhất là trong giới công nhân (82%). 41% cho rằng không cần phải cải cách. Về phía những người ủng hộ cải cách, có nhiều lý do khác nhau. 36% ủng hộ việc kéo dài thời gian đóng góp tiền vào quỹ hưu trí, 16% ủng hộ tăng số lượng đóng góp, chỉ có 7% đồng ý ủng hộ việc giảm tiền hưu.

Bài xã luận Le Figaro thừa nhận cải cách hưu trí là một hồ sơ cực kỳ phức tạp. Le Figaro than thở là sau 18 tháng đàm phán ròng rã được ví với "cuộc chạy marathon đầu tiên", rốt cuộc giờ đây mở ra một cuộc marathon mới, cũng dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng.

Vấn đề là, giờ đây khó ai hiểu được là cải cách hưu trí đang đi về đâu. Đủ các phương án được bày ra, từ tuổi về hưu cơ bản (64 tuổi), rồi tuổi được hưởng tiền hưu trọn vẹn, rồi lại có thêm phương án kéo dài thời gian đóng góp cho quỹ hưu trí… Nhưng Le Figaro cũng thừa nhận "tính chất nguy hiểm về chính trị" của cuộc cải cách này, và tỏ ra đồng cảm với chính phủ : Nếu chính phủ đạt được mục tiêu như đã cam kết, mọi người cũng sẽ "tha thứ cho tiến trình cải cách chậm như sên này".

Tranh cử đô trưởng Paris : Hai ứng cử viên đảng cầm quyền đọ sức

Việc nghị sĩ Cédric Villani, thuộc đảng cầm quyền LREM, Cộng Hòa Tiến Bước, quyết định ra tranh cử thị trưởng Paris gây xôn xao (nghị sĩ Villani là nhà toán học, từng đoạt giải thưởng toán học quốc tế Fields, được coi là tương đương với giải Nobel, cùng đợt với nhà toán học hai quốc tịch Việt - Pháp Ngô Bảo Châu).

Libération chạy tựa lớn trang nhất : Villani, "một vật thể lạ" trong chính trị, tranh cử thị trưởng Paris, đối đầu với ứng cử viên chính thức đảng cầm quyền, Benjamin Griveaux. "Một cuộc chiến huynh đệ tương tàn" là lời lẽ Libération dùng để mô tả về biến cố này.

Le Monde có bài xã luận "Đảng của tổng thống trước thử thách Paris". Theo Le Monde, việc nghị sĩ Villani quyết định vận động tranh cử, vào lúc đảng cầm quyền đã cử ứng viên chính thức từ tháng 7, đúng là một "cú sét đánh" đối với tổng thống Macron. Điều đáng nói là, đảng LREM không đưa ra quyết định chính thức nào, không coi hành động của nghị sĩ Villani là ứng xử của một người ly khai, chống đảng.

Lý do mà nghị sĩ Villani đưa ra là, để biện minh cho quyết định ra tranh cử, là việc chọn lựa các ứng cử viên trong nội bộ đảng đã diễn ra không minh bạch. Rút cục theo Le Monde, với sự kiện này, dần dần hiện ra "hai cách làm chính trị". Cách thứ nhất hướng về bộ máy đảng, các dân biểu, còn cách làm thứ hai là hướng về xã hội dân sự.

Cho đến nay, đảng của tổng thống chưa thực hiện được việc tổng hợp quan điểm của các xu hướng khác nhau trong đảng. Trách nhiệm của tổng thống Pháp trong vấn đề này là rất lớn, bởi lập trường của tổng thống Macron cho đến nay là để cho các thành viên trong đảng tự do khẳng định mình thông qua các cạnh tranh.

Làm chính trị ngoài bộ máy đảng phái ?

Về chủ đề này, nhật báo Les Echos nhìn từ góc độ rộng hơn với bài "Chính trị với bộ máy hay không". Nhà bình luận Cécile Cornudet của Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng từ giờ các hoạt động chính trị sẽ diễn ra ngoài bộ máy đảng ? Les Echos chỉ rõ cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ chính trị của LREM là cuộc đối đầu giữa hai cách làm chính trị, giữa Benjamin Griveaux, "người đồng sáng lập phong trào Tiến Bước" với Cédric Villani, "người không bao giờ thuộc về bộ máy". Benjamin Griveaux đề cao tính chuyên nghiệp trong lúc Cédric Villani khẳng định tận tâm vì dân Paris, bởi hành động hoàn toàn vô tư.

Trên thực tế, theo Les Echos, viễn cảnh làm chính trị không dựa vào một đảng phái nào có trước đã được mở ra với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2017, của Emmanuel Macron, một người không do đảng phái nào chỉ định làm ứng cử viên.

Không khí, vệ sinh và "hòa hợp xã hội": ba điểm yếu của chính quyền

Cũng về chủ đề tranh cử Paris, Libération dành nhiều bài viết, trong đó có bài "Các vấn đề lớn của Paris năm 2020". Theo Libération, có ba hồ sơ lớn mà các ứng cử viên phải khẳng định các đóng góp khác biệt với đương kim thị trưởng Anne Hidalgo. Đó là chất lượng không khí, mức độ vệ sinh và việc tạo điều kiện cho việc "hòa hợp xã hội", bằng cách phát triển các khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực trung tâm. Libération chỉ rõ đây chính là ba hồ sơ yếu kém hàng đầu của chính quyền thủ đô Paris hiện nay.

Ý : Người thúc đẩy trong hậu trường cho một liên minh chính phủ mới

Về thời sự Châu Âu, các báo đặc biệt chú ý đến việc nước Ý lập được chính phủ liên minh, tạm thời qua cơn khủng hoảng, sau khi lãnh đạo cực hữu rút khỏi chính phủ. Le Figaro có bài "Người đã làm lãnh đạo cực hữu Salvini bị rớt đài", nói về chính trị gia Davide Casaleggio, con trai của người đồng sáng lập phong trào 5 Sao, người đã âm thầm đàm phán trong hậu trường để tạo lập chính phủ liên minh giữa phong trào 5 Sao và đảng Dân Chủ, giúp cho chính trường nước Ý tránh rơi vào hỗn loạn, sau quyết định ra đi của lãnh đạo đảng Liên Đoàn cực hữu hùng mạnh. Báo Libération tỏ ra hoài nghi, đặt câu hỏi là liên minh chính phủ "Conte bis" sẽ kéo dài được bao lâu.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)