Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/08/2019

Điểm báo Pháp - Hồng Kông : G7 kêu gọi bình tĩnh

RFI tiếng Việt

Hồng Kông : G7 kêu gọi bình tĩnh, Bắc Kinh nổi giận

g71

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trưng bản Tuyên bố chung G7 ra trước công chúng, Biarritz, 26/08/2019. Reuters/Philippe Wojazer

Nhật báo Pháp Libération đã nêu bật ở trang quốc tế phản ứng tức tối của Trung Quốc trước việc 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới đã kêu gọi các bên Hồng Kông giữ bình tĩnh.

Trong bài "Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ sau lời kêu gọi giữ bình tĩnh của nhóm G7", Libération nhắc lại rằng trong bản tuyên bố chung Biarritz ngày 26/08, nhóm G7 đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông và "tái khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của bản Tuyên Bố Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông, và kêu gọi tránh để bạo lực bùng lên".

G7 "xen vào nội tình Trung Quốc"

Libération đã nêu bật nội dung chính của bản Tuyên Bố Chung về Hồng Kông, theo đó Trung Quốc cam kết sẽ cho đặc khu này được hưởng trong vòng 50 năm kể từ năm 1997, một quy chế tự trị, theo nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ".

Thế nhưng, chỉ một hôm sau tuyên bố của G7, Bắc Kinh đã gay gắt phản ứng : Cảnh Sảng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết là nước này "cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối" tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7.

Chính quyền Trung Quốc lại lên giọng cảnh cáo phương Tây, khẳng định rằng : "Không một nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào Hồng Kông". Theo ông Cảnh Sảng thì nhóm G7 nên "chấm dứt việc xía mũi vào công việc của người khác và bí mật chuẩn bị các hoạt động bất hợp pháp".

Đối với ông Marc Julienne, chuyên gia Pháp về chính sách an ninh và quốc phòng Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên. Trả lời Libération, nhà phân tích này xác định : "Làm cho mọi người tin rằng bất kỳ hoạt động đối lập chính trị nội bộ nào đều là do các thế lực thù địch nước ngoài thao túng là một lập luận truyền thống của Đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Tố cáo nước ngoài kích động các phần tử “gần như khủng bố”

Luận điệu này đã từng được đưa ra trong các vụ Thiên An Môn, Pháp Luân Công, và gần đây là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đối với ông Julienne, lập luận tuyên truyền đó là một trong hai trụ cột trong chiến lược Bắc Kinh đang dùng để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Mục tiêu là tìm kiểm sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc. Một ví dụ rõ nét là lời tố cáo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo số ra ngày 26/08, khẳng định rằng "Washington coi tình hình hiện tại ở Hồng Kông là cơ hội để phương Tây tái chiếm thành phố".

Theo nhà nghiên cứu Pháp, trụ cột thứ hai là kích động tâm lý sợ hãi khi "cố gắng mô tả những người biểu tình như những kẻ bạo loạn dữ tợn, gần như là quân khủng bố". Theo ông Julienne, khi chụp mũ phong trào biểu tình theo kiểu đó, Trung Quốc có thể biện minh cho một chiến dịch đàn áp mạnh mẽ hơn, do chính quyền Hồng Kông, thậm chí do chính Bắc Kinh thực hiện.

Nhật báo Pháp ghi nhận là trong những tuần lễ gần đây, bóng ma của sự can thiệp của quân đội Trung Quốc vào Hồng Kông đang lơ lửng trên thành phố. Vào ngày 15 tháng 8 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc đã đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" nếu tình hình tiếp tục "xấu đi".

Khủng bố trắng tại Hồng Kông: Giới doanh nghiệp thần phục Bắc Kinh

Nhìn vào diễn biến cuộc khủng hoảng Hồng Kông, Libération ghi nhận thái độ thần phục Bắc Kinh của giới kinh doanh, bắt đầu tiếp tay cho chính quyền trong việc trấn áp phong trào phản kháng.

Xuất phát từ hiện tượng gia tăng của các vụ sa thải, hù dọa, những lời kêu gọi ngừng biểu tình, tờ báo Pháp cho rằng sau một thời gian dài giữ im lặng, giới lãnh đạo rất có uy lực của các công ty lớn ở Hồng Kông có vẻ đã nghiêng hẳn về phía chế độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chủ yếu là vì lo sợ trước nguy cơ kinh tế Hồng Kông bị suy yếu, và nhất là vì sức ép của Bắc Kinh.

Theo Libération, những gì xẩy ra tại Cathay Pacific là một ví dụ: đối với các công ty có nhân viên có biểu hiện chống lại chế độ, người ta liền cắt cánh ngay. Các phi công của hãng hàng không Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ đã bị sa thải, tổng giám đốc Rupert Hogg, bị bãi nhiệm, lãnh đạo công đoàn một chi nhánh công ty cũng bị cách chức…

Tờ báo Pháp tiết lộ : Trong những ngày cuối tuần bắt đầu từ hôm 10/08, các quan chức Trung Quốc tập trung tại Thâm Quyến, giáp giới Hồng Kông, đã yêu cầu hàng trăm doanh nhân và chính khách có ảnh hưởng tại Hồng Kông là phải bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền, vốn không dập tắt nổi phong trào phản kháng.

Thế là cùng với vài trăm người biểu tình mang theo cờ Trung Quốc, một bộ xậu bao gồm các giám đốc doanh nghiệp, các nghị sĩ trung thành với Bắc Kinh và các ông trùm kinh doanh tại Hồng Kông đã xuất hiện để tố cáo bạo lực. Sự kiện đó diễn ra hôm 17 tháng 8.

Trước đó, theo Libération, không thấy ai trong số này thể hiện hậu thuẫn cho bà trưởng đặc khu, hoặc là nếu có thì cũng chỉ là một cách chiếu lệ. Giờ đây, họ đã ra mặt lên tiếng ủng hộ chính quyền, đồng thời gây sức ép trên các nhân viên của họ.

Theo tờ báo Pháp, các thành phần này đã hành động, không phải vì lòng trung thành với Bắc Kinh, mà là vì họ thực dụng, cảm thấy cần phải bảo vệ một trật tự không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh.

Nghiệp đoàn Chủ nhân Pháp Medef sai lầm khi im lặng về Hồng Kông

Cũng về vụ trấn áp tại hãng Cathay Pacific Hồng Kông, nhật báo Le Monde cho rằng số phận của hãng hàng không này có lẽ là dấu hiệu cho thấy những gì mà Bắc Kinh dành cho các công ty nước ngoài thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hồng Kông. Thế mà Nghiệp Đoàn giới chủ Pháp Medef lại không nói gì về cuộc khủng hoảng Hồng Kông nhân cuộc hội thảo chuẩn bị cho năm làm việc mới sau kỳ nghỉ hè.

Theo tờ báo Pháp, vào ngày mai 29/08, nhân cuộc Gặp Gỡ của Doanh Nhân Pháp, tên mới của cuộc hội thảo thường niên của giới chủ Pháp, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), tân đại sứ Trung Quốc sẽ có bài phát biểu. Thể nào ông cũng sẽ nói về cái lợi của chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc tự nhận mình là biểu tượng, và sẽ đả kích chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Le Monde tiếc là đại sứ Trung Quốc không đến dự buổi họp toàn thể hôm nay, có chủ đề "Chủ nghĩa tư bản và tự do. Khi tự do chính trị không còn là điều kiện của tự do kinh tế", bởi vì những gì đang xảy ra ở Hồng Kông minh họa cho hiện tượng ngược lại. Để buộc đặc khu tự trị này khép mình vào khuôn khổ và ngừng đòi áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu, Bắc Kinh đang thực hiện một vụ bắt bí chưa từng có đối với các công ty đang ở Hồng Kông.

Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói

Một đề tài khác nổi bật tại Thượng Đỉnh G7 được báo Pháp tiếp tục chú ý là vụ cháy rừng Amazon ở Brazil và cách hành xử của tổng thống nước này là ông Bolsonaro. Trong bài phân tích mang tựa đề : "Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói", nhật báo Libération ghi nhận hiện tượng tụt giảm uy tín nặng nề của vị tổng thống cực hữu.

Nhận xét của tờ báo Pháp rất rõ rang : Vốn đã không được xem trọng trên chính trường quốc tế, uy tín của nguyên thủ Brazil đang mờ nhạt trong nước do cách ông "chữa cháy rừng Amazon". Vị cựu quân nhân này chỉ còn được cánh cử tri cực đoan nhất của ông ủng hộ, và ngày càng làm đồng hương của ông bất bình, kể cả trong một bộ phận của giới xuất khẩu nông sản.

Chỉ trong vài tháng, ông đã biến cho Brazil thành một quốc gia bất hảo của cộng đồng quốc tế. Do thái độ co cụm trên vấn đề nạn cháy rừng đang tàn phá vùng Amazon, tổng thống cực hữu đã làm kéo Brazil vào một tình thế cô lập khác thường, trong khi mà mới đây thôi, nước này là một tác nhân không thể thiếu vắng trong các cuộc thảo luận đa phương trên hồ sơ khí hậu.

Ngay cả thời độc tài, hình ảnh Brazil vẫn không tệ hại như hiện nay

Trả lời báo Anh The Guardian, nhà cựu ngoại giao Brazil Rubens Ricupero cho răng ông Bolsonaro là "nguyên thủ quốc gia bị khinh ghét nhất thế giới. Chưa bao giờ, ngay cả vào thời chế độ độc tài, đất nước Brazil lại bị khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh như thế".

Uy tín của Brazil dựa trên quyết tâm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, mà 60% diện tích nằm ở Brazil. Thế nhưng ông Bolsonaro, thay vì bảo vệ thì lại chơi với lửa, và theo cáo buộc của các nhà sinh thái, ông đã để mặc cho những người làm rẫy đốt phá rừng.

Với chủ trương không cho ai khác đụng đến rừng của Brazil, ông đã vô tình quốc tế hóa cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon, được đem ra bàn thảo ở thượng đỉnh G7…

Theo Le Figaro, ông Bolsonaro đã sai lầm khi cho rằng người dân, vì kiệt quệ trước tình trạng suy thoái kinh tế, sẽ ủng hộ chủ trương tháo gỡ các quy định về giám sát môi trường mà ông đã hứa với các nhóm áp lực, trong đó có giới nông nghiệp, đã đưa ông lên cầm quyền. Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò dư luận gần đây, 96% người được hỏi, kể cả cử tri đã bầu cho ông, đều muốn siết chặt kiểm soát trên việc khai phá bất hợp pháp.

Hệ quả là chỉ sau 8 tháng cầm quyền, điểm được lòng dân đã tuột dốc. Người đánh giá xấu phương thức hành động của ông ngày càng đông, và lần đầu tiên chiếm đa số (54% vào tháng 8 so với tháng 2 chỉ có 28%), trong lúc người hài lòng về ông, thì từ 57,5% tuột xuống 41%.

Renato Janine Ribeiro, cựu bộ trưởng giáo dục, cho là "càng ngày càng có nhiều người Brazil xấu hổ vì tổng thống của họ. Trong những người đã bầu cho ông, nhiều người đã lấy làm tiếc đã bỏ phiếu cho ông", mà trước tiên hết là giới xuất khẩu nông sản đã trong nhiều năm qua, cố xóa bỏ hình ảnh xấu là những người phá hủy vùng Amazon.

Lo ngại của họ giờ đây là hiệp định tự do mậu dịch Châu Âu - Mercosur gặp trở ngại, như tổng thống Pháp đã lên tiếng đe dọa viện lẽ Brazil không làm gì để bảo vệ rừng. Giới này cũng đang gây sức ép lên tổng thống Bolsonaro.

Giới chủ muốn Macron giữ nguyên hướng đi

Nhân dịp hiệp hội các chủ nhân Pháp Medef tập họp đội ngũ trong hai ngày ở Paris để thảo luận về các vấn đề kinh tế lớn, và kêu gọi tổng thống tiếp tục chính sách hỗ trợ xí nghiệp ưu tiên cho chính trị Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đã giành hồ sơ lớn cho sự kiện này, và chạy trên trang nhất hàng tít đập mắt "Giới chủ yêu cầu Macron giữ nguyên hướng đi".

Trong hai ngày của cuộc hội thảo hè truyền thống, được cải tên thành Cuộc Gặp Gỡ của các Doanh Nhân Pháp (LaREF), hiệp hội Medef xem xét lại tương lai của chế độ tư bản với các vấn đề kinh tế nóng bỏng của thời sự.

Nếu giới chủ doanh nghiêp có vẻ hài lòng về giai đoạn đầu nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Macron, thì họ thúc giục ông tiếp tục cải tổ và nhất là không lùi bước, xuôi tay trước sự chống đối hay các khó khăn.

Nhưng họ đã tỏ ra thất vọng trước thái độ thụ động của ông về mặt chi tiêu nhà nước. Ví dụ điển hình theo họ, là trong mùa hè, ông đã bỏ lời hứa trong cuộc vận động tranh cử là giảm đi 120.000 công chức trong 5 năm.

Bất bình đẳng, thách thức to lớn

Cũng khai thác sự kiện cuộc họp của giới chủ nhân Pháp, nhật báo công giáo La Croix đã nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội, với tựa lớn trên trang nhất "Bất bình đẳng, thách thức to lớn"

Nhân cuộc họp tại Paris của khoảng 7 500 chủ doanh nghiệp Pháp, La Croix ghi nhận mối ưu tư của giới chủ nhân là "Giảm bất bình đẳng như thế nào ?", tựa bài báo trang trong.

Đối với La Croix, ngay cả giới chủ nhân Pháp cũng ngày càng quan ngại trước tình trạng các bất công đang ngày càng sâu rộng, tác hại đến nền kinh tế. Trong tình hình đó, theo tờ báo, chắc chắn các giải pháp nhằm giảm bất bình đẳng sẽ được thảo luận sôi nổi trong hai ngày họp hôm nay và ngày mai.

Nhân dịp này, La Croix đã điểm lại tình hình bất bình đẳng ở Pháp hiện nay, và không chỉ bó hẹp ở bất bình đẳng về lương hướng và thu nhập, mà mở rộng sang các lãnh vực như giới tính, xuất thân, lãnh thổ, những vấn đề ngày càng quan trọng trong giới lao động.

Được cơ quan thống kê Drees của bộ Y Tế và Liên Đới Xã Hội, hỏi từ hơn 15 năm qua, để xem chuyển biến tình hình trong 5 năm gần đây, vẫn có rất đông người Pháp, hơn 60% (90% - năm 2011) trả lời là bất bình đẳng đã tăng.

Theo người được hỏi, thấy rõ trước tiên là trên phương diện thu nhập. Kế đến là bất bình đẳng trong công ăn việc làm, thường gắn đến xuất xứ dân tộc, tiếp theo là bất bình đẳng về nhà ở, về vấn đề được chăm sóc sức khỏe, về học vấn và cuối cùng là về di sản, thừa kế trong gia đình.

Thực ra, theo La Croix, bất bình đẳng đã giảm rõ rệt trong giai đoạn 1970-1990, trước khi có một giai đoạn ổn định để rồi tăng lên từ 1998-2011, và sau đó giảm đi đến cho đến 2015, sau khi thuế tăng với thành phần giàu có nhất. Nhìn chung Pháp vẫn là một trong những nước ít bất bình đẳng nhất.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)