Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Rừng Amazon, Brexit, Trump : Sự "dẻo dai" của các nền dân chủ

Khủng hoảng chính trị Anh gia tăng sau quyết định của thủ tướng đình hoãn họp Quốc hội trong 5 tuần, đe dọa nền dân chủ nghị viện lâu đời nhất thế giới.

rung1

Trang bìa tuần san Courrier International đầu tháng 9/2019. Trong hình, biếm họa thủ tướng Anh Boris Johnson đang cầm trong tay tháp đồng hồ của điện Westminster, biểu tượng cho Nghị viện Anh Quốc - copy d'ecran

Ra đời sách mới của kinh tế gia Thomas Piketty, với chủ đề "Đã đến lúc sang trang chủ nghĩa tư bản".Hưu trí : "cuộc cải cách mang tính biểu tượng" của tổng thống Macron. Đặc biệt đáng chú ý có bài phân tích trên L’Obs nêu bật tính "dẻo dai" của các nền dân chủ, bất chấp các khủng hoảng chưa từng thấy. 

Bài phân tích của L’Obs, với tựa đề "Sự dẻo dai của các nền dân chủ", mở đầu với nhận xét :"Chủ nghĩa dân túy đã buộc phải tuân theo các quy luật vật lý. "Hệ thống dân chủ" đã không bị nghiền nát, cho dù có bị giày xéo. Nền dân chủ - với cấu trúc vững chắc hơn là người ta tưởng - cuối cùng đã lấy lại được cái hình hài ban đầu, sau khi bị ngoại lực làm biến dạng".

L’Obs nêu bốn ví dụ. Thứ nhất là nước Ý, với việc lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini vừa "trải nghiệm" độ đàn hồi kỳ lạ của nền dân chủ. Sai lầm của Salvini là đã đánh giá thấp định chế nghị viện, bị coi là quá già nua. Cựu bộ trưởng Nội vụ những tưởng, với phân nửa cử tri ủng hộ, đã có thể - sau quyết định rút khỏi chính phủ liên minh với phong trào Năm Sao - đạt mục tiêu giải tán Quốc hội, bầu cử sớm, và dễ dàng chiến thắng. Thế nhưng điều oái oăm là các dân biểu phong trào Năm Sao và đảng Dân chủ, vốn không ưa gì nhau, đã tìm được tiếng nói chung, lật ngược tình thế, lập được chính phủ liên hiệp. Lãnh đạo cực hữu giờ đây buộc phải đóng vai nhà đối lập, tiếp tục lên án các đảng phái nắm quyền mất đoàn kết, trong lúc 15 tháng cầm quyền vừa qua của ông ta không có thành tích vẻ vang nào, ngoài chủ trương chống nhập cư "đẫm mùi tử khí".

Đã nếm trải tự do không thể bỏ dân chủ

L’Obs nhấn mạnh : thực tại là lửa thử vàng, thông điệp giả trá (fake news) của các lãnh đạo mỵ dân sẽ nhanh chóng bị lột mặt nạ trong "một thế giới mở và toàn cầu hóa". Ví dụ thứ hai được L’Obs nêu ra là tổng thống Brazil, Jair Bolsonara. Chỉ mới 8 tháng cầm quyền, mà đa số dân chúng đã bắt đầu bất bình với chính sách của lãnh đạo cực hữu. Nạn lửa cháy rừng Amazon tăng vọt đã đánh thức công luận.

Ví dụ thứ ba là tại Hoa Kỳ. Nền dân chủ Mỹ có thể đã bắt đầu cuộc phục thù. Cho đến nay, theo L’Obs, trái ngược với mọi dự đoán, các thăm dò dư luận mới nhất đều đồng loạt cho kết quả "bác Jo", tức ông Joe Biden, 76 tuổi, thượng nghị sĩ 36 năm, cựu phó tổng thống thời Obama, sẽ là người chiến thắng trong cuộc tranh cử 2020.

L’Obs nêu ví dụ cuối cùng là nước Anh. Với quyết định đình chỉ Nghị viện 5 tuần, tân thủ tướng Boris Johnson hy vọng buộc Quốc hội phải chấp nhận giải pháp Anh rời Liên Âu không thỏa thuận, trước thời hạn 31/10. Tuy nhiên, tại quê hương của bộ luật bảo vệ tự do nổi tiếng Habeas corpus, thì một hành động như vậy chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Nền dân chủ sẽ lấy lại hình hài, nếu không chính Vương quốc Anh sẽ tan vỡ.

Tóm lại, L’Obs tin tưởng : "các quốc gia nào đã từng có cái hạnh phúc được nếm trải chế độ chính trị đa nguyên, bầu cử tự do, sẽ không thể nào giã từ luật chơi dân chủ. Khi bầu lên các lãnh đạo dân túy, họ chỉ nhất thời ngả theo những xu hướng cuồng tín đáng buồn và những hứa hẹn tranh cử vô liêm sỉ. Rõ ràng là phải đấu tranh, nhưng những người tranh đấu cho tiến bộ không nên bị nản lòng trước tình trạng này".

Ám ảnh Brexit cũng là chủ đề chính của Courrier International. Trang bìa tuần san chạy tựa trang nhất : "Phải chăng thủ tướng Boris Johnson đang nghiền nát nền dân chủ nghị viện Anh, để đưa nước Anh rời Liên Âu không thỏa thuận vào ngày 31/10 ? Báo chí Anh chì chiết nhau".

Dân Anh điên cả rồi sao ?

Xã luận Courrier International đặt câu hỏi : Liệu dân Anh đã trở nên điên cả rồi sao ? "Với Brexit, nước Anh – quê hương của nền dân chủ nghị viện - dường như đang mỗi ngày một rã rời. Quyết định chưa từng có của thủ tướng Boris Johnson, đình chỉ hoạt động của Nghị viện trong 5 tuần, đã không giúp cải thiện tình hình, mà là ngược lại. Bởi quyết định này càng làm kịch bản bầu cử trước kỳ hạn, đặc biệt là kịch bản Luân Đôn rời Liên Âu không thỏa thuận, càng trở nên nhãn tiền". Tuy nhiên, Courrier International cũng lưu ý : trước cơn ác mộng sắp trở thành sự thực, rất nhiều người Anh, dân biểu và công dân, ngay lập tức đồng thanh lên tiếng chống lại "cú đảo chính" của ông Boris Johnson.

Tuần san Pháp lưu ý đến một tình trạng vô cùng éo le tại Anh : thủ tướng Theresa May đạt được, một cách gian nan, một thỏa thuận Brexit với Liên Âu, để thực hiện ý nguyện của cử tri qua trưng cầu dân ý, nhưng bà May buộc phải từ chức do sự đối địch của Nghị viện. Còn giờ đây, tân thủ tướng Johnson quyết rời khỏi Liên Âu không cần thỏa thuận, không cần Nghị viện, cũng nhân danh nguyện vọng của dân chúng. Tuy nhiên, Courrier International nghiêng về nhận định của Polly Toynbee, cây xã luận của báo The Guardian : cử tri Anh quốc không hề ủy quyền cho Nghị viện quyết định rời khỏi Liên Âu mà không có thỏa thuận (không thỏa thuận có nghĩa là cái giá phải trả cho Anh và cả Liên Âu đều rất lớn). Theo Courrier International, "nước Anh chưa bao giờ thôi làm chúng ta kinh ngạc".

Tuần san Courrier International lên trang ngày 03/09, có nghĩa là trước khi có cuộc nổi dậy trong Nghị viện Anh : Ngày 04/09, đa số dân biểu, gồm nhiều thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền, bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu thủ tướng đề nghị Liên Âu đẩy lùi hạn chót Brexit, thêm ba tháng, để tiếp tục đàm phán.

Ý : Salvini "trúng đạn, nhưng chưa chìm"

Các nền dân chủ quả thực dẻo dai, nhưng thử thách là thường trực. Về cuộc khủng hoảng chính trị Ý, Courrier International giới thiệu bài "Con tàu Matteo Salvini, trúng đạn, nhưng chưa chìm" (trên báo Ý La Stampa), ghi nhận gậy ông đập lưng ông, "cuộc khủng hoảng" do viên bộ trưởng nội vụ khai mào đã quay lại chống chính ông ta. Tuy nhiên, chính trị gia thua cuộc đang bắt đầu chuẩn bị phục thù.

Chiến lược gia đáng gờm của Donald Trump

Về chính trị Mỹ, trong lúc nhiều người đặt niềm tin vào chiến thắng của phe Dân chủ, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới, với cựu phó tổng thống Joe Biden, thì tuần báo Le Point có bài về "Brad Parscale, chiến lược gia tranh cử của Donald Trump", được coi là lá chủ bài của đương kim tổng thống trong cuộc chiến truyền thông.

Theo Le Point, sau khi sử dụng ưu thế của mạng Facebook để giành chiến thắng trong cuộc tranh cử 2016, lần này, chiến lược gia của Donald Trump ưu tiên điện thoại di động. Mục tiêu của Brad Parscale là từ nay đến trước cuộc bỏ phiếu, thu thập được từ 50 đến 60 triệu số điện thoại của những người có khả năng bầu cho ông Trump. Bí quyết của lãnh đạo tranh cử của Donald Trump là liên tục đưa ra các thông điệp được chuẩn bị một cách chu đáo, với khoảng 100.000 phiên bản quảng cáo trên mạng xã hội mỗi ngày, hướng đến hàng triệu cử tri, đặc biệt là những người Mỹ có tuổi, sống ở nông thôn, lực lượng cử tri tiềm năng ủng hộ ông Trump, nhưng bị coi nhẹ, theo Brad Parscale.

Về phía đảng Dân chủ Mỹ, khác với L’Obs, tuần báo Le Point tỏ ra dè dặt về triển vọng thắng cử của ứng cử viên tổng thống đảng này. Hiện tại, giới ủng hộ trong nội bộ đảng Dân chủ đang bị chia rẽ giữa một bên là cựu phó tổng thống Joe Biden, người được coi là có thể đánh bại Donald Trump với chủ trương trở lại với giai đoạn "bình ổn" thời Obama (với khoảng 32% người dự kiến ủng hộ) và hai ứng viên thiên tả, hai thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders (mỗi người khoảng 20%), chủ trương thay đổi lớn, hướng đến giảm mạnh bất bình đẳng, Le Point lo ngại lập trường quá thiên tả sẽ đẩy nhiều cử tri miền Trung Tây (Midwest) về phía Donald Trump.

Cam Bốt : Căn cứ quân sự của Trung Quốc ?

Cam Bốt sẽ cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự hay không là nghi vấn được nêu ra thường xuyên trong thời gian gần đây. Courrier International giới thiệu bài "Khi Trung Quốc thôn tính bờ biển Cam Bốt" của báo The Straits Times (Singapore).

Theo The Strait Times, cho đến nay, thủ tướng Cam Bốt không ngừng phủ nhận khả năng sẽ có một căn cứ quân sự Trung Quốc tại xứ Chùa tháp, ông Hun Sen cũng từng trực tiếp trấn an thủ tướng Việt Nam hồi năm ngoái. Bản thân bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tại Diễn đàn an ninh Shangri-La đầu hè vừa qua cũng bác bỏ chuyện này. Theo nhiều chuyên gia Cam Bốt, thì chính quyền Phnom Penh không thể liều lĩnh đến mức cho Trung Quốc thuê đất, để lập căn cứ, bởi Cam Bốt là một nước nhỏ. Việc này nếu xảy ra sẽ khiến quan hệ với các láng giềng căng thẳng.

Tuy nhiên, The Straits Times nhấn mạnh là không nên quá cả tin. Nhà Trung Quốc học Adam Ni, đại học Macquarie ở Sydney, khuyến nghị là sẽ bổ ích hơn, nếu đặt vấn đề trong bối cảnh các căng thẳng hiện tại, và các dự án chiến lược của mỗi bên. Bắc Kinh đã thiết lập một căn cứ quân sự tại Djibouti (Đông Phi), xây dựng căn cứ tại nhiều đảo ở Biển Đông, không có gì khó hiểu khi Cam Bốt là mục tiêu tiếp theo.

Diego Garcia : "Vũ khí chủ lực" của Mỹ chống Bắc Kinh

Cách Đông Nam Á khoảng 4.000 cây số có một hòn đảo đặc biệt quan trọng trong cuộc đối đầu giữa phương Tây và Trung Quốc hiện nay. Báo mạng Asia Times Online (Hồng Kông), được Courrier International trích dịch, có bài : "Quần đảo Chagos, vũ khí chủ lực".

Asia Times Online nhấn mạnh là vào tháng 5 năm nay Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không mang tính cưỡng chế, yêu cầu Luân Đôn trả lại quần đảo Chagos cho đảo quốc Maurice. Hồi tháng 2/2019, Tòa Công Lý Quốc Tế cũng yêu cầu Anh từ bỏ quyền kiểm soát với quần đảo này. Quần đảo Chagos được Luân Đôn mua lại từ đảo quốc Maurice năm 1965, với ba triệu bảng Anh, ba năm trước khi trả lại chủ quyền cho đảo này. Hợp đồng mua bán này bị coi là bất hợp pháp, vì từ năm 1960, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết cấm chia cắt các thuộc địa, trước khi trao trả độc lập.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ là quan hệ giữa Anh với đảo quốc Maurice. Đảo Diego Garcia, thuộc quần đảo Chagos, đã trở thành một căn cứ quan trọng hàng đầu của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh Bắc Kinh, với chiến lược "chuỗi ngọc trai", đang có tham vọng bố trí hàng loạt căn cứ tại Ấn Độ Dương ven bờ biển và trên một số đảo, thì hòn đảo Diego Garcia quả là một vũ khí chủ lực. Sẽ là thảm họa với Mỹ, nếu Anh trả lại quần đảo Chagos.

"Ai" sẽ nuốt Hồng Kông ?

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Courrier International điểm báo chí khu vực về tình hình Hồng Kông, với tựa đề chung "Bắc Kinh rắn giọng". Từ Tân Hoa Xã cho đến người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao đều lớn tiếng đe dọa phong trào phản kháng. Bài điểm báo đi kèm hình ảnh ông chủ Bắc Kinh khổng lồ cầm đũa gắp một cậu bé Hồng Kông nhỏ xíu đang la hét, chuẩn bị bỏ vào mồm.

Hồng Kông có nguy cơ bị nuốt chửng không phải bởi gã khổng lồ Bắc Kinh, mà bởi chính thành phố láng giềng Thâm Quyến (Shenzen) là góc nhìn của L’Express. Tuần báo Pháp lưu ý, trong lúc cựu thuộc địa Anh Quốc rung chuyển bởi các cuộc biểu tình đòi dân chủ, đặc khu kinh tế Thâm Quyến đang âm thầm lột xác để biến thành một thũng lũng Silicon của Châu Á. Theo L’Express, Thâm Quyến nhận đến một nửa đầu tư của thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Năm nay, lần đầu tiên tổng sản lượng Thâm Quyến vượt Hồng Kông, với 326 tỉ euro (so với 323).

Thâm Quyến – Hồng Kông : Sát gần mà xa vời vợi

Tham vọng của Bắc Kinh là đưa Thâm Quyến đứng đầu thế giới vào năm 2035 trong lĩnh vực này. Bắc Kinh đang thực hiện dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ, nối liền Quảng Châu – Thâm Quyến – Châu Hải – Hồng Kông - Macao, với ý đồ biến khu vực này thành một nền kinh tế thống nhất, với sản lượng vượt Hàn Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, theo L’Express, là tại trung tâm công nghệ đỉnh cao này của Trung Quốc, hoàn toàn không có internet mở, không có tự do ngôn luận, thượng tôn pháp luật… Tại đường biên giới giữa Thâm Quyến và Hồng Kông, mọi du khách từ xứ sở tự do Hồng Kông vào Hoa lục đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Thâm Quyến và Hồng Kông : Gần nhau mà sao xa vời vợi !

L’Express cũng chú ý đến các cuộc biểu tình phản kháng tại Hồng Kông – một trong những thành phố được coi là an toàn nhất Châu Á - đang bước sang một khúc quanh mới những ngày gần đây, với đụng độ ngày càng bạo lực hơn giữa cảnh sát và người biểu tình. L’Express tuần này lên trang trước khi lãnh đạo Hồng Kông bất ngờ thông báo chính thức rút dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, vốn là biến cố châm ngòi nổ phong trào phản kháng từ ba tháng nay.

"Marx của thế kỷ 21" xuất bản cuốn thứ hai về "Tư bản"

Trong lúc L’Express dành chủ đề chính tuần này cho hồ sơ cải cách hưu trí rất nhạy cảm tại Pháp, L’Obs đặt trọng tâm vào cuốn sách mới của nhà kinh tế học Thomas Piketty - người được giới truyền thông mệnh danh là "Marx của thế kỷ 21" - với hàng tựa trang nhất "Đã đến lúc vượt qua chủ nghĩa tư bản". Theo L’Obs, cuốn sách được đánh giá là "bom tấn" của kinh tế gia Pháp, mang tựa đề "Tư bản và ý thức hệ", lược lại lịch sử toàn cầu về bất bình đẳng, và vạch ra "một cương lĩnh triệt để" nhằm giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bộ sách khảo cứu đầu tiên của kinh tế gia Pháp mang tên "Tư bản luận của thế kỷ 21" năm 2013 được coi là best-seller. Sách bán được 2,5 triệu bản trên toàn thế giới, trong đó 600.000 cuốn tại Trung Quốc, và cũng từng ấy tại các nước nói tiếng Anh. Theo L’Obs, cho dù tư tưởng của Thomas Piketty chưa thuyết phục được giới lãnh đạo thế giới, nhưng chủ trương của tác giả là giải thích một cách rõ ràng về những nguồn gốc cũng như các hệ quả của các quyết định về kinh tế, phổ cập hóa các kiến thức về vấn đề này, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các lĩnh vực. Đây chính là lý do khiến kinh tế gia Thomas Piketty "rất được tôn trọng, kể cả trong hàng ngũ các đối thủ".

L’Obs nhắc lại sự việc tổng thống Macron, khi còn mới đảm nhiệm chức bộ trưởng kinh tế (thời tổng thống Hollande) năm 2015, từng thừa nhận : "Chúng ta đã thất bại. Đây chính là sự thật cay đắng mà Thomas Piketty vốn đã nhận ra từ lâu. Chúng ta cần hiểu ra điều này".

Nói đến danh hiệu "Marx của thế kỷ 21", nhiều người có thể nghĩ kinh tế gia Pháp chủ trương xây dựng chủ nghĩa cộng sản theo kiểu mới. Hoàn toàn ngược lại. Chủ trương của Thomas Piketty là sở hữu tư nhân ở quy mô hợp lý là chính đáng.

Vấn đề là cần tránh tập trung quyền lực kinh tế một cách thái quá. Đối với Thomas Piketty, hiểm họa chủ yếu của xã hội hiện nay là các tài phiệt chi phối quyền lực chính trị và kinh tế. Ông chủ trương khuyến khích nhiều hình thức sở hữu đa dạng khác, đặc biệt là sở hữu xã hội, đồng quản trị... Theo Piketty, nhân loại đã bỏ lỡ cơ hội những năm 1990, "hậu cộng sản" và "hậu thực dân", để đi đến được một tư tưởng phổ quát và mang tính xã hội chủ nghĩa thực sự, một phần quan trọng là do tư tưởng bài ngoại khiến các tầng lớp dân nghèo bị chia rẽ.

Thomas Piketty nêu kinh nghiệm Thụy Điển, như một ví dụ tham khảo. Cho đến đầu thế kỷ 20, Thụy Điển vẫn là một đất nước hết sức bất bình đẳng. Ai đó vào năm 1910 dự đoán quốc gia Bắc Âu này sẽ trở thành một nước xã hội dân chủ sẽ bị coi là kẻ tâm thần. Thế nhưng sau đó đã có những vận động chính trị mãnh liệt.

Cuốn sách dày 1.232 trang của Piketty (giá 25 euro) được L’Obs đánh giá là không khó đọc, bởi sách được trình bày một cách sư phạm, đa dạng, bên cạnh các thống kê, phân tích, là nhiều câu chuyện về lịch sử, suy ngẫm…

Mùa hội chợ rượu vang

Bước vào mùa các hội chợ rượu vang (tức là "vin" theo cách phát âm theo tiếng Pháp), cả ba tuần báo Pháp đều có bài về rượu vang Pháp, với các góc nhìn khác nhau. Đối với L’Obs, trong bối cảnh tiêu thụ rượu vang đang sụt giảm, điểm đáng mừng là "rượu vang tự nhiên" (vin bio) lại tăng trưởng (14% năm ngoái). Đáng tiếc là chứng chỉ HVE (Haute Valeur Environnementale-giá trị môi tường cao), chứng chỉ môi trường số một đối với nhà nông, thì gần như không được công chúng biết đến.

L’Express tư vấn cho bạn đọc 5 kinh nghiệm để có lời, khi đi hội chợ rượu vang. Le Point - dành tuần này cho số đặc biệt về rượu vang – thì chú ý trước hết đến mệnh lệnh thay đổi khẩn cấp ngành trồng nho, để thích nghi với tình trạng khí hậu bị hâm nóng nhanh chóng, khiến sản lượng và chất lượng sụt giảm, đặc biệt là việc tìm ra các giống nho mới.

Donald Trump : Chất liệu của trào phúng

Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhân vật có xu hướng gần như độc chiếm sân khấu chính trị thế giới, đặc biệt gây ấn tượng với những dòng Tweet trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Ông Trump là một chất liệu phong phú cho truyền thông trào phúng tại Mỹ. Mục 360 độ của Courrier International tuần này giới thiệu góc nhìn của nhà bình luận Ben Greenman trên New York Times, với tiểu tựa : "Liệu trào phúng có thể tồn tại được trong kỉ nguyên Donald Trump ?". Hai lý do chính gây khó khăn cho trào phúng là bản thân tổng thống Trump đã hiện ra như một con người gần như là tự nhại lại chính mình, và điều chủ yếu là đã có quá đông người giễu cợt ông ta.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Hồng Kông : G7 kêu gọi bình tĩnh, Bắc Kinh nổi giận

g71

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trưng bản Tuyên bố chung G7 ra trước công chúng, Biarritz, 26/08/2019. Reuters/Philippe Wojazer

Nhật báo Pháp Libération đã nêu bật ở trang quốc tế phản ứng tức tối của Trung Quốc trước việc 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới đã kêu gọi các bên Hồng Kông giữ bình tĩnh.

Trong bài "Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ sau lời kêu gọi giữ bình tĩnh của nhóm G7", Libération nhắc lại rằng trong bản tuyên bố chung Biarritz ngày 26/08, nhóm G7 đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông và "tái khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của bản Tuyên Bố Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông, và kêu gọi tránh để bạo lực bùng lên".

G7 "xen vào nội tình Trung Quốc"

Libération đã nêu bật nội dung chính của bản Tuyên Bố Chung về Hồng Kông, theo đó Trung Quốc cam kết sẽ cho đặc khu này được hưởng trong vòng 50 năm kể từ năm 1997, một quy chế tự trị, theo nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ".

Thế nhưng, chỉ một hôm sau tuyên bố của G7, Bắc Kinh đã gay gắt phản ứng : Cảnh Sảng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết là nước này "cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối" tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7.

Chính quyền Trung Quốc lại lên giọng cảnh cáo phương Tây, khẳng định rằng : "Không một nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào Hồng Kông". Theo ông Cảnh Sảng thì nhóm G7 nên "chấm dứt việc xía mũi vào công việc của người khác và bí mật chuẩn bị các hoạt động bất hợp pháp".

Đối với ông Marc Julienne, chuyên gia Pháp về chính sách an ninh và quốc phòng Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên. Trả lời Libération, nhà phân tích này xác định : "Làm cho mọi người tin rằng bất kỳ hoạt động đối lập chính trị nội bộ nào đều là do các thế lực thù địch nước ngoài thao túng là một lập luận truyền thống của Đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Tố cáo nước ngoài kích động các phần tử “gần như khủng bố”

Luận điệu này đã từng được đưa ra trong các vụ Thiên An Môn, Pháp Luân Công, và gần đây là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đối với ông Julienne, lập luận tuyên truyền đó là một trong hai trụ cột trong chiến lược Bắc Kinh đang dùng để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Mục tiêu là tìm kiểm sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc. Một ví dụ rõ nét là lời tố cáo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo số ra ngày 26/08, khẳng định rằng "Washington coi tình hình hiện tại ở Hồng Kông là cơ hội để phương Tây tái chiếm thành phố".

Theo nhà nghiên cứu Pháp, trụ cột thứ hai là kích động tâm lý sợ hãi khi "cố gắng mô tả những người biểu tình như những kẻ bạo loạn dữ tợn, gần như là quân khủng bố". Theo ông Julienne, khi chụp mũ phong trào biểu tình theo kiểu đó, Trung Quốc có thể biện minh cho một chiến dịch đàn áp mạnh mẽ hơn, do chính quyền Hồng Kông, thậm chí do chính Bắc Kinh thực hiện.

Nhật báo Pháp ghi nhận là trong những tuần lễ gần đây, bóng ma của sự can thiệp của quân đội Trung Quốc vào Hồng Kông đang lơ lửng trên thành phố. Vào ngày 15 tháng 8 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc đã đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" nếu tình hình tiếp tục "xấu đi".

Khủng bố trắng tại Hồng Kông: Giới doanh nghiệp thần phục Bắc Kinh

Nhìn vào diễn biến cuộc khủng hoảng Hồng Kông, Libération ghi nhận thái độ thần phục Bắc Kinh của giới kinh doanh, bắt đầu tiếp tay cho chính quyền trong việc trấn áp phong trào phản kháng.

Xuất phát từ hiện tượng gia tăng của các vụ sa thải, hù dọa, những lời kêu gọi ngừng biểu tình, tờ báo Pháp cho rằng sau một thời gian dài giữ im lặng, giới lãnh đạo rất có uy lực của các công ty lớn ở Hồng Kông có vẻ đã nghiêng hẳn về phía chế độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chủ yếu là vì lo sợ trước nguy cơ kinh tế Hồng Kông bị suy yếu, và nhất là vì sức ép của Bắc Kinh.

Theo Libération, những gì xẩy ra tại Cathay Pacific là một ví dụ: đối với các công ty có nhân viên có biểu hiện chống lại chế độ, người ta liền cắt cánh ngay. Các phi công của hãng hàng không Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ đã bị sa thải, tổng giám đốc Rupert Hogg, bị bãi nhiệm, lãnh đạo công đoàn một chi nhánh công ty cũng bị cách chức…

Tờ báo Pháp tiết lộ : Trong những ngày cuối tuần bắt đầu từ hôm 10/08, các quan chức Trung Quốc tập trung tại Thâm Quyến, giáp giới Hồng Kông, đã yêu cầu hàng trăm doanh nhân và chính khách có ảnh hưởng tại Hồng Kông là phải bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền, vốn không dập tắt nổi phong trào phản kháng.

Thế là cùng với vài trăm người biểu tình mang theo cờ Trung Quốc, một bộ xậu bao gồm các giám đốc doanh nghiệp, các nghị sĩ trung thành với Bắc Kinh và các ông trùm kinh doanh tại Hồng Kông đã xuất hiện để tố cáo bạo lực. Sự kiện đó diễn ra hôm 17 tháng 8.

Trước đó, theo Libération, không thấy ai trong số này thể hiện hậu thuẫn cho bà trưởng đặc khu, hoặc là nếu có thì cũng chỉ là một cách chiếu lệ. Giờ đây, họ đã ra mặt lên tiếng ủng hộ chính quyền, đồng thời gây sức ép trên các nhân viên của họ.

Theo tờ báo Pháp, các thành phần này đã hành động, không phải vì lòng trung thành với Bắc Kinh, mà là vì họ thực dụng, cảm thấy cần phải bảo vệ một trật tự không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh.

Nghiệp đoàn Chủ nhân Pháp Medef sai lầm khi im lặng về Hồng Kông

Cũng về vụ trấn áp tại hãng Cathay Pacific Hồng Kông, nhật báo Le Monde cho rằng số phận của hãng hàng không này có lẽ là dấu hiệu cho thấy những gì mà Bắc Kinh dành cho các công ty nước ngoài thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hồng Kông. Thế mà Nghiệp Đoàn giới chủ Pháp Medef lại không nói gì về cuộc khủng hoảng Hồng Kông nhân cuộc hội thảo chuẩn bị cho năm làm việc mới sau kỳ nghỉ hè.

Theo tờ báo Pháp, vào ngày mai 29/08, nhân cuộc Gặp Gỡ của Doanh Nhân Pháp, tên mới của cuộc hội thảo thường niên của giới chủ Pháp, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), tân đại sứ Trung Quốc sẽ có bài phát biểu. Thể nào ông cũng sẽ nói về cái lợi của chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc tự nhận mình là biểu tượng, và sẽ đả kích chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Le Monde tiếc là đại sứ Trung Quốc không đến dự buổi họp toàn thể hôm nay, có chủ đề "Chủ nghĩa tư bản và tự do. Khi tự do chính trị không còn là điều kiện của tự do kinh tế", bởi vì những gì đang xảy ra ở Hồng Kông minh họa cho hiện tượng ngược lại. Để buộc đặc khu tự trị này khép mình vào khuôn khổ và ngừng đòi áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu, Bắc Kinh đang thực hiện một vụ bắt bí chưa từng có đối với các công ty đang ở Hồng Kông.

Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói

Một đề tài khác nổi bật tại Thượng Đỉnh G7 được báo Pháp tiếp tục chú ý là vụ cháy rừng Amazon ở Brazil và cách hành xử của tổng thống nước này là ông Bolsonaro. Trong bài phân tích mang tựa đề : "Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói", nhật báo Libération ghi nhận hiện tượng tụt giảm uy tín nặng nề của vị tổng thống cực hữu.

Nhận xét của tờ báo Pháp rất rõ rang : Vốn đã không được xem trọng trên chính trường quốc tế, uy tín của nguyên thủ Brazil đang mờ nhạt trong nước do cách ông "chữa cháy rừng Amazon". Vị cựu quân nhân này chỉ còn được cánh cử tri cực đoan nhất của ông ủng hộ, và ngày càng làm đồng hương của ông bất bình, kể cả trong một bộ phận của giới xuất khẩu nông sản.

Chỉ trong vài tháng, ông đã biến cho Brazil thành một quốc gia bất hảo của cộng đồng quốc tế. Do thái độ co cụm trên vấn đề nạn cháy rừng đang tàn phá vùng Amazon, tổng thống cực hữu đã làm kéo Brazil vào một tình thế cô lập khác thường, trong khi mà mới đây thôi, nước này là một tác nhân không thể thiếu vắng trong các cuộc thảo luận đa phương trên hồ sơ khí hậu.

Ngay cả thời độc tài, hình ảnh Brazil vẫn không tệ hại như hiện nay

Trả lời báo Anh The Guardian, nhà cựu ngoại giao Brazil Rubens Ricupero cho răng ông Bolsonaro là "nguyên thủ quốc gia bị khinh ghét nhất thế giới. Chưa bao giờ, ngay cả vào thời chế độ độc tài, đất nước Brazil lại bị khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh như thế".

Uy tín của Brazil dựa trên quyết tâm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, mà 60% diện tích nằm ở Brazil. Thế nhưng ông Bolsonaro, thay vì bảo vệ thì lại chơi với lửa, và theo cáo buộc của các nhà sinh thái, ông đã để mặc cho những người làm rẫy đốt phá rừng.

Với chủ trương không cho ai khác đụng đến rừng của Brazil, ông đã vô tình quốc tế hóa cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon, được đem ra bàn thảo ở thượng đỉnh G7…

Theo Le Figaro, ông Bolsonaro đã sai lầm khi cho rằng người dân, vì kiệt quệ trước tình trạng suy thoái kinh tế, sẽ ủng hộ chủ trương tháo gỡ các quy định về giám sát môi trường mà ông đã hứa với các nhóm áp lực, trong đó có giới nông nghiệp, đã đưa ông lên cầm quyền. Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò dư luận gần đây, 96% người được hỏi, kể cả cử tri đã bầu cho ông, đều muốn siết chặt kiểm soát trên việc khai phá bất hợp pháp.

Hệ quả là chỉ sau 8 tháng cầm quyền, điểm được lòng dân đã tuột dốc. Người đánh giá xấu phương thức hành động của ông ngày càng đông, và lần đầu tiên chiếm đa số (54% vào tháng 8 so với tháng 2 chỉ có 28%), trong lúc người hài lòng về ông, thì từ 57,5% tuột xuống 41%.

Renato Janine Ribeiro, cựu bộ trưởng giáo dục, cho là "càng ngày càng có nhiều người Brazil xấu hổ vì tổng thống của họ. Trong những người đã bầu cho ông, nhiều người đã lấy làm tiếc đã bỏ phiếu cho ông", mà trước tiên hết là giới xuất khẩu nông sản đã trong nhiều năm qua, cố xóa bỏ hình ảnh xấu là những người phá hủy vùng Amazon.

Lo ngại của họ giờ đây là hiệp định tự do mậu dịch Châu Âu - Mercosur gặp trở ngại, như tổng thống Pháp đã lên tiếng đe dọa viện lẽ Brazil không làm gì để bảo vệ rừng. Giới này cũng đang gây sức ép lên tổng thống Bolsonaro.

Giới chủ muốn Macron giữ nguyên hướng đi

Nhân dịp hiệp hội các chủ nhân Pháp Medef tập họp đội ngũ trong hai ngày ở Paris để thảo luận về các vấn đề kinh tế lớn, và kêu gọi tổng thống tiếp tục chính sách hỗ trợ xí nghiệp ưu tiên cho chính trị Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đã giành hồ sơ lớn cho sự kiện này, và chạy trên trang nhất hàng tít đập mắt "Giới chủ yêu cầu Macron giữ nguyên hướng đi".

Trong hai ngày của cuộc hội thảo hè truyền thống, được cải tên thành Cuộc Gặp Gỡ của các Doanh Nhân Pháp (LaREF), hiệp hội Medef xem xét lại tương lai của chế độ tư bản với các vấn đề kinh tế nóng bỏng của thời sự.

Nếu giới chủ doanh nghiêp có vẻ hài lòng về giai đoạn đầu nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Macron, thì họ thúc giục ông tiếp tục cải tổ và nhất là không lùi bước, xuôi tay trước sự chống đối hay các khó khăn.

Nhưng họ đã tỏ ra thất vọng trước thái độ thụ động của ông về mặt chi tiêu nhà nước. Ví dụ điển hình theo họ, là trong mùa hè, ông đã bỏ lời hứa trong cuộc vận động tranh cử là giảm đi 120.000 công chức trong 5 năm.

Bất bình đẳng, thách thức to lớn

Cũng khai thác sự kiện cuộc họp của giới chủ nhân Pháp, nhật báo công giáo La Croix đã nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội, với tựa lớn trên trang nhất "Bất bình đẳng, thách thức to lớn"

Nhân cuộc họp tại Paris của khoảng 7 500 chủ doanh nghiệp Pháp, La Croix ghi nhận mối ưu tư của giới chủ nhân là "Giảm bất bình đẳng như thế nào ?", tựa bài báo trang trong.

Đối với La Croix, ngay cả giới chủ nhân Pháp cũng ngày càng quan ngại trước tình trạng các bất công đang ngày càng sâu rộng, tác hại đến nền kinh tế. Trong tình hình đó, theo tờ báo, chắc chắn các giải pháp nhằm giảm bất bình đẳng sẽ được thảo luận sôi nổi trong hai ngày họp hôm nay và ngày mai.

Nhân dịp này, La Croix đã điểm lại tình hình bất bình đẳng ở Pháp hiện nay, và không chỉ bó hẹp ở bất bình đẳng về lương hướng và thu nhập, mà mở rộng sang các lãnh vực như giới tính, xuất thân, lãnh thổ, những vấn đề ngày càng quan trọng trong giới lao động.

Được cơ quan thống kê Drees của bộ Y Tế và Liên Đới Xã Hội, hỏi từ hơn 15 năm qua, để xem chuyển biến tình hình trong 5 năm gần đây, vẫn có rất đông người Pháp, hơn 60% (90% - năm 2011) trả lời là bất bình đẳng đã tăng.

Theo người được hỏi, thấy rõ trước tiên là trên phương diện thu nhập. Kế đến là bất bình đẳng trong công ăn việc làm, thường gắn đến xuất xứ dân tộc, tiếp theo là bất bình đẳng về nhà ở, về vấn đề được chăm sóc sức khỏe, về học vấn và cuối cùng là về di sản, thừa kế trong gia đình.

Thực ra, theo La Croix, bất bình đẳng đã giảm rõ rệt trong giai đoạn 1970-1990, trước khi có một giai đoạn ổn định để rồi tăng lên từ 1998-2011, và sau đó giảm đi đến cho đến 2015, sau khi thuế tăng với thành phần giàu có nhất. Nhìn chung Pháp vẫn là một trong những nước ít bất bình đẳng nhất.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế