Mai Vân, RFI, 06/01/2021
Vụ ông Lại Tiểu Dân, cựu lãnh đạo tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc Hoa Dung vừa bị tuyên án tử hình, trong khi tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, nguyên lãnh đạo của tập đoàn Alibaba, đã "mất tích" từ hai tháng nay đã thu hút sự chú ý của báo giới Pháp. Trong bài viết "Vinh quang và ô nhục của các đại gia quá liều lĩnh tại Trung Quốc", báo La Croix ngày 06/01/2020 đã điểm lại một số vụ thanh trừng tiêu biểu thời Tập Cận Bình.
Theo tờ báo Pháp, tại vương quốc của chủ nghĩa tư bản "với đặc thù Trung Quốc", các ông chủ lớn chỉ có một quyền tự do duy nhất : "Đoàn kết chung quanh Đảng cộng sản và nỗ lực phát huy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế", theo lời lẽ được ông Tập Cận Bình sử dụng vào tháng 9 năm ngoái.
Vì không tôn trọng đường lối chính thức này, nhà tỷ phú lừng danh Jack Ma, từng được chế độ tung lên may xanh như biểu tượng của nền công nghệ cao của Trung Quốc, đã bị thất sủng vào tháng 11 vừa qua. Tương tự như một loạt các ông chủ khác trong những tháng gần đây, những người đã dám chỉ trích hoặc có thái độ coi thường chính quyền.
Vì vậy, khi mọi người đang thắc mắc là ông Mã Vân (Jack Ma) đã mất tích từ cách nay 2 tháng đã đi đâu, thì cựu lãnh đạo của tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc Hoa Dung (Huaron), ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), đã bị tuyên án tử hình vào hôm 05/01 về tội "tham nhũng và đa thê". Sau khi thực hiện một "lời thú tội trên truyền hình" một năm trước đây - những lời thú tội thường do bị tra tấn hoặc ép buộc - ông bị kết tội nhận hối lộ một khoản tiền hơn 200 triệu euro.
Một giáo sư kinh tế Đại học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải giải thích : "Lại Tiểu Dân là hiện thân cho số phận bi thảm của nhiều ông chủ lớn, đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc), những người có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là phục vụ lợi ích của chế độ".
Theo vị giáo sư xin được giấu tên này, sự khác biệt giữa các công ty tư nhân và công ty nhà nước rất nhỏ ở Trung Quốc. Họ không thể làm gì nếu không có sự đồng ý của của Đảng cộng sản Trung Quốc. "Nhưng nếu đường lối chính trị đột ngột thay đổi, hoặc nếu bạn dám đặt vấn đề về chính sách đó, thì lưỡi dao máy chém lập tức rơi xuống, Đảng cộng sản Trung Quốc muốn bạn trở thành một tấm gương để khiến người khác sợ hãi".
Tháng 11 năm ngoái, Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), 72 tuổi, ông chủ của một tập đoàn kinh doanh nông sản hùng mạnh, đã bị bắt cùng gia đình vì công khai chỉ trích chính quyền địa phương đã giảm nhẹ mức nghiêm trọng của dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Tập đoàn của ông sau đó đã bị chính quyền địa phương tiếp quản.
Trong "chiến dịch chấn chỉnh" rộng lớn này nhằm giành quyền kiểm soát khu vực tư nhân, tiếp theo chiến dịch chống tham nhũng được phát động từ năm 2012, Đảng cộng sản Trung Quốc nhắm vào các lĩnh vực cụ thể và sinh lợi như ngân hàng, công nghệ cao và kinh doanh nông nghiệp, hoặc bất động sản.
Ông chủ cũ của tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Trung Quốc Anbang, Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) - người đã mua khách sạn Waldorf Astoria danh tiếng ở New York vào năm 2014 - đã mất tích vài tháng vào năm 2017, trước khi bị kết án một năm sau đó mười tám năm tù về tội "tham ô". Có lẽ vì ông đã đầu tư hơi quá tự do. Theo vị giáo sư của Đại Học Phúc Đán, "Có những lằn ranh đỏ không được vượt qua".
"Tỷ phú đỏ" ngành bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), 70 tuổi, con trai của một quan chức cao cấp sáng lập ra Đảng cộng sản Trung Quốc, đã bị kết án mười tám năm tù vào tháng 9 năm 2019 vì "vi phạm kỷ luật đảng". Tư cách là "hoàng tử đỏ" đã bảo vệ ông từ lâu, nhưng vô số lời chỉ trích mà ông đưa ra nhắm vào chế độ và lãnh đạo Tập Cận Bình, người mà ông dám gọi là "thằng hề" vào tháng 3 năm ngoái, đã khiến ông hoàn toàn bị thất sủng. Thái độ ngạo mạn của ông đã bị coi là hành vi phản bội Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 7 tới đây.
Thụy My, RFI, 06/01/2020
Hơn 50 nhà hoạt động dân chủ sáng nay 06/01/2021 đã bị bắt giữ tại Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia mới. Đây là đợt trấn áp lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh tại đặc khu dựa vào đạo luật khắc nghiệt này.
Cảnh sát xác nhận đã bắt tạm giam 53 người trong đó có một luật sư Mỹ vì "nổi dậy" trong chiến dịch huy động đến 1.000 nhân viên công lực sáng sớm hôm nay.
Bộ trưởng An Ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) cho rằng vụ bắt bớ này là "cần thiết", nhắm vào một nhóm người tìm cách "nhấn chìm Hồng Kông xuống vực thẳm". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định "các lực lượng bên ngoài và một số cá nhân ở Hồng Kông kết hợp với nhau để cố làm phương hại đến ổn định và an ninh của Trung Quốc".
Ông Anthony Blinken, người được tổng thống tân cử Joe Biden lựa chọn làm ngoại trưởng nhanh chóng tố cáo "vụ tấn công vào những người can đảm bảo vệ các quyền phổ quát", và hứa hẹn chính quyền Mỹ "sát cánh với nhân dân Hồng Kông chống lại việc Bắc Kinh đàn áp dân chủ".
Thông tín viên Florence de Changy tại Hồng Kông giải thích :
"Tất cả những vụ câu lưu và khám xét nhà sáng nay đều có liên hệ với cuộc bầu cử "sơ bộ" không chính thức, được phe đối lập tổ chức vào ngày 11/07, nhằm chuẩn bị cho bầu cử Nghị Viện vào ngày 06/09 nhưng rốt cuộc đã bị hoãn lại.
Cuộc bầu cử sơ bộ này không bị chính thức cấm đoán, đã diễn ra một cách ôn hòa, đã huy động được 600.000 người tham gia.
Nhưng vào lúc đó, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho rằng sự kiện dân chủ tự phát này "có thể bị coi là hành động nổi dậy", và những người bị câu lưu hôm nay đã bị cáo buộc xúi giục nổi dậy.
Sáng hôm nay Thang Gia Hoa (Ronnie Tong), từng là thành viên của phe đối lập nhưng nay tham gia chính quyền Hồng Kông cho rằng "tổ chức bầu cử sơ bộ không thể bị coi là bất hợp pháp".
Nhưng vấn đề là đạo luật an ninh mới có hiệu lực từ ngày 30/06 mơ hồ đến nỗi tất cả mọi sự đều có thể trở thành bất hợp pháp nếu Bắc Kinh phật lòng".
Những khuôn mặt bị bắt hôm nay rất đa dạng, từ các cựu dân biểu như Đồ Cẩn Thân (James To), Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan), Lâm Trác Đình (Lam Cheuk Ting), Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) cho đến những nhà đấu tranh trẻ tuổi hơn như cựu nhà báo Hà Quế Lam (Gwyneth Ho), ủy viên hội đồng Viên Gia Úy (Tiffany Yuen). Nhiều người thân cận với lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hiện đang thụ án tù cho biết nhà của anh đã bị khám xét. Cảnh sát cũng bắt giữ và lục soát văn phòng luật sư Mỹ John Clancey - người Mỹ đầu tiên bị bắt giam nhân danh luật an ninh quốc gia – đồng thời khám xét ba tòa soạn báo của Stand News, Apple Daily và Inmediahk.
Thụy My
*********************
Tú Anh, RFI, 06/01/2021
Một năm từ khi đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát từ Vũ Hán, công cuộc điều tra tìm nguồn cội siêu vi sẽ còn mất thêm nhiều thời gian nữa. Lẽ ra phái đoàn chuyên gia của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO) phải tới Trung Quốc ngày 05/01/2021, nhưng Bắc Kinh chưa cấp thị thực nhập cảnh. Trong cuộc họp báo tại Geneve, Thụy Sĩ, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ "thất vọng" về thông tin này.
Phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế gới gồm 10 nhà khoa học của 10 nước (Mỹ, Úc, Nga, Đan Mạch, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Qatar và Việt Nam). Hai người tiền trạm chưa vào được Trung Quốc, một số chuyên gia khác phải chờ đợi ở một nước thứ ba.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, hôm nay, 06/01, giải thích với báo chí : "Vấn đề không chỉ đơn thuần là thị thực nhập cảnh, Trung Quốc muốn biết chính xác thời gian viếng thăm và mục đích của phái bộ".
Từ ngày đầu đại dịch đến nay, Bắc Kinh không bao giờ sốt sắng với đề nghị để các chuyên gia độc lập đến Vũ Hán điều tra..
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường thuật :
"17 năm sau khủng hoảng dịch viêm phổi cấp tính SARS-CoV-1 (năm 2003), tình trạng thiếu minh bạch vẫn tồn tại trong việc đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc.
Nếu giới y tế Trung Quốc có chia sẻ những hiểu biết cốt yếu của họ cho các nhà nghiên cứu trên thế giới về SARS-CoV-2 thì cội nguồn của siêu vi corona chủng mới này vẫn là chuyện nhạy cảm.
Từ nhiều tuần nay, truyền thông Nhà nước loan tải những lập luận của chính quyền và chuyên gia địa phương hoài nghi về nguồn gốc cũng như về giả thuyết siêu vi xuất phát từ nước ngoài trước rồi mới vào Trung Quốc sau. Chính ngoại trưởng Vương Nghị mới đây tuyên bố : Ngày càng có nhiều yếu tố cho phép nghĩ rằng dịch Covid có thể đã xuất hiện ở nhiều nơi trên địa cầu.
Đối với Trung Quốc, việc khống chế cách diễn giải lịch sử diễn tiến đại dịch là một cuộc đấu tranh chính trị. Báo chí Nhà nước không dùng từ siêu vi SARS-CoV-2 để tránh làm công luận nhớ lại là vào năm 2003, đợt dịch viêm phổi cấp tính đầu tiên cũng đã phát sinh từ Trung Quốc.
Nhiều nhà báo công dân đã bị bắt giam, những người báo động dịch bệnh bị bịt miệng.
Chuyến công tác của phái đoàn chuyên gia Tổ Chức Y tế Thế Giới hoàn toàn không được đề cập đến trên báo chí tiếng Hoa. Và chắc chắn, các chuyên gia quốc tế sẽ được "kèm cặp" chặt chẽ tại Vũ Hán ; bằng mọi giá, thành phố đặt dưới sự kiểm soát này không muốn thấy xuất hiện những trường hợp lây nhiễm mới, làm gợi nhớ lại những gì đã xẩy ra vào mùa đông năm ngoái, như hình ảnh chuyến xe lửa từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, các nữ tiếp viên đeo găng tay, khẩu trang hai lớp và kính bảo hộ để tiếp hành khách".
Tú Anh
Giáo viên dạy nghệ thuật Vawongsir, sử dụng mặt nạ cười làm biểu tượng để khuyến khích các học trò của mình, đã bị cho thôi dại tại trường trung học Hồng Kông nơi anh ấy giảng dạy giữa làn sóng đàn áp chính trị. (Chan Long Hei / For The Times)
Giáo viên dạy nghệ thuật của trường trung học không thể ra tuyến đầu phản đối, nhưng ông ấy đã lấy cảm hứng từ các cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ và mở ra thương hiệu lật đổ của riêng mình : phim hoạt hình.
Wong vẽ một cảnh sát đang quét một người biểu tình đẫm máu vào dưới tấm thảm có hình quốc kỳ Trung Quốc. Một bản phác thảo khác có chú thích "Giờ ăn trưa" mô tả các món ăn nhẹ phổ biến – bánh tart trứng và bánh mì nướng kiểu Pháp – bên cạnh một hộp hơi cay. Wong đã ghi lại nỗi tuyệt vọng không ngừng bao trùm người Hồng Kông sau các cuộc biểu tình mỗi đêm với hình ảnh của một người đàn ông đang nằm trên giường và khóc khi ngủ.
Wong nhìn ở đâu cũng thấy Trung Quốc thắt chặt các quyền tự do đã biến Hồng Kông trở thành một thành phố không hề nao núng với những tòa nhà kính cao chót vót, nền chính trị náo nhiệt và thương mại nhanh nhạy. Wong đã vẽ chi tiết những gì đang mất, chia sẻ công việc của mình trên mạng xã hội với bút danh @vawongsir. Wong nghĩ rằng danh tính của mình đã được an toàn. Nhưng sau đó có đơn nặc danh gửi đến Phòng Giáo dục tố cáo rằng anh đã "xuất bản những hình ảnh minh họa không phù hợp trực tuyến".
Wong cuối cùng đã bị mất việc làm.
"Tôi cảm thấy bất lực", anh nói.
Wong vẽ một cảnh sát đang quét một người biểu tình đẫm máu vào dưới tấm thảm có hình quốc kỳ Trung Quốc.
Đàn áp chính trị
Với việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát ở Hồng Kông, bao gồm cả việc thông qua luật an ninh quốc gia mới , các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, chính trị gia, nhà báo và những người khác của lãnh thổ này đang phải đối mặt với một Đảng Cộng sản quyết tâm dẹp tan bất đồng. Có lẽ mối đe dọa lớn nhất từ cuộc thanh trừng mới này – một cuộc thanh trừng sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau – là áp lực ngày càng tăng đối với các trường học và giáo viên về những gì cần đặt trong tâm trí học sinh. Cả các nhà hoạt động và quan chức đều biết rằng linh hồn của một quốc gia được chưng lọc trong lớp học ; lịch sử có thể bị xóa với sự im lặng của giáo viên và viết lại sách giáo khoa.
Ip Kin-yuen, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đại diện cho ngành giáo dục, là phó chủ tịch của Hiệp hội giáo viên chuyên nghiệp Hồng Kông cho biết : "Họ đang biến giáo dục thành công cụ để kiểm soát tư tưởng ở Hồng Kông. "Có rất nhiều trường hợp giáo viên bị oan sai, đối mặt với những cáo buộc thái quá. Tôi sẽ xem đó là cuộc đàn áp chính trị ".
Hồng Kông đang được chế tạo lại trước cả thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang tận dụng sức mạnh kinh tế của đất nước mình và mối quan tâm của hành tinh với virus corona để kiềm chế tham vọng dân chủ của Hồng Kông. Ông Tập muốn đưa vùng lãnh thổ thách thức này vào viễn kiến thống nhất quốc gia, ngay cả khi Trung Quốc phải đối mặt với thất bại ngoại giao, đáng chú ý nhất là từ chính quyền Trump, vốn đã tiến gần hơn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh trong một thời điểm đầy rẫy sự giám sát công nghệ cao, thay đổi chuỗi cung ứng và tầm vóc của một nhà lãnh đạo toàn cầu đang sa sút của Mỹ.
Hồng Kong với 7 triệu dân này là trung tâm của cuộc cạnh tranh cường quốc – nơi Trung Quốc nhìn thấy tương lai của họ và phương Tây có nguy cơ mất đi mối liên hệ quan trọng ở Vành đai Thái Bình Dương – sẽ quyết định số phận của những giáo viên như Wong, 30 tuổi, người quá sợ hãi trả thù nên đã không cho biết tên họ của mình. Khi một sự lột xác độc đoán bén rễ, Wong và nhiều người khác cảm thấy họ không có chỗ trong lớp học.
Không rõ có bao nhiêu giáo viên đã bị kỷ luật hoặc buông bỏ chính kiến của họ. Cục Giáo dục cho biết họ đã nhận được 222 đơn khiếu nại về hành vi sai trái của giáo viên trong khoảng thời gian 12 tháng cho đến cuối tháng Sáu. Trong số đó, 117 người có bằng chứng, dẫn đến bị khiển trách hoặc cảnh cáo gần một nửa. Một nửa còn lại đang được xem xét. Văn phòng từ chối tiết lộ bản chất của các tố cáo.
"Thanh lọc môi trường giảng dạy"
Wong là một trong những tố cáo đó. Nhiều tháng sau khi hình biếm hoạ của Wong xuất hiện trên mạng xã hội, các quan chức tại trường cấp 2 của Wong, được coi là một trong những trường tốt nhất trong Hồng Kong, đã yêu cầu biết liệu Wong có đang sử dụng tài khoản hay không. Họ dò hỏi Wong về quan điểm chính trị của anh. Wong đã tham vẫn luật sư và nhà trường đã ngưng lại.
Nhiều tháng trôi qua mà không có giải pháp. Wong tiếp tục dạy nhóm 10 học sinh của mình, những người biết anh đứng sau các bức vẽ nhưng không hề đề cập đến. Sau đó, vào ngày cuối cùng của tháng 6, vài giờ trước khi luật an ninh quốc gia được ban hành nhằm phá bỏ các quyền tự do dân chủ của Hồng Kông, Wong bị triệu tập đến văn phòng hiệu trưởng. Wong được cho biết nhà trường không còn đủ nguồn lực để gia hạn hợp đồng với anh.
Thất vọng và không thể cố gắng tiếp tục, Wong về nhà vào đêm hôm đó và đăng lại bức vẽ của một giáo viên với bàn tay bịt chặt miệng. Trên bảng đen đằng sau giáo viên có dòng chữ, "Tạm biệt, các học sinh".
Wong về nhà vào đêm hôm đó và đăng lại bức vẽ của một giáo viên với bàn tay bịt chặt miệng.
"Điều đáng tiếc nhất là mất đi học trò của mình. Họ luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi, "Wong nói, vẫn mặc cảm tội lỗi vì đã không biểu tình sớm hơn cùng với các học sinh của mình, kể cả một người đã bị bắt vì biểu tình.
"Tại sao đây là trách nhiệm của họ ?" Wong hỏi. "Tại sao họ phải gánh lấy gánh nặng này và bị đàn áp vì đã lên tiếng chống lại sự bất công khi đáng lẽ họ có thể chơi bóng rổ hoặc trò chơi điện tử và ăn cá viên và siu mai ? Là một giáo viên, tôi rất xấu hổ vì vào lúc nguy cấp, tôi đã không có mặt để bảo vệ học sinh của mình ".
Wong, vẫn thất nghiệp, đã rất cố gắng giữ việc để trả tiền thuốc men cho người mẹ ốm yếu của mình, đến nỗi anh ấy đã đề nghị làm việc với một nửa mức lương 46.000 USD. Trường học đã từ chối, và Wong không còn cách nào.
Wong không đơn độc. Vào tháng 6, hợp đồng giáo viên dạy nhạc của trường trung học cơ sở không được gia hạn sau khi cô không ngăn cản học sinh biểu diễn một bài hát phản đối trong các kỳ thi giữa kỳ.
Một giáo viên khác tại Trường Nữ sinh Diocesan danh tiếng cũng bị từ chối hợp đồng mới sau khi ông bị nhà trường điều tra vì vai trò của ông trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Người hướng dẫn nghiên cứu tự do đã bị mù một phần sau khi được cho là bị cảnh sát bắn trúng đạn khi tham gia một cuộc biểu tình vào năm ngoái.
Các nhà giáo dục nói rằng họ làm việc dưới một không khí sợ hãi, phải chịu sự phàn nàn tùy tiện từ những kẻ lén lút kiểm soát lớp học. Một nhà lập pháp đề nghị lắp đặt camera giám sát ở mọi trường học để giám sát giáo viên diễn ngôn của họ có cấu thành hành vi lật đổ nhà nước hay không.
Hai giáo sư đại học nổi tiếng với hoạt động chính trị, Benny Tai và Shiu Ka-chun, nói rằng trưởng học của họ đã bị áp lực phải sa thải họ vào tháng Bảy. Sau đó, Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông đã ca ngợi việc chấm dứt hợp đồng này là "sự thanh lọc môi trường giảng dạy".
Những con dê tế thần
Tác hại đối với danh tiếng của Hồng Kông về tự do giáo dục đã diễn ra nhanh chóng, với các hiệp hội học thuật trên khắp thế giới loại bỏ Hồng Kông ra khỏi các hội nghị và hội thảo trong tương lai.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ của Hồng Kông từ một xã hội chủ yếu tự do sang một xã hội giống với đại lục được kiểm soát chặt chẽ hơn dự kiến sẽ diễn ra hoàn toàn cho đến năm 2047 – kết thúc của thời kỳ 50 năm kể từ khi Anh trao trả lãnh thổ cho Trung Quốc vào năm 1997 theo diện đặc biệt sự sắp xếp được gọi là "một quốc gia, hai hệ thống" được cho là đảm bảo cho Hồng Kông một mức độ tự chủ cao.
Nhưng sự sắp xếp ngày càng trở nên không phù hợp với một Trung Quốc được Tập khích lệ. Tham vọng lớn của chủ tịch về một đất nước Trung Quốc trẻ hóa không thể đáp ứng những thách thức đối với chính quyền của Bắc Kinh từ một thuộc địa cũ của Châu Âu ngay trước ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đối đầu với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump chỉ càng đẩy nhanh sự thay đổi.
Luật an ninh quốc gia – đe dọa những người vi phạm phải ngồi tù chung thân vì các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài – nhắm vào bất kỳ ai chống lại ý muốn của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Luật đã được sử dụng để bắt giữ những người chỉ trích chính phủ như ông trùm truyền thông Jimmy Lai và các con trai của ông, và loại các ứng cử viên đối lập khỏi các cuộc bầu cử lập pháp. Hiệu ứng lạnh lùng đã dẫn đến việc hủy bỏ một chiến dịch cầu nguyện cho dân chủ của một nhóm Công giáo địa phương. Do đó, hành vi bị thay đổi. Tự kiểm duyệt rất nhiều. Tư tưởng phê phán đang bị ép buộc thể hiện ngầm. Các cuộc biểu tình hàng loạt làm say đắm thế giới một năm trước đây phần lớn đã rơi vào im lặng.
Shiu, một trong những giáo sư đại học bị sa thải gần đây, cho biết các đồng nghiệp cũ tại Đại học Baptist Hồng Kông hiện đang xa lánh ông vì sợ chính phủ tức giận. Một đồng nghiệp cũ đã mời Shiu đi ăn trưa nhưng nhất quyết hẹn gặp ở một nhà hàng xa khuôn viên trường để tránh bị nhìn thấy.
"Bạn sẽ nghĩ tôi ngoại tình", Shiu, đã ngồi tù sáu tháng vì tham gia vào các cuộc biểu tình của Phong trào Dù Vàng năm 2014, nói.
Các đồng nghiệp cũ của ông "hiện là đồng phạm trong cuộc đàn áp", ông nói. "Chính phủ Trung Quốc có thể đe dọa, nhưng họ không bào chữa cho sự thất bại về đạo đức của các trường đại học và trí thức. Khi bạn nhìn thấy đồng nghiệp của mình nhượng bộ từng người một, bạn không chỉ cảm thấy cô đơn. Thật đau lòng ".
Đạo luật đàn áp cũng chỉ ra sự thất bại của Trung Quốc – sau nhiều năm khuyến khích kinh tế và kêu gọi lòng yêu nước – trong việc thuyết phục hàng triệu cư dân Hồng Kông có tư duy độc lập rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn dưới sự thống trị của đại lục.
Sự phản kháng ngoan cố trước sự lôi kéo của Trung Quốc thường được cho là do ảnh hưởng của nước ngoài, đặc biệt là các trường học và trường đại học, vốn bị cáo buộc là cực đoan hóa thanh niên với lý tưởng phương Tây và ngăn cản bản sắc dân tộc Trung Quốc phát triển.
Ip, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và là quan chức công đoàn cho biết : "Chính phủ tin rằng những người trẻ chống lại chính phủ vì họ bị người khác xúi giục. "Họ cần phải biện minh cho câu chuyện này, vì vậy họ đổ lỗi cho hệ thống giáo dục, giáo viên, tài liệu giảng dạy, chương trình giảng dạy, thậm chí cả các kỳ thi công khai vì số lượng lớn thanh thiếu niên bị bắt. Các giáo viên thực chất đã trở thành vật tế thần ".
Viết lại sách giáo khoa
Đặc khu trưởng trung thành ủng hộ Bắc Kinh, Carrie Lam, đã củng cố những tuyên bố đó tại một diễn đàn giáo dục, nơi bà cho biết hơn 3.000 trong số 7.500 người bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp trong năm ngoái là sinh viên. Trong số đó, gần một nửa dưới 18 tuổi.
"Điều vô cùng đáng lo ngại là những tư tưởng chống đối chính quyền và chống đất nước đã gieo vào lòng giới trẻ", bà Lâm nói. "Chúng tôi không thể không đặt câu hỏi, ‘Điều gì đã xảy ra với nền giáo dục của Hồng Kông ?'"
Sự lạnh nhạt về tự do học thuật bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, khi học sinh và giáo viên ở Hồng Kông bị cấm thảo luận về chính trị theo lệnh của chính quyền thuộc địa Anh. Sự lên men cộng sản từ cảm hứng của Mao đã tràn qua biên giới, kích động người dân địa phương và khiến chính quyền phải vào cuộc. Phải đến những năm 1970, người Anh mới bắt đầu nới lỏng kiểm soát.
Những bộ óc non trẻ của Hồng Kông sẽ dễ dàng hình thành trong tầm nhìn của Bắc Kinh hơn rất nhiều nếu cấu trúc thuộc địa vẫn còn nguyên. Nhưng hệ thống giáo dục của Hồng Kong vẫn duy trì một truyền thống độc lập và tiến bộ có từ những ngày suy tàn của sự thống trị Anh, khi các nhà giáo dục được trao quyền tự do để phát triển chương trình giảng dạy của riêng họ.
"Việc Bắc Kinh gặp vấn đề với hệ thống giáo dục của Hồng Kông là sự xác nhận rằng nước Anh đã không để lại di sản của nền giáo dục thuộc địa. Thay vào đó, Anh để lại di sản của một nền giáo dục khai phóng, một nền giáo dục khuyến khích tư duy tự do và phản biện, "Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, cho biết.
Điều đó đã sinh ra một thế hệ thanh niên có đầu óc chính trị chịu trách nhiệm dẫn đầu các cuộc biểu tình vào năm 2012 chống lại một kế hoạch giáo dục lòng yêu nước và vào năm 2014 trong Phong trào Dù Vàng ủng hộ dân chủ. Khi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm ngoái, các sinh viên lại đứng phía trước và làm trung tâm, dàn dựng các lối đi bộ và xích người và rào chắn trong khuôn viên trường.
Nhà chức trách đang hoạt động nhanh chóng để ngăn chặn hành vi như vậy lập lại. Cục Giáo dục Hong Kong cho biết việc bày tỏ quan điểm chống chính phủ hoặc tham gia biểu tình sẽ bị kỷ luật.
Trong khi đó, các giáo viên phải trải qua khóa đào tạo bắt buộc để lồng ghép luật an ninh quốc gia vào các bài giảng của họ. Sách giáo khoa đang được sửa đổi để tài liệu nghiên cứu về tự do không còn đề cập đến "tam quyền phân lập" hoặc các tổ chức chính trị do các nhà hoạt động thành lập.
Những bài mô tả về sự kìm hãm quyền tự do ngôn luận đã được thay thế bằng những đoạn nói về các cơ hội kinh tế mà Trung Quốc đã mang lại cho Hồng Kông. Những cuốn sách nhạy cảm về chính trị, như những cuốn sách do nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Joshua Wong viết cũng như những tựa sách liên quan đến vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn hoặc Cách mạng Văn hóa, đang được lấy ra khỏi các kệ sách trong thư viện.
"Nhiều bộ óc trẻ bị tha hóa trong nhiều năm, nhưng giờ đây với luật an ninh quốc gia, chính phủ có thể giám sát, điều tiết, quản lý và thúc đẩy [an ninh quốc gia] thông qua các kênh khác nhau", John Lee, Bộ trưởng An ninh Hồng Kong, nói với báo Ta Kung Pao, phe ủng hộ Bắc Kinh. Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ông kêu gọi loại bỏ "những quả táo xấu" ra khỏi trường học.
Công cuộc tẩy não thành công
Sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh ở Hồng Kông không hiếm, một sự phản ánh của thập kỷ mà Trung Quốc đã dành ra để vun đắp ảnh hưởng kể từ những ngày Anh cai trị. Mặc dù vẫn còn là thiểu số, nhiều người hoan nghênh việc đàn áp những người biểu tình và những người đồng tình với họ. Một nhóm được thành lập vào tháng 5 để giám sát trường học, giáo viên và tài liệu học tập cho biết họ đã tuyển được 800 tình nguyện viên, bao gồm phụ huynh, giáo viên và học sinh.
David Cua, người đứng đầu nhóm Help Our Next Generation cho biết : "Chúng tôi yêu cầu người cung cấp thông tin đưa bằng chứng và xác minh với các trường học. "Nếu trẻ em vô tình bị nhiễm [tư duy chống chính phủ], thì không phải là giáo viên phải đối mặt với hình phạt xứng đáng sao ?"
Các giáo viên bắt đầu sự nghiệp của họ trong môi trường hạn chế mới nói rằng họ bị tê liệt vì lo lắng nói sai.
Brian Chan cho biết ông đã nghi ngờ về việc giảng dạy các nghiên cứu tự do, một khóa học gây tranh cãi ở các trường trung học được thiết kế để nuôi dưỡng tư duy phản biện mà cả chính quyền địa phương và đại lục đã tấn công vì kích động học sinh biểu tình. Chan muốn tự do dạy học sinh của mình về các sự kiện hiện tại một cách trung thực, đặc biệt là hiện nay, khi có quá nhiều thông tin sai lệch trên mạng. Nhưng ông lo ngại rằng khi nhắc đến lịch sử gần đây của Trung Quốc và Hồng Kông, các học sinh của ông sẽ bị cho ăn một phiên bản đã các sự kiện đã được tẩy trùng.
Chan, 23 tuổi, chuẩn bị bắt đầu công việc giảng dạy toàn thời gian đầu tiên của mình trong năm nay cho đến khi đại dịch đóng cửa các trường học của thành phố, cho biết : "Tôi sẽ trân trọng thời gian giảng dạy, nhưng tôi phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. "Không gian cho tự do học thuật đang giảm dần".
Một giáo viên tiểu học họ Tang, người đã từ chối sử dụng tên của mình vì lo sợ bị khiển trách, cho biết việc làm của cô đã bị xem xét sau khi một phụ huynh phàn nàn rằng cô đã yêu cầu học sinh của mình bình luận về sự cần thiết của luật an ninh quốc gia.
"Tôi phải dạy cho chúng hiểu chính trị là gì", Tang nói về học sinh của mình. "Và tôi cố gắng cung cấp cho học sinh nhiều hơn trong khi tôi vẫn có thể và để chúng tranh luận về những chủ đề này càng nhiều càng tốt bởi vì chúng sẽ không có cơ hội làm như vậy trong tương lai".
Tang, ở độ tuổi 20, luôn tìm cách biến lớp học trở thành "ngôi nhà thứ hai" cho học sinh của mình. Cô trang trí căn phòng, sắp xếp nó với các trò chơi trên bàn và sắp xếp lịch trình của mình để cô có thể dành thời gian cho học sinh của mình trong giờ ra chơi.
Khi đại dịch Covid-19 buộc các trường học phải đóng cửa vào tháng Giêng, Tang đã chuyển sang lớp học kỹ thuật số. Mỗi ngày, cô ấy đăng các câu chuyện, trò chơi và các bài báo. Cô chia sẻ các bộ phim tài liệu do đài truyền hình công cộng của thành phố, trong đó có một bộ phim thu hút sự tương đồng giữa cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và phong trào Đoàn kết Ba Lan.
Đã có các phản hồi tích cực. Một phụ huynh dù kịch liệt phản đối các cuộc biểu tình ở Hong Kong vẫn cảm ơn Tang vì đã đầu tư cho con mình. Một người khác, một người nhập cư từ Trung Quốc đại lục, cho biết các bài báo đã giúp gia đình hiểu và hòa nhập tốt hơn vào xã hội Hong Kong.
Khi các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng, nhà trường liên tục nhắc nhở Tang và các đồng nghiệp của cô phải cẩn thận về những gì họ nói. Không hề bối rối, cô tiếp tục thúc giục học sinh của mình thảo luận về các sự kiện nhạy cảm hiện tại, bao gồm cả luật an ninh quốc gia.
Sau khi một phụ huynh khiếu nại lên chính quyền, nhà trường đã gọi Tang đến để thẩm vấn và gửi thư xin lỗi phụ huynh về lỗi này.
"Khi họ xóa tất cả các thông tin khác mà họ cho là nhạy cảm, thông tin chính thức sẽ trở thành điều duy nhất mà [học sinh] biết", Tang nói. "Theo một cách nào đó, học sinh đã được tẩy não thành công".
Lớp học kỹ thuật số của Tang kể từ đó đã bị đóng cửa và cô ấy đã bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới. Lá cờ Trung Quốc, thường chỉ được kéo lên mỗi tháng một lần ở trường của cô ấy, giờ vĩnh viễn tung bay trên cột cờ.
David Pierson, Rachel Cheung
Nguyên tác : China’s ‘purification’ of classrooms : A new law erases history, silences teachers and rewrites books, Los Angeles Times, 11/09/2020
Ngọc Lan dịch
Nguồn : VNTB, 28/12/2020
Trang bìa các tạp chí ra tuần lễ kế chót của năm 2020 này thu hút sự chú ý bạn đọc với cách trình bày nhẹ nhàng và chủ đề cũng lý thú, càng không có thời gian tính càng tốt đặc biệt trên hai tờ có số tất niên : Courrier International đã dành một sô "3 trong 1" cho chủ đề muôn thuở là tình yêu, còn Le Point dùng một số kép để nói về những nhà thám hiểm trong lịch sử Pháp. Về châu Á, thời sự Hồng Kông nổi bật trên hai tờ L’Express và Courrier International.
Trong bài "Nhà tù hay lưu vong : Tại Hồng Kông, các nhà đấu tranh cho dân chủ phải đối mặt với một chọn lựa ác nghiệt", L’Express ghi nhận thực tế là từ lúc luật an ninh của Bắc Kinh được ban hành tại đặc khu vào tháng Sáu, các vụ bắt giữ gia tăng và một số nhà đối lập có thể bị tù chung thân.
Tạp chí mô tả trường hợp của một sinh viên 18 tuổi. Giống như nhiều nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt kể từ khi bắt đầu những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, vào năm 2019, cậu sinh viên này đang bị truy tố về tội "mang theo vũ khí" trong một cuộc biểu tình ủng hộ các quyền tự do một năm trước, điều mà cậu hoàn toàn phủ nhận.
Được tại ngoại trong khi chờ ngày xét xử, cậu thanh niên này phải trình diện đồn cảnh sát hàng tháng và thú nhận rằng anh như "bị tê liệt" trước ý tưởng sẽ bị "bỏ tù hoặc hành hung, như một số người biểu tình đã từng nếm qua".
Cậu sinh viên không còn tin tưởng vào hệ thống tư pháp Hồng Kông, vốn là môt hệ thống độc lập về mặt lý thuyết, khác với Trung Hoa đại lục, và dựa trên nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", nhưng đã bị ép buộc là phải thiết lập lại "trật tự xã hội" ở Hồng Kông và bóp nghẹt mọi khuynh hướng đòi độc lập, từ khi luật an ninh của Bắc Kinh, được thông qua vào tháng 6 năm nay.
Trong số hơn 10.000 người bị bắt kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại chế độ cộng sản, hơn 2.300 người là đối tượng bị truy tố, bao gồm các đại biểu dân cử, những gương mặt tiêu biểu của lớp tuổi trẻ đối kháng với Bắc Kinh, và rất nhiều người bình thường. Theo báo chí địa phương, ít nhất 200 người trong số họ đang phải chờ ngày xét xử trong nhà tù. Một số tên tuổi trong phong trào đấu tranh như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow) và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) cũng bị tống giam sau khi bị kết án tù về tội tham gia biểu tình vào năm ngoái, 2019.
"Mục đích của chính quyền trung ương là dẹp tan đối lập"
Theo L’Express, trong bối cảnh các vụ bắt giữ và bỏ tù gia tăng kể từ tháng 7, chính quyền thân Bắc Kinh tại Hồng Kông có dấu hiệu đang làm mọi việc để gieo rắc nỗi sợ hãi và chấm dứt phong trào phản kháng.
Đối với nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam), tại Đại Học Trung Văn Hương Cảng ở Hồng Kông thì vì sợ không kiểm soát được hoàn toàn Hồng Kông nên Bắc Kinh phải tìm cách đè bẹp phe đối lập ở đặc khu, bằng cách truất quyền đại biểu hoặc bỏ tù những nhân vật nổi bật nhất của phe ủng hộ dân chủ.
Tình thế hiện nay đã buộc các nhà đối lập phải lựa chọn giữa tù đày hay lưu vong. Tuy nhiên, giải pháp thứ hai này cũng có nhiều lại rủi ro : Tháng 8 vừa qua, 12 thanh niên bị chận bắt trên biển khi họ đang trên đường đến Đài Loan, và kể từ lúc đó họ bị giam giữ ở Hoa Lục.
Cho dù vậy, số người chọn đường lưu vong ngày càng nhiều. Trường hợp mới nhất là nghị sĩ dân chủ đối lập Hứa Chí Phong (Ted Hui), vào đầu tháng 12 đã lấy cớ đi tham dự một hội nghị về biến đổi khí hậu ở Đan Mạch để rời Hồng Kông qua sống lưu vong ở Luân Đôn. Lập tức các tài khoản ngân hàng của ông và những người thân đã bị phong tỏa theo yêu cầu của nhà chức trách.
Theo báo chí Hong Kong, có ít nhất 250 người đã xin tị nạn ở Úc kể từ năm 2019, còn theo nguồn tin riêng của L’Express, có khoảng 200 người đã xin tị nạn ở Hoa Kỳ, và 1.700 người đã xin trợ giúp từ quỹ nhân đạo do chính quyền Đài Loan mở ra vào tháng 7. Chính quyền Đài Bắc còn cấp 3.800 giấy phép cư trú cho người Hồng Kông lánh nạn từ tháng Giêng đến tháng 7 năm 2020.
Theo giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan, tại Đại Học Baptist tại Hồng Kông, hoạt động của các nhà đối lập sẽ trở nên "ngày càng khó khăn hơn với việc Đảng cộng sản sẽ làm các đảng đối lập mất dần tính chính đáng và biến mất". Về lâu về dài, xã hội dân sự sẽ vẫn là lực lượng đối kháng duy nhất, nhưng theo giáo sư Cabesta, sẽ không có tác dụng "đối với một hệ thống chính trị đã trở thành độc tài".
Hồng Kông chìm vào màn im lặng
Courrier International tuần này cũng lo ngại cho tình hình "Hồng Kông đang chìm vào một sự im lặng vô thực" tựa bài báo trang Châu Á, trích dẫn trang thông tin Asia Sentinel tại Hồng Kông
Bài báo mô tả Hồng Kông như đang sống dưới một ách áp bức, với những vụ bắt bớ đối lập và những chuyến ra đi lưu vong liên tiếp, trong khi cộng đồng doanh nghiệp giữ im lặng và bản thân các nhà báo luôn phải cảnh giác trước những người đối thoại của họ - và tự hỏi ai sẽ dám tiếp tục nói chuyện với họ.
Phong trào biểu tình kéo dài hàng tháng, với hàng trăm nghìn người Hồng Kông xuống đường phản đối đàn áp của Bắc Kinh giờ đã đi vào bế tắc. Thành phố từng diễn ra cuộc nổi dậy nảy lửa, thậm chí có lúc sử dụng bạo lực, đã rơi vào một sự im lặng không thực.
Thế mà, theo ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), người đứng đầu Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, tiến trình tịch thu quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của người Hong Kong vẫn chưa kết thúc.
Vẫn theo nhân vật này, nếu luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt "bắt đầu có hiệu lực", thì các cơ chế được thực thi phải được cải thiện để các cá nhân tuân thủ "theo cách riêng của họ". Vì vậy, vấn đề không chỉ là hạn chế hành động và lời nói của người Hồng Kông, mà còn là loại bỏ trong đầu những ý tưởng trái với Đảng và Nhà nước, để sự tuân thủ, thay vì là một phản xạ sợ hãi, trở thành phản xạ bản năng. Các thư viện đã loại bỏ những cuốn sách cổ vũ dân chủ và các bài học về dân chủ bị loại khỏi chương trình giáo dục.
Bài báo cũng nêu bật vấn đề người Hồng Kông lũ lượt tìm đường lưu vong, khiến phe thân Bắc Kinh yêu cầu các thẩm phán không cho các nhà đấu tranh dân chủ được tại ngoại hầu tra, trong lúc hàng ngàn người bị câu lưu năm 2019 vẫn chờ đợi xét xử. Làn sóng lưu vong sẽ còn mạnh mẽ hơn, với việc Anh Quốc cấp phát rộng rãi loại hộ chiếu gọi là BNO – tức là cho người Anh hải ngoai.
Tuy nhiên nếu Bắc Kinh vui mừng trước sự ra đi của thành phần "đáng gờm" này, thì đó cũng cũng là một tình trạng chảy chất xám mà khiến Hồng Kông bị thiệt thòi nhiều.
Tình yêu thời Covid-19
Courrier International dành tựa đầu cho "Các mối tình của chúng ta" bên cạnh hình vẽ bóng dáng một nam nhân màu đen ôm một trái tim màu cam to hơn nửa người với đôi mắt tròn to, và hàng chú thích bên dưới : "Vào thời điểm đại dịch này, các cặp tình nhân đua nhau sáng tạo để gặp được nhau". Tạp chí giới thiệu những câu chuyện tình đẹp nhất đăng trên báo chí nước ngoài.
Theo Courrier International, trong những tháng qua, đại dịch Covid-19 đã ghi đậm dấu ấn trong cuộc sống hàng ngày và trong thói quen của chúng ta. Với phong tỏa, các quy tắc giãn cách xã hội có thể khiến những người yêu nhau nản lòng.
Thế nhưng không ! Tạp chí tỏ ra rất lãng mạn : "Tình yêu, sự lãng mạn dường như đã vượt qua cơn lốc của các tiêu chuẩn y tế mới. Chúng tôi đã chọn từ báo chí nước ngoài ba câu chuyện tuyệt vời kết thúc có hậu. Một niềm vui mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc".
Câu chuyện thứ nhất được kể trong một bài báo dài trên tờ Wired công bố tháng 10 vừa qua. Tạp chí Mỹ về các công nghệ mới kể về câu chuyện của Rashied Amini. Vào lúc sắp chia tay với người bạn đời của mình, người kỹ sư ở cơ quan NASA này đã phát minh ra Nanaya, một thuật toán để dự đoán giá trị của một mối quan hệ lãng mạn, được dùng trong một ứng dụng hẹn hò phổ biến trong thời kỳ đại dịch này.
Theo tờ báo, Nanaya giúp những người độc thân tìm thấy tình yêu, nhưng cũng giúp những người đang yêu nhau đánh giá mối quan hệ của mình.
Một loạt chuyện tình khác được Courrier International giới thiệu diễn ra ở Mexico. Nhật báo La Jornada đi gặp những người độc thân đang tìm kiếm một người bạn tâm giao hoặc chỉ là một người tình một đêm. Ở đấy cũng vậy, phương tiện tìm kiếm cũng là các ứng dụng hẹn hò. Theo tờ báo Mexico, Covid-19 đã khiến người ta bị giằng xé không ít giữa ý thức trách nhiệm và những dục vọng xác thịt, và một số người đã phát minh ra các hình thức quan hệ mới trong khi những người khác thì sẵn sàng phá bỏ các cấm kỵ.
Câu chuyên thứ ba nói về một mối tình không cần đến công nghệ hay ứng dụng mà chỉ cần đến… một chiếc xe đạp. Đó là trường hợp của Bill Clintone Linyelela, đã đạp xe hơn 2.000 km từ Nairobi (Kenya) đến Mekele (Ethiopia) để gặp người yêu. Tạp chí East African đã gặp gỡ nhân vật này để ghi lại điều có thể gọi là một "sử thi tình yêu".
Cái bẫy của những đồng tiền dễ kiếm
L’Express trên nền bầu trời xanh chú ý đến "tiền dễ kiếm", gợi lên hình ảnh quen thuộc tiền từ trên trời rơi xuống với hình vẽ hai chiếc trực thăng trục theo hai con heo đất đang rải tiền xuống đất. Nhưng tạp chí đã cảnh báo ngay trong tựa lớn : "Cái bẫy của sự nghiện ngập".
Trong bài viết bên trong với tựa đề "Khi tiền từ trên trời rơi xuống", tạp chí lo ngại :Giữa một thế giới tài chính đang "bay bổng" và một nền kinh tế thật đã chai cứng, được truyền dịch với tiền nhà nước sự cách biệt ngày càng lớn. Và đây là điều đáng lo ngại.
Trong khi hành tinh đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ qua, chưa bao giờ tiền lưu thông nhiều như thế, có nhiều thanh khoản để tìm kiếm các khoản đầu tư sinh lời - kết quả của các chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dãi do các ngân hàng trung ương thực hiện, đã mở rộng cửa van để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính.
Nhưng, theo tạp chí, khi tiền dường như từ trên trời rơi xuống, các dấu mốc mờ đi, và nền kinh tế đi vào vùng đất lạ.
Tạp chí công nhận là đối mặt với tình trạng khẩn cấp, thì đúng là phải hoan nghênh việc có được không gian hành động nhờ biển thanh khoản này mang lại. Ra khỏi khủng hoảng, hàng nghìn tỷ đô la này sẽ rất cần thiết để xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá, chuẩn bị cho sự phục hồi và đối phó với thách thức khí hậu.
Nhưng mối nguy hiểm là người ta sẽ bị say sưa với những đợt bơm tiền lặp đi lặp lại này, mà quên rằng luận điểm "bất cứ giá nào" mà tổng thống Pháp Macron từng nêu lên cũng có giới hạn của nó, đồng thời có xu hướng tạo bong bóng tài chánh một cách đáng tiếc. Và những câu chuyện bong bóng nói chung thường kết thúc không tốt.
Trong đầu những người theo thuyết âm mưu
L’Obs cũng gởi đi một thông điệp cảnh giác nhưng đối với những loại thuyết âm mưu. Hàng tựa lớn trang bìa ghi nhận : "Trong đầu của những người theo thuyết âm mưu" kèm theo bóng nhìn nghiêng của một người với trong đầu toàn là những từ ngữ như "truyền thông", "Covid", "5G", "Vaccine", "Fake News", tức là những mục tiêu tấn công rất được các thuyết âm mưu ưa chuộng. Tạp chí cho biết : Đây là kết quả của một cuộc điều tra của viện thăm dò Pháp Ipsos.
Trong một hồ sơ 12 trang, tạp chí ghi lại quan điểm của một số người Pháp tin tưởng vào các loại thuyết âm mưu, như trường hợp của Julien, một kỹ thuật viên hoạt động trong lãnh vực môi trường : "Đối với tôi, một người theo thuyết âm mưu chỉ là một người có đầu óc phê phán chứ không phải là một con cừu".
Bài xã luận của L'Obs lưu ý : "Việc một bộ phận người dân tin vào các thuyết âm mưu là một thách thức đối với nền dân chủ của chúng ta. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự mất niềm tin vào các thể chế. Việc chỉ tố cáo suông các thuyết "âm mưu" không phải là biện pháp để ngăn chặn được đà vươn lên của chủ nghĩa âm mưu".
Theo L’Obs, đối tượng bị những người theo thuyết âm mưu đả kích không chỉ là truyền thông gọi là "dòng chính", mà còn là các kênh truyền hình bị họ cáo buộc là lặp đi lặp lại những thông tin đến mức đáng ngờ. Sophie, một tiếp viên hàng không khẳng định : "Đối với tôi, CNews và BFM, hai kênh tin tức tại Pháp, không khác gì nhau, rất dễ biết họ sẽ nói gì, họ đã bị chính phủ mua chuộc đến mức trở nên buồn cười".
Về các phương tiện truyền thông nói chung, những người theo thuyết âm mưu rất dứt khoát. Isabelle, một nữ đầu bếp khẳng định "Họ đã bị kiểm soát" ; Coralie, trợ lý giám đốc giải thích thêm : "Có những nhóm người có vị trí cao hơn nhiều so với lãnh đạo các phương tiện thông tin này. Chính những người đó đã quyết định về thông tin dành cho chúng tôi".
Các chuyến du hành đã làm nên nước Pháp
Riêng Le Point, trong số kép cuối năm, đã dành trọn một hồ sơ 80 trang cho "Các cuộc du hành đã làm nên nước Pháp" – tựa lớn trang bìa – kèm theo chú thích "Các nhà thám hiểm và tiên tri", nêu tên của một loạt nhân vật như Louis-Antoine de Bougainville, Vivant Denon, Alexis de Tocqueville, Arthur Rimbaud.
Những ai chú ý đến Việt Nam chắc chắn sẽ tìm đọc bài "Và Citizen (Công dân) Kahn đưa thế giới vào kho lưu trữ", nói về Albert Kahn (1860-1940), một chủ nhà băng triệu phú người Pháp đã nuôi tham vọng thành lập một kho tư liệu ảnh màu về tất cả các nước trên thế giới.
Kết quả là ông đã cử người đi đến được 48 quốc gia, chụp được 72.000 tấm ảnh theo kỹ thuật kính ảnh màu (autochrome) và ghi được 120 giờ phim. Trong số này có hơn 1000 bức ảnh xưa về Việt Nam và Hà Nội vào những năm 1910-1920, những tư liệu phải nói là rất quý giá.
Mai Vân
Trên 10.000 người đã bị bắt tại Hồng Kông trong 18 tháng qua vì đấu tranh cho dân chủ, trong đó 2.300 người bị truy tố. "Luật an ninh quốc gia" còn là phương tiện để ngăn cản tiết lộ sự thật về dịch bệnh ở Vũ Hán. Đối với Bắc Kinh, nhìn nhận trách nhiệm gây ra đại dịch là đi ngược lại với tính chất của chế độ cộng sản, được cho là bất khả chiến bại.
Sự kiện tổng thống Pháp bị nhiễm Covid là đề tài chính của nhiều báo Paris hôm nay. Libérationđăng ảnh một quả cầu tuyết bên trong là Phủ tổng thống Pháp, có một chiếc xe cứu thương đậu bên ngoài, với dòng tựa "Chấn động vì Covid ở điện Élysée : Macron bị dương tính". Le Figaronói về cách thức "Chính phủ thích ứng với việc tổng thống phải cách ly". Ở các trang trong, tình hình Trung Quốc và Hồng Kông chiếm khá nhiều đất với các bài phóng sự, phân tích.
Về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, Le Mondetrong bài "Trump, Covid và quốc phòng Châu Âu" nhấn mạnh, tổng thống Mỹ đã mở mắt cho những người Châu Âu mơ mộng về một thế giới mà tương quan dựa trên sức mạnh.
Tác giả Alain Frachon viết, Châu Âu là những kẻ vô ơn, họ phê phán Donald Trump và chào mừng Joe Biden, trong khi thực ra phải cảm ơn ông Trump rất nhiều. Trong bốn năm qua, Liên Hiệp Châu Âu đã có thể nhận ra sự cần thiết phải tự lực về quốc phòng. Giấc mơ một thế giới hòa bình dựa trên luật pháp đã tan, khi Donald Trump chứng tỏ thực tại thế giới : mạnh được yếu thua.
Việc ông Biden, thân thiện với Châu Âu hơn, bước vào Nhà Trắng, chẳng thay đổi được gì. Ưu tiên của nước Mỹ vẫn là Châu Á, Hoa Kỳ vẫn cần có sự ủng hộ của Châu Âu nhưng với mục đích ngăn chặn Trung Quốc. Châu Âu vẫn sẽ cô đơn với môi trường bất ổn sát cạnh, dù ở Trung Đông, Địa Trung Hải hay Kapkaz.
Liên quan đến Châu Á, Le Figaroquan tâm đến việc "Bắc Kinh kích hoạt ngoại giao vac-xin". Kết hợp lợi ích địa chính trị với thương mại, Trung Quốc ưu tiên nhắm đến các nước đang phát triển.
Maroc đã khởi động chiến dịch tiêm chủng với 10 triệu liều vac-xin của SinoPharm. Tại Ai Cập, lô vac-xin đầu tiên từ Hoa lục đến nơi ngày 10/12 được vui mừng đón nhận, bộ trưởng Y tế bên cạnh đại sứ Trung Quốc gọi đây là "ngày lịch sử". Tại Indonesia, 1,2 triệu liều vac-xin Sinovac cũng đã đến nơi. Cuộc "tấn công vac-xin" còn triển khai tận Mexico.
Trong lúc dịch bệnh tăng cao trên thế giới, chế độ Bắc Kinh tung ra chính sách "ngoại giao vac-xin". Thách thức là rất lớn đối với Trung Quốc thường xuyên bị các vụ bê bối vac-xin giả trong những năm gần đây. Hôm 09/12, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrein đã chứng nhận vac-xin Sinopharm hiệu quả 86%, đây là quảng cáo cần thiết để làm giảm những nghi ngờ về loại vac-xin được chế tạo trong thời gian kỷ lục bởi các tập đoàn nhà nước thiếu minh bạch.
Một vac-xin hiệu quả là thành công cho việc nâng cấp "made in China", đồng thời là vũ khí ngoại giao mới để gây áp lực về các chủ đề như Biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị trong vòng công du Đông Nam Á mới đây khẳng định sẽ ưu tiên cho các nước đang phát triển. Nhà nghiên cứu Collin Koh ở Singapore nhận xét, vac-xin rất cần thiết cho việc vực dậy kinh tế ở Đông Nam Á, và Bắc Kinh làm cho họ hiểu mọi thách thức trên Biển Đông sẽ có những hậu quả. Vac-xin dành cho Indonesia là một ví dụ.
Libérationtrong bài "Hồng Kông, các nhà đấu tranh dân chủ ra tòa" ghi nhận dù là nhà hoạt động hay chỉ đơn giản là người đi biểu tình, khoảng 2.300 người đã bị khởi tố.
Cựu dân biểu Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) tố cáo trước tòa : "Tập hợp một cách hòa bình không phải là tội phạm, đàn áp chính trị thật đáng xấu hổ". Ông ra tòa với bảy người khác, tất cả có thể lãnh án tù giam. Ngoài các khuôn mặt nổi tiếng đã bị kết án nặng, những người biểu tình một khi được trắng án thì lại bị cơ quan chức năng kháng cáo.
Phương Trọng Hiền (Keith Fong), lãnh đạo sinh viên ở trường đại học Báp-tít có nguy cơ lãnh án đến 7 năm tù chỉ vì sở hữu 10 cây bút laser. Trường hợp Đàm Đắc Chí (Tam Tak Chi) đáng lo hơn vì tháng Năm tới sẽ bị đưa ra một tòa án đặc biệt chuyên xử các vụ liên quan luật an ninh, các thẩm phán không bị luật pháp Hồng Kông chi phối. Anh bị nghi ngờ là đã đưa ra câu khẩu hiệu "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại".
Để cản trở các hoạt động đấu tranh, chính quyền dùng đến đòn phong tỏa tài khoản. Cựu dân biểu Hứa Tri Phong (Ted Hui) sau khi thoát được sang Anh ngày 05/12, hai ngày sau năm tài khoản ngân hàng của ông và người thân tại Hoa lục đã bị khóa.
Ngày 09/12, tài khoản của mục sư nhà thờ Good Neighbour North District vốn luôn trợ giúp người biểu tình, cũng chịu số phận tương tự. Các tội danh "rửa tiền", "lũng đoạn chứng khoán" bị áp đặt cho một người dẫn chương trình phát thanh đã giúp đỡ người biểu tình trốn sang Đài Loan và một số nhà hoạt động khác.
Theo cơ quan an ninh, 1,8 tỉ đô la Hồng Kông (190 triệu euro) đã bị phong tỏa và tịch biên trong các vụ án rửa tiền từ 2014 đến 2019, trong đó có một số là tiền ủng hộ phe dân chủ. Chính quyền nhắm vào quỹ huy động vốn cộng đồng (crowdfunding), những món tiền do nhiều người cùng đóng góp để tài trợ cho chi phí pháp lý, khám bệnh đối với người biểu tình bị bắt và cho tuyên truyền. Tháng 12/2019, cảnh sát đã phong tỏa hơn 70 triệu đô la quỹ Spark Alliance dùng để đóng tiền thế chân tại ngoại cho người đấu tranh.
Giới trẻ tranh đấu quay sang dùng Patreon, một nền tảng đặt tại San Francisco hồi tháng Bảy đã hứa sẽ không nhượng bộ chính quyền Hồng Kông. Ngoài ra còn một giá trị bền vững khác : tặng tiền mặt. Dù sao thì đây cũng là giải pháp hiện nay của bà trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) : đứng trước một núi tiền mặt vì bị Mỹ cấm vận.
Cũng về Hồng Kông, tác giả Thierry Wolton trên trang Ý kiến của Le Figarokêu gọi "Xin đừng quên những người anh hùng của Hồng Kông".
Việc Trung Quốc bóp nghẹt Hồng Kông diễn ra trong khi thế giới hầu như không quan tâm đến, vì phải tập trung đối phó với con virus xuất phát từ Vũ Hán. Trong lúc còn được tự trị, cựu thuộc địa Anh là nguồn thông tin độc lập và trung thực về Hoa lục, và "luật an ninh quốc gia" có hiệu lực từ ngày 01/07 còn là phương tiện để ngăn cản tiết lộ sự thật về đại dịch.
Cáo buộc "thông đồng với nước ngoài" hôm 11/12 nhắm vào nhà tỉ phú Lê Trí Anh, chủ nhân báo Apple Daily, khẳng định quyết tâm khóa chặt thông tin của Bắc Kinh. Theo luật mới, ông có nguy cơ lãnh án chung thân. Các khuôn mặt nổi bật của phong trào sinh viên trong "Mùa Xuân Hồng Kông" như Hoàng Chi Phong, Chu Đình cũng đã vào tù. Các thanh niên vô cùng can đảm này khiến người ta nhớ lại các nhà ly khai Liên Xô cũ trong ngục tù cộng sản. Trước khi bị biệt giam, Hoàng Chi Phong tuyên bố "Xà lim không thể giam giữ được tâm trí".
Trên 10.000 người đã bị bắt tại Hồng Kông trong 18 tháng qua vì đấu tranh cho dân chủ. Chính quyền mở đường dây nóng trên internet để tố cáo các dạng "ly khai", "nổi dậy", "thông đồng"… Một dân biểu đối lập gọi đây là "Cách mạng văn hóa 2.0". Tại Nghị Viện, không còn một dân biểu nào thuộc phe dân chủ, tất cả đã từ chức sau vụ bốn dân biểu đối lập bị loại. Ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch, năm, sáu nhà báo công dân bị bắt, Trần Thu Thực (Chen Quishi), youtuber tác giả nhiều phóng sự về các bệnh viện Vũ Hán trong thời kỳ đầu dịch khởi phát đã bị giam ở một nơi bí mật suốt một năm qua.
Việc CNN và Washington Post công bố một bản báo cáo mật về việc quản lý khủng hoảng ở tỉnh Hồ Bắc, cho thấy chính quyền cố ý giảm nhẹ tầm cỡ đại dịch và số lượng nạn nhân. Do Úc đòi điều tra quốc tế về nguồn gốc con virus, Trung Quốc trả đũa Canberra bằng cách bắt giam công dân Úc, ngưng mua hàng, áp thuế…
Bộ máy tuyên truyền còn lu loa rằng virus corona xuất xứ từ nước ngoài, và quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm. Đối với Bắc Kinh, nhìn nhận trách nhiệm gây ra đại dịch là đi ngược lại với tính chất của chế độ cộng sản được cho là bất khả chiến bại.
Do tố cáo việc xâm lăng Tiệp Khắc, bảy nhà ly khai Liên Xô biểu tình trên Quảng trường Đỏ ngày 25/08/1968 với băng-rôn "Vì tự do của các bạn và của chúng ta". Tất cả đều bị bắt bỏ tù hay tống vào nhà thương điên. "Vì tự do của họ và của chúng ta" phải là khẩu hiệu ủng hộ cho dân chủ Hồng Kông, theo tác giả. Trong một thế giới đan xen phức tạp mà Trung Quốc muốn là kẻ thống trị, những gì đang diễn ra tại mảnh đất nhỏ Châu Á cũng liên quan đến tương lai của phương Tây.
Quay lại với việc nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron bị nhiễm Covid, các báo cùng có chung nhận xét, tổng thống cũng là con người như bao người khác, thậm chí còn dễ bị lây nhiễm hơn vì phải tiếp xúc, hội họp liên tục.
Thông cáo vỏn vẹn 6 dòng chữ của Phủ tổng thống vào 10 giờ 28 phút hôm qua gây chấn động tại Paris cũng như nhiều thủ đô Châu Âu. Nghề nghiệp tổng thống buộc ông Macron có rất nhiều hoạt động, nhất là trong thời gian gần đây. Trước hết là cuộc họp thâu đêm giữa 27 nước kéo dài từ thứ Năm đến thứ Sáu 11/12, rồi sau đó là những buổi họp với Hội đồng Quốc phòng, nội các, ăn tối với những chính khách lãnh đạo đảng LREM, Modem… Thật ra tổng thống Pháp mãi đến nay mới cùng chung số phận với tổng thống Mỹ, Brazil, thủ tướng Anh đã là may mắn, vì trong đợt dịch đầu tiên ông đã từng tiếp xúc trực tiếp với đám đông trong suốt 20 phút, bắt tay nhiều người vô danh mà vẫn vô sự.
Theo điện Elysée, tổng thống Macron chỉ có những triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi, mệt mỏi ; ông đã đi cách ly tại Versailles bảy ngày và làm việc qua video, còn phu nhân xét nghiệm âm tính vẫn ở lại Phủ tổng thống. Nhiều chính khách thân cận vội vã đi xét nghiệm và tự cách ly dù âm tính. Một số nhà lãnh đạo Châu Âu như thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel và các đồng nhiệm Bỉ Alexander De Croo, Bồ Đào Nha Antonio Costa, Tây Ban Nha Pedro Sanchez, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng đã cách ly sau khi nghe tin.
Sức khỏe của nguyên thủ luôn là bí mật, chẳng những người tiền nhiệm François Mitterrand đã giấu kín căn bệnh ung thư nhiều năm trời, hay Jacques Chirac không cho biết về đột quỵ. Lần này với một tổng thống trẻ tuổi, khỏe mạnh, có lẽ chỉ là một lời cảnh báo của con virus : tất cả đều có thể bị lây nhiễm không chừa một ai, và như ông Macron đã nói "Phải sống chung với virus".
Thụy My
Thanh Hà, RFI, 18/12/2020
Nghị Viện Châu Âu ra nghị quyết tố cáo Trung Quốc đàn áp nhiều sắc tộc thiểu số, "vi phạm nhân phẩm, chà đạp các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, quyền tự do hội họp trong ôn hòa".
Nghị quyết được thông qua ngày hôm qua, 17/12/2020, với 604 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 57 nghị viên không tham gia cuộc biểu quyết. Văn bản không mang tính ràng buộc.
Thông cáo của Nghị Viện Châu Âu mạnh mẽ tố cáo Bắc Kinh cưỡng bức lao động đối với các cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ, người gốc Kazakhstan và Kirghistan. Các hành vi chà đạp nhân quyền này, theo của Nghị Viện Châu Âu "có thể được xem là tội ác chống nhân loại"
Nghị Viện Châu Âu do vậy kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức các vụ bắt giữ tùy tiện và không xét xử, ngừng những phiên tòa và những bản án hình sự nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ cũng như nhắm vào những cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi khác, đóng cửa các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, trả tự do vô điều kiện cho những người này".
Trên đài RFI, nghị viên người Pháp, Raphael Glucksman, một trong những gương mặt hàng đầu tố cáo chính sách đàn áp của Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, hy vọng rằng nghị quyết nói trên sẽ "khép lại bốn năm mà cộng đồng quốc tế, đặc biệt là lãnh đạo Châu Âu, đã nhu nhược và tỏ thái độ đồng lõa" với Bắc Kinh.
Vài giờ sau cuộc biểu quyết tại Nghị Viện Châu Âu, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Văn Bân, trong cuộc họp báo sáng nay 18/12/2020 tại Bắc Kinh, thông báo thỏa thuận bảo vệ đầu tư song phương mà Bruxelles và Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán từ 7 năm qua bước vào "giai đoạn cuối".
Văn bản này sẽ cho phép Trung Quốc và 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu thắt chặt quan hệ kinh tế trước khi Joe Biden chính thức lên cầm quyền tại Mỹ. Quan chức Trung Quốc này cho biết thêm, sau 10 vòng đàm phán trong năm 2020, đôi bên đã "đạt được những tiến bộ đáng kể". Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà ngoại giao Châu Âu.
Bruxelles đòi Bắc Kinh đối xử "bình đẳng" với các công ty Châu Âu hoạt động tại Hoa lục, đòi Trung Quốc tôn trọng các bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài và nhất là chấm dứt các vụ ép buộc chuyển giao công nghệ. Đây cũng là những khúc mắc chính trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung được chính quyền Trump khởi động từ 2018.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 18/12/2020
***********************
Thanh Hà, RFI, 17/12/2020
Ngày 17/12/2020, tám nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông bị truy tố vì tội "tham gia một cuộc tập hợp bất hợp pháp" sau khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực. Nhân danh đạo luật này hiện có hơn 10 ngàn dân Hồng Kông đang bị truy tố từ sau các cuộc xuống đường hồi 2019.
Trong số 8 bị cáo phải bị xét xử có cựu lãnh đạo một phong trào dân chủ Hồng Kông Hồ Chí Vĩ (Wu Chi Wai), hai cựu nghị viên Hồng Kông. Tính độc lập của tư pháp Hồng Kông càng lúc càng bị thu hẹp như ghi nhận của thông tín đài RFI Florence de Changy :
"Đành rằng vẫn có trường hợp thẩm phán Hồng Kông tha bổng bị cáo và chỉ trích cảnh sát không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy về những hành vi sai trái của người bị ra tòa, như trong trường hợp của một nữ bị cáo ngày hôm qua. Bà là trợ lý xã hội và đã được tha bổng. Tuy nhiên cảm tưởng chung ở đây là trước những bản cáo trạng dồn dập được tuyên, và đó thường là những hình phạt nặng nề, ngay cả trong trường hợp không xảy ra bạo lực, người dân Hồng Kông đang mất dần một trong những quyền cơ bản nhất đó là quyền tự do ngôn luận. Mark Simon, cánh tay phải của nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã kết luật như trên. Ông Lê Trí Anh tuần qua đã bị tạm giam cho đến tháng 4/2021. Mark Simon cho biết "tội của Lê Tí Anh là đã dám nói và dám viết. Họ muốn cấm ông ấy tiếp tục làm công việc đó. Người ta bỏ tù một ông cụ 72 tuổi chỉ vì ông ấy dám nói. Chỉ vậy thôi".
Công luận quốc tế biết đến nhiều trường hợp của những người nổi tiếng trong số hàng trăm ca khác cũng bị đưa ra trước vành móng ngựa. Một nhà đấu tranh, cô Chloé và cũng là người ủng hộ nhà hoạt động Khoái Tất (Tam Tak Chi) cho biết ông này bị tạm giam cho tới tháng 5/2021 vì đã dám "thì thầm" lên tiếng vì một khẩu hiệu mà có thể bị cấm. Chloé nói "tình hình tại Hồng Kông giờ đây thật là bất công. Chúng tôi không còn chút quyền tự do ngôn luận nào cả. Chính vì thế mà người dân phẫn nộ, họ cảm thấy bị bỏ rơi và họ tuyệt vọng". Những ai có điều kiện, thì bỏ xứ ra đi là hy vọng cuối cùng.
Cũng về tình trạng nhân quyền Hồng Kông hôm qua (16/12/2020) tư pháp cũng đã khởi tố 12 người đã tìm đường vượt biên sang Đài Loan hồi mùa hè vừa qua. Tám người trong số này bị ghép vào tội vượt biên bất hợp pháp và với tội danh này, họ có thể lãnh đến 7 năm tù giam.
Thanh Hà
Tú Anh, RFI, 10/11/2020
Thủy quân lục chiến Mỹ chính thức bắt đầu tập trận chung với Đài Loan để cải tiến khả năng tác chiến của quân đội hòn đảo này. Đây là lần đầu tiên từ 40 năm nay, quân đội Đài Loan nhìn nhận có các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Theo Newsweek và United Daily News, cuộc tập trận đổ bộ tại Cao Hùng được bộ tư lệnh Hải Quân Đài Loan mô tả là "như thông lệ", nhưng đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ được xác nhận chính thức có mặt trên lãnh thổ Đài Loan.
Một đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ cùng phương tiện đổ bộ đã đến Đài Loan từ ngày 26/10/2020, nhưng phải tuân thủ biện pháp cách ly hai tuần chống Covid-19.
Cuộc tập trận và huấn luyện kéo dài trong một tháng ở vùng tây nam của hòn đảo. Tuy nhiên, bộ tư lệnh hải quân Đài Loan từ chối cho biết thêm chi tiết.
Mỗi năm, biệt kích hải quân Mỹ cũng như lực lượng đặc biệt đều tham gia tập trận với Đài Loan. US Navy Seals ở Bành Hồ, căn cứ hỏa lực nằm trong eo biển Đài Loan, còn Lực lượng Mũ Xanh thao dượt tại vùng đồi núi miền trung hải đảo, theo Newsweek.
Thông tin này được Đài Loan công khai hóa chỉ vài hôm sau khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong những tháng gần đây, chính quyền Donald Trump đã tăng tốc bán vũ khí cho Đài Loan.
Trước tâm lý lo ngại Trung Quốc lợi dụng lúc chuyển giao quyền lực tại Washington để tấn công hòn đảo, Quốc hội Đài Loan đã mời cục trưởng Cục An Ninh ra điều trần. Theo đài phát thanh quốc tế Đài Loan RIT ngày 09/11/2020, cục trưởng Khưu Quốc Chính cho biết dù ai là Tổng thống thì Hoa Kỳ vẫn đi theo hướng ngăn chận Trung Quốc và thân hữu với Đài Loan, vì đó là chính sách cố hữu của nước Mỹ.
Cục An Ninh Đài Loan cho biết sẽ "theo dõi kỹ" tình hình eo biển, chính phủ sẽ có những đối sách ứng biến phù hợp để ngăn chận Trung Quốc vượt biển xâm nhập : "An nguy của mình phải do tự mình lo liệu trước, không hoàn toàn ỷ lại vào nước ngoài".
Tú Anh
*********************
Tú Anh, RFI, 10/11/2020
Washington thông báo trừng phạt thêm bốn quan chức Hồng Kông bị tố cáo chà đạp quyền tự do. Những người này bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ trong bối cảnh áp lực của Bắc Kinh ngày càng nghiêm trọng tại đặc khu.
Theo AFP, thông báo ngày 09/11/2020 của bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt này chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ xem những quan chức chủ chốt tại Hồng Kông là những người có trách nhiệm tiêu diệt các quyền tự do cơ bản của người dân cũng như đánh phá quyền tự trị của đặc khu.
Trong số bốn nhân vật bị đưa thêm vào sổ đen cấm visa nhập cảnh có Lý Giang Chu (Li Jiang Zhou) phó giám đốc văn phòng đặc trách an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hồng Kông và Lưu Tứ Huệ (Edwina Lau), chỉ huy trưởng một cơ quan an ninh địa phương.
Tài sản của họ, nếu có tại Hoa Kỳ, sẽ bị phong tỏa.
Trong danh sách đầu tiên, có hàng chục viên chức Hồng Kông, đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu.
Bắc Kinh cũng gia tăng áp lực siết chặt không gian tự do ngày càng hạn hẹp tại Hồng Kông. Hôm nay, một phóng viên điều tra có bút hiệu là Bao Choy, ra tòa với tội danh "lừa dối để truy tìm thông tin cảnh sát". Trong phóng sự truyền hình điều tra về vụ cảnh sát Hồng Kông làm ngơ để cho "côn đồ" tấn công một nhóm biểu tình ở quận Nguyên Lãng hồi tháng 7/2019, Bao Choy dựa vào hình ảnh tài liệu của cảnh sát truy ra được chủ nhân các chiếc xe chở toán hung thủ là chủ tịch các xã ngoại vi. Bao Choy có nguy cơ lãnh án 6 tháng tù, theo Reuters.
Còn hôm qua, trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông, toàn thể khoảng 20 đại biểu đối lập đe dọa sẽ từ nhiệm tập thể nếu ban thường trực Nghị Viện tước quy chế đại biểu của bốn đồng sự đối lập. Nhóm đại biểu dân chủ lên án chính quyền Hoa Lục "can thiệp một cách khôi hài" vào sinh hoạt lập pháp tại Hồng Kông.
Tú Anh
Thụy My, RFI, 03/11/2020
Hoa Kỳ hôm 02/11/2020 đã "cực lực lên án" việc bắt giữ nhiều thành viên phong trào dân chủ Hồng Kông, tố cáo chính quyền đặc khu "lạm dụng việc huy động lực lượng an ninh vì mục đích chính trị".
Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố : "Việc chính quyền Hồng Kông sách nhiễu và hăm dọa các đại diện của phong trào dân chủ, cũng như các mưu toan bóp nghẹt mọi phản kháng, là những minh chứng rõ ràng cho sự thông đồng giữa họ và Đảng cộng sản Trung Quốc".
Ông Pompeo nêu ra việc bắt giữ "tám đại diện của phong trào dân chủ"trong đó có"năm đại biểu đương nhiệm của Nghị Viện Hồng Kông".Các nhà đối lập này bị bắt hôm Chủ nhật vì đã "đối đầu" và "ngăn trở" công việc của các thành viên Nghị Viện, theo phía cảnh sát.
Theo ngoại trưởng Mỹ, đảng độc tài cầm quyền ở Bắc Kinh "muốn hủy bỏ quyền tự trị đã cam kết dành cho Hồng Kông và chấm dứt tôn trọng nhân quyền". Ông nhấn mạnh : "Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông tôn trọng quyền biểu lộ sự bất bình của người dân thông qua các đại diện được bầu lên của họ".
Được biết tám đương kim và cựu đại biểu bị bắt gồm có Hứa Chí Phong (Ted Hui), Hồ Chí Vĩ (Wu Chi Wai), Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan), Hoàng Bích Vân (Helena Wong), Chu Khải Địch (Eddie Chu), Trần Chí Toàn (Raymond Chan), Trương Siêu Hùng (Fernando Cheung), Quách Vĩnh Kiện (Kwok Wing Kin).
Tại Nghị Viện Hồng Kông, chỉ có phân nửa số dân biểu được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu, số còn lại được đề cử theo thể thức phức tạp nhằm bảo đảm đa số thân Trung Quốc.
Thụy My
**********************
Bảy chính trị gia thiên dân chủ ở Hong Kong bị bắt
BBC, 01/11/2020
Bảy chính trị gia theo đường lối dân chủ tại Hong Kong đã bị bắt giữ quanh vụ ẩu đả với các nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh tại Hội đồng Lập pháp của thành phố hồi tháng 5.
Ông Eddie Chu, trên cùng, nằm trong số những người bị bắt liên quan tới vụ đối đầu hồi tháng Năm
Cảnh sát nói họ bị cáo buộc tội danh coi khinh và quấy rầy các thành viên hội đồng.
Không có chính trị gia ủng hộ Bắc Kinh nào trong vụ ẩu đả bị bắt giữ.
Đây là vụ mới nhất trong loạt các vụ bắt bớ đối với những người chỉ trích Trung Quốc tại Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia mới được Bắc Kinh nhanh chóng áp dụng hồi tháng Sáu.
Thông cáo của cảnh sát nói rằng sáu đàn ông và một phụ nữ đã bị bắt giữ như một phần trong cuộc điều tra về phiên họp hôm 8/5, sự kiện sau trở thành vụ ẩu đả quanh tranh cãi về việc ai kiểm soát một ủy ban then chốt trong cơ quan lập pháp.
Những người bị bắt gồm có Wu Chi-wai, Andrew Wan Siu-kin và Helena Wong Pik-wan của Đảng Dân chủ, và Fernando Cheung Chiu-hung cùng Kwok Wing-kin của Đảng Lao động.
Các nhà cựu lập pháp Eddie Chu Hoi-dick và Raymond Chan Chi-chuen cũng bị bắt giữ vào sáng Chủ Nhật.
Họ đối diện với mức án tù một năm, nếu bị kết tội.
Họ nằm trong nhóm các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, những người đã tìm cách xông vào vị trí ghế ngồi của chủ tịch Hội đồng Lập pháp sau khi các thành viên thân Bắc Kinh trong Hội đồng cố tình đưa một trong những chính trị gia của họ vào vị trí lãnh đạo ủy ban sau nhiều tháng bế tắc.
Ông Chu đã bị bốn nhân viên an ninh nắm chân nắm tay khiêng ra khỏi phòng sau khi ông tìm cách tới vị trí ghế chủ tịch.
Một chính trị gia ủng hội Bắc Kinh được ghi lại trong đoạn truyền hình trực tiếp đang nắm cổ áo ông Chan lôi đi sềnh sệch.
"Một số nhà lập pháp đã xông vào phía các nhân viên an ninh vây quanh kẻ hung hăng và khiến cho cuộc họp không thể nào diễn ra", chánh thanh tra cảnh sát Chan Wing-yu nói với các phóng viên hôm Chủ nhật.
Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập đã đặt câu hỏi vì sao không có nhà lập pháp nào của phía bên kia bị cáo buộc hay điều tra gì.
Đảng Dân chủ miêu tả các vụ bắt giữ là "tùy tiện", và nói thêm : "Chúng tôi sẽ không lùi bước trong việc đối diện với thể chế độc đoán".
Vụ việc xảy ra hôm 8/5 là vụ đầu tiên trong loạt các cuộc đối đầu tại Hội đồng Lập pháp quanh chuyện ai sẽ có quyền ra các dự luật gây tranh cãi, trong đó có một dự luật sau đó đã được thông qua hồi tháng Sáu, với nội dung hình sự hóa việc không tôn trọng quốc ca.
Trong một diễn biến riêng rẽ hồi tuần rồi, nhà hoạt động tuổi teen Tony Chung trở thành người thứ hai bị cáo buộc theo luật an ninh mới, là luật khiến cho việc trừng phạt những người biểu tình trở nên dễ dàng hơn và trao cho Bắc Kinh thêm quyền lực mới trong việc định đoạt cuộc sống tại vùng lãnh thổ này.
Luật mới đã bị các nước phương tây và các tổ chức nhân quyền lên án rộng rãi. Những người chỉ trích nói rằng luật này đang kết liễu những quyền tự do lẽ ra được đảm bảo duy trì trong vòng 50 năm sau khi nước Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc hồi 1997.
Việc luật an ninh mới được nhanh chóng ban hành khiến có nhiều cảnh báo rằng luật sẽ được sử dụng để nhắm vào các cuộc biểu tình trong tương lai bên trong Quốc hội, với những mức hình phạt hà khắc hơn nhiều - án tù từ 10 năm cho tới chung thân - phóng viên BBC John Sudworth từ Bắc Kinh tường thuật.
Những cuộc theo dõi, các vụ bắt bớ người đối lập ngày càng nhiều, với cáo buộc "thông đồng với thế lực nước ngoài". Phải chăng Hồng Kông đang sống trong những ngày tự do cuối cùng ?
Đang trong mùa hè, tuy nhiên chỉ có tuần báo L’Obs chọn chủ đề "Khi tình bạn cũng mạnh mẽ như tình yêu". Hồ sơ của L’Express nói về"Dân túy Châu Âu : Berlusconi, người nổi bật nhất", Courrier International phân tích"Mạng xã hội làm hủy hoại dân chủ".Riêng Le Point đăng ảnh hai nhà hoạt động nổi tiếng của Hồng Kông là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Chu Đình (Agnes Chow), chạy tựa"Những ngày cuối cùng của Hồng Kông"với dòng tít nhỏ phía trên"Những nền văn minh đã chết đi như thế nào".
Các nhà hoạt động bị theo dõi ráo riết
Hồ sơ của Le Point mở đầu bằng bài viết về những cuộc theo dõi, các vụ bắt bớ người đối lập ngày càng nhiều với cáo buộc "thông đồng với thế lực nước ngoài",mà tuần báo Pháp gọi là"Những ngày cuối cùng của Hồng Kông".
Gọi ai đây nếu có những kẻ khả nghi theo dõi bạn suốt nhiều ngày ? Câu hỏi này đang ám ảnh các nhà đấu tranh ở Hồng Kông. Tối thứ Sáu 14/08, dân biểu Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi Fung) 38 tuổi, nhận ra một chiếc Mazda đen theo đuôi đến tận nhà. Anh quyết định đối mặt với những người này, nhưng họ dấn lên, tìm cách tông vào anh. Hàng xóm quay lại cảnh này và báo cảnh sát. Nhưng rốt cuộc cảnh sát nói những người trong chiếc xe này là "nhà báo", và khi Hứa Trí Phong chận chiếc Mazda lại, chính anh lại bị nhân viên công lực đè ngã xuống đất.
Hoàng Chi Phong biết rõ hiện tượng này từ rất lâu : anh bắt đầu bị theo dõi cách đây 8 năm, nghĩa là lúc mới 15 tuổi, bởi các "nhà báo" thân Bắc Kinh ! Bốn chiếc xe theo đuôi, và một người đi mô-tô phối hợp bằng bộ đàm. Chu Đình, cũng 23 tuổi, hôm 09/08 đăng lên Facebook cho biết "có nhiều người khả nghi" thay phiên giám sát trước nhà cô, và tối hôm sau thiếu nữ này bị bắt ngay sau vụ bố ráp tỉ phú Lê Trí Anh.
South China Morning Post dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nhiều vụ câu lưu có liên quan đến một cuộc quyên góp năm 2019 trên trang web GoFundMe và Standwithhk.org. Tên của chương trình này là "Laam Caau" ("Lãm Sao" – hãy cháy lên cùng nhau), nhằm vận động quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, để trừng phạt Bắc Kinh. Chương trình đã quyên được trên 1,5 triệu euro, trong đó chỉ có 115.000 euro là từ nước ngoài để tài trợ cho việc đăng quảng cáo và các bài diễn đàn tại nhiều nước.
Theo người biểu tình, chiến dịch này đã mang lại hiệu quả : Hoa Kỳ chấm dứt chế độ ưu đãi và "Made in Hong Kong", 11 nhà lãnh đạo bị trừng phạt, Anh mở cửa cho người Hồng Kông sang tị nạn. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc coi đây là sự "phản bội". Ông Lê Trí Anh cùng người thân bị cáo buộc tham gia chiến dịch "Lãm Sao", Chu Đình và hai nhà hoạt động bị bắt vì cho là có dính líu (nhưng theo Hoàng Chi Phong thì thông tin về cô là sai lạc).
Đối với người dân Hồng Kông, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, hơn bao giờ hết, là "bảo hiểm nhân thọ" cho họ. Bắc Kinh với luật an ninh quốc gia dễ dàng đè bẹp phong trào dân chủ, nhưng chừng như vẫn chưa dám áp dụng hoàn toàn. Trước làn sóng ủng hộ, tất cả những người bị bắt hôm 10/08 đều được tại ngoại hầu tra.
Dù bị áp lực rất lớn, phe dân chủ vẫn quyết không lùi bước. Hôm 11 và 12/07, khi huy động được đến 600.000 cử tri đi bầu, đối lập đã chứng tỏ vẫn luôn tập hợp được lòng dân. Lấy cớ dịch bệnh, chính quyền Hồng Kông đã hoãn lại kỳ bầu cử Nghị Viện một năm, và từ giờ cho đến lúc đó, các lãnh tụ đối lập hẳn sẽ đối mặt với một loạt vụ khởi tố.
Trong bài trả lời phỏng vấn, nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong đặt câu hỏi "Liệu thế giới có bảo vệ cho Hồng Kông hay không ?".
Lãnh tụ sinh viên cho biết, vụ ông Lê Trí Anh và cô Chu Đình bị bắt là một cú sốc đối với anh. Bảy giờ rưỡi sáng hôm đó, có người gọi lại hỏi anh có bị bắt hay chưa, và loan báo sự kiện. Hoàng Chi Phong cho rằng mục tiêu tiếp đến rất có thể là mình, nhưng anh quyết chiến đấu cho đến phút cuối, và mọi sự còn tùy thuộc vào phản ứng của quốc tế.
Bài viết của thông tín viên Le Point tại Hồng Kông mang tựa đề "Ngày vinh quang của Apple Daily" thuật lại chi tiết hôm ông chủ báo Lê Trí Anh (Jimmy Lai) bị bắt, tòa soạn bị khám xét và nhận định, kể từ nay tờ báo đối lập của Hồng Kông là hiện thân của tự do báo chí.
Tổng biên tập La Vĩ Quang (Ryan Law Wai Kwong) kể lại, vào lúc 7 giờ 15 sáng 10/08, ông nhận được cái tin đã lo sợ từ lâu : ông chủ báo Lê Trí Anh bị bắt. La Vĩ Quang lập tức yêu cầu các phóng viên đến nhà ông Lê để tường thuật sự việc, còn mình thì cấp tốc đến tòa soạn. Ông đã dự cảm đúng : 9 giờ 45 phút, cảnh sát bao vây trụ sở tập đoàn Next Digital, công ty mẹ của Apple Daily, ở ngoại ô Hồng Kông.
Có đến 200 cảnh sát viên ập vào tòa báo, xét giấy tờ các phóng viên, lục soát khắp nơi trong khi luật pháp Hồng Kông cấm tịch thu "dụng cụ hành nghề của các nhà báo". Một hành động chưa có tiền lệ ! La Vĩ Quang ra lệnh đưa tin trực tiếp trên YouTube, hàng ngàn người đã theo dõi vì chỉ có Apple Daily mới tường thuật được từ bên trong. Đến 11 giờ, tỉ phú Lê Trí Anh bị áp giải đến tòa soạn, cảnh sát khám xét văn phòng ông và mang đi khoảng 30 thùng "tang vật" gồm máy tính, hóa đơn…
La Vĩ Quang tự hỏi, có cần đến 200 cảnh sát để lục soát văn phòng ban giám đốc và bộ phận kế toán hay không ? Đương nhiên chính quyền đã vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, cú đòn này nhằm ngăn cản Apple Daily ra báo. Dù sau nhiều tiếng đồng hồ các phóng viên mới được quay lại làm việc, nhưng Apple Daily đã chốt được số báo lịch sử, hầu hết tập trung vào vụ tòa soạn bị bố ráp !
Tờ báo chạy hàng tựa lớn màu đỏ "Chúng tôi tiếp tục chiến đấu", với tấm ảnh ông Lê Trí Anh bị còng tay. Ấn bản này được bán đến trên 500.000 bản, thay vì 70.000 như thường lệ. Các độc giả trung thành mua nhiều tờ để phân phát, số khác đi ăn ở hai nhà hàng của gia đình ông Lê để ủng hộ. Những ngày sau đó, độc giả bỏ tiền đăng quảng cáo, mua cả trang để đăng những câu như "Yêu Hồng Kông biết bao !" "Chúng tôi dành cuộc đời cho tự do"… Giá cổ phiếu của Next Digital tăng gấp 20 lần trong vòng 24 giờ, trước khi sụt xuống "chỉ" còn cao gấp 5 lần.
Sinh tại Quảng Đông, gần một năm sau khi Mao thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, năm 11 tuổi Lê Trí Anh cùng gia đình sang Hồng Kông bất hợp pháp bằng tàu đánh cá để chạy trốn nạn đói trong Đại Nhảy Vọt. Nhà sử học (Grace Leung) nhận định, đi lên từ bàn tay trắng, Lê Trí Anh, ông muốn đền đáp cho thành phố đã cưu mang mình. Vụ thảm sát Thiên An Môn gây xúc động lớn Lê Trí Anh, lúc đó đang là chủ công ty may Giordano, ông bèn cho in lên áo thun các khẩu hiệu cổ vũ tự do. Người dân Hồng Kông đổ xô mua áo, và từ đó tự do trở thành giá trị tối thượng nơi đặc khu.
Năm 1990, ông bán Giordano và cho ra đời Apple Daily, tờ báo nhanh chóng trở thành một trong hai nhật báo lớn nhất Hồng Kông. Lê Trí Anh dự báo khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, những tờ báo cạnh tranh sẽ tự kiểm duyệt, trong khi Apple Daily luôn trung thành với tinh thần phản biện.
Trong những năm 2010, Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn hơn, cấm các công ty đăng quảng cáo trên Apple Daily. Cộng với cuộc khủng hoảng chung của báo chí, đến năm 2018 Next Magazine ngưng ra báo giấy, và trong năm tài chính 2019-2020, tập đoàn bị lỗ trên 415 triệu đô la Hồng Kông (45 triệu euro). Nhà tỉ phú chống chọi được nhờ các món đầu tư địa ốc, và tuyên bố "sẽ tiếp tục cho đến khi phá sản". Bà Lương Lệ Quyên không ngần ngại khẳng định, "Apple Daily giờ đây trở thành biểu tượng cho tự do báo chí" sau vụ bố ráp ngày 10/08.
Courrier International dịch một bài báo của Apple Daily, nói về"Lê Trí Anh, sự hy sinh của một nhà tỉ phú cho tự do báo chí".
Tác giả nhắc lại một câu nói của ông Lê Trí Anh : "Tất cả những gì tôi sở hữu hôm nay là nhờ tự do mà Hồng Kông có được". Nhà tỉ phú lăn xả bất chấp hiểm nguy cho mình và cho người thân. Nhà văn Đài Loan Nhan Trạch Nhã (Joyce Yen) viết trên Facebook : "Khi thấy Lê Trí Anh thu hút báo chí ngoại quốc như thế nào, và hình ảnh đầy can đảm của ông, tôi nghĩ rằng ông rất có cơ hội giành được giải Nobel hòa bình năm tới".
Sẽ có những người trẻ ở đặc khu không đồng ý với ý kiến trên, vì Lê Trí Anh không ủng hộ Hồng Kông độc lập. Tuy nhiên khi ra tay trấn áp, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã "phong thánh" cho ông.
Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc đàn áp Hồng Kông
Tuần báo The Economist khẳng định"Các nhà cai trị Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc đàn áp Hồng Kông", vì tác động sẽ vô cùng lớn trên lòng tin của người nước ngoài dành cho Bắc Kinh. Chính phủ và người dân các nước phương Tây không thể thay đổi được chọn lựa của Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, nhưng họ có quyền rút ra kết luận.
Trung Quốc muốn trở thành siêu cường công nghệ, bán mạng lưới 5G cho toàn thế giới, bán các nhà máy điện nguyên tử, và biết đâu sắp tới là vaccin chống virus corona. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh muốn có chỗ đứng cao nhất trên các diễn đàn quốc tế, các trường đại học Trung Quốc muốn có đối tác khắp các nước. Những tham vọng này là hợp lý, nhưng còn tùy thuộc rất nhiều vào lòng tin. Và việc đàn áp Hồng Kông đã gây tác động hết sức lớn lao trên sự tin cậy của người ngoại quốc đối với Trung Quốc.
Về Đông Âu, cây bút bình luận Pierre Haski trên tuần báo L’Obs cám cảnh cho"Sự cô đơn của người dân Belarus".
Tác giả nhận xét, những hình ảnh của một dân tộc đang phải đấu tranh cho tự do thật ấn tượng và đầy xúc động. Cuộc nổi dậy chưa từng có sau vụ gian lận bầu cử quá đáng, với một ứng cử viên bất ngờ là Svetlana Tikhanovskaya, đã khiến dấy lên những lời kêu gọi ủng hộ tại các nước cộng sản cũ. Tuy nhiên có ba thực tế khiến những người biểu tình Belarus phải đơn độc.
Trước hết, đó là sự quay trở lại của "vùng ảnh hưởng" mà chiến tranh lạnh chừng như đã chôn vùi. Putin đã thành công trong việc tái lập một "không gian sinh tồn" xung quanh Nga, và đã giương móng vuốt như ở Gruzia năm 2008 và Ukraina năm 2014 để khối Liên Xô cũ không bị xói mòn. Thế nên lẽ tự nhiên là nhà độc tài Alexander Lukashenko quay sang Moskva để tìm sự giúp đỡ dù quan hệ hai nước có lấn cấn. Putin có thể quyết định cứu Lukashenko theo logic "vùng ảnh hưởng", hoặc bỏ rơi nếu thấy "cuộc cách mạng"Belarus không làm mất đi thế quân bình về địa chính trị.
Thứ hai, Châu Âu một lần nữa lại phải lên tuyến đầu trong khi vũ khí trừng phạt ít hiệu quả. Ba Lan và các nước Baltic muốn đi xa hơn, nhưng vấp phải sự do dự thường lệ trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Sự chia rẽ trong Liên hiệp lại càng thấy rõ : Hy Lạp chặn thông cáo chung của EU về Belarus vì cho rằng đã không được bênh vực đến nơi đến chốn trước Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ biển Aegea (Égée theo tiếng Pháp).
Thực tế thứ ba đang đè nặng lên Belarus là sự vắng mặt của Hoa Kỳ, vào lúc cận kề bầu cử tổng thống, dịch bệnh hoành hành, xã hội Mỹ chia rẽ. Người Belarus hiểu rằng họ cô đơn, nhưng vẫn chiến đấu với nhà độc tài, khiến người ta nhớ đến Budapest năm 1956 hay Praha năm 1968.
Cũng liên quan đến Belarus, Courrier International dịch lại bài viết của Den, một tờ báo Ukraine, cho rằng sắp tới sẽ là một kịch bản theo kiểu Công đoàn Đoàn Kết. Belarus là quốc gia Đông Âu duy nhất có tầng lớp công nhân rất đông đảo, giai cấp vô sản này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phong trào.
Tại khắp các thành phố Belarus, các nhà máy lần lượt đình công, từ ngành hóa chất, giao thông cho đến thực phẩm, trong đó có những nhà máy lớn nhất nước. Đối với tổng thống Lukashenko, kỹ nghệ nặng luôn có vị trí quan trọng. Ông có thói quen đi thăm các xưởng máy, với các ống kính truyền hình đi kèm, ca ngợi mô hình phát triển của đất nước.
Trong suốt 25 năm qua, Alexander Lukashenko đã thành công trong việc duy trì ở Trung Âu một chế độ độc tài theo mô hình xô-viết cũ, trừ một điều là quyền hành không nằm trong tay Đảng cộng sản mà do tổng thống và tầng lớp tinh hoa nắm giữ. Nhưng ông thất bại ở một điểm : không biết ra đi đúng lúc. Thế hệ trẻ không còn chịu đựng được việc đất nước ròng rã nhiều năm chỉ luôn được một khuôn mặt đã lỗi thời đại diện. Các công ty quốc doanh nay đã tham gia phong trào phản kháng, với một "kẻ thù giai cấp" duy nhất : Lukashenko.
Thụy My
Vụ tấn công khủng bố ở Nigeria sát hại 8 nhân viên hoạt động nhân đạo trong đó có 6 người Pháp, nước Pháp cảm thấy lại bị khủng bố tấn công ; cuộc bầu cử tổng thống Belarus đang làm dấy lên làn sóng phản kháng chưa từng có ở quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ này và tình hình Trung Quốc, từ Hồng Kông, Đài Loan đến cuộc đọ sức với Mỹ… Đó là những chủ đề được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay phản ánh.
Trước hết xin được đến với các bài về Trung Quốc. Sự kiện mới nhất được các báo quan tâm là vụ bắt giữ nhà tài phiệt truyền thông Hồng Kông, Lê Trí Anh (Jimmy Lai) hôm 10/08/2020. Ngay lập tức các báo đều nhận ra đây là một đòn trấn áp của Trung Quốc đánh vào quyền tự do báo chí. Nhật báo Le Figaro và Libération đều có chung hàng tựa : "Bắc Kinh chà đạp quyền tự do báo chí ở Hồng Kông".
Le Figaro gọi hôm qua là một "ngày đen tối đối với tự do báo chí Hồng Kông", khi hàng trăm cảnh sát ập vào khám xét tòa soạn báo Apple Daily của ông Lê Trí Anh, bắt giữ nhà tài phiệt truyền thông nổi tiếng có quan điểm chống lại chính sách trấn áp các quyền tự do của Bắc Kinh. Ông bị quy tội "thông đồng với thế lực bên ngoài" và "gian lận".
Cả ngày hôm qua mạng xã hội ở Hồng Kông tràn ngập hình ảnh nhà tỷ phú bị còng tay bắt đi và cảnh hàng trăm cảnh sát "tập kích" vào tòa soạn báo Apple Daily của ông. Cảnh tượng giống như một cuộc trấn áp tội phạm nguy hiểm. Le Figaro cho biết 7 lãnh đạo các cơ sở truyền thông, trong đó có 2 con trai của Lê Trí Anh, cũng bị bắt giữ và cảnh sát cho bết có thể sẽ còn bắt thêm nhiều người nữa.
Le Figaro nhận định, vụ bắt giữ này "không có gì ngạc nhiên. Lê Trí Anh, 72 tuổi, là biểu tượng kháng cự của Hồng Kông trước Bắc Kinh. Ông đã trong tầm ngắm của đảng cộng sản Trung Quốc từ nhiều năm qua", vì có lập trường đối lập với chế độ Hoa Lục và nhất là có quan hệ rất tốt với chính quyền Mỹ.
Báo chí của đảng ở Hoa Lục đã nhiều lần chỉ trích nhà tỷ phú là "thế lực hắc ám" hay "kẻ phản bội". Năm ngoái, ông cũng đã từng bị bắt vì ủng hộ cuộc biểu tình của người Hồng Kông kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Tờ báo khẳng định vụ bắt giữ này là tiếp nối các hành động trấn áp quyền tự do ngôn luận bằng bộ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa cho áp dụng ở Hồng Kông. Còn Libération thì nhấn mạnh : "Bắt giữ nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Jimmy Lai và khám xét tòa soạn báo của ông ở Hồng Kông, cảnh sát cho thấy họ đang khóa miệng một trong những tiếng nói hiếm hoi chỉ trích chế độ độc tài Trung Quốc".
Tờ báo bình luận : "Một ông chủ báo chí bị còng tay, một ban biên tập bị hàng trăm cảnh sát phong tỏa hàng giờ : Đó là diện mạo của báo chí Hồng Kông một tháng sau khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt được ban hành… Đặc khu hành chính này đã vĩnh viễn mất đi quyền miễn trừ đặc biệt trong lĩnh vực báo chí".
Libération cho biết, trên một diễn đàn đăng trên nhật báo Mỹ New York Times, nhà tỷ phú truyền thông này đã viết : "…từ khi Hồng Kông trở lại dưới ách Trung Quốc năm 1997, tôi đã sợ rằng có ngày đảng cộng sản Trung Quốc sẽ không để cho báo chí và cả người dân Hồng Kông được tự do. Cái ngày ấy đã đến".
Vẫn trên Libération, hồ sơ sự kiện chính của tờ báo là quan hệ Mỹ -Trung qua sự kiện TikTok, đã được truyền thông khắp thế giới nói đến rất nhiều trong những ngày qua.
Trang bìa của tờ báo dành cho hình ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp trước đây dưới hàng tự lớn : "TikTok : Chiến thuật của sen đầm Trump". Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gia hạn cuối cùng cho công ty Trung Quốc sở hữu mạng xã hội TikTok phải bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ nếu không muốn bị cấm cửa ở Hoa Kỳ.
Tối hậu thư của ông Trump đã khiến chế độ cộng sản Bắc Kinh nổi đóa vì Trung Quốc hiểu ngay rằng đang bị Washington tấn công trên mọi mặt trận, lần này là lĩnh vực công nghệ số. Libération đặt câu hỏi vụ việc này chỉ là một đòn ra oai của Donald Trump phục vụ tranh cử, hay đây là bước dạo đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới ? Dẫu sao trận đấu này cũng cho thấy một trò gây ảnh hưởng thời công nghệ số.
Libération nhận định, vụ việc phản ánh các căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc này mang tầm vóc cuộc cạnh tranh địa chiến lược nghiêm trọng, "nó báo hiệu một phiên bản công nghệ của cuộc chiến tranh lạnh và một khả năng có thể xé lẻ Internet", theo Ian Bremmer lãnh đạo công ty phân tích rủi ro Eurasia Group, được tờ báo trích dẫn.
Mặt khác theo Libération thì vụ việc này cũng là một phiên bản Mỹ về "chủ quyền không gian mạng", điều mà vẫn được chủ trương trong các chế độ toàn trị như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, những nơi đã cấm cửa Facebook, Twitter và Google hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Tờ báo dẫn lời giáo sư về truyền thông số thuộc Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh, Hoa Kỳ nhận định về động thái của chính quyền Trump : "Đây là chính sách thù địch có tầm nhìn ngắn, làm hỏng hình ảnh của Hoa Kỳ và sự họp tác không thể thiếu trong lĩnh vực công nghệ".
Xã luận của Libération nhận xét : Tổng thống Mỹ rất ghét bị xỏ mũi, với ông Trump, ứng dụng của Trung Quốc đang làm một bộ phận giới trẻ Mỹ thích thú này là một sự khiêu khích thực sự. Nhất là khi ứng dụng được sử dụng để kêu gọi tẩy chay cuộc mít tinh tranh cử của ông. Đó là nguồn gốc quyết định cấm TikTok tại Hoa Kỳ. "Cuộc đọ sức này liệu có kéo dài cho đến tận sau cuộc bầu cử Mỹ ? Dẫu sao thì ta vẫn thích hai cường quốc hàng đầu thế giới đánh nhau bằng mạng xã hội hơn là bằng tên lửa", Libération kết luận.
Liên quan đến quan hệ Mỹ Trung, nhưng trong vấn đề Đài Loan, nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến sự kiện bộ trưởng Y tế Mỹ vừa tới thăm Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.
Les Echos ghi nhận : "Ủng hộ Đài Loan : Washington mở mặt trận mới với Bắc Kinh". Theo tờ báo, việc một bộ trưởng Mỹ tới thăm Đài Loan lần đầu tiên kể từ 1979, năm Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan để nhượng bộ Trung Quốc, là một động thái khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền đảo Đài Loan, bất chấp các phản ứng của Bắc Kinh.
Rõ ràng chuyến thăm Đài Loan 3 ngày của bộ trưởng y tế Mỹ Alex Azar mang tính chính trị rất cao cho dù dưới lý do là hợp tác y tế song phương, trong bối cảnh Đài Loan đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn Mỹ thì đang loay hoay không làm sao khống chế được dịch.
Nhưng chuyến đi ẩn giấu một tham vọng của chính quyền Washington : Khơi dậy mối quan hệ về an ninh giữa Hoa Kỳ và hòn đảo độc lập. Mặt khác, giữa thời điểm quan trọng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Trump muốn chứng tỏ ông luôn sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh trên mọi mặt trận, điều mà đảng Dân chủ quá mềm yếu, như ông vẫn chỉ trích.
Donald Trump cũng muốn cho thấy ông là người duy nhất bảo vệ nước Mỹ trước các đe dọa từ Trung Quốc. Bởi thế ông đã mở mặt trận với Trung Quốc trên đủ các hồ sơ : Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, công nghệ số với Hoa Vi, TikTok, WeChat và ông vẫn còn chưa cạn nguồn để đấu lại Trung Quốc.
Từ nay đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, chuyến thăm Hoa Kỳ đáp lễ của bộ trưởng Y tế Đài Loan sẽ là một đòn hay ho cho tổng thống Donald Trump. "Mục tiêu là đẩy Trung Quốc vào khủng hoảng nhằm chứng minh rằng đảng Dân chủ sẽ bất lực khi Bắc Kinh đe dọa", Les Echos nhận định.
Chuyển qua với một thời sự nóng đáng diễn ra ở quốc gia đông Âu thuộc Liên Xô cũ, cuộc bầu cử tổng thống Belarus. Các báo đều ghi nhận : Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Belarus hôm Chủ nhật vừa qua là tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 80% phiếu bầu. Còn hệ quả là biểu tình phản đối, ít nhất một người chết, hàng chục người bị thương và hơn 3 nghìn người bị câu lưu ngay trong tối công bố kết quả Chủ nhật, 10/08. Les Echos chạy tựa : "Loukachenko tái đắc cử tại Belarus, nhưng dân chúng không thừa nhận". Trong khi đó tựa của Libération : "Belarus : Đường phố kháng cự, Loukachenko trấn áp".
Tờ báo cho biết : Sau khi những kết quả kiểm phiếu đầu tiên cho thấy vị tổng thống nắm quyền từ 1994 lại tái đắc cử, các cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra ở hàng chục thành phố của Belarus. Đối lập kêu gọi một cuộc tổng đình công.
Xã luận Le Monde chạy tựa : "Chối bỏ dân chủ ở Belarus". Tờ báo ghi nhận, vậy là Alexandre Loukachenko, từ một lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp lên cầm quyền sau khi Liên Xô sụp đổ, đã độc chiếm ngôi trị vì Belarus. Không có gì ngạc nhiên khi nhà độc tài này tuyên bố đắc cử với trên 80% phiếu, trong khi đối thủ của ông bà Svetlana Tsikhanovskaia chỉ đạt 9,9% phiếu, mặc dù bà khẳng định đạt đa số phiếu bầu.
Theo Le Monde, không thể coi cuộc bầu cử này là dân chủ, khi mà trước bầu cử hàng loạt các ứng viên đối lập bị bỏ tù, các phòng phiếu được tổ chức không có sự giám sát, báo chí nước ngoài bị cấm, cử tri ở các địa phương bị hăm dọa…
Cuộc bầu cử ở Belarus lần này là dịp để lôi cuốn sự chú ý của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền bị vi phạm đã thành hệ thống ở đất nước chỉ có hơn 9 triệu dân, nằm lọt giữa Nga và Ba Lan này.
Một điểm khác là phản ứng của dân chúng về kết quả bầu cử cho thấy người dân Belarus đang mong muốn thay đổi chính trị sâu sắc ở đất nước này. Xã luận của Le Monde kêu gọi : "Liên Hiệp Châu Âu, được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, phải giúp đỡ xã hội dân sự Belarus lựa chọn số phận. Các nước Châu Âu phải rút ra những hệ quả chính trị kinh tế từ cuộc bầu cử trò hề này và từ việc trấn áp biểu tình phản đối cuộc bầu cử phi dân chủ này".
Anh Vũ
Dẫu biết trước hai năm rõ mười rằng họ sẽ bị bắt nhưng khi tình huống ấy xảy ra nhiều người thật sự hụt hẫng, có cái gì đổ vỡ trong sâu thẳm mặc dù Agnes Chow (Châu Đình) và Jimmy Lai (Lê Trí Anh) lên xe tù một cách thản nhiên, thậm chí gần như thách thức.
Jimmy Lai và Agnes Chow vừa được trả tự do ngày 11/08/2020
Khi Luật An ninh quốc gia được Quốc hội Trung Quốc thông qua thì số phận của Hong Kong xem như đã được định đoạt. Nathan Law (La Quán Thông) là một trong những lãnh đạo cao nhất của phong trào Demosisto rời khỏi Hong Kong sang Anh tỵ nạn. Hoàng Chi Phong, Chu Đình cũng như các bạn bè của họ rút ra khỏi tổ chức Demosisto và sau đó tuyên bố giải tán tổ chức này. Hành động mang tính đối phó ấy không ngăn được thủ đoạn nhổ cỏ tận gốc của Bắc Kinh khi guồng máy của họ ở Hong Kong tiếp tục truy đuổi, sách nhiễu, bắt bớ và sáng ngày 10 tháng 8 hai người nổi bật nhất trong phong trào tranh đấu một già một trẻ cũng bị bắt.
Người già là tỷ phú Jimmy Lai, 71 tuổi, người bỏ cả cuộc đời ra vừa làm giàu vừa tranh đấu bảo vệ người Hong Kong, những đồng bào của ông bị trói buộc vì hành vi xâm phạm dân chủ một cách có hệ thống của Bắc Kinh thông qua chính quyền do họ thao túng tại đặc khu hành chánh. Jimmy Lai là một hình ảnh đặc biệt và hiếm hoi, bởi xuất thân và chí hướng của ông là kim chỉ nam cho giới trẻ Hong Kong trong những tháng ngày tranh đấu vừa qua.
Từ đại lục trốn sang Hong Kong từ khi 12 tuổi hơn ai hết ông hiểu rõ dã tâm của Bắc Kinh đối với Hong Kong không bao giờ thay đổi. Là một tỷ phú ông không trùm chăn hay ngậm miệng ăn tiền mà trái lại đã hy sinh thời gian, tiền bạc đứng phía sau mọi phong trào của người dân Hong Kong chống lại độc tài từ đại lục. Là một tỷ phú trong giới truyền thông ông có dư cơ hội để ra nước ngoài tiếp tục giúp Hong Kong tranh đấu nhưng ông chọn ở lại với họ như một minh xác cho thái độ của ông trước sự đàn áp bạo tàn của chế độ Bắc Kinh.
Hành động ấy đã làm nhức nhối con tim của bảy triệu người Hong Kong khi họ xem đoạn phim ông bị bắt.
Cùng với Jimmy Lai, ở một địa điểm khác là Châu Đình, 24 tuổi, với dáng dấp nhỏ bé sở hữu một khuôn mặt ngây thơ và khả ái nhưng cứng cỏi đã bình thản bước lên xe cảnh sát để về trại giam với tội danh vi phạm Luật An ninh quốc gia. Cả Hong Kong bừng tỉnh giấc sau một đêm theo dõi tin tức. Hai cánh cửa xe tù khép lại nhưng trang sử tranh đấu cho Hong Kong tiếp tục mở ra một chương khác ghi đậm dấu ấn của nhà tù, bạo lực và đàn áp.
Châu Đình chắc chắn không phải là người đầu tiên trong tổ chức Demosisto bị bắt vì vẫn còn hàng trăm thanh thiếu niên khác sẵn sàng bước chân vào nhà tù không hề hối tiếc, trong đó chắc chắn nhất vẫn là Hoàng Chi Phong, linh hồn của Dù vàng cũng như những cuộc biểu tình tranh đấu không ngưng nghỉ của người dân Hong Kong.
Người cộng sản có rất nhiều kinh nghiệm về đàn áp và giam giữ người chống đối nhưng chắc rằng họ sẽ rất bối rối khi một ông già tỷ phú chấp nhận vào tù chứ cương quyết không chịu bỏ đi. Họ cũng sai lầm và khó đối phó với một người trẻ tuổi và không hề run sợ bạo lực như Châu Đình, bởi có làm gì chăng nữa thì song sắt nhà giam không thể khống chế tư tưởng và nghị lực của cô, và nhà giam là nơi khuếch trướng tư tưởng và nghị lực ấy cho giới trẻ bên ngoài song sắt.
Bắc Kinh khẳng định rằng giam giữ những con người tinh hoa này là chặt đứt niềm hy vọng cũng như mọi hoạt động có tính cách tổ chức nhưng họ quên rằng dân Hong Kong vốn có vô số kinh nghiệm tổ chức sau những cuộc biểu tình long trời lở đất khiến thế giới phải ngã mũ khâm phục. Bắc Kinh cũng quên rằng sức mạnh của người dân Hong Kong phát sinh từ giới trẻ mà Chu Đình cho tới nay vẫn là khuôn mặt yêu mến và tin cậy nhất của họ.
Không yêu mến sao được khi mới 16 tuổi cô đã là thành viên của Ủy ban Thường vụ Demosisto và là phát ngôn viên của Học dân tư triều. Cô đã cùng với nhóm của mình khiến cho môn học "Giáo dục luân lý và Quốc gia" phải bị gỡ bỏ vì tính chất tuyên truyền áp đặt của nó trong nhà trường. Là một thành viên trong cuộc cải cách bầu cử Hồng Kông năm 2014, Châu cũng là một trong những người lãnh đạo trong chiến dịch tẩy chay chống lại việc bầu cử hạn chế do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân đưa ra trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng 2017, dẫn đến các cuộc biểu tình occupy lớn mang tên dù vàng. Luật dẫn độ mà Hong Kong muốn làm vửa lòng Bắc Kinh cũng bị cô và giới trẻ Hong Kong làm cho biến mất khiến Bắc Kinh giận dữ bỏ phiếu cho Luật An ninh quốc gia khiến thề giới quay mặt lại với đặc khu hành chánh khi chà đạp cam kết "một quốc gia hai chế độ".
Cũng như Hoàng Chi Phong và hàng trăm bạn trẻ khác Châu Đình chọn ở lại, từ bỏ quốc tịch Anh và chấp nhận vào tù thắp sáng niềm tin vào công lý cho Hong Kong.
Bắc Kinh lựa chọn giải pháp mạnh mẽ thay vì trì hoãn đối với Hong Kong là cung cách quen thuộc "bạo lực cách mạng" mà cộng sản từng sử dụng trên nhiều quốc gia và ở đâu họ cũng thành công. Thế nhưng Hong Kong không phải là Việt Nam hay Bắc Triều Tiên bởi nó có những con người như Jimmy Lai, Châu Đình, La Quán Thông, Hoàng Chi Phong….và quan trọng nhất Hong Kong đang được cả thế giới Tây phương theo dõi.
Sau khi bắt giữ Jimmy Lai và Châu Đình chắc chắn Bắc Kinh và Hong Kong sẽ đối diện với những kết quả mà họ không thể ngờ từ lòng căm ghét đã bắt đầu chín muồi từ thế giới.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 10/08/2020 (canhco's blog)