Nghị Viện Châu Âu lên án Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương
Thanh Hà, RFI, 18/12/2020
Nghị Viện Châu Âu ra nghị quyết tố cáo Trung Quốc đàn áp nhiều sắc tộc thiểu số, "vi phạm nhân phẩm, chà đạp các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, quyền tự do hội họp trong ôn hòa".
Nghị quyết được thông qua ngày hôm qua, 17/12/2020, với 604 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 57 nghị viên không tham gia cuộc biểu quyết. Văn bản không mang tính ràng buộc.
Thông cáo của Nghị Viện Châu Âu mạnh mẽ tố cáo Bắc Kinh cưỡng bức lao động đối với các cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ, người gốc Kazakhstan và Kirghistan. Các hành vi chà đạp nhân quyền này, theo của Nghị Viện Châu Âu "có thể được xem là tội ác chống nhân loại"
Nghị Viện Châu Âu do vậy kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức các vụ bắt giữ tùy tiện và không xét xử, ngừng những phiên tòa và những bản án hình sự nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ cũng như nhắm vào những cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi khác, đóng cửa các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, trả tự do vô điều kiện cho những người này".
Trên đài RFI, nghị viên người Pháp, Raphael Glucksman, một trong những gương mặt hàng đầu tố cáo chính sách đàn áp của Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, hy vọng rằng nghị quyết nói trên sẽ "khép lại bốn năm mà cộng đồng quốc tế, đặc biệt là lãnh đạo Châu Âu, đã nhu nhược và tỏ thái độ đồng lõa" với Bắc Kinh.
Hiệp định đầu tư với Trung Quốc bước vào giai đoạn chót
Vài giờ sau cuộc biểu quyết tại Nghị Viện Châu Âu, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Văn Bân, trong cuộc họp báo sáng nay 18/12/2020 tại Bắc Kinh, thông báo thỏa thuận bảo vệ đầu tư song phương mà Bruxelles và Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán từ 7 năm qua bước vào "giai đoạn cuối".
Văn bản này sẽ cho phép Trung Quốc và 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu thắt chặt quan hệ kinh tế trước khi Joe Biden chính thức lên cầm quyền tại Mỹ. Quan chức Trung Quốc này cho biết thêm, sau 10 vòng đàm phán trong năm 2020, đôi bên đã "đạt được những tiến bộ đáng kể". Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà ngoại giao Châu Âu.
Bruxelles đòi Bắc Kinh đối xử "bình đẳng" với các công ty Châu Âu hoạt động tại Hoa lục, đòi Trung Quốc tôn trọng các bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài và nhất là chấm dứt các vụ ép buộc chuyển giao công nghệ. Đây cũng là những khúc mắc chính trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung được chính quyền Trump khởi động từ 2018.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 18/12/2020
***********************
Tư pháp Hồng Kông trở thành công cụ đàn áp
Thanh Hà, RFI, 17/12/2020
Ngày 17/12/2020, tám nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông bị truy tố vì tội "tham gia một cuộc tập hợp bất hợp pháp" sau khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực. Nhân danh đạo luật này hiện có hơn 10 ngàn dân Hồng Kông đang bị truy tố từ sau các cuộc xuống đường hồi 2019.
Trong số 8 bị cáo phải bị xét xử có cựu lãnh đạo một phong trào dân chủ Hồng Kông Hồ Chí Vĩ (Wu Chi Wai), hai cựu nghị viên Hồng Kông. Tính độc lập của tư pháp Hồng Kông càng lúc càng bị thu hẹp như ghi nhận của thông tín đài RFI Florence de Changy :
"Đành rằng vẫn có trường hợp thẩm phán Hồng Kông tha bổng bị cáo và chỉ trích cảnh sát không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy về những hành vi sai trái của người bị ra tòa, như trong trường hợp của một nữ bị cáo ngày hôm qua. Bà là trợ lý xã hội và đã được tha bổng. Tuy nhiên cảm tưởng chung ở đây là trước những bản cáo trạng dồn dập được tuyên, và đó thường là những hình phạt nặng nề, ngay cả trong trường hợp không xảy ra bạo lực, người dân Hồng Kông đang mất dần một trong những quyền cơ bản nhất đó là quyền tự do ngôn luận. Mark Simon, cánh tay phải của nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã kết luật như trên. Ông Lê Trí Anh tuần qua đã bị tạm giam cho đến tháng 4/2021. Mark Simon cho biết "tội của Lê Tí Anh là đã dám nói và dám viết. Họ muốn cấm ông ấy tiếp tục làm công việc đó. Người ta bỏ tù một ông cụ 72 tuổi chỉ vì ông ấy dám nói. Chỉ vậy thôi".
Công luận quốc tế biết đến nhiều trường hợp của những người nổi tiếng trong số hàng trăm ca khác cũng bị đưa ra trước vành móng ngựa. Một nhà đấu tranh, cô Chloé và cũng là người ủng hộ nhà hoạt động Khoái Tất (Tam Tak Chi) cho biết ông này bị tạm giam cho tới tháng 5/2021 vì đã dám "thì thầm" lên tiếng vì một khẩu hiệu mà có thể bị cấm. Chloé nói "tình hình tại Hồng Kông giờ đây thật là bất công. Chúng tôi không còn chút quyền tự do ngôn luận nào cả. Chính vì thế mà người dân phẫn nộ, họ cảm thấy bị bỏ rơi và họ tuyệt vọng". Những ai có điều kiện, thì bỏ xứ ra đi là hy vọng cuối cùng.
Cũng về tình trạng nhân quyền Hồng Kông hôm qua (16/12/2020) tư pháp cũng đã khởi tố 12 người đã tìm đường vượt biên sang Đài Loan hồi mùa hè vừa qua. Tám người trong số này bị ghép vào tội vượt biên bất hợp pháp và với tội danh này, họ có thể lãnh đến 7 năm tù giam.
Thanh Hà