Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/12/2020

Trung Quốc bỏ tù nhà báo, tranh chấp thương mại Úc-Trung

Tổng hợp

Trung Quốc bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới

Thụy My, RFI, 16/12/2020

Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) công bố hôm 15/12/2020, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới về số các nhà báo bị tống giam với 47 phóng viên phải vào tù. Năm 2020 cũng là năm kỷ lục về số nhà báo bị bỏ tù trên toàn cầu.

CHINA-SILKROAD/

Một cảnh sát cản không cho một nhiếp ảnh gia chụp ảnh ở Bắc Kinh, ngày 12 tháng 5 năm 2017. (Reuters / Thomas Peter)

CPJ cho biết tính đến ngày 01/12, có ít nhất 274 nhà báo bị tù tội liên quan đến công việc báo chí, chưa kể đến những người được tạm tha hay bị hành hung khi đang hành nghề. Trong đó Trung Quốc đứng đầu với ít nhất 47 nhà báo trở thành tù nhân, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (37).

Các nhà báo cũng là mục tiêu bị chính quyền Belarus đàn áp, với vài chục người bị bắt giữ và hiện vẫn còn 10 nhà báo bị giam cầm. Có khoảng 15 phóng viên bị tù tại Iran và nhà báo Ruhollah Zam hôm 12/12 mới đây đã bị hành quyết.

Riêng tại Trung Quốc, trong số các nhà báo phải chịu cảnh tù tội có nhiều người phải lãnh những bản án nặng nề, hay bị giam mà không hề bị khởi tố vì bất cứ tội gì. Đối với một số nhà báo công dân, gia đình không hề có tin tức gì từ khi bị bắt, hoặc bị giam trong những điều kiện khắc nghiệt, kể cả những người bị bắt vì đưa tin về Vũ Hán trong thời gian phong tỏa chống dịch Covid-19.

Gần đây tỉ phú đấu tranh dân chủ cho Hồng Kông, ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) bị bắt giam và tòa án từ chối cho tại ngoại, hình ảnh ông chủ báo lớn tuổi của Apple Daily bị còng tay lúc ra tòa đã gây nhiều xúc động. Cuối tuần trước, sự kiện nhà báo Fan Ruoyi của Bloomberg tại Bắc Kinh bị bắt cũng gây chấn động đối với các thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc.

Thụy My

************************

Úc lần đầu đưa tranh chấp thương mại với Trung Quốc ra WTO

Thùy Dương, RFI, 16/12/2020

Canberra đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới phán xử việc Bắc Kinh tăng thuế đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc, trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nước đang gia tăng mạnh.

tq2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và đồng nhiệm Úc Marise Payne trong cuộc họp báo ngày 08/11/2018 tại Bắc Kinh.  AP - Mark Schiefelbein

Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham, tố cáo việc Bắc Kinh tăng 80% thuế đánh vào lúa mạch nhập của Úc là "không có cơ sở từ thực tế và bằng chứng". Bộ trưởng Birmingham cho biết đã nhiều lần đề cập với Trung Quốc về vấn đề này nhưng không đạt được thỏa thuận.

Hôm 16/12/2020, Úc quyết định đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) can thiệp, cho dù tiến trình dàn xếp tranh chấp của WTO có thể mất đến nhiều năm.

Đây là lần đầu tiên Úc có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Theo AFP, hàng năm, lượng lúa mạch Úc xuất sang Trung Quốc đạt tổng trị giá khoảng 1 tỷ đô la, chủ yếu phục vụ ngành sản xuất bia của Trung Quốc. Tổ chức nông nghiệp Úc GrainGrowers Australia ước tính thuế quan mới của Trung Quốc có thể khiến ngành sản xuất ngũ cốc của Úc thiệt hại khoảng 1,9 tỷ đô la trong vòng 5 năm tới do hàng hóa xuất khẩu bị giảm sút.

Cho đến nay, Canberra vẫn tránh đệ trình các tranh chấp với Bắc Kinh lên WTO, vì lo ngại việc giải quyết có thể kéo dài nhiều năm, Úc sẽ bị Trung Quốc trả đũa và mối quan hệ song phương xấu đi.

Trong thời gian qua, quan hệ Úc - Trung đã xuống cấp ở mức nghiêm trọng nhất tính từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Bắc Kinh đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nhiều sản phẩm của Úc, trong đó có thịt bò, than đá, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, rượu, lúa mì, len cũng như các lĩnh vực du lịch và giáo dục đại học.

Thùy Dương

***********************

Trung Quốc trả đũa thương mại với Australia : Một mũi tên, nhắm hai đích

Phan nguyên, Công Luận, 16/12/2020

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Australia đang trở nên xấu đi thời gian gần đây khi Trung Quốc liên tục đưa ra các hạn chế nhằm các mặt hàng xuất khẩu của Australia. Nguồn cơn nào dẫn đến hành động này của siêu cường thứ hai thế giới ?

tq3

Trung Quốc áp đặt một số hạn chế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia vào Trung Quốc, trong đó có rượu - Ảnh: AP/Getty

Australia : mắt xích yếu nhất

Kể từ đầu năm, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với lúa mạch và rượu vang, đồng thời hạn chế hàng loạt mặt hàng nhập khẩu của Australia bao gồm gỗ tròn, tôm hùm, đường và bông.

Ngoài ra, xuất khẩu than cốc của Australia đang là mục tiêu hứng chịu đòn trừng phạt của Trung Quốc khi dữ liệu của Bloomberg và công ty tình báo dữ liệu Kpler cho biết, hơn 50 tàu chở đầy than của Australia đã bị mắc ở bên ngoài các cảng của Trung Quốc kể từ tháng 6/2020.

Bắc Kinh viện dẫn ô nhiễm, dịch hại và lỗi vận chuyển cho các hạn chế của mình đối với các sản phẩm của Australia. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại của Trung Quốc chống lại Australia đã cho thấy một mặt khác trong chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh.

Trong khi khéo léo sử dụng các đòn bẩy tài chính để thúc đẩy lợi ích và mở rộng ảnh hưởng, Trung Quốc cũng biết rõ sức mạnh của đòn trả đũa kinh tế và không ngần ngại sử dụng nó trên toàn cầu.

Có lẽ không nên quá sốc khi Australia, quốc gia mà tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc gán cho là "đất nước không thân thiện nhất ngoài Hoa Kỳ", đã bị Bắc Kinh nhắm vào các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế.

Theo quan điểm của các chuyên gia, Australia là mắt xích yếu nhất trong khối an ninh "Bộ tứ" do Mỹ dẫn đầu - bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản. Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về một liên minh chống Trung Quốc đang được mở rộng ở sân sau của mình, Bắc Kinh đã quyết định hành động để ngăn chặn sự xuất hiện của một kế hoạch "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Australia là một mục tiêu rõ ràng, đặc biệt là khi Trung Quốc xung đột với cả Ấn Độ và Nhật Bản về các tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa cuộc chiến thương mại của họ với Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của cả bốn quốc gia, kể cả sau đại dịch Covid-19, sự phụ thuộc kinh tế của Canberra vào Bắc Kinh đã khiến nước này đặc biệt dễ bị Bắc Kinh trả đũa.

Thương mại song phương đã tăng lên 159 tỷ USD vào năm ngoái và Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Australia, sau khi hai bên ký kết một hiệp định thương mại tự do vào cuối năm 2015 nhằm giảm thuế quan đối với nông nghiệp, sản phẩm sữa và rượu của Trung Quốc.

Quan điểm của Australia và thái độ của Trung Quốc

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Australia. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Canberra trở thành một trong những nhà phê bình gay gắt nhất đối với Bắc Kinh trong nhiều năm, khi chỉ trích Trung Quốc thách thức trật tự quốc tế, từ vấn đề Biển Đông đến Hồng Kông và Tân Cương.

Khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện của Philipines năm 2016, bác bỏ các yêu sách dựa trên lịch sử của Bắc Kinh, Trung Quốc cảnh báo rằng Australia phải "đối thoại cẩn thận và cư xử thận trọng".

Các nhà bình luận cho rằng, đó hóa ra là một bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong bối cảnh Mỹ kêu gọi các quốc gia đồng minh loại các dự án của tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei Technologies ra khỏi các kế hoạch phát triển mạng 5G, Australia cũng là một trong những quốc gia đầu tiên nhắm mục tiêu vào Huawei Technologies, khi ban hành một gói luật can thiệp nước ngoài cách đây hai năm, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và chuyển sang kiềm chế các hoạt động bị cáo buộc gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, điều khiến Bắc Kinh phẫn nộ là vai trò hàng đầu của Canberra vào tháng 4/2020 trong việc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch virus Corona, lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc cuối năm ngoái.

Bắc Kinh coi cuộc điều tra Covid-19 là một cuộc săn lùng phù thủy địa chính trị do Mỹ dẫn đầu, đặc biệt nhằm mục đích cô lập Trung Quốc trên toàn cầu. Động thái của Australia là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Canberra quyết tâm đứng về phía Washington trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.

Hôm thứ Bảy (12/12), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã liệt kê những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại sự lây lan của "virus chính trị" và đẩy lùi các nỗ lực làm vật tế thần, cũng như đổ lỗi là một trong những thành tựu ngoại giao của nước này vào năm 2020.

Ông Vương Nghị nói "công lý đứng về phía chúng tôi".

Việc Australia hồi tháng trước tham gia trở lại trong cuộc tập trận hải quân Malabar của Ấn Độ với Mỹ và Nhật Bản sau 13 năm tạm lắng có lẽ là sợi dây cuối cùng. Các cuộc tập trận, cũng như một loạt các động thái gần đây của Australia nhằm tiến gần hơn đến một liên minh với Nhật Bản và Ấn Độ, đã gây nên nỗi lo ngại sâu sắc cho Bắc Kinh.

Để đối phó với những động thái tích cực mà Trung Quốc cho là nguyên nhân khiến môi trường ngoại giao xấu đi, Bắc Kinh rõ ràng đã có những điều chỉnh đối với chiến lược ngoại giao của mình.

Ông Dương Khiết Trì, trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã thừa nhận hai tuần trước rằng Trung Quốc đã nâng các nước láng giềng lên trong hệ thống cấp bậc trong quan hệ, khi họ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là quản lý căng thẳng với Mỹ và một nhóm các cường quốc tầm trung.

Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, với các mối quan hệ chằng chịt và lợi ích đan xen, Trung Quốc và Australia sẽ không dễ đẩy vấn đề đi quá xa, nhưng có nhiều chỉ báo cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia sẽ còn căng thẳng, nhất là khi hai bên không có những động thái làm dịu đối đầu.

Các nhà bình luận đánh giá rằng, những gì Trung Quốc làm căng với Australia hiện tại không khác gì cách thức Mỹ làm căng với Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Trung Quốc làm găng với Australia vừa để trừng phạt Australia, vừa để làm phép thử đối với các đồng minh của Australia và để cho Mỹ thấy Mỹ gây chuyện với Trung Quốc thì các đồng minh chiến lược của họ có thể bị vạ lây như thế nào.

Phan Nguyên

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Thùy Dương, Phan Nguyên
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)