Hồng Kông : Cấm tưởng niệm vụ Thiên An Môn, dấu hiệu tự do bị co hẹp
Nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ vì các cuộc biểu tình sôi sục chống kỳ thị chủng tộc từ sau vụ người đàn ông Mỹ da đen George Floyd ở Minneapolis bị đè chết dưới đầu gối của cảnh sát. Lần đầu tiên từ 30 năm qua người Hồng Kông không được tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn - Bắc Kinh, vì dịch covid 19 hay dấu hiệu quyền tự do bị thắt lại ?
Những người biểu tình tham gia một buổi cầu nguyện dưới ánh nến để kỷ niệm 31 năm ngày đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh vào năm 1989, sau khi cảnh sát từ chối một buổi cầu nguyện hàng năm tại khu vực y tế công cộng, tại Công viên Victoria, Hồng Kông, Trung Quốc. , 2020. Reuters - TYRONE SIU
Trên đây là 2 chủ đề quốc tế chính được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều.
Trước hết đến với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc nay là đặc khu hành chính của Trung Quốc. Nhật báo Libération khẳng định, các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn sẽ không diễn ra ngày hôm nay tại vùng đất thuộc địa cũ của Anh. Về mặt chính thức là vì dịch virus corona, nhưng giới đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông đều nhận thấy ở đây một bằng chứng cho thấy chế độ Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do của đặc khu, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh vừa thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông nhắm chủ yếu vào giới đấu tranh đòi dân chủ. Quyền tự trị ở vùng đất mang quy chế đặc khu hành chính này đang ngày thêm co hẹp dần, như các nhận xét của giới quan sát được Libération trích dẫn.
Như vậy là lần đầu tiên trong 30 năm qua, đã không diễn ra hoạt động thắp nến trong công viên Victoria ở trung tâm thành phố để tưởng niệm hàng nghìn người chết dưới làn đạn của quân đội Trung Quốc đêm 3 rạng sáng 4 tháng 6 năm 1989, trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, tờ báo nhận xét. Cuộc tưởng niệm hàng năm này vẫn được coi như là chiếc phong vũ biểu đo tình hình chính trị ở đây. Nỗi lo các quyền tự trị của Hồng Kông bị Bắc Kinh trấn áp càng lớn thì cuộc huy động của người dân vào dịp này càng đông đảo.
Từ năm 2007 đến nay, hoạt động này vẫn tập hợp hơn 100 nghìn người tham dự. Chính nhờ quy chế đặc biệt, trên lý thuyết còn kéo dài đến năm 2047, mà người Hồng Kông vẫn có thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ mùa xuân Bắc Kinh.
Libération nhận thấy, "31 năm sau sự kiện ở Bắc Kinh, những người đã từng chứng kiến, từng kinh sợ trước cuộc thảm sát giờ đang lo sợ mình cũng phải chịu số phận tương tự, nhưng theo cách ngấm ngầm không đổ máu".
Nhân sự kiện này, trả lời phỏng vấn Libération, nhà nghiên cứu Trung Quốc Jean-Philippe Béja, thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) nhận định, việc cấm các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn tiếp theo sau luật an ninh quốc gia là một đe dọa mới cho quyền tự trị của Hồng Kông.
Nhưng lý do tại sao Bắc Kinh lại mạnh tay can thiệp vào các quyền tự do ở Hồng Kông vào lúc này ? Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích : Trước hết là quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ đang cực kỳ căng thẳng. Tiếp đó là thế giới đang tập trung vào đối phó với đại dịch virus corona. Sau cùng Bắc Kinh không còn tin cậy vào những người ủng hộ mình ở Hồng Kông, nhất là trưởng đặc khu hành chính bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau một loạt thất bại trước phong trào dân chủ ở Hồng Kông và không đáp ứng được chỉ đạo của Hoa Lục. Thêm vào đó chế độ Bắc Kinh lo sợ các cuộc biểu tình tưởng niệm như năm trước lại tái diễn, thấy cần phải ngăn chặn ngay. Rồi đến cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông vào ngày 06/09 tới đây có nguy cơ phe thân Bắc Kinh sẽ thất bại thê thảm. Luật an ninh mới sẽ góp phần ngăn chặn các lực lượng dân chủ tham gia tuyển cử ở Hồng Kông.
Tóm lại, theo chuyên gia Pháp, "Đảng cộng sản Trung Quốc làm những gì họ muốn với luật, vì chính họ viết ra luật".
Anh sẽ mở cửa đón người Hồng Kông ?
Tuy nhiên phong trào đấu tranh đòi dân chủ của người Hồng Kông cũng được an ủi phần nào bởi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ và Anh Quốc.
Nhật báo Les Echos cho biết "Luân Đôn dọa Bắc Kinh là sẽ tạo điều kiện đón nhận người Hồng Kông". Tiếp sau những phản ứng gay gắt của ngoại trưởng về luật an ninh quốc gia vừa được Bắc Kinh cho thông qua, hôm qua (03/06), thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ mở rộng cửa đón người dân Hồng Kông nếu Trung Quốc vẫn quyết giữ luật an ninh quốc gia. Lãnh đạo chính phủ Anh cảnh báo sẽ cho sửa đổi luật di trú cho phép người Hồng Kông được quyền mang "hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc". Như vậy người dân Hồng Kông mang hộ chiếu này sẽ có quyền đến Anh không cần visa trong vòng 12 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay và được cấp phép làm việc. Thủ tướng Anh ước tính có 350 nghìn kiều dân Hồng Kông đang có hộ chiếu hải ngoại và 2,5 triệu người trên tổng số 7 triệu dân ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh có thể được cấp hộ chiếu hải ngoại.
Đây không phải lần đầu tiên Anh đe dọa Trung Quốc trên vấn đề tự trị của Hồng Kông, nhưng đích thân thủ tướng Anh lên tiếng thì quả là một sức ép không nhẹ đối với Bắc Kinh. Tất nhiên Trung Quốc phản công, coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ đồng thời không quên khẳng định, "Hồng Kông đã được trả lại cho Trung Quốc".
Theo Les Echos, dù khả năng làm Bắc Kinh phải chùn bước là rất ít nhưng ông Boris Johnson biết là làm như vậy ông có thể lấy lòng được đảng Bảo Thủ Anh, đang ngày càng tỏ xu hướng chống Trung Quốc ra mặt.
Biểu tình bạo loạn Mỹ : Tổng thống Donald Trump lên tuyến đầu ?
Chuyển qua thời sự nóng đang làm náo động nước Mỹ, vụ George Floyd. Các báo Pháp đặt tổng thống Trump vào trung tâm của sự kiện.
Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : " Hoa Kỳ : Những mầm mống của sự phẫn nộ". Tờ báo ghi nhận, phải đối mặt liên tiếp với khủng hoảng y tế, kinh tế, và cuộc nổi dậy vì kỳ thị chủng tộc, trước kỳ bầu cử tổng thống 5 tháng, ông Donald Trump vẫn từ chối đóng vai trò một vị tổng thống biết đoàn kết tập hợp người dân. Bài viết liệt kê lại những hành động, những tuyên bố của tổng thống Mỹ mỗi khi xảy ra khủng hoảng ở trong nước, ông Trump luôn né tránh trách nhiệm chính của mình chỉ chăm chút cho hình ảnh của cá nhân. Điển hình là sự kiện cảnh sát thẳng tay dẹp người biểu tình để dọn đường cho ông Donald Trump tới nhà thờ đối diện Nhà Trắng chỉ để chụp tấm ảnh cầm cuốn kinh thánh trên tay. Một hình ảnh gây nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ và được xã luận báo công giáo La Croix đánh giá là "lợi dụng đức tin" qua tựa bài xã luận. Theo La Croix, "đức tin phải đoàn kết con người với nhau, nhưng ở đây nó bị lợi dụng. Tổng thống Trump không phải là người duy nhất hành động như vậy".
Trong khi đó Le Figaro có bài viết với hàng tựa : "Donald Trump trên tuyến đầu đối mặt với phẫn nộ". Bài báo ghi nhận tâm chấn của phong trào phản kháng sôi sục sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd dưới bạo lực cảnh sát đã nhanh chóng chuyển từ Minneapolis về Washington. Chỉ cần 48 giờ đồng hồ, tổng thống Donald Trump đã thu hút được sự chú ý về mình, cho dù chắc chắn đó không phải theo tính toán trước. Ông Trump đã chứng tỏ được mình vị tổng thống sẵn sàng làm tất cả, kể cả những biện pháp cứng rắn nhất là điều động quân đội nhằm vãn hồi trật tự.
Tuy nhiên mệnh lệnh điều quân đội kiểm soát đường phố đã vấp phải thái độ dè dặt của nhiều giới, trong đó có cả Bộ Quốc phòng và lực lượng Cảnh vệ Quốc gia. Nhiều thống đốc bang đã không tuân theo chỉ thị của Donald Trump. Tổng thống chỉ còn lại khả năng vận dụng đạo luật chống nổi loạn để điều binh dẹp làn sóng biểu tình bạo động.
Trong một bài viết mang tiêu đề "Nước Mỹ vẫn ám ảnh bởi vết thương chủng tộc dai dẳng", Le Figaro nhận thấy : Hy vọng về một nước Mỹ hòa hợp từ khi bầu Barack Obama lên làm tổng thống đã nhanh chóng nhường chỗ cho bóng ma của một đất nước chia rẽ giữa hai màu da đen và trắng.
Bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, không chỉ có ở Mỹ
Trong dòng sự kiện đang diễn ra ở nước Mỹ, nhật báo Libération nhìn rộng hơn vấn đề liên quan đến nước Pháp với hàng tựa lớn trang nhất : "Bạo lực cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp khác".
Libération cho biết : "Mười ngày sau cái chết của George Floyd tại Mỹ trong một vụ bắt giữ của cảnh sát Minneapolis, đã xuất hiện tại Pháp nhiều cuộc biểu tình lên án bạo lực cảnh sát và bày tỏ phẫn nộ với tình trạng bất công. Tại Paris, Marseille, Lyon hay Lille, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người vì dịch bệnh và nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp, hàng nghìn người vẫn tập hợp để gợi lại những phẫn nộ xung quan một vụ việc được cho là đã xảy ra tương tự ở Pháp từ năm 2016, liên quan đến cái chết của một thiếu niên Traoré Adama trong một vụ truy bắt tội phạm của cảnh sát ở ngoại ô Paris. Vụ án đã khép lại nhưng các kết luật điều tra và của tư pháp bị cho là bất công. Một phong trào mới đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang hình thành sau sự kiện George Floyd ở Mỹ. Xã luận tờ báo bình luận : "Không so sánh sơ sài giữa Pháp và Mỹ, nhưng các cuộc biểu tình phản kháng ở Pháp hôm 02/06 vừa rồi là hoàn toàn chính đáng".
Bên cạnh đó tờ báo cũng ghi nhận, các cuộc biểu tình đó đang làm phân hóa chính trị thêm sâu sắc tại Pháp, nơi mà các vấn đề chủng tộc, tôn giáo luôn là chuyện hết sức nhạy cảm với chính quyền.
Anh Vũ
Luật mới trình bày một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hồng Kông
Tự do và dân chủ về cơ bản là hai điều ở một đất nước văn minh
Hồng Kông từng nổi tiếng với những con phố đèn màu rực rỡ, những khu chợ nhộn nhịp và sự hợp nhất độc đáo của các giá trị phương Tây với văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, đi trên đường phố Hồng Kông ngày nay, nổi bật nhất là cảm giác sợ hãi và tuyệt vọng bao trùm nhiều cư dân của Hồng Kông.
Cảnh sát chống bạo động tuần tra phố Pedder ở quận trung tâm của Hồng Kông trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia vào ngày 27 tháng 5 năm 2020
Các khẩu ngữ tràn trên khắp các tòa nhà chung cư và các tòa nhà văn phòng cao chót vót, kêu gọi thế giới hỗ trợ họ chống lại chế độ độc tài Bắc Kinh. Nhiều người khác gọi đó là một "cuộc cách mạng trong thời đại chúng ta" và trích lời nhà văn người Anh Alan Moore, trong cuốn truyện nổi tiếng "V for Vendetta" của ông xoay quanh một chiến binh tự do chiến đấu chống lại một chính phủ toàn trị ở London trong tương lai.
Một câu nói được trích dẫn : "Người dân không nên sợ chính phủ của họ. Chính phủ nên sợ người dân".
Tuy nhiên, sau gần một năm biểu tình, nhiều đường phố của Hồng Kông đã thấm máu của người biểu tình và không khí chứa đầy hơi cay. Nhiều người tin rằng thời gian kháng chiến đã kết thúc khi luật an ninh quốc gia mới hiện diện tại thành phố, bởi các nhà lập pháp ở Bắc Kinh đã mất hết kiên nhẫn.
Đạo luật sẽ cấm chủ nghĩa ly khai và "các hoạt động lật đổ", cũng như sự can thiệp của yếu tố bên ngoài và "chủ nghĩa khủng bố", một thuật ngữ mà nhiều quan chức sử dụng để mô tả các cuộc biểu tình. Nó cũng sẽ cho phép các cơ quan tình báo đại lục lập cơ sở tại Hồng Kông và ngăn các thẩm phán nước ngoài tiến hành các phiên tòa an ninh quốc gia, mặc dù cũng có 15 tòa án phúc thẩm trong Tòa án Tối cao của thành phố với 23 người.
Các nhà lập pháp trong thành phố cũng đang tranh luận về một dự luật riêng nhằm hình sự hóa xúc phạm quốc ca Trung Quốc.
James, ở độ tuổi 20, sống ở thành phố này, nói : "Có người nói với chúng tôi rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào chống lại Luật An ninh Quốc gia đều cần có Luật An ninh Quốc gia". "Sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc can thiệp, tất cả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và niềm hy vọng (rằng) chính quyền Hồng Kông sẽ lắng nghe yêu cầu của người dân đã giảm đi rất nhiều. Chính quyền Hồng Kông vừa không có cột sống, vừa không có bộ não để hoạt động độc lập.
"Người Hồng Kông chưa bao giờ có quyền tự quyết. Chúng tôi đã bị Anh và Trung Quốc thao túng trong suốt chiều dài lịch sử. Tôi thất vọng vì mặc dù chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi có khả năng mang lại tương lai và hy vọng cho thành phố này, chúng tôi chưa bao giờ thoát khỏi số phận bi thảm.
"Cái chết của Hồng Kông là định mệnh khi những người có địa vị xã hội, quyền lực chính trị và giàu có không phản ứng. Thay vào đó, họ chỉ tay vào các thế hệ trẻ và đổ lỗi vì đã gây ra vấn đề. Tôi thất vọng vì nhiều người trong số họ đã không đứng lên vì công lý và nhân phẩm và thay vào đó họ sẵn sàng cho phép điều này xảy ra. Họ là lý do Hồng Kông không bao giờ có được những gì nó xứng đáng, bởi vì họ quỳ gối xuống trước bất cứ ai mang lại cho họ nhiều lợi ích nhất".
Vi phạm thoả thuận "một quốc gia, hai hệ thống"
Mặc dù Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận "một quốc gia, hai hệ thống" có hiệu lực khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997, Trung Quốc vẫn cố áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông vào tháng 9.
Theo thỏa thuận (sẽ hết hạn vào năm 2047), Vương quốc Anh giúp đảm bảo rằng Hồng Kông sẽ giữ được một mức độ tự chủ nhất định, bao gồm một hệ thống lập pháp và tư pháp riêng biệt và một số quyền tự do dân sự. Hiến pháp cơ bản của Hồng Kông được tạo ra vào thời điểm đó (được gọi là Luật cơ bản) cũng quy định rằng Hồng Kông phải thực thi Luật An ninh quốc gia, nhưng phải tự mình thực hiện nó. Bắc Kinh không có quyền đơn phương làm như vậy.
Maria, một sinh viên báo chí trong thành phố, nói : "Điều này thực sự vô lý khi có liên quan đến luật pháp mà chúng tôi không có tiếng nói nào. Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có hệ thống tư pháp và lập pháp khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng tôi đặc biệt. Quốc Hội Trung Quốc không thể đưa ra quyết định này cho chúng tôi. Đặc khu hành chính Hồng Kông và chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thực thi luật lệ tồi tệ ở Hồng Kông.
Đầu tiên là Đạo luật dẫn độ, sau đó là Đạo luật an ninh quốc gia. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với luật an ninh quốc gia, nhưng rõ ràng chính phủ đã không học được gì từ điều đó. Những quan chức dân cử phi dân chủ này đơn giản là không lắng nghe người dân của họ".
Nhưng Bắc Kinh đã không tôn trọng "một quốc gia, hai chế độ" trong nhiều năm và Đảng cộng sản Trung Quốc đã vi phạm mong muốn của họ. Điều này là do chính phủ Anh đã không hỗ trợ đúng đắn trong nhiều năm, thường là vì ưu tiên của họ luôn là quan hệ thương mại. Đặc biệt là sau Brexit.
Ví dụ vào năm 2017, Lu Kang, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng tuyên bố Trung-Anh là một "tài liệu lịch sử và không còn có ý nghĩa thực tế nào nữa". Ông tiếp tục nói : "Nước Anh không có chủ quyền đối với Hồng Kông, không có quyền lực cai trị và không có quyền giám sát".
Gần như cùng lúc, ông Vladimir Johnson, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Anh, nói rằng nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" vẫn "hoạt động tốt".
Ben Rogers, chủ tịch và người sáng lập của Hong Kong Watch, nói với Byline Times rằng đã đến lúc Vương quốc Anh cần có lập trường mạnh mẽ hơn : "Vương quốc Anh nên lên tiếng rất mạnh mẽ và rõ ràng và thiết lập một liên minh quốc tế có cùng chí hướng để làm như vậy, và để tìm ra các biện pháp pháp lý xử lý vi phạm các điều ước quốc tế thông qua Tòa án Công lý Quốc tế".
Ông nói thêm rằng ông tin mối đe dọa của luật an ninh quốc gia là "sự vi phạm nghiêm trọng" đối với "một quốc gia, hai chế độ", làm suy yếu quyền tự trị được cấp cho thành phố.
Đồng thời, truyền thông chính thức Trung Quốc bảo vệ động thái này, cho rằng đây là "cách duy nhất để đảm bảo rằng nguyên tắc" một quốc gia, hai chế độ "có thể hoạt động chính xác và Hồng Kông được hưởng quyền tự chủ cao".
Hoàn cầu thời báo, một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng sau, tuyên bố rằng Đại hội Nhân dân cần phải chịu trách nhiệm về việc ban hành luật và giúp Hồng Kông là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc.
Gia tăng mối quan tâm về sức khỏe tâm thần
Khi tranh chấp chính trị về việc ai sẽ có thể kiểm soát một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn, chính cư dân của thành phố này đang bị mắc kẹt bởi vấn đề khác.
Một nghiên cứu của Ủy ban Tổ chức Tháng Sức khỏe Tâm thần Hồng Kông cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần của những người trên 15 tuổi đã giảm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều năm, với 41% số người tham gia khảo sát nói rằng sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tranh chấp xã hội. Nhiều vụ tự tử cũng đã được cho là liên quan đến các cuộc biểu tình.
John, 23 tuổi, đang chiến đấu với bệnh trầm cảm. Anh nói với tờ New York Times rằng sự can thiệp của Bắc Kinh vào thành phố và nỗi sợ sống trong một xã hội toàn trị đã khiến anh thường xuyên có ý nghĩ tự tử.
Ông nói : "Tôi cảm thấy tuyệt vọng vì mọi thứ không thể trở lại như trước đây. Dù chúng tôi có làm gì đi nữa, tôi cảm thấy rằng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ kiểm soát Hồng Kông".
"Đó chỉ là vấn đề thời gian. Cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, tôi bắt đầu có ý nghĩ tự tử".
"Tôi, giống như nhiều người Hồng Kông, đã cố gắng tự bảo vệ mình, nhưng chính phủ đã thực hiện các chiến thuật lố bịch như thể họ muốn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Luật an ninh quốc gia này là một bước ngoặt ở Hồng Kông. Nó có thể được áp dụng rộng rãi mà không bị hạn chế gì cả.
Mọi người có thể bị bắt khi nói chính quyền là xấu, như ở Trung Quốc đại lục. Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp mạnh nhất được thực hiện bởi chính quyền. Tôi bị sốc và cảm giác tự tử vì điều đó.
"Tự do và dân chủ về cơ bản là hai điều ở một đất nước văn minh. Tôi không muốn người khác cố gắng kiểm soát nội dung bài phát biểu của tôi, thời gian nói, nơi nói và tôi làm gì. Tôi không muốn bị cô lập khỏi thế giới, trang web của chúng tôi bị chặn, văn hóa và tiếng Quảng Đông của chúng tôi đã bị xoá bỏ. Ý nghĩa của cuộc sống đó là gì ?"
Vương quốc Anh bày tỏ quan ngại
Byline Times yêu cầu Bộ Ngoại giao Anh giải thích các biện pháp cụ thể được thực hiện đối với các vi phạm có thể xảy ra đối với "Tuyên bố chung Trung-Anh" và liệu có cuộc họp nào được triệu tập để thảo luận về tình hình này với Bắc Kinh hay không.
Người phát ngôn đã cung cấp một tuyên bố chung từ Vương quốc Anh, Úc và Canada, họ chỉ công nhận rằng luật an ninh quốc gia đã vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và lưu ý rằng ba quốc gia này "quan ngại sâu sắc".
Người phát ngôn nói thêm rằng Anh Quốc đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại London và lãnh đạo của Hồng Kông. Ông không nói liệu có cuộc họp nào chính phủ Trung Quốc hay chưa.
Kể từ khi bàn giao vào năm 1997, chính phủ Anh đã ban hành một báo cáo sáu tháng về việc thực hiện tuyên bố chung. Cho đến nay, ngoại trừ giai đoạn cao điểm của cuộc biểu tình này từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 12 năm 2019, không thiếu một bản báo cáo nào. Byline Times đã hỏi Bộ Ngoại giao tại sao bản báo cáo không được xuất bản, và được cho biết rằng họ sẽ cho xuất bản "vào một thời điểm thích hợp".
Steve Shaw
Nguyên tác : ‘Without Freedom and Democracy What’s the Point in Living ?’, Bylinetimes, 08/05/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 05/06/2020
Steve Bannon, cựu cố vấn gây tranh cãi của tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/05/2020 đã dành cho nhật báo Le Figaro một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng phương Tây cần phải buộc Trung Quốc phải trả giá vì đã gây ra đại dịch virus corona, và nếu làm ngơ trước Bắc Kinh về Hồng Kông, rốt cuộc phương Tây cũng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến ở Biển Đông
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược Nhà Trắng trong một cuộc họp báo tại Roma (Ý). Ảnh tư liệu chụp ngày 22/09/2018. © Reuters/Alessandro Bianch
Le Figaro : Ông rút ra được bài học chủ chốt nào về cuộc khủng hoảng virus corona ?
Steve Bannon : Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy những điều mà nhiều người đã biết rồi nhưng không muốn nhìn nhận, đó là không thể tin tưởng được Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng cộng sản chịu trách nhiệm về đại dịch đã ập xuống chính nhân dân của họ và trên thế giới.
Hãy dành một giây cho giả thiết con virus đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán do sơ xuất. Chúng tôi không có chi tiết về vụ này, cho dù bên tình báo đang điều tra. Hãy xem trình tự tiếp theo như thế nào : ngay từ cuối tháng 12/2019, một cộng tác viên báo động cho tôi rằng có một blog ở Trung Quốc nêu ra một nạn dịch ở Vũ Hán. Ngày 31, Trung Hoa Dân Quốc báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là con virus loại SARS ở Vũ Hán lây từ người sang người.
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ở Vũ Hán từ ngày 28 hay 29/12 đã cảnh báo về con virus này ở bệnh viện, nhưng lại bị công an bắt giữ, buộc phải viết bản thú tội là đã lan truyền tin đồn. Người bác sĩ này sau đó cũng đã bị nhiễm virus và qua đời.
Rõ ràng là khi ban lãnh đạo Trung Quốc biết được có nạn dịch xảy ra, thì họ bèn che giấu ngay sự thật. Theo tạp chí The Lancet, nếu chính quyền hành động từ tháng 12, thì đã tránh được 95% cái chết và kinh tế không bị hủy hoại ! Hôm 12 tháng Giêng, WHO chính thức nói rằng sau khi tham vấn Bắc Kinh, không có bằng chứng nào về việc lây từ người sang người. Đó là cả một sự dối trá, WHO là đồng lõa và lan truyền sự dối trá ấy.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến Washington hôm 15 tháng Giêng để ký hiệp ước thương mại, nhưng chẳng thông báo cho chúng tôi gì cả. Họ đã đóng cửa Vạn lý Trường thành, phong tỏa cả vùng Vũ Hán, ngưng tất cả những chuyến bay nội địa. Nhưng họ không ngưng các chuyến bay quốc tế ! Thế nên con virus đã đến với chúng ta. Tất cả những ai bị virus corona làm hại trên thế giới phải được Đảng cộng sản Trung Quốc bồi thường.
Le Figaro : Nhưng ai lên tiếng đòi bồi thường đây, Hoa Kỳ chăng ?
Steve Bannon : Tôi có thể nói rằng tại Hoa Kỳ, đã nổi lên một phong trào chính trị thực sự, nhắm vào việc dỡ bỏ quyền đặc miễn của quốc gia. Tiểu bang Missouri và Mississippi đã khởi kiện. Các luật sư đang chuẩn bị các hồ sơ kiện của cá nhân, giống như hồi gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín kiện Ả Rập Xê Út.
Tôi nghĩ là chính phủ sẽ ủng hộ họ. Một tài liệu của ông Mitch McConnell, người đứng đầu phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện khuyến cáo nên tố cáo Đảng cộng sản Trung Quốc về thảm họa đã phải chịu đựng. Đối với tôi, đây sẽ là chủ đề quyết định trong cuộc bầu cử năm 2020. Gần 91% người Mỹ cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Hoa Kỳ.
Le Figaro : Chính phủ Mỹ liệu có dám đối đầu với Trung Quốc, gây rủi ro hết sức lớn đến lợi ích kinh tế hay không ?
Steve Bannon : Chẳng những cắt rời mối quan hệ không phải là bất khả thi, mà còn là việc phải làm. Hơn nữa Trung Quốc cũng đã bắt đầu, khi loan báo sẽ chuyển sang hệ thống công nghệ riêng của họ. Ngoài đại dịch, đây là loan báo quan trọng nhất về địa chính trị trong những năm gần đây, mặc dù ít được chú ý. Trung Quốc đã khởi đầu việc tách rời thông qua dự án Con đường tơ lụa mới, trong đó tập đoàn Hoa Vi (Huawei) đóng vai trò trung tâm nhờ thống trị về công nghệ.
Tất nhiên giới tinh hoa kinh tế phương Tây như City của Luân Đôn, các nhà tài chính Paris và các doanh nhân ở Wall Street sẽ không thay đổi kiểu cách làm việc, vì kiếm được nhiều tiền. Người dân phương Tây, phẫn nộ trước việc phi kỹ nghệ hóa, cần buộc họ phải hành động.
Tôi muốn đưa các bạn quay lại ba năm về trước, vào tháng Giêng năm 2017, khi chủ tịch Tập Cận Bình đến Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, lúc đó tổng thống Trump vừa được bầu lên. Trong bài diễn văn, ông Tập tuyên bố rằng chính phong trào dân tộc và dân túy phương Tây đang đe dọa trật tự quốc tế ; khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ toàn cầu hóa.
Tập Cận Bình được Financial Times và những người khác khen ngợi có tầm nhìn xa, trong khi ông Donald Trump bị phỉ báng vì bênh vực cho mô hình đề cao chủ quyền quốc gia. Vào thời điểm đó ở Davos, tất cả những cơ quan tài chính lớn, ngân hàng, tập đoàn đều biết về hệ thống trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và đàn áp chính trị ở Trung Quốc. Nhưng họ ca ngợi Tập Cận Bình như người hùng và coi ông Donald Trump như quái vật, vì họ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ mà thôi.
Le Figaro : Phải chăng cuộc khủng hoảng này khẳng định tầm nhìn của ông Trump là phải xem lại toàn cầu hóa, và hồi hương các ngành kỹ nghệ mang tính chiến lược ?
Steve Bannon : Ông Trump lên nắm quyền trong giai đoạn phương Tây đang đi xuống, được giới tinh hoa chủ trương toàn cầu hóa chấp nhận - họ vốn đã mất lòng tin về sức mạnh của phương Tây Cơ đốc giáo. Họ theo kịch bản chiếc bẫy Thucydide, theo đó Trung Quốc là cường quốc đang lên và Hoa Kỳ là cường quốc đang suy tàn. Ở Pháp cũng vậy, ông Macron cho rằng thủ đô là Bruxelles chứ không phải Paris, thế nên đã gây ra phong trào "Áo Vàng". Cách nghĩ này dẫn đến việc các nhà nước trở thành chư hầu, từ bỏ các cơ sở sản xuất chiến lược.
Le Figaro : Nhận định này gây ra cú sốc rất lớn tại Pháp, người ta nói đến việc đưa trở về nước một số ngành sản xuất thiết yếu.
Steve Bannon : Cú sốc chỉ tồn tại đối với giới tinh hoa không muốn nhìn thấy, chẳng có gì là bí mật ! Hiển nhiên là Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát kỹ nghệ dược phẩm.
Le Figaro : Nhưng phải chăng Mỹ quốc phải chịu trách nhiệm về toàn cầu hóa quá đáng, và nay phải chiến đấu lại trong cuộc chiến tranh thương mại ?
Steve Bannon : Chẳng phải nước Mỹ đã xúc tiến toàn cầu hóa, mà là "giới tinh hoa Davos", vốn tin vào huyễn tượng này. Cần hiểu rằng Trung Quốc không phải là một Nhà nước tự do thương mại, mà là một Nhà nước toàn trị con buôn. Bạn không thể buôn bán với họ một cách tự do. Chính vì vậy mà chính quyền Trump đã tung ra cuộc chiến thương mại. Ý tưởng là buộc Trung Quốc phải mở ra thị trường Hoa lục.
Le Figaro : Một số người cho rằng nếu quy lỗi cho Trung Quốc, thì sẽ không học được bài học chính của khủng hoảng. Trung Quốc đã đạt được bước nhảy vọt kỹ nghệ quan trọng, phương Tây chỉ có thể tự trách mình nếu không cạnh tranh nổi, như về 5G chẳng hạn.
Steve Bannon : Nếu không có vốn đầu tư và công nghệ của phương Tây, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ rơi rụng như một lâu đài bằng giấy ! Những ai đưa ra lý lẽ ấy muốn khiến chúng ta tin rằng không thể làm gì được.
Le Figaro : Chuyên gia David Goldman nói rằng cần phải có cách giải quyết khác về công nghệ chip điện tử, thay vì chỉ trích Trung Quốc.
Steve Bannon : Đúng vậy. Nhưng trước hết phải cắt nguồn cung ứng vốn cho cộng sản và việc chuyển giao công nghệ, đồng thời đòi bồi thường, nếu không chúng ta sẽ mất đứt một thập niên để vực dậy.
Le Figaro : Châu Âu có cảm tưởng là đã bị nước Mỹ của ông Trump bỏ rơi, trong khi Trung Quốc đang xâm nhập để chia rẽ. Liệu sẽ thuyết phục được Châu Âu vốn độc lập, tham gia một cuộc chiến tranh lạnh chống Trung Quốc ?
Steve Bannon : Đó không phải là chiến tranh lạnh mà là chiến tranh nóng, về tấn công tin học, về tuyên truyền, và tất nhiên về kinh tế. Chúng ta cần đoàn kết với nhau, nếu không các nước Châu Âu sẽ trở thành chư hầu của Trung Quốc. Tôi có niềm tin là mọi người sẽ tỉnh thức và cùng chiến đấu để chiến thắng. Nhưng tôi đã cảnh báo người Châu Âu rằng không nên dựa vào Bruxelles, mà trên quốc gia mình.
Le Figaro : Ông Trump liệu có thể thắng cử dù số người chết vì dịch Covid-19 rất lớn và kinh tế thảm hại ?
Steve Bannon : Joe Biden là một ứng cử viên rất yếu, nhất là về vấn đề Trung Quốc. Obama muốn xoay trục sang Châu Á, và cử ông Biden đứng ra điều đình với Bắc Kinh, nhưng chính sách chống Trung Quốc của họ chẳng đạt được gì cả. Biển Đông chưa bao giờ bị quân sự hóa đến thế ! Hơn nữa, khi ông Trump quyết định đóng cửa biên giới hồi tháng Giêng, Biden lại nói rằng Trump phân biệt chủng tộc. Nếu phe Dân chủ không đẩy được Biden ra và tìm một người khác thay thế, thì họ sẽ không thể thắng được Donald Trump.
Le Figaro : Sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua một luật an ninh quốc gia, đặt ra cơ sở luật pháp để can thiệp vào Hồng Kông, ông đã kêu gọi phải có phản ứng thật cứng rắn ?
Steve Bannon : Người dân Pháp đã biết cái giá phải trả vì không bảo vệ Tiệp Khắc hay Áo trước Đức quốc xã. Nếu phương Tây để cho Đảng cộng sản Trung Quốc nuốt chửng lời hứa duy trì một Hồng Kông tự do dân chủ, thì không còn gì có thể ngăn bước được Bắc Kinh. Tiếp đến Đài Loan sẽ gục ngã, và chúng ta nhất định sẽ bị dẫn dắt vào một cuộc chiến tranh nóng để bảo vệ Biển Đông.
Thụy My dịch
Nguồn : RFI, 01/06/2020
Đen tối Hong Kong
Cánh Cò, RFA, 29/05/2020
Số phận của 7 triệu con người Hong Kong vậy là đã rõ sau cái nhấn nút của 3 ngàn Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc chấp nhận nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong : Cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Quan trọng hơn, các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc cũng có thể thiết lập cơ sở trong toàn đặc khu hành chánh này.
Hong Kong thấy được sự khác nhau giữa tư bản và cộng sản, giữa dân chủ và độc tài, giữa nô lệ và tự chủ, đã đồng tâm đứng lên
Hong Kong được thụ hưởng thể chế "một quốc gia, hai chế độ" nên tuy thuộc về Trung quốc nhưng được thế giới đối đãi như một nước tư bản tự trị. Đặc khu hành chánh này giàu có và cơ chế dân chủ từ thời được Anh Quốc bảo hộ đã giúp cho người dân Hong Kong thấy được sự khác nhau giữa tư bản và cộng sản, giữa dân chủ và độc tài, giữa nô lệ và tự chủ… từ đó hầu như cả đặc khu hành chánh này đã đồng tâm đứng lên chống lại ý đồ thu tóm mọi hoạt động dân chủ của Bắc Kinh nhằm trói chặt người dân ở đây vào cùng một rọ với người đại lục.
Cả thế giới đã chứng kiến hơn hai triệu người Hong Kong xuống đường. Cả thế giới cũng chứng kiến những cuộc khủng bố tàn bạo của hắc cảnh Hong Kong đối với những thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ đã lẫm liệt đạp lên những hàng rào do cảnh sát dựng lên để ngăn cản họ. Những con người không sợ cầm tù ấy vẫn xuống đường biểu tình ngày hôm nay bất kể Bắc Kinh dùng biện pháp gì để áp đảo vì họ biết nếu ngừng lại thì suối nguồn tự do của họ kể như tắt mạch.
Người dân Hong Kong thấu hiểu thế nào là bất hạnh khi mạch sống dân chủ của họ bị siết lại và họ không cam tâm đứng nhìn chính bản thân gia đình và con cháu sau này của họ bị nhuộm đỏ bằng chủ nghĩa Cộng sản. Họ thà chết hôm nay để báo động với thế giới dã tâm của Bắc Kinh vẫn chưa bị phát hiện triệt để bởi đồng tiền nhơ bẩn và sự tráo trở lành nghề của tập đoàn Nam trung hải.
EU đã khép cửa trước tiếng kêu gào tự do của Hong Kong, trong đó có lập luận đầy mùi vị đồng tiền của người đàn bà được nhiều người kính trọng : Angela Merkel. Giống như Aung San Suu Kyi, đất nước và tiền bạc mới là mục tiêu chính của các chính trị gia, mọi thứ đều là phương tiện để kiếm phiếu. Nền dân chủ của Hong Kong không thể làm cho kinh tế nước Đức tăng trưởng và vì vậy Angela Merkel tiếp tục lo ngại trên cửa miệng nhưng không chấp nhận trừng phạt Trung Quốc như Mỹ, Anh, Úc, Canada.
Có lẽ người dân Hong Kong đã biết trước điều đó nên mọi biểu ngữ của họ trong các cuộc biểu tình đều thiếu vắng biểu tượng của nước Đức. Họ cũng thừa hiểu EU già cỗi và quá yếu kém trước con cọp Trung Quốc vì thế trông cậy vào EU không khác nào uống thuốc Tylenol để chữa trị ung thư. Sự tránh né của Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU khi nói rằng trừng phạt Trung Quốc không giải quyết vấn đề Hong Kong đã làm cho người Hong Kong tuyệt vọng. EU tiếp tục nối bước nước Mỹ của bốn thập niên trước khi cho rằng hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ khiến cho con cọp biết nghe tiếng chiêu dụ của con người. Nước Mỹ đã bắt đầu và đã thấm đòn phản trắc của Trung Quốc còn EU thì vẫn thì thầm vào tai cọp những luận cứ mà ngay cả con người công chính cũng khó mà tin được.
Trung Quốc biết rõ điều đó và nó đang nhởn nhơ nhìn con nai yếu ớt dãy dụa trong tuyệt vọng trước móng vuốt của con cọp vừa mạnh bạo lại vừa ranh mãnh.
Mỹ đang xem xét vấn đề và người ta chờ đợi sự trừng phạt đủ để Trung Quốc thấm đòn. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết có thể cấp quốc tịch cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại (British National Overseas-BNO). BNO được cấp cho người Hong Kong sinh trước năm 1997, thời điểm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc đại lục. Khoảng 300.000 người Hong Kong đã sở hữu BNO nếu một làn sóng di tản khác từ Hong Kong con số có thể lên đến 1 triệu người.
Không chỉ Anh quốc, người Hong Kong rồi đây sẽ trở thành những khuôn mẫu tỵ nạn chính trị tới khắp nơi trên thế giới. Mặc dù con số người ra đi còn chưa ai có thể xác quyết nhưng chắc chắn không ai có tiền lại an tâm nhìn làn sóng đỏ tràn ngập nơi mình đang yên lành sinh sống.
Mà Hong Kong lại không hề hiếm người có tiền và tài sản lớn nhất của họ là tự do dân chủ.
Thế giới vẫn đang chợ đợi bi kịch xảy ra cho người Hong Kong trong khi người dân xứ này cũng đang chờ đợi sức mạnh đến từ Mỹ mặc dù trên lý thuyết không ai phản đối rằng bất cứ chính trị gia nào cũng yêu nước họ hơn người dân xứ khác. Nước Mỹ được kỳ vọng không phải vì họ tha thiết đến tự do dân chủ của Hong Kong nhưng nước Mỹ được nhìn vào và chờ đợi vì nước Mỹ không cam tâm chịu cho Trung Quốc dắt mũi một lần nữa.
Hong Kong có lẽ sẽ có những giờ phút đen tối nhất khi không còn một chút ánh sáng nào đến từ thế giới bên ngoài. Bóng tối của Bắc Kinh sẽ đè bẹp người dân Hong Kong mặc dù bản lĩnh của họ luôn thức tỉnh trước sức mạnh của một tập đoàn hung hãn nhất thế giới.
Rồi đây làn sóng trốn chạy của người Hong Kong lại một lần nữa chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản đi tới đâu là tai ương kéo theo đến đấy.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 29/05/2020 (canhco's blog)
*********************
Hồng Kông : Đấu khẩu Mỹ-Trung qua cầu truyền hình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Thanh Hà, RFI, 30/05/2020
Vài giờ trước khi tổng thống Trump đưa ra những quyết định cứng rắn về Hồng Kông, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 29/05/2020 họp không chính thức qua cầu truyền hình về luật an ninh tại vùng từng là thuộc địa của vương quốc Anh.
Bắc Kinh đang bị nhiều sức ép quốc tế quanh vấn đề quyền tự trị Hồng Kông. Ảnh : Văn phòng đại diện chính quyền Hồng Kông tại bắc Kinh, ngày 25/05/2020. Reuters - Tingshu Wang
Trong cuộc họp này đại diện của Bắc Kinh mạnh mẽ chỉ trích Luân Đôn và Washington can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Thông tín viên đài RFI Carrie Nooten từ trụ sở Liên Hiệp Quốc cho biết thêm :
Một số thành viên tại Hội Đồng Bảo An xem dự luật an ninh Hồng Kông mà Bắc Kinh áp đặt vi phạm tuyên bố chung giữa chính quyền Anh và Trung Quốc, nhằm bảo đảm quy chế riêng biệt cho Hồng Kông đối với Hoa Lục cho đến năm 2047.
Văn bản này đã được Liên Hiệp Quốc thông qua. Do vậy việc Bắc Kinh gia tăng kiểm soát Hồng Kông bị coi là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Cách nay ba hôm, Mỹ đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An khẩn cấp họp bàn về Hồng Kông nhưng Trung Quốc đã lập tức dứt khoán bác bỏ đề xuất của Mỹ. Cuối cùng, các bên đã mở một cuộc họp kín.
Đại diện ngoại giao của Anh, Mỹ kêu gọi phía Trung Quốc xem xét kỹ về những "quan ngại sâu sắc và chính đáng" của cộng đồng quốc tế liên quan đến quyền tự trị Hồng Kông. Đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc cảnh báo trước nguy cơ các quyền tự do sẽ bị hạn chế và xã hội Hồng Kông sẽ bị chia rẽ sâu rộng.
Gay gắt hơn, đại sứ Mỹ bà Kelly Craft kêu gọi nhiều quốc gia khác yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách và tôn trọng những cam kết (về Hồng Kông).
Không có gì ngạc nhiên, với giọng điệu cố hữu của Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đáp trả rằng Hồng Kông là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia Trung Quốc.
Vài giờ sau, trong một thông cáo với giọng điệu phẫn nộ và mỉa mai, ông Trương Quân đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ giải quyết hồ sơ Brexit và bạo động về sắc tộc tại Minneapolis, hai vấn đề thuần túy liên quan đến chính sách nội bộ của Anh và Mỹ.
Thanh Hà
********************
Tổng thống Trump thông báo chấm dứt chính sách ưu đãi Hồng Kông
Thanh Hà, RFI, 30/05/2020
Họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/05/202 tổng thống Hoa Kỳ giải thích Trung Quốc "thất hứa" với cộng đồng quốc tế, quy chế tự trị cho Hồng Kông không còn được bảo đảm. Do vậy Washington tiến hành thủ tục rút lại "quy chế đặc biệt" Washington dành cho Hồng Kông.
Theo lời lãnh đạo Nhà Trắng luật an ninh Hồng Kông vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua là một "tấn bi kịch đối với người dân Hồng Kông, Trung Quốc và toàn thế giới", đe dọa tất cả các quyền tự do tại đặc khu hành chính này.
Thông tín viên đài RFI Louba Anaki tại New York tường trình về buổi họp báo của tổng thống Trump :
"Trung Quốc viện lý do bảo đảm an ninh quốc gia. Nhưng sự thật, Hồng Kông là một xã hội được tự do, là nơi an toàn và thịnh vượng. Quyết định của Bắc Kinh là một bước thụt lùi, tăng cường sự kiểm soát của guồng máy an ninh Trung Quốc đối với khu vực mà đến nay luôn là một thành trì của tự do".
Donald Trump đã tuyên bố như trên về Hồng Kông và cho rằng, không thể tiếp tục xem Hồng Kông là một vùng tự trị đối với Hoa lục. Do vậy ông đã thông báo hủy quy chế đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông.
Điều đó có nghĩa là Hồng Kông không còn được hưởng một số điều khoản ưu đãi về thương mại của Mỹ và đôi bên đình chỉ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp.
Ngoài ra nguyên thủ Mỹ lên án Trung Quốc về trách nhiệm trong đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng y tế toàn cầu.
Donald Trump thông báo nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bắc Kinh, chẳng hạn như việc cấm nhập cảnh vào Mỹ một số công dân Trung Quốc bị xem là đe dọa đến an ninh quốc gia.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã lên án Bắc Kinh kiểm soát Tổ chức Y tế Thế giới và do vậy, Mỹ quyết định đình chỉ quan hệ và ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này.
Phản ứng của chính quyền Hồng Kông
Sáng 30/05/2020 nhiều thành viên trong chính quyền Hồng Kông mạnh mẽ phản đối quyết định mạnh tay của chính truyền Trump về luật an ninh. Trả lời báo chí, lãnh đạo an ninh tại đặc khu hành hình này, ông Lý Gia Siêu (John Lee) cho rằng mọi hành động hù dọa Hồng Kông đều sẽ "thất bại" vì Hồng Kông đang làm theo "lẽ phải" và "đi đúng hướng" nhằm tái lập trật tự và ổn định cho vùng lãnh thổ này. Về phần bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) người đứng đầu cơ quan tư pháp Hồng Kông thì lấy làm tiếc là chính phủ Mỹ căn cứ trên những thông tin "hoàn toàn thất thiệt và sai lệch" để trừng phạt Hồng Kông.
Thanh Hà
******************
Quyền tự trị Hồng Kông : Liên Âu muốn duy trì đối thoại với Bắc Kinh
Trọng Thành, RFI, 30/05/2020
Các quyền tự do căn bản Hồng Kông, nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ" có nguy cơ bị hủy hoại, sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia, cho phép chính quyền trung ương can thiệp vào đặc khu. Hoa Kỳ và một số đồng minh phản ứng ngày càng cứng rắn. Liên Hiệp Châu Âu khẳng định cần duy trì "đối thoại" với Trung Quốc.
Hình minh họa : Một góc khu trung tâm Hồng Kông ngày 28/05/2020. Reuters - Tyrone Siu
Hôm qua, 29/05/2020, sau cuộc họp qua cầu truyền hình giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Joseph Borrell bày tỏ nỗi "lo ngại sâu sắc" trước việc Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh với Hồng Kông, có nguy cơ hủy hoại nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ và quyền tự trị của đặc khu hành chính Hồng Kông". Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu cũng tuyên bố : Trừng phạt "không phải là cách giải quyết các vấn đề của chúng ta với Trung Quốc".
Theo AFP, ông Joseph Borrell cho biết "sẽ nêu các vấn đề này trong khuôn khổ của chính sách theo đuổi đối thoại với Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh là "các quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc dựa trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau", tuy nhiên, việc Bắc Kinh áp đặt luật này gây hoài nghi về "quyết tâm của Trung Quốc tôn trọng các cam kết quốc tế".
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu cũng giải thích thêm, quan hệ giữa Liên Âu và Trung Quốc là "quá phức tạp để có thể đặt tất cả vào trong một chiếc hộp duy nhất", với Liên Âu, Bắc Kinh vừa là "thế lực cạnh tranh, vừa là đối thủ, cũng vừa là đồng minh".
Trả lời câu hỏi liệu các diễn biến tại Hồng Kông có ảnh hưởng gì đến thượng đỉnh Liên Âu - Trung Quốc, dự kiến sẽ diễn ra tại Leipzig, Đức, ngày 14/09, tới hay không, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu khẳng định trong hiện tại hội nghị này vẫn nằm trong lịch trình.
Đức : Trung Quốc và Liên Âu cần thảo luận thẳng thắn về "các chủ đề khó chịu"
Nửa sau của năm 2020, kể từ ngày 01/07, Đức sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Sau buổi họp các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu hôm qua, ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hiện tại Châu Âu chưa tính tới việc ban hành các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong hồ sơ Hồng Kông, mục tiêu trước mắt là hai bên cần ngồi vào bàn đối thoại, để có thể "thảo luận với nhau về các chủ đề khó chịu".
Theo ngoại trưởng Đức, lập trường của Liên Âu là rất rõ ràng : quyền tự trị của Hồng Kông và các quyền tự do căn bản của người Hồng Kông "không thể nào chỉ còn là chuyện hình thức", và quan điểm của Liên Âu là "bất di bất dịch", nguyên tắc Nhà nước pháp quyền tại Hồng Kông phải được bảo vệ.
Trong cuộc họp hôm qua, các ngoại trưởng 27 nước Châu Âu thảo luận để tìm ra một chiến lược về dài hạn của Liên Hiệp với Trung Quốc. Trong lá thư mời gửi đến các ngoại trưởng, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu lưu ý là sự vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc, sẵn sàng áp đặt quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới "là một trắc nghiệm đối với các tham vọng địa chính trị của Liên Hiệp Châu Âu".
Tại thượng đỉnh Liên Âu - Trung Quốc tại Leipzig dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu có thể ký kết một thỏa thuận về Bắc Kinh và đầu tư. Liên Âu cũng muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong việc bảo vệ môi trường ở Châu Phi, cũng như trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc là quốc gia phát thải số một thế giới (chiếm khoảng gần một phần ba lượng khí thải toàn cầu).
Trọng Thành
*******************
Quốc tế gia tăng áp lực với Trung Quốc trên vấn đề Hồng Kông
Thanh Phương, RFI, 29/05/2020
Bắc Kinh hiện đang đối đầu với áp lực ngày càng tăng của quốc tế sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, một đạo luật bị xem là đe dọa quyền tự trị của đặc khu hành chính này.
Tuổi trẻ Hồng Kông kiên cường xuống đường phản đối Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, ngày 24/05/2020. © Reuters/Tyrone Siu
Hôm qua 28/05, 4 nước Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và Úc đã ra một thông cáo chung lên án Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc sau khi nước này thông qua đạo luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông, nhằm đáp lại các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm ngoái tại đặc khu hành chính này. Bốn nước Tây phương bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" của họ về một đạo luật "sẽ hạn chế các quyền tự do của người dân Hồng Kông" và "làm xói mòn nghiêm trọng nền tự trị và hệ thống đã giúp cho vùng lãnh thổ này thịnh vượng như thế".
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, chủ yếu là do dịch Covid-19 và vấn đề Đài Loan, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm nay ông sẽ có một cuộc họp báo để thông báo "những gì mà chúng ta sẽ làm đối với Trung Quốc". Theo lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua, ông Trump sẽ đặc biệt "nhắm vào các sinh viên gián điệp Trung Quốc".
Theo hãng tin AFP, các nguồn tin ngoại giao vừa cho biết là Hoa Kỳ và Anh Quốc đã thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc thảo luận không chính thức, trong một phiên họp kín và qua video, về tình hình Hồng Kông. Vì là cuộc họp không chính thức, nên các thành viên của Hội Đồng Bảo An có thể đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau và trên nguyên tắc Trung Quốc không thể ngăn cản cuộc thảo luận này.
Hôm thứ Tư 27/05/2020, Bắc Kinh chống lại việc tổ chức một cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An mà Washington đã khẩn cấp yêu cầu để bàn về Hồng Kông. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra : Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Theo các quy định được ban hành trong thời gian có dịch Covid-19, các cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An chỉ có thể được tổ chức khi có sự đồng thuận của toàn bộ 15 thành viên. Bình thường ra, một thành viên của Hội Đồng muốn ngăn cản một cuộc họp chính thức phải thu được 9 trên 15 phiếu trong một cuộc bỏ phiếu về thủ tục.
Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay dĩ nhiên hoan nghênh việc Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, cho rằng luật này sẽ củng cố sự ổn định và quyền tự trị của đặc khu hành chính này. Nhưng phong trào dân chủ ở Hồng Kông thì cực lực phản đối. Trả lời AFP, nữ nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Claudio Mo tuyên bố : "Thế là chấm dứt đối với Hồng Kông".
Thanh Phương
******************
Việt Nam xem tình hình Hong Kong là 'việc nội bộ' của Trung Quốc
VOA, 29/05/2020
Việt Nam hôm 28/5 nói rằng luôn ủng hội chính sách 'một quốc gia, hai chế độ’ của Trung Quốc cũng như coi các vấn đề về Hong Kong là chuyện "nội bộ" của Bắc Kinh ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định về việc trực tiếp ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu này.
Đăng tải của Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam trên Twitter hôm 28/5, trong đó phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt bày tỏ ý kiến trước việc Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định về luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong.
"Việt Nam quan tâm và theo dõi tình hình Hong Kong", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/5 tại Hà Nội, và cho biết "lập trường của Việt Nam về tình hình Hong Kong đã được nêu rõ".
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tân Hoa Xã (Xinhua) trong buổi họp báo về việc Việt Nam nhìn nhận thế nào về việc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua quyết định về thiết lập và hoàn thiện chế độ pháp luật và cơ chế thực thi của Đặc khu hành chính Hong Kong về bảo vệ an ninh quốc gia, ông Việt nói "Việt Nam tôn trọng và ủng hội chính sách 'một nước, hai chế độ’ của Trung Quốc".
Tân Hoa Xã cho biết các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc - tức Quốc hội Trung Quốc - khóa 13 đã bỏ phiếu thông qua quyết định về việc trực tiếp ban hành luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, một trong hai đặc khu hành chính của nước này, với số phiếu "áp đảo" trong ngày cuối cùng của kỳ họp thường niên hôm 28/5.
Theo đó, luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh soạn thảo sẽ nhằm "ngăn chặn và trừng phạt bất kỳ hành động nào diễn ra tại Hong Kong để chia rẽ đất nước, lật đổ chính quyền, các hoạt động khủng bố và những hành vi khác đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, cũng như hoạt động của các lực lượng bên ngoài để can thiệp vào vấn đề Hong Kong".
"Các vấn đề liên quan tới Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với phóng viên Tân Hoa Xã và cho biết thêm rằng "Việt Nam luôn mong muốn tình hình Hong Kong được ổn định và phát triển thịnh vượng".
Một ngày trước khi Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định trên, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đã báo cáo lên Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong "không còn tự trị đối với Trung Quốc nữa", khiến Hong Kong không còn đủ điều kiện hưởng quy chế tài chính đặc biệt theo quy định của pháp luật Mỹ.
Hôm 26/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị đáp lại loan báo của Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, nhưng ông không cho biết chi tiết là liệu ông có ngưng những ưu đãi kinh tế Hong Kong hiện được hưởng hay không.
Căng thẳng chính trị leo thang thêm tại Hong Kong trong những tuần lễ gần đây sau khi giới chức trách thực thi luật Hong Kong bắt giữ 15 nhà hoạt động đòi dân chủ vào tháng 4 trong đó có người sáng lập Đảng Dân chủ Hong Kong Martin Lee, một hành động bị Mỹ lên án.
Hong Kong được trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997 theo thể thức "một quốc gia, hai hệ thống" mà qua đó thành phố này có những quyền tự do rộng rãi chưa hề thấy tại Hoa lục.
********************
Hồng Kông : Chính quyền huy động lực lượng hùng hậu giải tán biểu tình
Thanh Phương, RFI, 27/05/2020
Hôm 27/05/2020, chính quyền Hồng Kông đã huy động một lực lượng cảnh sát hùng hậu để giải tán những người biểu tình phản đối dự luật xem hành vi xúc phạm quốc ca Trung Quốc là một tội hình sự.
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ người biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, tại Hồng Kông ngày 27/05/2020. Reuters - TYRONE SIU
Theo hãng tin AFP, khoảng 100 người biểu tình tập trung tại một khu thương mại đã bị cảnh sát bắn hơi cay giải tán vào trưa nay. Cuộc biểu tình diễn ra vào lúc Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đang thảo luận về dự luật hình sự hóa hành vi xúc phạm quốc ca Trung Quốc. Những người bị kết tội xúc phạm quốc ca có thể lãnh án tù đến 3 năm.
Đối với phong trào dân chủ, dự luật này là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông, nhất là văn bản này được đưa ra thảo luận ngay sau khi Bắc Kinh quyết định áp đặt một đạo luật an ninh quốc gia lên đặc khu hành chính này.
Phẫn nộ vì thấy Trung Quốc gia tăng kiểm soát Hồng Kông, một bộ phận trong giới trẻ tại đây nay trở nên cực đoan và chọn con đường đấu tranh cho nền độc lập của Hồng Kông, như tường trình của thông tín viên Florence de Changy :
Từ cách đây một năm, khi nổ ra các cuộc biểu tình đầu tiên, dân Hồng Kông trước hết đấu tranh đòi rút lại dự luật về dẫn độ sang Trung Quốc. Nhưng bạo hành cảnh sát đã nhanh chóng trở thành một vấn đề mới, và những người biểu tình cũng đòi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đòi các cải tổ dân chủ.
Ngày nay phong trào biểu tình vẫn giữ nguyên 5 yêu sách của họ. Nhưng trong thời gian gần đây, tuyệt vọng vì thấy tình hình vẫn bế tắc và Bắc Kinh thi hành các biện pháp mới để gia tăng kiểm soát Hồng Kông, một bộ phận trong giới trẻ đã trở nên cực đoan.
Ba sinh viên mới tốt nghiệp, và cũng là các nhân viên cứu hộ tình nguyện, giải thích chuyển biến tư tưởng của họ :
"Không một ai, dù là chúng tôi hay bất cứ một công dân nào khác, có thể xuống đường biểu tình, dù là một cách ôn hòa hay với bạo lực. Điều đó có nghĩa không còn cái gọi là "một quốc gia, hai chế độ". Họ vẫn muốn áp đặt lên chúng tôi nguyên tắc "một quốc gia, một chế độ" và đưa Hồng Kông vào trong Trung Quốc".
Những thanh niên này khẳng định nền độc lập là con đường duy nhất để bảo tồn quyền tự trị của Hồng Kông. Như vậy họ tạo cớ cho Bắc Kinh, ngay từ đầu vẫn xem họ là những kẻ ly khai, mà không thấy rằng chính 12 tháng đàn áp dữ dội và chính thái độ khước từ đối thoại của chính quyền đã dẫn đến sự thay đổi của phong trào biểu tình.
Donald Trump hứa hành động
Hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hứa là từ đây đến cuối tuần sẽ có hành động đáp trả việc Bắc Kinh muốn áp đặt đạo luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, cảnh báo rằng đạo luật này có thể khiến đặc khu hành chính mất đi quy chế thị trường tài chính hàng đầu thế giới.
Thanh Phương
Tháng 9/1982 người đàn bà thép Margaret Thatcher, thủ tướng Anh lúc đó, tới Bắc Kinh để bàn về tương lai Hong Kong sau 1997 khi thời hạn thuê 99 năm sắp hết. Người đàn bà thép, được tiếp sức sau khi Anh giành chiến thắng trước Argentina trong cuộc chiến đảo Falklands (Falklands War) trước đó 3 tháng, hy vọng có thể giành ưu thế trước nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong việc gia hạn quản lý Hồng Kông. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra lời cảnh báo tới Thatcher rằng "Trung Quốc có thể đưa quân tiến vào Hồng Kông và lấy lại chỉ trong vòng 1 ngày" nếu nước Anh có ý định nào khác đối với Hồng Kông.
Dòng chảy lịch sử và lựa chọn nào cho Hồng Kông ? - Ảnh minh họa
Khi bước ra khỏi tòa Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, bà Thatcher đã vấp ngã (xem clip). Sự kiện này được 1 số người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc hả hê. Ngay sau đó, tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) thân đại lục Trung Quốc ở Hồng Kông đã chạy dòng chữ "Người đàn bà thép đã không chịu nổi thép của ông Đặng bé nhỏ". Ông Đặng chỉ cao 1m52.
Sự hả hê của người Trung Quốc một phần xuất phát từ lịch sử "nạn nhân" (victim narrative) với Tây Phương. Có lẽ người Trung Quốc không quên sự kiện tuy nhỏ nhưng mang đầy tính thách thức sức mạnh Trung Quốc trước đó gần 200 năm khi sứ thần đầu tiên của nước Anh là Lord Macartney đến yết kiến vua nhà Thanh là Càn Long vào năm 1793. Với niềm tin nước Anh là đế quốc số 1 trên thế giới lúc này, Macartney quyết không khấu đầu (kowtow) tức qùy dập đầu trước vua Càn Long trừ khi người đồng cấp nhà Thanh của ông cũng làm vậy trước bức ảnh của vua Anh lúc đó là George III. Tất nhiên nhà Thanh không đồng ý.
Sau chuyến thăm của Macartney khoảng 50 năm, hai cuộc chiến tranh nha phiến (opium wars) giữa Anh Quốc và nhà Thanh đã làm cho mối quan hệ trong lịch sử giữa Trung Quốc và Anh Quốc không mấy êm đẹp và mở đầu cho thời kỳ mà sử sách Trung Quốc gọi là trăm năm ô nhục (bách niên quốc sỉ : a century of humiliation) cho đến năm 1949 khi Mao Trạch Đông thống nhất Trung Quốc.
Sau cuộc chiến nha phiến đầu tiên (1839-1842), nhà Thanh phải nhượng đảo Hong Kong vĩnh viễn cho Anh Quốc theo điều ước Nam Kinh, và tiếp đó cuộc chiến nha phiến lần 2 (1856-1860) buộc nhà Thanh phải nhượng khu vực bán đảo Cửu Long (Kowloon) vĩnh viễn cho Anh Quốc theo điều ước Bắc Kinh. Khu vực bán đảo Cửu Long có khu Tsim Tsa Tsui, đại lộ Ngôi Sao và khu Mong Kok (Vượng Giác) mà chắc những người mê phim TVB đều biết. (Đảng cộng sản Việt Nam cũng được thành lập vào tháng 2/1930 ở khu vực Cửu Long Thành ở bán đảo Cửu Long).
Tới năm 1898, Anh Quốc và nhà Thanh ký điều ước Bắc Kinh thứ II cho Anh Quốc thuê khu Tân Giới (New Territories) và các đảo nhỏ 99 năm. Thời hạn thuê chấm dứt vào năm 1997. Lúc ấy, Claude MacDonald, đại diện Anh Quốc ký kết điều ước Bắc Kinh thứ II chọn mốc 99 năm bởi vì nghĩ nó cũng tương đương mãi mãi và không bao giờ phải trả lại. Ba khu vực bao gồm đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và khu Tân Giới hình thành nên Hồng Kông như chúng ta đều biết.
Khi Thatcher tới Bắc Kinh vào năm 1982 bà chỉ mới nghĩ nhiều về gia hạn Tân Giới chứ chưa nghĩ tới về việc trao trả cả khu vực đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long vốn thuộc về Anh mãi mãi theo các điều ước Nam Kinh và Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn cho rằng các hiệp ước này là bất bình đẳng và không bao giờ công nhận. Và ông Đặng không phải là người dễ chơi và dễ khuất phục.
Những người đầu tiên lo lắng về tương lai Hồng Kông lúc đó chính là giới bất động sản. Vào những năm 1970 những nhà đầu tư phát triển bất động sản Hồng Kông ở khu vực Tân Giới không thể nào bán nhà giá cao khi họ không chắc là quyền sở hữu nhà có bị thay đổi bởi chính quyền Bắc Kinh sau năm 1997. Những gia tộc bất động sản giàu có như Lý Gia Thành (Li Kashing) hay Lý Triệu Cơ (Li Shau Kee) áp lực buộc thống đốc Hồng Kông lúc đó là MacLehose phải nói chuyện với Bắc Kinh về tương lai Hồng Kông sau 1997.
MacLehose (1971-1982) là một trong những thống đốc được dân Hồng Kông yêu mến nhất. Chính MacLehose là người thành lập Ủy Ban Độc lập về chống tham nhũng của Hồng Kông (ICAC) mà người mê phim Hồng Kông nào cũng biết. Trước khi làm thống đốc Hồng Kông thì MacLehose từng làm đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam Cộng Hòa vào 1967 và Hồng Kông lúc đó thì tham nhũng trong chính quyền tràn lan, đặc biệt là cảnh sát. ICAC sau đó đã biến Hồng Kông trở thành một trong những lãnh thổ ít tham nhũng nhất trên thế giới. Năm 1979, MacLehose tới Bắc Kinh để mở ra cuộc nói chuyện chính thức về tương lai Hồng Kông, và mở đường cho bà Thatcher gặp ông Đặng vào 1982.
Và sau đó mọi chuyện như chúng ta đã biết, nước Anh không thể gia hạn thuê khu vực Tân Giới mà còn trao trả cả 2 khu vực còn lại. Một số học giả Hồng Kông đổ lỗi thất bại trong việc điều đình cho đoàn đàm phán của bà Thatcher mặc dù toàn dân tốt nghiệp Oxford, Cambridge nhưng chỉ biết tiếng Trung mà chẳng hiểu gì về Trung Quốc. Tuyên bố chung Trung-Anh vào năm 1984 đã quyết định trao trả chủ quyền cả 3 khu vực đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và Tân Giới về đại lục Trung Quốc vào 01/07/1997 với nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" (nhất quốc lưỡng chế) và điều kiện hệ thống tư bản và lối sống trước đó của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian 50 năm cho đến năm 2047 (ngũ thập niên bất biến/ 50 years unchanged). Hiến pháp của Hồng Kông được gọi là Luật Cơ bản (Basic Law). Điều 23 của Luật Cơ bản quy định các luật về an ninh sẽ do do cơ quan lập pháp của Hồng Kông quyết định.
Cơ quan lập pháp của Hồng Kông theo tiếng Quảng Đông đọc là "laap faat wui" (lập pháp hội) bị những người theo phong trào dân chủ ở Hồng Kông gọi chế là "laap saap wui" (rác rưởi hội) do đa số trong tổng số 70 nghị sĩ có quan điểm thân đại lục Bắc Kinh.
Nhưng cuối cùng thì ngày 28/05/2020 Quốc hội Trung Quốc cũng tước quyền này của họ khi giành quyền soạn thảo các đạo luật liên quan an ninh cho Hồng Kông khi Bắc Kinh mất kiên nhẫn với tình hình biểu tình liên tục gần đây ở Hồng Kông kể từ tháng 6 năm ngoái khi giới trẻ Hồng Kông xuống đường biểu tình chống luật dẫn độ. Sau này, những người biểu tình trẻ tuổi có thể bị bắt vì tội khủng bố, đòi ly khai hay lật đổ chính quyền thay vì chỉ vì tội gây mất trật tự xã hội. Trung Quốc có thể ổn định hơn để phát triển kinh tế sau sự kiện Thiên An Môn đòi dân chủ của sv vào 1989 nhưng không biết Hồng Kông thì như thế nào.
Cuối cùng coi như nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ" đã chấm dứt đối với Hồng Kông cũng như ngoại trưởng Mỹ Pompeo viết trong thông cáo hôm 27/05 rằng Hồng Kông đã mất sự tự trị như cam kết. Năm mươi năm bất biến đã rút gọn thành hai mươi ba năm. Bản sắc Hồng Kông sẽ đi về đâu ? Một bản sắc được pha trộn giữa văn hóa Á Đông và các giá trị tự do cá nhân của phương Tây. Một vùng đất nhỏ xíu chỉ hơn 1.000 km2 với 7 triệu người và hàng năm đón hơn 40 triệu du khách, trong đó có hơn 20 triệu từ đại lục.
Năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc thì nền kinh tế của Hồng Kông gần 1/5 GDP của Trung Quốc (18%), trong khi hiện nay chỉ còn hơn 2%. Hương Cảng như tên gọi Hồng Kông cũng ko còn được coi là cảng rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi trong 4 cảng đông đúc nhất thế giới thì có tới 3 cảng ở đại lục Trung Quốc và cảng Thượng Hải đứng đầu.
Hồng Kông cuối cùng rồi cũng sẽ giống như một thành phố Trung Quốc khác (another Chinese city). Ổn định xã hội hay bản sắc, cái nào quan trọng hơn đối với dân Hồng Kông ?
Nguyễn Thành Trung
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/05/2020
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp lại gây tranh cãi với một bức biếm họa chống Mỹ (RFI, 27/05/2020)
Trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris ngày 24/05/2020, đã xuất hiện một bức biếm họa xúc phạm Hoa Kỳ. Bài đăng đã lập tức gây ra nhiều phản ứng dữ dội. Trước làn sóng phẫn nộ, cơ quan đại diện của Bắc Kinh đã phải lên tiếng biện minh rằng tài khoản Twitter của họ đã bị tin tặc thâm nhập để đăng lên bức biếm họa gây tranh cãi, điều được cho là khó tin.
Lu Shaye, đại sứ Trung Quốc tại Paris - Ảnh chụp ngày 26/08/2019 - AFP
Trong một tin nhắn Twitter đề ngày 25/05, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp khẳng định là "một người nào đó" đã thâm nhập vào tài khoản Twitter của họ để công bố môt bài đăng "giả mạo" bao gồm một bức biếm họa mang tựa đề : "Ai là là người kế tiếp ? – Qui est le prochain ?".
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ngay sau khi bức biếm họa được công bố trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, nhiều phản ứng dữ dội đã xuất hiện trên mạng xã hội, và ít lâu sau, bức tranh đã bị xóa đi.
Bức biếm họa gây tranh cãi vẽ hình một thần chết, người quấn một lá cờ Mỹ, gõ cửa một căn phòng bên trên ghi chữ Hồng Kông bằng tiếng Anh và tiếng Hoa. Trước Hồng Kông là một loạt căn phòng khác đã mở cửa với máu chảy ra lênh láng, bên trên ghi : Iraq, Libya, Syria, Ukraine và Venezuela. Trên lưỡi hái của thần chết có một cái vết trông giống như ngôi sao của David, biểu tượng của người Do Thái.
Bài đăng trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc đã bị nhiều cư dân mạng coi là một thông điệp bài Do Thái, lấy lại một thuyết âm mưu về một liên minh Mỹ-Do Thái để gây bất ổn định tại Hồng Kông.
Trong tin nhắn đính chính, sau khi nói là tài khoản của mình bị tin tặc tấn công, cơ quan đại diện Trung Quốc tại Pháp đã lên án vụ việc và khẳng định rằng Bắc Kinh "luôn luôn gắn bó với nguyên tắc trung thực, khách quan và hợp lý của thông tin".
Không ai tin vào lời cải chính của Đại sứ quán Trung Quốc
Theo AFP, ông Antoine Bondaz, giảng viên trường khoa học chính trị Sciences Po Paris, đã không ngần ngại nhận định rằng đó là một hành động "đê hèn và bài Do Thái". Nhiều cư dân mạng khác đã đòi sứ quán Trung Quốc phải xin lỗi.
Tuy nhiên, một số người sau đó đã nhấn mạnh rằng bức biếm họa đã mô phỏng một bức tranh đầu tiên vẽ hình thần chết quấn cờ Trung Quốc, và đi gõ những cánh cửa bên trên có ghi Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, Đài Loan…
Lời đính chính của phía Trung Quốc không thuyết phục được ai. Trong một tin nhắn Twitter ngày 25/05, chuyên gia Bondaz nhận xét : "Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định rằng tài khoản của họ đã bị tin tặc tấn công và như vậy không phải là chính họ đã công bố bức biếm họa bẩn thỉu. Đây quả là một lập luận kỳ lạ, nhất là khi bức vẽ được chính Đại sứ quán Trung Quốc đánh dấu "like" rồi kèm theo một lời bình luận".
Theo AFP, ông Bondaz đã cho rằng : "Đại sứ quán Trung Quốc đã rất chật vật trong việc thừa nhận sai lầm của mình và xin lỗi".
Liên tục tung ra tin nhắn "khiêu khích"
Theo hãng tin Pháp, trong những tuần lễ qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã liên tục tung ra trên mạng Twitter nhiều tin nhắn khiêu khích, hoàn toàn không có một chút tính chất ngoại giao.
Trong những ngày gần đây, họ đã làm cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ phẫn nộ khi gởi đi lời chúc truyền thống của người Hồi giáo nhân lễ Aïd el-Fitr, kết thúc mùa chay ramadan. Điều này đã làm dấy lên phản ứng giận dữ như "Hãy cảm thấy xấu hổ !", "Mặt dầy !"…, trong bối cảnh các chuyên gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tố cáo Bắc Kinh giam giữ ít ra là 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ.
Nhà xã hội học người Pháp gốc Duy Ngô Nhĩ Dilnur Reyhan rất phẫn nộ trước thông điệp chúc mừng của Đại sứ quán Trung Quốc, nói : "Các người đã giam cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, thậm chí cấm dùng những từ ngữ như "Bismillah", "Elhemdulila" hay "Allah'qa amanet", đốt sách của chúng tôi, buộc người Hồi giáo ăn thịt heo của các người, tổ chức các lễ hội rươu bia trong mùa Ramadan, và giờ đây các người lại dám làm thế".
Mai Vân
********************
Hồng Kông : Bắc Kinh cảnh báo trả đũa Mỹ, lãnh đạo đặc khu trấn an giới đầu tư (RFI, 26/05/2020)
Hôm 25/05/2020, chính quyền Trung Quốc lên tiếng cảnh báo trả đũa các đe dọa trừng phạt của Mỹ. Washington báo trước sẽ tước bỏ quy chế đặc biệt với Hồng Kông, nếu Bắc Kinh thông qua dự luật về an ninh quốc gia, bị lên án xâm phạm đến nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Dự luật đang được Quốc hội Trung Quốc thảo luận. Lãnh đạo Hồng Kông hôm nay, 26/05, trấn an giới đầu tư nước ngoài.
Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật an ninh, ngày 24/05/2020. Reuters - Tyrone Siu
Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố Hoa Kỳ "không có quyền phê phán cũng như không có quyền can thiệp" vào hồ sơ này. Theo quan chức này, luật pháp được thực thi tại Hồng Kông "hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc" và nhấn mạnh : "Nếu Hoa Kỳ quyết định gây tổn hại cho các lợi ích của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để trả đũa". AFP cho hay, ông Triệu Lập Kiên nói thêm là Bắc Kinh đã gửi một công hàm phản đối mạnh mẽ đến Washington.
Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh Quốc hội Trung Quốc có kế hoạch thông qua dự luật về an ninh quốc gia ngày thứ Năm tới 28/05, cho phép Bắc Kinh đàn áp các hoạt động được coi là "ly khai", "lật đổ", "các tổ chức khủng bố", hay "các can thiệp nước ngoài" tại Hồng Kông. Luật có thể có hiệu lực ngay từ mùa hè này. Theo AFP, hiện tại nội dung của dự luật chưa được công khai toàn bộ. Một trong các điểm gây lo ngại lớn là luật cho phép công an Trung Quốc trực tiếp có mặt tại Hồng Kông.
Theo giới quan sát, đông đảo người Hồng Kông lo ngại dự luật nói trên sẽ xâm phạm ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", theo đó Bắc Kinh cam kết để Hồng Kông được hưởng các quyền tự do hoàn toàn không có những nơi khác tại Hoa lục, cho đến năm 2047. Nhiều quốc gia phương Tây và các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ nỗi lo ngại này. Hôm thứ Sáu vừa qua, chứng khoán Hồng Kông sụt giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Luật an ninh mới chỉ nhắm vào "các phần tử lưu manh"
Để trấn an giới đẩu tư, hôm nay, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên tiếng bác bỏ các lo ngại "hoàn toàn không có cơ sở", về khả năng các quyền tự do tại Hồng Kông bị bóp nghẹt. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông cam đoan là "các quyền tự do tại Hồng Kông sẽ được bảo tồn, sự năng động của đặc khu, các giá trị căn bản về phương diện Nhà nước pháp quyền, độc lập của tư pháp và các quyền tự do căn vẫn sẽ tiếp tục được duy trì".
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dự luật về an ninh quốc gia sẽ "chỉ nhắm vào một thiểu số nhỏ các phần tử lưu manh, bảo vệ tuyệt đại đa số người dân tôn trọng luật pháp và yêu hòa bình".
Cùng lúc với việc lãnh đạo đặc khu lên tiếng trấn an, theo Reuters, tư lệnh các đơn vị quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông, tướng Trần Đạo Tường (Chen Daoxiang), hôm nay khẳng định lực lượng vũ trang Trung Quốc đóng tại Hồng Kông "quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự thịnh vượng lâu dài của đặc khu Hồng Kông", và "sẵn sàng thực thi luật mới về an ninh quốc gia" mà Quốc hội sẽ thông qua. Theo giới quan sát, chỉ huy quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông rất hiếm khi lên tiếng trước công luận về các vấn đề của đặc khu.
Trọng Thành
*******************
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc lợi dụng đại dịch để bành trướng ở Biển Đông (RFI, 25/05/2020)
Trước các lời tố cáo ngày càng nhiều cho rằng Bắc Kinh lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường bành trướng trên Biển Đông, hôm qua, 24/05/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng bác bỏ, coi những cáo buộc trên là "phi lý".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp báo trực tuyến ngày 24/05/2020 tại Bắc Kinh, bên lề khóa họp Quốc hội Trung Quốc. China Daily via Reuters - China Daily
Theo hãng tin Mỹ AP, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, ông Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực chống dịch Covid-19 với các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh.
Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và các nước ASEAN vẫn hỗ trợ, đồng thời tăng cường lòng tin lẫn nhau trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona.
Trái lại, ông Vương Nghị tuyên bố là có nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ và các đồng minh, đã gây ra tình hình mất ổn định trong khu vực Biển Đông bằng những chuyến bay quân sự và các cuộc tuần tra trên biển. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng những hành động có dụng ý xấu nhằm gieo rắc thêm bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN phá hoại ổn định trong vùng.
Theo AP, một ưu tiên khác được ngoại trưởng Trung Quốc nhắc tới trong cuộc họp báo là vấn đề Đài Loan với đe dọa rằng Trung Quốc có quyền kiểm soát lãnh thổ của mình bằng sức mạnh quân sự nếu thấy cần thiết.
Trung Quốc cho biết sẽ tăng 6,6% ngân sách quốc phòng trong năm 2020 mặc dù đang gặp khó khăn kinh tế do dịch Covid-19. Đây là mức tăng thấp nhất từ nhiều năm qua, nhưng vẫn cần thiết để phục vụ cho các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Bắc Kinh. Hiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 180 tỷ euros.
AP cho biết một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các nước Đông Nam Á phải cắt giảm chi tiêu quân sự vì khủng hoảng kinh tế do dịch virus corona. Như vậy, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng hơn nữa việc đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.
Anh Vũ
Tự do và dân chủ Hồng Kông : Thành lũy chống chế độ độc tài Trung Quốc
Chiếm trọn trang nhất báo Libération là bức hí họa Tập Cận Bình và Donald Trump, theo hướng người ngược, kẻ xuôi, mỗi người giang tay dạng chân ôm một nửa Trái đất, miệng há thật to ngoạm sâu từng miếng. Bên dưới bức hình là hàng tựa lớn "Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là cuộc chiến lớn". Quan hệ giữa hai siêu cường thế giới xuống cấp rõ rệt từ khi Donald Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, và xung đột song phương vẫn kéo dài, nhất là với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh mới của Bắc Kinh, tại khu vực Causeway Bay, Chủ Nhật 24/05/2020. © Oliver Farry
Libération số ra ngày 26/05/2020 dành cả trang nhất, bài xã luận và hồ sơ 4 trang cho quan hệ Mỹ - Trung. Trong bài viết "Mỹ và Trung Quốc : Quan hệ ngày càng tệ", Libération nhấn mạnh với các hoạt động tuyên truyền và những cáo buộc nhuốm màu thuyết âm mưu, hai nước hiện giờ coi nhau như kẻ thù. Bắc Kinh tố cáo là các lực lượng chính trị Mỹ đang đẩy hai nước đến "bờ vực chiến tranh lạnh", còn tại Washington, cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều không còn coi Trung Quốc là một đối tác "khả nghi" hay đối thủ mà là một kẻ thù cần đánh bại cả về kinh tế, công nghệ, chính trị và địa chính trị.
Trong bài xã luận "Thành lũy", Libération nhắc lại hồi năm 1997, khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, ai cũng biết Bắc Kinh sẽ không ngừng ngầm phá hoại "thành lũy chống chế độ độc tài". Sau 23 năm, Trung Quốc dường như đang tiến gần đến đích. Với đạo luật về an ninh quốc gia, Bắc Kinh đang có quyết tâm gần như tuyệt đối, nhất là khi căng thẳng với Washington đang ở đỉnh điểm và Bắc Kinh đang cần ghi điểm để chứng tỏ Trung Quốc có quyền năng tối thượng.
Đúng là hình ảnh của Trung Quốc đã bị xấu đi do cách quản lý khủng hoảng khi dịch bệnh mới nổ ra, nhưng theo Libération, Bắc Kinh có thể hy vọng sẽ tận dụng cơ hội không dễ sớm có lại được : Toàn thế giới đang phải đối phó với virus corona, nước Mỹ thì đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Bị suy yếu do thảm họa y tế mà ông quản lý kém cỏi, Donald Trump không thể để mình đi nhầm nước cờ. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến ngày bầu cử mang tính quyết định, nước Mỹ lại đang bị virus corona tàn phá, giả thuyết Washington ra tay cứu nền dân chủ Hồng Kông rất ít khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, Libération lưu ý đây là một thử thách không chỉ đối với Hồng Kông. Tinh thần chinh phục của Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết, không chỉ đơn giản là nhắm vào vùng đất nhỏ xíu mà là nhắm vào quyền tự do và nền dân chủ. Và nếu quyền tự do và dân chủ sụp đổ ở Hồng Kông thì điều này cũng có thể sẽ xảy ra ở những nơi khác.
Mỹ - Trung : Những hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới
Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ lãnh thổ tới chính trị và kinh tế. Libération điểm lại những vấn đề gây mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington, mà tờ báo chơi chữ gọi là những "hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới" : Cuộc đọ sức về Hồng Kông, cuộc chiến thương mại, Đài Loan, Biển Đông, Tổ chức Y tế Thế giới và các trại tập trung giam hãm người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm
Libération cũng giới thiệu bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Nadège Rolland, chuyên gia về chính trị và an ninh Châu Á, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu Châu Á, có trụ sở tại Seattle và Washington. Nadège Rolland nhìn lại quá trình kéo dài nhiều thập kỷ mà Trung Quốc vươn lên thành cường quốc. Nhà nghiên cứu nhận định "Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm" và việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bỏ chính sách tiến từng bước nhỏ vào năm 2017 đã đột ngột chấm dứt những thập niên mù quáng ở phương Tây.
Tại sao Bắc Kinh muốn áp đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông ?
Le Monde hôm nay cũng dành sự chú ý cho Hồng Kông, nơi người dân đang đấu tranh chống sự áp đặt của chính quyền Bắc Kinh. Le Monde đặt câu hỏi "Bắc Kinh muốn áp đặt đạo luật như thế nào ở Hồng Kông ?" và dành hai bài viết cho chủ đề Hồng Kông : "Tại sao Bắc Kinh muốn đảm bảo an ninh ở Hồng Kông ?" và "Những người phản đối đang cố huy động lại lực lượng để đối phó với chế độ chuyên chế Trung Quốc".
Ngày 28/05, Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua đạo luật nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính Hồng Kông". Đạo luật này sẽ gồm 7 điều, trong đó, theo thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Lemaitre, có 3 điều quan trọng. Điều 2 ghi rõ Trung Quốc "kiên quyết phản đối" mọi hành động can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào Hồng Kông. Điều 4 cho phép các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc được đặt cơ sở và phát triển hoạt động tại Hồng Kông. Điều 6 - điều quan trọng nhất - cho phép Bắc Kinh soạn thảo các đạo luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông và "ngăn chặn, chấm dứt, trừng trị bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, như ly khai, lật đổ chính quyền Nhà nước hoặc tổ chức, thực hiện các hoạt động khủng bố cũng như các hoạt động của nước ngoài và do nước ngoài dẫn dắt để can dự vào công việc của Hồng Kông".
Đối với Bắc Kinh, tình hình hiện nay là do chính quyền Hồng Kông chưa từng thực thi điều 23 Luật Cơ bản, tương đương Hiến pháp của đặc khu hành chính, để thông qua đạo luật cho phép chính quyền thành phố cấm "mọi hành vi phản quốc, ly khai, dụ dỗ và lật đổ". Chính quyền đặc khu đã từng nỗ lực làm điều đó hồi năm 2003 nhưng phải từ bỏ ý định do vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của dân chúng. Khi đó, Bắc Kinh cảm thấy bị người dân Hồng Kông phản bội. Và cũng kể từ đó, mọi nỗ lực cải cách chính trị lớn ở Hồng Kông đều bị "đóng băng". Điều 23 cho đến nay vẫn chưa từng được ban bố, thế nhưng người dân Hồng Kông cũng không được bầu lãnh đạo đặc khu như Hiến pháp quy định.
Vào năm 2019, các cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 9 và 16/06 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh bất ngờ. Sau đó, Bắc Kinh thay đại diện tại Hồng Kông. Việc người biểu tình đập phá và chiếm đóng trụ sở Quốc hội, phỉ báng quốc kỳ Trung Quốc trong nhiều dịp, và chiếm đóng sân bay hồi tháng 8/2019 đã nhanh chóng khiến Bắc Kinh quy cho những người biểu tình là thuộc "phe ly khai", "khủng bố" lấy cảm hứng từ phương Tây.
Bài xã luận của China Daily hôm 23-24/05 nhấn mạnh là đối với Bắc Kinh, bảo vệ an ninh quốc gia là "một trách nhiệm lập hiến của đặc khu chứ không phải một sự lựa chọn theo ý muốn". Theo chính phủ Trung Quốc, chính sự rối loạn ở Hồng Kông từ mùa hè năm 2019, chứ không phải sự đàn áp, đang gây bất ổn cho nền kinh tế đặc khu. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, phe đối lập có được sức mạnh là nhờ có được sự hỗ trợ từ phương Tây. Và theo quan điểm của Bắc Kinh, cái gọi là những giá trị phổ quát của phương Tây chỉ gây ra những xung đột và làm rối loạn thế giới.
Chế độ chuyên chế không hợp với tự do cá nhân của người Hồng Kông
Thông tín viên báo Le Monde tại Hồng Kông, Florence de Changy, nhấn mạnh đến nỗi lo sợ của người dân Hồng Kông, nhất là vì hiện giờ không ai biết hệ lụy thực sự của luật an ninh quốc gia mới sẽ là gì. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo Hồng Kông, người "hoàn toàn ủng hộ" quyết định của Bắc Kinh, phát biểu hôm 23/05 là chính bà cũng không nắm được thông tin chi tiết. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu các tòa án Hồng Kông vẫn có thẩm quyền ? Làm thế nào để đạo luật mới, dường như sẽ tiêu diệt quyền tự do, có thể cùng tồn tại với luật hiện hành ở Hồng Kông và bảo đảm các quyền tự do cá nhân được ghi trong Hiến pháp Hồng Kông ? Biểu lộ sự phản đối đối với chính phủ có bị coi là một hành động lật đổ hay không ?
Trong bối cảnh đó, thông tín viên báo Le Monde ghi nhận nhiều thanh niên Hồng Kông rất quyết tâm để Hồng Kông được độc lập. Nhiều người hô hào "Hãy kháng cự", "Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng" hay hô khẩu hiệu trấn an "Họ không thể giết hết chúng ta !" và khẳng định "Độc lập của Hồng Kông là lối thoát duy nhất". Đối với giới trẻ, tính chuyên chế của chính quyền Bắc Kinh không thích hợp với tự do cá nhân của người dân Hồng Kông.
Du lịch : Đại dịch làm lu mờ ngôi sao Booking.com
Covid-19 đã làm điêu đứng ngành du lịch, Booking.com, công ty hàng đầu thế giới về đặt phòng du lịch, với doanh thu hàng năm khoảng 10 tỉ euro và lợi nhuận gần 3,5 tỉ euro, cũng không phải một ngoại lệ.
Trong bài viết "Đại dịch làm lu mờ ngôi sao Booking.com", Le Monde cho biết Booking.com từng tự hào là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong lĩnh vực du lịch chưa từng phải sa thải nhân sự hàng loạt, nhưng nay tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở tại Hà Lan, đã tính tới khả năng sa thải nhân viên do hoạt động trong những tháng qua giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2019 vì dịch bệnh Covid-19.
Le Monde nhận định đây là một cú sốc với các nhân viên của hãng, vốn rất tự hào về phong cách quản lý và chế độ đãi ngộ của Booking.com. Công ty cũng đã phải cầu cứu chính quyền Hà Lan để có tiền trả lương nhân viên. Các nhà tranh đấu thuộc các hội đoàn ở Hà Lan đang tự hỏi tại sao một công ty có lợi nhuận cao như vậy lại có thể xin trợ cấp của chính phủ. Hiện giờ vẫn chưa rõ chính phủ Hà Lan hỗ trợ cho tập đoàn này bao nhiêu tiền, nhưng Le Monde cho biết Booking đang bị chỉ trích là "vô đạo đức, ăn bám" vì hành động nói trên. Ở Liên Hiệp Châu Âu, tập đoàn này từng được biết đến là rất biết cách lách thuế và các quy định về cạnh tranh.
Trang nhất các báo Pháp
Phát hành từ chiều hôm trước, trên trang nhất báo Le Monde quan tâm đến thời sự Pháp và chạy tựa "Tuần lễ quyết định của chính phủ để chấm dứt phong tỏa". Theo dự kiến, tuần này chính phủ Pháp phải công bố bản tổng kết đầu tiên về giai đoạn đầu dỡ bỏ phong tỏa, trước khi bước vào giai đoạn 2 từ ngày 02/06. Le Monde gọi đây là "một thử thách về sự thật" dành cho cơ quan hành pháp.
Báo La Croix cũng nói đến những khó khăn của giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp trong những ngày này khi họ đang phải đưa ra những quyết định sống còn trong bối cảnh bất định chưa từng có và liên tưởng tới việc "Lãnh đạo ở miền đất lạ".
Trong bài xã luận "Dự báo thế nào, lựa chọn ra sao ?", La Croix nhắc tới hai phát ngôn nổi tiếng : "Lãnh đạo là dự báo" và "Lãnh đạo là đưa ra lựa chọn, mà lựa chọn thì rất khó". Nhưng theo La Croix, cả hai câu nói trên đều không có ích cho tổng thống và thủ tướng Pháp vì trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế là phải dự báo, rồi mới lựa chọn. Mà vào thời điểm này, đó là điều bấp bênh chưa từng có.
Cũng giống như Le Monde và La Croix, báo Le Figaro tập trung vào nước Pháp với hàng tựa : "Phá sản, kế hoạch xã hội… Cú sốc mà Pháp rất sợ". Nhiều công ty sẽ không thể tiếp tục trụ lại được nữa khi chính phủ rút các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Người lao động lo ngại các công ty sẽ sa thải ồ ạt nhân viên. Về thương mại, Les Echos nói tới khủng hoảng thừa. Dịch bệnh khiến mức tiêu dùng giảm và ngành dệt may đang phải trả giá.
Thùy Dương
Bắc Triều Tiên họp bàn tăng cường khả năng răn đe hạt nhân (RFI, 24/05/2020)
Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA ngày 24/05/2020 loan báo Bình Nhưỡng đã thảo luận các biện pháp mới nhằm củng cố, tăng cường khả năng "răn đe hạt nhân", trong một cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương dưới sự chủ trì của lãnh đạo Kim Jong-un.
Lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc họp Ủy ban Quân ủy Trung ương ngày 23/05/2020. KCNA VIA KNS/AFP
KCNA gọi các biện pháp mà Bình Nhưỡng đưa ra trong cuộc họp là "những biện pháp mang tính sống còn", nhưng không cho biết chi tiết các quyết định mà Bình Nhưỡng đưa ra nhằm "răn đe hạt nhân". Chế độ Bình Nhưỡng cũng thảo luận về việc "đặt các lực lượng vũ trang chiến lược trong tình trạng báo động" trong khuôn khổ "tăng cường và phát triển các lực lượng vũ trang" quốc gia. Các quan chức đồng thời xem xét lại "hàng loạt khuyết điểm, thiếu sót trong các hoạt động quân sự và chính trị" của Bắc Triều Tiên, cũng như bàn bạc về cách thức để đảm bảo là các lĩnh vực nói trên có "sự cải thiện mang tính quyết định".
Hôm nay, nhật báo chính thức của chế độ Bình Nhưỡng, Rodong Sinmun, công bố nhiều bức ảnh về cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương Bắc Triều Tiên. Còn KCNA tuy không nêu rõ cuộc họp trên diễn ra ngày nào nhưng trong một bài viết khác, hãng tin này cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã ban hành một mệnh lệnh cho các lực lượng vũ trang hôm 23/05.
Đây là lần đầu tiên KCNA nói đến sự hiện diện trước công chúng của lãnh đạo Kim Jong-un tính từ gần 3 tuần nay, thời điểm bắt đầu có những lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Kim. Cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh báo Mỹ Washington Post tiết lộ thông tin chính quyền của tổng thống Donald Trump mới đây đã thảo luận về khả năng Washington tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân mới - lần thử đầu tiên của Mỹ tính từ năm 1992.
Theo Washington Post, hôm thứ Sáu 22/05, một lãnh đạo cao cấp của chính phủ Mỹ và hai cựu lãnh đạo, xin được ẩn danh, đã cho biết là khả năng thử nghiệm hạt nhân đã được chính quyền Trump bàn thảo trong một cuộc họp hôm 15/05. Theo nhiều chuyên gia, quyết định thử nghiệm hạt nhân của Washington có thể sẽ đẩy các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vào "ngõ cụt".
Thùy Dương
**********************
Hồng Kông : Hàng ngàn người biểu tình phản đối luật an ninh mới của Bắc Kinh (RFI, 24/05/2020)
Ngày 24/05/2020, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối một dự luật an ninh mới của Trung Quốc. Những người biểu tình cáo buộc đây là một đạo luật bóp nghẹt các quyền tự do của người dân đặc khu hành chính này.
Cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để giải tán người dân biểu tình Hồng Kông, phản đối dự luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, ngày 24/05/2020. Reuters - TYRONE SIU
AFP nhắc lại dự luật được đưa ra trong phiên họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc hôm thứ Sáu 22/05 đề ra các biện pháp nhằm trừng phạt các hành động "phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ" chế độ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Florence de Changy tại Hồng Kông, cuộc tụ tập này đã nhanh chóng biến thành một cuộc bạo động.
"Tình hình biến đổi tồi tệ nhanh chóng ngay đầu giờ chiều trên các trục lộ lớn ở Hồng Kông, đặc biệt là tại khu vực Causeway Bay, điểm xuất phát thường lệ của các cuộc tuần hành lớn và cũng là khu thương mại rất sầm uất. Tại đây cảnh sát hiện diện dầy đặc.
Hàng chục đạn hơi cay đã được bắn đi mà không hề cảnh báo trước nhằm giải tán vài ngàn người hay hàng chục ngàn người đang tụ tập. Ngay lập tức sau đó là cả một kho vũ khí chống bạo động đã được triển khai : bình xịt hơi cay nhưng còn có cả những chiếc vòi rồng đáng gờm và xe bọc thép.
Trước đó đã có nhiều lời kêu gọi tập hợp vào chiều nay để phản đối một dự luật sẽ được áp đặt cho người dân Hồng Kông, buộc họ phải tôn trọng quốc kỳ và quốc ca Trung Quốc. Dự luật hiện đang được thảo luận tại Nghị Viện Hồng Kông và rất có thể sớm được thông qua.
Thế nhưng, việc Bắc Kinh thông báo ý định áp đặt một luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, phớt lờ các luật lệ của Hồng Kông đã làm gia tăng cơn phẫn nộ của người dân.
Trước cửa trung tâm thương mại lớn Sogo, một người phụ nữ tay cầm tấm biển có ghi dòng chữ : Các ông không thể giết chết được chúng tôi. Người Hồng Kông quyết không thoái lui".
RFI tiếng Việt
*********************
Phương Tây yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông (RFI, 23/05/2020)
Dự luật về an ninh quốc gia đã được trình trước Quốc hội Trung Quốc ngày 22/05/2020 nhằm chống các hành vi "phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ" và "can thiệp của nước ngoài". Ngay lập tức, văn bản trên đã bị các nhà đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông lên án mạnh mẽ. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước phương Tây đồng loạt lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh "tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông".
Biểu tình ngày 23/05/2020 tại Đài Bắc ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, sau khi dự luật an ninh được đưa ra xem xét ở Quốc hội Trung Quốc Reuters - BEN BLANCHARD
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình phản ứng của Washington :
"Luật an ninh mà Trung Quốc muốn áp đặt để lách quy trình lập pháp của Hồng Kông có thể sẽ là một đòn chí mạng cho quyền tự chủ mà Bắc Kinh hứa với Hồng Kông". Ngoại trưởng Mỹ nhận định như trên trong một bản thông cáo, đồng thời yêu cầu Trung Quốc xem xét lại dự luật mà ông đánh giá là "tai hại".
Tổng thống Mỹ thì ít dông dài hơn và chỉ tuyên bố : "Nếu luật này được áp dụng, chúng tôi sẽ hành động cứng rắn". Ông Donald Trump chưa bao giờ tỏ ra bận tâm thực sự về tình hình nhân quyền. Ông từng giữ im lặng rất lâu trước các cuộc trấn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vào mùa hè năm ngoái. Dù nguyên thủ quốc gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch vượt ngoài tầm kiểm soát, thì ông vẫn cố giữ quan hệ tốt với đồng nhiệm Trung Quốc, thường được ông coi là một người bạn.
Ngược lại, Quốc hội Mỹ lại rất nhạy cảm về vấn đề nhân quyền. Ngay thứ Năm 21/05, các thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đã dọa bỏ phiếu các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh nếu dự luật về an ninh quốc gia được áp dụng".
Phương Tây phản đối, Hồng Kông biểu tình
Ngay ngày 22/05, trong một thông cáo được cả 27 nước thành viên thông qua, Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông" theo quy chế "một quốc gia, hai chế độ" và cho biết tiếp tục "theo dõi sát sao diễn tiến tình hình".
Trong khi đó, Anh Quốc, Úc và Canada, thông qua tuyên bố chung của ngoại trưởng ba nước, đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc", đồng thời nhắc lại rằng tuyên bố chung "mang tính ràng buộc pháp lý, được Trung Quốc và Anh Quốc ký" có đề cập đến "các quyền và quyền tự do, trong đó có nhân quyền tự do báo chí, hội họp và nhiều quyền khác được quy định trong luật pháp của Hồng Kông".
Bất bình về dự luật an ninh của chính quyền trung ương, trong khi lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố sẵn sàng "hợp tác hoàn toàn" với Bắc Kinh, người dân Hồng Kông ủng hộ dân chủ quyết tâm xuống đường phản đối vào Chủ Nhật 24/05.
Ông Jimmy Sham, lãnh đạo hội Mặt trận dân sự về nhân quyền, một trong những người kêu gọi biểu tình, so sánh dự luật an ninh của Bắc Kinh là "vũ khí nguyên tử lớn nhất chưa từng được đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để phá hủy Hồng Kông". Còn Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), gương mặt hàng đầu của phong trào sinh viên, lên án Trung Quốc trên mạng Twitter : "Bắc Kinh đang cố bịt miệng bằng vũ lực và sợ hãi những tiếng nói của người dân Hồng Kông chỉ trích họ».
Thu Hằng
Luật an ninh và cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do của Hồng Kông
Khi Anh trao trả Hồng Kông ngày 01/07/1997, thế giới lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Tuổi trẻ Hồng Kông kiên cường xuống đường phản đối Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, ngày 24/05/2020. © Reuters/Tyrone Siu
Le Figarohôm nay chạy tựa "Việc làm, bằng cấp : Giới trẻ, nạn nhân gián tiếp của virus corona". Các kỳ thi bị hoãn, kỳ thực tập hủy bỏ, hy vọng ký hợp đồng làm việc tan biến… các thanh niên dưới 25 tuổi bị lãnh đòn từ đại dịch, khi bước vào một thị trường lao động đang chao đảo.
Libérationdành trang nhất và bốn trang trong cho "Lời kêu gọi của nhân viên y tế : Thưa ông tổng thống, lời nói suông chưa đủ". Tương tự, "Bệnh viện : Một big bang để làm bật tung xiềng xích" là tít lớn của Les Echos.
La Croixcó cái nhìn bao quát với chủ đề "Thay đổi thế giới", bắt đầu loạt bài gợi lên những hướng mới để đối phó với những cuộc khủng hoảng đang trải qua. Le Monde đặt vấn đề "Ngoại giao : Hồi kết của quyền lực mềm Mỹ ?".
Liên quan đến Châu Á, tất cả các báo Pháp hôm nay đều có bài viết về Hồng Kông. Le Figaro cho biết "Hồng Kông : Hàng ngàn người biểu tình thách thức Bắc Kinh", La Croix báo động "Người Hồng Kông đưa ra lời kêu cứu SOS với toàn thế giới". Libération mô tả "Người Hồng Kông nắm lấy cơ hội cuối cùng để bảo vệ tự do", còn Les Echos nhận xét "Tại Hồng Kông, hành động thô bạo của Bắc Kinh lại thổi bùng cơn giận dữ của đường phố".
Cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do
La Croixcho rằng, khi hàng ngàn người biểu tình hôm Chủ nhật 24/05/2020 chống lại luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, người dân Hồng Kông muốn gởi đi cùng lúc hai thông điệp : "Sẽ chiến đấu đến cùng" và "Chúng tôi cần có sự ủng hộ của mọi người".
"Hồng Kông độc lập", "Hãy chiến đấu cho tự do", "Quang phục Hồng Kông", "Các vị không thể giết hết tất cả chúng tôi, người Hồng Kông sẽ không bao giờ bỏ cuộc"… đó là những khẩu hiệu được các báo Pháp ghi nhận. Trong đám đông có cả trẻ em, những cặp vợ chồng trẻ và người cao niên, họ bày tỏ sự phẫn nộ trước đạo luật được coi là cây đinh mới đóng vào cỗ quan tài Hồng Kông, ngày càng ít tự do hơn.
Một nữ sinh viên nói với Libération : "Trung Quốc bắt các khuôn mặt dân chủ để gây tác động đến chúng tôi, nhưng họ không chịu hiểu rằng phong trào không có người cầm đầu và giới trẻ căm ghét chế độ Bắc Kinh". Một người khác nói thêm : "Chúng tôi không làm gì được trước chế độ cộng sản, nhưng ít nhất cũng phải nắm lấy cơ hội cuối cùng này để bảo vệ quyền tự do biểu lộ ý kiến trên đường phố".
Le Figaro dẫn lời của lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong : "Đây là khởi đầu của hồi kết. Chúng tôi không còn bao nhiêu thời gian, thế nên chúng tôi có mặt ở đây dù đang trong mùa dịch". Trả lời La Croix, Hoàng Chi Phong cho rằng luật an ninh quốc gia là sự trả thù của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ Hồng Kông, và anh là đích nhắm đầu tiên. "Cách đây vài ngày, kênh truyền hình nhà nước CCTV trực tiếp cáo buộc tôi là người tổ chức biểu tình, cho dù tất cả mọi người đều biết rằng phong trào phản kháng không có lãnh đạo. Hồng Kông sẽ không ngã xuống mà không chiến đấu".
Công an, thẩm phán từ Hoa lục : Bản án tử cho Hồng Kông
Libération nhận thấy số người biểu tình ít hơn nhiều so với trước đại dịch, họ bị nhấn chìm trong hơi cay. Một ngày trước đó, cảnh sát đã lục soát hệ thống métro và các tuyến đường giao thông chiến lược dẫn đến đảo Hồng Kông và Đồng La Loan (Causeway Bay), bị nghi là điểm tập trung của người biểu tình. Việc tập họp từ 8 người trở lên bị cấm do con virus từ Vũ Hán, thế nên Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền không kêu gọi xuống đường.
Chỉ những người kiên quyết nhất mới đi biểu tình, với chiếc khẩu trang mong manh. Đối diện với họ là cảnh sát trang bị nón sắt, mặt nạ chống hơi độc. Hơi cay, vòi rồng tung ra trấn áp. Bài hát cách mạng vang lên, nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch. Đến 16 giờ 30, cảnh sát đã câu lưu 120 người và đến tối, còn lùng soát những điểm kháng cự cuối cùng.
Đối với luật sư Lương Doãn Tín (Wilson Leung), từ một năm qua nhận biện hộ cho những nạn nhân bạo lực cảnh sát, "đó là hồi kết của sự khác biệt giữa Hoa lục và Hồng Kông. Trung Quốc muốn ký bản án tử cho thành phố chúng tôi". Luật an ninh sẽ giúp công an Trung Quốc được điều tra ở Hồng Kông đồng thời lập ra các tòa án đặc biệt với các thẩm phán từ Hoa lục. Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), phụ trách về Trung Quốc của Human Rights Watch tố cáo "Bắc Kinh lại vi phạm nhân quyền, hôm nay là Hồng Kông, ngày mai sẽ là toàn thế giới".
Cộng đồng quốc tế có cứu được Hồng Kông ?
Trước cỗ máy đàn áp của Trung Quốc, người Hồng Kông hiểu rằng chỉ có cộng đồng quốc tế mới cứu được họ, dù không mấy ảo tưởng. Nhật báo đối lập Apple Daily đăng trọn một trang lời kêu cứu với tổng thống Mỹ Donald Trump "Hãy đến cứu chúng tôi !". Ông chủ báo huyền thoại Lê Trí Anh (Jimmy Lai), 73 tuổi, người Công giáo và là nhà đấu tranh dân chủ từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, hôm 22/05 còn mở một tài khoản Twitter "để tố cáo và huy động chống lại sự đàn áp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tôi chiến đấu đến cùng và sẽ không bao giờ rời Hồng Kông".
Cộng đồng quốc tế đang bận rộn đối phó với đại dịch virus corona, nên phản ứng còn yếu ớt. Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, ông Chris Patten dù vậy cũng thành công trong việc tung ra lời kêu gọi thế giới ủng hộ : "Trung Quốc đã phản bội người Hồng Kông, và phương Tây cần phải ngưng cúi đầu trước Bắc Kinh". Trên 200 chính khách từ 23 quốc gia gồm dân biểu, thượng nghị sĩ, cựu bộ trưởng… (nhưng không có người Pháp nào) đã ký vào lời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hiệp ước Anh-Trung năm 1984.
Hoa Kỳ đe dọa xét lại ưu đãi thương mại dành cho đặc khu Hồng Kông, còn Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo rất ngoại giao cho biết "quan tâm đến diễn tiến tình hình ở Hồng Kông". Anh quốc khá im lặng, dù có lời đồn là thủ tướng Boris Johnson có thể cho một số người Hồng Kông tị nạn. Một bài xã luận của tờ Times thẳng thắn kêu gọi "Hãy cho người Hồng Kông quyền định cư và làm việc tại Anh quốc".
Trước các cuộc biểu tình mới, hôm Chủ nhật ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ nhanh chóng áp dụng luật an ninh quốc gia. Về mặt kinh tế, loan báo của Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư lo lắng cho tương lai Hồng Kông : Les Echos ghi nhận thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt mất 5,6%.
Tập Cận Bình trong ngõ cụt
Trong bài xã luận mang tựa đề "Hồng Kông, nạn nhân của cuộc đối đầu Mỹ-Trung", Le Monde nhận định Bắc Kinh muốn siết chặt Hồng Kông bất chấp quy tắc "Một đất nước, hai chế độ". Thái độ quyết liệt của tổng thống Mỹ Donald Trump đã không khiến Trung Quốc trở nên ôn hòa.
Chế độ "nhất quốc, lưỡng chế" có từ năm 1997 đang sống những giờ phút cuối cùng. Quốc hội Trung Quốc ngày thứ Năm 28/05 tới sẽ thông qua một dự luật "an ninh quốc gia" áp đặt cho Hồng Kông. Điều khoản 23 của Hiến Pháp Hồng Kông dự kiến cấm mọi hành động phản quốc, ly khai, nổi dậy chống Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ được áp dụng do người Hồng Kông chống đối kịch liệt.
Một năm sau những cuộc biểu tình khổng lồ chống dự luật dẫn độ, sáu tháng sau cuộc bầu cử ngập trong đợt thủy triều dân chủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định bất chấp tất cả, áp đặt cho Hồng Kông một luật mà người dân quyết liệt chống. Thông điệp rất đơn giản : Hồng Kông là Trung Quốc.
Tập Cận Bình chứng tỏ ông ta đang trong ngõ cụt. Từ một năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tiếp phạm những sai lầm về Hồng Kông, biến một phong trào từ một nguyên nhân nhỏ ban đầu trở thành một cuộc nổi dậy chống chế độ cộng sản. Hàng ngàn thanh niên bị câu lưu, một số bị tống giam, và tuổi trẻ Hồng Kông không còn gì để mất. Họ không biểu tình để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà để chống một tương lai tồi tệ. Áp đặt luật an ninh quốc gia tất nhiên sẽ không mang lại sự yên bình.
Hồng Kông cho thấy phương Tây khó thể hòa hợp với chế độ Bắc Kinh
Liệu Bắc Kinh còn có thể đi xa đến đâu nữa ? Chế độ lại trở nên cứng rắn với chính sách quy chụp mọi hành động phản kháng là "nổi dậy", coi việc đối thoại là chứng tỏ sự yếu kém. Về phía phương Tây có vẻ không tìm thấy giải pháp.
Theo Le Monde, khi liên tục khiêu khích Trung Quốc trên đủ mọi lãnh vực trong những tháng gần đây, Washington đã gây phản tác dụng. Nhà Trắng càng tỏ vẻ bênh vực dân chủ Hồng Kông, thì người dân Hoa lục càng ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Hành động cứng rắn mới của Bắc Kinh vừa là lời đáp của quyền lực Trung Quốc - đã trở thành dân tộc chủ nghĩa - vừa nhằm mang lại yên tĩnh ở Hồng Kông.
Hôm thứ Sáu 22/05, ông Josep Borrell, cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu đã nhắc lại "sự gắn bó" của Liên Hiệp với nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" đã giúp Hồng Kông có được quyền tự trị rộng rãi. Ông nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì tranh luận dân chủ" và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên Châu Âu khó có khả năng khuyên giải Bắc Kinh.
Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ngày 01/07/1997, thế giới tương đối lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau, và Hồng Kông sẽ là một trong những phương tiện cho mục tiêu này. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Mỹ siết quy định để ngăn các công ty Trung Quốc lên sàn chứng khoán
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nêu ra việc Bắc Kinh từ bỏ mọi mục tiêu tăng trưởng để tập trung chống thất nghiệp. Bên cạnh đó là việc Mỹ muốn dựng thêm hàng rào ngăn chận các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Wall Street.
Những công ty từ Hoa lục không còn được hoan nghênh. Sau vụ bê bối Luckin Coffee, Nasdaq và Thượng Viện Mỹ muốn áp đặt các quy định mới chặt chẽ hơn. Luckin Coffee - công ty Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Starbucks, từng huy động được 500 triệu đô la hồi tháng 5/2019 - vừa thú nhận rằng đã thổi phồng doanh số bán, và cổ phiếu công ty này bèn sụt giá 90%. Nasdaq lần đầu tiên đã quyết định những công ty Trung Quốc phải huy động được tối thiểu 25 triệu đô la khi niêm yết, và trong nhóm phải có người kiểm soát tính minh bạch.
Về phía Thượng Viện Hoa Kỳ, thứ Tư tuần trước đã thông qua một luật buộc các công ty Trung Quốc phải cam kết là không bị một chính phủ nước ngoài kiểm soát. Luật này nếu được Hạ Viện đồng ý, sẽ giúp cơ quan kiểm soát chứng khoán Mỹ từ chối cho niêm yết những công ty nào chưa được PCAOB (cơ quan giám sát kiểm toán) kiểm tra. Ngay sau đó các tập đoàn lớn Trung Quốc như Alibaba, Baidu, JD.com đã từ bỏ ý định lên sàn.
Quỹ đầu tư - rủi ro Muddy Waters, từng vạch trần mánh khóe "làm đẹp" báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc China MediaExpress, Rino International, Sino-Forest… cho rằng cần phải bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ Mỹ. Theo ông Carson Block, người sáng lập quỹ này : "Một khi Trung Quốc vẫn là Nhà nước du côn so với các quy định của thị trường chứng khoán Mỹ, thì các công ty từ Hoa lục không thể huy động vốn từ thị trường Hoa Kỳ".
Thụy My
Cuộc họp báo ngày đầu nhậm chức Giám đốc Văn phòng liên lạc Hong Kong của ông Lạc Huệ Ninh hôm 06/01/2020 được các báo khu vực hết sức chú ý.
Tại cuộc họp báo hôm 06/01, tân giám đốc Văn phòng Liên lạc, Lạc Huệ Ninh cam kết sẽ "phục hồi Hong Kong bị tàn phá bởi biểu tình để trở lại con đường đúng đắn"
Là người đại diện cao nhất của chính phủ Trung Quốc tại đặc khu vốn căng thẳng nửa năm qua vì làn sóng biểu tình, ông Lạc Huệ Ninh, 65 tuổi, bị một số tờ báo mô tả là "rất bối rối".
Các báo tiếng Trung đăng tin ông Lạc "hai chân run bần bật" dù chỉ tiếp xúc báo chí đúng năm phút.
Việc bổ nhiệm ông Lạc, cựu chủ tịch tỉnh Thanh Hải, cựu bí thư Sơn Tây, người chưa hề có kinh nghiệm quản lý Hong Kong, được cho là vội vã, thậm chí bất ngờ.
Trang South China Morning Post mô tả Văn phòng liên lạc Hong Kong chỉ được thông báo trong vòng một giờ là họ sẽ có sếp mới.
Và trong buổi đón nhận tin rằng là ông Lạc Huệ Ninh, người đã quá tuổi hưu (65) từ tháng 10/2019, sẽ làm người đại diện cao cấp nhất của Bắc Kinh ở Hong Kong, đã không có mặt người lãnh đạo cũ.
Ông Vương Chí Dân bị sa thải vì khi nắm chức giám đốc văn phòng liên lạc của Bắc Kinh với Hong Kong đã để phe ủng hộ Trung Quốc thua đậm trong bầu cử cấp quận.
Trong 18 khu vực bầu cử Hong Kong thì 17 rơi vào tay các dân biểu địa phương chống Bắc Kinh hoặc ít ra là ủng hộ dân chủ.
Vì sao chọn Lạc Huệ Ninh ?
Có bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Lạc là người Hán, quê An Huy và đi lên từ cấp huyện ở tỉnh nhà.
Khi làm chủ tịch tỉnh Thanh Hải, vùng có người thiểu số Tây Tạng, ông đã thăm Ấn Độ, nước láng giềng giáp biên giới.
Nhưng ông chỉ thăm Hong Kong đúng một lần hồi 2018.
Hàng ngàn người biểu tình Hong Kong tập trung tuần hành trong ngày đầu năm mới
Sau khi rời Thanh Hải, ông về làm bí thư Sơn Tây và được nói là có năng lực điều hành nền kinh tế địa phương, chống tham nhũng.
Vẫn theo South China Morning Post trích các nhà bình luận từ Hong Kong, Quảng Châu và Singapore, có thể việc thiếu hoàn toàn kinh nghiệm tại Hong Kong lại là điểm mạnh của ông Lạc.
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể rất cần một người hoàn toàn không dính líu gì đến các phe nhóm tại Hong Kong và có cái nhìn chính xác về tình hình.
Vì nhu cầu này, có thể ông Tập đã chấp nhận "phá lệ" về tuổi hưu khi bổ nhiệm ông Lạc Huệ Ninh.
Thất bại của phe thân Trung Quốc trong bầu cử vừa qua bị cho là do lỗi của Văn phòng liên lạc "báo cáo quá lạc quan về tình hình" cho Bắc Kinh.
Sự thực lại hoàn toàn không phải như vậy.
Tại cuộc họp báo, ông Lạc Huệ Ninh cam kết sẽ "phục hồi Hong Kong bị tàn phá bởi biểu tình để trở lại con đường đúng đắn".
Các bệnh viện tại Hong Kong ghi nhận 16 trường hợp người đi thăm Hoa lục về bị mắc bệnh viêm phổi cấp. Tuy nhiên, nhà chức trách loại trừ khả năng có dịch virus SARS như hồi 2003
Ngoài vấn đề chính trị nội bộ, và ảnh hưởng của bầu cử Đài Loan sắp tới, mọi động thái của chính quyền Hong Kong đều có thể ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung.
Cuối 2019, Tổng thống Donald Trump ký thành luật hai dự luật ủng hộ những người biểu tình vì dân chủ ở Hong Kong.
Hoa Kỳ sẽ trừng phạt quan chức Hong Kong vi phạm nhân quyền và giám sát để đảm bảo thành phố này đủ tự chủ thì mới được hưởng qui chế giao thương đặc biệt với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, giới chức Hong Kong đang phải đối phó với lo ngại về bệnh viên phổi cấp do người từ Hong Kong đi thăm Hoa lục mắc phải.
Vụ việc xảy ra ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, và tới nay tổng cộng gây lây nhiễm cho 44 trường hợp, với 11 bị coi là "nghiêm trọng".
Riêng tại Hong Kong, tính đến 05/01, các bệnh viện ở đây ghi nhận 16 vụ viêm phổi cấp.
Hồi 2003, virus Sars gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính xuất phát từ Trung Quốc, lây lan sang Hong Kong.
Sars làm chết chừng 800 người, trong đó có gần 300 ở Hong Kong.