Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/06/2020

Phương Tây cần cảnh giác Bắc Kinh, sau Hồng Kông là Biển Đông

Steve Bannon - Laurence Mandeville

Steve Bannon, cựu cố vấn gây tranh cãi của tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/05/2020 đã dành cho nhật báo Le Figaro một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng phương Tây cần phải buộc Trung Quốc phải trả giá vì đã gây ra đại dịch virus corona, và nếu làm ngơ trước Bắc Kinh về Hồng Kông, rốt cuộc phương Tây cũng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến ở Biển Đông

bannon0

Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược Nhà Trắng trong một cuộc họp báo tại Roma (Ý). Ảnh tư liệu chụp ngày 22/09/2018. © Reuters/Alessandro Bianch

Le Figaro : Ông rút ra được bài học chủ chốt nào về cuộc khủng hoảng virus corona ?

Steve Bannon : Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy những điều mà nhiều người đã biết rồi nhưng không muốn nhìn nhận, đó là không thể tin tưởng được Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng cộng sản chịu trách nhiệm về đại dịch đã ập xuống chính nhân dân của họ và trên thế giới.

Hãy dành một giây cho giả thiết con virus đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán do sơ xuất. Chúng tôi không có chi tiết về vụ này, cho dù bên tình báo đang điều tra. Hãy xem trình tự tiếp theo như thế nào : ngay từ cuối tháng 12/2019, một cộng tác viên báo động cho tôi rằng có một blog ở Trung Quốc nêu ra một nạn dịch ở Vũ Hán. Ngày 31, Trung Hoa Dân Quốc báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là con virus loại SARS ở Vũ Hán lây từ người sang người.

Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ở Vũ Hán từ ngày 28 hay 29/12 đã cảnh báo về con virus này ở bệnh viện, nhưng lại bị công an bắt giữ, buộc phải viết bản thú tội là đã lan truyền tin đồn. Người bác sĩ này sau đó cũng đã bị nhiễm virus và qua đời.

Rõ ràng là khi ban lãnh đạo Trung Quốc biết được có nạn dịch xảy ra, thì họ bèn che giấu ngay sự thật. Theo tạp chí The Lancet, nếu chính quyền hành động từ tháng 12, thì đã tránh được 95% cái chết và kinh tế không bị hủy hoại ! Hôm 12 tháng Giêng, WHO chính thức nói rằng sau khi tham vấn Bắc Kinh, không có bằng chứng nào về việc lây từ người sang người. Đó là cả một sự dối trá, WHO là đồng lõa và lan truyền sự dối trá ấy.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến Washington hôm 15 tháng Giêng để ký hiệp ước thương mại, nhưng chẳng thông báo cho chúng tôi gì cả. Họ đã đóng cửa Vạn lý Trường thành, phong tỏa cả vùng Vũ Hán, ngưng tất cả những chuyến bay nội địa. Nhưng họ không ngưng các chuyến bay quốc tế ! Thế nên con virus đã đến với chúng ta. Tất cả những ai bị virus corona làm hại trên thế giới phải được Đảng cộng sản Trung Quốc bồi thường.

Le Figaro : Nhưng ai lên tiếng đòi bồi thường đây, Hoa Kỳ chăng ?

Steve Bannon : Tôi có thể nói rằng tại Hoa Kỳ, đã nổi lên một phong trào chính trị thực sự, nhắm vào việc dỡ bỏ quyền đặc miễn của quốc gia. Tiểu bang Missouri và Mississippi đã khởi kiện. Các luật sư đang chuẩn bị các hồ sơ kiện của cá nhân, giống như hồi gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín kiện Ả Rập Xê Út.

Tôi nghĩ là chính phủ sẽ ủng hộ họ. Một tài liệu của ông Mitch McConnell, người đứng đầu phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện khuyến cáo nên tố cáo Đảng cộng sản Trung Quốc về thảm họa đã phải chịu đựng. Đối với tôi, đây sẽ là chủ đề quyết định trong cuộc bầu cử năm 2020. Gần 91% người Mỹ cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Hoa Kỳ.

Le Figaro : Chính phủ Mỹ liệu có dám đối đầu với Trung Quốc, gây rủi ro hết sức lớn đến lợi ích kinh tế hay không ?

Steve Bannon : Chẳng những cắt rời mối quan hệ không phải là bất khả thi, mà còn là việc phải làm. Hơn nữa Trung Quốc cũng đã bắt đầu, khi loan báo sẽ chuyển sang hệ thống công nghệ riêng của họ. Ngoài đại dịch, đây là loan báo quan trọng nhất về địa chính trị trong những năm gần đây, mặc dù ít được chú ý. Trung Quốc đã khởi đầu việc tách rời thông qua dự án Con đường tơ lụa mới, trong đó tập đoàn Hoa Vi (Huawei) đóng vai trò trung tâm nhờ thống trị về công nghệ.

Tất nhiên giới tinh hoa kinh tế phương Tây như City của Luân Đôn, các nhà tài chính Paris và các doanh nhân ở Wall Street sẽ không thay đổi kiểu cách làm việc, vì kiếm được nhiều tiền. Người dân phương Tây, phẫn nộ trước việc phi kỹ nghệ hóa, cần buộc họ phải hành động.

Tôi muốn đưa các bạn quay lại ba năm về trước, vào tháng Giêng năm 2017, khi chủ tịch Tập Cận Bình đến Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, lúc đó tổng thống Trump vừa được bầu lên. Trong bài diễn văn, ông Tập tuyên bố rằng chính phong trào dân tộc và dân túy phương Tây đang đe dọa trật tự quốc tế ; khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ toàn cầu hóa.

Tập Cận Bình được Financial Times và những người khác khen ngợi có tầm nhìn xa, trong khi ông Donald Trump bị phỉ báng vì bênh vực cho mô hình đề cao chủ quyền quốc gia. Vào thời điểm đó ở Davos, tất cả những cơ quan tài chính lớn, ngân hàng, tập đoàn đều biết về hệ thống trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và đàn áp chính trị ở Trung Quốc. Nhưng họ ca ngợi Tập Cận Bình như người hùng và coi ông Donald Trump như quái vật, vì họ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ mà thôi.

Le Figaro : Phải chăng cuộc khủng hoảng này khẳng định tầm nhìn của ông Trump là phải xem lại toàn cầu hóa, và hồi hương các ngành kỹ nghệ mang tính chiến lược ?

Steve Bannon : Ông Trump lên nắm quyền trong giai đoạn phương Tây đang đi xuống, được giới tinh hoa chủ trương toàn cầu hóa chấp nhận - họ vốn đã mất lòng tin về sức mạnh của phương Tây Cơ đốc giáo. Họ theo kịch bản chiếc bẫy Thucydide, theo đó Trung Quốc là cường quốc đang lên và Hoa Kỳ là cường quốc đang suy tàn. Ở Pháp cũng vậy, ông Macron cho rằng thủ đô là Bruxelles chứ không phải Paris, thế nên đã gây ra phong trào "Áo Vàng". Cách nghĩ này dẫn đến việc các nhà nước trở thành chư hầu, từ bỏ các cơ sở sản xuất chiến lược.

Le Figaro : Nhận định này gây ra cú sốc rất lớn tại Pháp, người ta nói đến việc đưa trở về nước một số ngành sản xuất thiết yếu.

Steve Bannon : Cú sốc chỉ tồn tại đối với giới tinh hoa không muốn nhìn thấy, chẳng có gì là bí mật ! Hiển nhiên là Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát kỹ nghệ dược phẩm.

Le Figaro : Nhưng phải chăng Mỹ quốc phải chịu trách nhiệm về toàn cầu hóa quá đáng, và nay phải chiến đấu lại trong cuộc chiến tranh thương mại ?

Steve Bannon : Chẳng phải nước Mỹ đã xúc tiến toàn cầu hóa, mà là "giới tinh hoa Davos", vốn tin vào huyễn tượng này. Cần hiểu rằng Trung Quốc không phải là một Nhà nước tự do thương mại, mà là một Nhà nước toàn trị con buôn. Bạn không thể buôn bán với họ một cách tự do. Chính vì vậy mà chính quyền Trump đã tung ra cuộc chiến thương mại. Ý tưởng là buộc Trung Quốc phải mở ra thị trường Hoa lục.

Le Figaro : Một số người cho rằng nếu quy lỗi cho Trung Quốc, thì sẽ không học được bài học chính của khủng hoảng. Trung Quốc đã đạt được bước nhảy vọt kỹ nghệ quan trọng, phương Tây chỉ có thể tự trách mình nếu không cạnh tranh nổi, như về 5G chẳng hạn.

Steve Bannon : Nếu không có vốn đầu tư và công nghệ của phương Tây, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ rơi rụng như một lâu đài bằng giấy ! Những ai đưa ra lý lẽ ấy muốn khiến chúng ta tin rằng không thể làm gì được.

Le Figaro : Chuyên gia David Goldman nói rằng cần phải có cách giải quyết khác về công nghệ chip điện tử, thay vì chỉ trích Trung Quốc.

Steve Bannon : Đúng vậy. Nhưng trước hết phải cắt nguồn cung ứng vốn cho cộng sản và việc chuyển giao công nghệ, đồng thời đòi bồi thường, nếu không chúng ta sẽ mất đứt một thập niên để vực dậy.

Le Figaro : Châu Âu có cảm tưởng là đã bị nước Mỹ của ông Trump bỏ rơi, trong khi Trung Quốc đang xâm nhập để chia rẽ. Liệu sẽ thuyết phục được Châu Âu vốn độc lập, tham gia một cuộc chiến tranh lạnh chống Trung Quốc ?

Steve Bannon : Đó không phải là chiến tranh lạnh mà là chiến tranh nóng, về tấn công tin học, về tuyên truyền, và tất nhiên về kinh tế. Chúng ta cần đoàn kết với nhau, nếu không các nước Châu Âu sẽ trở thành chư hầu của Trung Quốc. Tôi có niềm tin là mọi người sẽ tỉnh thức và cùng chiến đấu để chiến thắng. Nhưng tôi đã cảnh báo người Châu Âu rằng không nên dựa vào Bruxelles, mà trên quốc gia mình.

Le Figaro : Ông Trump liệu có thể thắng cử dù số người chết vì dịch Covid-19 rất lớn và kinh tế thảm hại ?

Steve Bannon : Joe Biden là một ứng cử viên rất yếu, nhất là về vấn đề Trung Quốc. Obama muốn xoay trục sang Châu Á, và cử ông Biden đứng ra điều đình với Bắc Kinh, nhưng chính sách chống Trung Quốc của họ chẳng đạt được gì cả. Biển Đông chưa bao giờ bị quân sự hóa đến thế ! Hơn nữa, khi ông Trump quyết định đóng cửa biên giới hồi tháng Giêng, Biden lại nói rằng Trump phân biệt chủng tộc. Nếu phe Dân chủ không đẩy được Biden ra và tìm một người khác thay thế, thì họ sẽ không thể thắng được Donald Trump.

Le Figaro : Sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua một luật an ninh quốc gia, đặt ra cơ sở luật pháp để can thiệp vào Hồng Kông, ông đã kêu gọi phải có phản ứng thật cứng rắn ?

Steve Bannon : Người dân Pháp đã biết cái giá phải trả vì không bảo vệ Tiệp Khắc hay Áo trước Đức quốc xã. Nếu phương Tây để cho Đảng cộng sản Trung Quốc nuốt chửng lời hứa duy trì một Hồng Kông tự do dân chủ, thì không còn gì có thể ngăn bước được Bắc Kinh. Tiếp đến Đài Loan sẽ gục ngã, và chúng ta nhất định sẽ bị dẫn dắt vào một cuộc chiến tranh nóng để bảo vệ Biển Đông.

Laurence Mandeville thực hiện

Nguyên tác : Steve Bannon : "La menace chinoise sera le sujet clé de la présidentielle de 2020", Le Figaro, 28/05/2020, tu chính 31/05/2020

Thụy My dịch

Nguồn : RFI, 01/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Steve Bannon, Laurence Mandeville
Read 837 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)