Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/06/2020

Điểm báo Pháp - Hồng Kông : Cấm tưởng niệm vụ Thiên An Môn

RFI tiếng Việt

Hồng Kông : Cấm tưởng niệm vụ Thiên An Môn, dấu hiệu tự do bị co hẹp

Nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ vì các cuộc biểu tình sôi sục chống kỳ thị chủng tộc từ sau vụ người đàn ông Mỹ da đen George Floyd ở Minneapolis bị đè chết dưới đầu gối của cảnh sát. Lần đầu tiên từ 30 năm qua người Hồng Kông không được tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn - Bắc Kinh, vì dịch covid 19 hay dấu hiệu quyền tự do bị thắt lại ? 

tuongniem1

Những người biểu tình tham gia một buổi cầu nguyện dưới ánh nến để kỷ niệm 31 năm ngày đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh vào năm 1989, sau khi cảnh sát từ chối một buổi cầu nguyện hàng năm tại khu vực y tế công cộng, tại Công viên Victoria, Hồng Kông, Trung Quốc. , 2020. Reuters - TYRONE SIU

Trên đây là 2 chủ đề quốc tế chính được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều. 

Trước hết đến với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc nay là đặc khu hành chính của Trung Quốc. Nhật báo Libération khẳng định, các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn sẽ không diễn ra ngày hôm nay tại vùng đất thuộc địa cũ của Anh. Về mặt chính thức là vì dịch virus corona, nhưng giới đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông đều nhận thấy ở đây một bằng chứng cho thấy chế độ Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do của đặc khu, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh vừa thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông nhắm chủ yếu vào giới đấu tranh đòi dân chủ. Quyền tự trị ở vùng đất mang quy chế đặc khu hành chính này đang ngày thêm co hẹp dần, như các nhận xét của giới quan sát được Libération trích dẫn. 

Như vậy là lần đầu tiên trong 30 năm qua, đã không diễn ra hoạt động thắp nến trong công viên Victoria ở trung tâm thành phố để tưởng niệm hàng nghìn người chết dưới làn đạn của quân đội Trung Quốc đêm 3 rạng sáng 4 tháng 6 năm 1989, trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, tờ báo nhận xét. Cuộc tưởng niệm hàng năm này vẫn được coi như là chiếc phong vũ biểu đo tình hình chính trị ở đây. Nỗi lo các quyền tự trị của Hồng Kông bị Bắc Kinh trấn áp càng lớn thì cuộc huy động của người dân vào dịp này càng đông đảo.

Từ năm 2007 đến nay, hoạt động này vẫn tập hợp hơn 100 nghìn người tham dự. Chính nhờ quy chế đặc biệt, trên lý thuyết còn kéo dài đến năm 2047, mà người Hồng Kông vẫn có thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ mùa xuân Bắc Kinh.

Libération nhận thấy, "31 năm sau sự kiện ở Bắc Kinh, những người đã từng chứng kiến, từng kinh sợ trước cuộc thảm sát giờ đang lo sợ mình cũng phải chịu số phận tương tự, nhưng theo cách ngấm ngầm không đổ máu".

Nhân sự kiện này, trả lời phỏng vấn Libération, nhà nghiên cứu Trung Quốc Jean-Philippe Béja, thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) nhận định, việc cấm các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn tiếp theo sau luật an ninh quốc gia là một đe dọa mới cho quyền tự trị của Hồng Kông.

Nhưng lý do tại sao Bắc Kinh lại mạnh tay can thiệp vào các quyền tự do ở Hồng Kông vào lúc này ? Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích : Trước hết là quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ đang cực kỳ căng thẳng. Tiếp đó là thế giới đang tập trung vào đối phó với đại dịch virus corona. Sau cùng Bắc Kinh không còn tin cậy vào những người ủng hộ mình ở Hồng Kông, nhất là trưởng đặc khu hành chính bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau một loạt thất bại trước phong trào dân chủ ở Hồng Kông và không đáp ứng được chỉ đạo của Hoa Lục. Thêm vào đó chế độ Bắc Kinh lo sợ các cuộc biểu tình tưởng niệm như năm trước lại tái diễn, thấy cần phải ngăn chặn ngay. Rồi đến cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông vào ngày 06/09 tới đây có nguy cơ phe thân Bắc Kinh sẽ thất bại thê thảm. Luật an ninh mới sẽ góp phần ngăn chặn các lực lượng dân chủ tham gia tuyển cử ở Hồng Kông.

Tóm lại, theo chuyên gia Pháp, "Đảng cộng sản Trung Quốc làm những gì họ muốn với luật, vì chính họ viết ra luật".

Anh sẽ mở cửa đón người Hồng Kông ?

Tuy nhiên phong trào đấu tranh đòi dân chủ của người Hồng Kông cũng được an ủi phần nào bởi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ và Anh Quốc.

Nhật báo Les Echos cho biết "Luân Đôn dọa Bắc Kinh là sẽ tạo điều kiện đón nhận người Hồng Kông". Tiếp sau những phản ứng gay gắt của ngoại trưởng về luật an ninh quốc gia vừa được Bắc Kinh cho thông qua, hôm qua (03/06), thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ mở rộng cửa đón người dân Hồng Kông nếu Trung Quốc vẫn quyết giữ luật an ninh quốc gia. Lãnh đạo chính phủ Anh cảnh báo sẽ cho sửa đổi luật di trú cho phép người Hồng Kông được quyền mang "hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc". Như vậy người dân Hồng Kông mang hộ chiếu này sẽ có quyền đến Anh không cần visa trong vòng 12 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay và được cấp phép làm việc. Thủ tướng Anh ước tính có 350 nghìn kiều dân Hồng Kông đang có hộ chiếu hải ngoại và 2,5 triệu người trên tổng số 7 triệu dân ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh có thể được cấp hộ chiếu hải ngoại.

Đây không phải lần đầu tiên Anh đe dọa Trung Quốc trên vấn đề tự trị của Hồng Kông, nhưng đích thân thủ tướng Anh lên tiếng thì quả là một sức ép không nhẹ đối với Bắc Kinh. Tất nhiên Trung Quốc phản công, coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ đồng thời không quên khẳng định, "Hồng Kông đã được trả lại cho Trung Quốc".

Theo Les Echos, dù khả năng làm Bắc Kinh phải chùn bước là rất ít nhưng ông Boris Johnson biết là làm như vậy ông có thể lấy lòng được đảng Bảo Thủ Anh, đang ngày càng tỏ xu hướng chống Trung Quốc ra mặt.

Biểu tình bạo loạn Mỹ : Tổng thống Donald Trump lên tuyến đầu ?

Chuyển qua thời sự nóng đang làm náo động nước Mỹ, vụ George Floyd. Các báo Pháp đặt tổng thống Trump vào trung tâm của sự kiện.

Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : " Hoa Kỳ : Những mầm mống của sự phẫn nộ". Tờ báo ghi nhận, phải đối mặt liên tiếp với khủng hoảng y tế, kinh tế, và cuộc nổi dậy vì kỳ thị chủng tộc, trước kỳ bầu cử tổng thống 5 tháng, ông Donald Trump vẫn từ chối đóng vai trò một vị tổng thống biết đoàn kết tập hợp người dân. Bài viết liệt kê lại những hành động, những tuyên bố của tổng thống Mỹ mỗi khi xảy ra khủng hoảng ở trong nước, ông Trump luôn né tránh trách nhiệm chính của mình chỉ chăm chút cho hình ảnh của cá nhân. Điển hình là sự kiện cảnh sát thẳng tay dẹp người biểu tình để dọn đường cho ông Donald Trump tới nhà thờ đối diện Nhà Trắng chỉ để chụp tấm ảnh cầm cuốn kinh thánh trên tay. Một hình ảnh gây nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ và được xã luận báo công giáo La Croix đánh giá là "lợi dụng đức tin" qua tựa bài xã luận. Theo La Croix, "đức tin phải đoàn kết con người với nhau, nhưng ở đây nó bị lợi dụng. Tổng thống Trump không phải là người duy nhất hành động như vậy".

Trong khi đó Le Figaro có bài viết với hàng tựa : "Donald Trump trên tuyến đầu đối mặt với phẫn nộ". Bài báo ghi nhận tâm chấn của phong trào phản kháng sôi sục sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd dưới bạo lực cảnh sát đã nhanh chóng chuyển từ Minneapolis về Washington. Chỉ cần 48 giờ đồng hồ, tổng thống Donald Trump đã thu hút được sự chú ý về mình, cho dù chắc chắn đó không phải theo tính toán trước. Ông Trump đã chứng tỏ được mình vị tổng thống sẵn sàng làm tất cả, kể cả những biện pháp cứng rắn nhất là điều động quân đội nhằm vãn hồi trật tự.

Tuy nhiên mệnh lệnh điều quân đội kiểm soát đường phố đã vấp phải thái độ dè dặt của nhiều giới, trong đó có cả Bộ Quốc phòng và lực lượng Cảnh vệ Quốc gia. Nhiều thống đốc bang đã không tuân theo chỉ thị của Donald Trump. Tổng thống chỉ còn lại khả năng vận dụng đạo luật chống nổi loạn để điều binh dẹp làn sóng biểu tình bạo động.

Trong một bài viết mang tiêu đề "Nước Mỹ vẫn ám ảnh bởi vết thương chủng tộc dai dẳng", Le Figaro nhận thấy : Hy vọng về một nước Mỹ hòa hợp từ khi bầu Barack Obama lên làm tổng thống đã nhanh chóng nhường chỗ cho bóng ma của một đất nước chia rẽ giữa hai màu da đen và trắng.

Bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, không chỉ có ở Mỹ

Trong dòng sự kiện đang diễn ra ở nước Mỹ, nhật báo Libération nhìn rộng hơn vấn đề liên quan đến nước Pháp với hàng tựa lớn trang nhất : "Bạo lực cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp khác".

Libération cho biết : "Mười ngày sau cái chết của George Floyd tại Mỹ trong một vụ bắt giữ của cảnh sát Minneapolis, đã xuất hiện tại Pháp nhiều cuộc biểu tình lên án bạo lực cảnh sát và bày tỏ phẫn nộ với tình trạng bất công. Tại Paris, Marseille, Lyon hay Lille, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người vì dịch bệnh và nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp, hàng nghìn người vẫn tập hợp để gợi lại những phẫn nộ xung quan một vụ việc được cho là đã xảy ra tương tự ở Pháp từ năm 2016, liên quan đến cái chết của một thiếu niên Traoré Adama trong một vụ truy bắt tội phạm của cảnh sát ở ngoại ô Paris. Vụ án đã khép lại nhưng các kết luật điều tra và của tư pháp bị cho là bất công. Một phong trào mới đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang hình thành sau sự kiện George Floyd ở Mỹ. Xã luận tờ báo bình luận : "Không so sánh sơ sài giữa Pháp và Mỹ, nhưng các cuộc biểu tình phản kháng ở Pháp hôm 02/06 vừa rồi là hoàn toàn chính đáng".

Bên cạnh đó tờ báo cũng ghi nhận, các cuộc biểu tình đó đang làm phân hóa chính trị thêm sâu sắc tại Pháp, nơi mà các vấn đề chủng tộc, tôn giáo luôn là chuyện hết sức nhạy cảm với chính quyền.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)