Campuchia bác tin cho Trung Quốc đặc quyền dùng căn cứ hải quân (VOA, 02/06/2020)
Lãnh đạo Campuchia tuyên bố là Trung Quốc không được cho sử dụng độc quyền căn cứ hải quân ở bờ biển phía nam nước này và tàu chiến từ các nước, trong đó có Mỹ, đều được hoan nghênh cập cảng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Thủ tướng Hun Sen đáp lại các tin tức và quan ngại của Washington rằng Bắc Kinh được trao các quyền ưu tiên sử dụng tại căn cứ Hải quân Ream ở vịnh Thái Lan.
Phát biểu tại một buổi lễ xây một con đường tại thành phố biển Sihanoukville, ông Hun Sen nói ông vừa mới nhận được thông điệp của các đại diện nước ngoài tại Campuchia về vấn đề này.
Ông nhắc lại phủ nhận của ông hồi năm ngoái sau khi tờ Wall Street Journal loan tin một dự thảo của một thỏa thuận được các giới chức Mỹ trông thấy sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, có thể cho quân đội đồn trú, chứa vũ khí và cho tàu chiến đậu.
Ông Hun Sen nói rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập trên đất nước ông nhưng tàu chiến của các nước đến viếng thăm đều được hoan nghênh.
"Nếu tàu chiến của một nước được phép neo đậu tại căn cứ hải quân của chúng tôi, thì tàu chiến của nước khác cũng có thể neo đậu dược. Chúng tôi không đóng cửa đối với bất cứ ai", ông nói.
Ông Hun Sen nêu câu hỏi về lợi ích Bắc Kinh có được khi có một căn cứ tại Campuchia trong khi Trung Quốc đã có những căn cứ tại Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích tin rằng quyền đặt căn cứ tại Campuchia sẽ nới rộng tầm chiến lược quân sự của Trung Quốc một cách đáng kể, và nghiêng cán cân quyền lực ở khu vực theo cách sẽ làm áp lực lên các nước liền kề trong ASEAN vốn có các mối quan ngại an ninh đứng về phía Mỹ nhiều hơn.
Ông Hun Sen cũng nói Campuchia mở rộng vòng tay để tham dự các cuộc tập trận chung với tất cả các nước, nhưng sẽ chỉ được thực hiện sau khi đe dọa của virus corona đã qua. Camphchia chỉ bị virus ảnh hưởng nhẹ, theo các con số chính thức.
Vào năm 2017, Campuchia thông báo với Mỹ là hủy bỏ cuộc tập trận chung thường niên năm đó và năm kế tiếp. Cuộc tập trận này chưa được tái tục. Campuchia tổ chức tập trận chung với Trung Quốc vào tháng 3 năm nay giữa lúc cuộc khủng hoảng virus corona đang gia tăng.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân thiết nhất của Campuchia. Sự hậu thuẫn của Trung Quốc tạo điều kiện cho Campuchia bất chấp những quan ngại của các nước phương Tây về thành tích nhân quyền và những quyền chính trị tồi tệ của nước này. Đổi lại, Phnom Penh thường ủng hộ lập trường địa chính trị của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế về những vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo AP
*********************
Malaysia chuẩn bị trục xuất ồ ạt di dân bất hợp pháp (RFI, 01/06/2020)
Do dịch bệnh, Malaysia áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 18/3/2020. Hình ảnh những lao động di dân sống trong cảnh chung đụng lộn xộn đang khơi dậy sự oán thù.
Một khu nhà của người ti nạn Rohingya Miến Điện tại thủ độ Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh chụp ngày 18/05/2020. Reuters - Lim Huey Teng
Sau một loạt các vụ bắt giữ ồ ạt, các trại tập trung ngày càng trở nên quá tải và ba trong số này đã trở thành ổ dịch. Chính quyền Malaysia bắt đầu lập kế hoạch trục xuất những lao động di dân này về nguyên quán và yêu cầu sự trợ giúp của các nước có liên quan.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Maréchaux giải thích :
"Hãy giúp chúng tôi trả những lao động không giấy tờ về nước các bạn". Lời nhắn này đã được Malaysia gởi đến nhiều nước Nam Á. Vào lúc biên giới còn bị đóng cửa, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được, và có ba trại tập trung đã trở thành những ổ dịch, Malaysia nhất mực duy trì chính sách trấn áp.
Từ một tháng nay, gần 2.000 lao động di dân đã bị bắt, và gần 400 người bị phát hiện dương tính với virus corona chủng mới. Nhưng ngay từ tuần này, một số người đã bị trục xuất về nước. Khoảng 4.800 người Indonesia sẽ bắt đầu ra về, với điều kiện là số người này có xét nghiệm âm tính với Covid-19, như tuyên bố của Jakarta. Tiếp theo là di dân xứ Nepal và Bangladesh, với sự hợp tác của các nước sở tại.
Những quốc gia khác hiện vẫn chưa cho biết lập trường. Nhất là tình hình ở Miến Điện có nguy cơ gây ra vấn đề do một tiền lệ. Theo khẳng định của một nhà ngoại giao Miến Điện, để giải phóng chỗ cho các trung tâm ở Malaysia, vào trung tuần tháng Năm, 400 di dân bị trả về Rangoon, năm người trong số này phát hiện dương tính virus corona ngay khi về đến nước.
Minh Anh
******************
Covid-19 : Thái Lan thông qua gói kích cầu gần 60 tỷ đô la (RFI, 01/06/2020)
Quốc hội Thái Lan hôm Chủ Nhật 31/05/2020 cho phép chính phủ ban hành kế hoạch gần 60 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, khắc phục hậu quả khủng hoảng Covid-19. Tổng sản phẩm nội địa tại quốc gia có trọng lượng lớn thứ nhì Đông Nam Á này dự trù sụt giảm từ 6 đến 7 % trong năm 2020. Nguyên nhân chính là virus corona làm tê liệt toàn bộ ngành du lịch Thái Lan.
Đại hoàng cung Bangkok, Thái Lan, vắng bóng du khách do dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 30/03/2020 Reuters - Athit Perawongmetha
Thông tín viên đài RFI Carol Isoux từ Bangkok cho biết thêm về gói kích cầu lớn nhất mà chính phủ Thái Lan chưa từng ban hành từ trước tới nay :
"Đây là một chương trình cho phép chính phủ Thái Lan đi vay đã được gần như toàn thể các đại biểu Quốc hội thông qua. Khoản hỗ trợ này ưu tiên rót vào những lĩnh vực bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, giúp đỡ những người đi làm không hợp đồng, những người buôn gánh bán bưng, giới phục vụ trong các phòng mát-xa, quán bar mà tất cả đến nay vẫn phải đóng cửa. Chính phủ cũng dành ưu tiên cho giới nông gia, khuyến khích họ hiện đại hóa và đa dạng hóa khâu sản xuất. Tuy nhiên kế hoạch quy mô hỗ trợ kinh tế nói trên chủ yếu nhằm giúp đỡ ngành du lịch, nhất là du lịch nội địa. Giá thuê phòng khách sạn tại Thái Lan trong tháng 7 tới đây sẽ được giảm 50 % để khuyến khích dân Thái đi tham quan đất nước.
Đối với ông Top Jurayub, chủ nhân trẻ đứng đầu một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chỉ là một giọt nước, không thấm vào đâu so với những khoản đầu tư về cơ cấu và kỹ thuật cần thiết đối với một lĩnh vực cần phải sáng tạo, đổi mới hoàn toàn. Top Jurayub nêu bật những thay đổi cần thiết : "chủ khách sạn sẽ phải thích nghi, cần đầu tư vào những dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nhận phòng qua điện thoại hay qua mạng cloud … tránh số lượng khách quá đông ở quầy lễ tân của khách sạn".
Theo dự báo, GDP Thái Lan trong năm nay sụt giảm 6 %. Giới quan sát lo ngại một làn sóng thất nghiệp và nghèo khó dâng cao với những hậu quả nặng nề đối với người dân.
Thanh Hà