Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/05/2020

Bắc Triều Tiên răn đe hạt nhân, Hồng Kông chống luật an ninh mới

RFI tổng hợp

Bắc Triều Tiên họp bàn tăng cường khả năng răn đe hạt nhân (RFI, 24/05/2020)

Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA ngày 24/05/2020 loan báo Bình Nhưỡng đã thảo luận các biện pháp mới nhằm củng cố, tăng cường khả năng "răn đe hạt nhân", trong một cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương dưới sự chủ trì của lãnh đạo Kim Jong-un.

bactt1

Lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc họp Ủy ban Quân ủy Trung ương ngày 23/05/2020. KCNA VIA KNS/AFP

KCNA gọi các biện pháp mà Bình Nhưỡng đưa ra trong cuộc họp là "những biện pháp mang tính sống còn", nhưng không cho biết chi tiết các quyết định mà Bình Nhưỡng đưa ra nhằm "răn đe hạt nhân". Chế độ Bình Nhưỡng cũng thảo luận về việc "đặt các lực lượng vũ trang chiến lược trong tình trạng báo động" trong khuôn khổ "tăng cường và phát triển các lực lượng vũ trang" quốc gia. Các quan chức đồng thời xem xét lại "hàng loạt khuyết điểm, thiếu sót trong các hoạt động quân sự và chính trị" của Bắc Triều Tiên, cũng như bàn bạc về cách thức để đảm bảo là các lĩnh vực nói trên có "sự cải thiện mang tính quyết định".

Hôm nay, nhật báo chính thức của chế độ Bình Nhưỡng, Rodong Sinmun, công bố nhiều bức ảnh về cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương Bắc Triều Tiên. Còn KCNA tuy không nêu rõ cuộc họp trên diễn ra ngày nào nhưng trong một bài viết khác, hãng tin này cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã ban hành một mệnh lệnh cho các lực lượng vũ trang hôm 23/05.

Đây là lần đầu tiên KCNA nói đến sự hiện diện trước công chúng của lãnh đạo Kim Jong-un tính từ gần 3 tuần nay, thời điểm bắt đầu có những lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Kim. Cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh báo Mỹ Washington Post tiết lộ thông tin chính quyền của tổng thống Donald Trump mới đây đã thảo luận về khả năng Washington tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân mới - lần thử đầu tiên của Mỹ tính từ năm 1992.

Theo Washington Post, hôm thứ Sáu 22/05, một lãnh đạo cao cấp của chính phủ Mỹ và hai cựu lãnh đạo, xin được ẩn danh, đã cho biết là khả năng thử nghiệm hạt nhân đã được chính quyền Trump bàn thảo trong một cuộc họp hôm 15/05. Theo nhiều chuyên gia, quyết định thử nghiệm hạt nhân của Washington có thể sẽ đẩy các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vào "ngõ cụt".

Thùy Dương

**********************

Hồng Kông : Hàng ngàn người biểu tình phản đối luật an ninh mới của Bắc Kinh (RFI, 24/05/2020)

Ngày 24/05/2020, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối một dự luật an ninh mới của Trung Quốc. Những người biểu tình cáo buộc đây là một đạo luật bóp nghẹt các quyền tự do của người dân đặc khu hành chính này.

bactt2

Cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để giải tán người dân biểu tình Hồng Kông, phản đối dự luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, ngày 24/05/2020. Reuters - TYRONE SIU

AFP nhắc lại dự luật được đưa ra trong phiên họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc hôm thứ Sáu 22/05 đề ra các biện pháp nhằm trừng phạt các hành động "phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ" chế độ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Florence de Changy tại Hồng Kông, cuộc tụ tập này đã nhanh chóng biến thành một cuộc bạo động.

"Tình hình biến đổi tồi tệ nhanh chóng ngay đầu giờ chiều trên các trục lộ lớn ở Hồng Kông, đặc biệt là tại khu vực Causeway Bay, điểm xuất phát thường lệ của các cuộc tuần hành lớn và cũng là khu thương mại rất sầm uất. Tại đây cảnh sát hiện diện dầy đặc.

Hàng chục đạn hơi cay đã được bắn đi mà không hề cảnh báo trước nhằm giải tán vài ngàn người hay hàng chục ngàn người đang tụ tập. Ngay lập tức sau đó là cả một kho vũ khí chống bạo động đã được triển khai : bình xịt hơi cay nhưng còn có cả những chiếc vòi rồng đáng gờm và xe bọc thép.

Trước đó đã có nhiều lời kêu gọi tập hợp vào chiều nay để phản đối một dự luật sẽ được áp đặt cho người dân Hồng Kông, buộc họ phải tôn trọng quốc kỳ và quốc ca Trung Quốc. Dự luật hiện đang được thảo luận tại Nghị Viện Hồng Kông và rất có thể sớm được thông qua.

Thế nhưng, việc Bắc Kinh thông báo ý định áp đặt một luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, phớt lờ các luật lệ của Hồng Kông đã làm gia tăng cơn phẫn nộ của người dân.

Trước cửa trung tâm thương mại lớn Sogo, một người phụ nữ tay cầm tấm biển có ghi dòng chữ : Các ông không thể giết chết được chúng tôi. Người Hồng Kông quyết không thoái lui".

RFI tiếng Việt

*********************

Phương Tây yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông (RFI, 23/05/2020)

Dự luật về an ninh quốc gia đã được trình trước Quốc hội Trung Quốc ngày 22/05/2020 nhằm chống các hành vi "phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ" và "can thiệp của nước ngoài". Ngay lập tức, văn bản trên đã bị các nhà đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông lên án mạnh mẽ. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước phương Tây đồng loạt lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh "tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông".

bactt3

Biểu tình ngày 23/05/2020 tại Đài Bắc ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, sau khi dự luật an ninh được đưa ra xem xét ở Quốc hội Trung Quốc Reuters - BEN BLANCHARD

Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình phản ứng của Washington :

"Luật an ninh mà Trung Quốc muốn áp đặt để lách quy trình lập pháp của Hồng Kông có thể sẽ là một đòn chí mạng cho quyền tự chủ mà Bắc Kinh hứa với Hồng Kông". Ngoại trưởng Mỹ nhận định như trên trong một bản thông cáo, đồng thời yêu cầu Trung Quốc xem xét lại dự luật mà ông đánh giá là "tai hại".

Tổng thống Mỹ thì ít dông dài hơn và chỉ tuyên bố : "Nếu luật này được áp dụng, chúng tôi sẽ hành động cứng rắn". Ông Donald Trump chưa bao giờ tỏ ra bận tâm thực sự về tình hình nhân quyền. Ông từng giữ im lặng rất lâu trước các cuộc trấn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vào mùa hè năm ngoái. Dù nguyên thủ quốc gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch vượt ngoài tầm kiểm soát, thì ông vẫn cố giữ quan hệ tốt với đồng nhiệm Trung Quốc, thường được ông coi là một người bạn.

Ngược lại, Quốc hội Mỹ lại rất nhạy cảm về vấn đề nhân quyền. Ngay thứ Năm 21/05, các thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đã dọa bỏ phiếu các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh nếu dự luật về an ninh quốc gia được áp dụng".

Phương Tây phản đối, Hồng Kông biểu tình

Ngay ngày 22/05, trong một thông cáo được cả 27 nước thành viên thông qua, Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông" theo quy chế "một quốc gia, hai chế độ" và cho biết tiếp tục "theo dõi sát sao diễn tiến tình hình".

Trong khi đó, Anh Quốc, Úc và Canada, thông qua tuyên bố chung của ngoại trưởng ba nước, đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc", đồng thời nhắc lại rằng tuyên bố chung "mang tính ràng buộc pháp lý, được Trung Quốc và Anh Quốc ký" có đề cập đến "các quyền và quyền tự do, trong đó có nhân quyền tự do báo chí, hội họp và nhiều quyền khác được quy định trong luật pháp của Hồng Kông".

Bất bình về dự luật an ninh của chính quyền trung ương, trong khi lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố sẵn sàng "hợp tác hoàn toàn" với Bắc Kinh, người dân Hồng Kông ủng hộ dân chủ quyết tâm xuống đường phản đối vào Chủ Nhật 24/05.

Ông Jimmy Sham, lãnh đạo hội Mặt trận dân sự về nhân quyền, một trong những người kêu gọi biểu tình, so sánh dự luật an ninh của Bắc Kinh là "vũ khí nguyên tử lớn nhất chưa từng được đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để phá hủy Hồng Kông". Còn Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), gương mặt hàng đầu của phong trào sinh viên, lên án Trung Quốc trên mạng Twitter : "Bắc Kinh đang cố bịt miệng bằng vũ lực và sợ hãi những tiếng nói của người dân Hồng Kông chỉ trích họ».

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 706 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)