Mỹ lên án việc bắt giữ các nhà đối lập Hồng Kông
Thụy My, RFI, 03/11/2020
Hoa Kỳ hôm 02/11/2020 đã "cực lực lên án" việc bắt giữ nhiều thành viên phong trào dân chủ Hồng Kông, tố cáo chính quyền đặc khu "lạm dụng việc huy động lực lượng an ninh vì mục đích chính trị".
Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố : "Việc chính quyền Hồng Kông sách nhiễu và hăm dọa các đại diện của phong trào dân chủ, cũng như các mưu toan bóp nghẹt mọi phản kháng, là những minh chứng rõ ràng cho sự thông đồng giữa họ và Đảng cộng sản Trung Quốc".
Ông Pompeo nêu ra việc bắt giữ "tám đại diện của phong trào dân chủ"trong đó có"năm đại biểu đương nhiệm của Nghị Viện Hồng Kông".Các nhà đối lập này bị bắt hôm Chủ nhật vì đã "đối đầu" và "ngăn trở" công việc của các thành viên Nghị Viện, theo phía cảnh sát.
Theo ngoại trưởng Mỹ, đảng độc tài cầm quyền ở Bắc Kinh "muốn hủy bỏ quyền tự trị đã cam kết dành cho Hồng Kông và chấm dứt tôn trọng nhân quyền". Ông nhấn mạnh : "Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông tôn trọng quyền biểu lộ sự bất bình của người dân thông qua các đại diện được bầu lên của họ".
Được biết tám đương kim và cựu đại biểu bị bắt gồm có Hứa Chí Phong (Ted Hui), Hồ Chí Vĩ (Wu Chi Wai), Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan), Hoàng Bích Vân (Helena Wong), Chu Khải Địch (Eddie Chu), Trần Chí Toàn (Raymond Chan), Trương Siêu Hùng (Fernando Cheung), Quách Vĩnh Kiện (Kwok Wing Kin).
Tại Nghị Viện Hồng Kông, chỉ có phân nửa số dân biểu được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu, số còn lại được đề cử theo thể thức phức tạp nhằm bảo đảm đa số thân Trung Quốc.
Thụy My
**********************
Bảy chính trị gia thiên dân chủ ở Hong Kong bị bắt
BBC, 01/11/2020
Bảy chính trị gia theo đường lối dân chủ tại Hong Kong đã bị bắt giữ quanh vụ ẩu đả với các nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh tại Hội đồng Lập pháp của thành phố hồi tháng 5.
Ông Eddie Chu, trên cùng, nằm trong số những người bị bắt liên quan tới vụ đối đầu hồi tháng Năm
Cảnh sát nói họ bị cáo buộc tội danh coi khinh và quấy rầy các thành viên hội đồng.
Không có chính trị gia ủng hộ Bắc Kinh nào trong vụ ẩu đả bị bắt giữ.
Đây là vụ mới nhất trong loạt các vụ bắt bớ đối với những người chỉ trích Trung Quốc tại Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia mới được Bắc Kinh nhanh chóng áp dụng hồi tháng Sáu.
Những người bị bắt là ai ?
Thông cáo của cảnh sát nói rằng sáu đàn ông và một phụ nữ đã bị bắt giữ như một phần trong cuộc điều tra về phiên họp hôm 8/5, sự kiện sau trở thành vụ ẩu đả quanh tranh cãi về việc ai kiểm soát một ủy ban then chốt trong cơ quan lập pháp.
Những người bị bắt gồm có Wu Chi-wai, Andrew Wan Siu-kin và Helena Wong Pik-wan của Đảng Dân chủ, và Fernando Cheung Chiu-hung cùng Kwok Wing-kin của Đảng Lao động.
Các nhà cựu lập pháp Eddie Chu Hoi-dick và Raymond Chan Chi-chuen cũng bị bắt giữ vào sáng Chủ Nhật.
Họ đối diện với mức án tù một năm, nếu bị kết tội.
Vì sao bị bắt ?
Họ nằm trong nhóm các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, những người đã tìm cách xông vào vị trí ghế ngồi của chủ tịch Hội đồng Lập pháp sau khi các thành viên thân Bắc Kinh trong Hội đồng cố tình đưa một trong những chính trị gia của họ vào vị trí lãnh đạo ủy ban sau nhiều tháng bế tắc.
Ông Chu đã bị bốn nhân viên an ninh nắm chân nắm tay khiêng ra khỏi phòng sau khi ông tìm cách tới vị trí ghế chủ tịch.
Một chính trị gia ủng hội Bắc Kinh được ghi lại trong đoạn truyền hình trực tiếp đang nắm cổ áo ông Chan lôi đi sềnh sệch.
"Một số nhà lập pháp đã xông vào phía các nhân viên an ninh vây quanh kẻ hung hăng và khiến cho cuộc họp không thể nào diễn ra", chánh thanh tra cảnh sát Chan Wing-yu nói với các phóng viên hôm Chủ nhật.
Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập đã đặt câu hỏi vì sao không có nhà lập pháp nào của phía bên kia bị cáo buộc hay điều tra gì.
Đảng Dân chủ miêu tả các vụ bắt giữ là "tùy tiện", và nói thêm : "Chúng tôi sẽ không lùi bước trong việc đối diện với thể chế độc đoán".
Vụ việc xảy ra hôm 8/5 là vụ đầu tiên trong loạt các cuộc đối đầu tại Hội đồng Lập pháp quanh chuyện ai sẽ có quyền ra các dự luật gây tranh cãi, trong đó có một dự luật sau đó đã được thông qua hồi tháng Sáu, với nội dung hình sự hóa việc không tôn trọng quốc ca.
Trong một diễn biến riêng rẽ hồi tuần rồi, nhà hoạt động tuổi teen Tony Chung trở thành người thứ hai bị cáo buộc theo luật an ninh mới, là luật khiến cho việc trừng phạt những người biểu tình trở nên dễ dàng hơn và trao cho Bắc Kinh thêm quyền lực mới trong việc định đoạt cuộc sống tại vùng lãnh thổ này.
Luật mới đã bị các nước phương tây và các tổ chức nhân quyền lên án rộng rãi. Những người chỉ trích nói rằng luật này đang kết liễu những quyền tự do lẽ ra được đảm bảo duy trì trong vòng 50 năm sau khi nước Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc hồi 1997.
Việc luật an ninh mới được nhanh chóng ban hành khiến có nhiều cảnh báo rằng luật sẽ được sử dụng để nhắm vào các cuộc biểu tình trong tương lai bên trong Quốc hội, với những mức hình phạt hà khắc hơn nhiều - án tù từ 10 năm cho tới chung thân - phóng viên BBC John Sudworth từ Bắc Kinh tường thuật.