Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/11/2020

Ấn Độ mất đất, WHO-Trung Quốc điều tra nguồn gốc dịch bệnh

RFI tổng hợp

Ấn-Trung : Ấn Độ bị Trung Quốc lấn chiếm 300 km vuông

Tú Anh, RFI, 02/11/2020

Sau vụ đụng độ đẫm máu hồi mùa hè, 300 km vuông lãnh thổ Ấn Độ ở biên giới Ấn-Trung bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Một chiến tuyến mới được hình thành. Tình hình căng thẳng đến mức có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào, theo nhận định của chuyên gia hai nước.

antrung1

Một đoàn xe quân sự của Ấn Độ di chuyển trên đường Kyelang, cách biên giới Ấn Độ-Tây Tạng khoảng 10 km. Ảnh chụp ngày 03/09/2020.  AFP – Money Sharma

Theo thông tin của South China Morning Post ngày 02/11/2020, sáu tháng sau cuộc đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ tử thương trong vùng biên giới Ấn –Trung trên dãy Himalaya, thắng bại đôi bên lộ rõ với nhiệt độ âm 40 của mùa đông. Lực lượng biên phòng của Ấn Độ bị lính Trung Quốc không cho tuần tra ở vùng lãnh thổ truyền thống, rộng bằng một nửa đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Theo giới chức chính phủ Ấn, quân đội Trung Quốc kiểm soát 250 cây số vuông ở bình nguyên Depsang, nơi có con đường giao thông chiến lược dẫn đến đèo Karakoram và 50 km vuông ở Pansong Tso.

Đèo Karakoram án ngữ trên con đường tơ lụa cũ nối liền Ấn Độ với Tân Cương và đi qua Pakistan, đồng minh của Trung Quốc trong khu vực và dẫn đến các nước Trung Á nằm trên dự án con đường tơ lụa mới "nhất lộ nhất đới" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tướng D.S Hooda, nguyên tư lệnh quân khu Bắc Ấn cho biết hai bên đều tăng cường lực lượng cho dù mùa đông giá rét, đào chiến hào chuẩn bị cho mọi tính huống.

Một chuyên gia Trung Quốc (Chen Jin Ying) đại học Thượng Hải cũng cho rằng "hai bên đều quyết tâm như nhau và không bên nào muốn để lộ tín hiệu yếu kém".

South China Morning Post đặt câu hỏi kiểm chứng với bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Ấn Độ cũng như bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhưng bị từ chối.

Tú Anh

*********************

Covid-19 : WHO và Trung Quốc khởi động điều tra nguồn gốc dịch bệnh

Minh Anh, RFI, 02/11/2020

Báo mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 02/11/2020 cho biết nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có cuộc họp trực tuyến với các đồng nghiệp Trung Quốc hôm thứ Sáu 30/10 nhằm khởi động cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh Covid-19. Đây cũng chính là yêu cầu của hơn 100 quốc gia thành viên.

antrung2

Cảnh nhìn từ trên cao một bệnh viện mới tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 06/08/2020.  AFP – Hector Retamal

Cuộc điều tra này do WHO điều hành, phối hợp giữa các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc, nhằm xác định nguồn gốc động vật mang mầm. Tuy nhiên, theo nhật báo Hồng Kông, điều các chuyên gia quốc tế của WHO mong muốn là có thể đến quan sát tại thực địa, thành phố Vũ Hán, miền trung của Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên dường như vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO dù rất nóng lòng muốn triển khai nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, nhìn nhận rằng cuộc họp trên mạng hôm thứ Sáu là bước đầu tiên quan trọng để tạo lập niềm tin giữa các nhà khoa học, với các chính phủ trong bối cảnh "môi trường chính trị căng thẳng và bất lợi" hiện nay.

Hoa Kỳ không ngừng quy trách nhiệm cho Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch và tố cáo WHO che chở cho Trung Quốc trong những tuần đầu xảy ra dịch bệnh, những cáo buộc cho đến giờ Bắc Kinh luôn bác bỏ.

Hiện tại ngày giờ cụ thể để các chuyên gia của WHO đến Vũ Hán vẫn chưa được xác định. Chính phủ Trung Quốc, thông qua Ủy ban Y tế Quốc gia hôm thứ Bảy 31/10 ra thông cáo là đã trình bày các nghiên cứu về sự lây lan của virus, kể cả nguồn gốc động vật mang mầm bệnh trong cuộc họp trực tuyến. Thông cáo của Ủy ban khẳng định hai bên sẽ "tiếp tục trao đổi các nghiên cứu khoa học về nguồn gốc siêu vi".

SCMP nhắc lại rất nhiều nước đã gây áp lực để khởi động cuộc điều tra này. Trong một phiên họp bất thường của Hội đồng điều hành hồi tháng 10/2020, đại diện của các nước Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Úc đã yêu cầu WHO phải gởi nhóm chuyên gia đến Trung Quốc và phải minh bạch về các chi tiết của nhiệm vụ này.

Hôm 01/11/2020, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO đã tự cách ly sau khi có tiếp xúc với một người xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 655 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)