Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ấn-Trung : Ấn Độ bị Trung Quốc lấn chiếm 300 km vuông

Tú Anh, RFI, 02/11/2020

Sau vụ đụng độ đẫm máu hồi mùa hè, 300 km vuông lãnh thổ Ấn Độ ở biên giới Ấn-Trung bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Một chiến tuyến mới được hình thành. Tình hình căng thẳng đến mức có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào, theo nhận định của chuyên gia hai nước.

antrung1

Một đoàn xe quân sự của Ấn Độ di chuyển trên đường Kyelang, cách biên giới Ấn Độ-Tây Tạng khoảng 10 km. Ảnh chụp ngày 03/09/2020.  AFP – Money Sharma

Theo thông tin của South China Morning Post ngày 02/11/2020, sáu tháng sau cuộc đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ tử thương trong vùng biên giới Ấn –Trung trên dãy Himalaya, thắng bại đôi bên lộ rõ với nhiệt độ âm 40 của mùa đông. Lực lượng biên phòng của Ấn Độ bị lính Trung Quốc không cho tuần tra ở vùng lãnh thổ truyền thống, rộng bằng một nửa đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Theo giới chức chính phủ Ấn, quân đội Trung Quốc kiểm soát 250 cây số vuông ở bình nguyên Depsang, nơi có con đường giao thông chiến lược dẫn đến đèo Karakoram và 50 km vuông ở Pansong Tso.

Đèo Karakoram án ngữ trên con đường tơ lụa cũ nối liền Ấn Độ với Tân Cương và đi qua Pakistan, đồng minh của Trung Quốc trong khu vực và dẫn đến các nước Trung Á nằm trên dự án con đường tơ lụa mới "nhất lộ nhất đới" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tướng D.S Hooda, nguyên tư lệnh quân khu Bắc Ấn cho biết hai bên đều tăng cường lực lượng cho dù mùa đông giá rét, đào chiến hào chuẩn bị cho mọi tính huống.

Một chuyên gia Trung Quốc (Chen Jin Ying) đại học Thượng Hải cũng cho rằng "hai bên đều quyết tâm như nhau và không bên nào muốn để lộ tín hiệu yếu kém".

South China Morning Post đặt câu hỏi kiểm chứng với bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Ấn Độ cũng như bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhưng bị từ chối.

Tú Anh

*********************

Covid-19 : WHO và Trung Quốc khởi động điều tra nguồn gốc dịch bệnh

Minh Anh, RFI, 02/11/2020

Báo mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 02/11/2020 cho biết nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có cuộc họp trực tuyến với các đồng nghiệp Trung Quốc hôm thứ Sáu 30/10 nhằm khởi động cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh Covid-19. Đây cũng chính là yêu cầu của hơn 100 quốc gia thành viên.

antrung2

Cảnh nhìn từ trên cao một bệnh viện mới tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 06/08/2020.  AFP – Hector Retamal

Cuộc điều tra này do WHO điều hành, phối hợp giữa các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc, nhằm xác định nguồn gốc động vật mang mầm. Tuy nhiên, theo nhật báo Hồng Kông, điều các chuyên gia quốc tế của WHO mong muốn là có thể đến quan sát tại thực địa, thành phố Vũ Hán, miền trung của Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên dường như vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO dù rất nóng lòng muốn triển khai nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, nhìn nhận rằng cuộc họp trên mạng hôm thứ Sáu là bước đầu tiên quan trọng để tạo lập niềm tin giữa các nhà khoa học, với các chính phủ trong bối cảnh "môi trường chính trị căng thẳng và bất lợi" hiện nay.

Hoa Kỳ không ngừng quy trách nhiệm cho Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch và tố cáo WHO che chở cho Trung Quốc trong những tuần đầu xảy ra dịch bệnh, những cáo buộc cho đến giờ Bắc Kinh luôn bác bỏ.

Hiện tại ngày giờ cụ thể để các chuyên gia của WHO đến Vũ Hán vẫn chưa được xác định. Chính phủ Trung Quốc, thông qua Ủy ban Y tế Quốc gia hôm thứ Bảy 31/10 ra thông cáo là đã trình bày các nghiên cứu về sự lây lan của virus, kể cả nguồn gốc động vật mang mầm bệnh trong cuộc họp trực tuyến. Thông cáo của Ủy ban khẳng định hai bên sẽ "tiếp tục trao đổi các nghiên cứu khoa học về nguồn gốc siêu vi".

SCMP nhắc lại rất nhiều nước đã gây áp lực để khởi động cuộc điều tra này. Trong một phiên họp bất thường của Hội đồng điều hành hồi tháng 10/2020, đại diện của các nước Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Úc đã yêu cầu WHO phải gởi nhóm chuyên gia đến Trung Quốc và phải minh bạch về các chi tiết của nhiệm vụ này.

Hôm 01/11/2020, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO đã tự cách ly sau khi có tiếp xúc với một người xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Minh Anh

Published in Châu Á

Ấn Độ và Trung Quốc thỏa thuận nhanh chóng rút quân khỏi vùng biên giới

RFI, 11/09/2020

Trong một tuyên bố chung công bố ngày hôm nay 11/09/2020, bên lề hội nghị ngoại trưởng các nước trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải tại Moskva, hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc cho biết là đã gặp nhau và nhất trí nhanh chóng rút quân ra khỏi vùng biên giới trên bộ đang rất căng thẳng.

antrung1

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar (trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau bên lề hội nghị ngoại trưởng các nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Moskva, ngày 10/09/2020.  Reuters – China Daily

Bản tuyên bố chung công bố sau cuộc tiếp xúc song phương vào hôm qua 10/09 giữa ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị nói rõ : "Hai ngoại trưởng đã nhất trí rằng tình hình hiện nay ở các khu vực biên giới không có lợi cho ai. Do đó, hai bên đã đồng ý là quân đội ở biên giới của cả hai nước nên tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng".

Tình hình ở vùng biên giới Ấn-Trung dọc theo dãy Himalaya đã căng thẳng hẳn lên trong những tháng gần đây, đặc biệt sau vụ cận chiến đẫm máu bằng gậy đá và tay chân vào giữa tháng 6 ở vùng thung lũng sông Galwan, ở miền đông Ladakh, nối tiếp bằng vụ hai bên tố cáo lẫn nhau là đã nổ súng trước (dù là bắn chỉ thiên) trong đêm 07/09 ở khu vực hồ Pangong Tso cũng ở miền đông Ladakh.

Bộ trưởng Quân lực Pháp đến Ấn Độ bàn giao đợt Rafale đầu tiên

Trong bối cảnh quan hệ Ấn-Trung căng thẳng, ngày hôm qua 10/09, Không Quân Ấn Độ đã làm lễ chính thức tiếp nhận 5 chiến đấu cơ Rafale đầu tiên của Pháp. Buổi lễ được tổ chức tại căn cứ Không quân Ambala thuộc bang Haryana, với sự có mặt của bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly.

Năm 2016, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá gần 8 tỷ đô la để mua 36 chiếc máy bay Rafale của Pháp, được lần lượt bàn giao từ nay cho đến năm 2021. Đợt đầu gồm 5 chiếc về đến Ấn Độ từ ngày 27/07 đã được chính thức bàn giao hôm qua. Đợt giao máy bay thứ hai dự trù vào cuối tháng 11 tới đây.

Trọng Nghĩa

**********************

Đọ sức Ấn-Trung ở biên giới : Ấn Độ có ưu thế nhờ một cú đánh phủ đầu ?

RFI, 10/09/2020

Tình hình biên giới Ấn Độ Trung Quốc dọc theo dãy Himalaya nóng lên rõ rệt với truyền thông Ấn Độ liên tiếp báo động về các động thái hung hăng của Trung Quốc ở vùng tranh chấp, trong lúc báo chí Trung Quốc liên tục tung tin hù dọa nước láng giềng. Bắc Kinh đặc biệt tức tối sau khi bị Ấn Độ đánh một đòn phủ đầu tại vùng Ladakh.

antrung2

Ảnh của chủ tịch Tập Cận Bình bị đốt trong một cuộc tập hợp phản đối Trung Quốc của những người ủng hộ đảng Nhân Dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party, BJP) ngày 01/07/2020, ở thành phố Jammu, Ấn Độ.  AP - Channi Anand

Hôm 08/09/2020, hai bên tố cáo lẫn nhau là đã nổ súng vào nhau trước trong khu vực gần hồ Pangong Tso, miền đông cao nguyên Ladakh, dọc theo Đường Kiểm Soát Thực Tế LAC (Lign of Actual Control), thường được coi là đường biên giới tạm thời giữa hai nước trên dãy Himalaya.

Nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 10/09 đã báo động về tình hình quân đội Trung Quốc điều động xe tăng và binh lính đến vùng bờ hồ Pangong Tso, nơi có nhiều cao điểm đang do lực lượng Ấn Độ kiểm soát. Một quan chức cấp cao Ấn Độ được tờ báo trích dẫn, hôm 09/09 đã cảnh cáo là nếu quân đội Trung Quốc vượt "lằn ranh đỏ" ở khu vực tranh chấp, Ấn Độ sẵn sàng đáp trả. Quan chức này xác nhận là New Delhi đã tăng cường lực lượng ở các vị trí tiền tuyến để đối phó.

Trước đó, trang mạng báo Ấn Độ DNA, cũng cho biết là hôm 08/09, 40 binh sĩ Trung Quốc đã dùng 2 thuyền máy tìm cách xâm nhập vào vùng Ấn Độ kiểm soát bên hồ Pangong Tso, với ý đồ chiếm lĩnh cao điểm Finger 4 trong tay Ấn Độ, nhưng đã bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi.

Về phần Trung Quốc, báo chí đã liên tục lên tiếng hù dọa Ấn Độ, vừa tung tin và hình ảnh về việc Bắc Kinh điều lực lượng lên vùng gần biên giới tranh chấp, từ oanh tạc cơ chiến lược, chiến đấu cơ hiện đại, cho đến các đơn vị phòng không, lính nhảy dù, vừa lớn tiếng đe dọa là New Delhi sẽ đại bại nếu cứng rắn với Bắc Kinh, nhắc lại thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962 với Trung Quốc.

Súng đã nổ trong khu vực lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay

Giọng điệu của Trung Quốc lại càng gay gắt hơn sau sự cố xẩy ra trong đêm 07, rạng sáng 08/09 tại khu vực hồ Pangong Tso, với vụ nổ súng mà phía Bắc Kinh cho là rất nghiêm trọng vì xẩy ra lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay trong khu vực.

Theo phát ngôn viên Quân Đội Trung Quốc, được Hoàn Cầu Thời Báo ngày 08/09 trích dẫn, trong đêm 07/09, khi đang "tuần tra" trong vùng, một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã bị lính Ấn Độ bắn vào. Bắc Kinh đã tố cáo một "hành động leo thang nghiêm trọng".

Ngược lại, phía Ấn Độ đã lên án Trung Quốc về hành vi nổ súng trước. Theo trang mạng báo India Today ngày 08/09, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận có nổ súng giữa hai bên, nhưng nhấn mạnh rằng lính Ấn Độ chỉ bắn chỉ thiên cảnh cáo sau khi các vị trí của mình bị phía Trung Quốc nổ súng nhắm vào.

Trung Quốc tức tối vì bị một đòn phủ đầu đau điếng

Một nguồn tin từ Quân Đội Ấn Độ còn khẳng định rằng trước đó, ngày 31/08, hai bên cũng đã dùng đến súng để cảnh cáo nhau, sau khi Ấn Độ tiến hành thành công một chiến dịch đánh phủ đầu giành quyền kiểm soát một số cao điểm trong vùng tranh chấp.

Trong một bài phân tích được đăng trên trang mạng báo Sunday Guardian tại Ấn Độ ngày 06/09, đại tá nghỉ hưu Danvir Singh từng chỉ huy lực lượng Ấn Độ ở vùng Chushul trên cao nguyên Ladakh, đã kể lại chi tiết chiến dịch chiếm các cao điểm bên hồ Pangong Tso đã khiến Bắc Kinh bực tức và phản ứng gay gắt từ lúc đó đến nay.

Theo chuyên gia này, kế hoạch chiếm các cao điểm đã được chuẩn bị tỉ mỉ từ tháng 5 vừa qua, do vậy khi được tiến hành, các lực lượng yểm trợ, từ pháo binh, xe thiết giáp cho đến phòng không, đều đã sẵn sàng can thiệp nếu có yêu cầu.

Vào đêm 31/08, đèn xanh đã được bật cho chiến dịch đánh chiếm thần tốc - trong vỏn vẹn 120 phút - các mục tiêu ở khu vực Spangur Bowl, nằm ở phía nam hồ Pangong Tso và phía đông thung lũng Chushul.

Lợi dụng màn đêm, các đơn vị Ấn Độ đã áp sát các mục tiêu, và khi lệnh tấn công được ban hành, những người lính này đã cấp tốc đột nhập vào các vùng mà Trung Quốc cho là của họ một cách nhanh chóng. Đơn vị biệt kích vùng núi gồm lính đặc nhiệm gốc Tây Tạng của Lực Lượng Biên Phòng Đặc Biệt đã chiếm đóng các vùng cao trong không đầy 120 phút.

Trước lúc bình minh, một lữ đoàn bộ binh hoàn chỉnh với hơn 2.000 quân đã nghiễm nhiên kiểm soát được các cao điểm nhìn xuống Spangur Bowl. Được trang bị tên lửa chống tăng Milan của Pháp và các giàn phóng pháo phản lực Carl Gustav, lực lượng Ấn Độ coi như đã vô hiệu hóa được các loại xe thiết giáp của Trung Quốc đồn trú tại căn cứ Moldo ở phía dưới. Bước qua ngày 31/08, lực lượng Trung Quốc đồn trú tại Moldo hầu như là đã bị bao vây.

Lần đầu tiên Ấn Độ chủ động tiến công ở vùng biên giới

Bị đòn phủ đầu bất ngờ, Trung Quốc đã tập hợp lực lượng trang bị gậy gộc giáo mác tiến lên các vị trí mà lính Ấn Độ vừa chiếm lĩnh. Và ở đấy, lính Trung Quốc đã bị thêm một cú sốc khác. Bất chấp những lời cảnh cáo, họ cứ tiếp tục tiến công, khiến lính Ấn Độ phải bắn chỉ thiên cảnh cáo. Kết quả là lực lượng Trung Quốc đã phải bỏ chạy, trước khi quay trở lại sau đó.

Lần này Trung Quốc điều động các loại xe chuyển quân bọc thép, sử dụng đường trải bê tông mà họ đã xây dựng để tiến từ căn cứ Moldo lên vùng cao diểm Rezang La. Cuộc tiến công này cũng bị chặn đứng và lực lượng Trung Quốc đã phải vội vã thối lui sau khi thấy lực lượng Ấn Độ được trang bị các loại tên lửa chống tăng và giàn phóng pháo phản lực.

Chuyên gia Ấn Độ đã nhận định lạc quan : Trung Quốc giờ đây đã nhận ra rằng họ không chỉ ít quân hơn mà còn bị hoàn toàn lép vế, với các vị trí mà họ đang chiếm giữ bị đe dọa tiêu diệt nếu bùng lên xung đột võ trang.

Theo đại tá Danvir Singh, cách đối phó với lực lượng Trung Quốc tại vùng biên giới của Ấn Độ như vậy đã hoàn toàn thay đổi. Trong 5 thập niên qua, đây là chiến dịch tấn công đầu tiên được thực hiện chống lại Trung Quốc, giúp Ấn Độ giành được thế thượng phong. Hệ quả của thay đổi trên hiện trường này là sức mạnh đàm phán của Ấn Độ được nâng cao, và điều mà cho đến nay không ai có thể tưởng tượng được đã trở thành một thực tế mới.

Mai Vân

Published in Châu Á

Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc "xâm lược" Ấn Độ (RFI, 09/07/2020)

Vụ đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh, khiến 20 người chết bên phía Ấn Độ, là "hành vi xâm lược" của Trung Quốc, theo nhận định của ngoại trưởng Mỹ trong buổi họp báo ngày 08/07/2020. Ngoài ra, ông Pompeo còn lên án "cách hành động hung hăng không thể tin nổi" của Trung Quốc.

antrung1

Ngoại trưởng Mike Pompeo họp báo tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington, Hoa Kỳ, ngày 08/07/2020. Reuters - Tom Brenner

Theo AFP, vấn đề căng thẳng biên giới ở khu vực Ladakh đã được ông Pompeo đề cập nhiều lần với đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Trong lần đụng độ vừa qua, ngoại trưởng Mỹ cho rằng "Ấn Độ đã đáp trả một cách tốt nhất".

Không chỉ hung hăng với Ấn Độ, Bắc Kinh còn có chính sách "hăm dọa" Butan nhỏ bé khi phản đối việc quốc gia nhỏ bé này vay một khoản tín dụng quốc tế để lập khu bảo tồn thiên nhiên ở phía đông Butan, nằm trên dãy Himalaya.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng "thế giới không thể cho phép những hành vi hăm dọa như vậy… từ dãy Himalaya đến vùng biển của Việt Nam hoặc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như những nơi khác".

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung trên mọi lĩnh vực, Bắc Kinh kêu gọi cải thiện quan hệ ngoại giao với Washington, vì chính sách của Mỹ hiện nay dựa trên "những đánh giá sai lầm chiến lược thiếu cơ sở thực tế". Thông điệp được đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 09/07 và được Reuters trích dẫn, còn đề nghị hai bên "cùng khai thác những cách chung sống hòa bình".

Thu Hằng

**********************

Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc : Nói dễ, làm khó (RFI, 07/07/2020)

Dùng đòn kinh tế để trả đũa Bắc Kinh sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung là một bàn thua được báo trước đối với chính quyền New Delhi. Trên đây là nhận định của nhà báo Patrick de Jacquelot, nguyên là phóng viên của báo kinh tế Les Echos tại Ấn Độ về chiến dịch vận động quần chúng "tuyên chiến" với hàng Made in China.

antrung2

Ấn Độ và Trung Quốc : tranh chấp lãnh thổ không ngăn cản đôi bên hợp tác về kinh tế. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Chỉ vài giờ sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung trong vùng thung lũng Ladakh trên dãy Himalaya, đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các công ty và hàng Trung Quốc. Rồi lời nói đi đôi với hành động : Hình ảnh một cư dân tại bang Gujarat liệng màn hình tivi Made in China qua cửa sổ đã được truyền thông Ấn Độ loan tải ra khắp thế giới. Tại thủ đô New Delhi, một quan chức địa phương trên mạng xã hội Whatsapp "tuyên chiến" với những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Một viên tướng về hưu xem việc tẩy chay hàng Trung Quốc là hình thức cụ thể nhất để "tấn công vào cột sống" của nước láng giềng muốn xâm lấn lãnh thổ của Ấn Độ.

Cố gắng trả đũa để giữ thể diện quốc gia ?

Về mặt chính thức, hai tuần sau vụ đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya, New Delhi tìm nhiều cách để "trả đũa" Bắc Kinh. Biện pháp thứ nhất là ban hành lệnh cấm người dân Ấn Độ sử dụng 59 ứng dụng do các tập đoàn Trung Quốc cung cấp, trong lúc 65% điện thoại di động đang lưu hành tại quốc gia Nam Á này đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chỉ riêng ứng dụng chia sẻ video như TikTok cũng của Trung Quốc đang thu hút đến 120 triệu thanh niên Ấn Độ và đây cũng là thị trường lớn nhất của TikTok ngoài Hoa lục. 

Kế tới là việc tăng cường các hàng rào thuế quan nhắm vào 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Modi cũng đã "mạnh mẽ khuyến khích" cơ quan Nhà nước "giảm mức độ lệ thuộc" vào hàng Trung Quốc. Cổng mua bán trên mạng Government E-market của Nhà nước yêu cầu các nhà cung cấp ghi rõ xuất xứ những mặt hàng bán ra ở địa chỉ này.

Gần như cùng lúc, New Delhi tăng tốc thắt chặt luật đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là nhằm cản đường các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mở thêm địa bàn trên xứ sở của Bollywood. Cũng chính quyền của thủ tướng Narendra Modi kêu gọi các tập đoàn viễn thông Ấn Độ "tránh" mua trang thiết bị của Hoa Vi. Một phương tiện khác nữa cho phép Ấn Độ "thọc gậy bánh xe" nước láng giềng là kéo dài thủ tục hành chính ở hải quan mỗi khi hàng của Trung Quốc cập các cảng Ấn Độ trước khi được chuyển đi tiếp sang một quốc gia thứ ba.

Hiệu quả nào khi đang lệ thuộc vào giao thương với Trung Quốc về nhiều mặt ?

Câu hỏi đặt ra liệu Ấn Độ có đủ sức dùng đòn kinh tế trả đũa Trung Quốc vụ giao tranh đẫm máu, cướp đi sinh mạng 20 quân nhân Ấn Độ ở đường biên giới chung giữa hai nước hay không ?

RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà báo độc lập Patrick de Jacquelot của báo Asialyst. Ông từng là thông tín viên thường trực của nhật báo kinh tế Les Echos tại New Delhi trong nhiều năm.

"Trao đổi mậu dịch Ấn-Trung cho đến năm 2019 là như sau : Ấn Độ xuất khẩu 16,3 tỷ đô la sang Trung Quốc và mua vào 65,3 tỷ hàng Trung Quốc. Như vậy Ấn Độ bị thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc gần 50 tỷ đô la và đó là một số tiền rất lớn. Nhìn qua, có vẻ như việc tẩy chay hàng Trung Quốc có hại cho phía Bắc Kinh. Sự thật hoàn toàn ngược lại bởi vì 14 % hàng của Ấn Độ làm ra để bán cho Trung Quốc. Trong chiều ngược lại thì Ấn Độ chỉ chiếm có từ 1 đến 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Thành thử Ấn Độ có tẩy chay hàng Trung Quốc đi chăng nữa, cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc không hề hấn gì bởi thị trường Ấn Độ không chiếm một vị trí quá lớn trong số những khách hàng của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, nếu Trung Quốc ngưng mua hàng của Ấn thì các công ty Ấn Độ sẽ rất kẹt".

Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhì của Ấn Độ chỉ sau có Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc là hai mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng của toàn cầu. Về thương mại, hai nước đông dân nhất địa cầu này rất cần lẫn nhau vậy về mặt cơ cấu đôi bên trao đổi với nhau những gì ? Patrick de Jacquelot đi sâu thêm vào chi tiết.

"Có thể nói Ấn Độ chủ yếu bán nguyên liệu cho Trung Quốc và mua vào những mặt hàng có giá trị gia tăng. Thí dụ như bán sắt cho Trung Quốc nhưng mua vào thép, mua vào đồ điện và máy móc, vi tính… mà Trung Quốc làm ra. Những mặt hàng đó tối cần thiết cho đời sống hàng ngày của mỗi người dân Ấn Độ. Nhìn đến công nghệ cao, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ. 80 % trang thiết bị năng lượng mặt trời của Ấn Độ được mua từ Trung Quốc ; 40 % trang thiết bị điện tử của Ấn Độ được nhập từ Trung Quốc và ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ lệ thuộc đến 25 % vào phụ tùng của Trung Quốc. Nói cách khác, cho dù là một ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng nếu không có Trung Quốc thì sẽ không có xe hơi Ấn Độ".

Thỏa mãn niềm tự hào dân tộc

Theo quan điểm của nhà báo Jacquelot, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ nhằm mục đích xoa dịu công luận Ấn Độ phẫn nộ vì cái chết của 20 người lính ở biên giới Ấn - Trung. Ông giải thích tiếp :

"Chẳng vậy mà từ khi New Delhi kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, chỉ trong vỏn vẹn khoảng một chục ngày, chính phủ đã hai lần nới lỏng biện pháp trả đũa Bắc Kinh gây hấn ở biên giới Ấn Trung. Hôm 30 tháng 6 chính quyền Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp cấm vận nhắm vào các sản phẩm cần thiết nhất trong ngành dược phẩm. Tuy rằng đây là một công nghệ xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ nhưng các hãng dược phẩm Ấn lại lệ thuộc đến 60 % vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Cùng một ngày New Delhi cũng đã rút lại biện pháp đòi trừng phạt các tập đoàn nước ngoài hiện diện tại Ấn Độ làm ăn với Trung Quốc. Các tên tuổi như Samsung, Honda hay Toyota bị đưa vào danh sách này nhưng trừng phạt các tập đoàn nói trên thì chính nền công nghiệp của Ấn Độ bị thiệt hại trước hết".

Từ công nghệ cao cho đến dược phẩm và ngay cả những mặt hàng điện tử thông dụng nhất, hay đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đều cần Trung Quốc. Nhà báo Patrick de Jacquelot nhấn mạnh kinh tế không là yếu tố gây căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh. Xung đột giữa hai ông khổng lồ Châu Á này nằm ở vế ngoại giao và tranh chấp lãnh thổ :

"Vấn đề cốt lõi không nằm trong địa hạt kinh tế, mà xung đột Ấn - Trung thuộc về phạm trù ngoại giao và nhất là tranh chấp biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc hoàn toàn không có tranh chấp về kinh tế hay thương mại. Nếu như trong những ngày sắp tới New Delhi và Bắc Kinh thu xếp được với nhau để làm dịu tình hình, thì sẽ không còn mấy ai chú ý tới kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc nữa. Ngược lại, nếu tình hình xấu đi thêm Ấn Độ bắt buộc phải cứng giọng hơn nữa. Nhưng như tôi vừa trình bày, khả năng hành động của New Delhi về mặt này rất hạn hẹp. Về kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc đang cần lẫn nhau. Ấn Độ cần hàng của Trung Quốc. Còn với Bắc Kinh, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng không thể bỏ qua".

Tranh chấp lãnh thổ và lợi ích kinh tế 

Đây là lần đầu tiên từ năm 1975 máu lại đổ vì xung đột ở đường biên giới. Nhưng căng thẳng Ấn - Trung thì từ hơn 50 năm qua vẫn âm ỉ. Tình hình đã căng lên trở lại từ đầu tháng 5/2020 và đỉnh điểm là đêm 15 rạng sáng 16/06/2020 khi hàng trăm binh lính đôi bên lao vào một trận giáp lá cà. Chuyên gia quân sự Abhijit Iyer Mitra thuộc Viện Nghiên cứu về Hòa bình và các cuộc xung đột (IPCS) của Ấn Độ lưu ý tình hình tại biên giới Ấn - Trung nóng lên đúng vào lúc New Delhi vừa cấp giấy phép cho một tập đoàn Úc khoan ba đường hầm lớn trong khu vực thung lũng Ladakh, đồng thời chính quyền cũng đã bật đèn xanh cho các dự án xây dựng hơn 60 trục lộ dài tổng cộng hơn 3.300 cây số dọc theo đường biên giới Ấn - Trung. Tất cả các dự án đó cho phép Ấn Độ mở rộng cơ sở hạ tầng tại một vùng lãnh thổ mang tính chiến lược này đối với Bắc Kinh.

Đành rằng Ấn Độ và Trung Quốc không có hiềm khích về kinh tế hay thương mại, nhưng dự án của New Delhi phát triển vùng thung lũng Ladakh tại một địa điểm nhậy cảm trên dãy Himalaya phần nào châm ngòi cho xung đột đẫm máu hôm 15/06/2020. Vấn đề còn lại là đôi bên liệu sẽ có dừng lại đúng lúc trước khi bước qua lằn ranh đỏ của một sự can thiệp quân sự hay không ?

Thanh Hà

Published in Châu Á

Bất chấp Covid-19, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục chạy đua vũ trang

Eléa Beraud, Capucine Bourget-Olanier, RFI, 06/07/2020

Đại dịch Covid-19 cho dù gây nhiều thiệt hại nặng nề nhưng vẫn không thể dập tắt sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ, điển hình là ​​cuộc đụng độ chết người ở biên giới hai nước hôm 15/06/2020, nhưng ẩn sau cuộc chạy đua vũ trang khu vực này là gì ?

RFI Việt ngữ trích lược bài viết của hai nhà nghiên cứu Eléa Beraud và Capucine Bourget-Olanier được đăng trên trang Asialyst của Pháp, ngày 27/06.

antrung1

So với các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc, ngân sách quân sự ở Trung Quốc đã tương đối không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng coronavirus. (Nguồn : Pinterest)

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc và căng thẳng ở Biển Đông

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm sút, ngân sách quân sự được công bố trong phiên họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc ngày 22/05 cũng giảm theo. Nhưng nếu so sánh với các lĩnh vực khác thì thực ra ngân sách quốc phòng trên thực tế không bị ảnh hưởng nhiều. Đây không phải là điều gây ngạc nhiên vì Trung Quốc luôn mơ ước trở thành cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, trong khi căng thẳng với Ấn Độ, Mỹ và một số nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục leo thang do Trung Quốc liên tục đòi chủ quyền lãnh thổ. Tại Biển Đông, va chạm với nhiều nước vẫn xảy ra thường xuyên từ vài tháng nay, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã tố cáo Bắc Kinh khai thác thế yếu của các nước Đông Nam Á khi đó đang bận rộn chống dịch.

Trung Quốc dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á-Thái Bình Dương

Khi tránh giảm, trong chừng mực có thể, các phương tiện dành cho lĩnh vực quốc phòng cho dù việc giảm chi ngân sách trong năm 2020 là điều không tránh khỏi, Trung Quốc tỏ ra nhất quán với chính sách tăng cường năng lực quân sự từ vài thập kỷ nay.

Xu hướng chạy đua vũ trang này đang thúc đẩy tất cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng chi tiêu quân sự quốc gia. Nếu Washington vẫn chi tiêu cho quốc phòng nhiều gấp 2,5 lần so với Bắc Kinh, thì Trung Quốc mới là nước đầu tư nhiều vào quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, một phần đáng kể trong ngân sách của Trung Quốc được dành để hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và các ngành công nghiệp quốc phòng.

Do vậy, Trung Quốc hiện giờ thoát khỏi việc phải nhập khẩu thiết bị quân sự của Nga nhờ phát triển các loại vũ khí mới. Trong số các thiết bị mới của Trung Quốc, có tên lửa, máy bay, tàu chiến, "vũ khí" mạng hoặc không gian, và cả tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng vượt quá tốc độ âm thanh. Để đánh giá khả năng phòng thủ của mình, Bắc Kinh không ngần ngại thực hiện các hành động đe dọa và răn đe. Lầu Năm Góc cũng đã công nhận Trung Quốc là cường quốc hải quân hàng đầu ở Châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh dường như không muốn mở rộng ảnh hưởng quân sự ra ngoài Châu Á, nhưng rõ ràng Bắc Kinh vẫn khao khát thống trị khu vực.

Ấn Độ, đối thủ quân sự của Trung Quốc ?

Theo số liệu mới nhất của SIPRI cho năm 2018, xét về chi tiêu quân sự, Ấn Độ đứng thứ tư thế giới. Phải nói là Ấn Độ đang chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. New Delhi đã khởi động một quá trình hiện đại hóa tổng thể quân đội nhờ công nghệ trong một số lĩnh vực. 

Tàu ngầm tấn công hạt nhân quốc gia đầu tiên được khánh thành vào năm 2009, và giai đoạn đầu tiên của chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo Ấn Độ khởi động vào năm 2006 và hoàn thành vào năm 2020. Thông qua hiện đại hóa vũ khí, New Delhi muốn chắc chắn là toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Ấn Độ.

Bộ binh Ấn Độ được biết đến là một trong những đội quân linh hoạt nhất trên thế giới, cũng là trụ cột của các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Còn Hải Quân Ấn Độ đứng thứ năm trên thế giới, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh và lợi ích của đất nước ở Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal, biển Ả Rập và thậm chí ở cả Biển Đông. Trong lĩnh vực không gian, chính sách của Ấn Độ đã phát triển trong những năm gần đây. New Delhi đã phóng các vệ tinh quan sát quân sự vào năm 2015 và 2016. Đến năm 2019, Ấn Độ đạt được khả năng bắn hạ vệ tinh, giống Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Xung đột biên giới và các đồng minh phương xa

Nỗ lực quân sự của Ấn Độ cũng có thể được giải thích bằng những căng thẳng địa chính trị dai dẳng với các nước láng giềng. Biên giới Ấn Độ vẫn được quân sự hóa mạnh, ở vùng Kashmir cũng như ở cao nguyên Hymalaya. Ở phía tây thì Ấn Độ có xung đột với Pakistan, ở phía đông thì với Trung Quốc, đồng minh kinh tế của Islamabad. Bao quanh Ấn Độ là những nước không phải là đồng minh mà cũng chẳng phải là đối tác chiến lược, nên Ấn Độ phải tìm kiếm đồng minh, đối tác ở những nơi khác.

Từ hơn một thập kỷ nay, New Delhi từng bước phát triển các mối quan hệ đối tác và thỏa thuận an ninh với Washington. Mỹ cũng xích lại gần Ấn Độ với hy vọng New Delhi một ngày nào đó sẽ kìm được đà phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Sau xung đột Kargil năm 1999, hai nước Mỹ - Ấn đã xích lại gần nhau để đối phó với trục Trung Quốc - Pakistan, liên minh này đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ sử dụng các căn cứ quân sự, chuyển giao công nghệ và tiến hành các cuộc tập trận chung ngày càng nhiều.

Xung đột ở Kashmir cho thấy giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa có sự hòa giải. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan cũng có thể xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, Ấn Độ củng cố quân đội không chỉ vì Pakistan, mà còn vì mối đe dọa từ Trung Quốc.

Một mặt, Bắc Kinh dường như đã trở thành một trong những đồng minh kinh tế và chiến lược lớn nhất của Islamabad, góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã giúp Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Ấn Độ. Mặt khác, New Delhi và Bắc Kinh vẫn còn có tranh chấp lãnh thổ sau chiến tranh Trung-Ấn 1962. Trong những năm gần đây, một số khu vực như Arunachal Pradesh và Leh thường chứng kiến các vụ đụng độ giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng.

Trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành đối thủ thực sự của Trung Quốc trong khu vực, nhưng hiện tại, khoảng cách giữa quân đội hai nước vẫn là rất lớn và không ngừng tăng. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đàm phán được về thỏa thuận thành lập các căn cứ quân sự bao quanh Ấn Độ. Chiến lược được gọi là "chuỗi hạt ngọc trai" cho phép hải quân Trung Quốc lập các điểm hỗ trợ trong suốt tuyến giao thương hàng hải đến Trung Đông, như ở Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, ở Miến Điện và thậm chí là vùng Sừng Châu Phi, tại Djibouti.

Tình hình càng trở nên phức tạp với cuộc khủng hoảng Covid-19. Ấn Độ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hoạt chất của Trung Quốc để sản xuất dược phẩm. Giới chức chính trị và quân sự Ấn Độ tiếp tục coi Bắc Kinh là một đối thủ nguy hiểm, cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng cuộc khủng hoảng y tế để mở rộng phạm vi ảnh hưởng quanh Ấn Độ Dương thông qua việc hỗ trợ cho các nước trong khu vực.

Eléa Beraud, Capucine Bourget-Olanier

Nguyên tác, Malgré le coronavirus, la Chine et l'Inde poursuivent leur course aux armements, Asialyst, 27/06/2020

Thùy Dương dịch

Nguồn : RFI, 06/07/2020

*******************

Trung Quốc rút quân khỏi vùng biên giới có tranh chấp với Ấn Độ

Minh Anh, RFI, 06/07/2020

Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh từ chính phủ Ấn Độ cho biết hôm nay, 06/07/2020, Trung Quốc bắt đầu cho rút quân dọc theo biên giới có tranh chấp với Ấn Độ.

antrung2

Các vùng tranh chấp tại biên giới Ấn - Trung. AFP

Ba tuần sau vụ đụng độ đẫm máu làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn và một số đông lính Trung Quốc, nhưng con số cụ thể không được tiết lộ, nhiều nhóm lính Trung Quốc bắt đầu cho tháo dỡ lều trại và các cơ sở tại vùng thung lũng Galwan, khu vực xảy ra xô xát giữa hai bên. Nhiều phương tiện cũng đã được rút ra khỏi khu vực này, cũng như là tại hai vùng biên giới khác có tranh chấp : Hotsprings và Gogra.

Khi được hỏi về những thông tin này, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố "hai bên đang có những biện pháp hiệu quả có lợi cho việc giảm quân và hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới".

Vẫn theo ông Triệu Lập Kiên, Trung Quốc "hy vọng Ấn Độ về phần mình sẽ có những biện pháp cụ thể để thực thi những gì đạt được từ hai phía, tiếp tục cung cấp thông tin chặt chẽ qua các kênh ngoại giao và cùng nhau hợp tác để giảm nhiệt tình hình".

Minh Anh

********************

Binh sĩ Ấn Độ không vũ trang và bị bất ngờ khi đụng độ với lính Trung Quốc ?

VOA, 06/07/2020

Các binh sĩ Ấn Đ chết trong xung đt vi quân đi Trung Quc hi tháng trước khi trên người không có vũ khí và b lc lượng đi phương đông hơn bao vây trên mt sườn dc, Reuters dn ngun tin ca chính ph n Đ, hai binh sĩ tham gia làm nhim v trong khu vực và gia đình nn nhân cho biết hôm 6/7.

antrung8

Khu vực biên gii n - Trung. Ảnh minh họa

Cha của mt binh sĩ n Đ, người b rch c hng bng đinh trong bóng ti, nói vi Reuters rng s vic này đã được mt đng đi ca con trai ông có mt đó k li.

Thân nhân dẫn li các nhân chng cho Reuters biết các binh sĩ khác chết vì rơi xung sông Galwan lnh giá phía tây dãy Hy Mã Lp Sơn.

Vào ngày 15/6, có đến 20 binh sĩ n Đ chết trong cuc đng đ ti khu vc thường được xem là ranh gii n - Trung. Các binh sĩ này đu thuc Trung đoàn Bihar th 16 ở vùng Galwan.

Không có tiếng súng, nhưng v đng đ này gây ra mt mát nhân mng ln nht trong cuc chiến gia hai nước láng ging có vũ trang ht nhân k t năm 1967, khi tranh chp biên gii căng thng bùng lên thành nhng trn chiến sinh t.

Reuters phỏng vn người thân ca 13 binh sĩ đã chết, và trong năm trường hp cho biết giy chng t có ghi do b thương nng trong cuc đng đ ban đêm kéo dài sáu gi đ cao 14.000 ft (4.267 mét) gia vùng núi ho lánh.

Trả li phng vn ca Reuters, mt phát ngôn viên của B Ngoi giao Trung Quc lp li các tuyên b trước đây nói rng nguyên nhân cho phía n Đ đã vượt qua ranh gii thc tế và khiêu khích phía Trung Quc.

"Khi các sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc ti đó đ đàm phán, h đã b quân đi n Đ tn công bất ng và d di", phát ngôn viên Trung Quc nói.

"Vụ vic cho thy ai đúng, ai sai đã rt rõ ràng ri. Trách nhim hoàn toàn không thuc v phía Trung Quc", người phát ngôn cho biết thêm.

Chính phủ n Đ nói rng Quân đi Gii phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hành đng mt cách có ch đích, nhưng h không cung cp thêm chi tiết v cuc đng đ làm kinh hoàng đt nước và gây ra s tc gin trong dân chúng đi vi Trung Quc.

Nguồn : VOA, 06/07/5020

Published in Diễn đàn

Cuộc đối đầu nguy hiểm tại vùng biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc (RFI, 29/05/2020)

Ngày 27/05/2020, Ấn Độ đã phái thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc. Đây là phản ứng mới nhất của New Delhi sau khi Bắc Kinh cũng cho triển khai một số quân tương tự bên phần đất Trung Quốc.

antrung0

Các vùng tranh chấp tại biên giới Ấn - Trung AFP

Hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang bị lôi cuốn vào một cuộc đọ sức căng thẳng ở vùng biên giới trên bộ, nơi bị cả hai bên tranh chấp, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự bùng lên trở lại giữa hai bên.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn - Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.

Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa viện quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.

Vào năm 2014 chẳng hạn, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía tây dãy Hymalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, khi công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Hy Mã Lạp Sơn mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.

Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/05, hiện nay chưa rõ là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng đến từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo việc lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm này, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.

Ai đúng, ai sai chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là đã có khoảng 100 lính ở cả hai phía bị thương trong hai vụ xô xát ngày 5 và 9 tháng Năm. Không có ai thiệt mạng, không có một tiếng súng nào, tuy nhiên các sự cố nói triên đã thúc đẩy hai bên leo thang tranh chấp và cấp tốc phái lực lượng tăng viện đến khu vực.

Vào thời điểm hiện nay, hàng ngàn binh sĩ đang cắm trại ở hai bên thung lũng Galwan, một vùng lãnh thổ tranh chấp trên cao nguyên Ladakh. Quân đội hai nước đã đào những công sự phòng thủ mới, thiết bị quân sự và vũ khí đã được vận chuyển thêm đến các tiền đồn ở cả hai bên biên giới. Tình trạng tăng cường võ trang vào lúc mùa đông giá lạnh bắt đầu nhường chỗ cho mùa xuân đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng lực lượng hai bên có thể bám trụ lâu dài trong vùng, và nguy cơ một cuộc chiến tranh biên giới trên quy mô lớn như vào năm 1962 không thể loại trừ.

Trả lời trang tin Vox, ông Sumit Ganguly, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại đại học Bloomington ở Indiana, lo ngại : "Một sĩ quan chỉ huy quá nhiệt tình ở phía Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể ban hành một lệnh hung hăng, kéo theo một hành động đáp trả và dẫn đến một vòng xoáy bạo lực khủng khiếp". Đối với đa số các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng Ấn-Trung hiện nay không đơn thuần là hệ quả của tranh chấp biên giới đã kéo dài hàng thập kỷ, mà còn bắt nguồn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc hạt nhân Châu Á.

Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời của chủ tịch Tập Cận Bình, thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để bắt nạt các nước láng giềng và đòi thêm lãnh thổ, kể cả những vùng đồi núi dọc theo biên giới với Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ đã và đang xây dựng những con đường và phi đạo dọc theo biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực có giá trị chiến lược này. Các hành động của New Delhi đã khiến Bắc Kinh hết sức bất bình.

Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại trung tâm tham vấn Wilson Center ở Washington (Hoa Kỳ), chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xẩy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là "một điều bình thường mới" trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.

Về tình hình căng thẳng đang diễn ra, chuyên gia Adam Ni, một giám đốc điều hành tại Trung Tâm Về Chính Sách Trung Quốc tại Úc cho rằng : "Cả hai phía đều nghĩ rằng bên kia là kẻ xâm lược". Riêng ông Ashok K. Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, trả lời báo Anh The Guardian ngày 27/05, đã cho rằng cuộc đối đầu đang diễn ra không chỉ mang tính chất giới hạn ở địa phương. Theo ông : "Lần này, Trung Quốc có hành vi hung hăng hơn, huy động một số lượng quân đội khá lớn, điều ít thấy tại vùng biên giới này".

Đối với cựu đại sứ Ấn Độ, hành động của Trung Quốc có thể là một "thông điệp có ý nghĩa bao quát hơn vấn đề yêu sách lãnh thổ, nhằm cảnh cáo Ấn Độ rằng nên quan tâm hơn đến lợi ích của Trung Quốc trên những vấn đề địa chính trị nhạy cảm".

Cho dù tình hình căng thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu với dịch Covid-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.

Trọng Nghĩa

*********************

Căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc tại biên giới (RFI, 28/05/2020)

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ngày 28/05/2020 vẫn tiếp tục đối đầu với nhau tại khu vực Ladakh ở biên giới đang tranh chấp giữa hai bên trên cao nguyên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Cách nay ba tuần, lính Trung Quốc đã vượt qua đường ranh giới và chạm trán với lực lượng Ấn Độ trấn giữ khu vực. Từ đó đến nay, hai bên đã gởi quân tăng viện đến vùng Ladakh.

antrung2

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới giáp hai nước. Ảnh minh họa

Giới phân tích gắn liền hành vi của Trung Quốc tại vùng biên giới với Ấn Độ với động thái lấn lướt tương tự nhắm vào Hồng Kông và Đài Loan, nhằm chứng minh quyền kiểm soát của Bắc Kinh không hề suy yếu sau cuộc khủng hoảng virus corona.

Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường trình :

Vào ngày 05/05, khoảng 250 binh sĩ Trung Quốc được cho là đã xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ, tiến vào khu vực tranh chấp Ladakh, gây ra một cuộc xô xát bằng gậy gộc, làm cho 100 binh sĩ bị thương. Bốn hôm sau, một cuộc tấn công tương tự đã diễn ra ở vùng giáp giới bang Sikkim, xa hơn về phía đông.

Bắc Kinh dường như muốn dằn mặt New Delhi, vốn đã cho xây dựng những tuyến đường và phi đạo mới ở vùng Ladakh để triển khai quân đội. Tuy nhiên, theo chuyên gia Harsh Pant, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm tham vấn độc lập Observer Research Foundation ORF, New Delhi, hành vi gây hấn mới này của Trung Quốc đồng thời là một thông điệp cảnh cáo chính trị nhắm vào Ấn Độ.

PUBLICITÉ

Theo chuyên gia Harsh Pant, "Ấn Độ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng virus corona, đã ủng hộ yêu cầu điều tra về nguồn gốc của virus và nhất là hai nghị sĩ Ấn Độ đã dự lễ tuyên thệ nhậm chức của nữ tổng thống Đài Loan, điều chưa từng thấy từ trước đến nay".

Chuyên gia Ấn Độ cho rằng thái độ mới của New Delhi bắt nguồn từ nhận định là cho đến nay, Trung Quốc không hề đếm xỉa đến thái độ nhạy cảm của Ấn Độ trên vấn đề Pakistan, vậy tại sao Ấn Độ lại không làm như vậy với Đài Loan ? Do đó, theo ông Harsh Pant, "Đài Loan có thể trở thành một công cụ mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ". 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp khó khăn kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19, dường như đang tìm cách chứng tỏ ông vẫn giữ quyền kiểm soát trên các vùng biên giới đang tranh chấp đúng vào lúc Quốc hội Trung Quốc đang họp.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á