Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/05/2020

Tập Cận Bình muốn gì ở biên giới với Ấn Trung : giành thêm đất ?

RFI tiếng Việt

Cuộc đối đầu nguy hiểm tại vùng biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc (RFI, 29/05/2020)

Ngày 27/05/2020, Ấn Độ đã phái thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc. Đây là phản ứng mới nhất của New Delhi sau khi Bắc Kinh cũng cho triển khai một số quân tương tự bên phần đất Trung Quốc.

antrung0

Các vùng tranh chấp tại biên giới Ấn - Trung AFP

Hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang bị lôi cuốn vào một cuộc đọ sức căng thẳng ở vùng biên giới trên bộ, nơi bị cả hai bên tranh chấp, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự bùng lên trở lại giữa hai bên.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn - Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.

Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa viện quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.

Vào năm 2014 chẳng hạn, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía tây dãy Hymalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, khi công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Hy Mã Lạp Sơn mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.

Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/05, hiện nay chưa rõ là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng đến từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo việc lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm này, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.

Ai đúng, ai sai chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là đã có khoảng 100 lính ở cả hai phía bị thương trong hai vụ xô xát ngày 5 và 9 tháng Năm. Không có ai thiệt mạng, không có một tiếng súng nào, tuy nhiên các sự cố nói triên đã thúc đẩy hai bên leo thang tranh chấp và cấp tốc phái lực lượng tăng viện đến khu vực.

Vào thời điểm hiện nay, hàng ngàn binh sĩ đang cắm trại ở hai bên thung lũng Galwan, một vùng lãnh thổ tranh chấp trên cao nguyên Ladakh. Quân đội hai nước đã đào những công sự phòng thủ mới, thiết bị quân sự và vũ khí đã được vận chuyển thêm đến các tiền đồn ở cả hai bên biên giới. Tình trạng tăng cường võ trang vào lúc mùa đông giá lạnh bắt đầu nhường chỗ cho mùa xuân đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng lực lượng hai bên có thể bám trụ lâu dài trong vùng, và nguy cơ một cuộc chiến tranh biên giới trên quy mô lớn như vào năm 1962 không thể loại trừ.

Trả lời trang tin Vox, ông Sumit Ganguly, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại đại học Bloomington ở Indiana, lo ngại : "Một sĩ quan chỉ huy quá nhiệt tình ở phía Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể ban hành một lệnh hung hăng, kéo theo một hành động đáp trả và dẫn đến một vòng xoáy bạo lực khủng khiếp". Đối với đa số các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng Ấn-Trung hiện nay không đơn thuần là hệ quả của tranh chấp biên giới đã kéo dài hàng thập kỷ, mà còn bắt nguồn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc hạt nhân Châu Á.

Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời của chủ tịch Tập Cận Bình, thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để bắt nạt các nước láng giềng và đòi thêm lãnh thổ, kể cả những vùng đồi núi dọc theo biên giới với Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ đã và đang xây dựng những con đường và phi đạo dọc theo biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực có giá trị chiến lược này. Các hành động của New Delhi đã khiến Bắc Kinh hết sức bất bình.

Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại trung tâm tham vấn Wilson Center ở Washington (Hoa Kỳ), chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xẩy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là "một điều bình thường mới" trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.

Về tình hình căng thẳng đang diễn ra, chuyên gia Adam Ni, một giám đốc điều hành tại Trung Tâm Về Chính Sách Trung Quốc tại Úc cho rằng : "Cả hai phía đều nghĩ rằng bên kia là kẻ xâm lược". Riêng ông Ashok K. Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, trả lời báo Anh The Guardian ngày 27/05, đã cho rằng cuộc đối đầu đang diễn ra không chỉ mang tính chất giới hạn ở địa phương. Theo ông : "Lần này, Trung Quốc có hành vi hung hăng hơn, huy động một số lượng quân đội khá lớn, điều ít thấy tại vùng biên giới này".

Đối với cựu đại sứ Ấn Độ, hành động của Trung Quốc có thể là một "thông điệp có ý nghĩa bao quát hơn vấn đề yêu sách lãnh thổ, nhằm cảnh cáo Ấn Độ rằng nên quan tâm hơn đến lợi ích của Trung Quốc trên những vấn đề địa chính trị nhạy cảm".

Cho dù tình hình căng thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu với dịch Covid-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.

Trọng Nghĩa

*********************

Căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc tại biên giới (RFI, 28/05/2020)

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ngày 28/05/2020 vẫn tiếp tục đối đầu với nhau tại khu vực Ladakh ở biên giới đang tranh chấp giữa hai bên trên cao nguyên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Cách nay ba tuần, lính Trung Quốc đã vượt qua đường ranh giới và chạm trán với lực lượng Ấn Độ trấn giữ khu vực. Từ đó đến nay, hai bên đã gởi quân tăng viện đến vùng Ladakh.

antrung2

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới giáp hai nước. Ảnh minh họa

Giới phân tích gắn liền hành vi của Trung Quốc tại vùng biên giới với Ấn Độ với động thái lấn lướt tương tự nhắm vào Hồng Kông và Đài Loan, nhằm chứng minh quyền kiểm soát của Bắc Kinh không hề suy yếu sau cuộc khủng hoảng virus corona.

Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường trình :

Vào ngày 05/05, khoảng 250 binh sĩ Trung Quốc được cho là đã xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ, tiến vào khu vực tranh chấp Ladakh, gây ra một cuộc xô xát bằng gậy gộc, làm cho 100 binh sĩ bị thương. Bốn hôm sau, một cuộc tấn công tương tự đã diễn ra ở vùng giáp giới bang Sikkim, xa hơn về phía đông.

Bắc Kinh dường như muốn dằn mặt New Delhi, vốn đã cho xây dựng những tuyến đường và phi đạo mới ở vùng Ladakh để triển khai quân đội. Tuy nhiên, theo chuyên gia Harsh Pant, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm tham vấn độc lập Observer Research Foundation ORF, New Delhi, hành vi gây hấn mới này của Trung Quốc đồng thời là một thông điệp cảnh cáo chính trị nhắm vào Ấn Độ.

PUBLICITÉ

Theo chuyên gia Harsh Pant, "Ấn Độ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng virus corona, đã ủng hộ yêu cầu điều tra về nguồn gốc của virus và nhất là hai nghị sĩ Ấn Độ đã dự lễ tuyên thệ nhậm chức của nữ tổng thống Đài Loan, điều chưa từng thấy từ trước đến nay".

Chuyên gia Ấn Độ cho rằng thái độ mới của New Delhi bắt nguồn từ nhận định là cho đến nay, Trung Quốc không hề đếm xỉa đến thái độ nhạy cảm của Ấn Độ trên vấn đề Pakistan, vậy tại sao Ấn Độ lại không làm như vậy với Đài Loan ? Do đó, theo ông Harsh Pant, "Đài Loan có thể trở thành một công cụ mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ". 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp khó khăn kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19, dường như đang tìm cách chứng tỏ ông vẫn giữ quyền kiểm soát trên các vùng biên giới đang tranh chấp đúng vào lúc Quốc hội Trung Quốc đang họp.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt, Trọng Nghĩa
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)