Biển Đông : Tầu chiến Mỹ lại tuần tra Hoàng Sa, thách thức yêu sách của Trung Quốc (RFI, 29/05/2020)
Ngày 28/05/2020, một khu trục hạm của Hải Quân Mỹ lại tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng, Hải Quân Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ USS Mustin (trái) và chiến hạm Nhật Bản JS Kirisam trong một lần thao dượt chung tại Biển Đông ngày 21/04/2015. U.S. Navy/Handout via Reuters
Trong một thông cáo, trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải Quân Mỹ, cho biết : "Ngày 28/05 (giờ địa phương), tầu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành chiến dịch trên, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng vùng biển này không nằm trong đòi hỏi chủ quyền vùng biển quốc gia của Trung Quốc".
Theo một quan chức Hải Quân Mỹ, được trang CNN trích dẫn, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin lớp Arleigh Burke đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Phú Lâm (Woody Island) và đá Tháp (Pyramid Rock) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phía Trung Quốc cho biết đã điều tầu đến nhận dạng, theo dõi và cảnh báo tầu USS Mustin. Trong một thông cáo được trang China Daily trích dẫn, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc lên án "Quân đội Mỹ là nguồn gốc của những rắc rối và hỗn loạn ở Biển Đông".
Philippines, Việt Nam muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và bắt chẹt các nước trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Tuy nhiên, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp với Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực vẫn là ưu tiên của Việt Nam và Philippines, theo nội dung cuộc điện đàm tối 26/05 giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Sau Việt Nam và Malaysia, đến lượt Indonesia phản đối "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông trong một công hàm gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres ngày 26/05. Theo công hàm mà trang Wion (28/05) tra cứu được, "Indonesia tái khẳng định bản đồ "đường 9 đoạn" hàm ý đòi hỏi chủ quyền lịch sử, không có cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc đảo lộn UNCLOS 1982".
Thu Hằng
****************
Tàu khu trục USS Mustin tiến gần quần đảo Hoàng Sa (RFA, 28/05/2020)
Hôm 28/5, Hải quân Hoa Kỳ đã điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa hành trình, thuộc lớp Arleigh Burke tiến gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Mỹ loan tin vừa nói cùng ngày.
Tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa hành trình, thuộc lớp Arleigh Burke (phải) trong một lần diễn tập trước đây. (Ảnh minh họa) - AFP
Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết cụ thể vào ngày 28/5, tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp.
Trong khi đó theo South China Morning Post dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này rằng Hải quân Trung Quốc hôm 28/5 đã đuổi tàu USS Mustin của Mỹ khi tàu này xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa ở Trung Hoa Nam Hải, theo cách gọi của Trung Quốc. Tức Hoàng Sa ở Biển Đông.
Cách đây đúng một tháng vào ngày 28 tháng tư ,chiến hạm USS Barry của Hoa Kỳ cũng có chuyến đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải- FONOP.
Hiện Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Hải quân Hoa Kỳ đã nhiều lần điều tàu chiến tiến gần các khu vực tranh chấp, trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
***************
Tàu chiến Mỹ lại thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 28/05/2020)
Hải quân Hoa Kỳ lại một lần nữa thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, với việc điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa có điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Năm 28/5.
Tàu USS Mustin của Mỹ đi qua Biển Đông hồi năm 2015
Hải quân Hoa Kỳ đã hai lần điều tàu chiến đi như vậy trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng trước, và cũng thực hiện một cuộc hành quân như vậy gần Hoàng Sa hồi tháng 3.
Sự gia tăng nhịp độ các hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt các vấn đề, bao gồm các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát Hong Kong và trách nhiệm của họ đối với dịch virus corona.
"Vào ngày 28/5 (giờ địa phương), tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền đi lại và tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.
"Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp", tuyên bố của phía Mỹ nói thêm.
Trong khi đó, tin tức từ phía Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này nói rằng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc hôm 28/5 đã "đuổi" tàu USS Mustin của Mỹ khi con tàu "xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] ở Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông]".
Cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa.
Hoa Kỳ lâu nay vẫn nói rằng Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo trên Biển Đông với việc triển khai các thiết bị quân sự và xây dựng các cơ sở quân sự.
Quân đội Hoa Kỳ gần đây cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi đại dịch virus corona để giành lợi thế quân sự và kinh tế trong khu vực.
(CNN, Thời báo Hoàn cầu)