Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/07/2020

Căng thẳng biên giới Ấn-Trung, Hoa Kỳ đứng về phía Ấn Độ

RFI tổng hợp

Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc "xâm lược" Ấn Độ (RFI, 09/07/2020)

Vụ đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh, khiến 20 người chết bên phía Ấn Độ, là "hành vi xâm lược" của Trung Quốc, theo nhận định của ngoại trưởng Mỹ trong buổi họp báo ngày 08/07/2020. Ngoài ra, ông Pompeo còn lên án "cách hành động hung hăng không thể tin nổi" của Trung Quốc.

antrung1

Ngoại trưởng Mike Pompeo họp báo tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington, Hoa Kỳ, ngày 08/07/2020. Reuters - Tom Brenner

Theo AFP, vấn đề căng thẳng biên giới ở khu vực Ladakh đã được ông Pompeo đề cập nhiều lần với đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Trong lần đụng độ vừa qua, ngoại trưởng Mỹ cho rằng "Ấn Độ đã đáp trả một cách tốt nhất".

Không chỉ hung hăng với Ấn Độ, Bắc Kinh còn có chính sách "hăm dọa" Butan nhỏ bé khi phản đối việc quốc gia nhỏ bé này vay một khoản tín dụng quốc tế để lập khu bảo tồn thiên nhiên ở phía đông Butan, nằm trên dãy Himalaya.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng "thế giới không thể cho phép những hành vi hăm dọa như vậy… từ dãy Himalaya đến vùng biển của Việt Nam hoặc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như những nơi khác".

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung trên mọi lĩnh vực, Bắc Kinh kêu gọi cải thiện quan hệ ngoại giao với Washington, vì chính sách của Mỹ hiện nay dựa trên "những đánh giá sai lầm chiến lược thiếu cơ sở thực tế". Thông điệp được đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 09/07 và được Reuters trích dẫn, còn đề nghị hai bên "cùng khai thác những cách chung sống hòa bình".

Thu Hằng

**********************

Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc : Nói dễ, làm khó (RFI, 07/07/2020)

Dùng đòn kinh tế để trả đũa Bắc Kinh sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung là một bàn thua được báo trước đối với chính quyền New Delhi. Trên đây là nhận định của nhà báo Patrick de Jacquelot, nguyên là phóng viên của báo kinh tế Les Echos tại Ấn Độ về chiến dịch vận động quần chúng "tuyên chiến" với hàng Made in China.

antrung2

Ấn Độ và Trung Quốc : tranh chấp lãnh thổ không ngăn cản đôi bên hợp tác về kinh tế. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Chỉ vài giờ sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung trong vùng thung lũng Ladakh trên dãy Himalaya, đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các công ty và hàng Trung Quốc. Rồi lời nói đi đôi với hành động : Hình ảnh một cư dân tại bang Gujarat liệng màn hình tivi Made in China qua cửa sổ đã được truyền thông Ấn Độ loan tải ra khắp thế giới. Tại thủ đô New Delhi, một quan chức địa phương trên mạng xã hội Whatsapp "tuyên chiến" với những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Một viên tướng về hưu xem việc tẩy chay hàng Trung Quốc là hình thức cụ thể nhất để "tấn công vào cột sống" của nước láng giềng muốn xâm lấn lãnh thổ của Ấn Độ.

Cố gắng trả đũa để giữ thể diện quốc gia ?

Về mặt chính thức, hai tuần sau vụ đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya, New Delhi tìm nhiều cách để "trả đũa" Bắc Kinh. Biện pháp thứ nhất là ban hành lệnh cấm người dân Ấn Độ sử dụng 59 ứng dụng do các tập đoàn Trung Quốc cung cấp, trong lúc 65% điện thoại di động đang lưu hành tại quốc gia Nam Á này đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chỉ riêng ứng dụng chia sẻ video như TikTok cũng của Trung Quốc đang thu hút đến 120 triệu thanh niên Ấn Độ và đây cũng là thị trường lớn nhất của TikTok ngoài Hoa lục. 

Kế tới là việc tăng cường các hàng rào thuế quan nhắm vào 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Modi cũng đã "mạnh mẽ khuyến khích" cơ quan Nhà nước "giảm mức độ lệ thuộc" vào hàng Trung Quốc. Cổng mua bán trên mạng Government E-market của Nhà nước yêu cầu các nhà cung cấp ghi rõ xuất xứ những mặt hàng bán ra ở địa chỉ này.

Gần như cùng lúc, New Delhi tăng tốc thắt chặt luật đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là nhằm cản đường các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mở thêm địa bàn trên xứ sở của Bollywood. Cũng chính quyền của thủ tướng Narendra Modi kêu gọi các tập đoàn viễn thông Ấn Độ "tránh" mua trang thiết bị của Hoa Vi. Một phương tiện khác nữa cho phép Ấn Độ "thọc gậy bánh xe" nước láng giềng là kéo dài thủ tục hành chính ở hải quan mỗi khi hàng của Trung Quốc cập các cảng Ấn Độ trước khi được chuyển đi tiếp sang một quốc gia thứ ba.

Hiệu quả nào khi đang lệ thuộc vào giao thương với Trung Quốc về nhiều mặt ?

Câu hỏi đặt ra liệu Ấn Độ có đủ sức dùng đòn kinh tế trả đũa Trung Quốc vụ giao tranh đẫm máu, cướp đi sinh mạng 20 quân nhân Ấn Độ ở đường biên giới chung giữa hai nước hay không ?

RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà báo độc lập Patrick de Jacquelot của báo Asialyst. Ông từng là thông tín viên thường trực của nhật báo kinh tế Les Echos tại New Delhi trong nhiều năm.

"Trao đổi mậu dịch Ấn-Trung cho đến năm 2019 là như sau : Ấn Độ xuất khẩu 16,3 tỷ đô la sang Trung Quốc và mua vào 65,3 tỷ hàng Trung Quốc. Như vậy Ấn Độ bị thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc gần 50 tỷ đô la và đó là một số tiền rất lớn. Nhìn qua, có vẻ như việc tẩy chay hàng Trung Quốc có hại cho phía Bắc Kinh. Sự thật hoàn toàn ngược lại bởi vì 14 % hàng của Ấn Độ làm ra để bán cho Trung Quốc. Trong chiều ngược lại thì Ấn Độ chỉ chiếm có từ 1 đến 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Thành thử Ấn Độ có tẩy chay hàng Trung Quốc đi chăng nữa, cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc không hề hấn gì bởi thị trường Ấn Độ không chiếm một vị trí quá lớn trong số những khách hàng của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, nếu Trung Quốc ngưng mua hàng của Ấn thì các công ty Ấn Độ sẽ rất kẹt".

Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhì của Ấn Độ chỉ sau có Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc là hai mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng của toàn cầu. Về thương mại, hai nước đông dân nhất địa cầu này rất cần lẫn nhau vậy về mặt cơ cấu đôi bên trao đổi với nhau những gì ? Patrick de Jacquelot đi sâu thêm vào chi tiết.

"Có thể nói Ấn Độ chủ yếu bán nguyên liệu cho Trung Quốc và mua vào những mặt hàng có giá trị gia tăng. Thí dụ như bán sắt cho Trung Quốc nhưng mua vào thép, mua vào đồ điện và máy móc, vi tính… mà Trung Quốc làm ra. Những mặt hàng đó tối cần thiết cho đời sống hàng ngày của mỗi người dân Ấn Độ. Nhìn đến công nghệ cao, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ. 80 % trang thiết bị năng lượng mặt trời của Ấn Độ được mua từ Trung Quốc ; 40 % trang thiết bị điện tử của Ấn Độ được nhập từ Trung Quốc và ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ lệ thuộc đến 25 % vào phụ tùng của Trung Quốc. Nói cách khác, cho dù là một ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng nếu không có Trung Quốc thì sẽ không có xe hơi Ấn Độ".

Thỏa mãn niềm tự hào dân tộc

Theo quan điểm của nhà báo Jacquelot, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ nhằm mục đích xoa dịu công luận Ấn Độ phẫn nộ vì cái chết của 20 người lính ở biên giới Ấn - Trung. Ông giải thích tiếp :

"Chẳng vậy mà từ khi New Delhi kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, chỉ trong vỏn vẹn khoảng một chục ngày, chính phủ đã hai lần nới lỏng biện pháp trả đũa Bắc Kinh gây hấn ở biên giới Ấn Trung. Hôm 30 tháng 6 chính quyền Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp cấm vận nhắm vào các sản phẩm cần thiết nhất trong ngành dược phẩm. Tuy rằng đây là một công nghệ xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ nhưng các hãng dược phẩm Ấn lại lệ thuộc đến 60 % vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Cùng một ngày New Delhi cũng đã rút lại biện pháp đòi trừng phạt các tập đoàn nước ngoài hiện diện tại Ấn Độ làm ăn với Trung Quốc. Các tên tuổi như Samsung, Honda hay Toyota bị đưa vào danh sách này nhưng trừng phạt các tập đoàn nói trên thì chính nền công nghiệp của Ấn Độ bị thiệt hại trước hết".

Từ công nghệ cao cho đến dược phẩm và ngay cả những mặt hàng điện tử thông dụng nhất, hay đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đều cần Trung Quốc. Nhà báo Patrick de Jacquelot nhấn mạnh kinh tế không là yếu tố gây căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh. Xung đột giữa hai ông khổng lồ Châu Á này nằm ở vế ngoại giao và tranh chấp lãnh thổ :

"Vấn đề cốt lõi không nằm trong địa hạt kinh tế, mà xung đột Ấn - Trung thuộc về phạm trù ngoại giao và nhất là tranh chấp biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc hoàn toàn không có tranh chấp về kinh tế hay thương mại. Nếu như trong những ngày sắp tới New Delhi và Bắc Kinh thu xếp được với nhau để làm dịu tình hình, thì sẽ không còn mấy ai chú ý tới kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc nữa. Ngược lại, nếu tình hình xấu đi thêm Ấn Độ bắt buộc phải cứng giọng hơn nữa. Nhưng như tôi vừa trình bày, khả năng hành động của New Delhi về mặt này rất hạn hẹp. Về kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc đang cần lẫn nhau. Ấn Độ cần hàng của Trung Quốc. Còn với Bắc Kinh, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng không thể bỏ qua".

Tranh chấp lãnh thổ và lợi ích kinh tế 

Đây là lần đầu tiên từ năm 1975 máu lại đổ vì xung đột ở đường biên giới. Nhưng căng thẳng Ấn - Trung thì từ hơn 50 năm qua vẫn âm ỉ. Tình hình đã căng lên trở lại từ đầu tháng 5/2020 và đỉnh điểm là đêm 15 rạng sáng 16/06/2020 khi hàng trăm binh lính đôi bên lao vào một trận giáp lá cà. Chuyên gia quân sự Abhijit Iyer Mitra thuộc Viện Nghiên cứu về Hòa bình và các cuộc xung đột (IPCS) của Ấn Độ lưu ý tình hình tại biên giới Ấn - Trung nóng lên đúng vào lúc New Delhi vừa cấp giấy phép cho một tập đoàn Úc khoan ba đường hầm lớn trong khu vực thung lũng Ladakh, đồng thời chính quyền cũng đã bật đèn xanh cho các dự án xây dựng hơn 60 trục lộ dài tổng cộng hơn 3.300 cây số dọc theo đường biên giới Ấn - Trung. Tất cả các dự án đó cho phép Ấn Độ mở rộng cơ sở hạ tầng tại một vùng lãnh thổ mang tính chiến lược này đối với Bắc Kinh.

Đành rằng Ấn Độ và Trung Quốc không có hiềm khích về kinh tế hay thương mại, nhưng dự án của New Delhi phát triển vùng thung lũng Ladakh tại một địa điểm nhậy cảm trên dãy Himalaya phần nào châm ngòi cho xung đột đẫm máu hôm 15/06/2020. Vấn đề còn lại là đôi bên liệu sẽ có dừng lại đúng lúc trước khi bước qua lằn ranh đỏ của một sự can thiệp quân sự hay không ?

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)