Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/07/2020

Điểm báo Pháp - "Vạn Lý Trường Thành công nghệ số" Hồng Kông

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh xây "Vạn Lý Trường Thành công nghệ số" ở Hồng Kông ?

Về thời sự nước Pháp, Le Monde đặc biệt chú ý đến cải tổ nội các qua hàng loạt bài viết, nhưng nhìn ra quốc tế, chín ngày sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới đối với Hồng Kông, đây vẫn là đề tài được báo Le Monde quan tâm, với 4 bài viết.

vanly1

Cờ Trung Quốc-Hồng Kông được người biểu tình thân Bắc Kinh trương lên nhân ngày Hoa Lục thông qua ban hành luật an ninh với đặc khu hành chính ngày 30/06/2020. Reuters - Tyrone Siu

Trong bài "Hồng Kông dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền Bắc Kinh", thông tín viên Florence de Changy cho biết từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới đối với Hồng Kông, mọi việc diễn ra rất nhanh chóng. Sáng sớm thứ Tư 08/07, "văn phòng an ninh" của Bắc Kinh được khai trương, với trụ sở đặt tại trung tâm khu Causeway Bay, khu phố thương mại sầm uất của đặc khu, "trái tim biểu tượng" của phong trào phản kháng của người dân Hồng Kông chống chính quyền Bắc Kinh.

Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) được chỉ định là trưởng văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Ông Trịnh nổi tiếng là người cứng rắn và giữ chức vụ cao trong bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc, nói thạo tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ được dùng ở Hồng Kông. Quyền hành của các nhân viên văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia gần như là vô hạn, bởi họ không bị chính quyền đặc khu hành chính kiểm soát.

Trong khi đó, thông tín viên Simon Leplâtre từ Thượng Hải cho biết Google, Facebook, Twitter đã tạm ngưng hợp tác với nhà chức trách Hồng Kông và có thể sẽ bị buộc phải rời khỏi thành phố vì đã từ chối cung cấp các thông tin cá nhân người dùng cho chính quyền đặc khu theo quy định của luật an ninh quốc gia mới. Khác với dân Hoa lục, người dân Hồng Kông cho đến nay vẫn được tự do tiếp cận các trang web, mạng xã hội, ứng dụng toàn cầu như Google, Facebook, Whatsapp, Twitter, Tiktok, Telegram… Nhưng với luật an ninh mới, "Vạn Lý Trường Thành công nghệ số", bộ máy kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh để chặn các trang web của phương Tây, có thể sắp lan đến cả Hồng Kông.

Trước khi nội dung luật an ninh quốc gia mới được công bố, nhiều người dân Hồng Kông đã đề cao cảnh giác, xóa hết các thông tin nhạy cảm khỏi tài khoản trên các mạng xã hội. Nhà nghiên cứu Séverine Arsène, chuyên gia về chính phủ điện tử của Trung Quốc, nhận định là không dễ để xác định ranh giới giữa việc ủng hộ độc lập và kích động, hay thù nghịch chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông. Một trong những hệ quả của sự không chắc chắn này là hành động trấn áp của chính quyền.

Đối với các doanh nghiệp, cũng có nhiều điều không chắc chắn. Theo cách chính quyền Hồng Kông diễn giải luật hôm 06/07, nếu cảnh sát nghi ngờ "một tin nhắn điện tử" là mối đe dọa đối với "an ninh quốc gia", thì nhà chức trách có thể yêu cầu trang mạng, nhà xuất bản hoặc nhà cung cấp mạng xóa hoặc hạn chế quyền truy cập nội dung, nếu không tuân thủ thì những người chịu trách nhiệm sẽ chịu án tù.

Cho đến nay, các trang mạng vẫn đánh giá tính hợp pháp của các yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc. Theo báo cáo của Facebook, trong nửa cuối năm 2019, mạng xã hội này đã nhận được 241 yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông, nhưng chỉ hợp tác trong 46% số trường hợp. Về phần mình, Google đã từ chối một số yêu cầu từ chính quyền Hồng Kông trong các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ năm 2019. Các yêu cầu thông tin của cảnh sát Hồng Kông đã tăng gấp đôi trong nửa cuối năm 2019, sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Vấn đề là, theo Elliott Zaagman, một chuyên gia công nghệ tại Trung Quốc và người dẫn chương trình "Nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc", nếu Facebook, Google hoặc một số công ty lớn khác của Mỹ tuân thủ luật này, thì họ có thể gặp vấn đề với chính phủ nhiều nước, nhất là Mỹ, nhưng nếu các tập đoàn này từ chối hợp tác với Bắc Kinh, họ có nguy cơ bị chặn ở Hồng Kông. Ông Zaagman không loại trừ khả năng vì những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ là quá lớn, các tập đoàn công nghệ Tây phương sẽ không thể vào thị trường Hoa lục, mà thị trường Hồng Kông cũng nhỏ, nên các công ty này sẽ rút lui hỏi Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh như vậy sẽ dần dần thiết lập "bức tường công nghệ số" ở đặc khu.

Hiện giờ vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Hồng Kông muốn có được các công cụ kiểm duyệt tương đương ở đại lục. Kiểm duyệt các trang mạng lớn của phương Tây sẽ có tác động lớn đến danh tiếng của Hồng Kông với vị thế là trung tâm tài chính mở ra thế giới, nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng hy sinh về kinh tế, với cái cớ là để bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Phản ứng yếu ớt của Châu Âu

Trong bài xã luận "Liên Hiệp Châu Âu và thách thức từ Hồng Kông", Le Monde chỉ trích phản ứng yếu ớt của Liên Âu. Thay vì có biện pháp cứng rắn, Châu Âu chỉ có những phát ngôn mang tính ngoại giao thể hiện mối quan ngại. Đối với Le Monde, điều này cho thấy Liên Âu đang lúng túng, không thoải mái khi phải phản ứng trước "cú ra đòn" của Bắc Kinh. Lý do là Liên Âu đã dính bẫy kinh tế của Trung Quốc. Một số nước thành viên Liên Âu trong những năm qua đã nhượng bộ Bắc Kinh và chấp nhận quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc.

Theo Le Monde, cho dù 27 nước Liên Âu biết có những điều chưa sẵn sàng làm, nhưng họ phải chia sẻ với nhau về những điều họ thực sự muốn làm. Ít nhất Châu Âu cũng có thể đề nghị tiếp đón những người Hồng Kông muốn chạy trốn chế độ độc tài Bắc Kinh. Nếu muốn trở thành một tác nhân toàn cầu và được tôn trọng, Liên Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc lên tiếng chống lại Trung Quốc và thống nhất về hàng loạt biện pháp chung và đáng tin cậy.

Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh trước Trung Quốc

Về quan hệ Trung - Mỹ, báo Le Figaro có bài đáng chú ý "Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh trước Trung Quốc". Washington muốn ngăn chặn ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Lần đầu tiên từ nhiều năm trở lại đây, hôm thứ Bảy 04/07, Mỹ điều động đồng thời hai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald-Reagan và USS Nimitz đến vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đến 90%, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.

Còn tàu sân bay USS Theodore-Roosevelt, mặc dù nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị nhiễm virus corona hồi tháng Ba và tàu phải neo đậu trong một thời gian, cũng đã quay trở lại vùng biển tây Thái Bình Dương, thách thức sự vươn lên của Trung Quốc trong khu vực. Le Figaro trích dẫn Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết những cuộc diễn tập này là một thông điệp của Washington nhắm đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trấn an các nước khác trong vùng và tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh trong khu vực.

Trong thời gian qua, để khẳng định ưu thế của mình ở Biển Đông, nhằm thực hiện chiến lược biến vùng biển từ Đài Loan đến Philippines thành "ao nhà của Trung Quốc", Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động của hải quân, với những cuộc thao dợt quy mô lớn. Các cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc đã bị Lầu Năm Góc chỉ trích là đe dọa "sự ổn định" của khu vực.

Le Figaro trích dẫn nhận định của một đô đốc hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, đăng trên Nhân dân nhật báo, theo đó rất hiếm khi các cuộc diễn tập của Mỹ diễn ra cùng lúc với các cuộc thao dợt của Trung Quốc. Sự hiện diện của hai hàng không mẫu hạm Mỹ cho thấy Washington coi Biển Đông là nơi có mối đe dọa cấp trung bình, nghĩa là một cuộc chiến tranh cục bộ có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Các chiến lược gia của Mỹ hiện giờ lo ngại về khả năng Trung Quốc gia tăng bành trướng quanh quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh hậu Covid căng thẳng.

Le Figaro kết luận hoạt động phô trương sức mạnh của Mỹ cũng nhằm trấn an Đài Loan, bởi quân đội Trung Quốc đang tăng cường diễn tập trên không và trên biển ngoài khơi Đài Loan, sau khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống Đài Loan. Đông Sa, do Đài Loan kiểm soát, sẽ là mục tiêu của một cuộc tập trận của Trung Quốc vào mùa hè này, mô phỏng một cuộc xâm nhập, có thể là với xe tăng lội nước.

Kế hoạch của Châu Âu để phát triển năng lượng từ hydrogène (H2)

Trong lĩnh vực năng lượng, báo Les Echos cho biết Ủy Ban Châu Âu ngày 08/07 đã giới thiệu kế hoạch phát triển nguồn năng lượng đầy hứa hẹn từ Hydrogène. Thông điệp Bruxelles gửi đến các nhà công nghiệp : để đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050, Châu Âu sẽ buộc phải đầu tư ồ ạt vào sản xuất năng lượng từ hydrogène : không chỉ có khả năng lưu trữ điện, việc sử dụng hydrogène không phát thải ra khí CO2.

Hiện nay năng lượng từ hydrogène chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản lượng điện của Châu Âu, nhưng Bruxelles đã đặt chỉ tiêu đến năm 2050 điện Hydrogène sẽ chiếm 12-14% tổng sản lượng điện. Để đạt mục tiêu này, Ủy Ban Châu Âu ước tính số tiền đầu tư sẽ là 180-470 tỉ euro vào năm 2050.

Cũng trong ngày hôm qua, một "liên minh hydrogène" đã được thành lập, với sự tham gia phối hợp của các nhà công nghiệp, 14 quốc gia thành viên Liên Âu và đại diện của xã hội dân sự. Theo ông Thierry Breton, ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường nội địa, điện hydrogène sẽ trở thành một ngành công nghiệp thực sự trong tương lai. Bruxelles sẽ phải sớm đề ra các quy định hỗ trợ tài chính công cho ngành này.

Pháp : Chủ tịch Hội đồng khoa học cảnh báo về nguy cơ làn sóng dịch thứ hai

Trở lại với đại dịch Covid-19, mặc dù tại Pháp, trong những ngày qua tình hình dịch bệnh có xu hướng dịu đi, số ca nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, ngày mai 10/07 nước Pháp sẽ ra khỏi tình trạng khẩn cấp về y tế, nhưng chủ tịch Hội đồng khoa học Jean-François Delfraissy, vẫn cảnh báo về nguy cơ làn sóng dịch thứ hai bùng nổ vào mùa thu, nhất là vào tháng 10 và 11. Mặc dù biện pháp phong tỏa trên diện rộng để chống dịch ít có khả năng xảy ra một lần nữa, thế nhưng chủ tịch Hội đồng khoa học khuyến cáo người dân nên thận trọng và chịu khó làm xét nghiệm tầm soát.

Ông Delfraissy lấy làm tiếc là hiện Pháp có khả năng làm 700.000 xét nghiệm tầm soát mỗi tuần nhưng số xét nghiệm trên thực tế chỉ đạt 400.000. Lý do là những người có những biểu hiện nhiễm bệnh nhẹ ít đi xét nghiệm. Chủ tịch Hội đồng khoa học cho rằng các điểm xét nghiệm tầm soát phải được triển khai rộng rãi trên đường phố, để người dân dễ được tiếp cận hơn. Nhà nước cũng phải xây dựng chiến lược phát triển xét nghiệm tầm soát, chẳng hạn ở những nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm, những khu vực người dân ít tiếp cận với các cơ sở y tế, những người trong hoàn cảnh khó khăn …

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 552 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)