Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/07/2020

Hồng Kông những ngày đầu dưới sự khống chế của Bắc Kinh

RFI tổng hợp

Trung Quốc khai trương văn phòng an ninh quốc gia tại Hồng Kông (RFI, 08/07/2020)

Một tuần sau khi luật an ninh quốc gia về Hồng Kông có hiệu lực, hôm nay 08/07/2020 Trung Quốc tưng bừng khai trương văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu. Lần đầu tiên, các nhân viên tình báo Trung Quốc có thể chính thức hoạt động tại Hồng Kông.

hk1

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng các quan chức Trung Quốc khai trương văn phòng an ninh quốc gia tại Hồng Kông, ngày 08/07/2020. Reuters - Handout

Việc khai trương rầm rộ nhằm chứng tỏ quyền kiểm soát của Bắc Kinh ngày càng lớn rộng tại Hồng Kông. Địa điểm của văn phòng cũng rất ý nghĩa : đặt tại một khách sạn nhìn ra công viên Victoria, nơi tập hợp truyền thống từ nhiều năm qua để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.

Lá cờ Trung Quốc được treo bên ngoài, tấm bảng tên cơ quan an ninh được gắn lên với sự chứng kiến của chính quyền Hồng Kông và cảnh sát. Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố đây là "thời điểm lịch sử". Theo bà, cơ quan tình báo Trung Quốc sẽ là "đối tác quan trọng" để duy trì an ninh.

Cho đến trước khi ra luật này, chỉ cảnh sát và tư pháp Hồng Kông mới có toàn quyền hoạt động tại đặc khu. Tuy vai trò của văn phòng mới khai trương vẫn còn mơ hồ, nhưng việc Bắc Kinh bổ nhiệm Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) làm trưởng văn phòng là dấu hiệu răn đe.

Ông Trịnh là người cứng rắn, nổi tiếng về việc đàn áp vụ nổi dậy của dân làng Ô Khảm ở Quảng Đông, giáp với Hồng Kông. Hai người phó của ông là Lý Giang Chu (Li Jiangzhou), một sĩ quan an ninh và Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) một quan chức tình báo cao cấp Trung Quốc – theo South China Morning Post.

Trong lễ khai trương, Trịnh Nhạn Hùng khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan ở Hoa lục tại Hồng Kông hiện nay, nhất là quân đội Trung Quốc đang đóng tại đặc khu. Theo luật vừa ban hành, các nhân viên của "Văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia" không bị chi phối bởi luật pháp Hồng Kông.

Nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay cho rằng Hồng Kông đang trên đường trở thành một Tây Tạng mới. Trang Hong Kong Free Press cho biết hôm qua có 8 người biểu tình trong im lặng, mỗi người chỉ cầm một tờ giấy trắng nhưng cũng bị bắt !

Về phía Hoa Kỳ, sau khi bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông, một số cố vấn của tổng thống Donald Trump còn muốn chấm dứt việc đồng đô la Hồng Kông gắn với đô la Mỹ thông qua tỉ giá hối đoái liên kết như lâu nay. Tuy nhiên hãng tin Bloomberg cho biết ý kiến này gặp phải nhiều chống đối, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng của Mỹ và Hồng Kông. Một nguồn tin nói rằng biện pháp này nằm dưới cùng trong danh sách các khả năng trả đũa của Mỹ.

Tại Paris, trên Facebook đã xuất hiện lời kêu gọi xuống đường vào ngày thứ Bảy 11/07 tới, để ủng hộ người dân Hồng Kông trước sự đàn áp của Trung Quốc và việc Bắc Kinh không tôn trọng thỏa ước trao trả năm 1997. Các nhà tổ chức cổ vũ "tất cả những ‘Áo Vàng’ ở Pháp, người Hồng Kông lưu vong, người ủng hộ và những ai phản đối chính sách độc tài của Tập Cận Bình" biểu tình tại thủ đô nước Pháp. Cuộc biểu tình đã được Sở Cảnh sát Paris cho phép.

Thụy My

*******************

Mỹ trừng phạt quan chức Trung Quốc dính líu đến đàn áp Tây Tạng (RFI, 08/07/2020)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua 07/07/2020 tuyên bố giới hạn nhập cảnh đối với một số quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc, vì Bắc Kinh liên tục ngăn cấm các nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch Trung Quốc đến Tây Tạng.

hk2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại một cuộc họp báo ở Washington ngày 24/06/2020. Reuters - Pool New

Trong thông cáo, ngoại trưởng Mỹ coi các hành động ngăn cản là sự vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ quyền tự trị đúng mực của người Tây Tạng, và tôn trọng các quyền căn bản của họ.

Thông cáo viết, Hoa Kỳ tìm kiếm sự đối xử công bằng, minh bạch, nhưng Bắc Kinh cản trở một cách có hệ thống việc đi đến khu tự trị Tây Tạng. Việc tiếp cận này là quan trọng đối với sự ổn định khu vực, do Trung Quốc vi phạm các quyền của dân địa phương, để mặc môi trường là đầu nguồn các con sông bị suy thoái. Washington cũng khẳng định cần phải bảo tồn bản sắc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ của người Tây Tạng.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định "không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài vào Tây Tạng", và đòi hỏi Hoa Kỳ không nên tiếp tục có thái độ tương tự.

Đến nay đã có khoảng 150 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối ý đồ của Trung Quốc đồng hóa dân tộc mình.

Người Duy Ngô Nhĩ đòi điều tra về tội diệt chủng của Trung Quốc

Không chỉ có người Tây Tạng bị đàn áp. Hôm qua những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã đề nghị Tòa án Hình sự Quốc tế mở điều tra về về các tội ác của Trung Quốc, mà theo họ là tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Tập thể này đã chuyển giao cho tòa án ở La Haye các bằng chứng về việc Trung Quốc buộc triệt sản phụ nữ, tống giam 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo. Salih Hudayar, thủ tướng chính phủ Đông Thổ lưu vong tự xưng tuyên bố hôm qua là một ngày lịch sử đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Thụy My

********************

Hồng Kông : Cảnh sát có thêm thẩm quyền để khống chế tự do ngôn luận (RFI, 07/07/2020)

Một tuần sau khi ban hành Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, cho phép Bắc Kinh siết gọng kềm với các quyền tự do cơ bản, chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga công bố một văn kiện mới cũng liên quan đến an ninh quốc gia, tăng cường biện pháp kiểm duyệt internet và củng cố quyền lực của cảnh sát.

hk3

Cảnh sát Hồng Kông - Ảnh minh họa AFP

Từ Hồng Kông, thông tín viên Liu Zhi Fan tường thuật :

"Công bố hôm thứ Hai, văn kiện mới dày 116 trang quy định một cách rõ ràng những đặc quyền rộng lớn, được trao cho cảnh sát. Cảnh sát Hồng Kông có quyền khám xét mà không cần có lệnh của tòa án, nếu rằng an ninh quốc gia sắp bị tổn hại. Người ta cũng được biết là sẽ có thêm biện pháp tăng cường theo dõi internet. Chỉ huy trưởng cảnh sát Hồng Kông từ nay có quyền kiểm soát và xóa bỏ mọi thông tin trên mạng xã hội, nếu cảm thấy các tin này vi phạm Luật an ninh quốc gia ban hành hồi tuần trước. Ngoài ra, chính quyền đặc khu còn được quyền yêu cầu các công ty trong lĩnh vực internet tự xóa thông tin và nếu cần có thể tịch thu thiết bị của họ.

Trong bối cảnh này, nhân danh tôn trọng quyền tự do phát biểu ý kiến, các đại tập đoàn công nghệ thông tin Mỹ như Facebook, Twitter và Google, xác định là sẽ không tuân thủ yêu cầu của chính quyền Hồng Kông cung cấp dữ kiện liên quan đến lai lịch người sử dụng dịch vụ.

Rốt cuộc, Trung Quốc đã xuất khẩu được mô hình kiểm duyệt sang Hồng Kông. Tại Hoa lục, không thể nào truy cập các mạng thông tin điện tử của nước ngoài, cũng như các trang mạng của báo chí Tây phương.

Trung Quốc có một đạo binh chuyên kiểm duyệt thông tin, với nhiệm vụ xóa bỏ những bài viết bị xem là có nội dung khuynh đảo chế độ.

Từ khi Luật an ninh quốc gia Trung Quốc được ban hành tại Hồng Kông, lượng người đăng ký dùng VNP tăng vọt. VNP là phần mềm cho phép người sử dụng vượt qua bức tường lửa kiểm duyệt của Hoa lục. Từ nay, bức tường này đã nối dài sang cả Hồng Kông".

Đe dọa và trấn an

Trong cuộc họp báo vào hôm nay 07/07/2020, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga vừa đe dọa, vừa trấn an: "Chính quyền Hồng Kông sẽ thi hành nghiêm túc luật an ninh quốc gia. Mọi hành động vi phạm sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng". Cùng lúc, nhân vật bị xem là người thân Bắc Kinh này khẳng định "đạo luật này không tiêu diệt tự do của 7,5 triệu dân Hồng Kông, như những cáo buộc ngụy biện".

Tú Anh

******************

Pompeo : Hoa Kỳ có thể trừng phạt các mạng xã hội Trung Quốc (RFI, 07/07/2020)

Sau khi Ấn Độ cấm dùng gần sáu chục ứng dụng tin học của Trung Quốc, giờ đến lượt Hoa Kỳ tính đến việc trừng phạt các mạng xã hội Trung Quốc. Khả năng này được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc đến trong buổi phỏng vấn với đài Fox News tối 06/07/2020, dù ông không nêu thêm chi tiết.

hk4

Biểu hiệu của mạng xã hội TikTok Reuters - Dado Ruvic

Mạng xã hội TikTok, có 800.000 người sử dụng tính đến tháng 01/2020 và rất được giới trẻ ưa chuộng, nằm trong danh sách đối tượng bị nhắm đến. Điều trái ngược là Tiktok, thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc ByteDance, nhưng lại không được sử dụng ở Hoa lục.

Theo Reuters, các nghị sĩ Mỹ từng quan ngại về cách TikTok quản lý dữ liệu người sử dụng, đồng thời e ngại rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ bắt các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác để thu thập thông tin cho tình báo Trung Quốc, nằm dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản.

Về phía TikTok, trả lời AFP tối 06/07, mạng xã hội này cho biết sẽ tạm ngừng ứng dụng ở Hồng Kông vì luật an ninh mới. Quá trình "đóng cửa" sẽ kéo dài nhiều ngày và TikTok sẽ thông báo cho người sử dụng, cũng như các nhà quảng cáo. Ba mạng xã hội khác Facebook, Google và Twitter cho biết sẽ không đáp ứng những yêu cầu cung cấp thông tin người sử dụng từ chính quyền Hồng Kông nhằm tôn trọng quyền tự do ngôn luận.

Ngoài thông báo về khả năng trừng phạt các mạng xã hội Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn lên án chính quyền Hồng Kông ra lệnh cho các trường học rút hết tất cả "những cuốn sách chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc" và những tác phẩm có nguy cơ vi phạm luật an ninh quốc gia. Đối với ông Pompeo, đó là hành động "kiểm duyệt", "chuyên chế" và "quá trình phá hoại một Hồng Kông tự do vẫn đang được Đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)