Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/06/2021

Bắc Kinh siết chặt tự do báo chí trên lãnh thổ Hồng Kông

RFI tổng hợp

Hồng Kông : Ấn bản cuối cùng của tờ báo độc lập Apple Daily

Thanh Hà, RFI, 24/06/2021

Dân chúng Hồng Kông đua nhau mua bằng được ấn bản tiếng Anh cuối cùng của tờ báo độc lập Apple Daily. Sau 26 năm hoạt động, ấn bản cuối cùng được phát hành hôm nay 24/06/2021. Theo hãng tin Mỹ AP, mới 8 giờ 30 sáng, toàn bộ 1 triệu tờ báo đã bán hết.

baochi1

Người dân xếp hàng mua số báo Apple Daily cuối cùng, Hồng Kông, ngày 24/06/2021. AP - Vincent Yu

Gần một năm sau ngày luật an ninh quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt được ban hành, người dân Hồng Kông xếp hàng dài trước các sạp báo với hy vọng mua được số Apple Daily cuối cùng. Trang nhất số báo đặc biệt này dành đăng bức ảnh khổ lớn một nhà báo từ văn phòng của ban biên tập vẫy tay chào hàng trăm người tập hợp trước trụ sở của tòa soạn.

Hãng tin Pháp AFP lưu ý việc một tờ báo độc lập Hồng Kông đột ngột bị khai tử là đòn tấn công mới nhất nhắm vào các quyền tự do mà người dân Hồng Kông tới nay vẫn được hưởng và việc khai tử Apple Daily của nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) có thể báo trước, trong tương lai, nhiều hãng truyền thông quốc tế có văn phòng tại Hồng Kông sẽ phải dời cơ sở đi nơi khác.

Cũng AFP nhắc lại từ nhiều thập niên qua, nhiều tờ báo quốc tế đã chọn Hồng Kông là địa bàn hoạt động trong khu vực, nhờ đặc khu hành chính này bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho các cơ quan truyền thông nước ngoài. Thế nhưng Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính này, mặc nhiên khai tử mô hình một quốc gia hai chế độ, Hồng Kông tuột dốc trong bảng xếp hạng về quyền tự do báo chí. Trong bảng xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới năm 2020, Hồng Kông đang từ hạng 18 trên thế giới hồi năm 2002 rơi xuống hạng thứ 80.

Thanh Hà

********************

Hồng Kông : Phiên tòa đầu tiên không bồi thẩm đoàn, Apple Daily đình bản

Thụy My, RFI, 23/06/2021

Hôm 23/06/2021, phiên tòa đầu tiên theo luật an ninh mới không có bồi thẩm đoàn mở ra tại Hồng Kông - một bước ngoặt mới cho hệ thống tư pháp của trung tâm tài chính quốc tế này. Cũng trong hôm nay, ban quản trị tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily xác nhận sẽ đình bản chậm nhất vào ngày 26/06, tức chưa đầy một tuần sau khi tài sản bị phong tỏa và 5 nhà lãnh đạo bị bắt.

hongkong1

Nhà tranh đấu Đường Anh Kiệt (Tong Ying-Kit) bị áp giải tới một tòa án ở Hồng Kông, ngày 06/07/2020. AP - Vincent Yu

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

"Tất cả mọi người ở Hồng Kông đều nhớ lại hình ảnh đã được lan truyền rộng rãi hôm 01/07/2020, trong lúc đặc khu gặp cú sốc khi luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ khuya hôm trước. Đường Anh Kiệt (Tong Ying Kit) đã dùng xe gắn máy lao về phía một nhóm cảnh sát, phía sau phấp phới một băng-rôn lớn màu đen với câu khẩu hiệu của cuộc nổi dậy mùa hè năm 2019 : "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại".

Đường Anh Kiệt nằm trong số những công dân Hồng Kông đầu tiên bị bắt và khởi tố theo luật an ninh mới, và hôm nay bị cáo bị buộc các tội khủng bố, xúi giục ly khai, gây thương tích nặng do điều khiển xe một cách nguy hiểm. Anh bị tạm giam từ một năm qua, mặc dù các luật sư đã có được lệnh Habeas corpus (lệnh bảo hộ nhân thân). 

Đường Anh Kiệt bị đưa ra xét xử mà không có bồi thẩm đoàn, theo quyết định của Bộ Tư pháp và kháng cáo của các luật sư bị bác. Nhưng một phiên tòa sơ thẩm không bồi thẩm đoàn bị coi là đi ngược lại với thủ tục tố tụng Hồng Kông. Ba thẩm phán quen thuộc với luật an ninh mới được trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga bổ nhiệm sẽ tuyên án sau phiên tòa kéo dài ít nhất ba tuần lễ".

AFP cho biết trước tòa bị cáo 24 tuổi không nhận tội.

Trong suốt lịch sử 176 năm qua tại Hồng Kông, sự hiện diện của bồi thẩm đoàn là bắt buộc tại các phiên tòa xử những tội nặng như trên. Ngay trên trang web, Tư pháp Hồng Kông cũng coi yêu cầu này là "một trong những phương diện quan trọng nhất" của hệ thống tư pháp đặc khu. Tuy nhiên luật an ninh mới, do Bắc Kinh áp đặt, quy định một số hồ sơ có thể chỉ cần ba thẩm phán xét xử. Đạo luật mơ hồ giúp đàn áp mọi tiếng nói phản biện đã đẩy đa số khuôn mặt nổi bật của phong trào dân chủ Hồng Kông vào tù.

Apple Daily sắp đình bản, thêm một bình luận viên bị bắt

Cũng với luật an ninh mới, tự do báo chí tiếp tục bị bóp nghẹt. Ban quản trị Next Digital, công ty mẹ của tờ báo ủng hộ dân chủ Hồng Kông Apple Daily, hôm nay xác nhận với AFP số báo cuối cùng sẽ ra mắt chậm nhất vào ngày thứ Bảy 26/06. Theo Reuters, cây bút bình luận chính của Apple Daily bị bắt hôm nay, cảnh sát chỉ cho biết "một người đàn ông 55 tuổi bị bắt giam theo luật an ninh quốc gia".

Bắc Kinh chưa bao giờ giấu giếm ý định dập tắt tiếng nói của tờ báo luôn hỗ trợ phong trào đấu tranh và thẳng thừng chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hôm 17/06, khoảng 500 cảnh sát đã bố ráp tòa soạn, câu lưu 5 nhà lãnh đạo, chính quyền phong tỏa tài sản của tờ báo do tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) thành lập từ năm 1995, khiến Apple Daily không thể trả lương cho nhân viên và thanh toán cho các nhà cung cấp. Tổng biên tập La Vĩ Quang (Ryan Law) và tổng giám đốc Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim Hung) hôm 18/06 đã bị khởi tố và tạm giam.

Thụy My

********************

Lãnh đạo Hồng Kông cảnh cáo báo chí không được "lật đổ" chính quyền

Thanh Phương, RFI, 22/06/2021

Hôm 22/06/2021, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh cáo là báo chí không được có những hành động nhằm lật đổ chính quyền. Tuyên bố này nhằm đáp lại phản ứng gần đây của Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền đặc khu "ngưng đánh vào giới truyền thông".

hongkong2

Trụ sở chính của nhật báo Apple Daily tại Hồng Kông thuộc tập đoàn truyền thông của tỉ phú Lê Trí Anh, ngày 17/06/2021. AP - Kin Cheung

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hàng tuần, khi được hỏi về vụ khám xét tòa soạn nhật báo ủng hộ dân chủ và về tự do báo chí ở Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời : "Chỉ trích chính quyền thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có ý định tổ chức những hành động nhằm lật đổ chính quyền, thì dĩ nhiên đó là chuyện khác".

Vào tuần trước, cảnh sát Hồng Kông đã khám xét tòa soạn và bắt giữ 5 lãnh đạo của Apple Daily, đồng thời nhà chức trách phong tỏa tài sản của nhật báo này. Như vậy, rất có thể là tờ báo ủng hộ dân chủ này sẽ phải đình bản trong nay mai.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

"Hôm 21/06/2021, Apple Daily đã cho phát bản tin truyền hình trực tuyến cuối cùng của mình. Người dẫn chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của nền báo chí độc lập, đồng thời gửi lời cám ơn tới khán giả. 

Kể từ khi cảnh sát mở chiến dịch bố ráp vào tuần trước, giám đốc và tổng biên tập của tòa báo này đã bị cáo buộc âm mưu "thông đồng với thế lực ngoại quốc", một tội danh được xác định trong luật mới về an ninh quốc gia rất hà khắc. Họ hiện bị tạm giam để tiếp tục điều tra.

Nhưng trên hết, việc phong tỏa các tài khoản mới thực sự đe dọa sự tồn vong của tờ báo, theo lời giải thích của Mark Simon, cố vấn riêng của sáng lập viên tờ báo, Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người đã bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái :

"Thực sự có rất ít cơ may để tờ báo tồn tại. Nếu quan chức đặc trách An Ninh không cho phép sử dụng số tiền được đặt trong các tài khoản mà ông ta đã phong tỏa, Apple Daily không thể làm gì được. Không có tiền, chúng tôi phải đóng cửa !".

Mặt khác, ông Mark Simon tin rằng Bắc Kinh sẽ yêu cầu giới chức Hồng Kong đóng cửa Apple Daily nhân kỷ niệm một năm Luật An ninh Quốc gia, do Bắc Kinh áp đặt và do chính quyền Hồng Kông ban hành ngày 30/06 vừa qua".

Thanh Phương

********************

Hồng Kông : Báo Apple Daily bị chính quyền dồn đến chỗ chết

Anh Vũ, RFI, 22/06/2021

Những ngày gần đây, Apple Daily, tờ báo bình dân nổi tếng là mục tiêu của một cuộc tấn công rộng lớn của chính quyền Hồng Kông nhân danh luật an ninh quốc gia rất gây bất bình. Nhật báo trở thành một trong những tiếng nói chủ yếu của phe dân chủ trong 25 năm qua đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi môi trường báo chí ở Hồng Kông

hongkong3

Tại nhà in của nhật báo Hồng Kông Apple Daily ngày 18/06/2021. AP - Kin Cheung

Chủ nhật, 20/06 vừa rồi là ngày kỷ niệm 26 năm Apple Daily ra đời. Nhưng nhật báo bình dân của Hồng Kông này có lẽ không còn trụ được lâu nữa. Ê-kíp của báo hôm thứ Hai đã phải họp nhau để tìm cách sống sót được qua tuần này. "Chúng tôi nghĩ có thể trụ được ít nhất đến cuối tháng nhưng thực tế sự sống còn của tờ báo giờ được tính từng ngày", Mark Simon, một cố vấn của ông chủ báo Lê Trí Anh (Jimmy Lai - hiện đang phải ngồi tù), nói với Reuters.

"Không tiền, không tin tức"

Những ngày qua, Apple Daily đã phải hứng chịu một cuộc tấn công chưa từng có từ chính quyền thân Bắc Kinh hiện nay ở Hồng Kông. Nhiều nhà báo, trong đó có tổng biên tập Ryan Law, đã bị bắt hôm thứ Năm và bị buộc tội thông đồng với thế lực nước ngoài. Lực lượng an ninh đã lục soát thu giữ các tài liệu, máy tính của ban biên tập. Chiến dịch của cảnh sát đã khiến các nhóm làm báo của Apple Daily phải nối bàn phím vào điện thoại di động để viết bài, hoàn tất lên trang báo. Toàn bộ sự việc diễn ra dưới sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông địa phương đến ghi hình và truyền trực tiếp lên internet hành trình xuống địa ngục của một nhật báo có số lượng độc giả lớn thứ 2 Hồng Kông.

Tài khoản ngân hàng của tập đoàn đã bị phong tỏa và gần ba triệu đô la cổ phiếu cũng đã bị giữ, vận dụng theo luật an ninh quốc gia, vừa được thông qua hồi tháng 6/2020. "Quyết định phong tỏa tất cả các tài khoản của tập đoàn tác động đến chúng tôi nhiều nhất. Không có tiền, chúng tôi không thể làm tin được", ông Mark Simon lấy làm tiếc khi được báo The Guardian hỏi.

Ông ước tính tiền dự trữ của tờ báo chỉ cho phép chi phí sinh hoạt trong vài tuần, nhưng không thể trả tiền các nhà báo hay chi cho các phóng sự. Những nỗ lực của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhằm bịt miệng Apple Daily là hành động mới nhất trong cuộc chiến dai dẳng giữa chính quyền địa phương và tờ báo, ra đời năm 1995 và là cái gai truyền thông trong mắt Bắc Kinh.

Một tờ báo bình dân dấn thân vào chính trị

Tuy nhiên, thời kỳ đầu, Apple Daily không lấy chỉ trích chính quyền là mục tiêu chính để bán được báo. Nhật báo trước tiên chủ trương chạy các tin vặt trong xã hội, chuyện ồn ào của các ngôi sao cùng với những tít giật gân.

Sự xuất hiện của tờ báo bình dân này đã làm thay đổi môi trường báo chí ở Hồng Kông, nhất là sau khi thành phố được trả về Trung Quốc 1997, nhà chính trị học Hồng Kông Ma Ngok trong một nghiên cứu về truyền thông Hồng Kông trong bước ngoặt thế kỷ 21, xuất bản năm 2007, ghi nhận.

Apple Daily đã gây ồn ào khi là tờ báo đầu tiên bán với giá 2 đô la, trong khi tập đoàn báo chí Hồng Kông đã lên biểu giá cho nhật báo là 5 đô la. Chủ trương này của tờ báo đã dẫn đến việc "chấm dứt cạnh tranh của 8 tờ báo địa phương trong 6 tháng", trang mạng The Diplomat nhắc lại trong một phóng sự điều tra dài nói về tác động của Apple Daily tại Hồng Kông, đăng hồi tháng 12/2020.

Người sáng lập ra tờ báo, tỷ phú Lê Trí Anh, đã sớm tạo được giọng điệu chính trị cho Apple Daily. Doanh nhân này đã quyết định nhảy vào lĩnh vực truyền thông thông tin "sau cuộc đàn áp sinh viên biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989", BBC nhấn mạnh.

Ngay từ năm 2003, nhật báo đã kiên định đứng về phía phong trào ủng hộ dân chủ trong các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh dự tính để cho Nghị Viện Hồng Kông thông qua. Ngày tranh luận về dự luật tại Nghị Viện, tờ báo của Lê Trí Anh chạy tựa "Các bạn hãy xuống đường".

Tương tự năm 2012, khi có cuộc tranh luận xung quanh cải cách giáo dục khi đó bị phe dân chủ đánh giá đó là mưu đồ "tẩy não" do Bắc Kinh giật dây. Apple Daily đã kêu gọi : "Chúng ta hãy bảo vệ phẩm giá của Hồng Kông trên đường phố".

Vào thời kỳ diễn ra phong trào Dù Vàng năm 2014, sau đó là trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Apple Daily thường xuyên được coi như là tiếng nói đối lập. Ông Lê Trí Anh thậm chí còn xuất hiện hậu cảnh trong bức ảnh trên trang bìa tờ báo số đặc biệt dành cho các cuộc biểu tình năm 2014.

Mưu sát nhằm vào ông chủ của Apple Daily

Những hành vi như vậy đã khiến cho ông Lê Trí Anh và tờ báo của ông chịu nhiều khốn khổ. Trước khi bị bắt giam hồi tháng 8/2020, nhà sáng lập của nhật báo này đã là mục tiêu của một vụ mưu sát năm 2009 và nhà riêng của ông tại Hồng Kông cũng nhiều lần bị phá hoại.

Nhật báo New York Times cũng lưu ý là năm 2015, một trái nổ đã được tìm thấy cách không xa trụ sở chính của Apple Daily. Nhật báo của Lê Trí Anh luôn luôn gặp khó khăn tìm kiếm quảng cáo và nhiều phóng viên của báo không được tham dự phần lớn các sự kiện quan trọng do Trung Quốc tổ chức, thí dụ như Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008.

Nhật báo đã trở thành đối thủ mà chính quyền Hồng Kông muốn đánh gục. Nhưng lần này, cuộc tấn công vào Apple Daily dường như nằm trong ý đồ rộng hơn là đưa vào khuôn phép toàn bộ hệ thống truyền thông ở Hồng Kông.

Kể từ các cuộc biểu tình dân chủ hồi năm 2019, chính quyền đã siết chặt gọng kìm đối với báo chí Hồng Kông. Trong vòng 2 năm, đặc khu bán tự trị này đã bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đánh tụt hạng về tự do báo chí từ thứ 18 xuống thứ 80.

Đầu tháng 6 vừa rồi, kênh truyền hình RTHK ở Hồng Kông, nổi tiếng với những chương trình bị cho là "xấc xược" với chính quyền Trung Quốc, lần đầu tiên đã quyết định không "làm chính trị" xung quanh kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn. Đây là một quyết định sốc đối với một bộ phận ban biên tập, vốn rất tâm huyết với tính độc lập của báo chí. Một số người đã cảnh báo là mục tiêu sắp tới của chính quyền sẽ là Apple Daily, "có thể là vào tháng 9 trước cuộc bầu cử Nghị Viện vào tháng 12". Cuối cùng chính quyền đã đã không đợi lâu đến như thế.

(Theo France 24)

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Thanh Phương, Anh Vũ
Read 529 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)