Miến Điện : Khi các nhà ngoại giao theo tiếng gọi của tự do
Về tình hình Miến Điện, tờ Le Monde đặc biệt chú ý đến các nhà ngoại giao đã can đảm đi theo phong trào phản kháng chống tập đoàn quân sự sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.
Biểu tượng của phong trào phản kháng Miến Điện, tại thị trấn Kamayut gần Rangoon, ngày 11/04/2021. AP
Từ Paris, Berlin, Ottawa, cho đến Washington, Tel-Aviv và Genève, hàng chục nhà ngoại giao của các tòa đại sứ và tòa lãnh sự Miến Điện chỉ vì tham gia phong trào bất phục tùng dân sự nên đã bị sa thải, bị cắt lương, mất nhà ở, không còn được hưởng quy chế ngoại giao và không thể trở về nước vì sợ bị bắt. Nay họ phải tự lo liệu cuộc sống, nhưng vẫn đóng góp hết khả năng của mình vào hoạt động của chính phủ đoàn kết dân tộc, do các nghị sĩ và chính khách lưu vong thành lập ngày 16/04.
Tờ Le Monde nêu trường hợp của Chaw Kaylar, bí thư thứ ba của sứ quán Miến Điện ở Berlin, đã thông báo trên tài khoản Facebook ngày 04/03 là bà quyết định tham gia phong trào bất phục tùng dân sự. Bà nói với phóng viên báo Le Monde : "Đây đã là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi". Hai đồng nghiệp của Chaw Kaylar, có cùng quan điểm, cũng đã quyết định đi theo bà.
Đối với cả ba nhà ngoại giao này, động cơ thúc đẩy họ chính là "hành động can đảm" của Kya Moe Tun, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc hôm 26/02 tại New York. Hôm đó, đại diện chính thức của Miến Điện ở Liên Hiệp Quốc đã từ chối đọc trên diễn đàn bài diễn văn mà phe quân sự đã chuẩn bị sẵn. Nhân danh ủy ban đại diện Quốc hội Miến Điện, do các nghị sĩ tham gia phong trào phản kháng thành lập, ông đã lên án "những tội ác chống nhân loại mà tập đoàn quân sự gây ra đối với nhân dân Miến Điện", trong tiếng vỗ tay của cử tọa tại Liên Hiệp Quốc.
Le Monde cũng đề cập đến tình cảnh của Phe Grace Mee, bí thư thứ hai sứ quán Miến Điện ở Paris, cùng với một đồng nghiệp cùng hàm, đã thông báo tham gia phong trào bất phục tùng dân sự hôm 18/03. Cả hai đều bị cho nghỉ việc và được cho phép ở lại căn hộ của sứ quán cho đến cuối tháng 5, vì một trong hai người bị nhiễm Covid-19. Từ đó đến nay, họ sống lay lắt qua ngày nhờ khoản trợ cấp 500 euro/tháng mà cộng đồng người Miến Điện ở Pháp cấp cho họ đến tháng 10. Một nhóm bác sĩ Miến Điện sống ở Hoa Kỳ đã thuê cho họ một căn hộ từ tháng 6, nhưng chỉ có thể trả tiền thuê cho đến tháng 7.
Phe Grace Mee tuy vậy vẫn giữ quan hệ tốt với với các đồng nghiệp khác của sứ quán. Bà nói : "Phải hiểu cho họ, có rất nhiều rủi ro đối với những người tham gia phong trào. Nhưng tôi có thể khẳng định là rất nhiều đồng nghiệp của tôi không chấp nhận cuộc đảo chính phi pháp này và đang chiến đấu với những phương tiện có thể có".
Brexit : Dân Anh vẫn không đổi ý
Đúng 5 năm sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, với kết quả là đa số ủng hộ việc Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit), dân Anh vẫn không thay đổi ý kiến về quyết định này. Đó là ghi nhận của các nhật báo Pháp hôm nay.
Theo tờ Les Echos, theo kết quả một cuộc thăm dò do Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Xã hội công bố, có đến hơn 80% dân số Anh Quốc cho biết, nếu tổ chức lại trưng cầu dân ý, họ sẽ bỏ phiếu giống như vào năm 2016. Nhưng đặc biệt, cả phe ủng hộ lẫn phe chống Brexit đồng ý với nhau ở một điểm : chính phủ của họ đã rất kém cỏi khi thương lượng về Brexit với Liên Hiệp Châu Âu. Chỉ có 22% hoan nghênh hành động của chính phủ. Từ dịch vụ tài chính, ngư nghiệp, cho đến vấn đề biên giới Ireland, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
Cũng theo Les Echos, một vấn đề khác mà Anh Quốc phải giải quyết sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, là tìm các đối tác thương mại mới. Về điểm này, Luân Đôn vừa giành được một thắng lợi mới, đó là ký được hiệp định tự do mậu dịch với Úc vào tuần trước. Hiệp định này đã mở đường cho Anh Quốc hôm 22/06 khởi động các cuộc đàm phán để gia nhập Hiệp định tự do mậu dịch đối tác xuyên Thái Bình Dương tự do và rộng mở (CPTPP).
Tờ Les Echos cũng trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò khác do hãng tin Bloomberg đặt thực hiện vào tháng 4, theo đó có đến 62% dân Anh nghĩ rằng nhờ Brexit mà chiến dịch chích ngừa Covid-19 ở nước họ đã diễn ra tốt hơn. Về tác động kinh tế, dân Anh cũng không cảm thấy gì cả, ngoại trừ việc một số mặt hàng tươi trong các siêu thị đang bị khan hiếm.
Về phần La Croix, nhật báo công giáo này đặc biệt chú ý đến suy nghĩ của những người đã bỏ phiếu chống Brexit cách đây 5 năm. Tờ báo trích lời Micheal Tomlison, một thẩm phán 74 tuổi ở Luân Đôn : "Tôi đã bỏ phiếu để ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu và hôm nay tôi cũng sẽ bỏ phiếu như thế. Tình hình của chúng tôi có khá hơn gì so với cách đây 5 năm ?". Nadine Rayner, một công chức 42 tuổi cũng bất bình không kém : "Tương lai tươi sáng mà (thủ tướng) Johnson hứa hẹn chỉ là một màn trình diễn, chẳng có thực chất gì đằng sau các tuyên bố của ông ấy".
La Croix trích dẫn phân tích của giáo sư Thibaud Harrois, đại học Sorbonne Nouvelle của Pháp : "Dân Anh bị phân hóa giữa sự tiếc nuối và sự hài lòng. Những người nào dứt khoát không muốn ở lại Liên Hiệp Châu Âu thì hài lòng, cho dù các hậu quả kinh tế là như thế nào. Còn những người chống và đã cố gắng kìm hãm tiến trình này thì vẫn thất vọng. Họ đã thất vọng ngay từ ngày 24/06/2016".
La Croix cũng ghi nhận là Brexit đã khơi lại những căng thẳng, nhất là ở Bắc Ireland. Kể từ sau hòa ước 1988, quan hệ dường như đã dịu lại giữa người Tin Lành, vẫn gắn bó với Anh Quốc, với người Công giáo, vẫn chủ trương thống nhất hai miền Ireland. Nhưng Brexit đã khiến chia rẽ giữa hai cộng đồng này nổi lên trở lại.
Bầu cử Pháp : Cánh hữu lại hy vọng
Về tình hình chính trị nước Pháp, tờ Le Figaro nêu bật vị thế vững chắc của cánh hữu sau vòng đầu cuộc bầu cử địa phương hôm Chủ nhật 20/06. Tuy tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu đã phá kỷ lục, nhưng đảng Những Người Cộng Hòa và các đồng minh của họ lại nuôi hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Người ta cứ tưởng là cánh hữu bị chia rẽ nặng nề, không thể có chung một tiếng nói, thế mà, với hơn 29% số phiếu và toàn bộ các chủ tịch vùng mãn nhiệm vẫn dẫn đầu trong vòng một, cánh hữu đang vươn lên mạnh mẽ trở lại, trở thành trọng tâm của ván cờ chính trị. Le Figaro nhắc lại, thế lực của cánh hữu là điều không cần phải bàn cãi : Phe này hiện nắm đa số ở Thượng Viện và có cả trăm dân biểu ở Hạ Viện. Họ bám rễ rất vững chắc ở các địa phương, điều mà vòng hai bầu cử cấp tỉnh và cấp vùng hôm Chủ nhật tới sẽ xác nhận, cho dù vẫn sẽ có rất nhiều cử tri không đi bỏ phiếu.
Ngoài ra, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, đa số dân Pháp có tư tưởng thiên về cánh hữu. Cánh hữu còn là đối thủ lợi hại mà các ứng cử viên chủ chốt của bầu cử tổng thống năm tới đều rất ngán. Chính vì thế mà tổng thống Emmanuel Macron và lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen đều muốn bóp nghẹt cánh hữu bằng mọi giá. Nhưng theo Le Figaro, điểm yếu nhất của cánh hữu đó là không có một nhân vật nào thật sự được xem là lãnh tụ. Cho nên, cánh hữu phải làm sao tránh một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tự bắn vào chân mình, phá hỏng cơ may giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Nga : Dmitriev, "sử gia của những goulag"
Chuyển sang nước Nga, đặc phái viên của tờ La Croix từ Petrozavodsk, biên giới giáp với Phần Lan, gởi về bài viết nêu lên số phận của Yuri Dmitriev, "sử gia của goulag" (trại tập trung thời Liên Xô), hôm nay lại bị đưa ra xử kín.
Dmitriev vẫn miệt mài thống kê hàng chục ngàn nạn nhân của các đợt đàn áp thời Liên Xô, nhất là khủng bố thời Stalin, một thực tế mà chính quyền của tổng thống Vladimir Putin vẫn cố làm giảm tầm mức. Đối đầu với guồng máy chính trị trị tư pháp từ 4 năm qua, ông vẫn kiên quyết không từ bỏ sứ mệnh này.
Hôm nay, sử gia Dmitriev bị đưa ra tòa lần thứ 3 để xử kín về các cáo buộc "bạo hành tình dục" đối với con gái nuôi tật nguyền. La Croix trích lời Dmitri Tsvibel, một người bạn lâu năm của Dmitriev : "Chính quyền tìm đủ mọi cách để làm mất uy tín của Yuri". Cũng như Tsvibel, những người ủng hộ sử gia Dmitriev và các nhà hoạt động nhân quyền xem đây là "một phiên tòa đáng xấu hổ", một minh chứng cho cái gọi là "kompromat", tức là việc chính quyền ở Nga bịt miệng các nhà đối lập bằng cách làm ô danh họ.
Trong khi đó, các giới chức Nga cố chứng minh là 6.000 nạn nhân mồ chôn tập thể ở vùng Carelia mà sử gia Dmitriev tiết lộ không phải là những nạn nhân của đàn áp chính trị, mà đó là lính Hồng quân bị quân Phần Lan hạ sát trong thời gian vùng này bị chiếm đóng.
UEFA củng cố quan điểm của Orban
Khi bóng đá và chính trị đan xen với nhau. Tờ Libération nêu bật một vụ đang gây tranh cãi tại Đức : Liên đoàn bóng đá Châu Âu UEFA đã từ chối để cho sân vận động Munich thắp sáng với các màu cầu vồng (màu biểu tượng của giới đồng tính) trong trận Đức-Hungary hôm nay.
Theo Libération, toàn bộ chính giới Đức (trừ phe cực hữu) đều lấy làm tiếc là UEFA đã cấm hành động này, nhằm đáp lại chính sách của thủ tướng Hungary Viktor Orban chống giới đồng tính. Báo chí Đức thì chỉ trích định chế bóng đá Châu Âu không chỉ đã lùi bước trước Hungary, mà còn tỏ thái độ đạo đức giả khi đề nghị cho thắp sáng màu cầu vồng vào một ngày khác. Các báo ở Đức còn cho rằng UEFA đã tự làm trò cười khi lấy cớ là phải "bảo đảm tính trung lập về chính trị và tôn giáo", như tờ Suddeutsche Zeitung nhấn mạnh : "Dấn thân cho quyền của mọi con người ? Đó không phải là một hành động chính trị. Đó là điều đương nhiên".
Thịt đỏ và ung thư
Về y tế, Le Monde nêu bật mối liên hệ giữa việc ăn các loại thịt đỏ với bệnh ung thư, nhất là ung thư đại tràng.
Kể từ khi Trung tâm quốc tế nghiên cứu về ung thư, một cơ quan của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, xem các loại thịt đỏ (bò, heo, trừu…) là "có thể gây ung thư" và các sản phẩm thịt chế biến (jambon, saucisse…) là "được chứng minh gây ung thư", không còn ai nghi ngờ là việc ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư, nhất là ung thư đại tràng.
Nhưng theo Le Monde, các nhà khoa học vẫn tranh luận với nhau về cơ chế sinh học của mối liên hệ này : Thịt đỏ phải chăng là nguyên nhân trực tiếp của ung thư thông qua chất sắt có trong thịt ? Hay chính những chất phụ gia được sử dụng trong quá trình chế biến thịt tạo điều kiện phát triển các khối u ?
Nhân dịp này, Le Monde nhắc lại rằng tại Pháp, ung thư đại tràng là ung thư gây nhiều tử vong thứ nhì nơi nam giới và nhiều thứ ba nơi nữ giới, với 17.000 người chết mỗi năm.
Trang nhất các báo
Tựa lớn trên trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay chủ yếu vẫn được dành cho thời sự trong nước sau vòng đầu bầu cử cấp tỉnh và cấp vùng hôm Chủ nhật vừa qua. "Sau bầu cử cấp vùng, cánh hữu trở lại trung tâm ván cờ", đó là ghi nhận của tờ Le Figaro thiên hữu. Tờ Le Monde thì đưa hàng tựa "Bầu cử cấp vùng sắp lại ván cờ cho năm 2022", phân tích kết quả vòng một bầu cử hội đồng tỉnh và hội đồng vùng hôm Chủ nhật vừa qua. Nhật báo thiên tả Libération thì chú ý đến cuộc đình công của nhân viên đài phát thanh tư nhân Europe 1 để phản đối việc nhà tài phiệt theo xu hướng gần như cực hữu Vincent Bolloré kiểm soát nhiều hơn nữa nội dung các chương trình của đài này. Les Echos, nhật báo kinh tế thì lo ngại trước tình trạng "Việc làm bị mất ngày càng nhiều trong ngành ngân hàng". Riêng nhật báo công giáo La Croix thì chú ý đến Brexit, vì hôm nay là đúng 5 năm cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh Quốc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, với hàng tựa : "Năm năm Brexit, thế thì sao ?".
Thanh Phương