Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/06/2021

Điểm báo Pháp - Bức màn sắt trùm xuống báo chí Hồng Kông

RFI tiếng Việt

Apple Daily bị bức tử, bức màn sắt trùm xuống báo chí Hồng Kông

Khí hậu, Hồng Kông, bầu cử Pháp là những đề tài được báo chí Paris đề cập nhiều nhất. Le Figaro, Le Monde Les Echos đều có bài viết về sự kiện tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily ở Hồng Kông bị bức tử. Sau 26 năm hoạt động, nhật báo bị coi là kẻ thù của chế độ Bắc Kinh ra số cuối cùng hôm nay 24/06/2021.

apple1

Các nhà báo và số báo cuối cùng trước tòa soạn Apple Daily, Hồng Kông ngày 23/06/2021. AP - Kin Cheung

Phong tỏa tài chính, bố ráp tòa soạn, bắt ban biên tập

Công ty mẹ Next Digital sáng qua thông báo Apple Daily sẽ đình bản trễ nhất là thứ Bảy, nhưng chỉ vài giờ sau tờ báo thông báo trên trang web ngưng xuất bản từ hôm nay. Mark Simon, cánh tay phải của nhà sáng lập Lê Trí Anh (Jimmy Lai) giải thích : "Tất cả tài khoản ngân hàng của chúng tôi đều nằm trong tay chính quyền, nên không thể trả lương nhân viên, làm tròn nghĩa vụ tài chính với các nhà cung cấp và người bán báo. Trong khi luật Hồng Kông cấm tiếp tục sử dụng nhân công nếu không có tiền trả lương".

Tuần trước, chính quyền đặc khu đã phong tỏa 18 triệu đô la Hồng Kông (1,9 triệu euro) của ba công ty liên quan đến Apple Daily. Hồi tháng Năm, 500 triệu đô la Hồng Kông (54 triệu euro) của ông Lê Trí Anh cũng đã bị phong tỏa, khiến việc mua bán cổ phiếu của Next Digital bị tạm ngưng. Mark Simon cay đắng nhận xét, chính quyền đã dùng hệ thống ngân hàng làm công cụ chính trị, tại một thành phố muốn là thủ đô tài chính thế giới.

Một loạt tấn công vào tờ báo : tuần trước 500 cảnh sát bố ráp tòa soạn, tịch thu 38 máy tính, bắt đi 5 nhà lãnh đạo trong đó có tổng biên tập và tổng giám đốc ; hôm qua bắt tiếp cây bút bình luận chính là Yeung Ching Kee. Cảnh sát nói rằng do Apple Daily đăng trên 30 bài từ năm 2019 kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt Hồng Kông và Trung Quốc. Còn ông Lê Trí Anh, bị giam trong một nhà tù canh gác cẩn mật từ tháng 12/2020, bị cáo buộc đồng tổ chức các cuộc biểu tình năm 2019, giúp 12 nhà đấu tranh trốn khỏi Hồng Kông bằng xuồng máy. Bị buộc tội thông đồng với thế lực nước ngoài, nhà tỉ phú 73 tuổi có nguy cơ ở tù chung thân.

Báo chí Hồng Kông nay ngưng ký tên tác giả, xóa nội dung máy chủ

Apple Daily đình bản là một thiệt hại nặng nề cho truyền thông ở cựu thuộc địa Anh. Ronson Chan, chủ tịch hiệp hội các nhà báo Hồng Kông nhận xét : "Đó là tờ báo không thể thay thế, không nhật báo nào có liều lượng phản biện tương tự để cảnh báo những lạm dụng của chính quyền". Trước các cuộc biểu tình đại quy mô làm rúng động đặc khu năm 2003, 2014 và 2019, Apple Daily đều kêu gọi người dân xuống đường và không ngần ngại in ra những khẩu hiệu, đích thân ông Lê Trí Anh đi đầu trong các cuộc biểu tình.

Le Figaro nhận định, việc Apple Daily bị bức tử làm dấy lên một làn sóng lo sợ tại Hồng Kông. Bài học cho các nhà báo, theo Ronson Chan : nếu vượt qua lằn ranh đỏ trong luật an ninh quốc gia, sẽ phải trả giá đắt, và như vậy họ sẽ tự kiểm duyệt. Chris Yeuing, nhà sáng lập Voice of Hongkong cho biết : "Các nhà báo nay rất thận trọng chọn lựa câu từ, một số báo còn ngưng ký tên tác giả dưới các bài viết". Số khác dùng các phần mềm mã hóa, xóa nội dung trong máy chủ hoặc xích các máy tính lại với nhau để cảnh sát không thể mang đi nếu bị bố ráp.

Bức màn sắt đã buông xuống Apple Daily và tự do báo chí Hồng Kông. Les Echos ghi nhận, ông Lê Trí Anh khi trả lời New York Times hôm 29/05/2020 đã dự báo điều này. Về phiên tòa đầu tiên không có bồi thẩm đoàn hôm qua xử Đường Anh Kiệt (Tong Ying Kit), người đã chạy xe gắn máy về phía cảnh sát với băng-rôn "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại", Le Monde nói thêm tối thứ Ba 22/06 một người đàn ông 40 tuổi cũng đã bị bắt vì treo ở cửa sổ dòng chữ là nửa đầu của câu khẩu hiệu từ nay bị cấm theo luật an ninh "Quang phục Hồng Kông".

Hòa dịu không xong, Canada chọn thái độ cứng rắn trước Bắc Kinh

Về Trung Quốc, Le Monde quan tâm đến "Cuộc khẩu chiến mới giữa Ottawa và Bắc Kinh về nhân quyền". Khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc kéo dài từ sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu của Hoa Vi (Huawei).

Trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 22/06, đại sứ Canada, bà Leslie Norton, đọc bản tuyên bố được 40 nước ký tên trong đó có Hoa Kỳ và Pháp, "vô cùng quan ngại" trước tình hình nhân quyền tại Tân Cương, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện, bị hạn chế các quyền tự do căn bản và văn hóa. Các nước đòi hỏi Trung Quốc phải lập tức cho các nhà quan sát độc lập đến Tân Cương kể cả cao ủy Michelle Bachelet. Mối quan ngại cũng được dành cho Hồng Kông, Tây Tạng.

Ngay cả trước khi bà Norton phát biểu, đại diện Trung Quốc với sự hỗ trợ của Nga, Belarus, Bắc Triều Tiên, Venezuela, Iran, Syria, Sri Lanka, tố cáo "sự vi phạm trầm trọng nhân quyền của Canada" đối với thổ dân, đòi mở điều tra.

Việc tố cáo Bắc Kinh trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thể ảnh hưởng đến số phận của hai công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, bị Trung Quốc bắt giam từ hai năm rưỡi qua. Nhưng chừng như Ottawa đã quyết định chọn lựa thái độ cứng rắn trước Bắc Kinh. Guy Saint-Jacques, nguyên là đại sứ Canada tại Trung Quốc cho đến năm 2016 nhận định : "Sau khi cố tỏ ra hòa dịu nhưng không kết quả, thủ tướng Justine Trudeau nay ngả theo hướng tấn công của Washington". Một đường hướng được xác định bằng "ba chữ C" : confrontation (đối đầu) trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, compétition (cạnh tranh) chủ yếu về công nghệ cao, và coopération (hợp tác) về y tế công hoặc biến đổi khí hậu.

Chính là chữ C đầu tiên, tức đối đầu, được áp dụng tại Genève. Xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc tăng kỷ lục, 32% trong bốn tháng đầu năm, càng khiến Ottawa tin tưởng Bắc Kinh là một đối thủ dễ tổn thương về kinh tế và thương mại. Trong lúc hai Michael vẫn đang chờ đợi bản án, phiên tòa sẽ mở lại ngày 03/08 tại Vancouver đối với bà Mạnh Vãn Châu. Cuộc chiến tư pháp sẽ còn kéo dài, việc bầu lại Tập Cận Bình vào chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2022 sẽ khiến không thể hy vọng vào một động thái giảm căng thẳng nào nơi ông Tập.

Pháp không muốn theo chân Mỹ trực diện đối đầu Trung Quốc

Cũng về Trung Quốc nhưng liên quan đến nước Pháp, Le Monde cho rằng tổng thống Emmanuel Macron có phần cay đắng về chuyến công du Châu Âu của Joe Biden. Dù quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương đã ấm lên trở lại, Paris vẫn không mặn mà trong việc đối đầu với Trung Quốc như Washington mong muốn.

Clément Beaune, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Châu Âu của Pháp nhận xét về mặt tuyên truyền, "người Mỹ mang lại cảm giác Washington lãnh đạo trong các lãnh vực khí hậu, vac-xin, đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số, trong khi chính họ đã ngăn chặn các hồ sơ này trong suốt bốn năm qua" và nay mới có cùng quan điểm với Châu Âu. Tổng thống Mỹ đề cập đến một loạt chủ đề, nhưng duy trì đường hướng chính : đối địch với Trung Quốc.

Pháp và Đức trong hội nghị G7 và NATO đã cố gắng làm giảm nhẹ ngôn ngữ cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh, nhưng bản thông cáo chung cuộc của NATO vẫn nêu đích danh Trung Quốc. Ông Macron bình luận "Trung Quốc không nằm gần Đại Tây Dương, hay bản đồ của tôi có vấn đề chăng". Pháp chủ trương đẩy mạnh chủ quyền Châu Âu cả về quân sự, địa chính trị lẫn kinh tế. Nhưng sau nhiệm kỳ Donald Trump, Đức vốn có nhiều đồng minh ở Châu Âu hơn, không còn muốn đứng về phía Pháp.

Joe Biden đã cố gắng thu hút Berlin : ngưng không rút 12.000 quân Mỹ khỏi Đức, không trừng phạt dự án Nord Stream 2 và mới đây quyết định sẽ tiếp bà Angela Merkel tại Nhà Trắng ngày 15/07. Thủ tướng Đức là nhà lãnh đạo thứ ba được mời, trong khi bà chuẩn bị rời quyền lực. Một chủ đề nhạy cảm nữa giữa Washington, Berlin và Paris là Thổ Nhĩ Kỳ : Biden muốn Thổ giữ an ninh sân bay quốc tế Kaboul sau khi Mỹ rút quân, nên không làm áp lực về việc mua S-400 của Nga. Macron cũng bực bội về cuộc gặp Biden-Putin, vì tổng thống Pháp luôn chủ trương đối thoại với Nga nhưng lâu nay vẫn bị chỉ trích.

"Thống chế Twitto", chủ tịch sắp tới của Liên Hiệp Châu Âu

Les Echos có bài điều tra dài về "Thống chế Twitto", thủ tướng Slovenia đang làm Châu Âu lo ngại. Cực kỳ bảo thủ, theo thuyết âm mưu, kỳ thị phụ nữ, bị nghi ngờ tham nhũng… ông Janez Jansa bị chỉ trích ngay trong nước. Nhân vật độc đáo này sẽ là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ ngày 01/07, khiến các nhà ngoại giao ở Bruxelles phải toát mồ hôi.

"Chấm dứt phát-xít ! Kết thúc với Janez Jansa, bầu cử lại ngay !". Hôm 28/05, hàng mấy chục ngàn người Slovenia tập hợp tại thủ đô Ljubljana đòi thủ tướng từ chức, một cuộc biểu tình hiếm hoi tại quốc gia nhỏ bé chỉ có hai triệu dân, nằm giữa Ý, Áo, Hungary và Croatia. Một hôm trước đó, ông Jansa suýt nữa bị mất chức : 42 dân biểu bất tín nhiệm, 44 ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Một tổ chức phi chính phủ nhận xét, Slovenia một thời gian dài vẫn là quốc gia Trung Âu duy nhất tôn trọng nhân quyền và các quyền dân sự. Nhưng khi ông Jansa lên làm thủ tướng, lấy cớ chống Covid, các đạo luật và nghị định được đưa ra hạn chế tự do hội họp và tự do ngôn luận, các quỹ dành cho xã hội dân sự ở nhiều vùng bị cắt không lý do.

Thủ tướng phản ứng lại cuộc biểu tình trên Twitter, mạng xã hội ưa thích của ông, có hôm Jansa "tweet" hoặc "retweet" hàng trăm lần ! Thế nên Janez Jansa được đặt biệt danh là "Thống chế Twitto", gợi nhớ đến thống chế Tito từng trị vì Nam Tư bằng bàn tay sắt trong gần 30 năm. Dân tộc chủ nghĩa, nghi ngờ vấn đề khí hậu, chống nhập cư, ủng hộ mang vũ khí, những ai không cùng quan điểm đều bị Jansa gọi là phe "xã hội chủ nghĩa" hoặc "cấp tiến". Ông sỉ nhục những người bất đồng trên Twitter, chận họ và để cho các ủng hộ viên của mình quấy nhiễu. Mục tiêu tấn công ưa thích của thủ tướng là các nhà báo, nhất là giới nữ.

Chính trường sóng gió của thủ tướng Slovenia, "Mini Trump"

Ngưỡng mộ Donald Trump, Jansa không quên nhắc nhở đệ nhất phu nhân Melania là người gốc Slovenia. Đêm bầu cử tổng thống Mỹ 2020, thủ tướng Slovenia là lãnh đạo đầu tiên gởi điện chúc mừng ông Trump tái đắc cử trong khi việc kiểm phiếu vẫn chưa hoàn tất. Khi Joe Biden chính thức giành chiến thắng, ông Jansa tràn ngập mạng xã hội với những bài viết tố cáo gian lận bầu cử, thao túng truyền thông và mãi đến nay vẫn chưa bao giờ công khai chúc mừng Biden. Thái độ này khiến nhiều dân biểu Châu Âu cánh tả chỉ trích, thủ tướng Slovenia trả đũa bằng cách gọi họ là "những kẻ mù chữ".

Điều mỉa mai của lịch sử : Janez Jansa từng là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu năm 2008. Vào thời đó ông chưa là "Thống chế Twitto" hay "Mini Trump", mạng xã hội Twitter còn phôi thai và Donald Trump vẫn còn là tỉ phú địa ốc, ngôi sao truyền hình thực tế. Thủ tướng Jansa lúc đó ủng hộ hiệp ước Lisboa của Châu Âu, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, tự do kinh tế… Nhưng từ đó đến nay, Jansa đã thay đổi một cách ngoạn mục.

Les Echos nhắc lại con đường tham chính đầy sóng gió của Janez Jansa : từng là ngôi sao trong Đảng cộng sản, ông trở thành đối lập, bị bắt và đưa ra trước tòa án quân sự năm 1988 vì cáo buộc tiết lộ thông tin mật, lãnh án 18 tháng tù. Ra tù năm 1990, ông thành chủ tịch đảng Dân chủ và bộ trưởng quốc phòng. Bị tố cáo bán vũ khí cho các bên tham chiến ở Nam Tư, Jansa từ chức và trong gần 20 năm đóng vai lãnh tụ đối lập, liên tục có những xì-căng-đan. Năm 2008 sau bốn năm làm thủ tướng, ông từ chức sau khi bị báo chí tố cáo nhận hối lộ, lại trở thành thủ tướng năm 2012, rồi lại vướng tai tiếng tham nhũng, thậm chí bị ở tù 9 tháng từ 2014-2015 trước khi nắm lại chính phủ 5 năm sau.

Đối với các nhà quan sát, đường phố có thể làm Jansa lùi bước. Ngoài các cuộc biểu tình chưa từng thấy những tuần lễ gần đây, tỉ lệ tín nhiệm của ông xuống chỉ còn 30%, và liên minh trong chính phủ cũng mong manh hơn. Một kiến nghị bất tín nhiệm mới có thể khiến Jansa bị hạ bệ trong những tháng tới – sự kiện hiếm thấy đối với một chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)