Tít của bài viết này không có dụng ý khiêu khích mà chỉ để nói lên một thực trạng lịch sử sẽ được trình bày trong những dòng sau.
Những ai không muốn tiếp tục chịu ách cai trị của một chế độ độc tài độc hại này phải tìm mọi cách vứt bỏ bản Hiến pháp 2013 này vào sọt rác lịch sử để cùng toàn dân viết ra một bản Hiến pháp đích thực của nhân dân, bởi nhân dân và cho nhân dân
Mấy ngày gần đây, không biết đã bị loại muỗi nào chích mà cơn sốt hiến pháp lại bùng phát với những tuyên bố như mê sảng : nào là "chính quyền hãy thực thi ngay cái Hiến pháp đang có", "nhân dân hãy thực thi những quyền hiến định của mình", "chấp nhận bản Hiến pháp 2013 và yêu cầu Đảng cộng sản hãy chấp nhận đa nguyên đa đảng để được tham chính với một tỷ lệ nhân sự trong Quốc hội"...
Nhưng trước hết phải dứt khoát với nhau hai điều là :
1. Không có cơ sở pháp lí để đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam nghĩa vụ thực thi những yêu sách của nhóm Nguyễn Ái Quốc trăm năm trước vì Bản yêu sách này của người Việt Nam cho chính quyền thực dân Pháp ;
2. Ông Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đã thay thế chính quyền thực dân Pháp, trong tư cách một chi bộ của Thế giới cộng sản, và cho ra đời bản Hiến pháp 1946, một bản hiến pháp của một lực lượng đô hộ đối với toàn dân tộc Việt Nam. Có nghĩa là, như thực dân Pháp trước kia, những quyền tự do bị hạn chế ở mức tối thiểu nhứt mà dân chúng có thể khả dĩ chấp nhận.
Đòi hỏi Đảng cộng sản thực thi bản Hiến pháp đang có là đòi hỏi họ hạn chế những quyền tự do cho nhân dân ở mức tối thiểu nhứt, thậm chí một số quyền còn bị cấm chỉ.
Có hai thái độ logic với bản Hiến pháp đang có này :
- Một, những người không chấp nhận một chế độ độc tài và mong ước dân chủ sẽ phủ nhận nó, mong muốn nó không tiếp tục được thực thi trong xã hội và tìm mọi cách để vứt bỏ cái Hiến pháp đang có, vừa phi quốc gia vừa phản dân tộc, vào thùng rác lịch sử và thay thế nó bằng một bản Hiến pháp của dân, bởi dân và cho dân. Đó là lối đi duy nhất cho họ vì bản chất của một chế độ độc tài toàn trị là hạn chế tối đa các quyền tự do và không thể cải thiện.
- Hai, những người đồng ý một nước Việt Nam cộng sản độc tài toàn trị sẽ bảo vệ bản Hiến pháp theo lí tưởng và lợi ích của họ, muốn nó được thực thi nghiêm túc trong xã hội, là Đảng cộng sản, là những người đang có đặc quyền đặc lợi, là những đảng viên vẫn trung thành tuyệt đối vô điều kiện với Đảng cộng sản vì một lí do rất đơn giản là bản Hiến pháp đang có, cũng như những bản trước đó của Đảng cộng sản, là bản Hiến pháp của Đảng cộng sản, bởi Đảng cộng sản và cho Đảng cộng sản. Nói cách khác là Đảng cộng sản Việt Nam đơn phương tạo ra một công cụ cai trị chính đáng để áp đặt độc tài toàn diện lên đất nước và toàn xã hội.
Đảng cộng sản Việt Nam minh định sự kiện này một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, rõ ràng và mạch lạc (trừ câu hài hước "tư tưởng Hồ Chí Minh") trong Mục 1. Điều 4. của bản Hiến pháp.
Trích : 1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Hết trích.
Họ không thể viết rõ ràng hơn. Nếu chúng ta không hiểu thì không phải lỗi của họ. Đừng đổ vạ.
Như chúng ta biết bản Hiến pháp là nền tảng tư tưởng của ý nguyện dân tộc và những qui chế về một chính quyền (quyền lực chính trị).
Lấy tư tưởng Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng cho ý nguyện của nhân dân và qui chế chính quyền là trung tâm, mấu chốt cho mọi từ khóa của bản Hiến pháp.
Vậy tư tưởng Mác-Lênin về sự tương quan Nhà nước/nhân dân/chính quyền là gì ?
Tư tưởng Mác Lênin đứng trên đôi chân ‘chuyên chính vô sản’ của Mác và ‘đội tiên phong của giai cấp vô sản là đảng cộng sản’ của Lênin.
Xin tóm lược nền tảng tư tưởng này một cách đơn giản nhất.
- Mác phản đối mô hình Nhà nước đại diện của hai cuộc cách mạng Pháp, Mỹ vì cho rằng nó thực ra chỉ đại diện cho giai cấp trung lưu tư sản. Giai cấp trung lưu tư sản này đã phản bội giai cấp vô sản sau khi thành công lật đổ chế độ phong kiến nhờ sự hỗ trợ của giai cấp vô sản để rồi quay lại tiếp tục bóc lột giai cấp vô sản.
Giai cấp trung lưu tư sản không chỉ là kẻ thù của giai cấp vô sản mà nó còn là một mối nguy cho nhân loại và cho chính con người ; một loại kí sinh trùng của xã hội phải bị tiêu diệt. Đảng cộng sản Việt Nam đã áp dụng qua công thức "trí phú địa hào đào tận gốc".
Do đó sẽ không còn giai cấp trung lưu, xã hội dân sự đứng giữa Nhà nước và giai cấp vô sản ; Nhà nước sẽ không còn là cơ quan đứng trên mà là Nhà nước phục tùng giai cấp vô sản. Được gọi là chuyên chính vô sản.
- Lênin đánh dấu một đoạn tuyệt trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản khi cho rằng các công nhân và tổ chức của họ không thể tự vượt xa hơn một ý thức hạn chế về lợi ích kinh tế của họ và các tổ chức công đoàn bởi chính họ. Chỉ có đảng cộng sản, duy nhất đảng cộng sản, như đội tiên phong mới có khả năng khai sáng cho họ một nhận thức chính trị là chiến thắng cuối cùng cho cuộc đấu tranh giai cấp bắt buộc phải là chuyên chính vô sản.
Đó là nền tảng tư tưởng Mác-Lênin đã được long trọng minh định rõ ràng trong điều 4 hiến pháp là Nhà nước là cơ quan phục tùng giai cấp vô sản ; giai cấp vô sản được lãnh đạo bởi đội ngũ tiên phong của nó là Đảng cộng sản do đó Nhà nước hiển nhiên là cơ quan phục tùng Đảng cộng sản.
Trong tư thế một đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội có nghĩa là nó có tính liên tục, tiếp nối như Nhà nước, Quốc gia : Đảng cộng sản mặc nhiên đồng hóa với Nhà nước và nhân dân ; Nhà nước và Đảng cộng sản là một ; nhân dân và Đảng cộng sản là một ; Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước đồng nghĩa là Đảng cộng sản soạn luật, Đảng cộng sản thi hành luật và đồng thời Đảng cộng sản giải thích luật ; trong những điều kiện đó những quyền hiến định trong một bản hiến pháp hoàn toàn của họ không thể và không được mâu thuẫn tới tính toàn trị và thách thức tới sự an nguy của nó.
Cũng cần biết rằng những luật hiến pháp chỉ là những nguyên tắc triết lí, những tinh thần chỉ đạo chứ không phải những văn bản luật pháp ứng dụng. Do đó nó luôn trừu tượng, mơ hồ để có thể thực thi. Để thực thi những luật hiến pháp đó phải có những bộ luật ứng dụng được soạn thảo bởi chính phủ hay Quốc hội và biểu quyết ở Quốc hội.
Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ra những bộ luật ứng dụng theo một nguyên tắc hiến pháp : "những quyền trên được thực thi theo qui định của luật pháp". Điều đặc biệt là ở Việt Nam, và những nước cộng sản, nó có nghĩa là qui định theo ý chí của Đảng cộng sản.
Một cách logic, không có chuyện Đảng cộng sản ngồi xổm trên hiến pháp cũng như không chịu thực thi những quyền hiến định cho nhân dân. Đảng cộng sản tuân thủ, thực thi rất nghiêm túc bản hiến pháp do họ viết ra cho họ chứ không phải cho ai hết. Có gì không logic ?
Điều ngạc nhiên là có một số người, tôi biết rõ, không ủng hộ độc tài và mong muốn dân chủ cho đất nước lại kí tên vào bản tuyên bố kì cục, vô lí này. Có thể họ kí chỉ vì cả nể mà cũng chẳng đọc nó và cũng có thể vì lẫn lộn bản Hiến pháp đang có và bản mình muốn có giống như các bản hiến pháp của các nước dân chủ ?
Không ! Bản hiến pháp đang có ở Việt Nam chủ trương chuyên chính vô sản ; là độc tài toàn trị cộng sản ; có nghĩa là các quyền tự do phải bị hạn chế ở mức tối thiểu nhứt và thậm chí một số quyền còn bị cấm chỉ.
Sẽ có ý kiến phản bác những lập luận trên như "Đảng cộng sản Việt Nam đã kí kết chấp nhận Bản Tuyên ngôn Quyền non người phổ cập và đã lồng nó vào bản Hiến pháp của mình thì họ có nghĩa vụ phải thực thi nó".
Điều này không đơn giản như thế. Ngay cả khi được lồng vào bản Hiến pháp của Đảng cộng sản Việt Nam nhưng không minh định nó đứng trên luật pháp của Đảng cộng sản Việt Nam thì luật pháp của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ có tiếng nói sau cùng.
Để kết luận : Những ai không muốn tiếp tục chịu ách cai trị của một chế độ độc tài độc hại này phải tìm mọi cách -trừ vũ khí, bạo lực- vứt bỏ bản Hiến pháp 2013 này vào sọt rác lịch sử để cùng toàn dân viết ra một bản Hiến pháp đích thực của nhân dân, bởi nhân dân và cho nhân dân trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Và chỉ trong hoàn cảnh đó những yêu sách thực thi các quyền hiến định mới chính đáng và có ý nghĩa.
Chỉ có thể chế dân chủ mới có khả năng, điều kiện để viết một bản Hiến pháp như thế. Và chỉ khi nào hiểu được như vậy chúng ta mới biết những gì cần phải làm và những gì vô nghĩa.
Lê Mạnh Tường
(12/09/2023)
Đã tròn một tháng kể từ khi công an Việt Nam tổ chức đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã khởi tố, tạm giam 26 người được xác định là bị can trong vụ án "giết người, tàng trữ - sử dụng trái phép vũ khí và chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành vào lúc rạng sáng 9 tháng 1.
Ông Lê Đình Kình và cháu nội. Photo Đong Tam TV.
Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và các qui định pháp luật hiện hành, còn một vụ án khác chưa được khởi tố để điều tra – xác định xem có ai phạm tội hay không khi ông Lê Đình Kình, 84 tuổi thiệt mạng và phạm những tội gì.
***
Điều 19 của Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) Việt Nam minh định : Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (1).
Để bảo đảm yếu tố đã được Hiến định này, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt định hàng loạt qui định không chỉ trong Luật Tố tụng hình sự (bộ luật qui định về cách thức thực thi những biện pháp liên quan đến việc xử lý công dân bằng biện pháp hình sự) mà theo đó, tước đoạt sinh mạng một công dân phải được nhiều ngành (công an, kiểm sát, tòa án), nhiều cấp (kể cả Chủ tịch Nhà nước) xem xét một cách cẩn trọng, thậm chí xét đi, xét lại nhiều lần trong một vài thập niên.
Bởi "mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ" và các cơ quan bảo vệ - thi hành pháp luật có thể xâm hại quyền này nên năm 2013, chính phủ Việt Nam ban hành một Nghị định – Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (Nghị định 208/2013). Bởi quyền sống và các quyền căn bản khác của con người là tối thượng kể cả khi người đó chống người thi hành công vụ, Nghị định 208/2013 nhấn mạnh một số nguyên tắc :
- Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể : Lấy phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Thận trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra (Điều 4).
- Người thi hành công vụ bị cấm : Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Tham nhũng, hách dịch, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ… (Khoản 1, Điều 5).
- Người có quyền ra lệnh thực thi công vụ thì bị cấm : Giao nhiệm vụ trái thẩm quyền. Đưa ra yêu cầu trái quy định của pháp luật. Không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh vi phạm của người thi hành công vụ(Khoản 2, Điều 5).
Theo Khoản 5, Điều 14, những người thi hành công vụchỉ sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng trong trường hợp cấp bách, hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí tấn công người thi hành công vụ. Nổ súng trong khi thi hành công vụ phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
***
Năm 2017, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợđược thay thế bằng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ(3). Việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo Nghị định 208/2013 phải tuân thủ qui định của luật này. Theo đó, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường (Khoản 5, Điều 4).
Khoản 2, Điều 22 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợnhấn mạnh : Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.
Song Khoản 2, Điều 22 cấm dùng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp họ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công, chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác.
***
Không phải tự nhiên mà Bộ Công an loan báo cụ Kình chết nhưng tay vẫn còn nắm chặt một trái lựu đạn. Trái lựu đạn này đã được tổ chức trưng bày cùng các "tang vật" khác và rõ ràng nó đã bị rút chốt, cần bẩy có thể bật ra bất kỳ lúc nào… (4) Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và một số qui định pháp luật như đã dẫn, rõ ràng không thể nào bỏ qua, không khởi tố vụ án để điều tra về việc "tiêu diệt" cụ Kình để xác định hành vi này có đúng với các qui định pháp luật hay không ?
Có nhiều câu hỏi mà không khởi tố vụ án, không thể có câu trả lời chính xác, làm diện mạo của công lý méo mó và công chúng bất phục, phẫn nộ. Một người tàn tật đã 84 tuổi có thểtấn công, chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác đến mức cần "tiêu diệt" ngay tại chỗ hay không ? Không khởi tố vụ án làm sao có thể xác định câu trả lời về các dấu vết trên thi thể cụ Kình (khớp gối bị trật, các vết đạn ở tim và đầu). Ai đánh trật khớp gối, ai hoặc những ai bắn vào tim và đầu cụ Kình ?
Khớp gối của cụ Kình bị đánh trật trước rồi những cá nhân thi hành công vụ mới bắn vào tim, vào đầu hay ngược lại ? Không khởi tố vụ án, không điều tra, không thể xác định cả về mức độ tôn trọng luật pháp của những người có liên quan trong khi thi hành công vụ (trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra - Điểm d, Khoản 2, Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ) lẫn nhân tính của họ.
Khởi tố để điều tra về việc "tiêu diệt" cụ Kình cũng là dịp trưng cầu giám định, xác định mức độ hợp lý của câu chuyện mà Bộ Công an kể : Một người có thể nắm chặt trái lựu đạn đã bị rút chốt, giữ cho nó không vuột khỏi tay nên không phát nổ khi nhận cùng lúc nhiều lực tác động rất mạnh đến nhiều phần khác nhau trên cơ thể (chân, tim, đầu) ? Nếu không những ai phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm sát, về ngụy tạo chứng cứ, câu chuyện, tìm đủ mọi cách bao che cho việc vi phạm các qui định pháp luật hiện hành ?
***
Nếu dùng Google với các từ khóa "police + administrative leave + shooting" có thể tìm thấy hàng chục ngàn trang web giải thích tại sao các quốc gia văn minh, thượng tôn luật pháp, đặt tất cả cảnh sát đã dùng súng bắn ai đó vào tình trạng "administrative leave" (tạm ngưng công tác) (5), kể cả khi có đầy đủ nhân chứng, bằng chứng cho thấy việc nổ súng là cần thiết và chính đáng. "Tạm ngưng công tác" đối với một cảnh sát do đã nổ súng bắn người là điều có tính đương nhiên để tổ chức điều tra, xác định đúng - sai.
"Tạm ngưng công tác"dành thời gian cho cảnh sát đã nổ súng bắn người viết báo cáo, trả lời thẩm vấn. Các Điều tra viên được ủy nhiệm điều tra dễ dàng hơn trong thu thập lời khai, bằng chứng của tất cả những cá nhân có liên quan, đánh giá và kết luận xem việc bắn người có vi phạm pháp luật hay không (?). "Tạm ngưng công tác" những cảnh sát đã nổ súng bắn người còn nhằm chứng minh với công chúng, quyền được sống vốn đã được Hiến pháp minh định là bất khả xâm phạm luôn được thượng tôn (6).
Ngoài ra, "tạm ngưng công tác" còn là cách giúp những cảnh sát đã nổ súng bắn người có khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết để hồi phục tâm lý, vì dù cần thiết và chính đáng, tước đoạt sinh mạng của một con người vẫn có thể gây ra chấn thương tâm lý.
"Tạm ngưng công tác" để tiến hành điều tra những cảnh sát đã bắn người, kể cả khi có đầy đủ bằng chứng, nhân chứng cho thấy nổ súng là cần thiết và chính đáng chính là hình thức nhắc nhở toàn bộ cảnh sát phải thận trọng, cân nhắc khi bắn ai đó.
Trong vài năm gần đây, trên mạng xã hội Việt ngữ, một số người thường sử dụng chuyện cảnh sát Âu – Mỹ nặng tay trong ngăn chặn tội phạm để biện minh cho cách hành xử của công an Việt Nam. So sánh này là một lối ngụy biện thô thiển vì cả công an Việt Nam lẫn hệ thống công quyền Việt Nam đều từ chối thực thi nghĩa vụ giải trình như cảnh sát Âu – Mỹ và tổ chức điều tra, minh bạch kết quả thẩm xét những tố giác, phàn nàn về lực lượng thi hành công vụ như hệ thống công quyền ở Âu – Mỹ.
***
Khởi tố để điều tra việc "tiêu diệt" cụ Kình không đơn thuần là đáp ứng mong muốn của nhiều người thuộc nhiều giới (7) mà sẽ là bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" hay không ? Liệu dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cótạo ra một xã hội thật sự văn minh, tất cả các công dân đều bình đẳng, hay Hiến pháp và pháp luật chỉ là công cụ để lừa gạt thiên hạ trong đối ngoại và thống trị công dân trong đối nội ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/02/2020
Chú thích :
(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Administrative_leave
(6) https://www.quora.com/Why-do-police-officers-go-on-administrative-leave-after-shooting-someone
Đất nước Việt Nam thực hiện "đổi mới" từ năm 1963, hơn 50 năm rồi mà thật sự không đổi mới được bao nhiêu, có người nói họ chỉ "đổi" mà không "mới", đổi mới mà vẫn như cũ, có khi không được như cũ !
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hình minh họa.
Có những việc lẽ ra phải thay đổi từ rất lâu mà vẫn cứ để nguyên.
Đó là việc tôn trọng và thi hành triệt để Hiến pháp.
Hiến Pháp là văn kiện pháp lý cơ bản, hệ trọng nhất của đất nước. Hiến Pháp là Luật Mẹ. Tất cả các đạo luật thông qua sau khi có Hiến pháp là để hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa những điều đã có trong Hiến pháp, không được trái, không được sai dù là nhỏ với Hiến pháp.
Theo thông lệ, khi có Hiến pháp, hay khi Hiến pháp có điểm gì bổ sung, thay đổi được quốc hội thông qua, ngành hành pháp là thủ tướng, chính phủ cùng với quốc hội phải bắt tay ngay vào việc bàn luận, sớm ra những Nghị định cụ thể để hướng dẫn việc thi hành được đúng đắn, đầy đủ, giải thích rõ ràng, phòng tránh mọi sự hiểu sai, làm sai, làm trái tinh thần và lời văn của hiến pháp.
Ví dụ như khi Hiến pháp nêu rõ việc công dân có quyền tư do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cư trú… chính phủ cùng quốc hội phải ra ngay những nghị định giải thích cặn kẽ và cụ thể hóa thành các bộ Luật chỉ rõ các quyền đó được thực hiện ra sao, phải được tôn trọng như thế nào, thế nào là vi phạm, và các vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao, ở những mức nào ?
Do đó mà có các bộ Luật Hình Sự, bộ Luật về Báo chí, Luật về tôn giáo, tín ngưỡng, Luật về cư trú, xuất nhập cảnh… được công bố để thực hiện.
Khi có công dân phạm luật, bị truy tố, ngành tư pháp sẽ chiếu theo Hiến pháp và luật pháp cùng các văn kiện pháp quy để mở các phiên tòa xử đúng người đúng tội, theo thật đúng luật, không thể tùy tiện, không được sai trái hay ra ngoài phạm vi quy định của luật pháp.
Vậy mà cho đến nay quốc hội và chính phủ qua bao nhiêu nhiệm kỳ đã bỏ qua, (hay cố tình bỏ quên ?) khá nhiều điều quan trọng trong Hiến pháp, mà không có Luật hay các Nghị định tương ứng để cụ thể hóa, hướng dẫn việc áp dụng.
Chỉ lấy ra 2 ví dụ. Các Hiến pháp từ năm 1946 đến các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện hành đều ghi rõ "quyền lập hội" và "quyền biểu tình" của công dân, 2 quyền cơ bản mà bất cứ công dân nước dân chủ nào cũng có quyền thực hiện một cách rộng rãi hàng ngày.
Hai năm nay, trong quốc hội đã có đại biểu nêu lên 2 vấn đề này để thảo luận, nhưng rồi vẫn bị trì hoãn kéo dài không hạn độ. Thế là có những nội dung lớn trong các bản Hiến pháp từ hơn 70 năm nay vẫn bị treo giò, treo lơ lửng, trì hoãn sự áp dụng, không cho thực thi trong cuộc sống ! Có nhiều trí thức chỉ còn biết than thở : quốc hội ta hiền quá, không hiểu hết, thật rõ hiến pháp và luật pháp phải thi hành ra sao cho đúng đắn, triệt để, cứ theo kiểu xin – cho, đảng cho đến đâu thì chỉ biết cúi đầu nhận đến đấy.
Chả vậy mà cô giáo viên Trần Thị Lam có mấy câu thơ :
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi
Rất mong kỳ họp cuối năm đang được tiến hành có đại biểu nêu lên, nhấn mạnh 2 vấn đề này cho rốt ráo, vì để hiến pháp bị treo giò hơn 70 năm thì vô lý quá, kỳ quá ! Sao đảng lại sợ dân biểu tình, sợ người công dân biểu hiện trung thực thái độ của mình đến thế ? Dân làm chủ ở chỗ nào ?
Nhớ lại thời ông Lê Duẩn, nói không ngừng "nhân dân làm chủ", "lấy dân làm gốc" để bị nhân dân mỉa mai rằng đảng "lấy dân làm guốc", "lấy dân làm củi" !
Sao đảng lại sợ các tổ chức xã hội dân sự của dân đến vậy, tất nhiên là các tổ chức mang tính chất dân chủ, xã hội, xây dựng đất nước, có lợi cho cuộc sống của nhân dân.
Ở các nước dân chủ văn minh thường có Viện Bảo hiến, hay Hội Đồng Hiến pháp có nhiệm vụ thúc đẩy việc thực thi thật nghiêm minh, triệt để, chính xác Hiến pháp và pháp luật.
Nếu tổ chức như thế cũng có ở nước ta thì quốc hội đã bị thổi còi nhắc nhở từ lâu, từ rất lâu rồi.
Rất mong các đại biểu quốc hội, các trí thức, nhất là đông đảo luật sư, các bạn sinh viên ngành luật, các tổ chức xã hội dân sự… tham gia ý kiến trong vấn đề này, liên quan đến quyền công dân, đến mong muốn xây dựng một chế độ pháp quyền nghiêm minh hiện đại, đi kịp với nền văn minh nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI.
Không thể để cho Hiến pháp bị coi thường, có thể nói là khinh thường trong một thời gian dài đến vậy !
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 14/11/2017