Lên tiếng khai mạc buổi hội luận, Đại sứ George Moose, Chủ tịch hội đồng quản trị Viện Hòa Bình Mỹ (USIP), được Quốc hội Hoa Kỳ thành lập năm 1980, nói rằng một trong những nhiệm vụ của USIP là tập hợp các đối tượng đa dạng để trao đổi kiến thức và ý tưởng cho mục đích tìm kiếm giải pháp trước những thách thức về hòa bình và an ninh cấp bách nhất
AFP
"Đó là lý do của Sáng kiến Hòa giải và Di sản Chiến tranh Việt Nam, khởi xướng bởi USIP vào ngày 3/8 năm nay, dẫn đến sự kiện trực tuyến hôm nay, gọi là ‘Giải quyết các Di sản của Chiến tranh Việt Nam’"
Sự hỗ trợ nhận được từ cả chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam là dấu hiệu cho thấy những tiến triển quan trọng trong việc xây dựng quan hệ đối tác có ý nghĩa giữa hai quốc gia sau khi chiến tranh kết thúc gần 50 năm. Ông Moose nói tiếp :
"Nhìn lại những thành tựu trong quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ, chúng ta có thể nhận ra là còn nhiều việc phải làm. Đáng chú ý nhất, chúng ta coi những di sản vật chất và phi vật chất của chiến tranh vừa là thách thức vừa là nền tảng cho sự hợp tác liên tục giữa hai phía, biết rằng cần có thời gian để hòa giải và hàn gắn toàn diện sau những xung đột…".
Tham luận viên đầu tiên được Chủ tịch Viện Hòa Bình Mỹ George Moose giới thiệu, là vị tướng không quân về hưu, ông Kelly McKeague, Giám đốc kế toán POW/MIA, cơ quan chuyên trách tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh trên toàn thế giới, gọi tắt là DPAA.
Theo ông Kelly McKeague, việc tìm kiếm rồi giám định thi hài quân nhân Mỹ tử trận hay mất tích từ Chiến tranh Thế giới lần hai cho đến cuộc chiến Triều Tiên, cuộc chiến Việt Nam… là công việc vô cùng khó khăn mà DPAA phải đương đầu :
"Dù khó nhưng mỗi con số cũng là một câu chuyện độc đáo với những ký ức xuyên suốt của một thời gian hàng chục năm, bên cạnh cả sự không chắc chắn liên quan đến nỗi mất mát người thân mà gia đình phải gánh chịu.
Công tác tìm kiếm người mất tích sau chiến tranh thế giới lần hai và cuộc chiến Triều Tiên diễn ra một cách vất vả, thì nhiệm vụ này sau chiến tranh Việt Nam đỡ hơn vì tận dụng được kỹ thuật và công nghệ hiện đại hơn"
Ông Kelly McKeague cho biết các nhóm điều tra POW/MIA đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam năm 1985, khởi sự làm việc từ ngày 19/8/1985. Nỗ lực cao cả được thực hiện chung và ngày càng phát triển, ông cho biết :
"Cho đến lúc này 145 hoạt động thực địa chung đã diễn ra với 51 nhân viên DPAA. Trong số quân nhân Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam, 72 người đã được tìm thấy trong hơn ba thập kỷ hợp tác. Sứ mệnh của chúng tôi được công nhận là một hoạt động nhân đạo, được hỗ trợ bằng yếu tố ngoại giao và sự can thiệp từ hai phía".
Đối với Việt Nam, ông McKeague trình bày tiếp, các bên liên quan đều đồng ý với nhau rằng chính lòng tin, thiện chí và nỗ lực những năm đầu là nền tảng để bình thường hóa quan hệ ngoại giao :
"Việt Nam đơn phương triển khai và đã hoàn thành tổng cộng 13 cuộc khai quật, thu hồi bốn bộ hài cốt được cho là của quân nhân Mỹ. Tháng ba vừa qua, một trong số những hài cốt này được xác định là Chỉ huy Paul Shalvey, phi công hải quân mất tích từ tháng 3/1960, được tìm thấy gần đảo Hòn Mễ".
"Điều quan trọng cần lưu ý là Việt Nam đã cho phép các đối tác tư nhân trong hai mươi hai tổ chức phi chính phủ tham gia vào công việc này. Họ đã tìm thấy hài cốt của Thiếu tá Không quân Paul Evilest ở New York, bị mất tích từ tháng 7/1967".
"Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức tưởng niệm 20 năm ngày xảy ra vụ tai nạn khiến tất cả những người trên máy bay thiệt mạng với các nghi lễ tại Lầu Năm Góc và tại Việt Nam ngay tại điểm máy bay rớt. Đây là một trong những sự kiện xác định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng được vun đắp".
Góp ý kiến tại buổi hội luận, Thượng tá Đoàn Quang Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, đồng thời là Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm người tử trận trong chiến tranh Việt Nam, nói :
"Việc xác định và khôi phục danh tính ngày càng khó hơn. Thách thức lớn nhất là có ít thông tin chính xác, địa hình lại thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế xã hội".
"Hầu hết những nhân chứng biết rõ thông tin về thời chiến đều đã già, trí nhớ mờ dần trong lúc tài liệu lưu trữ lại không đầy đủ".
Dựa trên số liệu thống kê, ông Hòa cho biết Việt Nam vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt chưa được tìm thấy và điều đó đòi hỏi hai bên cần tiếp tục phối hợp với nhau nhiều hơn :
"Trong năm 2021, Việt Nam đã nhận được một số thông tin và danh mục do DPAA cung cấp.Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương liên quan của Việt Nam xác minh các tài liệu đó.Tuy nhiên một số thông tin và danh mục đã được xác minh mà không có kết quả cụ thể vì thông tin và tài liệu vẫn còn rời rạc, khó thu thập. Do đó, chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ cung cấp thêm thông tin, tài liệu và các mục liên quan đến nhân sự Việt Nam. Mong rằng qua sự kiện hôm nay, các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ trao đổi nhiều kinh nghiệm với chúng tôi trong việc xử lý và xác minh thông tin, khảo sát khai quật và phân tích phê chuẩn sơ bộ và thông tin còn lại bằng công nghệ tiên tiến thông qua quá trình nghiên cứu và giảo nghiệm, phân tích và số hóa dữ liệu từ các hồ sơ và tài liệu có sẵn".
Cũng tại buổi hội luận trực tuyến, một đoạn phim ngắn về kết quả tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam tử trận và được chuyển về cho thân nhân, đã được trình chiếu.
Tiến sĩ Hải Nguyễn, Giám đốc Chương trình Khởi xướng Nghiên cứu Toàn cầu về Chiến tranh Việt Nam tại đại học Harvard ngỏ lời tri ân hai chính phủ cùng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sự hợp tác tích cực và lâu dài trong công việc tìm kiếm quân nhân tử nạn. Qua đó, ông chia sẻ :
"Đây là một thách thức vì thời gian trôi qua đã quá lâu, các nhân chứng già. Tôi sẽ quay lại với hơn ba triệu trang tài liệu, hình ảnh từ kho lưu trữ Quân đội Nhân dân Việt Nam qua hơn 900 thước phim từ năm 1975. Nhiều học giả và tôi đã sang Mỹ nghiên cứu. Nhiều tài liệu được coi là mất thời gian tính, ngôn từ trên những giấy tờ đó có thể không hội đủ điều kiện xác thực. Thật khó để giải thích hoặc tìm hiểu, vì vậy chúng tôi đã làm việc với các học giả khác nhau, áp dụng các kỹ thuật khác nhau. Chúng tôi cũng áp dụng lịch sử truyền khẩu miệng và những công cụ khác nữa để thấu hiểu thông tin về những người lính đã ngã xuống".
Tham gia trong buổi hội luận ngày 2/12 còn có sự hiện diện của ông Tim Rieser, trợ lý cao cấp về chính sách ngoại giao của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy.
Theo ông Rieser, không chỉ chương trình POW/MIA giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mấy chục năm qua, Mỹ còn tham gia giải quyết hệ lụy chiến tranh bằng công tác xử lý bom mìn còn sót lại sau thời chiến, đã gây thương vong cho nhiều thường dân Việt Nam, cũng như làm sạch môi trường ô nhiễm vì chất da cam tại sân bay Đà Nẵng và một số hoạt động khác do các cựu chiến binh Mỹ đảm nhận :
"Sáng kiến Hòa giải và Di sản Chiến tranh Việt Nam là sự hợp tác gần nhất trong 30 năm hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giải quyết một số di sản đau thương nhất của chiến tranh. Không có sự hỗ trợ trong nhiều thập kỷ của chính phủ Việt Nam thì những điều đó không thể xảy ra".
Đáng chú ý nhất vào những phút cuối của buổi hội luận là câu hỏi được người điều hợp chương trình đọc lên :
"Quí vị có tìm kiếm thông tin hoặc hài cốt của những người lính miền Nam Việt Nam hoặc những người đã chết trong các trại cải tạo sau chiến tranh hay không ?"
Tiến sĩ Hải Nguyễn cho đây là câu hỏi quan trọng. Ông nói :
"Có năm chiến trường ở Việt Nam và chúng tôi cùng theo dõi để tìm kiếm thông tin chi tiết của từng người đã tử nạn. Trong thời điểm chiến tranh trở nên khốc liệt thì tài liệu có thể bị mất. Và nếu chúng tôi tìm thấy các tài liệu liên quan đến binh lính miền Nam Việt Nam hoặc binh lính hay nhân viên Hoa Kỳ, chúng tôi cũng khuyến nghị cách xử lý như nhau"
"Ngoài Quân đội Nhân dân Việt Nam hoặc Mặt trận Giải phóng miền Nam, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về những người lính miền Nam Việt Nam chết trong các trại cải tạo sau năm 1975. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều này một cách khách quan nhất, đó là, cung cấp thông tin cho tất cả các bên vì đây là một phần trong sứ mệnh nghiên cứu của chúng tôi. Đó cũng là một sứ mệnh nhân đạo mà chúng tôi thực hiện. Các gia đình người Mỹ gốc Việt có thể tiếp cận thông tin của chúng tôi và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình của họ".
Tiếp lời Tiến sĩ Hải Nguyễn là là bà Thảo Griffiths, cố vấn độc lập về Di sản Chiến Tranh ở Hà Nội, bổ túc :
"Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ sự phân biệt hoặc khác biệt nào giữa miền Bắc và miền Nam, các tài liệu thiết yếu sẽ được cung cấp, được phân loại. Câu hỏi tiếp là những vấn đề nào có thể dẫn đến sự tin cậy giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào thời điểm này. Tôi nghĩ khi chúng ta cùng nhau hợp tác hiệu quả thì đó là sự đóng góp đáng kể và có ý nghĩa nhất".
Hội thảo kết thúc với lời cam kết và cảm ơn từ Phó trưởng phái bộ Việt Nam đến Hoa Kỳ, bà Hoàng Thanh Nga, một lần nữa tái khẳng định Việt Nam tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ bằng thiện chí cùng rất nhiều nỗ lực để mong hàn gắn vết thương chiến tranh đã thực sự chấm dứt gần 47 năm trước.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 05/12/2021
Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thăm Việt Nam (VOA, 12/04/2018)
Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Trung tướng David Berger, vừa có chuyến thăm Việt Nam để tìm hiểu, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam.
Trung tướng David Berger và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Hà Nội, ngày 9/4/2018.
Báo Hải quân Việt Nam cho biết chiều ngày 10/4, Trung tướng Berger đã gặp Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Phó Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam trích lời ông Berger nói : "Chuyến thăm lần này của đoàn là nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam, đưa mối quan hệ hợp tác giữa Hải quân Việt Nam và lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ngày càng đi vào chiều sâu".
Phía Việt Nam hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác quốc phòng như trao đổi đoàn, giao lưu tàu của hải quân hai nước, đào tạo, an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, báo Quân đội Nhân dân Việt cho biết hôm 9/4, Trung tướng Berger đã thảo luận với Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Việt Nam về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hải quân hai nước.
Tại một cuộc gặp với ông Berger hôm 9/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đánh giá cao vai trò của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đối với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế trong khu vực. Ông Ngọc khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
******************
Một dự luật được chính phủ Việt Nam công bố hôm 10/4 sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển sự linh hoạt nhiều hơn để nổ súng trong khi làm nhiệm vụ ngoài khơi, giữa lúc đang có căng thẳng vì tranh chấp ở Biển Đông.
Dự luật này, dự kiến sẽ được các nhà lập pháp biểu quyết vào cuối năm nay, sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển hành động quyết đoán hơn trong vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc. Cảnh sát biển Việt Nam hiện được trang bị các tàu tuần tra của Mỹ và Nhật Bản.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một thủy lộ nhộn nhịp với khối lượng thương mại 3 ngàn tỉ đôla qua lại hàng năm. Việt Nam và bốn nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, nơi được cho là có nhiều mỏ dầu và khí đốt.
Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên", theo bản dự thảo đăng trên website của Quốc hội.
Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp, dự thảo viết.
Việt Nam giờ cho phép cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa..
Mỹ đã trao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra để giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát và bảo vệ hàng hải của mình. Nhật Bản cũng đã cung cấp sáu tàu tuần tra đã qua sử dụng và hứa cấp thêm sáu tàu mới.
Việt Nam là nước đối đầu công khai nhất với Trung Quốc ở các vùng biển có tranh chấp trong Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam tháng trước đã đình chỉ một dự án khoan dầu ngoài khơi phía đông nam của công ty năng lượng Repsol, sau khi bị Trung Quốc gây áp lực.