Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xây chùa để rửa tiền tham nhũng

Hoàng Hải Vân, Tiếng Dân, 12/02/2019

Khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới, luật pháp đang minh bạch từng bước, nhiều luật lệ đang trong quá trình liên thông với quốc tế. Do đó, tiền tham nhũng mang ra tiêu dùng hay đầu tư sẽ khó dần, gửi ra nước ngoài thì không hề dễ nếu như không được rửa, chỗ có thể để trong nước thì đang thu hẹp. Nghe nói có một số quan chức biến tiền tham nhũng thành vàng thành kim cương rồi đào hầm trong nhà để cất, thỉnh thoảng xuống… ngắm. Thiệt là cực khổ cho các quan chức của ta, kiếm tiền thì dễ nhưng dùng tiền lại khó vô cùng. Nhưng, như người ta thường nói, cái khó ló cái khôn.

chua2

Chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, đang được gấp rút hoàn thành chờ Đại lễ Veskas 2019. Ảnh : Đức Nguyễn

Những nỗ lực dùng quyền thế để thiết lập đường dây tham nhũng khép kín, ví dụ như sử dụng Tổng cục Tình báo Bộ Công an đưa các hoạt động cướp đoạt tài sản công vào vòng bí mật để cho luật pháp không thể sờ gáy và dùng chính cơ quan siêu quyền lực kia để rửa tiền thông qua những công ty bình phong xem ra không thể là kế lâu dài được. Cho nên các vị phải tính những kế song song. Một trong những kế hữu dụng lâu dài nhất là đưa tiền tham nhũng vào chùa để rửa.

Một cựu quan chức cao cấp của một địa phương thuộc trung ương từng nói với tôi về một ngôi chùa hoành tráng của địa phương này được dùng làm lò rửa tiền như thế nào. Trước đây, mỗi khi được giao đất, doanh nghiệp nhận đất phải nộp cho cá nhân người đứng đầu địa phương một khoản tiền từ 8-10% giá trị lô đất tùy vị trí. Ông này từng nói thẳng với một nhà báo : "Tau không lấy tiền đó thì lấy gì chung cho mấy thằng ở trên", tất nhiên là ông nói mồm không bằng không chứng. Sau đó, có lẽ thấy việc này dễ bị lộ nên ông đã dùng cái chùa kia để rửa tiền. Chùa thì do ông cấp đất xây dựng, sư trụ trì là người ông sắp xếp đưa vào. Doanh nghiệp thay vì mang tiền phần trăm đến cho ông thì mang vào cúng chùa. Trụ trì được dùng một ít tiền đó để xây chùa đúc Phật, còn phần lớn chuyển lại cho ông. Ví dụ doanh nghiệp cúng vào chùa 10 tỷ thì phần chùa 1 tỷ còn phần ông 9 tỷ. Ông lấy tiền ra bất cứ lúc nào ông cần, để hối lộ các bộ, ngành ở trung ương và dùng riêng cho cá nhân ông. Nước ta chẳng có luật lệ nào kiểm soát tài chính của chùa chiền, nên dù tài thánh cũng không thể điều tra ra tiền mà ông dùng là tiền do doanh nghiệp đưa hối lộ. Chuyện này không thể nào tìm ra bằng chứng nếu như không kiểm soát được tài chính của chùa chiền, nên tôi không tiện nêu tên địa phương và quan chức liên quan.

Đó chỉ là một trường hợp xây chùa để rửa tiền mà tôi biết. Và những cái chùa như vậy có ở nhiều nơi. Ở đây tôi chỉ nói những ngôi chùa do các quan chức nhà nước bảo kê cấp đất xây dựng và sư sãi trụ trì do các quan chức này đưa vào. Còn chùa chiền truyền thống được các Phật tử cúng dường và được trụ trì bởi các bậc chân tu thì không nằm trong phạm vi có thể rửa tiền tham nhũng. Các bạn nên có sự phân biệt rõ ràng chuyện đó nhé.

Trường hợp mà tôi nói chỉ là việc rửa tiền của tham nhũng vừa vừa cấp địa phương. Còn cấp cao hơn thì tôi chưa có đủ thông tin, mặc dù vẫn có căn cứ để suy đoán.

Theo số liệu từ Zing.vn thì tập đoàn siêu chùa chiền Xuân Trường đã và đang triển khai các dự án tâm linh với diện tích đất siêu khủng : Ngoài quần thể Chùa Bái Đính "lớn nhất Đông Nam Á", nhà nước còn giao cho tập đoàn này 5.100 ha xây chùa Tam Chúc "lớn nhất thế giới", trong đó diện tích xây chùa 144ha, còn lại là quần thể kinh doanh "phụ trợ" chùa. Chưa hết, tập đoàn này đang chuẩn bị triển khai dự án 18.940 ha làm khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, 450 ha đất ở Hải Phòng cũng để xây chùa và đang xin 1000 ha thâu tóm luôn chùa Hương… Không ai có thể hiểu được tập đoàn này được thế lực nào bảo kê mà có thể chiếm được một diện tích đất lớn đến vậy để buôn tăng bán Phật.

Không thể đem chuyện rửa tiền nhỏ nhoi của cái chùa mà tôi nói ở trên áp dụng vào các quần thể siêu chùa chiền này. Rất khó có thể lần ra mối quan hệ ma mị giữa doanh nghiệp với các quan chức từ trung ương đến địa phương trong cuộc đại buôn bán kia. Chỉ biết rằng, nguồn thu ở đây là siêu khủng : từ sự cúng dường của Phật tử thập phương cho đến nguồn thu từ dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn… Tôi không có chứng cứ để nói tiền tham nhũng mang vào rửa ở đây, mặc dù rửa ở đây là không khó. Chỉ thấy rằng, ở đây quyền thế đang biến thành vốn liếng, thành siêu lợi nhuận. Và Phật không bao giờ có mặt ở những nơi này.

Hoàng Hải Vân

Nguồn : Tiếng Dân, 12/02/2019

**********************

Buôn tăng bán phật

Hoàng Hải Vân, Tiếng Dân, 11/02/2019

Vào thời nhà Lý, đạo Phật được triều đình trọng vọng một cách thái quá, cho nên dân chúng "quá nửa làm sư sãi" (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Còn chùa chiền thì mọc lên như nấm, đến nỗi một sử gia Phật tử như Lê Văn Hưu phải hạ bút : "Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư ? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng ?".

chua2

Với diện tích đất được cấp lên đến hàng nghìn hecta, Công ty Xây dựng Xuân Trường không chỉ có thể kiếm doanh thu từ chính công trình tâm linh mà còn từ hạng mục dịch vụ xây kèm. Ảnh minh họa 

Do được nhà nước bảo trợ, giới sư sãi thoái hóa biến chất trở thành một tầng lớp ăn trên ngồi trốc gây hại cho dân lành. Lịch sử còn ghi lại một lời tấu của Đàm Dĩ Mông : "Nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau. Bọn tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột. Những hành vi làm bại hoại mỹ tục, làm thương tổn danh giáo dần dần trở thành thói quen, như thế mà không cấm thì lâu ngày sẽ càng thêm lên hơn nữa" (theo Đại Việt sử lược). Vua Lý Cao Tông nghe theo lời tấu này, chỉ giữ lại vài chục người "còn biết danh giá" ở lại làm tăng, còn bao nhiêu sa thải hết. Nhưng đã quá muộn, nhà Lý đã bước vào suy vong, mà đó là một trong những nguyên nhân.

Thực tế lịch sử ở nước ta đã cho thấy, khi Nhà nước xử sự thiên lệch đối với vấn đề tôn giáo, xã hội trở nên hỗn loạn như thế nào. Gần đây nhất, chính quyền ông Ngô Đình Diệm quá trọng vọng đạo Thiên chúa và có biểu hiện đàn áp Phật giáo, nhiều gia đình buộc phải "tự nguyện" theo Công giáo cho an toàn, vì vậy mà ngay sau khi chính quyền ông Diệm sụp đổ đã có không ít gia đình mang bàn thờ Chúa ra đường đạp đổ. Cả Đức Phật và Đức Chúa Jesús đều do sự thiên lệch của chính quyền mà phải chịu oan ở nước ta.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà vào cuối thế kỳ 18, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ đã cấm Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cản tự do tín ngưỡng. Nhìn thấu những hậu quả của sự thiên lệch tôn giáo, các nhà lập quốc Mỹ thật là vĩ đại.

Ở Việt Nam ta ngày nay, nhìn chùa chiền mọc lên mà sợ hãi. Cả về số lượng, cả về quy mô, so sánh trên mọi tỉ lệ, chùa chiền hiện nay vượt xa gấp trăm gấp ngàn lần chùa chiền thời nhà Lý. Phá rừng làm chùa, thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm chùa, khắp nơi xây chùa, có xã 3-4 cái chùa. Chùa là nơi hoạt động mờ ám của quan chức như chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà hay cái chùa to gì đó ở miền trung, nơi vị sư trẻ đầy quyền thế có thể giúp doanh nghiệp "chạy" dự án. Chùa Bái Đính hoành tráng là nơi kinh doanh hái ra tiền, tập đoàn quản lý chùa Bái Đính còn được cấp hàng ngàn ha đất xây chùa với tham vọng là ngôi chùa to nhất thế giới, v.v…

Nhìn hình ảnh của vài vị trong tứ trụ của nhiệm kỳ trước tại một số ngôi chùa, người ta không thể không đoán già đoán non về sự mờ ám của các vị trong sử dụng chùa chiền, nhưng không có căn cứ để khẳng định điều gì. Nhưng điều chắc chắc là việc phá rừng làm chùa, việc sử dụng hàng chục hàng trăm hàng ngàn ha đất xây dựng một cụm chùa chiền để kinh doanh thì không thể không có sự bảo kê của nhà nước.

Phật tại tâm chứ không tại chùa. Ngay từ thời nhà Trần, Phật giáo Việt Nam đã có truyền thống "cư trần lạc đạo", rất xa lạ với việc xây chùa to đúc Phật lớn. Khi quan chức, kéo theo đó là bộ phận khá đông người dân lũ lượt đi cầu Phật chứ không còn tin vào lòng trung chính của bản thân mình, ấy là lúc cần báo động về sự suy thoái của quốc gia dân tộc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy những bài học lịch sử.

Hoàng Hải Vân

Nguồn : Tiếng Dân, 12/02/2019

Published in Diễn đàn

Năm 2007, Công an Thành phố Đà Nẵng khởi tố vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" (theo Khoản 1, Điều 258, Bộ luật hình sự). Cựu thiếu tá công an Đinh Công Sắt bị bắt về tội "rải truyền đơn và tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đà Nẵng". Tiếp đó, trung tá Dương Tiến, trưởng đại diện Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội và ông Nguyễn Phi Duy Linh cũng bị bắt. Cơ quan điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng cho rằng tướng Trần Văn Thanh là người chủ mưu của vụ này, nên ông Thanh liền bị khởi tố khi ông đang giữ chức Chánh Thanh tra Bộ Công an.

tranvanthanh1

Ông Trần Văn Thanh (bìa trái). Ảnh : internet

"Truyền đơn" ở đây là các văn bản của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề cập đến việc ông Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ của ông Phạm Minh Thông trong công trình cầu Sông Hàn và xây dựng đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/8/2009, Tòa xử vắng mặt tướng Trần Văn Thanh 18 tháng tù treo, các ông Nguyễn Phi Duy Linh bị phạt 36 tháng tù, Đinh Công Sắt 12 tháng tù treo. Riêng ông Dương Tiến 17 tháng 5 ngày tù, ngang với thời gian bị tạm giam nên được trả tự do ngay tại Tòa. Trừ ông Đinh Công Sắt được thả trước khi diễn ra phiên sơ thẩm, các bị cáo khác đều kháng nghị.

Tòa phúc thẩm y án với phiên sơ thẩm. Đối với trung tá Dương Tiến, mặc dù Tổng Biên tập Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh có công văn khẳng định bài báo "Nguyên nhân nào một số công dân khiếu kiện gay gắt ?" của ông Dương Tiến đăng ngày 10/5/2007 trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh không hề bị bất cứ tổ chức, cá nhân nào khiếu nại về nội dung, nhưng tòa vẫn không xem xét. Riêng đối với tướng Thanh, Viện phúc thẩm II Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị với Tòa phúc thẩm rằng tướng Thanh vô tội và đề nghị đình chỉ vụ án đối với ông, nhưng Tòa vẫn tuyên ông Thanh có tội, chỉ giảm án xuống còn 12 tháng tù treo, dù Tòa không đưa ra bằng chứng phạm tội nào.

Tướng Thanh và trung tá Tiến gửi đơn xin giám đốc thẩm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu đình chỉ vụ án đối với tướng Thanh và tuyên bố ông vô tội. Tại phiên phúc thẩm xét xử lại ngày 22/6/2012, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tuyên miễn tội và đình chỉ vụ án đối với tướng Trần Văn Thanh, kèm theo lời kết luận là việc truy cứu trách nhiệm hình sự tướng Thanh là "đúng", miễn tội là do đây là loại tội ít nghiêm trọng và hết thời hiệu truy cứu. Riêng trung tá Tiến thì không được xem xét.

Trên đây là tóm tắt sơ lược diễn biến của vụ án. Dư luận cho rằng, Vũ nhôm có vai trò rất quan trọng trong vụ này. Anh ta là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Bá Thanh trong việc đẩy ông Trần Văn Thanh ra khỏi thành phố Đà Nẵng và loại luôn ông ra khỏi ngành công an, vì với tư cách là Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Thanh biết quá nhiều về các hoạt động ngầm ở Đà Nẵng dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh.

Cách đây mấy tháng, tôi có viết một số stt trên facebook này đề cập đến mối quan hệ giữa Vũ nhôm và ông Nguyễn Bá Thanh, lúc ấy vẫn chưa ai dám động đến Vũ nhôm. Nhớ lại vụ án này, tôi có gọi điện cho tướng Trần Văn Thanh. Ông chỉ nói nhát gừng, bảo rằng không nên đề cập lại chuyện cũ ấy nữa. Từng làm Chánh thanh tra Bộ Công an, có lẽ ông hiểu những thế lực đáng gờm đang bảo kê cho Vũ nhôm, nên ông vẫn còn sợ.

Cho đến khi Vũ nhôm bị bắt. Hôm qua, một người bạn tôi ở Hà Nội gọi điện cho tôi, bảo anh vừa ngồi uống cà phê với tướng Thanh. Bạn tôi nói lại rằng ông ấy tuyên bố : Giờ thì không sợ nữa !

Hoàng Hải Vân

Nguồn : Tiếng Dân, 22/01/2018

Published in Diễn đàn

Là một bá tánh bình thường, dĩ nhiên tôi không thể biết ai là những kẻ bảo kê cho Vũ nhôm trước khi họ được cơ quan điều tra cho lộ diện.

vunhom1

Vũ nhôm, tướng công an Bùi Văn Thành và cha con Bùi Thành Nhơn (NovaLand), Bùi Cao Nhật Quân tạo nên một tập đoàn mafia, chuyên môn dùng con bài quyền – tiền để cướp đất.

Tôi chỉ thấy những điều như thế này :

1. Hàng chục khu đất công ở những vị trí đắc địa nhất của Đà Nẵng được bán cho Vũ nhôm với cái giá rẻ mạt không qua đấu giá, đã đem lại cho Vũ nhôm một khoản chênh lệch khổng lồ. Điều đó có nghĩa là, chính quyền thành phố Đà Nẵng thời đó đã mang một khoản tiền khổng lồ lẽ ra phải nộp vào ngân sách đem "biếu không" cho Vũ nhôm. Những người quyết định bán công sản một cách phi pháp này không thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Tôi cũng được biết, trong số những công sản được bán rẻ mạt cho Vũ nhôm nói trên, nhiều trường hợp được bán dưới sức ép của một cơ quan có quyền thế nào đó ở Trung ương, việc gây sức ép đó có để lại dấu tích bằng văn bản. Ai là người ký các văn bản gây sức ép phi pháp đó cũng nhất định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Từ một cái đơn của Vũ nhôm, Công an thành phố Đà Nẵng đã tùy tiện tước một phần quyền tự do đi lại của một công dân bằng cách cấm xuất cảnh đối với công dân này. Ai là người chỉ đạo và ai là người ký quyết định đó cũng phải bị truy cứu.

Bảo kê cho Vũ nhôm tất nhiên không chỉ có những người thuộc 3 thành phần nói trên, nhưng từ những đầu mối của 3 thành phần nói trên có thể lần ra cả một hệ thống. Cơ quan điều tra thừa khả năng để làm được điều này.

Chỉ xin lưu ý rằng, mặc dù được cảnh báo, nhưng Vũ nhôm vẫn được ai đó tạo điều kiện bỏ trốn ra nước ngoài. Và nếu như truyền thông ngoại quốc nói đúng, thì anh ta có ý định lấy cái mác là sĩ quan an ninh làm mồi đem "bí mật quốc gia" cung cấp cho những thế lực cần đến cái "bí mật" đó nhằm đổi lấy quy chế "tỵ nạn chính trị".

Tôi chắc rằng Vũ nhôm chẳng có "bí mật quốc gia" gì để mà đem đổi chác, ngoài cái bí mật của đường dây bảo kê cho anh ta. Nhưng hãy coi chừng, rất có thể ai đó trong đường dây bảo kê của anh ta sẽ bỏ trốn. Và những người này rất có thể nắm giữ bí mật gì đó để có thể mang đi đổi chác.

Cho nên, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt tính mạng cho Vũ nhôm trong trại giam để đề phòng diệt khẩu, không thể không quản thúc những kẻ bảo kê đã lộ diện.

Hoàng Hải Vân

Nguồn : Tiếng Dân, 14/01/2018

Published in Diễn đàn

Vụ Đinh La Thăng và những sai phạm tày đình tại Tập đoàn Dầu khí là cái giá phải trả cho sự chậm trễ của quá trình tự do hóa nền kinh tế theo định hướng của đường lối Đổi Mới. Nó hoàn toàn không phải là "mặt trái" của kinh tế thị trường mà là sự nửa vời của kinh tế thị trường được duy trì một cách có chủ đích dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

vunhom1

Phan Văn Anh Vũ - Ảnh minh họa

Nhóm lợi ích này lợi dụng "vai trò chủ đạo" của kinh tế nhà nước, sự lỏng lẻo của cơ chế quản lý tài sản công, được sự dung túng của những người có quyền lực không bị kiểm soát. Khi pháp quyền được lập lại, quyền lực được kiểm soát thì nhóm lợi ích này, dù đương chức hay đã về hưu, cũng khó mà thoát khỏi sự điều chỉnh của luật pháp.

Đối với trường hợp của Vũ nhôm thì phức tạp hơn nhiều. Suốt 15 năm anh ta làm mưa làm gió ở Đà Nẵng và nhiều nơi khác, nhưng không ai dám động đến anh ta. Từ một người kinh doanh nhỏ (làm nhôm), anh ta nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Bá Thanh trong những "phi vụ" đặc biệt, rồi lũng đoạn cả cơ quan Thành ủy và chính quyền thành phố, thâu tóm đất đai công sản, rồi đột nhiên trở thành một sĩ quan cao cấp (điều này không ai dám nói công khai, cho đến khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chính thức công bố anh ta là một thượng tá) và dùng tư cách đó đi dọa người khác để tích lũy tài sản.

Điều lạ lùng nhất là anh ta đã khống chế hầu như toàn bộ các cơ quan truyền thông chính thống lớn và phần lớn các địa chỉ đông người theo dõi nhất trên mạng xã hội. Cả "lề phải" lẫn "lề trái" đều không dám động đến anh ta. Ai gây bất lợi cho anh ta đều bị anh ta làm cho điêu đứng. Hiệu lực dập tắt thông tin bất lợi cho anh ta đối với truyền thông còn mạnh hơn là hiệu lực chỉ đạo của Ban Tuyên giáo. Tôi không tin là lãnh đạo các cơ quan truyền thông lớn bị anh ta mua chuộc, nhưng điều chắc chắn là có không ít các nhà báo đã bị anh ta biến thành công cụ hoặc bị anh ta khống chế làm cho sợ hãi. Theo tôi được biết thì có cả một số bộ trưởng và một số vị tướng công an cũng sợ thế lực của anh ta.

Thế lực bảo kê cho anh ta lớn đến cỡ nào, hàng rào bảo kê cho anh ta dày dặc tới đâu, chắc chắn sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra sau khi anh ta bị bắt.

Khi cơ quan an ninh tiến hành điều tra tình trạng vi phạm pháp luật của các dự án của anh ta và hàng chục công sản ở vị trí đắc địa mà thành phố Đà Nẵng bán cho anh ta với giá rẻ mạt không qua đấu giá, tôi đã từng cảnh báo trên trang facebook này, rằng những người trong cuộc và đối tượng bị điều tra, trong đó có anh ta, đều phải được bảo vệ để tránh bị diệt khẩu. Nhưng anh ta đã được tạo điều kiện trốn ra nước ngoài sau khi rút gần hết vốn tại các dự án ngay trước khi lệnh khởi tố được thực hiện. Việc bắt được anh ta chỉ là do ngẫu nhiên may mắn.

Đối với những kẻ bảo kê cho anh ta, việc tạo điều kiện cho anh ta chạy trốn chắc chắn sẽ bị quy trách nhiệm. Nhưng tôi đồ rằng, trách nhiệm của ai đó trong việc để cho anh ta chạy trốn sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với trách nhiệm của ai đó phải chịu từ những gì mà anh ta sẽ khai ra về những kẻ bảo kê khi anh ta bị bắt. Bởi vì, nếu như anh ta chạy trốn thì phần lớn vụ án sẽ bị kéo dài, có thể kéo dài đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Tôi không biết những kẻ bảo kê cho anh ta có tính toán như vậy hay không, điều này phải đợi đến sau khi kết thúc điều tra mới có thể biết được.

Đó là lý do nói rằng việc bắt ông Vũ nhôm còn khó hơn là bắt cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.

Điều đáng mừng là lực lượng trung kiên chính trực trong Bộ Công an hiện đang ở thế thượng phong.

Hoàng Hải vân

Nguồn : Tiếng Dân, 13/01/2018

Published in Diễn đàn