Xây chùa để rửa tiền tham nhũng
Hoàng Hải Vân, Tiếng Dân, 12/02/2019
Khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới, luật pháp đang minh bạch từng bước, nhiều luật lệ đang trong quá trình liên thông với quốc tế. Do đó, tiền tham nhũng mang ra tiêu dùng hay đầu tư sẽ khó dần, gửi ra nước ngoài thì không hề dễ nếu như không được rửa, chỗ có thể để trong nước thì đang thu hẹp. Nghe nói có một số quan chức biến tiền tham nhũng thành vàng thành kim cương rồi đào hầm trong nhà để cất, thỉnh thoảng xuống… ngắm. Thiệt là cực khổ cho các quan chức của ta, kiếm tiền thì dễ nhưng dùng tiền lại khó vô cùng. Nhưng, như người ta thường nói, cái khó ló cái khôn.
Chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, đang được gấp rút hoàn thành chờ Đại lễ Veskas 2019. Ảnh : Đức Nguyễn
Những nỗ lực dùng quyền thế để thiết lập đường dây tham nhũng khép kín, ví dụ như sử dụng Tổng cục Tình báo Bộ Công an đưa các hoạt động cướp đoạt tài sản công vào vòng bí mật để cho luật pháp không thể sờ gáy và dùng chính cơ quan siêu quyền lực kia để rửa tiền thông qua những công ty bình phong xem ra không thể là kế lâu dài được. Cho nên các vị phải tính những kế song song. Một trong những kế hữu dụng lâu dài nhất là đưa tiền tham nhũng vào chùa để rửa.
Một cựu quan chức cao cấp của một địa phương thuộc trung ương từng nói với tôi về một ngôi chùa hoành tráng của địa phương này được dùng làm lò rửa tiền như thế nào. Trước đây, mỗi khi được giao đất, doanh nghiệp nhận đất phải nộp cho cá nhân người đứng đầu địa phương một khoản tiền từ 8-10% giá trị lô đất tùy vị trí. Ông này từng nói thẳng với một nhà báo : "Tau không lấy tiền đó thì lấy gì chung cho mấy thằng ở trên", tất nhiên là ông nói mồm không bằng không chứng. Sau đó, có lẽ thấy việc này dễ bị lộ nên ông đã dùng cái chùa kia để rửa tiền. Chùa thì do ông cấp đất xây dựng, sư trụ trì là người ông sắp xếp đưa vào. Doanh nghiệp thay vì mang tiền phần trăm đến cho ông thì mang vào cúng chùa. Trụ trì được dùng một ít tiền đó để xây chùa đúc Phật, còn phần lớn chuyển lại cho ông. Ví dụ doanh nghiệp cúng vào chùa 10 tỷ thì phần chùa 1 tỷ còn phần ông 9 tỷ. Ông lấy tiền ra bất cứ lúc nào ông cần, để hối lộ các bộ, ngành ở trung ương và dùng riêng cho cá nhân ông. Nước ta chẳng có luật lệ nào kiểm soát tài chính của chùa chiền, nên dù tài thánh cũng không thể điều tra ra tiền mà ông dùng là tiền do doanh nghiệp đưa hối lộ. Chuyện này không thể nào tìm ra bằng chứng nếu như không kiểm soát được tài chính của chùa chiền, nên tôi không tiện nêu tên địa phương và quan chức liên quan.
Đó chỉ là một trường hợp xây chùa để rửa tiền mà tôi biết. Và những cái chùa như vậy có ở nhiều nơi. Ở đây tôi chỉ nói những ngôi chùa do các quan chức nhà nước bảo kê cấp đất xây dựng và sư sãi trụ trì do các quan chức này đưa vào. Còn chùa chiền truyền thống được các Phật tử cúng dường và được trụ trì bởi các bậc chân tu thì không nằm trong phạm vi có thể rửa tiền tham nhũng. Các bạn nên có sự phân biệt rõ ràng chuyện đó nhé.
Trường hợp mà tôi nói chỉ là việc rửa tiền của tham nhũng vừa vừa cấp địa phương. Còn cấp cao hơn thì tôi chưa có đủ thông tin, mặc dù vẫn có căn cứ để suy đoán.
Theo số liệu từ Zing.vn thì tập đoàn siêu chùa chiền Xuân Trường đã và đang triển khai các dự án tâm linh với diện tích đất siêu khủng : Ngoài quần thể Chùa Bái Đính "lớn nhất Đông Nam Á", nhà nước còn giao cho tập đoàn này 5.100 ha xây chùa Tam Chúc "lớn nhất thế giới", trong đó diện tích xây chùa 144ha, còn lại là quần thể kinh doanh "phụ trợ" chùa. Chưa hết, tập đoàn này đang chuẩn bị triển khai dự án 18.940 ha làm khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, 450 ha đất ở Hải Phòng cũng để xây chùa và đang xin 1000 ha thâu tóm luôn chùa Hương… Không ai có thể hiểu được tập đoàn này được thế lực nào bảo kê mà có thể chiếm được một diện tích đất lớn đến vậy để buôn tăng bán Phật.
Không thể đem chuyện rửa tiền nhỏ nhoi của cái chùa mà tôi nói ở trên áp dụng vào các quần thể siêu chùa chiền này. Rất khó có thể lần ra mối quan hệ ma mị giữa doanh nghiệp với các quan chức từ trung ương đến địa phương trong cuộc đại buôn bán kia. Chỉ biết rằng, nguồn thu ở đây là siêu khủng : từ sự cúng dường của Phật tử thập phương cho đến nguồn thu từ dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn… Tôi không có chứng cứ để nói tiền tham nhũng mang vào rửa ở đây, mặc dù rửa ở đây là không khó. Chỉ thấy rằng, ở đây quyền thế đang biến thành vốn liếng, thành siêu lợi nhuận. Và Phật không bao giờ có mặt ở những nơi này.
Hoàng Hải Vân
Nguồn : Tiếng Dân, 12/02/2019
**********************
Buôn tăng bán phật
Hoàng Hải Vân, Tiếng Dân, 11/02/2019
Vào thời nhà Lý, đạo Phật được triều đình trọng vọng một cách thái quá, cho nên dân chúng "quá nửa làm sư sãi" (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Còn chùa chiền thì mọc lên như nấm, đến nỗi một sử gia Phật tử như Lê Văn Hưu phải hạ bút : "Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư ? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng ?".
Với diện tích đất được cấp lên đến hàng nghìn hecta, Công ty Xây dựng Xuân Trường không chỉ có thể kiếm doanh thu từ chính công trình tâm linh mà còn từ hạng mục dịch vụ xây kèm. Ảnh minh họa
Do được nhà nước bảo trợ, giới sư sãi thoái hóa biến chất trở thành một tầng lớp ăn trên ngồi trốc gây hại cho dân lành. Lịch sử còn ghi lại một lời tấu của Đàm Dĩ Mông : "Nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau. Bọn tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột. Những hành vi làm bại hoại mỹ tục, làm thương tổn danh giáo dần dần trở thành thói quen, như thế mà không cấm thì lâu ngày sẽ càng thêm lên hơn nữa" (theo Đại Việt sử lược). Vua Lý Cao Tông nghe theo lời tấu này, chỉ giữ lại vài chục người "còn biết danh giá" ở lại làm tăng, còn bao nhiêu sa thải hết. Nhưng đã quá muộn, nhà Lý đã bước vào suy vong, mà đó là một trong những nguyên nhân.
Thực tế lịch sử ở nước ta đã cho thấy, khi Nhà nước xử sự thiên lệch đối với vấn đề tôn giáo, xã hội trở nên hỗn loạn như thế nào. Gần đây nhất, chính quyền ông Ngô Đình Diệm quá trọng vọng đạo Thiên chúa và có biểu hiện đàn áp Phật giáo, nhiều gia đình buộc phải "tự nguyện" theo Công giáo cho an toàn, vì vậy mà ngay sau khi chính quyền ông Diệm sụp đổ đã có không ít gia đình mang bàn thờ Chúa ra đường đạp đổ. Cả Đức Phật và Đức Chúa Jesús đều do sự thiên lệch của chính quyền mà phải chịu oan ở nước ta.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà vào cuối thế kỳ 18, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ đã cấm Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cản tự do tín ngưỡng. Nhìn thấu những hậu quả của sự thiên lệch tôn giáo, các nhà lập quốc Mỹ thật là vĩ đại.
Ở Việt Nam ta ngày nay, nhìn chùa chiền mọc lên mà sợ hãi. Cả về số lượng, cả về quy mô, so sánh trên mọi tỉ lệ, chùa chiền hiện nay vượt xa gấp trăm gấp ngàn lần chùa chiền thời nhà Lý. Phá rừng làm chùa, thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm chùa, khắp nơi xây chùa, có xã 3-4 cái chùa. Chùa là nơi hoạt động mờ ám của quan chức như chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà hay cái chùa to gì đó ở miền trung, nơi vị sư trẻ đầy quyền thế có thể giúp doanh nghiệp "chạy" dự án. Chùa Bái Đính hoành tráng là nơi kinh doanh hái ra tiền, tập đoàn quản lý chùa Bái Đính còn được cấp hàng ngàn ha đất xây chùa với tham vọng là ngôi chùa to nhất thế giới, v.v…
Nhìn hình ảnh của vài vị trong tứ trụ của nhiệm kỳ trước tại một số ngôi chùa, người ta không thể không đoán già đoán non về sự mờ ám của các vị trong sử dụng chùa chiền, nhưng không có căn cứ để khẳng định điều gì. Nhưng điều chắc chắc là việc phá rừng làm chùa, việc sử dụng hàng chục hàng trăm hàng ngàn ha đất xây dựng một cụm chùa chiền để kinh doanh thì không thể không có sự bảo kê của nhà nước.
Phật tại tâm chứ không tại chùa. Ngay từ thời nhà Trần, Phật giáo Việt Nam đã có truyền thống "cư trần lạc đạo", rất xa lạ với việc xây chùa to đúc Phật lớn. Khi quan chức, kéo theo đó là bộ phận khá đông người dân lũ lượt đi cầu Phật chứ không còn tin vào lòng trung chính của bản thân mình, ấy là lúc cần báo động về sự suy thoái của quốc gia dân tộc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy những bài học lịch sử.
Hoàng Hải Vân
Nguồn : Tiếng Dân, 12/02/2019