Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/02/2019

Một trận đánh BOT bẩn xuyên Việt : Thủ tướng Phúc nói gì đây ?

Nguyễn Hiền

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cùng 2 người bạn (Phương Ngô, Huỳnh Long) đã có hành trình xuyên Việt (từ Nam ra Bắc), không phải nhằm mục đích du lịch, mà hướng đến "đánh BOT bẩn", những BOT làm sai các quy định hiện hành của nhà nước để trục lợi.

bot2

"Cảnh sát giao thông Nghệ An trở thành bảo kê cho BOT Bến Thủy" - Ảnh minh họa 

Chỉ với 3 câu hỏi, trạm BOT Phú Gia - Phước Tường (Thừa Thiên Huế) đã mở barie (thanh chắn) cho nhóm tài xế đấu tranh chống BOT bẩn, mà không thu tiền.

"Thu phí gì em ơi, để mua vé nè ! Phí đường bộ, mà thu dự án gì ? Hầm phước tượng - phú gia cách đây bao xa ?", đó là ba câu hỏi mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh dành cho nhân viên thu phí khi qua trạm, bởi theo ông hầm Phước Tượng - Phú Gia cách BOT thu phí 25km, và với khoảng cách dài như vậy, nhiều người dù không sử dụng hầm đã phải trả tiền.

Minh bạch BOT, cách mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh làm tại BOT Phú Gia - Phước Tượng, và các BOT trước đó chính là thực thi một cuộc đấu tranh dân sự. 

Không dừng tại đó, theo chia sẻ của nhà báo Trương Châu Hữu Danh, sau Tết Nguyên đán, ông sẽ tổ chức đếm xe 24/24 tại 20 làn thu phí tại BOT An Sương nhằm củng cố nguồn tài liệu về lưu lượng xe đi qua trạm BOT này để nộp cho Trung ương (nhằm tránh gây thất thoát nguồn thuế).

Những việc làm của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã chạm vào "nồi cơm Thạch Sanh" của cơ số người, trong đó có nhóm cổ đông là những quan chức tại địa phương lẫn trung ương.

Một sự cố xảy ra khi nhóm nhà báo đi qua trạm BOT Bến Thủy, họ đã bị cản trở và vay hãm tại Nghệ An bởi lực lượng Cảnh sát giao thông với đội ngũ "dân thường phục gắn khẩu trang xanh", cùng lúc đó, 2 vợ chồng người dân khi chứng kiến sự việc cũng bị đánh và phá hoại tài sản ngay sát ngay tại trụ sở Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Trong khi nhóm Trương Châu Hữu Danh chấp nhận mua vé, thì nhân viên trạm vé tự ý bỏ trạm, và sau sự cố, báo Giao thông Vận tải đã đăng bài quy chụp các tài xề này về tội "gây rối".

"Cảnh sát giao thông Nghệ An trở thành bảo kê cho BOT Bến Thủy", đó là nhận định của không ít người sử dụng mạng xã hội Facebook về sự cố mà nhóm Trương Châu Hữu Danh đã gặp. Một bài báo trên báo Lao Động cũng được người dùng mạng xã hội trích dẫn, theo đó, trạm BOT Bến Thủy là điểm thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa nhà đầu tư CIENCO 4 với ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Tổng Giám đốc CIENCO 4.

Con đường đấu tranh của nhóm nhà báo Trương Châu Hữu Danh chính là con đường đấu tranh thuần túy dân sự, một việc đấu tranh thường thấy tại tất cả các nước - nơi mà vốn dĩ, sự tự trọng, ghét bất công vẫn còn hiện hữu. Chống BOT bẩn không phải là thách thức chính quyền - bởi bản thân nó là một công trình của tư nhân, mà chính là đảm bảo giá trị công trình đó tương xứng với người dân (về chất lượng con đường, về số tiền thu thuế được), đồng thời cũng thực hiện cái gọi là "chống lợi ích nhóm trong xã hội", đặc biệt là ở đội ngũ quan chức đang tại nhiệm hoặc đã về hưu.

Thập niên qua, khi BOT được khai sinh, bằng sự gian dối với sự bảo kê quyền lực, bằng cách huy động "một lực lượng vũ trang" bảo vệ BOT như từng diễn ra ở BOT Cai Lậy, BOT An Sương, BOT Bến Thủy,... mối liên kết đặc biệt giữa nhóm chủ nghĩa thân hữu (tư nhân với quan chức nhà nước) đã làm thất thoát tiền thuế nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam. Tương ứng với việc, hàng ngàn tỷ đồng của người dân Việt Nam đã phải bỏ ra một cách vô lý để "nuôi" nhóm quan chức và đầu tư tư nhân hủ bại về mặt đạo đức. Nói cách khác, việc làm của nhóm Trương Châu Hữu Danh chính là hành vi chống tham nhũng trong xã hội.

Facebooker Cung Trương Văn Gia Bảo trong một phản hồi trên trang của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã khẳng định rằng, ông và bà xã sẽ nhận nhiệm vụ nấu cơm cho các cháu (những người sẽ đếm lượt xe tại BOT An Sương), có canh rau, cá kho, chuối chín... Bởi theo ông, BOT bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là người nghèo. Thí dụ như : Một xe tải chở hàng hóa từ Nam ra Bắc phải tốn 1 triệu tiền xăng (chưa kể chung chi cho Cảnh sát giao thông), giờ phải trả tiền cho BOT bẩn 1 triệu nữa thì giá hàng hóa sẽ tăng lên, người giàu không ảnh hưởng nhiều, chỉ tội nghiệp cho dân nghèo thôi.

Một chính phủ minh bạch hay kiến tạo, sẽ là một chính phủ biết ủng hộ và bảo vệ người chống tham nhũng. Biết lắng nghe những người đấu tranh chống tham nhũng và luôn có chỉ đạo để bảo vệ họ. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết rõ ai có sân sau, thì cũng đồng thời ông tự tố cáo chính mình bất lực trước nạn sân sau đó.

Nhưng giờ đây, ông Thủ tướng có thể lấy lại uy tín và nâng cao địa vị chính trị của mình, bằng cách áp dụng sự "chỉ đạo Thủ tướng" trong làm rõ các khuất tất ở các trạm BOT. Nó không chỉ góp phần làm sạch con đường quốc lộ, tăng tiền thuế người dân, mà còn làm cho chính niềm tin xã hội vào một Chính phủ chống tham nhũng sẽ tăng lên. Sự khuyến khích, động viên lẫn bảo vệ nhóm Trương Châu Hữu Danh lúc này sẽ là cơ sở để làm tăng thứ hạng về phòng chống tham nhũng của Việt Nam theo xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc tế trong tương lai.

Nhưng đó là khi ông Thủ tướng "ưa chỉ đạo" thực sự chỉ đạo, bởi ông Thủ tướng cần xác định, việc hỗ trợ chống BOT bẩn chính là nhằm vào nhóm lợi ích lớn nhất, ù lì nhất và quyết liệt nhất, trong đó có thể có những người đã quen biết với ông trước đó.

Trong khi chờ động thái chỉ đạo từ ông Thủ tướng, thì nhóm chống BOT bẩn của nhà báo Trương Châu Hữu Danh tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng và động viên của người dùng mạng xã hội Việt Nam, về một trạng thái dám đương đầu và minh bạch hóa những lợi quyền dân sự của chính họ. Về tự thân tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thay vì thụ động ngồi chờ.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 11/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 594 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)