Quyết định của chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội lùi việc thông qua dự luật về đặc khu kinh tế sang kỳ họp kế tiếp cho thấy cường độ mãnh liệt của làn sóng phản đối đã buộc các nhà lãnh đạo phải nhượng bộ, ít nhất là trong thời điểm này. Nhưng các nhà quan sát và các nhà hoạt động cảnh báo đó chưa phải là thắng lợi cuối cùng mà có thể chỉ là một bước lùi tạm thời trong khi một luật gây tranh cãi khác đang sắp sửa được thông qua.
Văn phòng Chính phủ hôm thứ Bảy cho hay Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc - theo lịch trình lẽ ra được Quốc hội biểu quyết vào ngày 15 tháng 6 - từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV "để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện".
Bước đi này được đưa ra dường như để ứng phó với một làn sóng phản đối dữ dội từ công chúng đối với dự luật bị nhiều người cho là sẽ tạo điều kiện để người Trung Quốc đến thuê đất và chiếm giữ lãnh thổ của Việt Nam.
Đó là một phản ứng gần như đồng nhất, quyết liệt và ít thấy trong đời sống dân sự ở Việt Nam. Sự phẫn nộ lan tỏa khắp mọi tầng lớp nhân dân, chiếm lĩnh những dòng chia sẻ trên mạng xã hội và những cuộc trò chuyện ngoài đường phố.
"Xung quanh nhà tôi, tôi gặp một số người, họ nói là họ rất bức xúc, rất bức bối về chuyện này", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận chính trị và blogger thường xuyên của VOA, nói. "Và họ sẵn sàng đi biểu tình để phản đối việc thông qua một cách vội vã và hồ đồ dự luật đặc khu, bất kể là ai kêu gọi".
Nhiều người dùng Facebook đã đổi hình đại diện và hình nền của mình sang những khẩu hiệu như "Không Đặc khu" hay "Chống 99 năm" - khoảng thời gian mà nước ngoài được phép thuê đất theo dự luật này. Trong một post nhận được hàng chục ngàn "like" và chia sẻ trên Facebook, MC Phan Anh - một người dẫn chương trình nổi tiếng - đòi Quốc hội trưng cầu dân ý về dự luật này.
Cường độ của làn sóng phản đối cho thấy rõ những chính sách của chính phủ có phần chắc sẽ khơi lên phản ứng dữ dội nếu bị nhìn nhận là làm lợi cho Trung Quốc, nước có lịch sử xâm lược Việt Nam hàng ngàn năm qua và hiện đang quyết liệt tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông.
Phản ứng đó bùng nổ khi người dân cảm thấy tiếng nói của họ không được Chính phủ và Quốc hội tôn trọng, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định.
"Điều đó được chứng minh bởi việc bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh Bộ Chính trị đã kết luận chuyện đặc khu rồi và không trái với Hiến pháp, cứ thế mà thông qua thôi không cần hỏi ý kiến nhân dân", ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi nghĩ rằng nếu đảng và chính phủ cầm quyền không có động tác hoãn ngay dự luật đặc khu để nghiên cứu lại, điều chỉnh lại những chi tiết cực kì bất công, bất hợp lí thì có thể gây ra những hậu quả rất lớn về mặt xã hội, chính trị và kể cả quốc tế".
Dù ông Dũng cho rằng việc hoãn lại dự luật này có ý nghĩa to lớn cho nỗ lực cất lên tiếng nói của người dân, một số nhà hoạt động lưu ý đó có thể chỉ là một thắng lợi tạm thời và là một "bước tạm lùi" của chính phủ khi vấp phải phản ứng gay gắt của công luận.
"Nó là động tác ‘rút củi đáy nồi,’" nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy viết trong một bình luận gửi cho VOA. "Nhà cầm quyền sẽ tìm cách khác chứ không thể không có đặc khu. Thực tế cho thấy, Đảng cộng sản Việt Nam họ đã làm gì thì làm cho bằng được, dù sớm hay muộn, chỉ trừ khi họ nhận thấy nếu cố kỉnh, có thể đe dọa đến sự tồn vong của họ".
Tiến sĩ Dũng cho rằng chính phủ sẽ tìm cách "lách" vụ tranh cãi về dự luật đặc khu này giống như đã từng làm với vụ Đồng Tâm (trong đó người dân quyết liệt phản kháng việc cưỡng chế đất) hay vụ các trạm thu phí BOT bằng cách giao cho các bộ, ngành nghiên cứu.
"Nhưng mà cuối cùng sẽ trình lên y như cũ", ông nói.
Dù sự phẫn nộ về dự luật đặc khu có thể sẽ tạm lắng dịu sau quyết định hôm thứ Bảy, một dự luật gây tranh cãi khác sắp sửa được thông qua vào ngày 12 tháng 6 mà dường như thu hút ít sự phản đối hơn. Giới hoạt động cảnh báo quyết định này của chính phủ là một sách lược nhằm xoa dịu dư luận để dọn đường cho Luật An ninh Mạng được thông qua, bất chấp những lo ngại mà các tổ chức quốc tế đã nêu lên về quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư.
"Người ta chưa mường tượng được những cái tác hại, những cái nguy hiểm của dự thảo luật an ninh mạng này đâu", nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói với VOA. "Trong dự thảo luật an ninh mạng này có rất nhiều điều khoản vi phạm những quyền căn bản nhất của con người, vi phạm sự riêng tư, và thậm chí hạn chế sức sáng tạo của các công ty của người Việt Nam, ví dụ như là startup (công ty khởi nghiệp)".
Một thiếu tướng công an trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam vào tuần trước nói an ninh mạng là "không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình", và rằng dự luật này sẽ giúp đảm bảo điều đó.
Nhưng đó chính là nỗi lo ngại của ông Tuyến, một người thường xuyên bày tỏ quan điểm bất đồng trên mạng. Mới đây trên trang Facebook của mình, nhà hoạt động này đăng một hình đại diện mà trong đó ông bị bịt miệng bằng một mẩu giấy có dòng chữ "Luật An ninh mạng" kèm theo chú thích "Luật An ninh mạng = Bịt mồm dân. Phản đối !".
"Họ thông qua luật an ninh mạng này và nó có hiệu lực, sau này họ sẽ đề xuất luật đặc khu kia và khi đó không ai có thể có quyền nào mà dám ý kiến nữa", ông nói với VOA.
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 10/06/2018
Sự kiện ông Đinh La Thăng bị khởi tố không chỉ là cú "ngã ngựa" gây kinh ngạc của một ngôi sao đang lên trên chính trường Việt Nam mà nó còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng đang gia tăng cường độ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, giới quan sát nhận định. Kết cục của ông Thăng có phần chắc sẽ khơi lên nhiều đồn đoán về những đối tượng khả dĩ sẽ bị ông Trọng nhắm tới kế tiếp.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Ông Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hôm thứ Sáu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tạm giam vì những sai phạm trong quản lý kinh tế. Trước đó cùng ngày, Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hai nghị quyết cho thôi tư cách đại biểu quốc hội của ông, mở đường cho việc truy tố.
Được bổ nhiệm làm bộ trưởng giao thông ở tuổi 51, ông Thăng thuộc lứa lãnh đạo được xem là tương đối trẻ nằm trong diện quy hoạch nhân sự cho những vị trí cao hơn.
Ông nổi lên trên chính trường với những lời lẽ hùng hồn thu hút sự chú ý của giới truyền thông và người dân. Sau khi được điều về làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp tục chiếm lĩnh các hàng tít báo với những phát biểu hứa hẹn giải quyết những vấn đề như tham nhũng, tội phạm, giao thông và giáo dục.
Nhưng sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm hết sau khi Ban chấp hành trung ương Đảng hồi tháng 5 thi hành kỷ luật đối với ông và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị. Diễn biến này khơi lên đồn đoán rằng việc ông bị truy tố chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước cuộc gặp của họ ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 1, 2017.
Lần gần đây nhất mà một cựu ủy viên Bộ chính trị bị khởi tố là từ hàng chục năm trước. Vào năm 1979, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt về tội phản quốc sau khi đào thoát qua Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định ông Thăng là quân cờ lớn nhất bị đốn ngã tính tới giờ trên bàn cờ chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang đi những nước cờ ngày càng quyết đoán.
"Ông Trọng là người đặc biệt quan tâm đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam, nói. "Trong quan điểm của ông ấy muốn duy trì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì phải có được niềm tin của dân chúng", vốn đã bị xói mòn vì tình trạng tham nhũng tràn lan.
Tiến sĩ Dũng nhắc tới việc ông Trọng từng nghẹn ngào tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012 khi ông đọc bài diễn văn bế mạc. Ông đã thay mặt Bộ Chính trị nhận lỗi về hàng loạt những sai phạm xảy ra trong việc điều hành tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng.
"Điều đó để lại một ấn tượng tôi nghĩ là buồn và đau đớn lắm đối với ông Trọng", Tiến sĩ Dũng nói về việc ông Trọng đã không thể kỷ luật được ông Dũng tại hội nghị đó. "Ông ấy không thể bỏ qua được chuyện đó và phải gỡ gạc thể diện. Một trong những chuyện gỡ gạc thể diện chính là chuyện ông Trọng đang làm hiện nay, chưa phải trực tiếp đối với ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng mà đối với những người của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn như ông Đinh La Thăng".
Truyền thông trong nước cho biết ông Thăng, người từng là chủ tịch chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đang bị điều tra vì sự dính líu trong hai vụ án kinh tế được mô tả là "nghiêm trọng".
Ông bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Ông cũng bị quy trách về việc làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.
Giới phân tích nhận định mục tiêu chống tham nhũng của ông Trọng sắp tới có thể là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tiến sĩ Dũng nhận định việc khởi tố ông Thăng đánh dấu một cột mốc đặc biệt quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Nó cho thấy ông Trọng đã vượt qua điều mà ông Dũng gọi là "giới hạn tâm lý" của lớp lãnh đạo đương quyền, e sợ rằng những hành động mạnh tay của họ bây giờ sẽ bị thế hệ kế nhiệm "hồi tố".
"Và bây giờ ông ấy leo lên lưng cọp luôn", nhà bình luận chính trị này nói. "Đó là cơ sở để cho thấy rằng ông Trọng không chỉ dừng lại ở Đinh La Thăng. Khi mà đã cho bắt Đinh La Thăng rồi thì gần như chắc chắn là mục tiêu của ông Trọng là sẽ hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng. Vấn đề là có làm được hay không".
Ông Dũng lưu ý sự tương đồng giữa chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng vào năm 2017 và điểm khởi đầu chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2012.
"Tập Cận Bình lúc đó đã xác định một cái điểm hỏa và đã thanh toán cái điểm hỏa đó là Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng khánh và cũng là ủy viên Bộ Chính trị, đưa Bạc Hy Lai ra tòa và phải nhận án chung thân", ông nói.
"Tình hình như thế này thì chắc chắn nhẹ nhất là Đinh La Thăng sẽ phải nhận án chung thân".
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 10/12/2017
Tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, một lần nữa khiến mọi người chú ý với giải thưởng MacArthur Fellowship danh giá do Quỹ MacArthur, một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận lớn thứ 12 ở Mỹ, trao tặng.
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt trong phòng làm việc của anh tại Đại học Nam California, Los Angeles, California, ngày 23 tháng 9, 2017 (Hình : John D. & Catherine T. MacArthur Foundation)
Giải thưởng trị giá 625.000 đôla không kèm điều kiện ràng buộc, vinh danh 24 cá nhân "sáng tạo xuất chúng" đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như một "sự đầu tư vào tiềm năng của họ".
Ngay sau khi tin về giải thưởng được công bố lên truyền thông, người từng đoạt giải Pulitzer 2016 cho tác phẩm hư cấu ‘The Sympathizer’ (Cảm tình viên), chia sẻ với VOA những cảm xúc và suy nghĩ của anh về vinh dự mới nhất cũng như những dự định tương lai với khoản tài trợ hào phóng này.
VOA : Chúc mừng anh về giải thưởng MacArthur. Anh biết tin trong hoàn cảnh nào và phản ứng của anh ra sao ?
Nguyễn Thanh Việt : Thật ra cả mùa hè rồi tôi ở Paris và tôi vừa về lại Los Angeles. Tôi về nhà có lẽ được hai ngày thì nhận được một cú điện thoại từ Chicago. Tôi không nhận ra số điện thoại nên tôi nhắn tin và hỏi, ‘Ai vậy ?’ Họ nhắn lại và và nói, ‘Quỹ MacArthur đây’ nên tôi nghĩ, ‘Ồ, phải gọi cho họ ngay mới được.’ Tôi hoàn toàn ngạc nhiên và sốc đến mức tôi phải ngồi xuống trong suốt cả cuộc nói chuyện với họ, và kìm nén cảm xúc của mình vì tôi phải giữ kín tin này suốt một tháng và không được nói với ai khác ngoại trừ vợ tôi. Bây giờ thì cảm thấy thật hơn rất nhiều.
VOA : Anh là một tác giả tài hoa và trứ danh với một giải thưởng Pulitzer trong tay. Giờ lại được Quỹ MacArthur vinh danh. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với anh vào thời điểm này trong sự nghiệp ?
Nguyễn Thanh Việt : Ồ tôi nghĩ đó hiển nhiên là một vinh dự lớn lao nhưng mặt khác cũng cần phải có sự khiêm nhường, vì có rất nhiều những nhà văn khác lẽ ra có thể nhận được giải thưởng này, rất xứng đáng với giải thưởng này. Tôi nhìn về quá khứ và tôi nghĩ rằng những tác phẩm của tôi sở dĩ có ngày hôm nay là nhờ những phấn đấu của những nhà văn khác trước tôi trong việc tạo lập một số truyền thống nhất định trong văn chương của người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Việt, thường là những tác phẩm của những người da màu và thiểu số ở đất nước này. Và nhiều người trong số họ sáng tác vào thời điểm mà những giải thưởng và sự công nhận như thế này hãy còn chưa có. Vì thế ghi nhớ những phấn đấu của họ là thấy được những tác phẩm của tôi trong bối cảnh tổng thể.
VOA : Anh truyền tải trải nghiệm của anh là một người tị nạn vào những tác phẩm anh viết và đưa nó nên vị trí hàng đầu, nếu không phải là dòng chính. Anh đã được ca ngợi và được công nhận về điều đó. Anh có cho rằng trải nghiệm văn hóa sẽ tiếp tục là đề tài chủ đạo trong những tác phẩm tương lai của anh không ?
Nguyễn Thanh Việt : Tôi nghĩ nó phải là như vậy. Bởi vì toàn bộ lý do cho sự tồn tại của tôi trong tư cách một nhà văn là cố gắng đương đầu với những mối quan tâm của cá nhân tôi lẫn những liên hệ chằng chịt lớn hơn của những vấn đề xung quanh bản sắc, sự thân thuộc, và xung đột văn hóa không chỉ trong xã hội Mỹ mà còn ở những nơi khác, như Pháp, nơi mà người Việt Nam cũng tới định cư. Vì thế tôi không thấy những mối quan tâm văn hóa đó sẽ biến mất thậm chí nếu tôi viết những cuốn sách khác trong tương lai.
VOA : Có những chủ đề khác mà anh muốn khám phá trong tương lai không ?
Nguyễn Thanh Việt : Sự giao thoa của nghệ thuật và chính trị luôn là chủ đề trọng yếu đối với tôi từ thời còn là sinh viên. Tất cả những tác phẩm mà tôi đã xuất bản trong những năm qua đều nhắm trực diện vào sự giao thoa này. Và tôi nghĩ đó là một công trình cả đời đối với tôi vì tôi phải tìm hiểu xem nghệ thuật và chính trị liên hệ lẫn nhau ra sao, nghệ thuật biểu đạt những mối quan tâm chính trị như thế nào, cũng như nghệ thuật có thể giúp chúng ta tiến lên phía trước về mặt chính trị bằng cách nào. Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục đi theo hướng đó.
VOA : Là một nhà văn nhập cư, anh có nghĩ rằng nêu bật những trải nghiệm văn hóa của sắc dân thiểu số là điều ngày càng quan trọng không, đặc biệt là trong bầu không khí chính trị ở Mỹ hiện nay [trong đó chính quyền Trump đang thể hiện lập trường cứng rắn hơn về di dân] ?
Nguyễn Thanh Việt : Tôi nghĩ nêu bật những trải nghiệm của những sắc dân thiểu số ở Mỹ và ở những nơi khác lúc nào cũng là điều quan trọng, bởi vì hoàn cảnh và tình thế lưỡng nan mà những sắc dân thiểu số đối diện ở Mỹ không phải là điều mới mẻ. Dù rằng chúng ta cảm thấy như mình đang trải qua một khoảnh khắc khủng hoảng và xung đột khủng khiếp ở nước Mỹ ngày nay, song chuyện đó không mới. Nó có tính chu kỳ. Những gì mà chúng ta đang đương đầu ngày hôm nay đơn giản là hiện thân của những mâu thuẫn thâm căn cố đế, mang tính nguyên thủy trong xã hội Mỹ xung quanh chủng tộc, giai cấp, giới tính và dục tính mà tới nay chưa bao giờ được giải quyết. Vì thế cuộc khủng hoảng hiện thời đơn giản là hiện thân của những vấn đề sâu xa hơn trong xã hội Mỹ. Chúng ta đã đương đầu với chúng trong quá khứ, chúng ta đang đương đầu với chúng bây giờ, và tôi chắc rằng chúng ta sẽ tiếp tục đương đầu với chúng trong tương lai.
VOA : Khoản tiền tài trợ của Quỹ MacArthur không kèm điều kiện ràng buộc sẽ giúp anh phát triển văn chương của anh trong tương lai. Điều này chắc là khiến anh cảm thấy tự do lắm. Anh định dùng khoản tiền này như thế nào ?
Nguyễn Thanh Việt : Đúng là nó làm tôi cảm thấy rất tự do. Mà cũng nhiều áp lực nữa [cười]. Vâng, tôi nghĩ một phần khoản tiền sẽ phải được dành để thu xếp thêm thời gian cho việc viết lách. Nhưng lâu nay tôi vẫn là người ủng hộ nghệ thuật và tôi tin rằng nghệ sĩ cần phải dấn thân vào những phong trào xã hội. Vì thế tôi và mấy người bạn đã tạo ra một thứ gọi là Diasporic Vietnamese Artists Network (Mạng lưới Nghệ sĩ Việt Nam Hải ngoại) và tôi đã lập ra một trang blog với họ có tên là diaCRITICS, diacritics.org, đăng những bài viết về văn hóa, nghệ thuật, và chính trị của người Việt và người Việt hải ngoại. Những tác phẩm của tôi nằm vừa vặn trong văn cảnh đó vì tôi tin là tiếng nói của người Việt hải ngoại lâu nay quá nhỏ bé không thể nghe thấy, bị đè nén, rằng các văn nghệ sĩ người Việt vẫn phải chật vật tìm kiếm cơ hội cho chính mình. Vì thế tổ chức này và trang blog này thực sự quan trọng đối với tôi trong việc giúp tạo ra một không gian cho những nhà văn người Việt khác. Tôi sẽ thuê một biên tập viên bằng một ít tiền từ khoản tiền của MacArthur vì tôi không có thời gian để quản lý trang blog này nữa.
VOA : Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 14/10/2017