Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổ chức Phóng viên Không biên giới - RSF vào ngày Thế giới Chống kiểm duyệt Internet 12/3 năm 2020, đã công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, trong đó có Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

cyber1

Huy hiệu Lực lượng 47 thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, Lực lượng 47 gồm 10.000 người chiến đấu chống lại những tiếng nói dân chủ và những người bị cho là chống đối chính phủ.

Lực lượng 47 đã sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đe dọa, giám sát hoặc kiểm duyệt các nhà báo và do đó làm giảm nghiêm trọng quyền tự do thông tin trên Internet.

Trả lời RFA hôm 12/3, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhận định :

"Thật sự đây là cuộc đấu tranh không cân sức, bởi vì những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì không có nguồn lực bằng lực lượng 47 của họ, họ có hàng chục ngàn người. Họ được nhà nước tài trợ không chỉ tiền bạc mà còn kỹ thuật, có thể nói họ có nguồn lực vật chất hơn hẳn các nhà đấu tranh".

Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nhận định :

"Việc lực lượng 47 tìm cách đánh phá và hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí của người Việt trong và ngoài nước, là điều báo chí nhất là Tổ chức phóng viên không biên giới RSF đã rất để tâm và chú ý. Chính vì vậy, trong báo cáo RSF đưa ra vào năm 2020, có đưa lực lượng 47 vào 1 trong 20 tổ chức là kẻ thù lớn nhất của internet".

cyber2

Lực lượng 47 gồm 10.000 người chiến đấu chống lại những tiếng nói dân chủ (phần lớn trên facebook) và những người bị cho là chống đối chính phủ.

Đây là điều rất chính xác, và cũng là thông tin để các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới, nhìn vào công bố này của Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, đánh giá về sự tệ hại của tự do internet tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự thật mới là sức mạnh vô địch, cho nên nếu các nhà đấu tranh biết và đừng lãng phí nguồn lực của mình, đó là nêu lên sự thật, và cố gắng tránh những chuyện đưa những thông tin không đúng sự thật thì có thể chiến thắng. Ông giải thích thêm :

"Bởi vì khi mình đưa tin giả, tin không đúng sự thật, tin không được kiểm chứng, thì mình tự làm mất uy tín của mình, và sức mạnh của mình sẽ giảm đi cả ngàn lần. Như thế mình lại không khác gì bọn dư luận viên, bởi vì bọn dư luận viên rất đông nhưng tác động không nhiều, bởi vì họ không nói sự thật. Thật sự tuy họ có sức mạnh vật chất, tiền bạc rất nhiều, nhưng tôi nghĩ, nếu những người đấu tranh biết cách của mình và quan trọng nhất là chuyên đưa sự thật, không bóp méo thông tin, không đưa tin giả, thì cái số ít người đấu tranh ấy sẽ ngày càng nhiều lên và chắc chắn sẽ chiến thắng".

Tổ chức Freedom House vào ngày 5/11/2019, cũng liệt Việt Nam vào danh sách những quốc gia không có tự do Internet.

Với nhan đề "Khủng Hoảng Mạng Xã Hội " Freedom House cho biết tiến trình khảo sát tự do mạng ở 65 quốc gia cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có điểm số từ 0 đến 39, là quốc gia không có tự do Internet.

Dưới mắt Freedom House, Việt Nam là quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi một đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, chưa kể Luật An Ninh Mạng nhằm hạn chế tự do Internet.

cyber3

Một hội nghị do Quân đội tổ chức về tập huấn và triển khai hoạt động của lực lượng 47

Nhà báo Ngô Nhật Đăng lại có nhận định :
"Tôi thấy tình hình thực tế như thế này, khi luật an ninh mạng có hiệu lực thì đáng lẽ việc kiểm duyệt internet ngày càng khó khăn hơn, nhưng tôi lại thấy hiện tượng nó có vẻ dễ dàng hơn, những chuyện bị ngăn chặn gỡ bỏ, report tấn công tài khoản Facebook nó không khắc nghiệt như trước đây. Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, thứ nhất nhà nước không còn đủ tiềm lực, để ngăn chặn mạng xã hội về mặt kỹ thuật, nhân lực, tài lực… thứ hai là mạng xã hội và người dân ngày càng nhiều người lên tiếng trong tỷ lệ hàng chục triệu người dùng internet, nên để bóp nghẹt như trước là điều bất khả thi".
Cũng theo Tổ chức Freedom House, Việt Nam trước đây từng nói rằng Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dùng trên mạng. Tuy nhiên nhà chức trách đã gia tăng các vụ bắt bớ và bỏ tù trong những năm gần đây nhắm vào những người bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Theo RSF, khi các phương tiện truyền thông Việt Nam đều tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản, nguồn thông tin được báo cáo độc lập là các blogger và nhà báo công dân, những người đang phải chịu những hình thức khủng bố khắc nghiệt hơn bao gồm bạo lực cảnh sát mặc thường phục.

cyber4

Hình ảnh bảng xếp hạng tự do báo chí toàn thế giới năm 2019 cho thấy Việt nam ở vị trí 176/180 gần đáy bảng xếp hạng)

Để biện minh cho việc tống giam và trừng phạt với các án tù dài, Đảng ngày càng sử dụng các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự, theo đó các hoạt động của các tiếng nói dân chủ được gắn các cơ quan điều tra và xét xử gắn thêm nhãn là nhằm lật đổ chính quyền, là tuyên truyền chống nhà nước và lạm dụng quyền tự do và dân chủ để đe dọa lợi ích của nhà nước.

RSF nhận định, dưới sự lãnh đạo của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, mức độ khủng bố các tiếng nói đã tăng mạnh trong hai năm qua, có người đã bị kết án đến 20 năm tù. Đó là trường hợp nhà hoạt động Lê Đình Lượng ở Nghệ An.

Từ Berlin, bản tin của tờ Thoibao.de cũng đưa ra nhận định :

"Về vấn đề tự do internet thì như các bạn đã biết, Việt Nam là đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo, và độc quyền dẫn đến độc tài, độc đảng. Ở Việt Nam có gần 4 triệu đảng viên được đảng sắp đặt những công việc, vị trí mà 90 triệu người dân không có giá trị gì với đảng cộng sản cả. Chính vì vậy trong thời đại thông tin internet mở rộng, lực lượng 47 là lực lượng khá nồng cốt của đảng, tìm mọi cách chống lại tất cả những thông tin sự thật đang tràn vào Việt Nam. Nhưng những người làm chuyện đó có trình độ văn hóa có vẻ là thấp, nên cũng gây ra khá nhiều phiền phức".
Bản tin cho biết thêm, Tổ chức phóng viên không biên giới RSF đưa ra thống kê việc lực lượng 47 đã báo cáo làm nhiều người đấu tranh bị khóa tài khoản, hoặc đưa ra những bình luận rất thô tục… nhằm mục đích để những người đấu tranh ngại không viết nữa. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện có hàng chục triệu tài khoản và dám mạnh dạn nói lên sự thật. Do đó Lực lượng 47 ngày càng lép vế trước những thông tin sự thật của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói hơn 10.000 người đấu tranh trên mạng mang tên "lực lượng 47" do được thành lập theo Chỉ thị 47 của quân đội.

Phát biểu tại hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo, tướng Nghĩa cho biết thêm là lực lượng này là những người "vừa hồng vừa chuyên", một thuật ngữ ở Việt Nam để chỉ những người vừa trung thành với lý tưởng của đảng cộng sản, vừa giỏi về công việc chuyên môn. Họ được cho là "kiên định lập trường" và có kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ, ông nói rằng "chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái".

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, viết trên Facebook cá nhân rằng lực lượng dư luận viên, ước tính phải lên đến khoảng 100.000 người.

Ông nêu dẫn chứng là tin tức trên báo chí từ năm 2013 cho hay Ban Tuyên giáo ở thời điểm đó thống kê đã có khoảng "80.000 truyên truyền viên miệng". Giờ đây, con số đó được bổ sung với lực lượng 47 của quân đội, và nhiều khả năng cũng có một lực lượng tương tự của công an, nhưng chưa rõ thông tin về số lượng người bên công an.

"Lực lượng đó rất đông, gây tốn kém cho xã hội rất nhiều. Sản phẩm của họ không đem lại lợi ích gì cho xã hội. Thậm chí còn bôi bẩn không gian mạng, và gây tác hại rất xấu đến xã hội. Thật ra bây giờ đảng [cộng sản] cầm quyền nắm hết tài nguyên, nắm hết tiền thuế của dân. Cho nên họ làm mọi chuyện, chi tiêu mọi chuyện nhằm mục đích bảo vệ đảng. Cho nên cái lực lượng 100.000 đó hoặc là nhiều hơn vẫn trả được tiền".

cyber5

Các hoạt động tưởng niệm gần tượng đài Lý Thái Tổ từng nhiều lần bị lực lượng Dư luận viên ngăn cản Nhà báo Vũ Hữu Sự có bài viết trên Facebook cá nhân của mình với tựa đề : Dư luận viên, họ là ai ? - Miêu tả phần nào bản chất của những dư luận viên này.

Các hoạt động tưởng niệm gần tượng đài Lý Thái Tổ từng nhiều lần bị dư luận viên ngăn cản. Nhà báo Vũ Hữu Sự viết :

"Một người quen của tôi là sĩ quan quân đội cấp tá bảo : "Cũng vì miếng cơm manh áo thôi bác ạ. Những dư luận viên ấy, họ cũng biết những gì họ viết là vô lý, là thất đức, là trái với đạo làm người. Nhưng họ bắt buộc phải viết đấy thôi".

Tôi ngạc nhiên : Nói điều gì là xuất phát từ tâm từ óc họ, ai bắt được họ chứ.

Ô, thế bác không biết dư luận viên là gì à ? Để em nói bác nghe. Tất cả đều là người nhà nước cả, tức đều là công chức, viên chức, chiến sĩ, sĩ quan ở các cơ quan, đơn vị quân, dân, chính, đảng. Hầu hết đều là đảng viên. Tất cả các dư luận viên ấy đều được giao nhiệm vụ hết sức cụ thể, mỗi đơn vị có người phụ trách dư luận viên ở cơ quan mình. Toàn bộ dư luận viên trên cả nước do một cơ quan trung ương chỉ huy, quản lý. Mỗi dư luận viên đều không được dùng tên thật của mình, mà lấy một cái tên giả để lập tài khoản trên mạng xã hộ.

Do đều ngu dốt nhưng lại rất cuồng tín (mà dù có bằng cấp đầy mình thì cũng không thể phản bác nổi những bài báo đanh thép, uyên thâm, căn cứ trên những chứng cứ hết sức sác thực của những cây bút vừa dũng cảm vừa có nhân cách lớn, tức những người "uy vũ bất năng khuất") nên bọn chúng đa số đều bình luận một cách hết sức tục tĩu, bẩn thỉu và ngu dốt, cứ y như thể một bầy chó điên ấy". Người sĩ quan cấp tá kể lại.

Từ trải nghiệm cá nhân, ông Chênh nói các tuyên truyền viên, dư luận viên đa số không tranh luận đàng hoàng, không đưa ra được các lý lẽ thuyết phục khi trao đổi ý kiến trên mạng về các bài viết của các blogger, hay các nhà hoạt động bàn về các chính sách, hoạt động của nhà nước, hay các vấn đề xã hội.

Ông Chênh nhận xét rằng các dư luận viên, đa số sử dụng "ngôn ngữ thô lỗ, hăm dọa, hay thóa mạ", nhằm đè bẹp quyền tự do ngôn luận.

"Cụ thể như tôi là hàng đêm hàng chục tin nhắn gửi về hộp thư hoặc messenger của tôi. Và thực tế bạn bè tôi cũng cho biết họ cũng nhận được các tin nhắn rất là tệ hại như vậy. Và những bài viết mà chửi bới, xúc phạm cá nhân, bôi nhọ cá nhân thì đầy rẫy trên mạng".

Nhà báo Võ Văn Tạo chỉ ra rằng cách hành xử của các tuyên truyền viên, dư luận viên không chỉ "vô bổ" đối với xã hội mà còn có hại cho hình ảnh của đảng.

"Tuyệt đại đa số anh em viết lách kiểu đó, được huy động làm chuyện đó vì họ kém văn hóa nên họ có kiểu viết lách khiêu khích, cục cằn, thô bỉ lắm. Tôi nghĩ đứng từ góc độ người dân, người ta hiểu là những người đó chả ra gì. Đứng ở phía của đảng, nhà nước Việt Nam, cũng bất lợi cho họ. Bởi vì cái số đó bộc lộ một tầm văn hóa quá thấp. Thế thì người dân sẽ nghĩ là à quân của chính phủ, của đảng đây, nó chỉ đến thế thôi".

Cùng với nhiều người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, các nhà báo Võ Văn Tạo và Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng số tiền có thể là khổng lồ dùng để trả thù lao hoặc lương cho cả trăm ngàn dư luận viên, tuyên truyền viên lẽ ra nên được sử dụng hiệu quả hơn cho xã hội, như đầu tư và trường học, giáo viên hay hạ tầng.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : thoibao.de, 15/03/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung
Published in Diễn đàn

Trong nhiều tuần kể từ khi virus corona lây lan khắp thế giới, xuất hiện vố số vụ việc kỳ thị chống người Trung Quốc hoặc bất cứ ai trông giống người Châu Á.

engai1

Hình biếm họa này đã bị Đại sứ quán Trung Quốc tại Đan Mạch phản ứng là "gây tổn thương tới người dân Trung Quốc" và yêu cầu chủ báo và tác giả của tranh biếm họa, phải "xin lỗi người dân Trung Quốc". Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch đã từ chối và giải thích rằng "truyền thống tự do ngôn luận của Đan Mạch bao gồm cả tranh biếm họa"

Sự nghi ngại đối với người Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi đại dịch virus corona bắt đầu, thậm chí ngay cả ở Châu Á.

Sammi Yang lần đầu nhận thấy có cái gì đó ‘sai sai’ khi cô tới một phòng khám ở Berlin (Đức) và ngay lập tức bị cấm bước vào tòa nhà.

Các bệnh nhân khác xì xào sau cánh cửa phòng khám ; trong khi cô Yang - một nghệ sĩ trang điểm từ Trung Quốc - phải đợi bên ngoài trong thời tiết tháng Giêng lạnh giá

Cuối cùng, bác sĩ của cô cũng xuất hiện. Và câu đầu tiên bà bác sĩ nói là : "Đây không phải là vấn đề cá nhân nhưng…".

Rồi bà bác sĩ nói thẳng ra : "Chúng tôi không nhận bất cứ bệnh nhân Trung Quốc nào bởi vì loại virus Trung Quốc này" - cô Yang kể lại. "Tôi không có cơ hội để giải thích và nói rằng tôi khỏe mạnh". Thực tế là cô Yang không hề tới Trung Quốc thời gian gần đây.

Thậm chí ngay cả khi cảm thông tăng lên đối với các nạn nhân người Trung Quốc, đặc biệt sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên cảnh báo sự xuất hiện của virus corona - thì những biểu hiện phân biệt chủng tộc và bài ngoại liên quan đến virus này vẫn gia tăng.

Chống Trung Quốc và kỳ thị người Trung Quốc không phải là điều mới - Chủ nghĩa bài Trung là một hiện tượng đã tồn tại hàng thế kỷ.

Nhưng vô số cách mà Chủ nghĩa bài Trung thể hiện trong đại dịch corona cho thấy mối quan hệ ngày càng phức tạp hiện nay giữa thế giới và Trung Quốc.

Những chỉ trích thậm tệ liên quan đến virus corona đã xuất hiện khắp thế giới, được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau.

Ở những nơi mà người Châu Á là thiểu số như ở Châu Âu, Mỹ và Úc, Chủ nghĩa bài Trung có vẻ bị thúc đẩy bởi những định kiến hời hợt rằng, người Trung Quốc là bẩn thỉu và thiếu văn minh.

Bị gọi là "virus", ví dụ, là rất phổ biến. Cộng đồng thiểu số Châu Á bị xa lánh nơi công cộng và trở thành mục tiêu của các cáo buộc và các vụ tấn công phân biệt chủng tộc.

Các tiêu đề như ‘mối nguy hiểm màu vàng’, ‘Gấu trúc nhiễm virus Trung Quốc’, ‘Trẻ em Trung Quốc nên ở nhà’ xuất hiện trên các báo ở Úc và Pháp.

Với thông tin rằng, virus này bắt nguồn từ một chợ buôn bán động vật hoang dã và có thể lây từ loài dơi, các lời đùa cợt quen thuộc rằng, người Trung Quốc ăn bất cứ thứ gì biết ‘động đậy’ đã lan truyền khắp nơi.

Trong khi các bình luận tương tự cũng xuất hiện ở Châu Á, các chỉ trích chống Trung Quốc được thực hiện với giọng điệu bài ngoại ở mức độ sâu sắc hơn. Một chủ đề phổ biến là nghi ngờ có phải chính Trung Quốc đã làm lây lan virus này cho dân của họ.

Tại Singapore và Malaysia, hàng trăm ngàn người đã ký một thỉnh nguyện thư online kêu gọi cấm công dân Trung Quốc vào lãnh thổ nước mình. Và chính phủ cả hai nước này đã ‘cấm cửa’ với người Trung Quốc ở một số địa điểm.

Ở Nhật Bản, nhiều người gọi người Trung Quốc là "những kẻ khủng bố sinh học", trong khi thuyết âm mưu về việc Trung Quốc làm lây nhiễm virus cho người dân, nhất là người Hồi giáo, đã sinh sôi nảy nở ở Indonesia và các nơi khác.

"Ở phương Tây, Trung Quốc bị nhìn nhận như vậy và bị loại bỏ, và Chủ nghĩa bài Trung ở đó có khuynh hướng sinh ra từ sự không quen thuộc. Nhưng ở Châu Á và Đông Nam Á, nó sinh ra từ quá nhiều sự quen thuộc", Giáo sư Donald Low, một học giả tại Hong Kong, người nghiên cứu về chính sách công Trung Quốc, nói.

Ở Châu Á, nhiều thế kỷ qua, cái bóng của Trung Quốc đã phủ lên các lĩnh vực như tranh chấp khu vực, bất bình về lịch sử và làn sóng di dân Trung Quốc. Gần đây, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và việc họ giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương đã làm dấy lên sự tức giận và nghi ngờ đặc biệt ở Đông Nam Á - nơi có dân số Hồi giáo đáng kể.

engai2

Tại Seoul, Hàn Quốc lúc 12g ngày 22/02/2020 : Hàng ngàn người biểu tình phản đối chính phủ và tẩy chay Trung Quốc, sau khi số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên tới 433

Tiền và đầu tư Trung Quốc đổ vào khu vực được chào đón, nhưng cũng làm dấy lên ngờ vực về sự thống trị và bóc lột với rất ít lợi lộc đem về cho kinh tế địa phương.

Thậm chí, ngay cả trong các nước chủ yếu là người Hoa, như ở Hong Kong và Singapore, đã có một sự gia tăng trong tình cảm chống đại lục, một phần do những lo lắng kéo dài về việc người Trung Quốc nhập cư, bản sắc, cũng như ảnh hưởng từ Bắc Kinh.

Kỳ thị cũng tạo ra sự phản kháng chống phân biệt chủng tộc, như đã thấy trong bức tranh graffiti của Ý này có nội dung : "Có một dịch bệnh của sự thiếu hiểu biết ở khắp nơi… Chúng ta phải bảo vệ chính mình".

Một số người tin rằng làn sóng bài Trung này chủ yếu là do việc Trung Quốc đã cư xử thế nào, cả trong khủng hoảng hiện thời và trong các năm gần đây trên trường thế giới.

Thái độ chung đối với Trung Quốc là một hỗn hợp của "kinh ngạc và coi thường", Giáo sư Low cho hay.

"Đối với một số người đang xem xét cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng virus corona", có sự ngưỡng mộ đáng kinh ngạc về những gì người Trung Quốc có thể làm, chẳng hạn như xây bệnh viện trong vài ngày. Nhưng cũng có sự khinh miệt vì họ không thể kiểm soát những thứ như buôn bán động vật hoang dã, hoặc tính minh bạch".

Giới chức Trung Quốc đã thừa nhận rằng họ quá chậm trễ trong các báo cáo và kiểm soát ban đầu về dịch bệnh, và đã bị trừng phạt vì cách họ đối xử với bác sĩ Lý Văn Lượng - người từng bị cảnh sát điều tra khi ông gửi thông tin cho đồng nghiệp cảnh báo sự xuất hiện của virus corona.

engai3

Người biểu tình Ukraine tấn công xe bus chở người về từ Vũ Hán lo sợ virus có thể lây lan vào thị trấn Novi Sanzhary, nơi có dân số khoảng 10.000 người

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách quảng bá một Trung Quốc mạnh mẽ và tự tin, thông điệp được truyền đi là Trung Quốc là một đối tác có trách nhiệm, trong khi nước này đã đầu tư hàng triệu đô la vào các nước khác trên khắp thế giới.

Nhưng Trung Quốc không ngần ngại tăng cường ‘sức mạnh cơ bắp’, như đã thấy trên mặt trận truyền thông khốc liệt trong thời gian chiến tranh thương mại với Mỹ ; hay việc có thêm bằng chứng về chương trình gián điệp nhà nước sâu rộng của Trung Quốc, và việc họ không ngừng đặt ra các yêu sách đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

"Họ muốn được yêu mến, nhưng cũng muốn được e sợ", Giáo sư Low nói.

Sự giàu có ngày càng tăng của Trung Quốc dẫn đến số lượng khách du lịch và sinh viên đến thăm và sống ở khắp nơi trên thế giới tăng vọt hơn bao giờ hết, khiến sự hiện diện của nước này rõ rệt hơn. Các báo cáo lẻ tẻ về hành vi xấu cùng với sự hiện diện đông đảo của họ đã làm nảy sinh những định kiến về khách du lịch Trung Quốc thô lỗ hay sinh viên Trung Quốc siêu giàu vung tiền qua cửa sổ.

Dĩ nhiên, không phải nơi nào trên thế giới cũng có chung nỗi nghi ngại về Trung Quốc như chúng ta có thể thấy rõ ở Tây Âu, Mỹ và Châu Á. Người dân Nam Mỹ, Châu Phi và Đông Âu nhìn nhận về Trung Quốc tích cực hơn, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Những năm gần đây, một số lượng đáng kể những chỉ trích chống Trung Quốc đến từ Mỹ - đặc biệt dưới thời chính phủ Trump, theo Giáo sư Barry Sautman, một nhà xã hội học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.

engai4

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Hoa kỳ đối với dịch cúm Vũ Hán và cấm nhập cảnh đối với người từng đến Trung Quốc trong vòng 2 tuần trước đó

Chính Mỹ đã có lịch sử lâu dài về Chủ nghĩa bài Trung, đáng chú ý nhất là Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882 cấm lao động người Trung Quốc sau làn sóng nhập cư bắt đầu từ Gold Rush. Làn sóng hiện nay trùng khớp với việc này, và có lẽ một phần là do sự gia tăng của chủ nghĩa bản địa bài ngoại của Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới, Giáo sư Sautman nói.

"Trung Quốc hiện này đang được nhìn nhận là kể thách thức quyền bá chủ của Hoa Kỳ, và hầu hết mọi khía cạnh của những gì chính phủ Trung Quốc đang làm đã bị chỉ trích nặng nề. Kết quả là rất nhiều người trên thế giới nhắm vào đó, và nó dựa trên Chủ nghĩa bài Trung đã ăn sâu trong lịch sử, như ở Châu Á", ông nói.
Trong vài tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải những bài bình luận buộc tội chủ nghĩa kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đáng chú ý là bằng tiếng Anh và nhắm vào độc giả toàn cầu.

Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ các bài tường thuật trên truyền thông quốc tế về cách họ đối phó với dịch virus corona. Trung Quốc gọi đó hoặc là thông tin sai lệch, hoặc kỳ thị chống lại Trung Quốc. Người dẫn chương trình nổi tiếng Liu Xin của CGTN so sánh việc này với "tấn công Trung Quốc khi họ đang yếu".

Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc họp ngay mùng 1 Tết, ông Tập Cận Bình lên tiếng cảnh báo về "tình trạng nghiêm trọng" do dịch bệnh lây lan.

Chính phủ Trung Quốc chính thức chỉ trích các nước, nhất là Mỹ, đã "tạo ra và gieo rắc nỗi sợ hãi" bằng cách ban hành lệnh cấm nhập cảnh "không cần thiết" đối với du khách Trung Quốc.

Trong khi đó, căng thẳng và thất vọng đối với sự kỳ thị ngày càng sâu sắc tại nhiều cộng đồng thiểu số Trung Quốc và Châu Á, khi đại dịch diễn biến phức tạp mà chưa có dấu hiệu kết thúc.

"Tôi thấy sợ hãi", cô Yang, nghệ sĩ trang điểm ở Berlin mà chúng tôi đề cập ở đầu bày nói. Yang dự định sẽ tránh ra ngoài trong vài tuần tới.

Không phải những gì cô Yang trải qua tại phòng khám đã khiến cô hoảng sợ. Một người bạn Đức gốc Á gần đây cũng bị quấy rối tại một nhà ga xe lửa, trong khi một phụ nữ Trung Quốc bị tấn công dã man trên đường về nhà. Cảnh sát Berlin xếp vụ này vào loại phân biệt chủng tộc. Người phụ nữ Trung Quốc khẳng định trên mạng xã hội rằng bà bị gọi là "virus" và bị đánh đập sau khi bà chống trả.

"Tôi không muốn cự cãi với những người gọi tôi là virus. Tất cả những điều họ biết là những thứ mà họ đọc trên báo, và ta không thể thay đổi suy nghĩ của họ", Yang nói.

"Thậm chí nếu tôi cho họ xem visa của tôi, nói với họ tôi thường trú ở đây, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vì tất cả mọi thứ họ thấy chỉ là gương mặt Trung Quốc của tôi".

Trung Quốc và Việt nam là hai nhà nước độc tài, họ đã giấu diếm thông tin về dịch bệnh nguy hiểm đối với người dân, đều đó đã khiến cho loại virus này lây lan nhanh chóng và làm chết hàng nghìn người trên thế giới, con số ca tử vong vẫn đang tăng nhanh chóng mỗi ngày.
Chính sự mờ ám của nhà cầm quyền Cộng sản ở Trung Quốc và Việt nam đang làm hại người dân hai nước.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 23/02/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung
Published in Diễn đàn

Vụ việc xảy ra với xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 09/01/2020 là một việc làm ‘thiếu sáng suốt’ mà không một chính phủ nào trên thế giới tiến hành và đó là lý do một lá thư được gửi tới Tam trụ trong ban lãnh đạo tối cao của nhà nước Việt Nam, theo nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam.

vu1

Bức thư ngỏ do các ông Huỳnh Tấn Mẫm (bìa trái), Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu và Tương Lai (giữa)

Trong bức thư ngỏ đề ngày 22/01, nhóm ký tên gồm các ông :

1. Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu quốc hội Khóa VI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên ;

2. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh,

3. Lê Công Giàu, Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó bí thư thường trực Thành đoàn 1975, nguyên Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng Hàng không Pacific Airlines, Giám đốc Công ty Savimex và

4. Giáo sư Tương Lai, từng là thành viên ban cố vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam.

"Để chất vấn các vị về một việc làm ‘điên rồ’ và không một chính phủ nào ở trên thế giới này có thể làm một việc ‘điên rồ’ như thế khi dùng súng bắn vào dân lành, bắn vào một ông cụ già 84 tuổi, đã từng cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cứu nước.

Thật khó lý giải vì sao mà ông Nguyễn Phú Trọng lại ra lệnh bắn vào chính đồng đội của mình, bởi cụ Lê Đình Kình là một Đảng viên chưa bị khai trừ, đã gần 60 tuổi Đảng.

"Ông ta (Lê Đình Kình) là một đảng viên cộng sản, khi mà ông bị bắn đã 58 tuổi đảng. Thế thì đấy là một việc làm không thể nào giải thích được và nó gây nên một phẫn nộ cực kỳ lớn trong cả nước và trong dư luận quốc tế".

Giáo sư Tương Lai giải thích thêm với truyền thông quốc tế về mục đích bức thư ngỏ gửi đến Tam trụ triều đình cộng sản hôm 22/01 :

"Trong bối cảnh đó, chúng tôi muốn chất vấn những người cầm quyền phải giải thích cho chúng tôi vì sao lại có một việc làm ‘dã man, vô nhân đạo như vậy’ của một nhà nước tự xưng là của dân, do dân và vì dân, mà lại dùng lực lượng bạo lực phục kích với hàng trăm, hàng nghìn người như vậy về một cái làng, thôn Hoành, chỉ có nhiều lắm vài nghìn dân thôi ?".

Mục đích duy nhất của bốn vị trí thức cộng sản lão thành này là yêu cầu các vị Tam Trụ phải trả lời minh bạch.

"...và phục kích vào đêm khuya, xông vào nhà bắn chết người ta, rồi lên đài vu khống, rồi lại truy tặng huân chương chiến công hạng nhất (cho cảnh sát thiệt mạng) ? Đây là một việc làm quá ngoài sức tưởng tượng và vì vậy, chúng tôi yêu cầu phải làm minh bạch vấn đề này.

Ai ra quyết định đó ? Và căn cứ vào điều khoản nào trong pháp luật để mà truy bức dân lành và nói rằng họ chống lại người thi hành công vụ, họ chống lại việc bộ đội xây tường rào, rồi là vì họ (dân) tấn công lực lượng công an trước, cho nên công an phải nổ súng tiêu diệt ?

Tất cả những lời lẽ ấy trẻ con cũng không nghe được và họ càng lập luận, thì họ càng phơi bày bộ mặt… của họ mà thôi".

vu2

Đại biểu Dương Trung Quốc từng một lần về thăm cụ Lê Đình Kình đứng về phía dân làng Đồng Tâm khi phát biểu giữa Quốc hội chất vấn Bộ Công an.

Ông Dương Trung Quốctừng nói giữa Quốc hội rằng :

"…việc bắt giữ người như vậy có cần thiết với một ông già 80 tuổi đời 50 năm tuổi Đảng hay không khi mà phải dẫn dụ người ta ra ngoài đồng đi kiểm tra mốc giới để bắt ?

Tại sao không bắt một cách rất đàng hoàng như chúng ta thường thấy trên truyền hình, tại gia, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, của cư dân địa phương, kể cả của gia đình nữa. Nếu tâm phục khẩu phục người ta sẽ tuân thủ", ông Quốc nói.

Riêng tôi, với tư cách một nhà sử học, tôi thành thực nói rằng : gót chân Asin lớn nhất của Chính phủ là không đưa ra bằng chứng lịch sử", ông Quốc nhấn mạnh.

Lưu ý từ thời thượng cổ khi nói đến lãnh thổ, đất dai bao giờ cũng đi kèm bản đồ.

Người dân có quyền hỏi tạ sao không có bản đồ ? Nó gợi lại cho ta câu chuyện Thủ Thiêm, vì nhập nhèm bản đồ mà dân bức xúc, ông Quốc nói tiếp.

Và ông Quốc bày tỏ : "Trong việc này tôi nghĩ rằng Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ nhận được lòng tin của người dân".

Nhóm Giáo sư Tương Lai nêu một yêu cầu ngắn gọn : Cần ngưng ‘vu khống’, ‘thóa mạ’.

"Chúng tôi, những người từng trải qua ba cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bọn bành trướng, có người từng bị giam cầm đánh đập trong nhà tù Chí Hòa, nhà tù Côn Đảo trước 1975, nay vẫn còn thương tật trong người, chúng tôi hiểu rõ nỗi đau của thân nhân của người bị đối xử dã man như đã thấy.

Vì vậy, yêu cầu các vị – những người gánh trọng trách được dân trao – hãy trả lời minh bạch trước công luận trong và ngoài nước.

Mong sớm nhận được hồi âm trước khi chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – để chuyển cho ngài Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc".

Khi chưa có một Tòa án xét xử "tội phạm đã bị bắn chết" thì cần ngừng ngay những lời vu khống, thoá mạ người vửa bị hạ sát một cách dã man và hết sức bất minh đang được tiến hành rộng khắp trên các phương tiện truyền thông và báo chí nhà nước.

Bằng cách áp dụng quyền tố cáo tội ác quy định trong Bộ Luật hình sự, trước đó nhóm 12 người ở Hà Nội đã cùng ký đơn tố giác tội phạm gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội vì hành vi giết cụ Lê Đình Kình. Tiến sĩ Nguyễn Quang A (thứ hai từ trái qua) cùng nhóm nộp đơn tố cáo đến Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội).

vu3

Nhóm 12 người ở Hà Nội đã cùng ký đơn tố giác tội phạm gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội vì hành vi giết cụ Lê Đình Kình.

Họ đồng thời gửi đơn qua đường bưu điện tới Cơ quan Điều tra của Công an Thành phố.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A nói :

Đơn của chúng tôi chỉ có 3-4 dòng thôi. Thứ nhất là theo luật Việt Nam, thì mọi công dân khi thấy có chuyện bất công, thì có thể làm đơn tố giác tội phạm ấy. Việc cụ Kình bị giết thì ai cũng rõ rồi, Công an người ta cũng thông báo, rồi trên mạng xã hội, những video clips, rồi hình ảnh nói rất rõ.

Hay nói cách khác là đã xảy ra một vụ ‘giết người’, ông Quang A nói về vụ việc mà theo phía nhà nước, là một vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Chúng tôi không dùng tính ngữ, hay là cái gì có tính chất là phán xét cả, nhưng mà thực sự là đã xảy ra một vụ ‘giết người hết sức dã man và tàn bạo’.

Bây giờ những sự thực ấy được nêu ra ở trong kiến nghị của chúng tôi và chúng tôi theo đúng điều 144 của Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, thì chúng tôi tố cáo vụ ấy".

Phải chăng nhóm tam trụ lãnh đạo Việt Nam đã đạt được mục đích ở Đồng Tâm sau khi sát hại cụ Lê Đình Kình ?

Nguyễn Đăng Quang là Cựu đại tá An Ninh Việt Nam có 40 năm công tác, bất ngờ đưa ra lời lý giải cho mục đích của Bộ Công an – một công cụ của Đảng cộng sản đã bất ngờ tấn công làng Đồng Tâm và giết bằng được đảng viên lão thành cách mạng Lê Đình Kình bằng loạt đạn tiểu liên.

Đại tá Nguyễn Đăng quan sát vụ việc khá lâu nay mới lên tiếng, ông cho rằng : "một chiến dịch quy mô lớn với một lực lượng hùng hậu được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết"

Bộ Công an Việt nam đã tấn công vào làng Hoành Đồng Tâm với 4 mục đích chính :

1. Tiêu diệt bằng được cụ Lê Đình Kình ;

2. Tịch thu hết hồ sơ, tài liệu, chứng cứ mà đương sự đang cất giữ ;

3. Bắt bằng hết "nhóm Đồng thuận Đồng Tâm",

4. Phá hủy 3 ngôi nhà liền kề của đại gia đình Lê Đình Kình, để làm gương cho những kẻ khác !

Tất cả các ý kiến vừa trình bày trên đây đều là của những người Cộng sản, họ không thể lý giải được vì sao Người Cộng sản lại sẵn sàng giết hại nhau chỉ vì lợi ích đất đai.

vu4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trương Tô Lâm khen ngợi chiến công của Cảnh sát cơ động sau vụ tấn công vào làng Hoành Đồng Tâm sáng 9/1/2020

Bài viết về vụ thảm sát Đồng Tâm của Đại tá Nguyễn Đăng Quang có ghi :

Sao các người có thể tàn ác như vậy với đồng chí của mình, một đảng viên chưa hề bị kỷ luật đảng, một công dân chưa có tiền án, tiền sự, và chưa bị kết án là tội phạm trước bất cứ tòa án nào ?

"Vào 04 giờ sáng ngày 09/01/2020 khi mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ, và chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý ! Bạo lực đã đến, máu đã đổ, đưa đến một kết cục khiến toàn xã hội phải ghê sợ.

"Tôi khẳng định Đảng cộng sản Việt nam đã phạm sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi quyết định sử dụng bạo lực thay cho đối thoại ôn hòa hoặc tranh tụng pháp lý trước tòa, dẫn đến một kết cục đẫm máu cho cả 2 phía, gây chia rẽ trong xã hội và làm ly tán lòng dân !

"Thử hỏi, 93 triệu người dân Việt Nam, nhất là 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, từ nay có ai tin vào "chính sách đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc" của Đảng nữa hay không, khi Đảng đã ra tay sử dụng vũ lực để giết hại người dân ngay trong thời bình ? Qua vụ thảm sát Đồng Tâm này, có thể thấy rõ câu trả lời là : KHÔNG !

Khi kiến nghị của 4 vị lão thành Cách mạng tại Việt nam được gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngay trong lúc Chính phủ Việt Nam đang cử đại diện làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an, thì toàn thế giới sẽ biết đến tội ác của nhóm Tam Trụ bao gồm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra cho hàng triệu người dân Việt nam.

Hoàng Trung (tổng hợp) từ Hà nội

Nguồn : Thoibao.de, 29/01/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung
Published in Diễn đàn