Sự kiện hai tập đoàn dầu khí quốc tế ConocoPhillips và Perenco khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra một Hội đồng Trọng tài quốc tế gần đây thu hút sự chú ý của dư luận.
Việc các tập đoàn nước ngoài giàu có kiếm lời ở Việt Nam nhưng tránh đóng thuế được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và phúc lợi xã hội
Bài viết này nhằm điểm qua những vấn đề chính trong vụ kiện này và một số bài học cho Việt Nam.
Vì sao có vụ kiện này ?
ConocoPhillips là một tập đoàn dầu khí đa quốc gia lớn trên thế giới, trong đó có thành viên là ConocoPhillips UK là pháp nhân mang quốc tịch Anh. Tập đoàn này có nhiều hợp tác với Chính phủ Việt Nam để khai thác dầu khí.
Năm 2000, ConocoPhillips UK thành lập ConocoPhillips (UK) Gama Limited. Năm 2004, ConocoPhillips thành lập thêm ConocoPhillips (UK) Cuu Long là một pháp nhân khác. Cả hai công ty này đều thành lập tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.
Tòa án Anh - hình minh họa
Năm 2012, ConocoPhillips UK, chủ sở hữu của ConocoPhillips (UK) Gama Limited và ConocoPhillips (UK) Cuu Long đã bán hai công ty dầu khí này cho Perenco S.A. - là một công ty dầu khí đặt trụ sở tại Pháp, nhưng trong cơ cấu sở hữu vốn cũng có công ty của Anh.
Theo thông tin từ Anh Quốc cho biết, ConocoPhillips UK đã bán hai công ty này với giá 1,29 tỉ đôla, thu lợi nhuận 896 triệu đôla. Về mặt lý thuyết, lợi nhuận thu được của ConocoPhillips UK phải đóng thuế. Tuy nhiên, theo luật Anh Quốc thì việc chuyển nhượng cổ phần như trên không phải đóng thuế.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam lại nghĩ khác.
Theo Hiệp định thuế giữa Anh Quốc và Việt Nam ký và có hiệu lực năm 1994, thì khoản lợi nhuận thu được này của ConocoPhillips UK, cho dù Anh Quốc không thu thuế thì Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đánh thuế. Số tiền thuế phải nộp cho Chính phủ Việt Nam cho thương vụ này của ConocoPhillips UK ước tính khoảng 179 triệu đôla.
Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã gửi thư yêu cầu ConocoPhillips UK và Perento S.A. phải nộp thuế cho thương vụ này. Nhưng cả ConocoPhillips UK lẫn Perento S.A. đã từ chối yêu cầu nộp thuế.
Để tránh việc nộp thuế này, đồng nghĩa với mất 179 triệu đôla lợi nhuận, năm 2017 ConocoPhillips UK và đối tác mua là Perenco S.A. cùng nhau đệ đơn khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài quốc tế , dựa theo các điều khoản bảo hộ nhà đầu tư trong Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ đầu tư được ký kết giữa Anh Quốc và Việt Nam năm 2002.
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ đầu tư 2002 thì vụ kiện sẽ do một Hội đồng trọng tài được thành lập theo Quy chế Trọng tài của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc phán xử.
Vấn đề pháp lý trong vụ kiện
Cho tới nay, tất cả các thông tin về vụ kiện này đều được các bên giữ kín.
Tuy nhiên, vấn đề pháp lý quan trọng nhất của vụ kiện mà các bên cùng phải chứng minh, đó là nguồn gốc nào dẫn tới lợi nhuận 896 triệu đôla trên đây ? Và nó được hình thành tại đâu ?
Phía ConocoPhillips UK sẽ có thể lập luận rằng, việc thực hiện thương vụ được tiến hành bởi các pháp nhân mang quốc tịch Anh Quốc, diễn ra trên lãnh thổ Anh Quốc, cho nên không có lý do gì mà họ phải nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam.
Còn Chính phủ Việt Nam sẽ có thể lập luận rằng, nguồn gốc của lợi nhuận 896 triệu đôla này là phát sinh từ các mỏ dầu tại Việt Nam, thuộc sở hữu của Chính phủ Việt Nam, nên Chính phủ Việt Nam phải được quyền thu thuế cho khoản lợi nhuận trên.
Mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình. Phía Chính phủ Việt Nam sẽ là đại diện cho quan điểm của các quốc gia đang phát triển, theo đó, lợi nhuận thu được từ các nước giàu mà phát sinh từ các nguồn tài nguyên của các nước nghèo, phải nộp thuế cho quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên đó.
Còn về phía ConocoPhillips UK thì sẽ cho rằng các nhà đầu tư phải được bảo vệ trước các đe dọa lạm quyền từ phía các quốc gia mà họ đến đầu tư.
Đã có nhiều trường hợp các quốc gia đang phát triển, lạm dụng quyền lực và hệ thống luật pháp của mình để tước đoạt tài sản từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Ví dụ chính phủ Venezuela quốc hữu hóa tài sản của các công ty dầu mỏ Hoa Kỳ đầu tư tại Venezuela hay Nga quốc hữu hóa tài sản của Yukos, dù trong đó có các cổ đông là công ty nước ngoài.
Còn ở Việt Nam có vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam học được gì ?
Cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã bị các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện 8 vụ, đây là hệ quả tất yếu khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, dù thắng hay thua, tất cả các thông tin về các vụ kiện liên quan, Chính phủ Việt Nam đều giữ kín. Trong khi trên thế giới, thông tin và phán quyết của các vụ kiện tương tự luôn được công khai.
Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ tư pháp đại diện và phụ trách các vụ kiện loại này, và tất cả các tài liệu về các vụ kiện tương tự đều được đóng dấu mật.
Chính phủ Việt Nam muốn thắng trong vụ kiện này không phải là một chuyện dễ dàng. Việc bị khởi kiện đã cho thấy Chính phủ Việt Nam ở thế bị động.
Rất có thể, khi Bộ Tài chính muốn đánh thuế thương vụ này, đã không tham khảo ý kiến của các luật sư quốc tế hoặc các luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vụ kiện khó khăn bởi vì chưa có một tiền lệ nào hoàn toàn giống như thế.
Nếu Chính phủ Việt Nam thắng, sẽ tạo ra một án lệ tốt cho nhiều nước đang phát triển đang gặp phải những vụ tương tự.
Hẳn nhiên, phía Việt Nam khó có thể có công ty luật hoặc luật sư nào có thể đảm đương việc trực tiếp đứng ra bảo vệ Chính phủ Việt Nam trong các vụ kiện như vậy.
Thông thường, Bộ tư pháp sẽ giao cho Vụ luật pháp quốc tế phối hợp với một công ty luật Việt Nam để thuê một công ty luật nước ngoài, thường là từ Hoa Kỳ, để tiến hành việc bảo vệ Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện.
Nhưng tôi cho rằng chuyện Chính phủ Việt Nam giữ kín thông tin các vụ nhà đầu tư kiện Chính phủ Việt Nam sẽ có hại hơn là có lợi.
Trong việc hội nhập thế giới, việc bất đồng quan điểm và lợi ích giữa các bên là chuyện bình thường, điều đó sẽ dẫn đến tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp thông qua các Tòa án quốc tế và vận dụng luật quốc tế để bảo vệ lý lẽ của mình là một cuộc chơi sòng phẳng, công bằng.
Các nước đang phát triển như Việt Nam nếu có thể sử dụng luật quốc tế để chống lại các nước lớn thì đó là những chuyện nên làm hơn là để xảy ra xung đột.
Hồi 2004, tổng thống Venezuela, Hugo Chavez đột nhiên đơn phương tăng lệ phí khai thác dầu khí áp đặt lên các công ty nước ngoài từ 1% lên 16,6%
Những ví dụ về vụ Nicaragua kiện Mỹ năm 1986 hay vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 là minh chứng cho thấy tác dụng tốt của luật quốc tế để chống lại cường quyền như thế nào.
Việc giữ kín thông tin về các vụ kiện (cho dù Tòa đã có phán quyết như vụ Trịnh Vĩnh Bình) cho thấy, làm thế nào để Chính phủ Việt Nam có thể rút ra các bài học kinh nghiệm, hòng tránh cho những vụ kiện tương tự trong tương lai ?
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, thì việc thắng thua các vụ kiện như vậy, cũng nên coi là chuyện bình thường, không chỉ thắng thì khoe khoang còn thua thì giấu biệt.
Vì phía Việt Nam có đóng dấu mật đi chăng nữa, cũng có những thông tin lọt ra phía nước ngoài. Chưa kể, dư luận có thể nghĩ rằng, Chính phủ bưng bít thông tin, điều đó sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía người dân.
Thêm nữa, người dân có quyền biết, việc chi trả chi phí các vụ kiện được thực hiện thế nào, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu trực tiếp dẫn đến việc các nhà đầu tư kiện như vụ Trịnh Vĩnh Bình. Vì nói cho cùng, tất cả các chi phí đó, từ cho luật sư đến lệ phí trọng tài hoặc bồi thường nếu thua kiện, đều lấy từ ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế do nhân dân đóng góp.
Cần cải tổ gấp môn công pháp quốc tế
Một vấn đề nữa là Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực về công pháp quốc tế. Mặc dù, trong tương lai gần, khó có người nào trong giới luật học Việt Nam có thể trở thành các luật sư quốc tế trực tiếp đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong các vụ kiện quốc tế như vậy.
Tuy vậy, cũng cần phải chuẩn bị cho tương lai xa, mà gần nhất là cần những người có thể phân tích và diễn giải những vụ kiện như vậy cho công chúng hiểu. Theo cách phân chia của luật pháp phương Tây, chỉ cần một bên tham gia là nhà nước thì thuộc lĩnh vực của công pháp.
Bản chất của các vụ nhà đầu tư kiện chính phủ là thuộc về công pháp. Các luật sư thương mại thông thường ở Việt Nam khó có thể hiểu được những vụ kiện công pháp quốc tế như vậy, nếu không có kiến thức nền tảng tốt về công pháp quốc tế.
Chẳng hạn, nguồn của luật quốc tế được viện dẫn trong tranh tụng, việc diễn giải các điều khoản của các Hiệp định đầu tư quốc tế, cách thức thu thập và sử dụng bằng chứng, nghĩa vụ chứng minh trước tòa...
Trên thế giới, đa phần các vụ kiện như vậy do các luật sư quốc tế đồng thời cũng là các giáo sư công pháp quốc tế đảm nhận.
Còn ở Việt Nam, môn công pháp quốc tế thường là bị rẻ rúng, giáo trình thì thường ảnh hưởng của Liên Xô trước đây, lạc hậu về nội dung và phương pháp giảng dạy.
Có lẽ các trường có dạy công pháp quốc tế cần đưa những nội dung về nhà đầu tư kiện chính phủ vào chương trình giảng dạy chính thức, để thấy được tầm quan trọng của công pháp quốc tế, không chỉ là việc rao giảng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà thôi.
Hoàng Việt
Nguồn : BBC, 10/07/2019
Hoàng Việt là giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và là nhà nghiên cứu Luật Quốc tế.
Rosneft, hãng dầu khí của Nga vào trung tuần tháng 5 cho biết bắt đầu khoan dầu tại vùng biển phía nam Việt Nam ; tuy nhiên cũng bày tỏ lo ngại hoạt động đó khiến Trung Quốc phản ứng như đã từng gây sức ép buộc tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút khỏi dự án ở Việt Nam.
Hãng dầu khí của Nga bắt đầu khai thác thăm dò dầu khí hôm 15/05 ở ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu Reuters
Đài RFA đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Hoàng Việt, Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông. Trước hết ông đưa ra nhận xét về phản ứng của chính phủ Hà Nội về hành xử của Bắc Kinh trong vấn đề các nước khác hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông.
Hoàng Việt : Thực ra mà nói trong vụ Repsol mà Việt Nam phải rút 2 lô là Lô 136.03 và lô 07.03 thì cho thấy Việt Nam có một sự tính toán sai. Ở đây Việt Nam có một phép thử, Việt Nam muốn thử xem là Việt Nam có khả năng làm điều đó và Trung Quốc có phản đối hay không. Tuy nhiên, với sức ép của Trung Quốc thì Việt Nam đã phải rút hai lô đó. Và báo chí đã cho biết là Việt Nam đã phải bồi thường cho Repsol khá lớn, thì đó là một thất bại. Và cho đến cái lô mà gần đây nhất gọi là Lan Đỏ, lô 06.01 thì trước đây, có người cho rằng khi mà Việt Nam rút khỏi 2 lô 136.07 và lô 07.03 thì Việt Nam đã thất bại hoàn toàn thì tôi vẫn
cho rằng đó là một cái nút đỏ chúng ta phải xem xét trong cả quá trình. Và cho đến bây giờ với việc tiếp tục yêu cầu Rosneft khai thác trong khu vực lô 06.01 nằm sát lô 07.03 và như vậy nó cũng là một phép thử và cho thấy sự kiên trì của Việt Nam trong trường hợp này. Và nó cũng thấy là nếu như Repsol chỉ là một công ty tư nhân của Tây Ban Nha, chính phủ Tây Ban Nha không có sự can thiệp mạnh và bản thân chính phủ Tây Ban Nha cũng không có tiếng nói mạnh trên trường quốc tế thì công ty Rosneft là công ty có vốn của chính phủ Nga, và chính phủ Nga cũng là một cường quốc trong trường hợp này. Thế thì cũng sẽ xem xét và cho đến nay thì cái phản ứng dành cho vụ Rosneft trong cái Lô 06.01 Lan Đỏ này khác hẳn so với phản ứng đối với 2 lô trước. Còn lại thì chúng ta vẫn phải chờ xem trong thời gian tới diễn biến như thế nào thì chúng ta mới có thể nhận định thêm được.
RFA : Trong trường hợp mà Trung Quốc phản đối và gây sức ép buộc Rosneft cũng phải rút lui như trường hợp của Repsol hay Exxon Mobil thì thiệt hại dự kiến đối với Việt Nam sẽ là như thế nào, thưa ông ?
Hoàng Việt : Nếu lô này mà Việt Nam rút tiếp thì cho thấy những phép thử của Việt Nam hoàn toàn thất bại và nó sẽ có một viễn cảnh rất xấu. Viễn cảnh thế nào ?
Thứ nhất là bây giờ nguồn thu của chính phủ Việt Nam từ dầu khí rất là lớn. Và theo tôi được biết thì trữ lượng của khu vực này rất lớn và đem lại nguồn thu lớn cho chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang rất khó khăn về tiền bạc lúc này.
Thứ hai là nó cho thấy chính sách của Việt Nam đối với các công ty dầu khí trên thế giới. Nếu mà Việt Nam thất bại trong trường hợp này, rõ ràng là cái uy tín của Việt Nam càng ngày càng suy giảm và trong tương lai việc Việt Nam mời thầu các công ty dầu khí sẽ rất là khó.
Và cái thứ ba nữa là cái thái độ của Việt Nam, nó cho thấy là khi mà Việt Nam càng xuống thì Trung quốc sẽ càng tiến lên. Và từ những cái việc đó thì có khả năng là trong một tương lai dài sắp tới thì Việt Nam khó mà có thể khai thác được ở những khu vực mà Trung Quốc cho là nằm trong khu vực đường lưỡi bò của họ. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, những mỏ gần thì đã khai thác gần hết rồi còn những mỏ xa đụng đến sự phản đối của Trung Quốc như vậy họ phải rút hết.
RFA : Trước thực tế này, một số nhà quan sát cho rằng liệu Việt Nam có nên hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác dầu. Nhận định của ông như thế nào đối với giải pháp này ?
Hoàng Việt : Ý tưởng này không phải là mới lạ. Philippines thì cũng đang cố gắng làm điều này mặc dù một số người đối lập đều muốn ngăn cản điều này. Bởi vì Philippines thì còn nhiều khó khăn hơn, còn nhiều rào cản rất chặt chẽ trong đó có hệ thống hiến pháp, pháp luật của Philippines. Và nền tư pháp của Philippines thì là độc lập nên nếu có thể thì họ sẽ tuyên bố là vi hiến và với hành động vi hiến thì khó mà tổng thống Duterte có thể thực hiện được.
Và đó cũng nằm trong chiến lược của Trung Quốc : Chiến lược của Trung Quốc là một mặt ngăn cấm không cho Việt Nam và các quốc gia khác như Philippines khai thác ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của chính họ nhưng Trung Quốc lại đưa ra một cái bẫy là "gác tranh chấp cùng khai thác", tức là các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cùng hợp tác khai thác trên khu vực đó.
Thế thì phương án đó có lợi không, câu trả lời là không được, nó không có lợi. Vì sao ? Vì nguyên si cái chính sách đó đã được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra từ thập niên 90 với tên đầy đủ là "chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp cùng khai thác".
Thứ nhất, nếu hai bên mà cùng khai thác thì mặc nhiên Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực đó. Đó là cái thứ nhất.
Thứ hai là theo công ước luật biển năm 1982 thì rõ ràng vùng đặc quyền kinh tế nó sẽ nằm trong quyền , chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. Việt Nam là quốc gia ven biển nên Việt Nam sẽ được toàn bộ quyền, chủ quyền và quyền tài phán, tức là tất cả các quyền khai thác tài nguyên hải sản và dầu khí trên khu vực biển đó cũng như thềm lục địa đó.
Thế thì rõ ràng Trung Quốc chơi bài rất hay đến nhà người khác và mời người khác hợp tác ngay trên mảnh đất của nhà họ. Đó là điều rất nguy hiểm. Nếu Trung Quốc làm được điều này thì có nghĩa là Trung Quốc đã thành công bởi vì bao nhiêu năm nay họ vẫn muốn điều đó thành sự thật.
Và nếu chỉ cần một trong hai quốc gia là Philippines hoặc Việt Nam tạo tiền lệ thì Trung Quốc sẽ lấn tới và sau này sẽ buộc tất cả các quốc gia của ASEAN phải tuân theo cách này của Trung Quốc. Đó chính là vấn đề.
RFA : Xin cảm ơn ông.
Nguồn : RFA, 22/05/2018
BBC mới đây đã đăng bài viết của phóng viên Bill Hayton nhận định "Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa thực ra là một sai lầm".
Việt Nam từng tổ chức triển lãm, trưng bày các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Tìm hiểu thêm phản ứng từ Việt Nam, BBC đã hỏi ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban nghiên cứu luật biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
BBC : Ông Bill Hayton cho rằng "tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ mới nổi lên, phát sinh từ việc biên dịch tồi và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930"...
Hoàng Việt : Có điểm tôi đồng ý với nhà báo Bill Hayton ở chỗ là Trung Quốc đã đưa ra các bằng chứng chủ quyền của họ lệch lạc so với tài liệu nguyên gốc của chính họ.
Nhưng có điểm tôi không đồng ý với Bill Hayton ở chỗ là, không phải do bị nhầm lẫn hoặc dịch thuật sai mà Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền như vậy trên Biển Đông.
Mà đúng ra là bởi vì người Trung quốc họ đã nhìn thấy các lợi ích to lớn về biển cả mang lại, nên họ phải tìm mọi cách để chiếm hữu Biển Đông, để từ đó họ mở cánh cửa vươn ra thống trị thế giới.
Dựa trên mục tiêu đó, họ cố tình phải tìm mọi cách để chứng minh và thực hiện việc chiếm hữu của họ đối với Biển Đông. Và vì thế, họ đã cố tình ngụy tạo, biến đổi các tài liệu lịch sử mà họ có để phụ họa cho luận điểm của họ.
Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc tuyên bố là họ đã chiếm hữu các quần đảo ở Biển Đông từ thời nhà Hán (trước Công nguyên). Làm gì có chuyện đó chứ. Với các bằng chứng lịch sử và sự hình thành quốc gia dân tộc cùng với sự ra đời của luật quốc tế trên thế giới đều không thấy yêu sách kiểu đó là nghiêm túc.
BBC : Ông từng được tiếp cận với những bản đồ nào cho cái nhìn khác về chủ quyền trên Biển Đông, so với tuyên bố hiện nay của Trung Quốc ?
Hoàng Việt : Các bản đồ chỉ có một giá trị giới hạn trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh thổ thất định.
Các bản đồ càng về sau, với các yếu tố kỹ thuật chính xác thì còn có giá trị pháp lý cao hơn. Còn các bản đồ cổ, với sự hạn chế về kỹ thuật lúc đó, chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia.
Việc khẳng định chủ quyền của một quốc gia phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Các tài liệu lịch sử Trung Quốc cho thấy rõ ràng là cho đến năm 1932, lãnh thổ Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam mà thôi.
Có rất nhiều bản đồ của cả phương Tây và của cả Trung Quốc đều chứng minh vấn đề này. Chúng ta còn nhớ năm 2016, Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết là yêu sách "quyền lịch sử" của Trung Quốc trong đường lưỡi bò là vô căn cứ, vô giá trị.
BBC : Các tư liệu bản đồ về chủ quyền trên Biển Đông đã và có thể đóng góp gì cho Việt Nam trong việc khẳng định/bảo vệ chủ quyền của mình trên vùng biển tranh chấp ?
Hoàng Việt : Như đã nói ở trên, các bản đồ nói chung chỉ đóng một vai trò hạn chế trong việc xác định chủ quyền quốc gia trên một vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, việc có nhiều bản đồ cùng chứng minh rõ là Trung Quốc hoàn toàn không dựa trên các bằng chứng lịch sử một cách nghiêm túc, khách quan và rõ ràng thì cũng cho thấy mục đích thực sự của người Trung Quốc là thế nào.
Cũng như các bằng chứng họ đưa ra chỉ là ngụy tạo. Điều đó cũng giúp cho nhân dân trên thế giới hiểu thêm về Trung Quốc và cái gọi là yêu sách của họ trên Biển Đông.
BBC : Tại sao cho tới nay các bản đồ này rất ít được biết đến ?
Hoàng Việt : Các bản đồ này trong giới nghiên cứu thì biết khá nhiều, nhưng nói chung người dân bình thường thì khó tiếp cận, chưa kể khả năng hiểu và phân tích bản đồ cổ không mấy người làm được, cho nên mức độ quảng bá các bản đồ này chưa nhiều.
Thêm một điều nữa là ở Việt Nam hiện nay, những người thực sự nghiên cứu sâu về bản đồ cổ không nhiều, và các nghiên cứu này cũng chưa được công bố trên các ấn phẩm quốc tế bằng tiếng Anh nên người dân trên thế giới nói chung khó tiếp cận. Điều này cần phải được khắc phục trong thời gian sắp tới.
BBC : Nếu phân tích của nhà báo Bill Hayton là đúng, điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển ?
Hoàng Việt : Phân tích của Bill Hayton giúp chúng ta làm rõ một điều, các chứng cứ và lập luận cho yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc rất yếu.
Qua phán quyết của phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, chúng ta đã thấy rõ điểm yếu này.
Và như vậy, yêu sách trên Biển Đông của Việt Nam có thế mạnh nhất định, điều quan trọng là Việt Nam phải phát huy được thế mạnh ấy trên thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 13/04/2018